Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2022

Chuyện Việt Nam (I)

 

Mỗi dân tộc đều có một khởi thủy, và thường khởi thủy đó mang tính chất huyền thoại, mơ hồ. Lý do dễ hiểu là vì vào thời lập quốc xa xưa đó, những phương tiện lưu giữ tài liệu chưa có, hoặc còn rất thô sơ so với ngày nay. Một lý do nữa có thể là vì dân tộc nào cũng muốn được hãnh diện với nguồn gốc huyền bí, thần thoại.

Nguồn gốc dân tộc Việt Nam từ trước đến bây giờ vẫn còn là một vấn đề trong vòng tranh luận. Có giả thuyết cho rằng người Việt Nam là một giống dân lai Trung Hoa. Có giả thuyết lại nói chủng tộc Việt Nam là chủng Indonésien. Cũng có người nghi ngờ chính người Trung Hoa là người Việt lai giống với một giống dân khác! Huyền sử của ta thì truyền tụng rằng ta có một nguồn gốc thần thoại: Lạc Long Quân là Rồng, lấy Âu Cơ là Tiên sinh được trăm con rồi chia hai, một nửa theo cha, một nửa theo mẹ. Người con trưởng lên nối ngôi Lạc Long Quân lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang.

Gần đây, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã cho ấn hành một cuốn sách khảo cứu, sau một thời gian dài nghiên cứu lịch sử, tên là "Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam". Tác giả đã dựa vào khoa học để chứng minh có bằng cớ rằng nguồn gốc đầu tiên của người Việt ta là chủng Indonésien (mà tác giả dịch là Mã Lai).

Trước những giả thuyết khác nhau, có một sự thực rõ ràng mà có lẽ ai cũng phải công nhận là dù nguồn gốc của ta là gì đi nữa, thì ta cũng đã lai với nhiều giống dân khác. Sự lai này không phải là một mặc cảm vì có dân tộc nào trên thế giới dám nhận rằng mình thuần chủng đâu. Vậy, ta có thể kết luận: nguồn gốc chủng tộc chỉ là nguồn gốc thuộc về thể chất, trong khi quan trọng hơn, yếu tố cấu thành quốc gia là yếu tố tinh thần.

Các em mến,

Chắc các em đồng ý với anh: ta vẫn là con cháu Rồng Tiên, theo ý nghĩa thâm thúy của nguồn gốc huyền sử!


(NGUYỄN THÁI HẢI)    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>