Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Khi Về Quê Ngoại

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Khi về qua bến nước đìu hiu
Nắng mới bên sông lấm tấm vàng
Lây lất giòng trong trôi hờ hững
Lòng nghe buồn lắng buổi đông sang

Qua bến đò xưa - đò vắng khách
Qua sông, sông cạn nước buồn tênh
Anh về nhớ nắm cơm ngày ấy
Nhớ mẹ chiều hôm sầu mông mênh

Con đường bắt bướm hái hoa xưa
Nồng thơm hơi đất những khi mưa
Nắng soi bờ dậu buồn cây cỏ
Tình quê hương nhớ mấy cho vừa

Một thuở ấu thời trôi hờ hững
Đâu những người xưa tình xa xưa
Lớp nhỏ lớn lên đi bốn hướng
Bỏ lại trường quê ngó bóng dừa

Đây mái cong rêu đình xóm cũ
Đây con lạch nhỏ chuồn chuồn bay
Dáng đỏ dáng xanh vờn khóm trúc
Khoan nhặt rừng cau chim biếng bay

Anh về để thấy ruộng vườn khô
Đàn cá lòng tong cũng ngước dòng
Mẹ già hôm sớm buồn khô lệ
Em thơ dẫm chết tuổi thơ hồng

Mới biết buồn ôi buồn hiu hắt
Giòng sông ai tắm mát, ai cười
Bên đồi ai thả diều nghe sáo
Để gió tìm quên đi bốn phương

Khi về tìm lại quê hương nhỏ
Những tình thân ái cũng xa rồi
Hương cau ngầy ngật cùng cây cỏ
Chỉ có lòng quê man mát thôi

Hãy trả cho tôi ngày tháng nhỏ
Những kẻ đi xa lại trở về
Bên bến sông, trên đồi lộng gió
Những tháng ngày xưa vui rộn lên

Để sáng ra đồng thăm lúa mới
Để chiều vui vẻ lùa trâu về
Và sống trong lòng quê hương nhỏ
Với những buồn vui cuộc sống riêng...

                                        TRẦN HUY SAO

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 198, ra ngày 1-4-1973)

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Một Ngày Mai

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngày tôi tập tễnh làm "thi sĩ"
Bỡ ngỡ từng niêm luật trắc bằng
Thơ rót thơm thơm mùi sách vở
Học đường, xứ sở, núi sông trăng

Tôi viết hồn nhiên với tuổi thơ
"Cảm hứng" từ trong muôn ước mơ
Lòng mẹ, tình cha, thầy, bè bạn
Thể hiện cùng trong ý vụng khờ

Thương cho đất nước bị ngăn đôi
(Thuở mới sinh ra đã thế rồi!)
Thơ tôi gói trọn niềm mong ước
Ngày nào thôi hết có chia phôi

Binh lửa bùng lên mang mãnh liệt
Quê hương rách nát đạn cày sâu
Từ bỏ hoa niên vào tuổi lớn
Tôi biết suy tư, biết lặng sầu

Tang tóc lan tràn theo tiếng súng
Xót xa nỗi khổ cả hai miền
Tôi đem thơ rót ra thành lệ
Khóc buồn cuộc chiến quá oan khiên 

Mong một ngày mai, một ngày mai
Lớp lớp người dệt nối tương lai
Và tàn binh biến thơ tôi sẽ
Ca ngợi giang sơn cẩm tú này.

                                 HUỲNH CHÚC (M-Y)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 67, ra ngày 3-12-1972)

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Con Đường Cũ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chiều nay thấy chim bay
Cao vút tận trời mây
Nhớ sao con đường cũ
Chụm đầu hai hàng cây

Chiều nay thấy nắng tàn
Mây chiều trôi lang thang
Nhớ sao con đường cũ
Nắng phai trong hôn hoàng

Chiều nay thấy hoa rơi
Mùa xuân xa cách rồi
Nhớ sao con đường cũ
Ngàn hoa xuân tươi cười 

Chiều nay thấy gió về
Xuân tàn theo cơn mê
Nhớ sao con đường cũ
Tháng năm dài lê thê

Chiều nay nhớ bóng người 
Nhớ nụ cười anh tôi
Nhớ sao con đường cũ
Nhớ chuyện xưa xa vời

Chiều nay lòng hoang mang
Gió chiều buồn miên man
Nhớ sao con đường cũ
Thương đời anh lỡ làng 
 
Tiếc đời anh dở dang....

                                Thơ Thơ 
                       (Bút nhóm Hoa Nắng)
                         Vẫn nhớ đến anh tôi....
 

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Ước Mơ Thanh Bình



Khi quyển lưu bút của nhỏ Hạnh chuyền tới tay Thảo, Thảo đã sửng sốt kêu lên: "Trời ơi! Hè rồi à?" Lũ bạn ngồi cùng bàn Thảo cười rũ ra, một chị trêu Thảo: "Từ khuya rồi bồ tèo ơi". Chị khác trêu: "Chắc hắn ngủ mê chúng mày ạ". Nhưng không, tự nhiên Thảo nghe mắt mình cay cay, thẫn thờ, Thảo lật từng trang Lưu Bút của bạn và Thảo không thể cười vui như các bạn được. Cả tuần nay ngồi trong lớp học nhìn ra sân những tà áo trắng bay lượn tung tăng, những tiếng cười đùa đã báo cho Thảo biết sắp nghỉ hè. Một vài lớp đã được chơi, học sinh  sung sướng vì tới trường không phải học bài, làm bài. Chỗ này chụp hình kỷ niệm, chỗ kia tụm năm tụm ba trò chuyện, dặn dò nhau trước khi chia tay. Ở lớp Thảo các giáo sư chưa dạy hết chương trình nhưng nhìn lại lớp học Thảo thấy chỉ còn độ một phần ba lớp. Với số học sinh ít ỏi đó và dù lớp Thảo là đệ tam nhưng các thầy, các cô vẫn tận tâm dạy hết chương trình. Thảo thương mến Thầy Cô ở chỗ tận tâm đó mà cũng vì Thảo sắp phải xa trường, xa lớp, xa Thầy Cô, bạn bè. Hồi giữa năm khi nghe mẹ bảo Thảo chỉ được học hết năm nay rồi nghỉ, Thảo đã mong những ngày tháng còn lại của nửa năm học dài thêm ra. Thảo không còn mong hè như mọi năm. Thảo không để ý hay đúng hơn là không muốn để ý đến thời gian đang qua mau cho đến một hôm sắp hàng chào cờ nhìn thấy những cánh hoa Phượng nở đỏ một góc sân trường, Thảo đã sững sờ lặng người đi và để mặc nước mắt tuôn trào.

Thảo ngồi nhớ lại ngày Thảo mới vào đệ thất. Nhìn Thảo vui mừng, xúng xính trong chiếc áo dài mới và hãnh diện với đan em đang vây quanh trầm trồ, ba mẹ Thảo như cảm thấy vui lây. Rồi ngày ngày Thảo được ba chở đi học trên chiếc vespa màu xanh mà ba Thảo tậu được khi mới vào Sàigòn. Mỗi ngày trên đường về nhà Thảo huyên thuyên kể chuyện trong lớp học, nào là hôm nay làm toán được 17 điểm, trả bài 15 điểm. Ba Thảo sung sướng gật gù khen:

- Ừ, con gái ba giỏi lắm.

Hay:

- Thế nào năm nay con cũng được phần thưởng, ngày ấy dù bận gì ba cũng đi dự để được hãnh diện về con gái của ba.

Và lần nào Thảo cũng đòi thêm:

- Cả mạ đi nữa nghe ba.

Mỗi tối sau khi cơm nước xong ba dạy chị em Thảo học. Em út còn bé ngủ trong lòng mẹ. Tới 9 giờ, ba vui vẻ ra lệnh:

- Nào, cho các con nghỉ, chừ lại đây ba kể chuyện.

Sau đó một màn tranh chỗ ngồi xảy ra. Đứa nào cũng muốn ngồi gần ba để nghe cho rõ.

Con bé đòi:

- Ba ơi, kể truyện "Công chúa ngủ trong rừng" đi ba.

Thằng Tý phản đối:

- Truyện ấy biết rồi. Kể truyện "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" đi ba. Bảy chú lùn bé bằng ngón tay con hở ba?

Nói rồi thằng bé giơ ngón tay cái trước mặt ba, đợi ba trả lời xong nó mới chịu ngồi yên.

Đến lượt thằng cu:

- Ba kể chuyện mấy ông cao bồi "quánh" nhau đi ba.

Rồi lại con Hằng, con Thúy đứa nào cũng đòi ba kể những chuyện mà chúng thích. Riêng Thảo, Thảo không muốn nghe truyện cổ tích. Đợi các em tranh nhau xong Thảo mới đưa ý kiến:

- Ba kể chuyện ba mạ ngày xưa đi ba.

Thế là lũ nhỏ nhao nhao:

- Chuyện ba mạ hở?

- Có giống chuyện bà Tiên không ba?

Ba cười lớn. Mạ ở giường bên đưa tay lên môi "suỵt" nhỏ:

- Im nờ, con út đang ngủ đấy!

Thảo rầy em:

- Tụi bây im đi cho ba kể.

Rồi Thảo dục:

- Kể đi ba, hồi nớ ba ở Hà Nội làm răng mà quen với mạ được.

Lũ trẻ đã chịu ngồi yên, ba kể:

- Hồi đó nghỉ hè, ba với mấy người bạn vô Huế chơi. Ba gặp mạ con bán hàng ở chợ Đông Ba, ba làm quen, rồi cưới mạ con, rồi... hết.

- Rồi sinh ra tụi con nữa mới hết chứ ba.

Ba và chị em Thảo cười vang làm con út giật mình khóc, mạ vừa dỗ nó vừa cằn nhằn.

Thảo vẫn chưa chịu:

- Chuyện ba mạ đâu có ngắn như rứa. Con nghe mạ nói hồi nớ chia đôi đất nước ba vô đây có một mình mà, mạ cũng đâu đã thấy ông bà nội.

Ba lại kể, lần này dài hơn:

- Kỳ nghỉ hè đó ba mới để ý đến mạ con thôi. Khi chia đôi đất nước ba vô đây một mình vì ông bà nội không muốn bỏ nhà cửa ruộng vườn, còn ba không thể ở lại được. Ba vô Huế, sau đó quen với mạ con. Nhưng ôn mệ con khó lắm đâu chịu gả mạ cho ba, sau ba phải nhờ bạn bè...

- Rồi ba có cưới được mạ không ba?

- Không cưới được mà có tụi bây à. Thằng ngu như bò Thảo mắng em.

Thằng Cu ngớ ngẩn:

- Ừ hỉ!

Thảo nhìn bộ mặt thằng bé Thảo thật tức cười.

- Ông bà nội đâu có biết mạ với tụi con, rồi ông bà nội có thương mạ với tụi con không ba?

- Có chứ! Ông bà nội thương các con lắm.

Con Bé lúc nào cũng muốn "nhất":

- Bà nội thương con nhất nhà phải không ba?

Thế là con Hằng và con Thúy tranh:

- Bà nội thương tao nhất chớ bộ.

Rồi đến lượt thằng Tý:

- Còn ông nội thương con nhất phải không ba?

Con Hằng chợt hỏi:

- Chừng nào ba dắt mạ với tụi con về thăm ông bà nội ba?

- Nhà ông bà nội có xa không ba?

Nghe các con tranh nhau hỏi ba cười trả lời chung:

- Nhà ông bà nội ở ngoài Bắc lận, nhà ông bà nội có vườn lớn lắm. Có cây ổi cho con Thảo vì con Thảo thích ổi, có cây nhãn cho chung mấy đứa nhỏ.

Thằng Cu thắc mắc:

- Chừng nào ba mới dẫn tụi con về thăm ông bà nội hở ba?

- Khi nào hòa bình ba sẽ dẫn mạ và các con về thăm ông bà nội. Chắc ông bà mừng lắm.

Con Bé reo:

- Ba chở cả nhà đi vespa ra thăm ông bà nội nghe ba.

"Khi nào Hòa Bình ba sẽ dẫn mạ và các con về thăm ông bà nội" Thảo tin lời hứa của ba nhưng Thảo tự hỏi: "Chừng nào mới có Hòa Bình?" "Chừng nào ba mới đưa mạ và chị em Thảo ra thăm ông bà nội?" Thảo mỉm cười khi nghĩ lại lời reo của con Bé trong đầu óc non nớt của nó, hình ảnh cả nhà đi chung một chiếc Vespa của ba ra Bắc thăm ông bà nội. Thật ngộ nghĩnh, làm răng cả nhà ngồi đủ trên một chiếc Vespa? Thảo nghĩ khác Thảo mơ một ngày Hòa Bình trong chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc cả gia đình Thảo có mặt trong đó rồi suốt trên đường đi Thảo sẽ thấy tận mắt những cảnh đẹp của quê hương. Ôi, quê hương Việt Nam, Thảo nghe bao yêu thương dồn cả vào trái tim hồng nhỏ bé, mặt Thảo đầm đìa nước mắt nhưng nụ cười nở trên môi và như reo vui ôi, những giọt nước mắt sung sướng và hạnh phúc lắm thay.

Nhưng rồi bóng hạnh phúc đi qua gia đình Thảo rất mau. Thiên đàng hạnh phúc ấy không còn nữa khi ba Thảo bỏ mình trong trận chiến ở Hạ Lào. Đó là một cái tang đau đớn nhất trong đời Thảo. Ngày đưa đám cha, con Bé vui nhất nó vừa được một chiếc áo dài như chị Thảo. "Ngày mai đi học em mặc áo dài, choàng khăn mới chị Thảo nhé!". Em Út thì bò ngang bò dọc dưới đất. Nhìn các em thụng thịnh trong chiếc áo tang Thảo đau lòng quá. Chúng con bé chưa biết gì. Em Út chưa biết được mặt ba. Mạ thì như điên dại. Thảo không cầm được nước mắt khi nhìn mẹ gầy đi trong dáng dấp đau khổ. Thảo nghe thương mẹ, thương em và thương mình hơn bao giờ hết.

Ba là cột trụ chính của gia đình, ba mất đi mẹ thay thế nhưng đôi vai mẹ nhỏ bé quá không làm sao chống đỡ nổi trước tình trạng đắt đỏ của mỗi ngày. Tuy thế mẹ vẫn cố gắng cho Thảo và các em ăn học. Với mẹ việc học của chị em Thảo là quan trọng hơn cả. Nhưng rồi sức người có hạn, làm việc quá sức mẹ lâm bệnh nặng. Tiền thuốc thang, nợ nần làm mẹ nhiều khi quẫn trí. Thương mẹ, Thảo muốn nghỉ học dù rằng Thảo cảm thấy luyến tiếc đời sống học sinh không ít. Mẹ Thảo cho rằng với vốn liếng học thức ít ỏi đó Thảo chưa thể làm gì được. Bà muốn Thảo học xong tú tài. Nhưng rồi sự nghèo túng làm bà bất lực. Dịp may có bác của Thảo hứa giúp cho Thảo vào dạy ở trường ông, thế là việc nghỉ học của Thảo đã được quyết định. Thảo buồn, nhưng Thảo phải nghĩ tới mẹ, tới em và Thảo chỉ biết mong thời gian đừng qua mau để Thảo còn được hưởng những ngày vui sống bên thầy cô, bè bạn.

*

Những ngày cuối năm với Thảo buồn chi lạ. Những lời chúc, khuyên nhủ của cô, thầy, những quyển lưu bút của bạn bè đều làm Thảo khóc được. Thảo thương nhất cô Lan dạy Việt văn cô hiền và giản dị. Trước khi chia tay cô không nói nhiều nhưng những lời của cô làm Thảo khóc nhiều hơn cả. Thảo nghĩ tới những ngày sắp tới với nếp sống mới của mình. Thảo sẽ không được ngồi nơi dãy bàn học sinh để nghe từng lời giảng êm đềm của thầy cô nữa mà Thảo sẽ đứng trên kia một mình với bảng đen, phấn trắng. Tự nhiên Thảo cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Thảo nhìn xuống lớp học, những đôi mắt ngây thơ đang mở lớn nhìn Thảo mà trong đó Thảo bắt gặp cả những đôi mắt của em Hằng, em Thúy và cả con Bé nữa. Môi trường Thảo sắp hòa mình vào đó có dễ thương và êm đềm như những ngày còn ngoan ngoãn cắp sách tới trường không? Thảo tự hỏi thế nhưng Thảo tin tưởng ở những ngày sắp tới vì trong môi trường ấy Thảo đã tìm thấy những đôi mắt ngây thơ, hiền lành, dễ mến. Phải, những đôi mắt của em Hằng, em Thúy và của những học trò bé bỏng của Thảo nữa.

*

Sáng nay con lên trường một mình để lãnh thưởng. Năm nay con lại hạng nhất, đó là tất cả sự cố gắng của con để đền đáp lại công lao khó nhọc của mạ và xứng đáng với những lời khuyên nhủ của ba cùng sự tận tâm dạy dỗ của thầy cô. Tối qua con đã tự nhủ sáng mai lên trường sẽ không khóc nhưng ba ơi, khi lên lãnh thưởng nhìn xuống hàng ghế dành cho phụ huynh con đã không cầm được nước mắt. Mọi năm ba ngồi đó, khuôn mặt ba rạng rỡ, tươi vui khi nhìn con ôm gói phần thưởng trong tay. Ba cười hãnh diện với con, con như ngợp lặn trong hạnh phúc ấy. Chừ chỗ nớ không còn ba nữa. Con nghe cay đắng, nghẹn ngào. Ra về nhìn những đứa bạn đi bên ba chúng cười nói hớn hở con tủi thân quá. Phải chi có ba, cha con mình đi ăn kem ba hỉ. Ba thưởng riêng cho con gái ba mờ.

Ba mất đi chưa đầy một năm trong nhà biết bao thay đổi. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào con cũng nhớ những lời ba khuyên dạy. Bữa trước chú Tám về thăm nhà đem về ít đồ của ba, con Bé vừa thấy đã mếu khóc: "Ba ngủ hoài làm răng chở mạ và em đi thăm ông bà nội được". Những lời của em làm con nhớ những đêm ngồi quanh ba nghe kể chuyện
chuyện của ba mạ con nghe không bao giờ biết chán. Một năm rồi mà con tưởng chừng như mới hôm qua, hôm kia ngồi nghe ba kể chuyện. Mỗi tối ngồi nhắc tới ba con hay hỏi các em: "Bé này, nếu hòa bình Bé sẽ làm chi hở Bé?". Con Bé trả lời chẳng cần suy nghĩ: "Em sẽ kêu ba dậy chở mạ và chị em mình ra thăm ông bà nội". Còn thằng Tý: " Em à, em lau xe cho ba để ba chở mạ và chị em mình ra nhà ông bà nội", "Mà chị Thảo ơi, sao lâu hòa bình vậy chị?", "Chừng nào Hòa Bình hở chị?" Ba ơi, ba có biết tụi con mơ ước, khao khát, chờ đợi Hòa Bình như thế nào không? Hình ảnh cả nhà đi chung chiếc Vespa vẫn còn in đậm trong trí óc non nớt của các em. "Khi nào Hòa Bình ba sẽ đưa mạ và các con ra Bắc thăm ông bà nội". Ba có nhớ đã hứa với các con như rứa không? Mà chưa Hòa Bình ba đã bỏ các con đi rồi. Mai này nếu Hòa Bình ai sẽ dẫn mạ và các con ra thăm ông bà nội hở ba? Mạ đâu biết nhà ông bà nội. Ai sẽ dẫn con đi chơi khắp ba mươi sáu phố phường? Hà Nội đẹp lắm phải không ba? Lòng con nôn nao khôn xiết. Chừng nào Hòa Bình hở ba? Sao ba không chờ Hòa Bình để cùng mạ và các con ra thăm quê nội. Mà chắc gì ông bà nội còn sống hở ba. Dù sao lòng con vẫn đầy tin tưởng, con tin chắc rằng cuộc chiến tranh vô lý này rồi sẽ chấm dứt, Hòa Bình sẽ về trên nước Việt Nam và trên chuyến tàu ra Bắc trong những âm thanh rộn ràng con nghe tiếng mạ, tiếng con, tiếng các em: Ba ơi, ba có nghe Hòa Bình không? Ba cùng đi với mạ và các con về thăm ông bà nội nhé!...


TRẦN THỊ HẬU     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 158, ra ngày 1-8-1971)
 

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

Mấy Trang Nhật Ký

 


Chủ Nhật 8-3-70

Hôm nay tôi lại đến làng Cô Nhi Chiến Tranh Long Thành với một nhóm học sinh tình nguyện. Một điều bất ngờ là em học sinh trưởng ban tổ chức chuyến đi hôm nay lại ở cùng xóm với tôi. Nhóm học sinh này không phải là học trò của tôi, các em chỉ là độc giả Tuổi Hoa và biết tôi qua Tuổi Hoa. Mất một ngày chủ nhật ở Làng Cô Nhi dù không làm được gì ít nhất lương tâm cũng đỡ ray rứt vì ta (!) đã làm công tác xã hội, tâm trạng ích kỷ xấu xa của tôi là thế đó!

Nhìn các em chuẩn bị lên đường đầy vẻ sốt sắng, tôi cảm thấy vui vui vì sắp sửa được chứng kiến một trong muôn ngàn lý tưởng vị tha và hành động đẹp của tuổi trẻ trong Việt Nam máu lửa. Các em đã lo lắng chuyến đi hơn tuần nay, góp tiền mua đồ chơi cho các Cô Nhi và nhất là má của em Phạm thị Mỹ, trưởng ban tổ chức, đã tặng nguyên một thùng sữa. Tặng phẩm không là bao vì các em ít người nhưng tấm lòng thành của các em là một trong những tặng phẩm tinh thần cảm động đầy Việt Nam tính.

Đến Làng Cô Nhi Long Thành vào khoảng 8 giờ rưỡi, sau khi được một vị ni cô dẫn đi quan sát một phần lớn làng và nhất là viếng mộ cô Đào thị Phước, người đầu tiên hy sinh trong công cuộc xây dựng làng, các em chia thành hai toán: một toán đi may quần áo, một toán đi vào các trại chơi với các em và làm bất cứ điều gì có thể được.

Người ta đã nói đến vấn đề cô nhi quá nhiều rồi, nhưng tôi nhận thấy vấn đề này vẫn còn mới tinh khôi vì chiến tranh vẫn còn đó, hằng ngày những người Việt Nam vẫn tiếp tục chết và được thống kê bằng những con số bi thảm! Cô nhi Việt Nam là vấn đề xã hội số một làm ray rứt lương tâm nhân loại. Miễn đừng coi đi thăm Cô Nhi chỉ vì cái mốt hợp thời trang vì như thế sẽ tủi hổ cho các em Cô nhi biết là chừng nào! Các em cô nhi là con người chớ đâu phải là những món đồ triển lãm!
 
Mỗi lần đi thăm các em cô nhi là mỗi lần những thắc mắc, những dằn vặt về thân phận dân tộc và thân phận con người nằm dưới đáy thẳm tâm hồn con người lại nổi bật rõ hơn một chút. Ai vào trại các em tàn tật mà không ngậm ngùi, thương xót? Nhưng sau sự ngậm ngùi, thương xót thì còn lại những gì?

Hôm nay, một hình ảnh đặc biệt đã làm các em công tác tình nguyện xúc động: một em Cô nhi cố bám vào em Trần thị Hậu như muốn tìm một nơi trú ẩn, một tình thương đích thực mà em thiếu thốn. Hễ em Hậu bỏ ra là em khóc, khóc nức nở, khóc thảm thiết ai thấy cũng phải mủi lòng. Nhưng nếu em Hậu bế em vào lòng thì em nín ngay và đôi mắt em sáng rực niềm hân hoan sung sướng. Rốt cuộc, vì thế chẳng đặng đừng, em Hậu phải trao bé Tùng cô nhi đáng thương đó cho vị ni cô trưởng trại trong tiếng khóc thét ai oán của bé. Bé Tùng ơi! Các anh các chị chỉ có thể... đến thế mà thôi vì các anh các chị còn phải về nhà, về với gia đình của các anh các chị. Bé Tùng ơi! Các anh các chị xin lỗi bé, các anh các chị không ngờ hành động tưởng là vị tha (!) của mình lại làm bé đau khổ thêm vì hành động đó đã khơi dậy lại nguồn thiếu thốn thiêng liêng đích thực của con người tiềm ẩn trong bé, nguồn thiếu thốn không gì thay thế nổi: đó là cha, đó là mẹ, đó là anh, đó là em, đó là tình thương ruột thịt ngàn đời! Bé Tùng ơi! Bé hãy coi các vị ni cô hằng ngày từng giờ từng phút từng giây săn sóc bé như một người mẹ đích thực vì chỉ có các vị ấy mới xứng đáng mang danh nghĩa đó chớ các anh chị và những quan khách (!) khác chỉ là những bọt biển mà thôi: ghé thăm bé trong chốc lát rồi lại phải trở về cuộc sống thực tế ích kỷ hằng ngày. Bé Tùng ơi! Những người mẹ đích thực của bé phải khổ nhọc, coi sóc hàng trăm em cùng tuổi bé một lượt làm sao thỏa mãn đầy đủ nhu cầu tâm lý thiết tha của các bé được! Bé hãy gắng vượt qua, đau khổ tạo nên vĩ nhân đó bé ơi!

*

- Các em là người Việt Nam, là con là cháu là em của chúng ta. Chúng nên người hay không nên người Việt Nam là do chúng ta.

Lời vị ni cô hướng dẫn văng vẳng bên tai tôi như nhắc nhở tôi là người Việt Nam đang sống trên mảnh đất này, giải đất mang tên Việt Nam bất diệt và đồng thời lời đó làm tôi nhớ đến hàng ngàn vị ni cô từ bi khả kính, hàng ngàn bà sơ bác ái cao cả và hàng ngàn người còn quả tim Việt Nam đang âm thầm hy sinh giúp đỡ, đem tình thương chân thành đối với các cô nhi bạc phước trong các cô nhi viện toàn quốc từ Saigon hoa lệ đến tận nơi đèo heo hút gió.

Xin những người làm nghề áp phe đừng hành nghề trên mồ hôi nước mắt cô nhi! Xin đừng biến công tác xã hội thành nghề công tác xã hội!
 
Cầu xin súng đạn văn minh không còn hiện diện trên đất nước này để Hòa Bình trở về cho mẹ già gặp lại con thơ, cho nụ cười nở trên môi em, cho quê hương chấm dứt điêu tàn, cho khổ đau trở thành dĩ vãng, cho tất cả những hy sinh cao quý của cha anh để bảo vệ đất nước trở thành chất liệu lịch sử kích thích tuổi trẻ xây dựng quê hương và cho không còn cô nhi chiến tranh mới nữa...

Sau một ngày... trở về... lòng tôi xao xuyến không yên... vì đã từ chối không nổi lời mời quá tiết tha của các vị ni cô dùng bữa cơm trưa tại làng... một bữa cơm chay ngon lành.. Tôi cảm thấy hổ thẹn... có làm được gì cho các em cô nhi đâu... trong khi đó lại làm mất của các em một bữa cơm. Không biết các em đi chung với tôi hôm nay có đồng tâm trạng với tôi hay không?
 
Thứ hai 9-3-70
 
Sáng nay thức dậy mệt nhoài. Suốt ngày hôm qua đi bộ ở làng Cô Nhi Chiến Tranh Long Thành mỏi nhừ cả chân. Phải chi hôm nay ngày lễ thì thích quá! Nhưng thực tế bao giờ cũng là thực tế... Hôm nay là ngày thứ hai: phải dạy 4 giờ đại số ở hai lớp chín 1chín 2 của trường Thánh Tâm. Không biết còn đủ sức giảng bài cho các em hôm nay không? Nhưng khi tôi đến trường thì cảnh hết sức lạ: các em học sinh có vẻ ăn mặc tươm tất hơn lúc thường và chả có ai mang tập vở gì cả. Gặp thầy hiệu trưởng hỏi thì được biết hôm nay các em đi ủy lạo chiến sĩ ở một khu rừng vùng Thủ Đức. Thế là tôi tháp tùng theo... đi ủy lạo chiến sĩ... vì là thày giáo của trường nhân tiện có bốn giờ dạy sáng nay. Gần hai chục chiếc GMC sẽ đưa các em nam sinh và nữ sinh đến chỗ ủy lạo. Tôi leo lên một chiếc ngồi chung với các em. Vừa ngồi trên chiếc xe GMC khổng lồ, bỗng nhiên hình ảnh Trung Tâm 3 Nhập ngũ hiện ra trước mắt tôi rõ ràng. Có lẽ đó là do hậu quả của sự phản xạ tinh thần. GMC Trung tâm 3 Quang Trung Thủ Đức, những danh từ gắn liền với thân phận thanh niên hôm nay. Đoàn xe bon bon trên xa lộ. Quẹo phải là đến làng Cô nhi Chiến Tranh Long Thành. Quẹo trái là đến khu rừng đóng quân của các chiến sĩ mà học trò tôi có bổn phận đi ủy lạo. Như thế hôm nay phải quẹo trái. Các anh chiến sĩ đã đứng chờ đón chúng tôi trước hàng giờ. Các anh thật hiền, các anh thật trẻ, một số các anh tuổi cỡ những học trò cũ của tôi là cùng. Thủ tục diễn văn đáp từ tặng quà qua mau. Trời nắng chang chang rực lửa. Nắng giữa vùng đồng khô cỏ cháy thì phải biết! Dù một em cho mượn cây dù để che tôi cũng chịu không nổi, chạy leo lên một chiếc xe GMC tránh nắng. Tôi thấy thương các anh chiến sĩ phải dầm sương giãi nắng gian khổ trăm bề. Tôi ngồi co ro vào một góc nghe cuộc trình diễn văn nghệ giúp vui đang diễn ra trên sân khấu. Một em học trò gái bé nhỏ của tôi đang hát một bản nhạc thời trang...
 
Thế là sáng nay tôi được nghỉ bốn giờ...

Thứ ba 10-3-70

Hôm nay không có báo... Các báo đều đình công để phản đối việc tăng giá giấy của bộ Kinh tế. Tôi cảm thấy buồn buồn và thiếu thiếu cái gì khó diễn tả. Sáng nay 2 giờ đầu phải dạy một lớp đặc biệt, đặc biệt vì với lớp này, tôi phải luôn luôn cầm một cây roi mây dài vì các em học sinh lớp này phá thuộc vào hạng cừ, lơ mơ với các em thì lâm nguy (!) với các em. Theo thường lệ ở lớp này, bất cứ em nào đi trễ cũng đều bị tôi quất hai roi mây vào mông. Không gì bực mình bằng lúc đang giảng bài mà lâu lâu lại có một em đi vào: "Thưa thầy! Em đi trễ!"

Đánh được độ năm em, tay bắt đầu mỏi mỏi (chắc học trò thế nào cũng rủa thầy ở ác!), thì em thứ sáu lò dò bước vào. Tôi giơ roi mây chực quất... Em ấy rơm rớm nước mắt ngó tôi và nói:

- Thưa thầy! Em phải ra bến xe tìm chị em nên em mới vào trễ.

Tôi hỏi:

- Bến xe nào? Tại sao phải ra tìm chị em?

- Chị em làm ở Long Bình đêm qua không về... Em ra chỗ xe vàng thường đón các người đi làm xem có chị em không nhưng không thấy!

Em nói run run đầy vẻ lo lắng.

Tôi hỏi tiếp:

- Phải cái xe vàng thật bự không?

- Dạ phải!

Tôi đã thấy những chiếc xe vàng thật khổng lồ này chở người Việt Nam đi làm sở Mỹ và tôi cũng đã nghe nhiều người nói mỗi lần chiếc xe đó chạy ngang thì thấy các tay bám phía trên nóc xe đầy nghẹt như ruồi!!! Và tôi cũng có nhiều người quen đi làm trên các chiếc xe này... Trong những chiếc xe đó có bác, có anh, có chị của tôi!

Tôi hạ roi mây xuống... cho em về chỗ... Chút xíu nữa đánh oan em! Chắc hiện giờ em và gia đình em lo lắm, cầu trời trưa đi học về em gặp chị em!

Thứ tư 11-3-70

- Nguyễn X...

- Thưa thầy! Thằng X... bị bắt giam vào khám Chí Hòa rồi.

Tôi vừa gọi em đó lên khảo bài thì được đáp lại bằng những lời đó. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Thật không?

- Thưa thầy thật!

- Tại sao vậy?

- Tại nó ăn cắp xe... Honda...

Trời! Học trò tôi ăn cắp xe!!! Tôi vội cho các em bài làm rồi chạy lên văn phòng hỏi xem có đúng hay không. Thầy giám học xác nhận đúng nhưng không rõ nội vụ ra sao. Sau khi hỏi xong, tôi trở về lớp với nhiều ý nghĩ trong đầu. Tại em? Tại ai? Tại xã hội? Tại gia đình? Tại học đường? Tại chiến tranh?

*

Chiều nay rảnh hai giờ sau, tôi ghé tòa soạn. Vừa bước vào tòa soạn, anh Trường Sơn hỏi ngay:

- Chú có bài chưa? Giải đáp thắc mắc đâu? Nhà in đòi bài đó.

Tôi cười trừ... Kỳ này có nhiều điều muốn viết... và tôi đã dự định thay đổi viết dưới hình thức nhật ký. Và tôi phải viết cho xong thì mới có thể làm các việc thường xuyên được. Những ý nghĩ ấm ức trong đầu phải được tiêu hóa thì mới làm việc bình thường được. Tôi lại cười trừ khất bài anh TS. Nhưng những ý nghĩ trong đầu tôi không biết có tiêu hóa nổi hay có được phép tiêu hóa ra chữ viết hay không? Tôi nghi ngờ tôi...

Lúc đó, em T.A. một em GĐTH thân cận, đi học về cũng ghé tòa soạn. Vừa gặp tôi em hỏi:

- Anh có viết dùm em chưa?

Tôi cười:

- Chưa! Để có dịp thuận tiện, anh mới viết được!

Tôi nhớ lại... Em T.A. đã kể cho tôi nghe chuyện của em, một câu chuyện thật nhỏ về học trò mà em là vai chính như sau:

Em T.A. là học sinh trường Trưng Vương từ đệ thất đến đệ nhị. Năm ngoái em thi rớt TÚ tài 1 (vì cho người khác xem bài) nên phải lìa trường.

Dù đã lìa trường, em vẫn luyến tiếc ngôi trường cũ, nhớ thầy, nhớ bạn hết sức thiết tha. Đó là tình cảm bất cứ người học trò nào cũng có đối với một ngôi trường mình đã theo đuổi năm sáu năm liền. Nhân ngày lễ Hai Bà Trưng vừa qua, trường TV có tổ chức ngày đại hội kỷ niệm Hai Bà, vì muốn thăm lại trường cũ bạn xưa, em T.A. ghé thăm trường. Vừa bước tới cổng, em T.A. bị chận lại. Sau một hồi năn nỉ, em mới được cho vào. Đó là nỗi buồn thứ nhất của em. Nghe em thuật chuyện này, tôi có nói:

- Có gì mà em buồn! Vào đây phải có thiệp mời... tại em không có thiệp mời mới thế... Đâu có ai biết em là học sinh cũ. Sở dĩ khó như vậy là vì đây là trường con gái... cần phải kiểm soát kỹ lưỡng để tránh nhưng việc không hay đáng tiếc có thể xảy ra.

- Nhưng khi em vào thăm các bạn cũ ở gian hàng thủ công lớp Đệ nhất... thì... một chị hỏi em: "Có mua gì không?" Em trả lời: "Không". Chị đó liền xua đuổi em: "Không mua thì đi đi!" Người nói đó là bạn cũ của em đó. Em thấy tủi thân và muốn khóc. Anh nghĩ sao về điều này?

Đây là nỗi buồn thứ hai của em T.A. và đây mới là nỗi buồn chính thức của em.

Người chịu thiệt thòi thường mang nhiều mặc cảm. Người may mắn thì thương hay vô tình khơi dậy những nỗi buồn sâu kín núp dưới đáy thẳm tâm hồn của những người mang mặc cảm. Không phải tất cả những người may mắn đều xấu và lòng dạ hay đổi thay cả đâu! Tất cả thường chỉ là vô tình, những sự vô tình được tạo thành một cách hết sức tự nhiên do hoàn cảnh... mà người hành động không bao giờ biết... nếu có biết thì cũng đã gây khổ đau, gây buồn cho người khác rồi!

Tôi biết em T.A. buồn, một nỗi buồn hết sức tầm thường nhưng đầy tính chất học trò.

Tôi biết viết gì đây để an ủi giúp em có tiếng nói bây giờ... vì đây chỉ là chuyện thường tình của con người... dù đó là chuyện của con người học sinh.

Tôi về nhà, sau bữa cơm chiều, tôi nghỉ ngơi đọc báo ngày mai để biết tin tức... và cố tìm những tin mang hy vọng... Thấy tin vui: bộ kinh tế đã chấp thuận miễn thuế giấy in báo và giấy in sách giáo khoa. Thế là các nhà bán sách không có cớ tăng giá bán sách rồi. Không có gì bực mình bằng khi thấy cuốn sách in đã lâu nhưng giá bán phía sau bị bôi đi và điền vào một giá mới cao hơn! Bóc lột học trò tội chết, không biết một số nhà bán sách có nghĩ như vậy không? Nhưng tin vui này có kèm theo: giá giấy gói thuốc bắc và in tiểu thuyết không được miễn thuế. Giấy in tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam và giấy gói thuốc bắc của các ông lang Tàu tương đương nhau. Kể cũng hay! Thuốc bắc uống mát và bổ. Tiểu thuyết đọc vui và cũng bổ. Theo lý luận của tân toán học, tương đương nghĩa là từ thuốc bắc sẽ suy ra tiểu thuyết, từ tiểu thuyết cũng sẽ suy lại ra thuốc bắc. Trong thời buổi kiệm ước này, truyện in bán đúng giá thì không có độc giả, truyện in bán rẻ có độc giả thì người viết phải tu khổ hạnh! Chắc rồi đây các người viết Việt Nam đều trở thành những nhà chân tu. Vui ơi là vui! Tôi bỗng nhớ đến Tủ Sách Tuổi Hoa và cuốn truyện Thiên Hương tôi vừa viết xong và đã được anh Trường Sơn chấp thuận in.

Thứ năm 12-3-70

Ngày mai, ngày lễ Hai Bà Trưng, em Nguyễn thị Mỹ Thanh hiện đang học Đệ Nhất ở trường Gia Long, một người học trò cũ của tôi ở lớp Đệ Tam sẽ ra tòa đô chính lãnh phần thưởng hạng nhứt về cuộc thi văn chương nữ sinh toàn quốc tổ chức hằng năm vào ngày lễ này. Tôi là thầy cũ của em nên tôi vui mừng và hãnh diện.

Thứ sáu 13-3-70

Bây giờ 9 giờ sáng. Hôm nay ngày lễ được nghỉ dạy. Chiều nay theo lời dặn của bác sĩ, phải đi chụp hình phổi tim ở Lý Hồng Chương xem có sao không? Lo lo...

Sáng nay phải đem bài lại tòa soạn. Chiều hôm qua nhà in đòi bài quá xá.

Tôi muốn viết ghi lại tất cả những hành động và ý tưởng đẹp của tuổi học trò mà tôi đã được chứng kiến tận mắt và nghe tận tai. Tôi đã ghi lại tâm tư em Trưởng Hướng Đạo trong TH số 117. Tôi đã đọc những bức thư của độc giả cho biết những xúc động khi đọc bài này. Tôi còn biết nhiều: Một em học sinh nhà giàu nhưng có tinh thần xã hội đã tin tưởng tôi, giao cho tôi hai ngàn đồng mỗi tháng để cấp học bổng cho bốn em học trò nghèo của tôi ở trường trung học Bồ Đề, Thánh Tâm, Trần Hưng Đạo và trung học Kỹ thuật Đồng Tháp. Công tác này đã thi hành điều hòa hơn nửa năm rồi... Một em học sinh tên Văn trường Trương Vĩnh Ký đã đến tòa soạn nói chuyện với tôi về vấn đề công tác xã hội với những lời nói thật thiết tha làm tôi giật cả mình và phải tự vấn lương tâm. Còn nhiều... còn nhiều... Ai bảo tuổi trẻ Việt Nam hư hỏng? Hippy, du đãng chỉ là một thiểu số nổi lềnh bềnh trên mặt xã hội mà thôi! Dưới đáy sâu kín của xã hội mới đúng là tuổi trẻ Việt Nam, tuổi trẻ vô tư trong sạch làm việc âm thầm vô vụ lợi. Xã hội tương lai nằm trong tay lớp sóng ngầm này.

Tôi chỉ tin tưởng một thiểu số người lớn, nhưng tôi nhất định tin tưởng tuyệt đối đa số tuổi trẻ học trò. Chính niềm tin này làm tôi không bi quan khi nghĩ đến thân phận người trai trong cuộc chiến này. Sau gần mười năm đi dạy học thường chỉ gặp toàn lừa đảo, bạc đãi, lợi dụng và ăn hiếp, tôi đã học hỏi được nhiều ở các độc giả thân yêu của tôi. Đó là phần thưởng quý nhất đời của tôi sau gần ba năm tôi viết cho Tuổi Hoa. Cám ơn quý vị và các em độc giả đã giúp tôi được ngẩng đầu tin tưởng trong khi quá khứ tôi chỉ biết cúi đầu bi quan.


HOÀNG ĐĂNG CẤP      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 126, ra ngày 1-4-1970)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>