Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Trống Vắng



(Cho kỷ niệm những ngày rời bỏ lớp 8A)

Hoa rơi từng cánh u sầu
Hè về gom lại một bầu suy tư
Cầm tay nói tiếng tạ từ
Mai đây lưu dấu mây mù mà thôi!

Hoa rơi từng loạt hoa rơi
Ve sầu trổi giọng nghe vời nhớ nhung
Mắt trông nhau – khẽ ngập ngừng
Nắng in trên áo bâng khuâng ưu phiền

Tháng ngày ru giấc cô miên
Theo dòng – chia cách bạn hiền, trường yêu
Lối về cây lá liêu xiêu
Gió kêu nhè nhẹ… vương nhiều cô đơn

Sân trường áo trắng chập chờn
Sân trường thầm lặng đón cơn hạ sầu
Chia tay còn có gì đâu?
Chia tay vỏn vẹn vài câu thân tình!

Rồi xa – trong nắng lung linh
Gót chân hoang dại mơ hình bóng xưa…
“Lời thầy giảng khẽ vẳng đưa
Tiếng cười, câu nói… còn thừa niềm vui”

Giờ đây nuối tiếc, bùi ngùi
Bình minh cũng tối, cuộc vui cũng tàn…
Bao giờ hết những ly tan
Ta cùng chung hưởng thiên đàng tuổi mơ! 

                                                               – TẠ LỆ VÂN 
                                                             (T.H. Hoàng Diệu Ba Xuyên)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 40, ra ngày 28-5-1972)

Bìa của Vi Vi : Vào Hạ

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (IX)


Chuyện vui buồn ở Tòa Soạn thật ra nếu đem kể hoài sẽ liên miên bất tận. Nhưng để khỏi choán chỗ của tờ báo, tôi xin tạm chấm dứt loạt bài này ở đây và xin hẹn sẽ trở lại mỗi khi cần bầy tỏ với bạn đọc những chuyện vui buồn. Trong liên tiếp 8 kỳ báo vừa qua, được độc giả theo dõi từng chi tiết nhỏ, và nhiều bạn, nhiều em đã gửi thư về chia xẻ sự vui buồn với người viết, tôi hết sức cảm kích và xin gửi ở đây lời cám ơn chung.

Phần cuối cùng của loạt bài này, chúng tôi muốn dành riêng để nói về một nhân vật đã và đang âm thầm góp phần tích cực vào việc lành mạnh hóa sách báo Thiếu Nhi. Đó là Trung Úy Lê Sơn Cương, chánh sự vụ sở Phối Hợp Nghệ Thuật thuộc Phủ Tổng Ủy Dân vận. Tôi gặp anh Lê Sơn Cương lần đầu tiên tại buổi hội thảo về sách báo do Ủy Hội Quốc Gia thuộc Unessco (cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) tổ chức. Phải thành thật mà nói, trong cương vị của một người viết văn, tôi không ưa mấy ông trong Hội Đồng Kiểm Duyệt. Nhưng nghĩ cho cùng, trong một quốc gia có chiến tranh lâu dài, việc đòi hỏi bãi bỏ hoàn toàn chế độ kiểm duyệt, tuy có lợi ở phương diện này thì lại đồng thời có hại ở một phương diện khác. Cho nên tôi cho là anh Lê Sơn cương, trong cương vị của một nhân vật đại diện cho chính quyền, đã hữu lý khi phát biểu ý kiến sau này trong buổi hội thảo:

- Dù ở bất cứ quốc gia tự do nào, thì quan niệm tự do không phải là mạnh ai muốn làm gì thì làm. Sự tự do phải được hiểu là có ý nghĩa tương quan tập thể, tôn trọng quyền lợi của tập thể. Bởi vậy giữa chính quyền và Văn nghệ sĩ, ít nhất phải gặp nhau ở một vài điểm tương đồng. Tại điểm tương đồng ấy, hai bên thỏa thuận vạch một vòng phấn giới hạn. Việc kiểm duyệt chỉ là một biện pháp ngăn chặn những tác phẩm đi ra ngoài vạch phấn đã được sự thỏa thuận của hai bên.

Thú thật, khi nghe lời biện minh ấy, tôi không mấy tin tưởng. Tôi đã nói riêng với anh Lê Sơn Cương là trong hơn 10 năm sáng tác, tôi cũng đã nhiều lần khốn đốn về vấn đề kiểm duyệt, và nếu không nhờ cảm tình bạn bè của các anh em thì tác phẩm của tôi đã có nhiều cuốn phải liệng bỏ vì bị gạch xóa quá nhiều (như cuốn Quê nhà yêu dấu đáng lẽ bị gạch bỏ 1 phần 4, cuốn Giấc ngủ chập chờn bị gạch nát, và cuốn Giọt lệ đen bị bỏ mấy truyện). Thi hành một chính sách mà chỉ dựa vào tình cảm cá nhân thì công việc sẽ trở nên rất phiêu lưu. Giả sử nếu tôi không có hân hạnh được quen biết, giả sử những người quen biết của tôi rời nhiệm sở cũ, thì sự thể sẽ ra như thế nào.

Anh Lê Sơn Cương, khi đó mới về nhận chức vụ Chánh sự vụ sở Phối Hợp Nghệ Thuật đã nói với tôi:

- Từ nay anh đừng lo. Tất cả sách của các anh do đích thân tôi đọc. Muốn xóa của các anh, dù chỉ một dòng, một chữ tôi cũng sẽ mời các anh lên thảo luận trực tiếp. Nếu lý tôi thua, tôi xin để nguyên, không gạch xóa.

Thừa dịp này, tôi nói ngay với anh:

- Chính sách KD của Bộ Thông Tin đã gây cho anh em văn nghệ sĩ nhiều ấn tượng không tốt đẹp. Nhiều người có sách viết xong không dám mang đi, sợ xóa bỏ uổng công đánh máy.

Anh Lê Sơn Cương nói:

- Tôi cam đoan với anh hoàn cảnh ấy đã chấm dứt rồi. Ai có sách, anh cứ bảo mang lên trực tiếp với tôi.

Ít hôm sau, tôi thuật lại câu chuyện với nhà văn Bùi Kim đĩnh và nói với anh cứ đem cuốn Đốt Xác lên kiểm duyệt. Kết quả, cuốn sách mà anh Bùi Kim Đĩnh tưởng sẽ không ra được đã được giấy phép ấn hành. Cuốn sách do Huyền Trân xuất bản và được bày bán ở các hiệu sách hồi tuần lễ vừa qua.

Tôi bắt đầu thấy mến anh Lê Sơn Cương từ sau vụ ấy. Anh là người đầu tiên xóa bỏ được cái hố ngăn cách giữa tôi với giới chức có thẩm quyền gạch xóa tác phẩm. Sau tôi được biết anh mắc võng ở ngay bàn giấy để làm việc từ sáng đến khuya, tôi lại càng mến tác phong nồng nhiệt, trẻ trung, hăng hái của anh. Một lần gặp gỡ khác, tôi đã hết sức phàn nàn với anh về việc sách báo nhảm nhí nhi đồng đã được in lậu (ngụy trang số kiểm duyệt) để phát hành bừa bãi. Anh Lê Sơn Cương đã trình bày với tôi tất cả những công trình của anh trong việc đối phó với bọn gian thương làm giàu trên sự đầu độc tinh thần tuổi thơ ấy : Tính đến cuối năm 1972, sau 10 tháng sục sạo, anh đã đích thân đi từng tiệm sách bán son để đem ra xa lộ thiêu hủy cả thẩy 59.014 cuốn báo nhảm nhí như Chú Thoòng, Ma Lai rút ruột, Quỷ Truyền Kiếp hiện hình, Quỷ Nhập Tràng, Quỷ báo oán v.v… riêng trong kỳ phát động đợt 1 của đầu năm 1973, sau 11 ngày công tác tảo thanh báo nhi đồng nhảm nhí, anh cũng đã tịch thu được 11.300 truyện nhi đồng in lậu, 8.395 cuốn báo trẻ em nhảm nhí và 2.721 cuốn sách đồi trụy, tổng cộng là 21.416 cuốn sách, báo được đem ra đốt ở ngoài xa lộ cùng lập thủ tục truy tố ra tòa những người liên hệ.

Một hôm trong tuần lễ trước (đầu tháng 5), tôi có một việc phải tới phòng kiểm duyệt, tôi đã gặp anh Lê Sơn Cương vừa xuống xe díp ở đầu cầu thang. Mồ hôi mồ kê của anh nhễ nhại, khuôn mặt đi nắng đỏ gay, hai tay anh xách hai chồng báo nặng chĩu mới vừa đi tịch thu về. Theo sau anh còn mấy nhân viên trực tiếp nữa cũng đang rỡ những chồng báo nhảm nhí còn đang chất chồng trên xe. Hình ảnh tận tụy với nhi đồng của anh làm tôi hết sức xúc động. Công việc của anh chẳng khác công việc của một anh hùng vô danh. Anh đã âm thầm làm, và làm một cách kiên nhẫn, liên tục và can đảm. Bởi phải có can đảm mới dám đương đầu với bọn gian thương, vì ở thời buổi này, chỉ cần một số tiền thuê nhỏ nhoi là cũng sẽ có kẻ sẵn sàng tìm tới để thanh toán.

Mặc dầu ảnh hưởng của loại sách báo nhảm nhí còn đang đè nặng lên sinh hoạt tinh thần của tuổi thơ, và mặc dầu gian thương vẫn còn có ba đầu sáu tay, tìm đủ trăm phương ngàn kế để làm giầu một cách bất chính, những nỗ lực của anh Lê sơn Cương thật đáng đề cao. Buổi gặp gỡ hôm ấy, tôi đã nắm chặt tay anh mấy lần. Xin anh hiểu cho đó là những cái xiết tay chân tình, cảm mến, bởi việc làm của anh dành cho tuổi thơ chính là cùng một mục đích mà Gia Đình Thiếu Nhi đang theo đuổi.


NHẬT TIẾN     


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)


Bìa của Vi Vi : Mưa đầu mùa

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (VIII)


Thứ bẩy (tiếp theo)

Vấn đề tăng giá báo, Chủ nhiệm không đưa ra một ý kiến nào và để cho tòa soạn hoàn toàn tự do tìm lấy một quyết định đúng. Trong suốt hai năm cộng tác để điều hành tờ Thiếu Nhi, tôi thấy Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương luôn luôn giữ ở vị trí tế nhị đó. Chủ nhiệm đã xóa được cái hàng rào ngăn cách, đầy mặc cảm ngại ngần của những người đã đốt đi một ngân khoản khổng lồ để chi vào việc duy trì một tờ báo lỗ lã liên tục từ số đầu cho đến nay. Đã thế, ở những giai đoạn mà anh chị em trong tòa soạn thối chí nhất, không nhìn thấy một ánh sáng hy vọng nào ở tương lai, nhiều người đã tính bỏ cuộc, thì chính chủ nhiệm lại là người khích lệ và thúc đẩy cho lên tinh thần. Tôi còn nhớ mãi một câu mà Chủ nhiệm đã nói trong lúc tâm tình:

- Nếu báo mình bán được 3000 số thì ít nhất cũng giáo dục được 3000 Thiếu Nhi. Trong cố gắng của tư nhân mà góp phần được cho quốc gia như thế thì công trình ấy của mình cũng đáng nên duy trì.

Chủ nhiệm là con người chỉ âm thầm làm việc và không thích ồn ào. Sự dè dặt của chủ nhiệm nhiều khi trên cả mức dự liệu của tòa soạn. Như một dạo tờ T.N vừa đưa ra mấy cái quảng cáo dành cho mấy cuốn sách hay do nhà sách Khai Trí xuất bản, khi báo sắp ra, chủ nhiệm mới biết và lập tức yêu cầu cho ngưng lại. Lý do : Làm như thế, mục đích tờ báo của mình có thể bị hiểu lầm là cơ sở quảng cáo cho nhà sách.

Thế là, dù có một tờ tuần báo trong tay, nhà sách Khai Trí cũng vẫn giữ một vai trò độc lập, khách quan, không liên hệ gì đến sinh hoạt của tờ báo.

Đó là về mặt hình thức. Đi vào nội dung của tờ Thiếu Nhi, Chủ nhiệm cũng dè dặt không kém. Nói rõ hơn là Chủ nhiệm hết sức tôn trọng vai trò của Chủ biên trong tờ báo. Trong suốt gần hai năm làm việc ở tòa soạn, chúng tôi chưa hề thấy chủ nhiệm buộc phải đăng bài này hay bài khác. Tôi còn nhớ một lần vào dịp Tết Trung Thu năm ngoái, Chủ nhiệm trao cho tôi mấy bài của ai đó, dặn nếu đăng được thì cho đăng. Tôi đọc rồi xếp vô tủ sắt. Lý do : dở về kỹ thuật. Chủ nhiệm không phiền hà gì. Cũng không hỏi lại tại sao không đăng. Về vấn đề lựa chọn bài vở, tôi được tin cậy và giao phó hoàn toàn. Trong công cuộc hoạch định cho đường lối chung của tờ báo, hay trong những nỗ lực cải tiến từng tiết mục, chủ nhiệm cũng chỉ đóng góp ý kiến một cách dân chủ như mọi người khác. Luật thiểu số phục tòng đa số được triệt để tôn trọng. Tôi phải thành thực mà công nhận rằng, tìm được một người đồng chí hướng, thiết tha với tuổi thơ, khiêm nhường, vô vị lợi và kiên nhẫn như Chủ nhiệm thật không phải là chuyện dễ dàng. Tờ Thiếu Nhi sở dĩ còn tồn tại được đó là nhờ Chủ nhiệm. Hẳn khi đọc được những dòng chữ này, ông sẽ lại rất phiền hà tôi : “Chú viết những cái gì đâu đó ra làm chi”. Nhưng đã gọi là để vui buồn với bạn đọc thì tôi cứ làm. Bởi hơn ai hết, là người cộng tác mật thiết với chủ nhiệm, tôi có đủ dữ kiện để viết ra và đủ tư cách để bảo đảm về những dòng chữ của mình.

Chống lại chủ trương tăng giá báo là các bác Văn việt, bác Văn Trung và bác Đặng Hoàng. Bởi các bác là những người hàng tuần đã chịu khó đem báo đến từng trường từng lớp để bán trực tiếp từng cuốn cho các học sinh. Sự chống đối của các bác đầy vẻ e dè bởi một mặt các bác hiểu rõ túi tiền của học sinh, một mặt khác cũng hiểu rõ cả thực trạng lỗ lã của tờ báo. Các bác không quyết liệt phản đối, nhưng chỉ khuyến cáo một cách e dè:

- Tăng giá báo là điều hợp lý không ai chê trách gì, nhưng đối với học sinh… tội quá… Sợ các em không đủ tiền mua.

Tôi nêu thắc mắc:

- Sách “Can” ngoại quốc đề giá 120đ vẫn bán chạy. Điều đó chứng tỏ vấn đề giá tiền không phải là yếu tố trở ngại quyết định của các em.

- Đồng ý là sách “Can” ngoại quốc như Tin Tin, Lucky Luke… bán chạy, nhưng nó là sách trọn kỳ, chớ không phải báo. Để mua được một cuốn sách trọn kỳ, các em có thể để dành một tuần, hai tuần, có khi cả tháng. Mua một cuốn là đọc trọn một truyện, không phải mất công chạy đuổi theo những số liên tục ra hàng tuần như Thiếu Nhi.

Chị Đỗ Phương Khanh cũng nêu ý kiến:

- Qua thư từ của các em gửi về, tôi nhận thấy phần đông độc giả của T.N là những em thuộc gia đình nghèo. Các em đã phải nhịn bớt tiền quà sáng để có thể mua được T.N. Có em rất thích đọc T.N mà không đủ tiền theo dõi liên tục, nên chỉ lúc nào có tiền mới mua đọc được một số. Sau biến cố quảng Trị, Đông Hà, nhiều em có gia đình phải di tản nay không còn phương tiện để đọc Thiếu Nhi, tuy nhiên thỉnh thoảng nhớ tòa soạn, các em vẫn viết thư về hỏi thăm. Bởi vậy, việc tăng giá báo là cả một vấn đề khó khăn thêm cho các em.

Những buổi họp bàn về việc tăng giá báo cứ theo một đà luẩn quẩn mà không đi đến một quyết định dứt khoát nào. Chủ nhiệm đã giao phó cho tòa soạn tìm lấy một quyết định đúng. Tòa soạn bó tay, trút trách nhiệm cho ban Quản Lý. Ban Quản Lý không dám quyết định đơn phương, lại đem hỏi ý Chủ nhiệm. Thành ra cho đến bây giờ, báo vẫn để giá 50đ giữa cơn sốt về giấy cứ mỗi ngày một đe dọa gia tăng.

Và nói chung, hầu như ý kiến của anh chị em trong tòa soạn đều nghiêng về phía muốn nâng đỡ các học sinh nghèo, không tăng giá báo để các em có thể còn được đọc T.N, cho đến khi nào tờ báo không có thể đứng vững nổi nữa, nếu giá báo không tăng, để có thể bù vào khoảng trống của nạn vật giá leo thang.

______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ IX


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 89, ra ngày 13-5-1973)

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (VII)


Thứ bẩy (tiếp theo):

Hằng tuần, vào tối thứ bẩy, tờ Thiếu Nhi đã được thực hiện xong hoàn toàn bản chính với đầy đủ phần sắp chữ, hình ảnh và minh họa. Công việc còn lại sau cùng là anh chị em trong tòa soạn phân chia nhau ngồi đọc lại từ trang đầu tới trang chót để sửa những lỗi morasse còn sót lại. Với những lỗi nhỏ như chấm, phẩy, hỏi, ngã thì sửa bằng tay, những lỗi nặng hơn như sai cả chữ, cả đoạn thì cắt, dán, đắp vá sao cho được êm đẹp. Nhờ công việc tỉ mỉ này mà tờ báo tương đối không bị nhiều lỗi lầm về mặt kỹ thuật. Chúng tôi chỉ dám nói là tương đối, vì nhân vô thập toàn, người sửa bài nhiều khi đọc tờ báo với sự chủ quan, không thể nhìn thấy hết những lỗi rành rành trước mắt nhất lại là những bài mình đã quen thuộc đọc đi, đọc lại mấy lần qua lần sửa thứ nhất, thứ nhì ở giai đoạn xếp chữ. Trong giới ấn loát, người ta đã thường kể một câu chuyện về sửa lỗi morasse như sau: Có một cơ sở ấn loát (tất nhiên là ở ngoại quốc) muốn ấn hành một quyển Kinh Thánh không bị một lỗi ấn công nào, nên quyết định sau khi xếp chữ và sửa lỗi xong một trang, sẽ dán trang đó ở chỗ mọi người qua lại và ra điều lệ hễ ai tìm thấy một lỗi xếp sai nào sẽ được trọng thưởng. Trang thứ nhất được dán lên trong vòng cả tuần lễ, ai đi qua cũng đọc, ai đi qua cũng soi mói để tìm ra lấy một lỗi, nhưng rút cục chẳng ai nhìn thấy một lỗi nào. Tình cờ vào phút chót, lúc trang sách sắp sửa được đem in, thì một ấn công khám phá ra có một lỗi ở hàng chữ tít to nhất, chiếm  một chỗ lớn nhất trên trang sách mà bao nhiêu người đã đọc nhưng không ai tìm ra. Đó là chữ BIBLE (Kinh Thánh) được xếp sai là BILBE! Thì ra do sự chủ quan, ai cũng đã quá quen thuộc với chữ Bible nên nhìn chữ Bilbe vẫn cho là đúng. Tâm lý của những người sửa bài ở T.N cũng là như vậy. Cho nên, nếu khi đọc từng bài báo, nếu có gặp phải những sơ xuất nào, mong bạn đọc cũng dễ dãi mà tha thứ, trong khi tòa soạn cũng sẽ cố gắng để đạt tới mức tốt đẹp hơn.

Ít tuần nay, anh chị em trong tòa soạn đã bàn luận rất nhiều về vấn đề tăng giá báo. Đó là một vấn đề gây điên đầu không ít cho tất cả mọi người. Kể từ khi các nhật báo từ 25 đồng một tờ lên đến 35 đồng, thì hầu hết các báo định kỳ cũng đã nhất loạt lên giá. Trong lãnh vực báo học trò, tờ Tuổi Ngọc đã bán 80 đồng một số. Báo Thằng Bờm từ 40 đồng đã lên 50 đồng. Báo Tuổi Hoa từ 40 đồng lên 45 đồng. Trong khi đó, Thiếu Nhi vẫn cắn răng chịu đựng ở giá 50 đồng. Không phải là tờ T.N giầu sang gì, nhưng tòa soạn hy vọng sự lỗ lã sẽ được bù đắp bằng số báo bán ra nhiều, chứ không phải ở chỗ đề giá cao. Hơn nữa, độc giả của T.N phần lớn là các em còn cắp sách đi học. Hằng tuần, việc bỏ ra 50 đồng (ở tỉnh xa 55 đồng hay 60 đồng) để mua một số báo hàng tuần là cả một vấn đề khó khăn, nhất là đối với các học sinh nghèo (số lượng này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số các độc giả của T.N)

Nhưng chủ trương không tăng giá báo, mà chú trọng vào mặt phát triển thêm độc giả của tòa soạn trong thực tế hầu như không thực hiện được. Theo thống kê của Ban Quản Lý, những số báo gần đây, ra vào dịp các trường tổ chức thi cá nguyệt, số độc giả đã sút giảm đi rõ rệt. Rồi nhìn vào tương lai 3 tháng nghỉ hè sắp tới, trường học đóng cửa, một số báo tiêu thụ ở văn phòng các trường sẽ không còn bán được nữa. Đàng khác, giá giấy  vẫn tiếp tục lên vù vù, mỗi lần nhận được điện thoại của nhà giấy gọi tới là mọi người choáng váng cả mặt mày. Xin đưa ra vài con số để độc giả so sánh:

Về giá giấy in ruột, kể từ khi T.N đề giá 50 đồng thì mỗi rame (500 tờ) từ 840 đồng lên 1.200 đồng. Rồi từ đó giấy đã lên giá thêm 2 lần nữa: 1.400 đồng và hiện nay là 1.600 đồng mỗi rame.

Về giá giấy bìa còn mệt hơn: từ 1.900 đồng mỗi rame, lên 2.350 đồng, và mới cách đây hai tuần, đã lên 4.300 đồng mỗi rame.

Trong tương lai, không biết giá giấy còn leo thang đến đâu nữa. Điều này đã làm cho hy vọng hòa vốn của T.N cứ mỗi lúc một thêm xa vời, và vấn đề đặt ra cho tòa soạn bây giờ là có nên tăng giá báo không?

Bác Chủ Nhiệm, con người hiền hòa, từ xưa đến nay vốn tế nhị không muốn chen vô khía cạnh tiền bạc (mặc dù báo lỗ, bác vẫn phải gánh chịu) nên không đưa ra ý kiến nào và để Tòa soạn hoàn toàn tìm lấy một quyết định đúng.

______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VIII


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (VI)


Thứ sáu (tiếp theo)

Phần chữ trên trang báo của các bài sáng tác sau khi được mis xong sẽ chuyển tới họa sĩ Vi Vi để minh họa. Công việc này, họa sĩ thực hiện ngay ở tòa soạn. Trung bình vẽ xong phần minh họa cho một truyện ngắn (có từ 3 đến 4 tranh) phải mất từ một giờ rưỡi đến 2 giờ. Trước hết, họa sĩ phải đọc hết bài sáng tác để nắm vững ý của tác giả, sau đó mới lựa chọn chi tiết đặc sắc để thực hiện lên nét vẽ. Họa sĩ Vi Vi có một điểm độc đáo là vẽ không bao giờ tẩy xóa. Rất ít khi họa sĩ xài bút chì để phác trước, hoặc nếu cần phác thì chỉ vài nét sơ sài rồi dùng bút mực vẽ trực tiếp. Trong gần 2 năm làm việc ở tòa soạn, chúng tôi chưa hề thấy Vi Vi cầm đến cục gôm lúc minh họa. Tuy tài ba dư thừa như vậy, mà họa sĩ làm việc hết sức thận trọng và luôn luôn bỏ thì giờ để nghiên cứu, trau giồi. Như trong dịp Tết Quý Sửu vừa qua, để có thể vẽ Trâu được chính xác, cùng tìm ra được những đường nét độc đáo của Trâu, Vi Vi đã cất công vác máy hình về đồng quê chụp một hơi 2 cuộn phim gồm 72 hình, toàn lấy Trâu làm tài tử chính. Vì thế ngoài nghề vẽ, Vi Vi còn là một nhà chơi ảnh tài tử. Họa sĩ chụp lấy, rửa phim lấy và có cả máy phóng ảnh, máy chiếu phim slide mầu không thua gì một tiệm chụp hình chuyên nghiệp. Điều này làm tôi nhớ đến câu “Thiên Tài chẳng qua chỉ là sự kiên nhẫn lâu dài” cũng như nhà danh họa Picasso đã có lần nói : “Thiên tài 5 phần trăm tạo nên bằng cảm hứng và 95 phần trăm bằng khổ công, chịu khó”.

Thứ bẩy:

Hôm nay, các sạp ở Saigon đã bầy bán Thiếu Nhi số 83, số có đăng phóng sự “Thiếu Nhi trên đường đi tìm đất đứng”. Nhớ đến lời hứa của chị Đ.P.K với các em bán rong là chừng nào báo in ra, sẽ tặng mỗi em một số hình chụp và một tờ báo, nên tòa soạn lại kéo nhau tới chốn cũ một lần nữa. Hành trang kỳ này chỉ có 40 số báo mới và gần 100 tấm ảnh do họa sĩ Vi Vi rửa tặng. Không kể sao cho xiết nỗi vui mừng của các em khi thấy hình của mình được in trên báo. Các em gọi nhau tíu tít, bỏ cả công việc để bu lại xin báo và hình. Để tránh mọi sự lộn xôn gây khó khăn cho tòa soạn, một em bán kẹo đã tự động đứng ra làm trưởng ban trật tự với một lệnh độc nhất ban ra luôn mồm : “Ê! Đàng hoàng tụi bây. Đâu có đó”. Và quả thật, các em tuy lam lũ nhưng đã hết sức đàng hoàng. Không chen. Không lấn. Không chửi thề. Đặc biệt là không một em nào tham lam đòi lấy báo hay hình tới 2 lần. Có một em bán kẹo đứng vơ vẩn, chị Đ.P.K hỏi:

- Em lấy báo chưa?

Em toét miệng trả lời:

- Thưa chị rồi.

- Đâu?

Em bé mở nắp hộp, gạt kẹo về một bên, ở dưới cùng lộ ra tờ báo T.N có hình cô bé tay cầm tổ chim ẩn hiện dưới mấy đồng  bạc cắc. Tư cách đàng hoàng của em làm chúng tôi hết sức cảm kích và ghi nhớ mãi. Nhìn thấy nét mặt tươi cười, hớn hở của các em, làm chúng tôi nhớ đến lá thư của em N.T.H. gửi về tòa soạn. Trong thư, em H. viết về một nữ giáo sư ở Hội…:

“Là người Việt nhưng bà lại chửi người Việt là mất dậy, vô ơn với người… Nếu có học trò nào lỡ nói tiếng Việt thì bà nói là tiếng Mỹ sao không nói lại nói tiếng Việt, y như tiếng mọi. Nhưng nếu chỉ có thế thì H. không kể cho tòa soạn nghe làm chi, đàng này bà ta còn nói sang vấn đề báo chí, chê bai đủ thứ, nào là nghèo nàn, nào là nhục nhã vì bà nói : “hôm chủ nhật nào đó, bà đi Saigon gặp phái đoàn đi nài nỉ người ta để cho báo, bà thấy mà nhục lây, không sợ ngoại quốc họ cười”. Mặc dầu bà không nói ra, nhưng H. biết là bà nói báo T.N vì H. có đọc bài phóng sự của chú Tiến”.

Lá thư của em N.T.H. còn dài, còn nêu nhiều thắc mắc về thái độ của bà giáo trong lớp học, nhưng thiết tưởng như thế cũng đủ để bạn đọc hình dung được về một hạng người. Rất may hạng người ấy chỉ là con số rất ít, trong hàng ngũ của giáo giới, ta chỉ nên coi đó là một hiện tượng đặc biệt phát sinh trong một hoàn cảnh nhiễu nhương. Mong em H. cũng đừng lấy thế làm buồn, và mất niềm tin, bởi quanh em, các bậc làm thầy, đáng tôn kính, đang âm thầm xây dựng tương lai của giới trẻ là một tập thể đông đảo gấp ngàn phần cá nhân nhỏ nhoi kia. Bởi nếu không phải như vậy, thì làm sao dân tộc ta còn đứng vững được cho đến ngày nay.

______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VII


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 87, ra ngày 29-4-1973)

Bìa của Nhật Tiến : Đến với các em

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (V)


Thứ Sáu…

Hằng tuần, cứ vào buổi tối thứ sáu thì bài vở của số báo mới đã gần hoàn tất. Đó là số báo sẽ phát hành vào 2 tuần lễ sau. Nghĩa là luôn luôn tòa soạn phải đi trước thời gian tới 2 tuần lễ. Thí dụ hôm nay các sạp báo bắt đầu bầy bán số 84, thì máy trên nhà in đã đang in dở dang số 85 và tòa soạn đang hoàn tất số 86 để trong vòng 2 ngày nữa, tức là tới chủ nhật, phải giao đi chụp phim. Như chú Bách Khoa đã trình bầy về kỹ thuật ấn loát ở số 51, tờ Thiếu Nhi đã phải trải qua nhiều giai đoạn:

1) Lựa bài đăng và ghi các kiểu chữ trên bản thảo.

2) Chuyển bản thảo xuống phòng xếp chữ.

3 Ấn công xếp chữ xong, lăn bài trên giấy rồi trả lại tòa soạn để sửa lỗi lần thứ nhất (première morasse).

4) Sau khi sửa lỗi xong, tòa soạn hoàn bài vỗ xuống phòng chữ. Ấn công sửa những lỗi sai rồi lại lăn lên giấy, trả lại cho tòa soạn để kiểm soát lần thứ hai (deuxième morasse).

5) Ấn công sửa nốt những lỗi còn sót rồi lăn bài trên những tờ giấy tốt bằng một cái máy lăn bằng tay.

6) Bài lăn trên giấy trắng sẽ trả lại tòa soạn. Đến đây là hết giai đoạn xếp chữ.

7) Ở tòa soạn, các bài đã lăn, được đem dán thành từng trang. Mỗi kỳ phải có đủ 32 trang. Lúc dán có chừa những khoảng trống để họa sĩ Vi Vi minh họa.

8) Họa sĩ Vi Vi đã dành mỗi tuần, nguyên một buổi tối để vừa đọc nội dung vừa vẽ những bức hình cho thích hợp với bài.

9) Khi 32 trang đã đầy đủ, chừng đó mới làm mục lục (in ở trang 1 mỗi số).

10) Tòa soạn đọc lại từng trang báo đã dán để sửa bằng tay những lỗi còn sót lại. Khi đã sạch hết lỗi rồi, thì công việc của tòa soạn được coi là hoàn tất để chuyển qua giai đoạn ấn loát.

11) Tờ báo đã hoàn tất, được giao đi chụp phim (chụp nguyên từng trang một). Phim chụp được mới là âm bản (négatif) phải rửa lại lần thứ hai để có những phim dương bản (positif).

12) Những trang phim dương bản này được một nhóm chuyên viên “mise” trên một bảng nylon lớn bằng kích thước tờ nhật báo. Trên mỗi bảng nylon có thể dán được 8 trang Thiếu Nhi.

13) Các bảng nylon ấy lại được chuyển xuống phòng phim để rửa lên mặt kẽm, gọi là đem ép kẽm.

14) Bản kẽm được gắn lên máy in và để cho máy tự động điều khiển in ra trên giấy báo.

15) Số lượng tờ báo khi được in xong, sẽ đem chở về nhà đóng sách. Ở đây, tờ bìa có trả lời hộp thư của chị ĐPK đã chờ sẵn để những người thợ ghép ruột vào với bìa, đem đóng kim rồi đưa vào máy xén, cắt cho tươm tất. Những số báo thế là thành hình, được gói ghém kỹ lưỡng để giao cho các nhà phát hành đem phổ biến trên toàn quốc. Nhà phát hành sau đó 4 tuần sẽ thanh toán với quản lý về số báo bán được. Nghĩa là khi báo ra tới số 4 thì nhà phát hành sẽ tính toán kiểm kê để thanh toán tiền cho số 1. Do đó, số vốn điều hành cho 1 tờ báo, tối thiểu là phải đủ tiền in 4 số, đó là chưa kể tiền quảng cáo, và cho rằng báo bán ra thu được hòa vốn (Điều này ít khi xảy ra, nhất là với các báo Thiếu Nhi lành mạnh). Trường hợp báo số 1 chỉ thu về nửa vốn, thì tòa soạn vẫn phải bù đắp thêm vào chỗ lỗ lã để tiếp tục in số 6, số 7, số 8…v.v… như Thiếu Nhi đã phải bù đắp liên tục cho đến nay là đã tới số ngoài 80 rồi. Như thế, nếu không có trường vốn để chịu đựng thì tờ báo sẽ chết ngay khi mới chập chững ở ngay sau vài bước đầu.

Nhiều em đã viết thư về thắc mắc, hỏi nếu báo bán lỗ thì tại sao ta không in chỉ vừa đủ số bán thôi, như vậy có phải đỡ lỗ vốn vì tiền in, tiền giấy của các số còn ế không? Nhưng đi vào thực tế, thì làm sao ta có thể phân phối được số báo vào đúng những tay người mua để cứ hễ có 3000 độc giả thì chỉ in đúng 3000 số. Khi giao báo, nhà phát hành sẽ giao theo hệ thống sạp. Không phải sạp nào cũng biết chắc mình bán được bao nhiêu số để chỉ lấy đúng từng ấy số. Có tuần lấy 10 số chỉ bán được có hai (trả về 8 số). Có tuần lấy 5 số lại bán được cả 5 số, đòi lấy thêm 5 số nữa nhưng rồi chỉ bán thêm được 1 số (ế 4 số). Số bán ế ấy sẽ giao trả về cho tòa soạn. Như vậy, để có thể phát hành báo được dồi dào, nhà báo nào cũng thế, bắt buộc phải in một số lượng cao hơn là số báo thực sự bán được. Thường thường muốn bán 6000 số bắt buộc phải in 10.000 hay 12.000 số. Theo kinh nghiệm của các nhà phát hành thì tờ báo nào bán được 50% số báo phát hành là tờ báo đã thuộc vào loại khá. Có nhiều tờ in 5000 số chỉ bán được không tới 200 tờ (họ sống vào nguồn tài trợ khác). Tờ Yết Kiêu số 1 của Lê Tất Điều in 20.000 số chỉ bán được vỏn vẹn có 80 số! (Bây giờ tình trạng tương đối đã khá hơn, nhưng cũng vẫn còn lỗ lã không thua gì Thiếu Nhi cả).

_____________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VI 


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 86, ra ngày 22-4-1973)

Bìa của Vi Vi : Hoa Bất Tử (Immortel)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>