CHƯƠNG I
Gà
trong xóm bắt đầu gáy sáng. Tuấn giật mình choàng dậy. Nhìn xuống bếp,
thấy má đang lúi húi ngồi hấp bánh, Tuấn cảm thương má vô hạn.
Tuấn đưa mắt nhìn lên bàn thờ ba. Sau ngọn đèn dầu leo lét, tỏa ánh sáng lờ mờ, hình ảnh ba Tuấn lung linh như đang nhìn Tuấn…
Tuấn
ứa nước mắt, thở dài. Chỉ trong vòng có mấy ngày mà trong gia đình Tuấn
đang yên vui, bỗng xẩy đến một cái tang đau đớn nặng nề ! Tương lai
Tuấn sụp đổ theo cái chết bất ưng của ba Tuấn.
Năm
học vừa qua, Tuấn đã học hết lớp nhất và được cấp chứng chỉ Tiểu học.
Vì trường xã không có lớp Trung học, nên ba cậu đã hứa sẽ thu xếp cho
cậu lên trường Quận để học tiếp. Tuần vừa rồi, ba cậu đã đem cậu lên
trường Quận, nạp giấy tờ để thi vào Đệ Thất. Một gia đình quen, đã hứa
sẽ cho Tuấn ở trọ. để đi học với con họ. Tuấn tin chắc, thế nào cậu cũng
thi đậu, vì các môn học ở lớp nhất, cậu đều xuất sắc. Tối hôm ấy, ba
Tuấn nói với má Tuấn :
-
Bà tính sao ? Con Hiền học trường xã thì không tốn kém bao nhiêu. Còn
thằng Tuấn nếu thi đậu vô Đệ Thất, thì cũng đỡ được vài trăm bạc học
phí. Còn tiền ăn mỗi tháng, tệ nhất cũng hơn một ngàn. Biết mình có chạy
ra tiền mỗi tháng cho con không ?
Má Tuấn trầm ngâm suy tính một lúc rồi trả lời :
-
Tôi tính thế này, ông xem có được không ? Năm nay, ông lãnh thêm một
thửa ruộng của ông bà Tư Bá để cấy thêm lúa. Còn tôi, mỗi ngày tôi cố
dậy sớm, hấp ít bánh ú, bỏ mối cho bạn hàng ngoài chợ, kiếm ít tiền lời.
Nếu trời cho trong gia đình không ai đau ốm, thì có lẽ cũng tạm đủ.
Ba Tuấn vui vẻ nhìn má Tuấn :
- Mình tính như vậy là hay nhất rồi. Thôi, đến đâu hay đó, lo quá nó mệt cả người !
Rồi ông quay lại bảo Tuấn :
-
Con thấy đó, chỉ vì muốn cho con học hành thêm chút ít để mai sau con
được nhờ, mà ba má phải lo nghĩ, mệt nhọc rất nhiều. Con nhớ cố gắng học
hành, đừng chơi bời lêu lổng, mà uổng công ba má lo cho con !
Tuấn khoanh tay, ngước mắt nhìn ba má, đầy vẻ biết ơn :
-
Thưa ba má ! Con xin hết lòng cám ơn ba má, trọn đời con sẽ không bao
giờ quên. Con xin hứa với ba má, con sẽ tiết kiệm tiền bạc và cố gắng
học hành để khỏi phụ công ba má lo cho con. Và con định bụng, ngoài giờ
học hành, con sẽ giúp đỡ các việc vặt trong nhà con trọ, may ra họ có
bớt cho được ít tiền cơm thì cũng đỡ !
Ba Tuấn vuốt tóc Tuấn, khen :
-
Con biết suy tính như vậy, ba má bằng lòng lắm. Ba má tin chắc tương
lai con sẽ khá. Nhờ đó, ba má cũng được an ủi khi về già !
Tuấn
lo ôn lại bài vở để dọn thi. Má Tuấn may sắm thêm cho hai đứa, mỗi đứa
một bộ áo quần mới. Ba Tuấn sang nhà ông bà Tư Bá, xin canh tác thêm một
mẫu ruộng sâu, được ông bà chấp thuận.
Một buổi chiều, ba Tuấn đi cày về, tay xách một xâu ếch. Ông đưa cho Tuấn :
- Con đem xuống bếp, phụ với má con, làm một bữa thịt ếch ăn chơi !
Tuấn reo lên :
- Làm sao ba bắt được nhiều vậy, ba ?
Ông tươi cười :
- Ba cày gần xong thửa ruộng, thấy nhiều ếch lấp ló trong hang, nên ba nghỉ cày, đi bắt ếch. Một lúc mà được gần cả chục con !
Bữa
cơm chiều ấy thật là vui vẻ. Nhưng đến nửa đêm, ba Tuấn đang ngủ, bỗng
kêu lên ú ớ. Má Tuấn vội thắp đèn lên. Ba mẹ con chạy lại giường ông
nằm, thấy ông hai tay ôm lấy ngực, thở một cách rất mệt nhọc, mắt mở
trợn trừng. Má Tuấn thất kinh, cúi xuống hỏi dồn dập :
- Mình ! Mình làm sao thế, mình ?
Thấy vợ con, ông phều phào :
-
Hồi chiều, tôi bắt ếch trong hang, bị rắn cắn nơi tay, nhưng tôi không
lấy làm điều, vì tưởng là rắn nước. Không dè, đó là con rắn độc ! Bây
giờ nọc độc nó chạy đến tim… chắc tôi… chết mất !
Má Tuấn hốt hoảng :
- Không ! Không ! Để tôi chạy kêu nhờ bà con lối xóm đem ông đi nhà thương ngay.
Ba Tuấn lắc đầu, nói một cách khó nhọc, đứt quãng :
-
Không kịp nữa đâu mình à ! Nọc độc… chạy về tim rồi ! Tôi sắp sửa bị
cấm khẩu… đến nơi ! Thôi… mình ở lại… rán nuôi con… Tuấn… Hiền… các con…
Ông nói chưa hết lời, thì miệng ông đã méo xệch, cứng ngắt. Tay ông quờ quạng, run rẩy. Tuấn vội nắm lấy bàn tay ba nó.
Một lát sau, ông tắt thở, mặt mày ông tím bầm. Má Tuấn ôm lấy xác chồng, khóc như điên dại. Tuấn và Hiền cũng khóc rống lên :
- Ba ơi ! Ba ơi !
Cả
xóm náo động khi nghe tin ông Hai chết bất ngờ vì rắn cắn. Ông vốn ăn ở
hiền hòa với bà con láng giềng, nên ai cũng mến. Họ kéo nhau đến giúp
đỡ, kẻ ít người nhiều. Ông bà Tư Bá cũng đến thăm và cho số tiền để mua
hòm. Bà Hai như người mất hồn, hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Bà
khóc khản cả tiếng. Các bà xúm lại an ủi và săn sóc cho bà.
Nhờ
mọi người tận tình giúp đỡ, đám tang ông Hai tuy đơn sơ, nhưng rất cảm
động. Bà Hai bước đi như một kẻ không hồn, nhờ hai bà mạnh khỏe dìu hai
bên. Hai anh em Tuấn thất thểu theo sau quan tài. Con Hiền còn nhỏ quá,
chưa hiểu gì lắm. Nó chỉ gào khóc :
- Ba ơi ! Ba ơi !
Còn
Tuấn có trí khôn hơn, cậu thấy rõ cái chết bất ngờ của ba cậu là như cả
trời đất sụp xuống trên đầu má con cậu ! Thế là hết ! Bao nhiêu dự tính
của ba má cậu đều tan thành mây khói !
*
Sau ngày chôn cất chồng, bà Hai sụt sùi nói với Tuấn :
-
Con ơi ! Lúc ba con còn sống, ba má đã hứa cho con tiếp tục học hành.
Suốt đời ba má đã phải vất vả làm thuê làm mướn, ba má ước ao cho con
được một tương lai khá hơn nhờ sự học. Nhưng ý người muốn mà ý Trời
không định. Bây giờ má một thân, chân yếu tay mềm, không biết làm sao
cho con được như ý nguyện. May ra, má có thể lo cho em Hiền con học thêm
chút ít…
Nói đến đó, bà oà lên khóc nức nở. Tuấn cũng khóc theo…
Nghe
má nhắc đến em Hiền, Tuấn thương em vô hạn. Ngày ba còn sống, có lẽ em
Hiền thương ba nhất nhà. Ai cho cái gì, em cũng bảo để dành cho ba. Tuấn
suýt bật cười, khi nhớ lại, hồi em còn bé tí : mỗi ngày, thấy má đi chợ
mua cá, mua rau về, thì em lân la hỏi :
- Má mua cá, mua rau cho ba ăn, phải không má ?
Nếu má trả lời :
- Ừ, má mua về cho ba ăn !
Thì em không hỏi gì nữa. Nhưng nếu má nói :
- Không, má mua về để má ăn, chớ không cho ba ăn đâu !
Thế là em nằm lăn ra khóc, cho đến khi má phải dỗ ;
- Ừ, má mua về cho ba ăn !
Nó
mới nín. Nay ba không còn nữa, Tuấn thấy tội nghiệp cho em hết sức.
Tuấn muốn hy sinh tất cả đời mình cho em được sung sướng. Tuấn nói với
má :
-
Thưa má, số Trời định cho con như thế, con xin cúi đầu vâng chịu. Má
đừng quá buồn mà sinh bệnh, kẻo anh em con lại càng khổ hơn. Con xin má
lo cho em con học được chừng nào hay chừng ấy.
Phần
con, ông bà Tư bảo con đang còn nhỏ, chưa cày cấy gì được, tạm thời con
sang chăn mấy con bò cho ông bà. Vài ba năm nữa, con lớn lên sẽ nối
nghiệp ba con. Con chắc má cũng đồng ý như thế !
Bà Hai lau nước mắt :
-
Con ơi ! Nhà đã vắng người, nay con lại đi nữa, thì chỉ còn má và em
Hiền con mà thôi ! Nhưng không lẽ má con ta ngồi với nhau mà chờ chết
đói ? Con sang ở với ông bà Tư, tối nào rảnh, con xin phép ông bà về ngủ
bên này cho vui.
*
Ngày
tựu trường gần đến, Tuấn gặp các bạn cùng lớp. Hầu hết đều tiếp tục đi
học. Đứa có bà con ở Sàigòn thì lên học Sàigòn, đứa lên học ở Biên Hòa,
đứa đi trường Quận. Tuấn cho các bạn biết ý định của mình, ai nấy đều
ngậm ngùi xót thương số phận hẩm hiu của Tuấn.
Trước lúc chia tay mỗi đứa một ngả, cả bọn định tổ chức một bữa cơm trưa ngoài đồng. Đứa nào có gì sẽ đem ra ăn chung với nhau.
Sáng
hôm họp nhau lần cuối, Tuấn buồn bã nghĩ đến các bạn, ngày kia đã tung
tăng cắp sách đến trường. Riêng cậu, từ nay thế là hết, mộng học hành
tan thành mây khói, thực tế sẽ là mấy con bò sữa của ông Tư. Bất giác,
Tuấn ngẩng đầu lên nhìn hình ảnh ba, cậu chắp tay khấn vái :
- Ba ơi ! Ba sống linh, chết thiêng ! Xin ba phù hộ cho má, cho các con !
Bà
Hai sắp bánh vào thúng đem ra chợ. Bà định lên nhà trên thức Tuấn dậy,
bỗng bà thấy con đang gục đầu trên bàn. Biết con đang buồn, bà nhẹ nhàng
bảo con :
- Tuấn ơi, con coi nhà cho má ra chợ một lát. Con đợi má về rồi hãy đi chơi, nghe con !
Ra đến cửa, bà còn quay lại dặn :
- Em Hiền con ngủ dậy, con lấy hai cái bánh trong tủ cho em. Má cũng dành cho con 10 cái để con đem góp phần với chúng bạn đó !
Tuấn đứng dậy, vuôn vai :
- Vâng, má đi mau về, nghe má !
*
Bốn cậu học trò, mỗi cậu mang một xách, đi vào trước sân nhà Tuấn, gọi :
- Tuấn ơi ! Tuấn ơi !
Tuấn nghe gọi, vội chạy ra, thấy các bạn, cậu reo lên :
A ! Khánh, Lịch, Phú, Hiếu ! Các anh đợi tôi một chút nghe !
Tuấn chạy xuống bếp. Má cậu đang sắp bánh và mấy trái cây vào xách cho cậu. Cậu cầm lấy xách :
- Thưa má, con đi. Các bạn con đang chờ con ngoài sân.
Bà Hai âu yếm dặn con :
- Các con chọn chỗ nào khô ráo mà chơi. Nhớ đừng bắt ếch, lỡ gặp rắn độc, nghe con !
Tuấn dạ rồi chạy ra sân, tươi cười :
- Xong rồi ! Chúng ta đi ! À, các bạn kia đâu ?
Khánh vừa nhảy chân sáo, vừa trả lời :
- Tụi tôi vô kêu anh, còn chúng nó kéo nhau ra đồng cả rồi !
Ra đến đồng, cả bọn bàn nhau đến một bãi tha ma rộng, có nhiều mộ xây gạch sạch sẽ, bỏ các xách vào một chỗ, đoạn bày trò chơi.
Tuổi
trẻ thật vô tư, chơi đùa la hét om sòm, vang dậy cả cánh đồng. Chơi
chán, mệt, mồ hôi ướt đẫm áo, bon chúng cởi áo ra phơi lên mấy tấm bia
cao, rồi ngồi thở. Nghỉ một lúc, cả bọn ùa lại lấy xách, lôi đồ ăn ra.
Tuấn cẩn thận trải mấy tờ giấy báo xuống nền gạch, bỏ các thức ăn lên
trên. Tuy mỗi đứa đem theo một vài thứ, nhưng góp lại một chỗ, trông
thật no con mắt ! Nào gà luộc, gà quay, chả lụa, nào là bánh nếp, bánh
ú, trái cây đủ thứ. Tha hồ ăn !
Tuấn tươi cười bảo các bạn :
- Hôm nay, thật là một ngày vui nhất của chúng ta. Biết khi nào chúng ta lại họp mặt đông đủ như thế này nữa ?
Hiếu nhanh nhẩu :
- Có chứ, dịp nghỉ lễ Noen tới đây, tụi mình lại tổ chức một bữa nữa, các bạn đồng ý không ?
Cả bọn vỗ tay tán thành :
- Đồng ý ! Đồng ý !
Dưới
bầu trời thanh, chói chang ánh nắng, gió thổi hây hây, cả bọn vừa ăn,
vừa cười đùa, tưởng không có gì vui thú bằng ! Riêng Tuấn, cậu thoáng vẻ
buồn man mác, khi nghĩ đến hoàn cảnh ngày mai của mình.
Cuộc
vui nào cũng sẽ tàn. Cơm nước xong, cả bọn thu xếp trở về, vì sợ cơn
mưa chiều bất ưng kéo đến. Trên đường về, đứa nào cũng có vẻ buồn. Đến
gần nhà Tuấn, cả bọn siết chặt tay từ giã Tuấn, hẹn ngày tái ngộ.
Tuấn thất thểu vào nhà. Em Hiền đang chơi trước sân, thấy Tuấn, reo lên :
A, anh Hai về ! Má ơi, anh Hai về !
Bà Hai trong bếp bước vội ra hỏi con :
- Đi chơi có vui không con ? Các bạn con tới đông đủ không ?
Tuấn đang buồn, nhưng cố làm mặt vui :
-
Thưa má, vui lắm ! Tụi bạn con đến đông đủ hết. Đồ ăn chúng nó mang đến
nhiều quá, ăn không hết. Còn dư bao nhiêu, chúng nó bắt con xách về. Má
xem, con mang một xách nặng đây !
Tuấn tháo xách trên vai xuống đưa cho má. Bà Hai đỡ lấy, bảo con :
- Thôi, con vào nghỉ một lát rồi đi tắm cho khỏe.
____________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II