Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Chuyện Thời Trang


Không hiểu do linh tính tự nhiên như mọi bận hay vì một đứa nào trong bọn phản bội quyền lợi chung mà mẹ tôi đột ngột phát giác ra chuyện con Hà đính một chú rùa vàng ở gấu quần! Phải! Chỉ là một rùa vàng bằng chì đúc bé tí tẹo bằng cỡ cái móng tay trỏ của người lớn ấy thôi, chứ có to lớn chi cho cam (Chả là con em gái tôi ưa lăng xê mốt mà!). Thoạt tiên, mẹ tôi kêu lên như dẫm nhằm tổ kiến lửa:

- Cái con quỉ này, ưa bày đặt, đính rùa ở gấu quần làm gì vậy chứ, hở?

Em gái tôi cười đến khục một cái, nịnh:

- Mẹ coi coi… hay ghê chứ? Phải không mẹ?

- Hay cái cóc khô gì? Mẹ chả thấy hay ho gì hết. Tụi bay bây giờ ưa vẽ sự… Không lo học hành cứ lo diện với mốt nọ, mốt kia, hư thân…

Vẫn những lời chì chiết nặng nhẹ như mẹ từng dùng mỗi khi thấy các con vẽ sự, giở trò nhưng giọng thì không có vẻ gì là cáu kỉnh. Hà như được khuyến khích, tiến tới:

- Mẹ xưa quá đi! Đời bây giờ phải văn minh một chút, tụi bạn con nó còn nhiều thứ nữa ấy chứ mẹ, đâu có quê như tụi con. Tụi nó vẫn chê con là quê! Này, mẹ coi con rùa đẹp ghê, hở? Mẹ ưng không? Nếu mẹ ưng, con mua tặng mẹ một con chơi. Hay lắm à!

Vừa nói nó vừa nhanh nhẩu gỡ con rùa ra khỏi gấu quần, dứ trước mắt mẹ làm mẹ bật cười lên. Không khí nghe dễ thở quá! Bé từ nhà sau, trờ tới, yêu sách:

- Mẹ! Mẹ cho con để tóc dài, nghe mẹ? Con lớn rồi mà!

- Để tóc dài làm chi? Nóng nảy…

- Để tóc dài đặng con sửa soạn thi vô Đệ Thất Gia Long chớ.

- Vậy nếu không để tóc dài thì con không thi được, phải không?

- Được chứ… – Bé ấp úng – mà con ưng để tóc dài để con kẹp…

Minh chặn lời em:

- Mẹ biết tại sao không? Nó mới được chị Hà cho cái kẹp, cái kẹp có đính con rùa vàng ở đầu đẹp, đẹp lắm. Nó ưng diện đó, mẹ ơi!

- Lại rùa – mẹ như nói một mình, và đổi giọng to hơn – Đâu? Đưa mẹ coi thử coi, kẹp kiếc ra sao?

Cả bọn tụm lại, tò mò vì muốn thấy cái kẹp thì ít mà muốn dò phản ứng mẹ thì nhiều hơn. Tùy thái độ mẹ tôi, cả bọn sẽ đưa ra vài yêu sách mới, hay nhẫn nhục rút lui chờ cơ hội thuận tiện hơn.

*

Tôi xin phép được giới thiệu sơ qua mẹ tôi với quý bạn, vì rồi đây tôi tin là chúng ta sẽ có dịp thân nhau (Chắc bạn cũng không thấy có gì bất tiện chứ?).

Mẹ tôi năm nay đã lớn tuổi rồi, nếu bạn không thích môn toán học thì tôi có thể nói một cách văn vẻ là mẹ tôi đã vượt qua ba lần tuổi trăng tròn!

(Nghe người tây phương nói rằng nhắc đến tuổi một người đàn bà là bất lịch sự, nên tôi phải mượn đến phương pháp này, bạn thông cảm giúp cho nhé?)

Ậy, nhưng bạn đừng tưởng thế là mẹ tôi già đâu. Chưa! Theo tôi thì người còn khá trẻ, bằng cớ là khi nộ khí xung thiên lên, người thét to hơn còi xe lửa. Ra đến bể, người phóng ào xuống nước một cách rất là hùng dũng và bơi cũng có hạng chứ không thua ai. Mỗi lần chúng tôi làm gì lầm lỗi, đều bị người trừng phạt thẳng thừng, khi ngọn roi khi ngọn lưỡi – mẹ tôi không có óc hẹp hòi chuộng văn khinh võ, nên cả hai biện pháp chính trị và quân sự đều được mẹ áp dụng đều đều – người quả thật nhiều phen vất vả, tung hoành trong ngôi nhà chiều ngang 8 thước, chiều dài 16 thước, kể thêm khoảnh sân 40 thước vuông nữa, như thể là Triệu Tử Long trong trận Đương dương Trường bản gì gì đó… ở trong tuồng Tam quốc chí diễn nôm! 


Nhưng mà tụi tôi cũng không ngán mấy. Nhất là mấy thằng con trai, ngọn roi mẹ tôi quất xuống thì bụi từ quần nó bay lên, làm có khi bà cũng phải phì cười, quên cả giận. Cái mà bọn tôi ngán nhất là thứ khí giới yếu ớt : nước mắt của mẹ tôi. Nhưng cũng may là mẹ tôi ít khi áp dụng thứ bửu bối ấy. Trông thấy mẹ khóc, chúng tôi buồn lắm, hối hận lắm, đau xót và thương mẹ lắm. Chúng tôi tự nguyện là sẽ cố gắng để bù lại lầm lỗi đã qua, tự hứa… cho đến kỳ tái phạm tới.

Trong vài năm gần đây, tụi tôi lớn như thổi, ít khi đau ốm quặt quẹo như lúc trước, song mẹ tôi bận tâm nhiều về cách ăn mặc của bọn tôi lắm. (Kỳ ghê : chúng tôi ăn mặc làm sao thì cũng là con mẹ chứ có mất mát gì mà mẹ cứ áy náy hoài cho nhọc?) Thoạt đầu là tôi với con Hà dắt nhau đi may cái quần tây. Nói cho rõ ra : may cho nó chứ tôi thì chưa. Tôi muốn đưa nó ra thí nghiệm, thăm dò xem sao. Con bé này có tiếng – dĩ nhiên có tiếng đối với chị em tôi trong nhà – là người ưa cải cách, tiến bộ, cho nên đến hiệu may, nghe tôi xúi, nó hăng lên ngay, bảo ông thợ cứ cho ống quần nó rộng 25 phân. “Mẹ la Hà chịu” giọng nó chắc nịch, cương quyết.

Song, sau khi bàn tán một hồi, cô ta kèm thêm một câu rất là cẩn tắc vô ưu với ông thợ:

- Mà nếu mẹ cháu la thì bác chịu khó may chật lại cho cháu, đừng đòi thêm tiền, được không?

Ông thợ là người quen với gia đình tôi, cười xòa dễ dãi:

- Được, được, không sao, hễ bà rầy thì cô cứ mang lại đây, tôi sửa cho, không can gì, chỗ quen biết mà! Bây giờ người ta mặc rộng… Nhưng tôi chắc bà không rầy các cô đâu.

- Mẹ cháu khó lắm, bác ơi!

Tôi thêm vô một câu:

- Bác có hứa là sửa chật lại nếu mẹ cháu…

- Được, đã nói là được mà, các cô cứ yên bụng mà.

Trời ơi! Sao mà có người tốt bụng như vậy nhỉ! Hai đưa tôi tấm tắc khen trên đường về.

Tuần lễ sau, chúng tôi hí hởn xin tiền mẹ đi lấy quần. Trước khi chúng tôi lên xe, mẹ còn gặng lại:

- Sao? Hai đứa có dặn họ may đàng hoàng không?

- Dạ, có, may đàng hoàng lắm, mẹ ơi!

- Liệu chừng, hễ về đây mà mẹ thấy ngắn bày rốn, rộng phất phơ thì đòn đó, nói trước cho, nghe chưa?

- Dạ, không ngắn đâu mà mẹ…

- Thôi, đi mau đi, mẹ đợi. Cẩn thận nghe không? Qua ngã tư phải đợi đèn xanh đàng hoàng, nhớ sát lề tay mặt nghe không?

Chao! Lại cái điệp khúc cũ mèm, nhắc đi nhắc lại dễ có hàng vạn vạn lần! Tôi đi xe từ năm 13 tuổi mà giờ đã 17 tuổi chứ ít ỏi gì? Mà luôn luôn hễ dắt cái xe ra, chưa kịp rồ máy là mẹ tôi mở lại cái điệp khúc cũ mèm : Đi đàng hoàng, qua ngã tư chờ đèn xanh, ôm sát lề tay mặt, đừng vượt qua xe nhà binh v.v… không bao giờ chán, mỏi.

Nửa giờ sau, hai đứa hí hởn về nhà. Con Hà len lén đi thẳng vào phòng. Cái con ngu làm sao! Bộ dạng đó làm mẹ đâm ngờ, bà gọi giật nó lại bảo đưa cái quần cho bà xem. Thốt nhiên, tim tôi nhảy đùng đùng trong lồng ngực. Tôi chờ đợi một cơn giông bão nổi lên và không khỏi ngán : cơn giông đó sẽ cuốn cả tôi luôn chứ không chơi, tôi thầm hối hận đã xui dại con Hà may quần ống rộng. Song than ơi, luôn luôn là hối hận thì đã muộn…

Con Hà bị quất có năm roi, còn tôi… bạn không đoán được đâu : đúng 10 roi! Mẹ tôi đổ riệt là tại tôi xúi nó – thì đúng đứt đuôi con nòng nọc đi rồi – tôi cầm đầu, tôi lớn mà không ngăn nó làm xằng, làm bậy. Đánh xong, mẹ bắt tụi tôi vòng tay xin lỗi đàng hoàng – với mẹ tôi cái gì cũng phải đàng hoàng hết : ăn uống đàng hoàng, học hành đàng hoàng, mặc áo quần đàng hoàng… – mà vẫn chưa hả giận. Mẹ cầm cái quần lên, hầm hầm mặt, ra lệnh:

- Đi xuống bảo họ sửa liền, không thì còn khổ với mẹ đó! Đi, mau!

Đi xuống hiệu bây giờ? Ngay sau khi bị quất vào mông chẵn 10 roi, đau quắn như thế này này? Ác chưa? Xấu hổ chết đi! Còn gì thể diện? Làm sao mà nói cho ra lời? Hai đứa tôi nhìn nhau bối rối.

May sao, ba lên tiếng:

- Đi đâu mà gấp? Để thong thả mai đi không được sao?

- Mấy giờ rồi?

Mẹ hỏi một câu không ăn nhập gì đến chuyện quần áo hết. Ba trả lời:

- 6 giờ 10.

- 6 giờ 10 rồi? Vậy thì thôi, giờ này tan sở, xe đông, đi rồi lại đụng xe thêm mệt. Thôi, mai sẽ hay!

Rồi như chợt nhớ ra, mẹ tôi gặng lại:

- Mà có chắc họ chịu sửa không? Hay họ lại đòi thêm tiền đây?

Hà quẹt nước mắt vào lai áo, nhỏ nhẻ:

- Dạ, sửa chớ!

- Sửa chớ! – mẹ gằn giọng – nói như chị cả người ta không bằng…

- Con có dặn trước rồi…

- Dặn sao, nói nghe coi?

- Dạ, con dặn hễ mẹ không chịu cho mặc như vậy thì sửa lại giùm cho con, đừng đòi tiền thêm, ông thợ chịu…

- À! Con nhỏ này khôn, mợ thấy không? Ít nhất, nó cũng… biết phòng xa…

- Thôi, cho tôi xin đi! Anh đừng khen mà nó khổ với tôi! Mới bằng con muỗi tép mà kiểu cọ…

- Ai bảo mợ chiều chúng cho lắm vào? May với vá, rộn lên…

Mẹ gặng ba:

- Tôi chiều chúng gì đâu? Ông thấy mà : mỗi đứa có hai bộ đồng phục, chứ diện diết chi đâu? Bây giờ ông cho nó đi học thêm ở hội Việt Mỹ, ông bảo may cho nó cái quần tây…

- Thì may quần tây chứ sao, mà không có may kiểu cọ lôi thôi, sao mợ không dặn nó? Để rồi la lối đánh đập ồn nhà? Cai trị là tiên liệu mà, mợ không nhớ sao?

Nói xong, ba tôi lại cười tỉnh bơ làm mẹ càng tức. Ba còn thêm đòn tối hậu:

- Đàn bà con gái ưa sinh chuyện, cứ như ba đây với mấy thằng con trai, khỏe ru, chẳng kiểu cọ, rộng hẹp gì hết.

*

Câu chuyện về sau ra sao? Bạn hỏi. Xin trả lời rành mạch : ống quần được thu hẹp còn 20 phân chiều rộng. Mẹ tôi hài lòng lắm, song khi con hà mặc vào mẹ lại gần quan sát thấy sự cải cách quá lố làm bà lại sôi sục lên: quần con gái gì lại mở phéc mơ tuya ở giữa quá là con trai? Chưa hết, còn may đáy ngắn nữa chứ : gần hở rốn ra, khiếp quá. Tôi lại chịu chung một bài đại luận về cách ăn mặc sao cho được mắt.

Và rồi, điệp khúc cũ được nhắc lại : không nên trọng cái dáng bề ngoài, nên coi thường thời trang, con người ta hơn nhau ở tư cách chứ không phải ở chỗ chưng diện bề ngoài, còn đang đi học đừng có ham kiểu cọ v.v…

Gần một năm rồi chúng tôi không dám hó hé bàn đến chuyện may quần áo. Nản quá, mỗi khi nhớ lại chuyện này.

Dịp tết đến, dì tôi từ Đà Nẵng vào mua hàng. Dì tôi mặc bộ tuy ních mầu bê-tơ-rôn (mầu mẹ thích) mà cái ống quần rộng đến 37 phân! Tụi tôi lác mắt khâm phục. Chúng tôi được dịp thảo luận sôi nổi về thời trang thỏa thích, mẹ cũng bỏ qua, không bắt ne bắt nét như thông lệ. Dì tôi nhiệt liệt bênh vực tụi tôi, rằng nào là ngoài Đà Nẵng họ diện lắm, rằng nào là không nên khắt nghiệt quá đối với con nít, tội. Nói ngày, nói đêm, cho đến khi dì ra về, chúng tôi được mỗi đứa một cái quần tây, đứa thì mầu tím, đứa thì mầu xanh (mẹ chịu tiền may, dì cho tiền vải). Lần này, mẹ con chúng tôi thảo luận kỹ càng lắm.

Con Hà và tôi hết sức lấy lòng mẹ : đứa thì gội đầu, đứa thì nhổ tóc sâu. Thấy chúng tôi như vậy, mẹ càng được thể, mẹ bắt tụi tôi gãi đầu, đấm lưng, mở nhạc, đủ thứ.

Rồi mẹ thì thầm bàn tán với ba và mẹ vui vẻ ban cho chúng tôi ân sủng hiếm hoi : lần này chúng tôi may quần ống rộng đến 24 phân! May ngang rốn cũng được, mở phéc mơ tuya ở giữa được nốt, nhưng cấm không bỏ ra ngoài áo, không được dài quét đất và không được bó sát mông. Nhất nhất chúng tôi đều vâng dạ. Vì chúng tôi biết là mẹ nhượng bộ hơi nhiều, chúng tôi rất hài lòng.

Rồi chúng tôi chở nhau đi may. Và lần này, khi chúng tôi mặc thử trước mặt mẹ, mẹ cười, nụ cười rạng rỡ làm khuôn mặt mẹ như khuôn trăng đêm 16.

Mẹ con chúng tôi đều vui. Hà ưa mầu tím, tôi thích mầu xanh. Ôi! Hạnh Phúc viết hoa mà đơn giản biết ngần nào!

Thế mà tại sao, chúng tôi lại làm mẹ phiền lòng dạo đó, hở cao xanh?

Mẹ nhìn chúng tôi, hãnh diện bảo ba:

- Anh trông, con có dễ thương không?

Ba cười tán đồng lời mẹ bằng ánh mắt, nhưng lại nói khác đi:

- Ối, đàn bà con gái bày đặt lôi thôi, coi như cha con ta đây, giản dị biết bao nhiêu?

Nghe ba nói, mấy tướng con trai phụ họa ít lời, gian phòng nhỏ vang lên những nụ cười ròn rã.


MINH QUÂN    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>