Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (VIII)


Thứ bẩy (tiếp theo)

Vấn đề tăng giá báo, Chủ nhiệm không đưa ra một ý kiến nào và để cho tòa soạn hoàn toàn tự do tìm lấy một quyết định đúng. Trong suốt hai năm cộng tác để điều hành tờ Thiếu Nhi, tôi thấy Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương luôn luôn giữ ở vị trí tế nhị đó. Chủ nhiệm đã xóa được cái hàng rào ngăn cách, đầy mặc cảm ngại ngần của những người đã đốt đi một ngân khoản khổng lồ để chi vào việc duy trì một tờ báo lỗ lã liên tục từ số đầu cho đến nay. Đã thế, ở những giai đoạn mà anh chị em trong tòa soạn thối chí nhất, không nhìn thấy một ánh sáng hy vọng nào ở tương lai, nhiều người đã tính bỏ cuộc, thì chính chủ nhiệm lại là người khích lệ và thúc đẩy cho lên tinh thần. Tôi còn nhớ mãi một câu mà Chủ nhiệm đã nói trong lúc tâm tình:

- Nếu báo mình bán được 3000 số thì ít nhất cũng giáo dục được 3000 Thiếu Nhi. Trong cố gắng của tư nhân mà góp phần được cho quốc gia như thế thì công trình ấy của mình cũng đáng nên duy trì.

Chủ nhiệm là con người chỉ âm thầm làm việc và không thích ồn ào. Sự dè dặt của chủ nhiệm nhiều khi trên cả mức dự liệu của tòa soạn. Như một dạo tờ T.N vừa đưa ra mấy cái quảng cáo dành cho mấy cuốn sách hay do nhà sách Khai Trí xuất bản, khi báo sắp ra, chủ nhiệm mới biết và lập tức yêu cầu cho ngưng lại. Lý do : Làm như thế, mục đích tờ báo của mình có thể bị hiểu lầm là cơ sở quảng cáo cho nhà sách.

Thế là, dù có một tờ tuần báo trong tay, nhà sách Khai Trí cũng vẫn giữ một vai trò độc lập, khách quan, không liên hệ gì đến sinh hoạt của tờ báo.

Đó là về mặt hình thức. Đi vào nội dung của tờ Thiếu Nhi, Chủ nhiệm cũng dè dặt không kém. Nói rõ hơn là Chủ nhiệm hết sức tôn trọng vai trò của Chủ biên trong tờ báo. Trong suốt gần hai năm làm việc ở tòa soạn, chúng tôi chưa hề thấy chủ nhiệm buộc phải đăng bài này hay bài khác. Tôi còn nhớ một lần vào dịp Tết Trung Thu năm ngoái, Chủ nhiệm trao cho tôi mấy bài của ai đó, dặn nếu đăng được thì cho đăng. Tôi đọc rồi xếp vô tủ sắt. Lý do : dở về kỹ thuật. Chủ nhiệm không phiền hà gì. Cũng không hỏi lại tại sao không đăng. Về vấn đề lựa chọn bài vở, tôi được tin cậy và giao phó hoàn toàn. Trong công cuộc hoạch định cho đường lối chung của tờ báo, hay trong những nỗ lực cải tiến từng tiết mục, chủ nhiệm cũng chỉ đóng góp ý kiến một cách dân chủ như mọi người khác. Luật thiểu số phục tòng đa số được triệt để tôn trọng. Tôi phải thành thực mà công nhận rằng, tìm được một người đồng chí hướng, thiết tha với tuổi thơ, khiêm nhường, vô vị lợi và kiên nhẫn như Chủ nhiệm thật không phải là chuyện dễ dàng. Tờ Thiếu Nhi sở dĩ còn tồn tại được đó là nhờ Chủ nhiệm. Hẳn khi đọc được những dòng chữ này, ông sẽ lại rất phiền hà tôi : “Chú viết những cái gì đâu đó ra làm chi”. Nhưng đã gọi là để vui buồn với bạn đọc thì tôi cứ làm. Bởi hơn ai hết, là người cộng tác mật thiết với chủ nhiệm, tôi có đủ dữ kiện để viết ra và đủ tư cách để bảo đảm về những dòng chữ của mình.

Chống lại chủ trương tăng giá báo là các bác Văn việt, bác Văn Trung và bác Đặng Hoàng. Bởi các bác là những người hàng tuần đã chịu khó đem báo đến từng trường từng lớp để bán trực tiếp từng cuốn cho các học sinh. Sự chống đối của các bác đầy vẻ e dè bởi một mặt các bác hiểu rõ túi tiền của học sinh, một mặt khác cũng hiểu rõ cả thực trạng lỗ lã của tờ báo. Các bác không quyết liệt phản đối, nhưng chỉ khuyến cáo một cách e dè:

- Tăng giá báo là điều hợp lý không ai chê trách gì, nhưng đối với học sinh… tội quá… Sợ các em không đủ tiền mua.

Tôi nêu thắc mắc:

- Sách “Can” ngoại quốc đề giá 120đ vẫn bán chạy. Điều đó chứng tỏ vấn đề giá tiền không phải là yếu tố trở ngại quyết định của các em.

- Đồng ý là sách “Can” ngoại quốc như Tin Tin, Lucky Luke… bán chạy, nhưng nó là sách trọn kỳ, chớ không phải báo. Để mua được một cuốn sách trọn kỳ, các em có thể để dành một tuần, hai tuần, có khi cả tháng. Mua một cuốn là đọc trọn một truyện, không phải mất công chạy đuổi theo những số liên tục ra hàng tuần như Thiếu Nhi.

Chị Đỗ Phương Khanh cũng nêu ý kiến:

- Qua thư từ của các em gửi về, tôi nhận thấy phần đông độc giả của T.N là những em thuộc gia đình nghèo. Các em đã phải nhịn bớt tiền quà sáng để có thể mua được T.N. Có em rất thích đọc T.N mà không đủ tiền theo dõi liên tục, nên chỉ lúc nào có tiền mới mua đọc được một số. Sau biến cố quảng Trị, Đông Hà, nhiều em có gia đình phải di tản nay không còn phương tiện để đọc Thiếu Nhi, tuy nhiên thỉnh thoảng nhớ tòa soạn, các em vẫn viết thư về hỏi thăm. Bởi vậy, việc tăng giá báo là cả một vấn đề khó khăn thêm cho các em.

Những buổi họp bàn về việc tăng giá báo cứ theo một đà luẩn quẩn mà không đi đến một quyết định dứt khoát nào. Chủ nhiệm đã giao phó cho tòa soạn tìm lấy một quyết định đúng. Tòa soạn bó tay, trút trách nhiệm cho ban Quản Lý. Ban Quản Lý không dám quyết định đơn phương, lại đem hỏi ý Chủ nhiệm. Thành ra cho đến bây giờ, báo vẫn để giá 50đ giữa cơn sốt về giấy cứ mỗi ngày một đe dọa gia tăng.

Và nói chung, hầu như ý kiến của anh chị em trong tòa soạn đều nghiêng về phía muốn nâng đỡ các học sinh nghèo, không tăng giá báo để các em có thể còn được đọc T.N, cho đến khi nào tờ báo không có thể đứng vững nổi nữa, nếu giá báo không tăng, để có thể bù vào khoảng trống của nạn vật giá leo thang.

______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ IX


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 89, ra ngày 13-5-1973)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>