Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Phái Nam Giản Dị


Người xưa có câu “Cười người chớ khá cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười” thật không ngoa. Thời gian gần đây, ba tôi đã hết dịp tuyên bố hãnh diện về “cha con ta” như thói quen nữa.

Số là, nghe cái giọng tin tưởng, chắc nịch của ba, mẹ tôi không đề cao cảnh giác một tí ti nào đối với bọn con trai về vụ ăn mặc. Lâu ngày, thành ra một thói quen. Kế đó, mẹ tôi lại không được mạnh trong mình một dạo (điều này, xin nói nhỏ với bạn thôi. Mẹ mà nghe được, mẹ… chạm tự ái, vì mẹ vẫn tuyên bố rằng mẹ mạnh lắm, không bao giờ đau ốm). Ban đầu, nguyên do là vì mẹ dầm mưa hoài, không kiêng nể gì cả. Rồi mẹ hâm hấp sốt, ấy thế mà rồi uống vài viên thuốc cảm hơi bớt mẹ đã lại chỗi dậy lăng quăng đủ thứ việc. Mẹ lau nhà, mẹ giặt cái chăn, mẹ cuốc cuốc ngoài vườn. Mẹ kêu : ngồi không buồn quá! Bỗng một hôm, đang lau nhà, mẹ buông cái cây ra, ngồi phệch xuống cạnh cầu thang, thở dốc như thể là cá rời mặt nước. Lúc đó, chỉ có mình tôi ở nhà, tôi hét toáng, chị bếp nghe tiếng, chạy lên, chúng tôi vực mẹ vào giường, mẹ kêu tức ngực, mồ hôi tuôn ra như tắm. Hai đứa gần khóc, vội chạy ù qua mời bác Tư sang xem thử mẹ làm sao, hay là trúng gió trúng máy chi đây? Bác Tư hộc tốc trèo rào qua, lại gần sờ trán mẹ, sờ ngực mẹ, nắn nắn cánh tay mẹ một chút rồi trấn an tụi tôi:

- Mẹ cháu bị xuyệt mê na đấy không sao đâu, nhưng lần này, hơi mạnh rồi, các cháu phải thay nhau làm việc để mẹ nghỉ lâu lâu mới được.

- Xuyệt mê na là bịnh gì hở bà?

- Có sao không bác?

Tôi và chị bếp cùng hỏi. Bác Tư giải thích là không sao, vì xuyệt mê na không phải là một bệnh, mà là sự nhược sức sau khi bệnh, nói tóm lại có nghĩa là trạng thái kiệt lực sau khi vừa khỏi bệnh, vì không chịu dưỡng sức, vì làm việc nặng liền sau khi bệnh. A! Tưởng gì, điều này thì dễ quá, tôi tự nhủ tối nay, tôi sẽ mách ba tôi đặng ba ngăn mẹ lăng quăng một dạo là xong. Trong nhà này chỉ ba tôi là có thể buộc mẹ tôi điều đó thôi. Ngoài ra, tôi sẽ tra tự điển chữ này coi có đúng như bác Tư nói không? (không học trường Tây cũng bậy thật : mỗi chút mỗi phải tra tự điển) để rồi có dịp mình sẽ lòe tụi em chơi!

Tuyệt nhiên, tôi không chút lo ngại nào về tình trạng sức khỏe của mẹ tôi. Thế mà chuyến đó lại là chuyến mẹ tôi nằm thực sự, rất dài ngày! Gần một tháng ròng! Khi khoe khỏe, mẹ tôi hết dám khinh thường và cũng thôi, không tự phụ về cái sức khỏe dẻo dai của mẹ nữa.

Tối không thức khuya, sáng thôi dậy sớm, dù tôi biết đó là điều mẹ rất khổ tâm. Nhất là vào buổi sáng : phải nằm yên trong giường, mở mắt, lắng tai nghe tất cả mọi tiếng động ở nhà ngoài. Bọn tôi học hành rất trái giờ giấc, đứa năm giờ chiều, đứa 1 giờ trưa, đứa lên tận Thủ Đức, phải dậy sáu rưỡi sáng.

Nằm đó, mẹ kêu với ra ngoài, nhắc nhở đứa này mặc thêm áo ấm kẻo trời lạnh đi xe lên xa lộ gió máy nọ kia, bảo đứa khác coi đem áo mưa kẻo chiều bị ướt. Rồi bảo chiên trứng ăn với bánh mì, rồi hỏi : có đội mũ hay lại quên như mọi bữa?

Tuy là đau chóng lành chầy, song rồi cũng đến ngày mẹ tôi bình phục. Bà dậy sớm, tuy không lau nhà, giặt gịa như thói quen, song cũng khoác thêm áo ấm ra phòng khách ngồi nhìn chúng tôi đi lại, tới lui, ăn uống, soạn cặp v.v…

Chợt một hôm, bà chiếu đôi mắt nghiêm khắc vào thằng em trai lớn của tôi, giọng bà bực tức:

- Này, Vũ! Sao cái áo con chật dữ vậy, hở?

Vũ lúng túng giây lâu, không trả lời được. Mẹ hỏi dồn:

- Kìa, mẹ hỏi, con có nghe không? Sao không trả lời? Tại sao cái áo con chật dữ vậy, hở? Nói mau coi!

- Dạ, đâu có gì… tại nó chật…

- Đừng có qua mặt tao. Tự nhiên mà nó chật sao được? Có cái gì đây chớ chẳng không. Liệu mà dối trá… Hừ! Nó chật…

Mẹ đứng lên, lại gần hơn một chút, quan sát cho rõ nguyên do. Vũ tái mặt, mà tôi, tôi cũng lo lo. May sao, từ trên lầu ba kéo lê dép đến cầu thang nói chõ xuống:

- Có gì thì có, cũng để nó đi học về cái đã, gần sáu rưỡi rồi, chần chờ tra gạn cho trễ xe giờ đa! Mẹ mày cứ vậy hoài, kiểm soát không lựa giờ, không nhằm cách.

- Thôi, đi học đi! Chiều về sẽ hay.

Mẹ bảo Vũ. Nó lùi lũi đi ra, tay ôm cặp, đầu cúi xuống, chân bước mau và tôi dám cả quyết là nó đang thót bụng lại cho cái áo bớt chật đi, vì nó ngán mẹ, bà chưa tha nhìn theo và đang rất băn khoăn.

Cuộc điều tra tiến hành ngay sau khi ba tôi lái xe ra khỏi ga ra. Chỉ trong 15 phút, mẹ biết rõ đầu đuôi câu chuyện : thoạt tiên là tôi mở máy ra, bóp vào cho Vũ mỗi bên một đường cho vừa vừa một chút, chớ áo gì mà rộng thùng thùng, kỳ quá, theo đúng lời yêu cầu của nó. Mà thật ra, tôi may vừa thôi, không có bóp chật quá lố như hiện giờ. Song mẹ tôi tức giận vì tôi đã bày đầu cho nó kiểu cọ, nên cứ một hai đổ riệt là chính tôi may lại chật như vậy. Tôi không thể nào cải chính nổi. Tôi nóng bừng mặt lên, khi nhớ đến 10 roi về cái quần của con hà. Lần này thì mấy roi đây? Sao tôi ngu vậy chớ? Sao tôi giúp tụi nó làm chi cho mang lụy vào thân?

Đúng lúc đó, chị bếp thương hại người ngay mắc nạn nên trờ mặt ra, can thiệp:

- Thưa bà, em Vũ tự may lấy chớ không phải…

- Thằng Vũ tự may lấy? Chắc không?

- Dạ chắc chớ, con thấy rõ ràng mà. Bữa đó em Vũ mở máy may nhằm lúc con lên lau dọn trên lầu mà.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, ngỡ là mình được gỡ rối rồi. Ai ngờ mẹ vẫn giữ nguyên vẻ giận dữ sau khi dịu xuống một tí teo thôi:

- Dù vậy đi nữa cũng do con Thu bày đầu, chứ trước nay nó có bao giờ vẽ chuyện may bóp, may thắt gì đâu. Luôn luôn là con chị to đầu bày đặt… Mà thôi, tao mệt quá rồi. Để chiều sẽ nói chuyện với tụi bay luôn.

Khi thằng em trai tôi riu ríu cởi cái áo sơ mi đang mặc theo lời mẹ, thì tôi đang cắm đầu vào cuốn vở đặt ngay ngắn giữa bàn. Tôi cố làm ra vẻ chăm chỉ học hành, như tuồng quên phắt chuyện lúc sáng, như không để ý gì hết, nhưng sự thật thì khác hẳn. Tôi không thấy gì, chữ nghĩa nhảy múa lộn xộn trước mắt tôi. Học gì vô mà học? Tôi ngồi đó, đợi tiếng gọi của mẹ tôi mà không thấy. Tiếng mẹ tôi cao, to, át cả tiếng phân trần ấp a, ấp úng của thằng em trai, vọng vô mồn một:

- … Nói lạ chưa? Nếu con không kêu ca, tại sao tự nhiên con Thu nó lấy áo con đem may thắt lại làm gì? Áo quần con mẹ may cho con, mẹ biết mà, nó vừa chớ có rộng gì đâu, mà dù cho rộng, cũng phải hỏi ý mẹ chứ không được tự tiện muốn bóp thắt gì là làm, nghe rõ chưa?... Hừ! Con trai gì lại để ý thời trang? Trông con mặc mà mẹ xấu hổ, gần như không gài nút được… Này…

Có tiếng Vũ phân trần nho nhỏ rồi tiếng mẹ lại cất lên:

- Ai cho phép con mở máy may ra phá như vậy? Bao nhiêu lần tụi bay mở máy may ra là bao nhiêu lần gẫy kim, rối chỉ. Hết chuyện rồi! Hết chuyện phá rồi phải không?...

Bao nhiêu dây thần kinh của tôi căng thẳng sắp đứt. Chờ đợi như một cực hình. Thà là… Tôi khổ sở ao ước. Và quả nhiên cầu được ước thấy, mẹ tôi cao giọng lên:

- Con Thu đâu, ra đây coi!

Tôi chạy ù ra, quên cả dạ như thường lệ. Mẹ hắng giọng một cái:

- Ai bảo con thắt áo chật lại cho thằng Vũ?

- Dạ, – tôi cố nén run trả lời – nó nhờ con may giùm, mà con may vừa thôi, đâu có may chật… Tại nó nhiều chuyện, may thêm lần nữa…

- Tại con bày đầu, rõ ràng quá rồi, đừng có chống chế gì nữa. Nó có nhờ cũng phải hỏi ý kiến mẹ đã, nghe không?

Tôi bối rối đứng yên, vừa giận mình vừa bực về cái tính quá chu đáo của mẹ. Tại làm sao mà cái gì trong nhà, từ lớn tới nhỏ mẹ đều chiếu tướng tụi tôi hết vậy chớ? Tụi tôi mặc chật hay rộng thì có sao đâu? Có hại gì đâu? Mẹ tôi quát to:

- Con thật đáng đòn. Nếu con đừng đụng đến cái áo, tự dưng mà nó dám giở trò thì mẹ đánh nó một trận rồi. Đằng này, mày cầm đầu mà…

Tôi muốn nói : “Thôi, mẹ đánh con 10 roi như kỳ trước đi, mẹ nói hoài con nhức đầu lắm, con chịu hết nổi rồi, cái gì mẹ cũng đổ tại con, tại con hết”.

Nhưng tức thì tức vậy, định thì định vậy chứ cho ăn kẹo cũng chưa chắc dám nói ra ý định. Chị em tôi đứng yên, chờ sự trừng phạt, song lạ thay, mẹ không bảo đưa roi, không quát tháo gì nữa. Không khí nặng nề gần như làm tôi nghẹt thở. Sau cùng mẹ nói, giọng trầm, buồn, khác thường:

- Tao chán tụi bay quá đi. Không khi nào để cho mẹ được vui lâu. Thôi, đi thay áo giùm cái Vũ. Từ nay, mẹ cấm con đụng đến cái áo này. Tao mà thấy mặc kiểu này thì…

Mẹ im bặt nửa chừng, vói cầm cái áo, đưa cho chị bếp:

- Đem giặt sạch rồi đưa cho tao. Đưa tận tay tao, nghe không?

Thoát nạn, tôi mừng hết sức – không rõ thằng em tôi thì sao, cứ thấy mặt nó lầm lỳ làm sao hiểu nổi? – Và lần này tôi tự hứa sẽ không nhanh nhẩu, sốt sắng với ai hết – dù ai đây là lũ em tôi – Đủ rồi, quá đủ rồi, tôi muốn yên thân.

Tuần lễ sau, mẹ tôi dậy sớm đều đều và lại phát giác ra thêm một tội mới của con trai : cái quần nó loe dưới ống, chật và ngắn trên lưng. Hèn gì, trước mặt mẹ tôi, nó không dám đi thẳng người mà cũng không dám cho sơ mi vào trong quần. cái đáy quần ngắn quá, nó tuột ra tức khắc, bày lưng!

- Lạ thật, vậy mà ông Hiệu trưởng và các vị giáo sư không hay biết học trò mình cẩu thả trong cách ăn mặc như vậy, lạ thật!

Lại bắt thay quần ngay. Lại ra lệnh cấm mặc quần đó. Nói cho công bình mẹ tôi không khắt khe quá đáng đâu : vì khi tôi lấy mấy cái quần cũ của nó ra cho nó mặc thì bỏ áo vào trong lại dễ dàng, không tuột, không bày lưng ra! Ống quần thẳng đứng chứ không loe phía dưới quá lố như quần mới.

Việc này đến tai ba, ba lại trách tại mẹ may cho nó mà không coi. Thì ra hôm hè về thăm bà, bà đã cho tiền nó đi may, nó ra hiệu, đi cặp với ông bạn nhỏ và ông ta làm cố vấn thời trang cho! Bỏ thì thương, vương thì tội. Mẹ tôi không biết tính sao : vì thứ vải bà may cho nó tốt lắm, thế mới tiếc chứ. Nhưng sau cùng, mẹ tôi tặc lưỡi một cái, cương quyết ra lệnh:

- Đáng lẽ là phải bỏ cái quần này, nhưng thôi, cho con mặc lúc đi tập thể dục, lúc ra làm vườn hay sửa xe, chứ không được mặc đi học, nghe chưa?

Coi như chưa chắc ý, mẹ tôi thêm:

- Kể từ nay, mỗi sáng, trước khi đi học, đứa nào cũng phải đến trước mặt mẹ… tao muốn thấy các con ăn mặc ra sao. Nhớ chưa?

Hai ba tiếng dạ ran lên rồi con Hà nom sắc thái mẹ đã hơi vui, trêu:

- Gặp lúc mẹ đang ngủ cũng cứ lại gần mẹ sao? Hay là kêu mẹ dậy nhìn tụi con?

- Đừng lo chuyện đó. Từ nay mẹ dậy sớm đều đều.

Các con tản mác lên lầu, xuống bếp, ra vườn – dù nhỏ bé cũng là vườn chứ, phải không, thưa bạn? – Tôi thì vào phòng học.

Trang sách vẫn đang mở rộng, sẵn sàng mời mọc. Nhưng lần này, niềm vui choán ngợp làm tôi lại cũng học không vô. Hên quá, làm sao không mừng chứ? Ối! Mà suy cho cùng mình còn trẻ con quá, có cả cuộc đời để học, lo gì? Tôi tự chống chế.

Bên ngoài, ba mẹ tôi trò chuyện gì đó mà cứ chen vào từng tràng cười. Đột nhiên, tôi nhớ đến câu nói buồn buồn của mẹ tôi : “Tao chán tụi bay… Không khi nào để mẹ được vui lâu lâu”. À, như thế có nghĩa là “Tụi bay chỉ làm cho mẹ vui in ít, vì giữa những lúc mẹ vui tụi bay bày ra một trò mới làm mẹ nổi giận lên, mất cả vui” chứ gì? Thế tức là mẹ có vui đấy. Tôi đi đến kết luận này : chúng tôi có làm mẹ vui, nhiều cái vui nhỏ góp lại thành cái vui to, thế là tốt rồi, phải không? Chán gì đứa làm cha mẹ buồn? Chúng tôi thế là nhất rồi (điều này chính ba mẹ tôi thường công nhận – có khi ngay trước mặt chúng tôi nữa kia, bạn ạ!) Ba mẹ tôi vẫn nói thế này đây:

- Coi vậy chứ con mình không đến nỗi nào, nhiều đứa…

Tôi chỉ cần nghe chừng đó là mát lòng rồi. Nhiều đứa làm sao, chúng tôi đâu cần biết rõ? Tò mò thêm làm chi vô ích.

Vâng, tôi đi đến kết luận toán học là mẹ tôi có vui, dù đôi khi cái vui bị gián đoạn chút chút. Nhưng có ngại gì? Miễn mẹ vui là đủ!

Và tôi còn biết rõ rằng mẹ rất yêu chúng tôi. Chả thế mà khi mẹ nổi giận lên, mẹ quát tháo ầm ỹ, nhưng hễ động nghe ba la mắng chúng tôi thì từ trên lầu, từ dưới bếp, đang đọc sách hay đang làm gì đi nữa, mẹ cũng bỏ đấy, chạy lại, tìm cách chống đỡ, bênh vực chúng tôi. Mẹ rất sợ những cơn lôi đình của ba. Mẹ chen vào bằng những câu có tính cách an thần cho ba tôi như:

- Con khờ dại thế đấy, làm phiền lòng ba… Ba thương con biết bao nhiêu.

Hay:

- Mẹ đã dặn bao nhiêu lần rồi mà…

Rồi sau cùng bà đi đến mục đích:

- Thôi, anh nghỉ đi, để đó tôi, tôi sẽ… (quay sang chúng tôi, mở đường). Thôi, xin lỗi ba đi, con! Con cái nhà này…

*

Hiện giờ, gia đình tôi ra sao? Thưa bạn, hiện tại thì không có sóng gió gì, mẹ tôi đang nắm vững con thuyền gia đình, một tay lèo lái rất là… đàng hoàng! Đó là nói theo giọng mẹ tôi. Lâu lâu, một bà cô, bà bác, bà dì, hay một bà bạn đến than phiền về con cái quí vị ấy nọ kia, tức thì mẹ dặng hắng một cái, to tiếng gọi tôi đem cái quần và cái áo của con trai lớn ra. Đoạn, bằng giọng rất là chững chạc, ngon lành, giọng của ông tướng bách chiến bách thắng, mẹ nói:

- Đó, coi giùm tôi coi! Tôi mới nằm có hơn tháng, không dậy sớm được coi chừng mà nó đã ăn mặc như thế đó. Con nít bây giờ, không thể lơ là được…

Khách mở to mắt lên:

- Thế chị tính sao?

- Tính sao à? – Giọng mẹ tôi đầy uy quyền – Cấm mặc chứ tính sao! Tôi cương quyết lắm chứ cô (hay chị, bác, chi đó) đừng tưởng…

- Bộ bỏ thiệt hả? Uổng quá…

- Chứ để cho nó mặc coi sao được? (giọng mẹ dịu lại) cái quần tốt quá, nên khi nào nó ra vườn, đi tập thể dục, sửa xe thì tôi cho mặc. Còn cái áo thì không, nhất định không.

- Vậy chị cất làm chi vậy? Để kỷ niệm hả?

- Cũng được chứ sao, đặng cho mình nhớ mà đừng chểnh mảng, quên coi chừng nó.

Khách nhìn chăm chăm mẹ tôi, chắc khách không ngờ rằng mẹ tôi ngon lành như vậy? Khách nghĩ gì thì tôi không rõ. Vì khách là người xa lạ, chứ mẹ tôi thì tôi hiểu : mẹ đang hãnh diện ghê lắm. Cứ nhìn nét mặt rạng rỡ của mẹ tôi là tôi biết liền.

“Một cái vui nhỏ đó, mẹ ơi” Tôi vừa đem hai tang vật tịch thu đi cất vừa nói thầm, lòng rộn rã niềm vui, cũng nhỏ giống mẹ tôi!


MINH QUÂN   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>