Thư của em K.A. - Saigon:
... Em có một bạn học thân tên là H. Bạn em ngụ trong một cô nhi viện. Bạn em nói rằng từ nhỏ đến lớn bạn em chưa hề biết tới mái ấm gia đình là thế nào. Em muốn bảo bạn em xin phép ban giám đốc cô nhi viện cho bạn em được đến chơi với gia đình em mỗi chủ nhật. Má em thấy H hiền lành ngoan ngoãn, vì má có gặp H ở trường khi má đi đón em, thì má cũng muốn cho H đến nhà em ngày chủ nhật cho H đỡ cô đơn. Nhưng kỳ ghê chị ơi, H không muốn. Em tưởng H sẽ mừng lắm khi được gia đình em quí hóa như vậy, té ra H lại không thích. H. bảo thà là ngày chủ nhật H nằm trong góc phòng ở cô nhi viện còn hơn là đến nhà em để gia đình bà con thân thích của em sẽ nhìn H bằng con mắt thương hại, vì cái tội mồ côi của H. Nhiều lúc, H kể lại quang cảnh những hôm có các phái đoàn đến thăm cô nhi viện để cho tặng phẩm, ban giám đốc bắt các em cô nhi đứng xếp hàng chầu chực chờ đón, rồi hô lên những khẩu hiệu:
- Chúng con xin cảm ơn quí ân nhân đã thương xót chúng con.
- Chúng con xin cảm ơn quí ân nhân đã tặng quà cho chúng con.
- Chúng con xin cảm ơn quí ân nhân đã nghĩ tới hoàn cảnh chúng con v.v...
. nói rằng những hôm đó, . lại càng thấm thía nỗi tủi cực của cái cảnh mồ côi mồ cút, ngồi chờ lòng hảo tâm của quí ân nhân khắp bốn phương trời. H thường than "phải chi cha mẹ H còn sống". Và luôn luôn H hỏi em rằng "Mồ côi có phải là một tội không?" Em không biết mồ côi có là tội không, nhưng sự ray rứt của H quả là một hình phạt làm tan nát trái tim thơ ngây của H. Em muốn giúp H, chị bảo em làm sao bây giờ?...
Trả lời: Chị hiểu nỗi buồn của H lắm em ạ. Trong các dịp đi thăm cô nhi viện, chị cũng đã nhìn thấy những ánh mắt câm nín của các em cô nhi. Và chị cũng, đôi khi, bất mãn trước những lời nói của quí vị hảo tâm đến tặng quà như:
- Con mồ côi mà mặt mũi cũng sáng sủa nhỉ!
- Trẻ cô nhi mà học khá thế!
Hoặc đôi khi gặp em bé khóc lóc hờn dỗi, các bà đùa giỡn:
- Ôi da! Mồ côi mà không biết thân, nhõng nhẽo quá...
Những lời nói vô tình đó, em ơi, chính là lưỡi dao bén làm thui chột hết lòng tự trong của các em và bắt các em cô nhi phải nhìn vào thực tế mồ côi của các em. Nhưng thực tế mồ côi thì có gì là xấu? Em ơi, sự thật là, trái lại, nhiều em mồ côi rất đáng được hãnh diện rằng đã có cha mẹ hy sinh vì nước, nhiều em cô nhi rất đáng hãnh diện rằng đã được hấp thụ một nền giáo dục đàng hoàng, không lêu lổng chơi bời, lao vào những băng cần sa ma túy. Trong lịch sử, biết bao danh nhân liệt nữ đã từng là trẻ mồ côi. Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lý Thái Tổ v.v... cũng đều là trẻ mồ côi. Chính những em có cha mẹ mà không chăm lo học hành, mải chơi bời lêu lổng mới nên cúi đầu xấu hổ trước gương sáng của các em trong viện cô nhi đã và đang tiếp tay với ban giám đốc làm đẹp cho đời.
Hãy nói cho H biết rằng đừng tự ti mặc cảm như vậy nữa. Sự mọi người giúp đỡ các em chỉ là phần đóng góp của mỗi công dân cho tương lai xứ sở mai sau mà thôi. Đồng thời, em cũng nói với gia đình là hãy coi H như các bạn khác, chứ không nên tỏ ra thương hại H. Với người tự trọng, họ không muốn được sống trong sự thương hại. Hẳn chúng ta cũng muốn tất cả bạn chúng ta đều trở nên biết tự trọng, chứ không chỉ là những kẻ trông chờ vào lòng thương hại, phải không em.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 123, ra ngày 1-4-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.