Tất cả mọi người đều quây
quần chung quanh một cái bàn lớn hình vuông, mỗi chiều tới hai thước. Vào giờ
phút đông đủ nhất, tòa soạn có không khí vui như tết vì hội họp gần hết mọi
người như Bác Vịt Mò, Huy Yên,
Văn Trung, Đặng Hoàng, Bách Khoa,
Bình Electronic, Họa sĩ Vi Vi, chị Đỗ Phương Khanh, chị Mai Loan, chị Thu An và
Phan Khương Thái, cây bút trẻ nhất của Gia Đình Thiếu Nhi được tòa soạn coi là
đầy triển vọng. Có một nhân vật gây ồn ào nhất trong tờ Thiếu Nhi
lại rất ít khi chịu lui tới tòa soạn, đó là Bác Đinh Gô. Đinh Gô là ai? Mặt mũi
tròn méo ra làm sao? Ngay cả anh chị em trong tòa soạn cũng ít người biết đến.
Bởi tiếng tăm đùa nghịch là vậy, nhưng ngoài đời, Đinh Gô là một ông vua trong
làng thỏ đế. Ông… vua này rất ít nói, mà cứ hễ nói thì y như rằng đỏ mặt tía
tai, mồm miệng như muốn ríu lại, nhất là trước đám đông có vài ba người chưa
quen biết. Bởi thế Đinh Gô lẩn mặt trong bất cứ cuộc hội họp nào của tòa soạn.
Trong dịp họp mặt liên hoan tất niên hồi tết vừa qua, chị Đỗ Phương Khanh xếp
chỗ cho Đinh Gô ngồi ngay bên cạnh chị Mai Loan. “Cây” xí mụi bên Vườn Hồng đã
thủ sẵn trong bóp một bịch ô-mai làm vũ khí phòng thủ. Nhưng Đinh Gô không tới.
Chỗ ngồi của Đinh Gô bị bỏ trống trong suốt buổi họp mặt. Ngày hôm sau, đại
diện cho tòa soạn, tôi có trách Bác Đinh Gô sao hờ hững vô tình, để mọi người
áy náy, chờ đợi. Đinh Gô cười chúm chím:
- Mắc bận với bọn thằng Gâu,
cái Gầu. Tụi nó hôm qua thi nhau nóng lạnh quấy nhiễu suốt đêm…
Máu riễu trong người Đinh Gô
không lúc nào là không vận chuyển. Nhưng Đinh Gô chỉ riễu được khi ngồi viết
bài một mình, hay khi đối diện với người thật thân. Âu đó cũng là một loại cá
tính đặc biệt.
Buổi họp mặt tối thứ năm ở
tòa soạn không có tính cách chính thức, nghĩa là ai tới hay ra về lúc nào cũng
được và trong khi hàn huyên, công việc của ai người ấy cứ làm. Thường thì mọi
người đem tờ báo mới in xong ra mổ xẻ từ hình thức đến nội dung. Đấy là giờ
phút bổ ích nhất cho Ban Điều Hành Tòa Soạn. Bài vở số nào nặng, số nào kém
vui, số nào nhiều sưu tầm, ít sáng tác hay ngược lại, đều bị phê phán thẳng
tay. Trong số những người phát biểu, chị Đỗ Phương Khanh thường đại diện tiếng
nói độc giả để góp ý với tòa soạn, vì chị là người phụ trách đọc thư của mọi
nơi gửi về. Lối làm việc dân chủ này làm vơi nhẹ trách nhiệm của chủ biên đi
rất nhiều. Vì những điều cần nói, đã được các anh chị em nói giùm ra hết. Hơn
nữa các ý kiến do anh chị em phát biểu thường là thận trọng và cân nhắc, nhất
là những ý kiến phê bình người khác. Vì thế người bị phê bình cũng không lấy đó
làm buồn, bởi tất cả ai cũng đồng ý một đường lối chung của tờ báo là : Dù viết
hay dịch cũng theo tiêu chuẩn rõ ràng, sáng sủa, vui, bổ ích và có tiết giảm sự
khô khan, nhàm chán đi chừng nào tốt chừng ấy, Hẳn nhiên tiêu chuẩn đó chưa
phải đã được anh chị em trong tòa soạn thi hành triệt để. Một số bài khoa học
còn nặng tính cách chuyên môn, và thiếu cái không khí tươi mát rí rỏm. Tuy
nhiên, so với thời kỳ đầu, nội dung của tờ báo đã tiến bộ hơn nhiều. Anh chị em
trong tòa soạn vẫn mong muốn nội dung ấy còn phải được cải tiến nữa, nhờ kinh
nghiệm đã thu thập được sau gần 2 năm làm báo và nhờ ở cả những lá thư góp ý
rất tha thiết, nồng nhiệt của các giáo sư cũng như của các em độc giả gửi về.
Tinh thần cầu tiến ấy đã một lần nữa xác định thêm về một quan niệm mà chúng
tôi vẫn thường phát biểu : “Tờ Thiếu Nhi không phải là một công trình của một
cá nhân, mà là của tập thể. Tòa soạn gây dựng nó và độc giả nuôi dưỡng nó. Nó
là sản phẩm tinh thần của tất cả mọi người”. Nếu trong tương lai, ý niệm đó
được toàn thể mọi người chấp nhận thì ước vọng của nhóm chủ trương thành lập tờ
báo từ lúc khởi đầu đã được toại nguyện.
______________________________________________________________________
Xem tiếp KỲ V