CHƯƠNG IV
Bốn năm trôi qua…
Tuấn được ông bà Thái Phong nuôi cho ăn học. Thỉnh thoảng, Tuấn về thăm má và em, nhưng về tránh trút, vì sợ ông Tư Bá bắt gặp.
Tuấn
và Minh cùng học chung một lớp. Ý ông bà Thái Phong muốn cho cả hai học
đến Đại học, nhưng Tuấn thấy mang ơn cha mẹ nuôi quá nhiều. Vả lại, ý
Tuấn không muốn chọn một nghề cần bằng cấp cao. Ước vọng của cậu là một
mảnh vườn trồng cây ăn quả và vài mẫu ruộng cấy lúa, để vui sống cạnh mẹ
già, em dại, thế là cậu mãn nguyện.
Vì
thế, cậu giấu cha mẹ nuôi, nạp đơn xin dự kỳ thi Trung học tráng niên
và cậu đã được kết quả như ý. Mãi đến ngày ghi tên vào Đệ Tam, Tuấn mới
tỏ thật với cha mẹ nuôi để xin thôi học. Ông Thái Phong ngạc nhiên hỏi :
- Con mới 16 tuổi, còn học hành được, tại sao lại thôi ? Con định làm gì ?
Tuấn nhỏ nhẹ :
-
Thưa bác, từ lâu, con chỉ ước mong học đến Đệ Tứ. Cái chết của ba con
đã làm cho con tưởng là tuyệt vọng. Nhưng may Trời dun dủi cho con được
gặp hai bác thương giúp. Nay con học được như thế này, là con đã mãn
nguyện lắm rồi.
Trong
tương lai, con không có tham vọng làm việc gì cần bằng cấp cao, mà con
chỉ thích làm ruộng, làm vườn. Vì thế, con xin bác cho con được đi theo
tàu bác điều khiển vài năm, trước là con được đi đây đi đó để học hỏi
thêm những điều tai nghe mắt thấy, sau là con có thể dành dụm được ít
tiền cho má con mua một miếng vườn, để mẹ con sống với nhau.
Ông Thái Phong nghe Tuấn giãi bày, ông cảm động nắm lấy tay Tuấn :
- Bác thấy con có hiếu, bác mừng lắm ! Nếu con không muốn học nữa thì bác cho con đi với bác !
*
Thế là ít lâu sau, Tuấn trở thành một thủy thủ trẻ tuổi làm việc dưới tàu Nam Hải.
Tàu
Nam Hải trọng tải trung bình, nhưng được kể vào hạng tàu lớn do người
Việt Nam làm chủ. Tháng nào, tàu Nam Hải cũng chở hàng từ Sàigòn đi Tân
Gia Ba và lãnh hàng ở đó chở về Sàigòn. Và cứ sáu tháng, tàu lại đi một
chuyến qua Nhật và một chuyến sang Ấn Độ. Về mùa biển hay động mạnh, tàu
được kéo vào ụ để xem xét, sửa chữa và sơn quét lại.
Ngoài ông Thái Phong là Thuyền trưởng, còn có một phụ tá và một số thủy thủ chừng 15 người.
Công
việc của Tuấn cùng các bạn : chùi rửa tàu mỗi ngày, xem sóc tất cả các
phòng và kho hàng. Những ngày tàu bốc hàng và dở hàng, thì công việc của
thủy thủ vất vả khó nhọc hơn ngày thường.
Các
bạn thủy thủ, ai cũng biết Tuấn là con nuôi ông Thuyền trưởng, nhưng
Tuấn không vì thế mà lên mặt với ai. Cậu coi mình như một thủy thủ tập
sự, tận tâm làm việc dưới quyền điều khiển của những bậc đàn anh. Bởi
đó, nhân viên trong tàu, ai cũng quý mến cậu. Trong số các bạn thủy thủ,
Tuấn rất thân với Dũng. Tàu cập bến một hải cảng nào, nếu được phép đi
dạo phố, thế nào Tuấn Dũng cũng đi cặp với nhau. Dũng đã làm việc dưới
tàu Nam Hải lâu năm, đã đi đây đi đó ; nhờ Dũng mà Tuấn học hỏi được
thêm nhiều điều hữu ích. Ông Thái Phong cũng muốn cho Dũng chỉ vẽ cho
Tuấn trong bước đầu mới vào nghề, vì ông nhận thấy Dũng là một thanh
niên đứng đắn.
Đến
kỳ tàu sắp sửa chở hàng xuất cảng sang Nhật, ông Thái Phong đưa tin cho
nhân viên biết. Tuấn mừng thầm, vì được dịp đi xem một nước mà kỹ nghệ
đã nổi tiếng nhất nhì miền Đông Nam Á.
Một
tuần trước khi tàu nhổ neo, ông Thái Phong cho Tuấn về thăm nhà. Bà Hai
dặn dò con, cố gắng làm việc cho tử tế và ăn ở hòa nhã với mọi người,
Em Hiền bá cổ anh, nhõng nhẽo :
- Anh Hai đi Nhật, nhớ mua quà Nhật cho em, nghe anh !
Tuấn hôn lên hai má lúm đồng tiền của em, hứa hẹn :
-
Ừ, anh sẽ mua cho má một cái “radô”, chạy bằng “bin” để má nghe cải
lương nè ! Còn em, anh sẽ mua cho em một cái máy thu băng, để em thu
tiếng em hát, em cười vào trong máy, rồi mở ra nghe lại, y hệt tiếng em
vậy !
Hiền tưởng anh nói đùa, xịu mặt xuống :
- Thôi, nghỉ chơi với anh Hai đi, em không tin đâu ! Máy gì mà lạ vậy ?
Tuấn ôm lấy em, vỗ về :
- Tại em chưa thấy, nên em lấy làm lạ, chớ anh đã thấy rồi. Nhiều kiểu lắm, có thứ nhỏ xíu hà, bằng cuốn tập thôi !
Bà Hai cũng chưa hề thấy loại máy lạ đó :
- Máy gì mà hay quá nhỉ ? Mà có mắc tiền lắm không con ?
Tuấn cười :
- Ở Sàigòn, người ta cũng có bán mà mắc. Còn như bên Nhật là nơi họ chế tạo ra, chắc rẻ hơn nhiều.
*
Suốt
mấy ngày bốc hàng lên tàu, Tuấn và các bạn làm việc không ngừng tay.
Những chiếc xe vận tải hạng nặng, nối đuôi nhau chở từng kiện hàng to
tướng, cặp sát vào hông tàu. Người điều khiển cần cẩu, móc hàng lên rồi
bỏ xuống kho. Một số người đứng trong kho, khiêng sắp các kiện hàng cho
có thứ tự. Họ phải cẩn thận, nhẹ nhàng, khi di chuyển những kiện hàng có
chữ đỏ to tướng : “DỄ VỠ”.
Hàng
chất vào kho tàu xong xuôi, các thủy thủ được nghỉ ngơi một ngày. Sáng
hôm khởi hành, nhân viên quan thuế lên tàu kiểm soát một lần chót, đoạn
cho lệnh nhổ neo.
Chiếc
thang lên tàu đươc xếp gọn vào hông tàu và chiếc neo khổng lồ vừa kéo
lên, thì máy tàu chuyển động mạnh hơn. Tàu từ từ ra khỏi bến, để lại
đằng sau, những giòng nước xoáy trắng xóa. Từ bến Sàigòn ra đến cửa biển
Vũng tàu, chiếc Nam Hải do một hoa tiêu riêng cầm lái. Hoa tiêu này do
hội Hoa Tiêu chuyên môn lái tàu trên quãng sông Sàigòn- Vũng Tàu, vì họ
biết rõ lòng sông. Ra đến biển, họ giao tay lái cho hoa tiêu của tàu rồi
trở lại Sàigòn bằng tàu riêng của họ.
Lênh
đênh hơn một tuần lễ trên mặt biển rộng mênh mông, Tuấn tuy không bị
say sóng, nhưng cậu cảm thấy buồn bã, vì suốt ngày chỉ quanh quẩn trên
tàu. Các thủy thủ khác, vui vẻ hơn, vì họ đã quen đi như thế nhiều lần.
Tàu
cập bến Yokohama vào một buổi sáng. Hải cảng này lớn gấp mấy lần hải
cảng Sàigòn. Tàu thủy, cái lớn, cái nhỏ, đậu chi chít. Tuấn so sánh
chiếc Nam Hải với mấy chiếc tàu dầu đang đậu gần đó, thật chẳng khác gì
con chó với con voi !
Các
thủ tục xong xuôi, tàu Nam Hải hạ neo và bỏ thang xuống bến. Trong việc
giao dịch với người ngoại quốc, dân Nhật dùng tiếng Anh, còn khi họ
tiếp xúc với nhau, họ dùng tiếng bản xứ. Tuấn để ý nghe hai người Nhật
nói chuyện với nhau : giọng họ nói cũng na ná như mấy ông Ba Tàu ở Chợ
lớn nói chuyện với nhau vậy.
Bước chân lên đất Nhật, điều Tuấn nhận thấy trước tiên là sạch sẽ. Bến tàu, nhà cửa, đường sá đều sạch sẽ.
Chuyến
đi Nhật lần này, ông Thái Phong theo đài khí tượng tiên đoán, sợ có
giông bão xẩy đến, nên đã quyết định rút ngắn thời gian ở đất Nhật, để
trở về Sàigòn sớm hơn dự định. Bởi đó, sau khi dở hàng xuống bến, ông
Thái Phong cho Dũng dẫn Tuấn đi xem thành phố Tokyo (Đông Kinh) một
ngày, để trở về cho kịp.
Sáng
sớm, Dũng đưa Tuấn lên tàu điện. Dũng đổi một số tiền kền Nhật, để mua
vé. Cậu xem giá tiền xe đi Tokyo , rồi bỏ tiền vào “ghi sê” có ghi chữ
Tokyo , vài giây sau, một cái vé xe lòi ra cùng với số tiền lẻ thối lại.
Dũng bỏ tiền lần nữa, để mua một vé khác cho Tuấn.
Một
lát sau, tàu đến, Dũng léo Tuấn bước vội lên tàu, vì chỉ trong mấy phút
là tàu sẽ tự động đóng cửa và chạy ngay. Khi tàu bắt đầu chạy, Dũng cắt
nghĩa cho Tuấn hiểu :
-
Tàu điện ở đây cứ độ mươi phút là có một chuyến. Đường tàu đi và về
khác nhau, nên không bao giờ đụng nhau. Ghi sê bán vé tự động chớ không
có người. Mình muốn đi đâu, cứ theo giá tiền ghi trên bảng, mà nhét tiền
vào “ghi sê”, máy sẽ tự động đưa vé ra cho mình. Và nếu mình đưa dư
tiền nó cũng sẽ thối tiền lẻ lại. Điều cần nhất là mình phải dùng tiền
Nhật bằng kền, mới mua vé được. Bởi thế, chính phủ Nhật đúc tiền kền từ 1
đồng đến 100 đồng, trên 100 đồng mới in bằng giấy.
Tuấn gật gù khen :
-
Kể ra kỹ nghệ họ tiến quá, nên cái gì họ cũng xài máy móc, bớt được
nhiều nhân công. Mà đồng tiền Nhật gọi tên là gì, anh nhỉ ?
Dũng cầm một đồng tiền Nhật giơ lên :
-
Gọi là đồng Yen. Đồng Yen của Nhật, nhờ mức xuất cảng trong nước mạnh,
nên có giá trị quốc tế, không phải như đồng bạc Việt Nam mình phải dựa
vào đồng Mỹ kim.
Bỗng
có tiếng cô chiêu đãi viên nói, phát ra từ máy phóng thanh gắn trong
mỗi toa xe. Dũng nhìn ra hai bên đường, rồi chỉ tay bảo Tuấn :
-
Thường tàu đi qua chỗ nào có di tích lịch sử, đền thờ hoặc thắng cảnh
gì, thì nhân viên trong tàu lại chỉ dẫn cho du khách hiểu. Vừa rồi là họ
lưu ý chúng ta xem về phía Tây Bắc, có ngọn núi Phú Sĩ, mà dân chúng
Nhật Bản tôn thờ, quý trọng. Ngọn núi này khá cao, xưa kia là một núi
phun lửa, nhưng đã tắt từ lâu. Trên đỉnh núi luôn luôn có tuyết bao phủ.
Về mùa hè, có người leo lên tận đỉnh núi, nhưng số đông, chỉ lên tới
lưng chừng.
Tuấn vừa nghe Dũng kể, vừa phóng tầm mắt nhìn hai bên. Nhà cửa san sát, cái cao, cái thấp. Các đường xe hơi chạy rộng rãi, có thể chạy mỗi chiều 3, 4 chiếc thong thả. Xe đến các ngã tư, không phải dừng, vì có cầu bắc ngang trên cao, có đường dọc phía dưới, thật rất tiện lợi, đỡ mất thì giờ và bớt tai nạn lưu thông. Bỗng Tuấn quay lại hỏi Dũng :
- Anh Dũng nè, hình như ở đây họ lái xe đi bên trái, chứ không phải đi bên mặt như bên nước mình, phải không anh ?
Dũng gật đầu :
-
Phải ! Ở Nhật, Hồngkông, bên Anh và một số nước khác, họ lái xe đi phía
tay trái. Vì thế, xe cộ ở các xứ đó, bánh lái thường nằm bên phải, còn
như bên mình, bánh lái để bên trái.
Xe
chạy chừng nửa giờ, có lúc xe đi qua giữa phố xá, có lúc chạy gần biển,
phong cảnh thật đẹp mắt. Tuấn đang mơ màng thì Dũng lay gọi :
- Tuấn ơi, đến Tokyo rồi, xuống mau !
Tuấn
vội đứng lên đi theo bạn. Thành phố Tokyo thât đẹp. Đường sá rộng và
sạch sẽ như được lau chùi cẩn thận ! Phố xá, cái thấp, cái cao, có nhiều
dãy cao ngất, có lẽ đến 40, 50 tầng, Tuấn nhìn ngợp mắt !
Cả
hai đi vào một lề phố. Người qua lại tấp nập. Đàn ông hầu hết bận âu
phục. Còn phụ nữ, có người bận đầm, có người bận Kimono. Trông bề ngoài,
người Nhật có vẻ nhanh nhẹn, đi lại vội vã, hình như họ ít thì giờ nhàn
rỗi.
Dũng quay lại bảo Tuấn :
-
Muốn sang dãy phố bên kia, phải theo đường riêng, chứ không băng ngang
qua chỗ nào cũng được, như bên xứ mình đâu ! Cậu xem kìa, giữa đường xe
chạy có thấy người đi bộ nào đâu !
Tuấn gật đầu :
- Kể ra họ tổ chức thật đàng hoàng, nhưng đáng phục nhất là người dân biết tôn trọng trật tự công cộng mới được như thế này.
Dũng xem đồng hồ, bảo Tuấn :
-
Gần 11 giờ rồi. Chúng ta không có thì giờ để đi xem nhiều nơi đâu, Tuấn
à ! Bây giờ, chúng ta vào siêu thị gần đây xem. Trong siêu thị này, anh
muốn mua gì cũng có : từ cây kim, sợi chỉ cho đến chiếc xe hơi. Ở Tokyo
, hầu như dãy phố nào cũng có một siêu thị.
Đi qua một căn phố trống, phía trong có bậc thang đi xuống hầm, Dũng chỉ tay bảo Tuấn :
-
Đây là đường hầm đào sâu dưới đất cho tàu điện chạy khắp thành phố. Cứ 5
phút có một chuyến. Ai muốn đi xa xa, di chuyển bằng tàu điện, đỡ tốn
hơn đi tắc xi.
Hai người đi đến một tòa nhà cao 14 tầng, Dũng vui vẻ bảo Tuấn :
- Siêu thị Phú Sĩ đây rồi, cậu muốn mua máy móc gì, vào đây xem.
Vừa
bước vào, Tuấn đã thấy hoa cả mắt, vì cảnh rộng lớn, sáng sủa của ngôi
nhà. Hàng hoá bày la liệt, nhưng rất ngăn nắp thứ tự, trông thật hấp
dẫn. Dũng đọc bảng chỉ dẫn rồi cắt nghĩa cho Tuấn :
- Đây là bảng ghi cho biết tầng nào bán những thứ gì :
Tầng
dưới hết, bán thực phẩm. Tầng 1, bán đồ chơi trẻ con. Tầng 2, bán máy
móc, Tivi, Radio, máy thu băng, quạt máy, tủ lạnh v.v… Tầng 3, bán dụng
cụ về điện. Tầng 4, bán…
Tuấn la lên :
- Thôi, thôi… biết chỗ bán radio là được rồi ! Mình lên xem, mua xong, nếu còn giờ thì đi coi mấy tầng kia, không thì thôi !
Dũng cười :
- Thì ít nữa cậu đi một vòng dưới này xem họ bán thực phẩm ra sao đã !
Nhiều
hàng tủ dài, có máy lạnh, chứa các thứ rau tươi, trái cây. Các đồ hộp
chất cao, loại nào theo loại ấy. Tuấn thấy các bà nội trợ đẩy xe đi vòng
quanh, lấy thứ này, thứ kia, chất vào xe. Cậu ngạc nhiên, quay sang hỏi
dũng :
- Sao không thấy người bán đâu cả ? Họ không sợ mất à ?
Dũng thản nhiên đáp :
-
Cửa hàng rộng lớn như thế này, nhưng nhân viên rất ít. Người mua tự do
chọn lựa những hàng mình thích, chất lên xe, đẩy tới văn phòng gần cửa
ra. Ở đó, có nhân viên kiểm hàng và làm hóa đơn. Họ tính bằng máy điện
tử, nên rất nhanh. Trả tiền xong, có người đưa ra tận xe cho khách.
Siêu
thị lại còn tổ chức đem hàng đến tận nhà cho khách nữa. Các bà nội trợ,
bận việc, chỉ gọi dây nói tới xin thứ này, thứ kia, trong chốc lát, có
xe đưa hàng đến.
Tuấn buột miệng khen :
- Tuyệt quá nhỉ ! Tổ chức chu đáo như vậy, vừa tiện vừa lợi !
Dũng gật đầu :
-
Còn việc anh hỏi : Sao họ không sợ bị mất ? Đó là anh chưa hiểu bản
tính người Nhật. Người Nhật rất ghét tính trộm cắp. Có thể nói được
rằng, cả triệu dân Nhật, mới có một vài người có tính tham. Bởi đó,
không ai lo nạn mất cắp.
Tôi
còn nhớ năm trước đây, ông chủ và tôi lên Tokyo có việc cần. Chúng tôi
thuê phòng ở khách sạn, rồi đi phố. Khi trở về khách sạn, ông chủ quên
cái cặp đựng nhiều giấy tờ quan hệ trong xe tắc xi. Đang lo lắng, chưa
biết trình báo thế nào, thì bỗng có tiếng gõ cửa, tôi chạy ra mở : Ba
nhân viên Cảnh sát bước vào hỏi tên ông chủ và giao trả cái cặp. Họ cắt
nghĩa :
-
Vừa rồi, một tài xế tắc xi, đến trình báo họ là có hai người Việt Nam
đi xe anh ta, bỏ quên lại cái cặp trong xe, nhưng anh ta không biết địa
chỉ của chủ nó. Nhân viên chúng tôi hội lại, mở cặp ra xem và thấy trong
cặp có địa chỉ ghi số phòng ở khách sạn này.
Ông chủ mừng quá, cám ơn rối rít và ngỏ ý xin đưa một số tiền để thưởng công người tài xế tắc xi. Nhưng họ lễ phép từ chối :
- Đó là bổn phận của mọi công dân Nhật !
Nghe bạn nói xong, Tuấn cất mũ, cúi đầu một cách trịnh trọng :
-
Thiệt tôi xin bái phục đức tính cao quý ấy của họ. Theo tôi nghĩ, họ
được như thế này là nhờ một truyền thống hào hùng từ ngàn xưa để lại và
nhất là từ thơ ấu, họ đã được giáo dục cho biết : đức tính thật thà là
cao quý và trộm cắp, gian tham, là một cái gì đáng ghê tởm. Nhờ đó, họ
cầm hãm được lòng tham của.
Dũng gật đầu, đồng ý :
-
Anh nhận xét rất đúng ! Chính nhờ gương tốt của tiền nhân họ và nền
giáo dục vững chắc đã đào tạo họ được đức tính cao quý đó !
Rồi Dũng vỗ vai Tuấn :
-
Thôi, tụi mình lên tầng hai mua máy và đi ăn cơm trưa. Xong, chúng ta
sẽ đi xem vài công viên, để trở về Yokohama , kẻo ông chủ mong.
Cả
hai đi thang máy lên tầng hai. Tuấn lóa mắt vì đủ mọi thứ máy. Nguyên
chỗ chưng bày Radio mà cũng đã hàng ngàn kiểu khác nhau. Tuấn và Dũng
chọn một cái Radio nhỏ và một máy thu băng xinh xinh, vừa cầm, đưa đến
quầy trả tiền.
Trước
khi gói, họ thử cho thấy là máy tốt và chỉ dẫn cách sử dụng rất chu
đáo. Đến khi trả tiền, vì họ biết hai anh là người ngoại quốc, nên họ
bảo :
- Nếu hai ông có giấy thông hành, đưa cho chúng tôi ghi vào hoá đơn, chúng tôi sẽ bớt cho được hai chục phần trăm.
Dũng và Tuấn nghe vậy, khoái quá, lục túi lấy giấy thông hành đưa cho họ. Tuấn vui vẻ bảo Dũng :
- Giá bán ở đây rẻ hơn Sàigòn nhiều, lại còn được bớt nữa, đỡ quá chừng !
Mua xong, Dũng hỏi Tuấn còn muốn lên xem mấy tầng kia nữa không ? Tuấn lắc đầu :
- Xem cái gì cũng thích, mà không có tiền mua, buồn chết ! Thôi đi ăn cơm đã anh. Mọi sự hậu bàn !
Cả
hai tươi cười trở xuống, đi tìm hàng cơm. Hàng cơm ở đây cũng nhiều.
Tùy hạng sang, nghèo, nhưng hàng nào cũng rất sạch sẽ, thứ tự. Đủ các
thứ món ăn Tây, Tàu , Nhật, tùy thích mỗi người. Dũng bảo Tuấn ăn thử
cơm Nhật cho biết mùi vị. Nhật cũng dùng đũa như ở Việt Nam nhưng món ăn
có vẻ khác. Các cô bồi bàn, y phục toàn trắng, tiếp đãi rất lịch sự,
nhưng đứng đắn.
Cơm
nước xong, Dũng đưa Tuấn tới một công viên nghỉ trưa. Công viên này khá
rộng. Phía mặt tiền, một hàng cây anh đào đang trổ hoa, trông hết sức
thơ mộng. Tiếp đến là bồn hoa chạy dài, trồng nhiều loại hoa quý, màu
sắc rực rỡ mà Tuấn chưa hề thấy. Ở giữa công viên là một hồ sen, có hàng
chục vòi nước phun liên lỉ, có nhiều loại cá vàng thật đẹp. 4 đường
hình chữ thập rải sỏi trắng đi vào hồ. Ngoài ra là một thảm cỏ lúc nào
cũng xanh mướt.
Phía
cuối công viên là những cây cao, cành lá sum sê, rợp bóng mát. Dưới mỗi
gốc cây, sắp rải rác nhiều ghế đá cho du khách nghỉ chân, ngắm cảnh.
Lúc
hai anh em đến nơi, thì đã có nhiều người đang nghỉ trưa ở đó. Kẻ ngồi
đọc báo, người nằm nghỉ, ai nấy đều im lặng. Dũng đưa Tuấn đi một vòng,
chọn một ghế đá xa xa, vừa nghỉ chân vừa trò chuyện :
-
Công viên này dành cho người lớn. Công viên của trẻ con thì có đủ thứ
trò chơi : máy bay, xe lửa, tàu điện, xe hơi v.v… Nhưng phải công nhận
là trẻ con ở đây chơi đùa rất lễ độ, biết giữ gìn đồ chơi chung chớ
không phá phách như trẻ con xứ khác.
Tuấn ngồi xuống dựa lưng vào thành ghế, lấy mũ úp lên mặt, mơ màng :
-
Tôi mới xem tận mắt nước Nhật được vài giờ mà đã thấy nhiều cái lạ
lùng, huống chi là được xem cho hết, thì còn thấy biết bao nhiêu công
cuộc, chứng tỏ họ văn minh và kỹ nghệ họ tiến vượt bực.
Dũng gật đầu :
-
Đúng thế, nếu Tuấn được đi xem các nhà máy sản xuất xe hơi, máy móc
truyền hình, truyền thanh, các xưởng đóng tàu thủy, máy bay v.v… lớn
nhất nhì thế giới, chắc Tuấn phải hoa mắt !
Về
kỹ nghệ, xét ra họ không thua gì các nước Âu Mỹ, mà về giáo dục, họ
cũng có nhiều điểm tuyệt hảo. Trẻ con từ thành thị đến thôn quê đều bắt
buộc phải học hết Trung học.
Về
nghề nghiệp : ai muốn làm gì, cũng phải có bằng cấp chuyên môn, dù là
những nghề rất tầm thường. Một người muốn đi xin việc làm, mà không có
bằng chuyên môn, không mong được thâu nhận.
Người
Nhật sống với nhau rất hòa nhã, ít gây sự với nhau, ngay trẻ con cũng
thế. Có anh bạn kể cho tôi nghe : Anh ta đã ở gần hai năm giữa khu lao
động, mà chưa hề thấy trẻ con đánh lộn nhau.
Nước
Nhật có nhiều phong cảnh tuyệt đẹp, nơi thì hùng vĩ, nơi thì xinh xắn.
Phong cảnh thơ mộng là nhờ có biển bao bọc tứ phía. Bờ biển thì chỗ nào
cũng có cây thông mọc trên bãi cát hay cạnh những tảng đá, thân cây uốn
khúc lả lướt trên mặt nước.
Phong
cảnh nên thơ tạo cho đa số dân Nhật có óc thẩm mỹ. Họ rất thích bông
hoa, âm nhạc và thể thao. Lối sống họ thật thanh nhã. Nhà nào dù nghèo,
giàu, chật hay rộng, họ cũng sắp đặt đồ đạc trong nhà một cách rất mỹ
thuật. Trên bàn, lúc nào cũng có một bình hoa tươi, đẹp mắt.
Hai
anh em mải mê trỏ chuyện. Khi ngẩng đầu lên, thì công viên đã vắng hết
người. Cả hai cũng đứng dậy. Dũng xem đồng hồ, bảo Tuấn :
-
Gần 2 giờ chiều rồi, chúng mình đi về là vừa. Chuyến sau, tôi sẽ xin
phép ông chủ đưa anh đi xem các cơ sở kỹ nghệ, để anh thấy cái đà tiến
của họ.
Trên
đường trở lại trạm tàu điện, Tuấn thấy một đoàn người ăn mặc sặc sỡ, họ
mang trước ngực và sau lưng một tấm bảng lớn. Họ vừa đi vừa đánh trống,
thổi kèn, vừa đọc nghê nga. Tuấn lấy làm lạ, quay lại hỏi :
- Họ làm gì thế anh Dũng ? Xuống đường hả ?
Dũng cười ngặt nghẽo :
-
Chú mầy bị ám ảnh, hễ thấy đông người kéo nhau đi, là nghĩ đến chuyện
xuống đường. Không phải đâu, họ đi quảng cáo hàng mới đó !
Ở
đây, hàng hóa sản xuất do nhiều công ty khác nhau. Hãng nào muốn hàng
mình bán chạy, phải quảng cáo thật hăng, đồng thời hàng phải tốt và rẻ.
Trên thương trường, họ cạnh tranh nhau từng ly… nhờ đó mà dân nghèo ai
cũng sắm sửa được đủ mọi tiện nghi theo thời đại mới !
*
Nhờ ông Thái Phong tiên liệu, Tàu Nam Hải vừa tới Cần Giờ, thì bão thổi mạnh từ Phi Luật Tân qua vịnh Bắc Việt.
Tuấn
về đến Sàigòn, vội vã xin phép ông Thái Phong cho đi thăm má. Bà Hai
được cái “radô” để nghe cải lương, bà mừng lắm. Còn bé Hiền, được anh
Hai tặng cho cái máy thu băng, thích thú hơn được vàng.
Thôi
thì cô bé xách máy đi thu đủ thứ : thu tiếng chúng bạn hát, reo cười
v.v… cô còn thu cả tiếng bò rống, heo kêu, gà gáy ! Có lần, cô bé thấy
má và anh Hai ngồi nói chuyện, cô lén thu vô băng, rồi mở ra cho má
nghe, khiến bà ôm bụng cười ngặt nghẽo.
___________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V