Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Anh Tôi


Cái gì chứ nói đến anh Khoa là tôi phát ớn. Sao mà tôi có một ông anh quý hóa thế không biết. Việc gì anh cũng cho là mình làm được và luôn luôn chê bai hầu hết mọi việc mà có tay tôi làm.

Một lần xuống bếp, anh hết chê bai thứ này đến thứ khác. Nếm nồi canh thì anh chặc lưỡi:

- Hỏng, hỏng, canh chẳng ngọt ngào gì cả Khánh ạ, thêm tí ti bột ngọt nữa thì tuyệt!

Và đụng đến nồi cá kho thì anh kêu lên:

- Kho cá thế này thì ăn cái quái gì được cơ chứ?

Hoặc là:

- Khánh phải học lại anh cái nghề nấu bếp em ạ. Làm ăn thế này thì mai mốt về làm dâu…

Tôi nghe mà bắt nổi cáu:

- Ai cầu anh ăn nào, nếu dở thì tí nữa anh đừng ăn thử xem.

- Ồ! Tí nữa anh ra tiệm ăn mì Quảng có ngon hơn không?

Nhiều hôm anh chê nhiều quá, tôi phải dùng đến khí giới tối tân là nước mắt để “tống khứ” anh lên lầu. Anh mà thấy tôi khóc thì xuống nước liền.

- Ồ! Anh giỡn chơi mà khóc à? Khổ quá. Người đâu mà lắm nước mắt thế không biết?

Nói rồi anh trổ thuật phi hành lên lầu vì nhỡ má biết thì anh lãnh chưởng liền. Tôi chỉ biết đứng ở bếp hậm hực một mình.

Có hôm mới ở bếp ra, thì anh nhìn tôi hỏi:

- Này, mồ hôi có vào canh không đấy? Cô mà cho thứ gia vị đó vào thì nuốt không trôi đâu đó.

Tôi đang mệt và nóng nực chả được khen thì chớ, anh còn chọc nữa chứ, tủi quá, nước mắt tôi trào ra vừa lúc má đi xuống thấy tôi khóc liền quay sang anh Khoa:

- Mày lại chọc em phải không Khoa? Khổ quá cái thằng này, lớn rồi mà cả ngày… Mày ngứa miệng hả?

Nói rồi, má đi vào nhà trong lấy cái roi, vừa ra đến nơi thì anh đã đứng trên lầu:

- Con nói chơi mà má, con có chọc Khánh thiệt đâu chứ. Thôi “tại hạ” thành thật xin lỗi “công nương” vậy.

Má buồn cười, hạ cây roi:

- Chốc mày xuống đây! Không tẩn mày một trận thì không chừa. Đốn thật, ai lại bằng chừng ấy mà cả ngày chỉ lo chọc ghẹo nhau thôi.

Má lên nhà, thì anh xuống đứng ở cầu thang, nhái tôi khóc nữa chứ. Miệng anh méo xệch, tay thì cứ đưa lên quẹt mắt: Hu!… Hu!… Trông dáng điệu anh thật dễ ghét và cũng thật buồn cười. Được rồi! Khi nào mà anh nhờ gì thì đừng hòng! Tuy lúc tức nghĩ thế mà nghe anh nhờ tôi lại làm ngay. Vì những lúc đó cái chọc phá, dễ ghét của anh bay đi đâu mất cả, những câu chê bai cũng chẳng còn, toàn là:

- Ồ! Khánh của anh mà vá áo thì phải biết đấy nhỉ, vá hộ anh một tý chỗ này nhé. Khánh vá thì phải đẹp có tiếng!

Hoặc là:

- Khánh ngoan ghê, đơm hộ anh cái nút áo này nhé, Khánh nữ công thì số dzách rồi.

Thôi thì lúc đó nào là Khánh tốt, Khánh chăm, Khánh ngoan tùm lum. Chả bù cho những lúc khác, những là con gái mà không học nữ công, rèn luyện gia chánh, con gái phải thu va thu vén nhà cửa cho sạch sẽ. Cái gì anh cũng đóng bực thầy hết, và chuyên môn “thọc gậy bánh xe” má mà la tôi cái gì là thế nào anh cũng chêm vô cho tôi bị la thêm. Một buổi trưa, má bảo tôi:

- Trưa rảnh, con xem áo em cái nào rách thì vá, khuy đứt thì đơm vào hộ má đi chứ.

Thế là đang nằm trên giường, anh cũng oang oác:

- Con gái sao mà lười thế! Nói cái gì, chứ chơi là nhanh lắm má ạ, nói làm là cái mặt xị ra.

- Còn anh? Cả ngày chỉ công tử chả chịu giúp đỡ ai gì hết!

Thế là anh thuyết liền:

- Khánh không biết rằng, trời sinh ra con trai là để học với chơi sao? Con trai là để làm những việc lớn kia chứ.

Rồi nào là: con trai đi học lớn lên đi làm kiếm tiền…

- Nuôi vợ chứ cái gì mà kể công, quý lắm đấy.

Anh tủm tỉm cười:

- Con này dốt quá.

Ấy, anh đáng ghét thế đấy, cứ cái gì không nói lại là anh cứ “con này dốt quá” để chấm dứt câu chuyện, thành ra bao giờ tôi cũng phải nhận lấy cái dốt mà anh đã có nhã ý tặng cho.

- Ừ, rồi xem, anh có phải làm không đấy.

- Còn lâu em ạ.

Thế là tối hôm đó, cả nhà quây quần bên bàn ăn, tôi thi hành ngay ý định.

- Ba má ơi, anh Khoa anh ấy lớn rồi thì từ bây giờ anh tắm xong phải tự giặt quần áo lấy ba má ạ. Con giặt nhiều quá hôm nào đi chợ cũng trễ, hết mất thức ăn ngon ba má ạ.

Ba tán thành:

- Đúng đấy, Khoa phải làm hộ em, từ giờ trở đi con phải giặt lấy, trưởng giả mãi rồi quen đi.

Tôi như mở cờ trong bụng đưa mắt sang nhìn anh Khoa, anh có vẻ tức tối lắm, nhưng chả làm gì được vì ba nói là phải theo, chả có đứa nào dám cãi lại. Một lát anh ngập ngừng:

- Nhưng ba ạ, xe đạp cái nào hư con cũng phải sửa.

- Ơ! Có cái nghề sửa xe mà lúc nào anh cũng đem ra nói ba má ạ, chả nhẽ xe đạp ngày nào cũng hư cả?

- Ba nói phải nghe, từ nay Khoa phải giặt lấy quần áo của mình.

Anh chả làm gì tôi được, liền mở chiến dịch đạp chân tôi dưới gậm bàn, nhìn sang tôi, đôi mắt như có vẻ nói: được, rồi biết nghe em!…

Thế là từ bữa đó tôi chú ý là một tuần anh mới tắm một lần mà chả có lần nào trên dây phơi là có quần áo của anh. Mấy lần má không biết, nhưng sau thấy anh mặc hoài một bộ, má la lên:

- Mày thành mọi hay sao đấy hử Khoa?

Anh Khoa giả vờ thiểu não:

- Khổ quá má ạ, con sắp thi lục cá nguyệt kỳ hai rồi, phải học nhiều quá, mà thay ra thì không có thì giờ giặt, để đó ai giặt cho hở má, nên con mới mặc lại chứ ạ.

Cái anh này đa mưu thật, biết má trọng sự học là đem ngay ra nói, quả nhiên má quay sang tôi:

- Anh sắp thi rồi con ả, thôi ráng giặt dùm anh một tí, khi nào thi xong thì anh nó lại giặt!

- Giặt cho anh Khoa khổ lắm má ạ, nào là: Sao cổ áo hôm nay Khánh giặt ẩu thế này, với lại tay áo vò không kỹ, vết mực còn nguyên, mà ủi thì kêu quần hai ly, con chịu thôi.

- Anh sắp thi con ạ, anh em giúp nhau chứ.

Tôi hậm hực trong khi mặt anh tươi hẳn lên. Thế là anh thắng cuộc! Sáng mai trong chậu quần áo lại có thêm một bộ quần áo của anh mặc một tháng. Thật là ức! Cái gì cũng thua anh ấy hết cả. Ngay cả đầu tháng mà mua được một cuốn Tuổi Hoa về không bao giờ được đọc trước, anh cứ chờ cho tôi rọc xong xuôi thì anh lại kiếm chuyện nói với má:

- Má ơi, mai con đi học mà áo sơ mi chưa có cái nào ủi cả.

Hoặc:

- Má, 4 giờ mà Khánh nó chưa xuống nấu cơm gì hết, cứ chúi mũi mà đọc truyện.

Thế là tôi phải nghe lời má mà bỏ cuốn Tuổi Hoa xuống, anh liền vồ ngay lấy cười mãn nguyện: Khà khà! Sung sướng! Thật tức chết đi được. Bao giờ tôi cũng là một kẻ thua trận. Những lần thấy anh ngồi đọc là tôi kêu bé Khanh ra dặn nhỏ:

- Này, Khanh ra lêu lêu anh Khoa đi, nói là ông già mà còn coi Tuổi Hoa.

Bé Khanh lon ton chạy ra:

- Ê! Lêu lêu anh Khoa, ông già mà còn coi Tuổi Hoa, lêu lêu!!

Biết tôi bày, anh nói to:

- Khà khà! Sơ mổ già sơ mổ mới coi à, già coi Tuổi Hoa cho nó trẻ lại, cho nó “thung thướng”! Em tưởng em nói dzị rồi anh bỏ xuống đi à? Còn lâu!

Và anh thản nhiên tiếp tục đọc một cách ngon lành như không biết gì cái tức của tôi đã lên đến cực điểm. Tôi thề là nhất quyết sẽ không làm gì cho anh nữa.

Một buổi trưa kia, lúc anh xé lịch kèm theo điệp khúc mà lúc nào xé lịch anh cũng rống:

- Úi dzời ơi, giấy bay thì ngày mất! Chán lắm, chán lắm!

Nhớ đến ngày tôi sực nhớ vội nói:

- À! Anh Khoa, anh thi gì mà lâu thế? Quần áo tính sao đi chứ. Từ mai, quần áo anh mà còn nằm trong chậu thì Khánh loại ra đấy.

Anh không nói gì mà làm như không nghe tôi nói. Và đến sáng, tôi tức giận biết bao nhiêu khi thấy quần áo anh nằm chình ình trong chậu! Tôi nhứt quyết loại ra ngoài.

Đến chiều tôi phải đi ra phố mua mấy quyển sách thì vận đen đến tìm tôi: chiếc xe đạp hư! Làm sao bây giờ? Nhờ anh Khoa thì chắc còn lâu, hồi sáng không giặt quần áo cho anh ấy thì sức mấy mà ảnh sửa dùm? Thôi cứ thử nhờ xem sao? Tôi lại gần anh nói nhỏ:

- Anh Khoa ơi, xe đạp Khánh nó làm sao ấy, anh xuống coi dùm Khánh tí đi.

Lập tức, anh đưa điều kiện:

- À! Thế bây giờ Khánh có chịu giặt quần áo cho anh không?

Vì chiếc xe đạp tôi đành phải bằng lòng!

Nhưng anh còn cẩn thận:

- Khánh phải giơ tay thề đàng hoàng cơ.

- Thề thế nào hở?

- Thì: từ nay tôi thề sẽ giặt quần áo cho anh Khoa mãi mãi!

Và bao giờ tôi cũng là kẻ thua cuộc!!

Khánh Minh    
   
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 90, ra ngày 1-5-1968)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>