Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Một tuần lễ ở Tòa Soạn (VI)


Thứ sáu (tiếp theo)

Phần chữ trên trang báo của các bài sáng tác sau khi được mis xong sẽ chuyển tới họa sĩ Vi Vi để minh họa. Công việc này, họa sĩ thực hiện ngay ở tòa soạn. Trung bình vẽ xong phần minh họa cho một truyện ngắn (có từ 3 đến 4 tranh) phải mất từ một giờ rưỡi đến 2 giờ. Trước hết, họa sĩ phải đọc hết bài sáng tác để nắm vững ý của tác giả, sau đó mới lựa chọn chi tiết đặc sắc để thực hiện lên nét vẽ. Họa sĩ Vi Vi có một điểm độc đáo là vẽ không bao giờ tẩy xóa. Rất ít khi họa sĩ xài bút chì để phác trước, hoặc nếu cần phác thì chỉ vài nét sơ sài rồi dùng bút mực vẽ trực tiếp. Trong gần 2 năm làm việc ở tòa soạn, chúng tôi chưa hề thấy Vi Vi cầm đến cục gôm lúc minh họa. Tuy tài ba dư thừa như vậy, mà họa sĩ làm việc hết sức thận trọng và luôn luôn bỏ thì giờ để nghiên cứu, trau giồi. Như trong dịp Tết Quý Sửu vừa qua, để có thể vẽ Trâu được chính xác, cùng tìm ra được những đường nét độc đáo của Trâu, Vi Vi đã cất công vác máy hình về đồng quê chụp một hơi 2 cuộn phim gồm 72 hình, toàn lấy Trâu làm tài tử chính. Vì thế ngoài nghề vẽ, Vi Vi còn là một nhà chơi ảnh tài tử. Họa sĩ chụp lấy, rửa phim lấy và có cả máy phóng ảnh, máy chiếu phim slide mầu không thua gì một tiệm chụp hình chuyên nghiệp. Điều này làm tôi nhớ đến câu “Thiên Tài chẳng qua chỉ là sự kiên nhẫn lâu dài” cũng như nhà danh họa Picasso đã có lần nói : “Thiên tài 5 phần trăm tạo nên bằng cảm hứng và 95 phần trăm bằng khổ công, chịu khó”.

Thứ bẩy:

Hôm nay, các sạp ở Saigon đã bầy bán Thiếu Nhi số 83, số có đăng phóng sự “Thiếu Nhi trên đường đi tìm đất đứng”. Nhớ đến lời hứa của chị Đ.P.K với các em bán rong là chừng nào báo in ra, sẽ tặng mỗi em một số hình chụp và một tờ báo, nên tòa soạn lại kéo nhau tới chốn cũ một lần nữa. Hành trang kỳ này chỉ có 40 số báo mới và gần 100 tấm ảnh do họa sĩ Vi Vi rửa tặng. Không kể sao cho xiết nỗi vui mừng của các em khi thấy hình của mình được in trên báo. Các em gọi nhau tíu tít, bỏ cả công việc để bu lại xin báo và hình. Để tránh mọi sự lộn xôn gây khó khăn cho tòa soạn, một em bán kẹo đã tự động đứng ra làm trưởng ban trật tự với một lệnh độc nhất ban ra luôn mồm : “Ê! Đàng hoàng tụi bây. Đâu có đó”. Và quả thật, các em tuy lam lũ nhưng đã hết sức đàng hoàng. Không chen. Không lấn. Không chửi thề. Đặc biệt là không một em nào tham lam đòi lấy báo hay hình tới 2 lần. Có một em bán kẹo đứng vơ vẩn, chị Đ.P.K hỏi:

- Em lấy báo chưa?

Em toét miệng trả lời:

- Thưa chị rồi.

- Đâu?

Em bé mở nắp hộp, gạt kẹo về một bên, ở dưới cùng lộ ra tờ báo T.N có hình cô bé tay cầm tổ chim ẩn hiện dưới mấy đồng  bạc cắc. Tư cách đàng hoàng của em làm chúng tôi hết sức cảm kích và ghi nhớ mãi. Nhìn thấy nét mặt tươi cười, hớn hở của các em, làm chúng tôi nhớ đến lá thư của em N.T.H. gửi về tòa soạn. Trong thư, em H. viết về một nữ giáo sư ở Hội…:

“Là người Việt nhưng bà lại chửi người Việt là mất dậy, vô ơn với người… Nếu có học trò nào lỡ nói tiếng Việt thì bà nói là tiếng Mỹ sao không nói lại nói tiếng Việt, y như tiếng mọi. Nhưng nếu chỉ có thế thì H. không kể cho tòa soạn nghe làm chi, đàng này bà ta còn nói sang vấn đề báo chí, chê bai đủ thứ, nào là nghèo nàn, nào là nhục nhã vì bà nói : “hôm chủ nhật nào đó, bà đi Saigon gặp phái đoàn đi nài nỉ người ta để cho báo, bà thấy mà nhục lây, không sợ ngoại quốc họ cười”. Mặc dầu bà không nói ra, nhưng H. biết là bà nói báo T.N vì H. có đọc bài phóng sự của chú Tiến”.

Lá thư của em N.T.H. còn dài, còn nêu nhiều thắc mắc về thái độ của bà giáo trong lớp học, nhưng thiết tưởng như thế cũng đủ để bạn đọc hình dung được về một hạng người. Rất may hạng người ấy chỉ là con số rất ít, trong hàng ngũ của giáo giới, ta chỉ nên coi đó là một hiện tượng đặc biệt phát sinh trong một hoàn cảnh nhiễu nhương. Mong em H. cũng đừng lấy thế làm buồn, và mất niềm tin, bởi quanh em, các bậc làm thầy, đáng tôn kính, đang âm thầm xây dựng tương lai của giới trẻ là một tập thể đông đảo gấp ngàn phần cá nhân nhỏ nhoi kia. Bởi nếu không phải như vậy, thì làm sao dân tộc ta còn đứng vững được cho đến ngày nay.

______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ VII


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 87, ra ngày 29-4-1973)

Bìa của Nhật Tiến : Đến với các em

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>