Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Hãy Cảm Thông Với Ba Má

 

 Thư của em N. Vĩnh Long:

... Gia đình em có thành kiến rằng "con gái là con người ta"... Cho nên ba má em đối với em rất bạc đãi, mặc dầu ba má đã có tới năm con trai và chỉ có hai con gái mà thôi. Mỗi khi có chuyện gì xích mích thì má lại bênh "bọn con trai" (2 anh và 3 em) rồi má la: "đừng có gây sự với mấy anh mày, sau này mày lớn là toi công nuôi cơm áo, các anh em trai mày còn báo hiếu ba mày với tao, chứ mày với con V. thì nuôi lớn rồi còn tốn tiền cưới gả, xong là đi mất luôn, hết nhờ cậy".

Chị ơi! Sao ba má em lại cứ nghĩ như vậy. Bộ con gái là bất hiếu cả sao? Em buồn quá. Nếu quả em vô ích, làm phiền gia đình như thế thì chẳng thà em tự tử chết đi cho rồi, để ba má nhẹ gánh, khỏi tốn tiền nuôi em, khỏi phải hằn học ghét bỏ em. Nếu em chết đi, ba má sẽ hối hận và các anh em trai sẽ nhìn thấy những lỗi lầm của họ. Cái chết của em sẽ ám ảnh họ mãi mãi...

Trả lời:

Chị ước mong rằng em viết thư cho chị vào giữa lúc em đang buồn giận. Chị nghĩ rằng em gái chị không có cái tư tưởng tàn nhẫn như vậy. Tàn nhẫn thật đó em. Vì em nỡ nào mà ước mong cho ba má, người đã mang em trong lòng cả năm trời, mất ăn mất ngủ vì em. Rồi từ khi em ra đời, ba má buồn vui theo với tiếng khóc giọng cười của em. Sớm khuya vất vả với bữa ăn giấc ngủ của em, lận đận vì em như vậy mà ngày nay nguồn vui của ba má như sợi chỉ mành, còn mất tùy theo cái ao ước dại dột của em, với lòng độc ác muốn cho ba má bị ám ảnh vì sự ân hận suốt đời.

Em gái! Em nhầm rồi! Qua thư em, chị nghĩ rằng quả thật má cũng có nóng nảy khi nói như vậy. Nhưng một phần cũng bì má bị bực bội, khi thấy các con cứ gây gổ nhau hoài. Có lẽ má cũng rầy "bọn con trai" nhưng em không nghe thấy. Đôi khi, con gái dễ bị tủi thân vì mặc cảm rằng ba má thương con trai hơn. Từ mặc cảm, chúng ta trở thành bướng bỉnh, tự thu mình vào vòng tròn rào kẽm gai chung quanh, rồi vùng vẫy một mình trong sự đau khổ vì bị kẽm gai cào rách. Có nghĩa là chúng ta tự tạo một nỗi đau khổ tưởng tượng rồi tự mình sống trong cô đơn, gặm nhấm nỗi buồn một mình, cuối cùng trở thành hoàn toàn cô lập đầy mặc cảm là bị bỏ rơi. Chị nghĩ rằng vấn đề của em không bi thảm như thế đâu. Trước hết, em cố dằn lại đừng cãi nhau với "bọn con trai". Em chỉ có thể sống chung 10 năm nữa với "bọn con trai". Rồi sau này, khi em lớn, em ước ao được sống "một ngày của hôm nay", với những anh em trai nghịch phá, cũng không thể được nữa. Xưa, khi chị còn nhỏ, chị rất hay cãi nhau với anh của chị, nay anh chị đã đi xa, mười mấy năm không gặp, chị cứ nhớ lại kỷ niệm xưa mà muốn khóc. Nhìn hình của anh, thì không còn là cậu bé mặc quần xà lỏn, nheo một bên mắt để chế giễu chị, nay anh đã là một ông đứng tuổi, đạo mạo, đọc thư anh, chị chỉ thấy những lời lẽ nghiêm trang và xa cách. Ôi! Còn đâu nữa những ngày bé bỏng khóc cười bất chợt, vui đùa, vật lộn uỳnh uỵch, chạy nhẩy rầm rầm. Đó là kinh nghiệm của bản thân chị. Dù tiếc, chị cũng không còn được sống một ngày của "ngày xưa" nữa. Như một ông già than "Tôi mong được làm người ăn mày để xin các cô các cậu trẻ trung những ngày tháng mà các cô các cậu đang tiêu đi một cách phung phí", chị mong bé lại để không gây sự với anh của chị, nhưng còn đâu nữa mà hy vọng hão, em ơi!

Cảm nghĩ của mọi người về một người chết, thì nhà thơ Nguyễn Bính đã viết như sau (chị chỉ nhớ mài mại):

"Chỉ một vài hôm nữa thế rồi
Người ta thương nhớ có ngần thôi
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui".

Vậy đó em ạ. Trừ những người thân, không có ai nghĩ tới mình lâu đâu. Rồi chuyện mình sẽ trở thành chuyện vui khi trà dư tửu hậu! Tự tử là hành động đào ngũ, không chịu trả món nợ tinh thần đối với cha mẹ và tập thể. Sống và tranh đấu để tiến tới vinh quang là câu trả lời hùng hồn nhất cho tất cả mọi nhận xét sai lầm. Thời gian là câu trả lời đích đáng nhất.

Em hãy thay đổi quan niệm sống. Hãy cảm thông ba má hơn nữa. Hãy dẹp ngay ý nghĩ rằng ba má bất công. Em tự xét lại một chút coi em có chủ quan không? Chị tin chắc rằng sau khi em thay đổi thái độ, mọi sự sẽ thay đổi em ạ. Chị mong thư tới với những ý nghĩ yêu đời hơn của em, em nhé.


Chị Đỗ Phương Khanh    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 93, ra ngày 10-6-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>