Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Những Ngày Vui Tuổi Ngoại



15-4

Chiếc xe đò thả mình xuống ở một quán nước bên vệ đường. Mình xách va ly một mình ngơ ngác, lối nào vào nhà ngoại nhỉ. Cảnh vật quá lạ với mình, sau gần ba tháng chưa về. Nắng chói vào mắt mình những tia nắng thật khó chịu. Mình phân vân mãi. Phải chi hôm qua nói anh Tâm dặn chị Loan ra đón mình thì được rồi. Dại thật. Mình tự trách mình. Vài cô bé đen đủi dẫn trâu đi ngang, chợt dừng lại ngó chăm chăm vào mình. . Mình hơi khó chịu, bắt buộc phải nhìn thẳng vào "họ" để trả đũa, chắc tại chiếc jupe đỏ này...

Đứng dưới bóng mát của tàn cổ thụ, mình phóng tầm mắt về xa trong khi trí óc vẫn đang moi móc tìm kiếm một chi tiết quen thuộc. Phải rồi, mình nhớ ra rồi. Đường vào nhà ngoại là con đường đất đỏ, quanh co như con rắn, có hai bụi tre làm cổng đi vào. Đúng rồi. Đúng rồi. Mình mừng như vừa uống xong một ngụm nước mát. Thôi xách va ly lên chớ. Dù sao thì mình cũng không đến nỗi ngu tối gì như lời anh Tâm thường "xuyên tạc".

Nắng như muốn bốc lửa trên da thịt. Mình khó chịu nhưng vẫn cố gắng bước đi. Một con đường hiện ra đàng xa. Có cả bụi tre nữa, nhưng sao chỉ có một. Hay là ai đốn về làm củi rồi. Mình cười nụ với ý nghĩ đó. Con đường cũng chẳng quanh co quanh kéo gì hết. Mình thất vọng thật sự. Mồ hôi ra đẫm ướt hai bên thái dương. Chiếc va ly dường như cũng mỏi mệt lăn kềnh ra đất. Vài chiếc xe đò phóng vụt qua, để lại những đám bụi khó thở.

Không lẽ đứng đây hoài, mình lại xách va ly đi sâu vào con đường này. Mình nghĩ phải hỏi thăm những người ở đây mới được.. Ý nghĩ này đến làm mình phấn khởi nhiều. Con đường phần ngoài thì nắng chói chang, nhưng càng vào trong thì càng đầy bóng mát. Mình ngừng lại trước một căn nhà lá lụp xụp. Nơi nầy, cạnh giếng nước, một cô gái trạc tuổi mình đang làm việc. Mình giả bộ gây tiếng động để cô gái quay lại, trong lúc đôi mắt vẫn dòm chừng... chó. Tánh mình sợ chó đã quen rồi, thành thử trước khi vô một nhà nào, đôi mắt vẫn láo liên hoạt động không ngừng.

Cô gái bỏ dở công việc rửa tay, nhìn mình, hơi ngạc nhiên. Mình nói rõ ý định, cô gái chăm chú nghe, đôi mắt đẹp trong bỗng sáng lên:

- Nhà ông Sáu hả. Gần đây nè chị.

Cô gái nắm tay mình, dắt đi, rất tự nhiên. Mái tóc xõa hai bên bờ vai, càng làm tăng nét đẹp dịu hiền. Tự dưng niềm thương mến trào dâng trong hồn mình.

- Đến nhà ông Sáu rồi đó chị.

Tiếng mình lí nhí:

- Cám ơn chị nhé!

Cô gái vỗ vai mình:

- Ồ! Có gì đâu chị lại nói vậy. À, tên chị là gì?

- Phương. Còn chị?

- Tên em xấu lắm.

- Tên thì cần gì xấu đẹp.

- Tên em là Trâm.

Mình kêu lên:

- Ồ! Tên vậy mà xấu.

- Thôi vô nhà đi Phương.

Mình siết chặt tay Trâm:

- Trâm vào với Phương đi.

Nói đoạn mình kéo Trâm thẳng vào nhà. Chị Loan ở bên vườn hoa, nghe tiếng mình, phóng vội ra:

- Dữ hôn! Giờ nầy mới thấy mặt con Phương.

Chị nhìn Trâm đứng cạnh mình, hơi ngạc nhiên:

- Ủa! Tụi bây quen nhau hồi nao mau quá vậy?

Mình cười cười nhìn người bạn mới:

- Dạ, tụi em mới vừa quen đó. Không có Trâm em đi lạc vào bưng rồi.

- Vậy hả? Vậy mà tao đâu có biết. Tao cứ ỷ y mầy biết nhà rồi chứ. Thôi vô đây hai em.

Tiếng Trâm:

- Thôi xin phép chị Loan và Phương em về. Lát nữa em sẽ trở lại đây chơi.

Mình nói vói theo Trâm:

- Nhớ trở lại nghen.

Chị Loan nắm tay mình:

- Thôi vô Phương.

Mình hỏi:

- Ngoại đâu rồi chị?

- Ngoại vừa ra ruộng. Có lẽ ngoại cũng sắp về. À... mà Phương ơi! Ngoại về rồi kia...

 
  16-4

- Hôm nay cháu Phương có muốn đi chơi với ngoại không nè?

Ngoại vừa hỏi vừa nhóp nhép nhai trầu.

- Đi chơi? Mà đi đâu vậy ngoại?

- Đi câu cá.

- Đi câu cá hả ngoại? Con chịu gấp. Con sửa soạn đồ nghe ngoại.

- Xa lắm à, mỏi chân thì ráng chịu nghen.

Mình không phân vân do dự chút nào hết, vội vàng vào buồng thay chiếc áo ngắn, màu trắng.

- Rồi chưa ngoại?

- Tao tính hỏi mầy thì mầy đã hỏi tao. Bây giờ đi nghen.

- Dạ. Ngoại đưa cần câu con xách cho.

- Xách nổi hôn?

Mình chu môi:

- Ngoại ghẹo con nữa.

Chị Loan từ sau bếp bước lên.

- Phương cho chị gửi mấy gói nầy.

- Gói gì vậy chị?

- Bí mật cấm bật mí.

Ra đến đầu ngõ, chợt nhớ đến Trâm, mình nói với ngoại.

- Ngoại ơi! Ngoại chờ con một chút nghe, con kêu Trâm đi nữa.

Không chờ ngoại bằng lòng, mình băng chạy vào nhà Trâm:

- Trâm ơi! Đi câu cá không?

- Đi.

- Có ngoại Phương nữa kìa. Sửa soạn lẹ lên Trâm.

Lúc sau hai đứa trở ra bên ngoài. Tiếng ngoại ngạc nhiên:

- Hai đứa làm quen nhau hồi nào đó?

- Dạ cũng mới hôm qua đó ngoại.

Mình đi giữa Trâm và ngoại. Mình tíu tít như con chim non vừa rời tổ, nhảy nhót tưng bừng. Vùng trời đàng xa như mở rộng đón mừng những bụi lá ướt đẫm sương mai. Gió sớm lành lạnh.

- Tới rồi chưa ngoại?

- Còn mười mấy cây số nữa.

- Ngoại lại trêu con.

Trâm cười to, ngó mình:

- Ông Sáu  nói chơi đó. Gần tới rồi.

- A! Trâm ơi! Bướm ở đây sao đủ màu hết vậy. Đẹp quá há Trâm.

- Phương muốn bắt không?

- Để chi?

- Ép tập chơi.

À phải rồi, ép tập chơi. Mình chợt nhớ đến thú vui con gái đó. Mình dặn Trâm bắt được bao nhiêu bướm xin trao hết cho Phương, rồi khi về, Phương sẽ đem khoe tụi bạn, cho tụi nó lé mắt chơi.

Ba người vừa đi khỏi đường làng. Bây giờ bắt đâu nương theo những bờ đê ốm và dài.

- Phương đi cho khéo nghen, té đau lắm đó.

- Bờ đê gì ốm tong teo như cây que.

- Phương biết sao hôn?

- Sao Trâm?

Trâm vừa đi vừa kể cho mình nghe những cuộc đụng độ trước đây. Nào là súng đạn, nào là bom lửa. Cánh ruộng xơ xác hoang tàn thấy rõ. Do vậy có những khúc đê bị cày nát phân nửa, như mình đang đi đây.

Mình nghe Trâm nói, le lưỡi khiếp sợ. Vậy là mình đang ở trong vòng đai chiến tranh. Mình nhớ hồi đêm qua, tiếng súng dậy một góc trời. Tưởng chừng như đêm giao thừa. Mình lo sợ vô cùng. Nhưng ngoại và các người ở đây sao có vẻ điềm nhiên bình thản thế kia. Hỏi ngoại, mình mới được biết, ở đây người ta đã quá quen với kiếp sống trong cảnh hải hùng đó rồi. Mình ngẩn ngơ, chép miệng một mình: chiến tranh...

Cánh đồng thẳng băng, như tấm khăn trải phủ lên bàn. Vài chòm cây phất phơ lá. Cô đơn. Yên lặng. Mình bỗng dưng buồn. Quê hương mình giờ tan nát hết. Ôi! Chiến tranh, tai họa nầy biết đến bao giờ mới chấm dứt?

Trâm phá tan cái không khí căng thẳng đó bằng bài hát "Em Bé Quê" của Phạm Duy. Âm thanh nhỏ, trong, bay vút lưng trời. Chừng như gió cũng hòa điệu theo Trâm, vi vút bên tai mình.

Mình lắng nghe Trâm hát. Niềm vui đột ngột kéo về. Vài con cò trắng lướt vút ngang, vẽ cho bức tranh cô độc đồng quê những nét linh động, dù thật nhỏ nhoi. Trâm ngừng tiếng hát. Ngoại đưa tay vuốt râu. Chòm râu bạc phơ. Mình thấy yêu màu sắc đó làm sao. Những ngày còn nhỏ, mình thường nũng nịu, ve vuốt chòm râu đó của ngoại, để xin tiền ăn vặt. Kỷ niệm còn loáng thoáng trong hồn...

Con lạch nhỏ nằm ngoan hiền bên gốc cây trâm. Nước trong veo, hơi gợn sóng lăn tăn. Những đám bèo chia nhau vây chiếm một vùng. Mình ngồi xuống gốc cây, thở dốc.

Ngoại nói:

- Con Phương mới đi có một khoảng xa mà đã thở dốc như bò. Coi bộ mệt mỏi lắm, con gái gì mà yếu xịu. Coi con Trâm đây nè, nó có mệt như mầy đâu.

Nếu không có Trâm, chắc chắn mình sẽ khóc và ngoại sẽ mất một hồi lâu để dỗ dành. Nhưng ngặt có Trâm mình khóc cũng kỳ. Trâm đỡ lời cho mình:

- Chắc tại Phương chưa quen đó ông Sáu.

Ngoại bước tới gần mình:

- Mới nói vậy mà bày đặt giận hờn rồi. Thôi cho ngoại xin đi.

Dù sao thì tính tuổi thơ hay hờn dỗi vẫn còn trong mình. Ngoại đứng lên, cầm cần câu trong tay và lấy trớn ném cái phao đi thật mạnh. Nước bắn lên, làm thành những vòng tròn vây quấn rất đều.

- Ngoại ném xa quá.

- Bây giờ con thi đua với ngoại đi.

Mình cầm phao, cũng lấy trớn, và ném mạnh. Cái phao không đi xa quá ba thước. Thua ngoại xa. Mình thẹn thùng đỏ mặt giữa tiếng cười của ngoại. Ngoại lại dỗ dành. Gió hây hẩy thổi. Tóc ngoại phất phơ. Ngoại bỗng dưng cất tiếng hát. Tiếng hát trong một bài ca dao thuần túy mình đã học. Tiếng ngoại không trong, nhưng ấm, tựa như tiếng ru hiền hòa của dòng suối nhỏ bên khe đá một ngọn núi cao. Chưa bao giờ mình nghe ngoại hát và lại hát hay đến thế. Ngoại vẫn hát, như đem trọn tâm hồn thanh đạm, chất phác của mình gửi vào bài ca dao ấy.

Trâm cũng im lặng lắng nghe. Tiếng ngoại trầm xuống, loãng tan trong vùng im vắng. Mình vỗ tay:

- Ngoại ca hay quá.

Ngoại không nói, cười cười. Bỗng có tiếng Trâm:
 
- Có tiếng súng nổ.
 
Mình hoảng quá nép sát vào ngoại. Ngoại trấn an:
 
- Lại đánh nhau, nhưng xa mình lắm. 

Rồi ngoại thở dài:

- Giặc giã hoài. Chẳng biết lúc nào bình yên.

Súng nổ dòn một lúc rồi im bặt. Lần đầu tiên mình ở giữa một trận đánh. Nếu không có ngoại và Trâm chắc mình chết khiếp mất.

- A! Cá cắn câu rồi đó Phương. Giựt lẹ lên đi.

Mình run run cầm lấy cần câu và...

- Con cá bự quá ta. Con Phương vậy mà hay thiệt...

Mình tưởng chừng không có gì sung sướng bằng lời khen đó của ngoại. Trâm cũng khen mình mới câu lần đầu mà quăng mồi giỏi quá. Con cá trê dẫy dụa tưng bừng. Nhưng làm sao thoát nổi tay mình. Mình nghĩ đến bữa cơm sắp tới, rồi chợt nghe thèm thèm. Trâm bắt cá bỏ vào đục. Nó vẫn cố sức vùng vẫy. Nó muốn sống, muốn trở về kiếp sống ngày xưa. Chắc nó đang oán trách loài người. Mặc nó...

Mình và Trâm ngồi bên nhau tâm sự thật gắn bó. Mình biết Trâm đã học hết bậc tiểu học, rồi vì hoàn cảnh, phải bỏ học. Mình thương Trâm vô cùng. Có lẽ đây là người bạn miền quê mình mến nhất.

Ngoại hỏi:

- Hồi nãy chị con gởi con gói gì đó Phương?

- Con cũng hổng biết nữa. Để con giở thử nghe ngoại.

Mình cầm hai "vật lạ" trên tay mà trí óc hoạt động lung tung. Không biết đây là hai gói gì.

- Ngoại ơi! Hai gói sôi to tướng, và một gói mè.

Mình thấy chị Loan thật hết lòng vì mình. Chị lo đủ cả, để cuộc vui không bị gián đoạn vì một thiếu sót nhỏ nào đó.

- Con dọn ra đây rồi mình ráp lại ăn. Ngoại đói dữ đa.

Hai gói sôi nằm ngoan trên bãi cỏ mướt xanh. Bữa ăn đạm bạc giữa trời bắt đầu. Ngoại ăn trông thật ngon và mình cũng vậy. Trâm thì có vẻ không tự nhiên mấy. Mình thúc giục Trâm hoài, nên Trâm ăn có vẻ thật tình hơn trước.

Bữa ăn chấm dứt rồi. Mình thấy ngon lạ. Trâm nói:

- Bây giờ Phương muốn ăn trâm không?

- Ngoại ăn hôn ngoại?

- Tao ớn trâm thứ đó rồi. Mầy có ăn thì hái mà ăn.

Trâm thoăn thoắt leo lên cây trâm cạnh bên. Mình cũng theo Trâm, nhưng leo chậm hơn.

Ngoại dặn chừng:

- Coi chừng té đó Phương.

- Con leo rành lắm.

- Rành mà còn vết thẹo bên cánh tay phải kìa.

Mình đỏ bừng mặt, ngoại vừa khơi lại trong mình một kỷ niệm thời ấu trĩ...

Cuộc vui cứ vậy kéo dài trong tiếng cười thân ái của ba người. Đục đã đầy ắp cá, lớn có, nhỏ có. Buổi trưa nắng thật gay gắt. Cánh đồng như nhăn nhíu lại.

Ngoại bảo mình và Trâm:

- Thôi! Nắng lớn quá. Ở đây một chút nữa rồi về hai cháu...

*

21-4

Thời gian trôi mau thật. Thấm thoát đã đến ngày mình phải xa ngoại về thành phố. Thành phố cát bụi giả tạo chừng như đã gây cho mình một nỗi chán. Mình không muốn về đó nữa, muốn ở bên ngoại mãi mãi, để ngày ngày vuốt ve chòm râu bạc của ngoại, để dỗi hờn. Đó là tuổi thơ đẹp nhứt của mình, mình sẽ ghi vào nhật ký với những hình vẽ thật đặc sắc. Chiều nay mình phải xa quê, xa ngoại, xa Trâm, xa chị Loan, xa tất cả. Những bầy trâu đầm mình dưới nước. Những con có trắng bay lượn trên cánh đồng cỏ cháy. Những trái trâm ngọt mát đôi môi. Những tiếng súng từng đêm làm hoảng hốt giấc ngủ... Tất cả, tất cả, mình sẽ giữ trọn trong vùng tuổi thơ của mình.

Mình sẽ nhớ lại, sẽ cười, hoặc sẽ ước mong những ngày xưa xa tầm với.

Ngoại bỗng dưng cảm bệnh, có lẽ vì chiều quá đã cố sức chạy những đống lúa to lớn từ sân vào nhà để tránh mưa. Mình thương ngoại quá. Tuổi ngoại đã quá cao. Nhưng ngoại vẫn phải làm việc. Ngoại thường nói với mình ngoại không thích ngồi không ăn rỗi, ngoại thích ăn hột cơm do công lao của chính mình tạo ra.

Ngoại đã uống những chén thuốc bắc do chị Loan mua từ chợ tỉnh. Ngoại nói ngoại bớt nhiều. Mình cầu nguyện âm thầm. Mình muốn ngày về của mình hôm nay phải có nụ cười phúc hậu của ngoại. Ngoại là tất cả. Con thương kính ngoại vô bờ. Đêm qua, ngoại đã kể cho mình nghe về tuổi thơ của ngoại. Tuổi thơ của ngoại có thể nói là đầy nước mắt. Mình nghe và khóc. Ngoại lau lệ cho mình, khuyên mình hãy thương ba má, hãy ráng học. Ngoại còn tỏ bày những khát vọng của ngoại đối với quê hương. Ngoại muốn hòa bình, muốn bài ca dao sẽ còn mãi mãi vang vang trên bầu trời này. Và ngoại còn nói rất nhiều, rất nhiều...

Buổi chiều đến với ánh nắng lấp lánh ở mái hiên. Mình sắp về thành phố. Mình sẽ xa ngoại. Không, ngoại ơi, con muốn ở bên ngoại, để nghe tiếp câu chuyện đời ngoại. Nhưng, đó chỉ là ước muốn, ngoại ơi. Làm sao thực hiện được bây giờ. Con phải trở về tiếp tục sự học, sống bên cha mẹ, hòa mình trong guồng máy nhộn náo của Sàigòn. Thành phố không là thôn quê, nên thôn quê có những vẻ đẹp đặc biệt mà thành phố không có. Điển hình là tình thương mến đậm đà của ngoại.

Chị Loan giành cái xách nylon trong tay mình để sắp đầy những trái cây, bánh mứt. Bánh mứt do chị làm. Trái cây thì chị đã bỏ một buổi chiều để đi hái, vì bây giờ bom đạn đã tàn phá không biết bao nhiêu là cây trái. Mình nắm tay chị Loan để khóc, để giã từ.

Ngoại đứng trước ngạch cửa. Ngoại hãy còn yếu. Mình vuốt chòm râu bạc của ngoại, giấu những giọt nước mắt sau chiếc khăn tay:

- Thưa ngoại, con về.

Ngoại dõi mắt nhìn theo mình. Mình quay nhìn ngoại lần chót. Không biết bao giờ mình gặp lại ngoại. Trâm bận việc, phải ra chợ, nên không có nhà. Mình phải ra lộ một mình, không có Trâm...

Chiếc xe đò tấp vào lề. Mình vẫy tay. Chào chị Loan, chào tất cả, tất cả...


VŨ CHINH     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>