Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Tim Hồng 232

 

- Phương Loan! Muốn tìm diện tích hình tam giác em làm gì nào?

Từ bàn 2A, Phương Loan vòng tay đứng dậy thật nhanh, miệng con bé cười tươi (chắc hẳn cô bé thuộc bài!) và giọng nó thật trong, vang nhẹ trong lớp học:

- Thưa cô, muốn tìm diện tích hình tam giác, ta lấy đường đáy nhân với chiều cao rồi chia cho 2 ạ.

Tôi cười bằng lòng:

- Giỏi lắm, còn em nào có thể trả lời cho cô không nào?

Bài hình học tôi vừa giảng xong, chưa cho chép bài vội, tôi khảo ngay tại lớp, những cánh tay đưa cao làm tôi hài lòng. Gọi thêm một vài em để có thể yên tâm một chút tôi mới nhẹ nhàng bảo:

- Các em mở vở chép bài!

Những tiếng loạt xoạt thật nhẹ và các em cầm bút chăm chú ngước nhìn tôi chờ đợi...

Tôi chợt để ý... một cánh tay vừa đưa lên... chi vậy nhỉ... à... Nhâm Diên, con bé vừa đưa tay, vừa đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Tôi im lặng theo dõi con bé đang tiến đến gần, giọng nó thật nhỏ:

- Thưa cô, cho con đi tiểu ạ!

Tôi trố mắt kinh ngạc, mới vào học được nửa giờ đồng hồ, Nhâm Diên đã xin đi tiểu. Mà, không phải chỉ một hôm nay đâu, từ mấy hôm trước cơ, cứ vào học một lát là Nhâm Diên xin ra ngoài. Nhìn nét mặt chờ đợi và ánh nhìn khẩn khoản của Diên, tôi rầy nhẹ:

- Từ ma phải đi trước ở nhà nghe Diên, tới lớp đang học mà xin đi cô sẽ không cho đi nữa đâu nghe.

Diên cúi đầu đáp thật nhỏ:

- Thưa cô vâng!

- Rồi, đi đi, mau lên còn về chép bài nghe Diên.

Nhâm Diên chạy thật nhanh ra khỏi lớp như bị ma đuổi làm cả lớp cười ầm. Chắc là con bé có bệnh tật chi đây, ngày nào cũng xin đi tiểu, mà chỉ đi ngay sau khi vào học một thời gian ngắn. Lát con bé về tôi phải dặn nó về trình bày với bố mẹ cái tật kỳ quái của nó mới được. Nếu thật sự Nhâm Diên có một chứng bệnh nào đó thì sự chữa trị sớm vẫn tốt hơn nhiều chứ!

Tôi đọc bài thật chậm để đợi con bé, gió nhẹ nhàng len lỏi qua từng dẫy bàn làm bay bay những sợi tóc mỏng. Học trò tôi thật hiền! Đứa nào cũng dễ thương như đứa nấy. Tôi chưa tìm thấy tên nào dễ ghét, dù đó là một tên cứng cổ nhất, tôi vẫn nhìn được cái nét dễ thương trong những cái cứng cổ, hỗn xược của nó. Một vài người đã cười tôi đã có cái nhìn lệch lạc, ai ngờ bọn con nít lem luốc mà cứ xít xoa: "dễ thương ghê!". Một bọn con nít lóc nhóc, tóc tai lởm chởm mà dám cả gan gọi là "Tim Hồng". Quả là chướng không chịu được! Đôi khi tôi cũng lẩm cẩm tự hỏi xem rằng tôi có chướng thật không. Nhưng, tôi vẫn thấy tôi không lệch lạc cái nhìn tí nào. Một bọn con nít lóc nhóc đấy, tóc tai lởm chởm đấy, nhưng vẫn... dễ thương ghê gớm! Có ai kiện tôi không nhỉ?

Quái! Nhâm Diên đi lâu ghê vậy? Con bé đi có tới mười phút rồi đó. Có bao giờ nó đi lâu như vậy đâu. Tôi bước ra cửa lớp nhìn xuống sân vẫn không thấy bóng dáng Nhâm Diên đâu cả. Tự nhiên, tôi nhìn vào cuốn lịch treo tường, con số 27 xinh xắn đập vào mắt. Một ý tưởng về Nhâm Diên chợt lóe lên trong đầu tôi và lại biến mất hẳn. Tôi cố tìm lại nhưng rồi vẫn... mù tịt. Nhâm Diên nhỏ bé, gầy còm với nước da ngăm ngăm và tóc tai lởm chởm, ý tưởng về Nhâm Diên lại lóe thật nhanh trong đầu và rồi lại tắt hẳn. Tôi cũng vẫn không quên ý nghĩ sẽ nhắc con bé về thưa với bố mẹ về cái tật kỳ cục của nó từ mấy ngày nay.

- Xin phép cô một chút nhé!

Tôi quay đầu nhìn ra cửa, thầy giám thị với cuốn sổ trên tay, bước vào lớp. Các em đứng lên chào, thầy vẫy tay và cười sau 2 mắt kính trắng:

- Nào! Ngồi xuống! Ngồi xuống! Cô nào chưa đóng tiền học đứng lên cho tôi xem nào!

Thầy mở sổ và dùng đầu bút chì dò tìm, thầy bật cười thích thú:

- Á... à... Khúc... thị... Nhâm... Diên! Tiền học đâu cô?

Khúc thị Nhâm Diên, tôi quay sang thầy giám thị:

- Thưa thầy, em vừa xin ra ngoài ạ.

Thầy giám thị sửa lại gọng kính:

- Thế à? Lát nó về cô bảo nó đóng tiền học nhá. Lớp Bốn còn có một mình nó thôi đó.

- Vâng.

Thầy giám thị vừa khuất sau mấy hàng cột, Nhâm Diên thong thả xuất hiện ở đầu cầu thang dẫn lên lớp. Con bé ngẩng mặt cười khi thấy tôi ở trên nhìn xuống:

- Cô!

Tôi gắt nhẹ:

- Mau lên cô! Đi gì mà lâu quá vậy?

Nhâm Diên  nhe răng cười - lên tới lớp, Diên quay sang tôi:

- Thầy giám thị đi rồi hả cô?

Tôi trợn mắt ngó Nhâm Diên, ý tưởng lúc nãy về Nhâm Diên lại lóe lên trong óc và lại tắt lịm. Tôi bực bội với chính tôi, sao hôm nay đầu óc tôi kỳ quái như thế này nhỉ? Nhâm Diên lại cười:

- Hả cô? Thầy ấy đi rồi hả cô?

Tôi gật đầu:

- Ừ, thầy mới lên đòi tiền học đó, Nhâm Diên chưa đóng tiền học hả?

Con bé cười, nụ cười hình như buồn buồn (tôi linh cảm thấy như vậy):

- Con biết chứ cô, thành ra con phải xin cô cho con đi tiểu đó.

Tôi há hốc miệng, tôi sững sờ trước câu nói của Nhâm Diên. Ý tưởng về Nhâm Diên lúc nãy chợt lóe sáng và bùng bùng như ngọn nến đang cháy. Tôi nghẹn cổ, tôi muốn ôm lấy Nhâm Diên, muốn xiết chặt nó vào lòng mà bảo nó thật nhẹ nhàng: "Cô hiểu rồi, cô hiểu rồi, Nhâm Diên ơi". Nhưng, người tôi lạnh toát và miệng tôi đắng ngắt, tôi không thể làm như tôi muốn. Tôi thẫn thờ hỏi Nhâm Diên một câu hỏi quá dư thừa:

- Sao vậy, Diên?

Nhâm Diên vân vê vạt áo, nước mắt lấp lánh trong lòng 2 con mắt tròn, to và đen thăm thẳm, giọng nói em ướt sũng:

- Thưa cô, tại tháng này ba con ở dưới đồng ruộng bị trúng đạn pháo kích đi nằm nhà thương, mẹ con phải đi nuôi ở nhà thương, tiền bạc dồn vào lo cho ba con hết nên đến hôm nay con chưa có tiền đóng tiền học, mấy sáng nay thầy giám thị đi từng lớp một để đòi tiền học, con cứ nghe tiếng các lớp khác chào lúc thầy vào là con xin cô cho con đi tiểu, nhưng mãi sáng hôm nay thầy mới vào đến tầng lầu này, con lại xin cô cho con đi tiểu khi thầy sang lớp mình sau khi đã vào lớp Năm 2 bên cạnh. Con sợ thầy sẽ đuổi con về nhà lấy tiền học. Mà mẹ con chưa mượn được tiền.

Tôi quay quắt theo từng câu nói đều đều của Nhâm Diên. Tôi hiểu rồi. Nhâm Diên không có bệnh tật chi cả, Nhâm Diên chỉ có một cái bệnh là bệnh không có tiền học tháng này mà thôi. Gương mặt con bé chợt xanh xám. Nó nắm chặt tay tôi, giọng lạc đi (vì xúc động hay vì một ám ảnh nào nặng nề khác mà tôi chưa được biết, con bé có 2 bàn tay ướt đẫm mồ hôi và lạnh giá):

- Cô! Mỗi ngày, hễ đến lúc thầy giám thị đi đòi tiền học cô lại cho con đi tiểu nghe cô, thầy đi đòi mà con không có tiền thầy đuổi con về mất cô ơi!

Tôi bóp mạnh tay Nhâm Diên, bàn tay tôi hầu như cũng lạnh cóng theo bàn tay con bé. Nhâm Diên khóc từ bao giờ. Những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt gầy gầy với làn da ngăm ngăm sạm nắng. Tôi vuốt tóc Diên, mái tóc hoe vàng, cháy đỏ. Tôi xót xa với từng giọt nước mắt rơi xuống đều đều trên tay tôi. Những giọt nước mắt tủi cực, nóng hổi của một đứa bé chưa đủ mười tuổi đầu làm tôi nghẹn cổ. Tôi thương Diên vô vàn, tôi thương tất cả những đứa học trò bất hạnh của tôi, những đứa bé đã phải sớm nếm mùi cơ cực, vất vả và tủi nhục của cuộc đời. Cô thương Diên thật nhiều Diên ơi!

Nhâm Diên lại lắc tay tôi:

- Nghe cô! Cô cho con đi nghe.

Tôi cắn chặt môi, nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm ướt của nó, không trả lời câu hỏi của Diên:

- Mỗi sáng Diên đều vào nhà vệ sinh hả?

Nhâm Diên cười thật buồn:

- Thưa cô không! Con có vào nhà vệ sinh đâu, con vào nhà thờ rồi lên quì ở hàng ghế chỗ tòa Đức Mẹ. Chỗ đó có cửa kính nhìn lên lớp mình, con vừa cầu nguyện vừa canh chừng thầy giám thị luôn thể.

Tôi vuốt lại những sợi tóc rối bời của Diên, lòng tôi có một chút hân hoan thật nhỏ bé. Em đã làm đúng đó, Nhâm Diên ạ. Lúc buồn khổ đớn đau, lòng tin tưởng sẽ giúp ta rất nhiều đó. Học trò tôi, trong đau khổ và tủi cực đã biết tự tìm cho mình một lối thoát. Em lớn rồi Nhâm Diên ạ. Tôi thì thầm với chính tôi những câu này và tôi nói với Nhâm Diên thật nhẹ:

- Diên về chỗ đi, tháng này để cô đóng tiền học cho, khỏi lo nữa, nhé!

Nhâm Diên sáng rực đôi mắt, em khoanh tay:

- Vâng, cô cho con mượn rồi mai mốt ba con ra nhà thương, mẹ con về con sẽ nói mẹ con gửi lại cô.

Tôi lắc đầu:

- Không! Cô tặng Diên luôn chứ không cho mượn đâu. Yên tâm đi, nghe!

Nhâm Diên ấp úng định nói, tôi kéo tay em:

- Về chỗ chép bài đi Diên, mai khỏi phải xin cô cho đi tiểu nữa, há?

Con bé quẹt nước mắt và cười tươi:

- Cô biết không, hôm đầu tiên con có vô nhà vệ sinh chứ, nhưng hôi quá chịu không nổi, từ hôm sau thì con vào nhà thờ luôn.

Tôi bật cười theo Diên:

- Diên làm cô cứ tưởng em bị bệnh hay làm sao đó chứ.

Thấy tôi và Diên cười vui vẻ, cả lớp không hiểu gì cũng cười góp theo. Tôi muốn "nguýt" lũ học trò tôi một cái thật dài. Xí! Vô duyên! Chả biết chi mà cũng cười góp hả? Vô duyên ghê mà cũng... dễ thương ghê vậy đó. Phải không các em: Những trái tim hồng be bé của cô???


Mt. HOA.       
 
  (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)
 

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Những Bàn Tay Trời Đất

 



 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nhớ thuở nào em giăng trong bước nhỏ
Tuổi ấu thơ bỡ ngỡ dấu chân chim
Theo chân mẹ dõi mắt đến im lìm
Hồn vụng dại hiền như hồn liên khánh

Cất tiếng trong nhìn trời xanh lanh lảnh
Em ca lơi khờ dại với thơ ngây
Nấp trong tay rộng lượng của cô thầy
Em sẽ mãi yên lành trong đường mới

Trong sân trường em nghe ai nhắn gởi
Tình bạn bè em hãy nhớ đừng quên
Lòng bao dung, lời giảng dạy êm đềm
Đang nhắc nhở em thêm nhiều cố gắng

Em siêng học ngày mai em sẽ thắng
Tương lai dài đầy những bước khó khăn
Em xa đi những bước nhỏ nhọc nhằn
Giờ vinh quang ngày mai rồi sẽ tới

Ngày mai kia mà em hằng mong đợi
Cũng do Thầy dạy dỗ dắt em lên
Từng tháng năm cùng tiếng nói thêm hiền
Và cha mẹ dày công nuôi khôn lớn

Những ơn đó không thể nào quên được
Bước chân dài cũng nhớ mãi hôm qua
Dù xa xăm em mãi khắc ghi hoài
Công trời đất trồng vun cành phú quý.

                                            TRƯỜNG THIÊN
                                                 (bn. Trường Xuân)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Lương Tâm

 

Các em thân mến,

Người ta thường hay khuyên các em nên hành động theo đúng lương tâm của các em và đôi khi các em cũng nghe thiên hạ chê một người nào đó không có lương tâm hoặc xử sự khác với lương tâm họ.

Nhưng lương tâm là gì? Đấy là lòng thành tự nhiên mà mỗi người của chúng ta vẫn có. Người ta cũng thường cho rằng trong mỗi con người của chúng ta đều có chứa đựng hai nhân vật : một ông thiện và một ông ác, ông thiện tức là lương tâm của chúng ta.

Thánh Gandhi thú nhận : Người oai quyền nhất mà tôi chịu tuân theo mệnh lệnh dưới thế gian này là "cái tiếng nói thì thầm" tức là lương tâm trong chính con người tôi.

Ông Stendhal, nhà văn Pháp hồi đầu thế kỷ 19 có thuật một câu chuyện về tiếng gọi của lương tâm như sau : (dưới đây là lời của nhà văn Stendhal).

Tôi dạo chơi về phía cầu Iéna, lúc đó gió thổi mạnh, sông Seine (một con sông lớn chảy qua thành phố Paris, nước Pháp) có sóng lớn và làm tôi liên tưởng đến mặt biển.

Tôi nhìn theo một chiếc thuyền con chở đầy cát đến tận mép thuyền, đang muốn chui qua dưới nhịp cầu cuối cùng... Bỗng đâu, chiếc thuyền lật úp xuống, tôi thấy người lái thuyền cố sức bơi nhưng anh ta lúng túng, không bơi được.

Tôi tự nghĩ : Anh chàng vụng về này sẽ chết đuối đến nơi rồi.

Tôi có ý định nhảy xuống nước cứu anh ta, nhưng tôi lại nghĩ mình đã 47 tuổi lại thêm mắc chứng bệnh phong thấp, mà trời lạnh như cắt da.

Tôi nghĩ ở phía bên kia sông, chắc sẽ có người nhảy xuống cứu.

Tôi đành đứng trông : Người lái thuyền lại ngoi lên mặt nước ; anh ta kêu lên một tiếng cầu cứu. Tôi liền nhanh chân rời xa nơi đây, bụng bảo dạ : Mình cũng quá điên rồ! Rồi đến khi nằm liệt giường với chứng đau xương nhức nhối, ai sẽ đến thăm mình, ai sẽ nghĩ đến mình? Mình lại nằm một mình đến buồn chán muốn chết như hồi năm ngoái. Tại sao hắn làm nghề lái thuyền lại không học bơi? Hơn nữa thuyền của hắn lại chở quá nặng.

Tôi đã đi xa sông Seine đến năm chục bước, tôi còn nghe rõ tiếng người lái đò sắp chết đuối kêu cầu cứu.

Tôi bước càng nhanh thêm, nghĩ thầm : Để hà bá đem nó đi cho rồi và tôi không thèm để ý đến việc ấy nữa.

Bỗng nhiên, tôi tự trách tôi : Này trung úy Lư-Ô (tên tôi) anh là kẻ khốn nạn, trong một khắc đồng hồ nữa, người kia sẽ chết, rồi suốt đời anh, anh sẽ nhớ mãi tiếng gọi cầu cứu của anh ta. Lòng vị kỷ tôi cãi lại : Khốn nạn! Kẻ khốn nạn! Cứ để cho hà bá đem nó đi! Đã làm nghề hàng hải thì phải biết bơi chứ!

Tôi đi nhanh về phía Trường võ bị. Đột nhiên một tiếng nói trong tâm : Trung úy Lư-Ô, ông là kẻ hèn nhát. Tiếng nói lần này làm tôi giật nẩy mình. Tôi nghĩ : À! Việc này quan trọng đấy và rồi tôi chạy vội trở lại sông Seine.

Đến bờ sông, tôi cởi bỏ cái rụp áo quần, giày ống. Tôi cảm thấy sung sướng nhất đời. Tôi tự nói to tiếng : Không Lư-Ô không phải là một kẻ hèn nhát, không! Không bao giờ! Thế là tôi cứu được người ấy, không khó khăn gì. Tôi nhờ người đem anh ta đặt vào giường ấm áp, sau đó anh ta tỉnh lại và nói được.

Các em thân mến,

Nhờ tiếng gọi của lương tâm, cuối cùng tác giả  đã cứu sống được người lái thuyền.

Chắc các em cũng thấy rõ sự quan trọng của lương tâm con người.

Ông Vessiot cho rằng : Không sợ người phán xét mình, mà sợ lương tâm phán xét.

Ông Aristole khuyên chúng ta : Hãy làm chủ ý chí anh và làm nô lệ cho lương tâm anh.

Chúng tôi xin kết thúc bức thư hôm nay bằng lời nói hữu lý của ông Lưu Trực Trai : Muốn giữ được lương tâm, nuôi được linh tính, cần phải chịu khổ, chịu phiền, thì ngày mới thuần thục.


Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Ngày Mới

 

Bây giờ thời gian vào khoảng canh ba.

Mọi vật đều lắng chìm trong giấc mộng. Cây cau ngất nghểu tận trời, đứng im lìm, đôi khi đầu cây rung rinh lá chạm nghe rào rào rất nhỏ. Gió nhè nhẹ thổi, vài chiếc lá úa rơi xuống mặt ao, làm làn nước rung động tỏa ra những vòng tròn to và nhỏ, mất đi. Mặt ao trở lại như thường, lênh đênh chiếc lá trôi. Giàn hoa Lý Hương trổ đầy bông trắng xóa, khẽ lung lay vì gió sớm, tỏa hương thơm ngào ngạt. Những đám rạ ươn ướt sương đêm. Con vện ngoài hiên khò khò say ngủ.

Trong nhà bé Nhớn, bu bé Nhớn dậy sớm hơn cả. Bu vào bếp nấu bánh chưng và nắm cơm vừng cho thầy bé Nhớn. Bu lui cui trong bếp thổi lửa. Củi khô đốt nổ lách tách và khói bay cả nhà, làm em bé Nhớn đang ngủ ho lên mấy tiếng. Bu vội quạt cho khói giảm bớt. Lửa cháy hừng hực, rọi sáng cả mặt bu. Bu bé Nhớn không ngoài năm mươi, mà tóc bu đã gần bạc rồi. Có lẽ vì công việc bưng thúng, bán cháo khổ nhọc, tìm cách sinh sống cho qua ngày. Thiếu thốn vật chất, đói rét, làm cho bu già hơn ngày tháng, mắt sâu hoắm và thâm, má hóp.

Trong lúc bu bận trong bếp, thầy bé Nhớn đã dậy, thầy đi rửa mặt. Tiếng nước rơi trong khoảng không gian im lìm nghe rất rõ và êm êm như tiếng đàn.

- Thầy nó dậy rồi à?

- Vâng...

Rồi thầy lại chiếc giường tre ọp ẹp, lấy bọc quần áo kiểm lại. Thầy bé Nhớn lên tỉnh để tìm việc làm, vì ở dưới này nghèo quá không đủ năm miệng người ăn.

Tiếng bu trong bếp vọng ra:

- Thầy nó biết chỗ làm chưa?

- Chưa, nhưng đã có chú Tư giới thiệu rồi, chú hẹn tôi ở bến xe đò...

- Mà thầy nó làm việc gì nhỉ?

- Nghe nói làm cho một hãng to lớn lắm.

Tiếng bu thở dài trong bếp:

- May trời còn thương mình, giúp cho thầy nó có công ăn việc làm để đỡ cho tôi dưới này.

Bu và thầy im lặng, không nói nữa. Bu nhìn chồng rồi nhẹ tay xếp bánh chưng và cơm nắm muối vừng vào giỏ đan tre. Những chiếc bánh chưng mới ra nồi nóng hổi, tỏa ra khói thơm nghi ngút...

Gói hành trang đã kiểm xong và xếp rất gọn, giỏ đồ ăn đầy đủ do tay bu sắp.

Thầy bé Nhớn lên đường đi tỉnh...

Thầy nhìn căn nhà lá lần cuối, nhìn xung quanh, đám con nằm san sát nhau trong chiếc chiếu tơi. Thầy thở dài, chán nản. Tiếng ngáy khò khò phát ra từ đám con say ngủ, thầy im lặng lắng tai nghe tiếng ngáy ấy lần cuối mà khi lên tỉnh thầy không bao giờ nghe được.

- Thôi, thầy nó đi đi...

Giọng bu buồn buồn nói.

Chân thầy bước đều trên con đường làng đẫm sương đêm. Cây lá lao chao rung động hòa lẫn tiếng lá tre đập vào nhau như tấu lên nhạc khúc chia ly. Bu tiễn thầy. Vạt áo bu bay phất phơ như vẫy tay vĩnh biệt. Con đường làng như lưu luyến bước chân đi. Kìa, con rạch nhỏ, nước đều đều chảy qua cầu. Đây là kỷ niệm ngày gia đình bé Nhớn bị đói, thầy và cu con cầm cần đi câu cá, vài con cá nhỏ mắc lưỡi câu vẫy vùng, mỗi lần cá mắc câu như thế thầy và cu con cười rộ lên...

Sáng hôm sau, khi bình minh vừa chỗm dậy, cây cối đứng sưởi ấm trong ánh nắng vàng huy hoàng. Con đường làng tràn ngập và sáng rực lên vì ánh bình minh. Chim líu lo hót như mừng cho một ngày mới...

Bé Nhớn và lũ em đã dậy. Chúng ngạc nhiên khi thấy bu nó ngồi ủ rũ ở góc giường, mắt đỏ hoe. Bé Nhớn rụt rè hỏi:

- Thầy đâu hở bu?

- Thầy mày đi rồi...


NGUYỄN THỊ HÒA      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 173, ra ngày 15-3-1972)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Bụi Chuối Ngày Xanh

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gió đưa bụi chuối sau hè ngủ
Rách tươm đám lá đậm màu xanh
Chở che đọt non lên màu sống
Gá thêm tàu lá vỗ về quanh

Thuở nhỏ ưa ra hè bứt lá
Vấn kèn thi thổi điệu tò te
Đứa nào thảnh thót, dài hơi nhứt
Được cõng lên cao hái chuối về

Má rầy: - "Chuối mới xanh ngoài vỏ
Chắt ngắt mà ăn, mủ dính môi!"
Thì thôi xắc nhỏ ra từng miếng
Bầy hàng gốc chuối bán đồ chơi

Sáng nào nấu bếp làm xôi bán
Má gói cho con để tới trường
Xoi vị nắm đầy manh lá chuối
Ngọt ngào sao tới mấy mùi hương!

Những trưa im vắng nằm trên võng
Nghe đám lá chuối rủ rê cười
Mà tưởng mẹ phà hơi thở nhẹ
Quyện lấy ngày xanh của cuộc đời.

                                         HOA CỎ MAY
                                    (Văn nghệ Hoa Thế Kỷ)

(Trích từ bán nguyệt san Thằng Bờm số 25, ra ngày 15-5-1973)





Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Lấy Đức Báo Oán

 

Trong những thư tâm tình với chị, có một số em đã than phiền rằng chỉ vì em đó học khá, được thầy thương, nên bạn ghét, luôn luôn kiếm chuyện và nhạo báng, lại còn vu cho tội nịnh thầy để lấy điểm.

Chị thấy rằng nếu chị ở hoàn cảnh em đó, thì chị cũng đau lòng lắm, mà chị cũng không biết làm cách nào để giải oan. Vậy nhân đây chị trích ra một câu chuyện cổ, nói về cách làm cho người ta bỏ thói đố kỵ, để các em coi, rồi suy ngẫm nhé.

Tưới dưa cho người

Tống Tựu làm quan Roãn một huyện gần biên thùy nước Lương, chỗ giáp với nước Sở.

Người đình trưởng ở biên thùy nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thùy nước Sở, hai người cùng trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa xấu.

Quan Roãn ở ngay huyện biên thùy nước Sở, thấy bên Lương tốt hơn dưa mình, cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vò dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.

Sau người đình trưởng nước Lương biết mới nói với người trưởng lại trong huyện, ý cũng muốn lẻn sang cào vò dưa bên Sở.

Người trưởng lại đem việc ấy nói với Tống Tựu.

Tống Tựu bảo:

- Ôi! Sao lại thế? Thế chỉ là gây thù oán, chuốc tai vạ thôi. Nầy ta bảo ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm đêm lén sang tưới dưa cho người ta mà đừng để cho người ta biết.

Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.

Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương làm giúp.

Quan Roãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.

Vua Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.

Vua bèn lấy nhiều của dưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu.

Vua Lương cũng tin lòng. Thành ra hai nước giao hòa với nhau được lâu.

Cổ ngữ có câu: "Chuyển bại nhi vi công, nhân họa nhi vi phúc" : nghĩa là xoay cái bại mà làm nên công, nhân cái họa mà gây phúc. Lão Tử có nói: "Báo oán dĩ đức" nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy  tức như chuyện nầy.

Ôi! Người ta đã làm không phải, sao mình lại còn bắt chước người ta.

Giả Tử Tân Thư      

Dĩ nhiên rằng những bài làm để thầy thử sức, thì không cho bạn chép mới chính là giúp bạn, nhưng nếu bạn quên một vài công thức, thì tiếc gì mà lại giữ bí mật, có phải không các em? Chẳng nên coi sự quên của người ta là điều may mắn cho mình, giúp mình có cơ hội để được hơn điểm. Thực tài là ở những điều mình chất chứa trong óc, thấm nhuần trong tim, chứ hơn thua vài điểm chỉ là chuyện giai đoạn, chị mong các em của chị bứt được ra khỏi những ghen tị, đố kỵ, để tâm hồn cao lên, cho xứng danh dòng giống Lạc Hồng.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)
 


Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Chiều Tím Lục Bình


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cánh hoa màu tim tím
Trôi buồn trên bến sông
Sóng xô hoa trôi dạt
Sắc hoa buồn mênh mông

Em yêu màu hoa tím
Màu gợi nhớ tuổi thơ 
Những chiều vàng nhạt nắng
Em vẫn thường hay mơ

Mơ quay về chốn cũ
Tìm hoa tím lục bình
Ngày nào trên bến vắng
Em hái cánh hoa xinh

Hương hoa sầu man mác
Nhụy hoa phơn phớt vàng
Nhớ sao màu hoa tím
Trên cõi đời mênh mang

Mây trôi về cố xứ
Tìm màu tím năm xưa
Bến sông chiều năm ấy
Sao quay về tuổi thơ

Những chiều buồn thơ thẩn
Bao chiều đã qua rồi
Ấu thơ không trở lại
Ngậm ngùi con nước trôi...

                               Thơ Thơ 
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)
 
 

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Vincent Van Gogh

 

Nhà danh họa Vincent Van Gogh sinh ngà 30-3-1853 tại Braband du Nord Hòa Lan. Ông là một họa sĩ thời danh, các tác phẩm của ông được mọi người ca tụng và coi như những tác phẩm có nét độc đáo nhất thể hiện được bộ mặt thực của cuộc sống thời bấy giờ. Bởi lẽ cuộc đời của ông là cả một thảm kịch, cái nghiệp chướng đeo đuổi khiến ông thành điên dại cho đến phút cuối cùng đời ông.

Gia đình ông có 4 anh em, cha là một mục sư không lấy gì làm khá giả lắm. Người anh lớn tên Théo được ông yêu mến nhất và cũng chỉ có Théo là người săn sóc, đeo đuổi giúp đỡ Van Gogh tận tình cho đến khi ông thở hơi cuối  cùng.

Vincent van Gogh học hội họa đến năm 16 tuổi thì bỏ dở, xin làm chân bán hàng và phụ làm các bức họa trên kính cho nhà Goupil tại La Haye năm 1861 cùng với Théo, thế nhưng vài năm sau, 1873, ông bỏ sở làm để đi Luân đôn. Cuộc đời ông bắt đầu nếm mùi thất vọng từ đây. Van Gogh yêu một cô gái Luân đôn, nhưng không chịu cưới làm vợ, Van Gogh bỏ đi vài tháng sau đó. Hành động này làm cho lương tâm day dứt, dầy vò, khiến ông chán nản không muốn làm việc gì cả. Ông lại đi Paris rồi trở về La Haye, ở đây ông xin học thần học tại Amsterdam và Bruxelle nhưng chẳng bao lâu ông lại chán nản bỏ cuộc vì nhận thấy mình không có tài hùng biện uyên bác. Ông xin nhập vào hội thừa sai để đi giảng thánh kinh. Van Gogh được gởi tới miền Borinage, một miền hầm mỏ thuộc Bỉ, đông đảo dân chúng thuộc giới lao động nghèo khổ. Tại đây ông đem hết tâm tình ra làm việc truyền giáo, an ủi những con người lầm than vất vả mà thời bấy giờ người ta khinh miệt gọi là lũ thấp cổ bé miệng. Ông chia sẻ nỗi khổ sở nghèo túng của họ. Van Gogh phân phát tất cả những gì ông có cho đám người bị bóc lột cả tinh thần lẫn vật chất. Hành động say sưa của ông đôi khi đi đến quá khích khiến hội thừa sai phải triệu hồi ông về và cất chức không cho phép ông được rao giảng thánh kinh. Lại một lần thất bại nữa, ông buồn nản vô cùng. Giữa lúc này thân phụ ông đến tìm ông để an ủi nhưng ông không tìm thấy một nguồn an ủi và lòng can đảm nơi cha ông. Tuy nhiên, trong những ngày sống trầm lặng, ông đã tìm ra con người thực của mình. Van Gogh đã nhận ra cái ơn kêu gọi về hội họa. Thế là ông say sưa quên ăn quên ngủ để lao vào con đường mới. Mùa thu năm 1880, ông lên ở với Théo và ghi tên vào lớp hội họa tại Bruxelle, rồi lại trở về quê ở với thân phụ, những bóng dáng chất phác của nông dân đã lôi cuốn ông mãnh liệt, do đó cây cọ của ông đã dành hết cho đồng quê.

Nhưng một biến cố đau buồn lại xẩy đến, lý do là ông xin cưới một người bà con góa, bị từ chối, và người đó đi lấy chồng.

Năm sau, tình cờ có một cô gái tha thiết yêu Van Gogh nhưng gia đình cô cự tuyệt không gả cho Van Gogh, vì cho rằng ông có nhiều tiếng tăm không mấy tốt đẹp, sợ làm tổn thương đến danh dự của gia đình. Bị ngăn cản, cô gái định tự tử. Sự việc này xảy ra khiến cho nhà họa sĩ đồng quê không còn một mảy may tin tường nào vào cuộc sống, cái hiện tại đối với ông chỉ là tồi bại. Van Gogh dồn hết tâm trí vào cây cọ để đem tâm tình trải lên khung vải, lấy mầu sắc làm vui, nét vẽ làm bạn. Bức họa thời danh tả lại chân dung của Anton Muave đã an ủi khuyến khích ông vô cùng, do đó từ 1881-1886, ông chuyên môn tả những cuộc sống lầm than vất vả, những nỗi cực nhọc của người dân quê lúc bấy giờ. Nhưng trái lại những người nhà quê lại coi đây là một hành động đáng nghi ngờ và là một mối hận thù vĩ đại. Cái chết bất thình lình của thân phụ ông đã chứng tỏ cái mối thù kia đang bộc phát. Do vậy, ông bỏ đi Anvers để học thêm lối vẽ sơn dầu và lối vẽ thủy mạc của Á đông. Năm 1886, Van Gogh cùng anh lên Ba-lê, ở đây ông chịu ảnh hưởng nghệ thuật của Pháp về mầu sắc, âm độ nhưng cũng chẳng được lâu, ông chán nản cái không khí Ba-lê, rồi đến Midi năm 1888, để tìm mầu sắc và phong cảnh lạ, ông tới Arler, một tỉnh nhỏ. Ở đây sự nghiệp của ông mới thực sự bắt đầu đi vào con đường rực rỡ đầy ánh sáng của thế giới mầu sắc và chiếm một chỗ cao trong hàng hội họa quốc tế. Những bức họa của ông đã gây ảnh hưởng mãnh liệt, tạo nên phong trào "trở về đất" nổi lên thời bấy giờ.

Những bức họa về hoa, về cảnh cũng như bức họa nổi tiếng "Cà phê đêm" (Café nuit) đã đưa ông đến danh vọng tột đỉnh. Sự thành công này hối thúc Van Gogh tổ chức một trung tâm hội họa qui tụ tất cả danh tài lại sống chung với nhau, và thành lập một nội qui giống như những viện từ ngày xưa. Cộng sự viên thân tín và đắc lực nhất của ông là họa sĩ Gaugain. Mặc dầu phải vất vả cực nhọc mới thành lập xong trung tâm này, nhưng đây lại chính là niềm vui lớn của Van Gogh. Song, niềm vui này không được lâu, trung tâm dần dần tan rã, vì tính tình dị biệt của Van Gogh làm cho bạn bè ngày một xa lánh. Không ngày nào Van Gogh không tranh luận, la hét, đôi khi đến xô xát với bạn bè về những nguyên tắc hội họa, những quan niệm về cuộc sống. Bạn bè xa ông, ông buồn lại lăn xả vào cà phê, thuốc lá, rượu... làm cho thần kinh mất thăng bằng, không tự chủ được trong các cuộc bàn luận, có lần ông đã ném cả cái ly vào mặt ông bạn Gauguin trong lúc tranh luận. Gauguin giận trở lên Ba lê, ông tức tốc đuổi theo, tay cầm dao cạo, nhưng không tìm thấy bạn, ông tức giận trở về quán trọ cắt luôn tai trái của ông vụt xuống đất. Tình bạn giữa ông và Gauguin chấm dứt từ đấy. Sức khỏe của nhà danh họa càng ngày càng yếu. Ông vào nhà thương dưỡng bệnh tại Saint Renuy, tuy nhiên ở đây ông cố gắng vượt thất vọng và cô quạnh, nhất là cái không khí buồn vắng tại nhà thương, ông tìm quên lãng bằng cách họa hết các khung cảnh của dưỡng đường này.

Ra khỏi bệnh viện, ông trở về ở với Théo, anh ông gởi ông đến Bác sĩ Gachet, một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp, nhất là lại thích hội họa nên hết lòng săn sóc chiều chuộng Van Gogh. Ở nơi yên tịnh, sức khỏe khả quan và bác sĩ Gachet cảm thông hoàn cảnh của mình, Van Gogh bắt đầu làm việc. Ông chuyên về phong cảnh đồi núi, cánh đồng, ruộng lúa, không kể đến bức họa danh tiếng: chân dung bác sĩ Gachet. Sống chung với vị y sĩ này được một thời gian, ai cũng hy vọng sức khỏe của ông có thể bình phục hẳn, nhưng chẳng bao lâu Van Gogh lại cảm thấy không khí ở đây quá quen thuộc nên nhàm chán và cũng từ đấy những vết thương thất vọng, nghi ngờ, yếm thế về cuộc sống bừng dậy làm ông quẫn trí. Buổi sáng chủ nhật ông ra cánh đồng rút súng tự sát. Không chết, ông cố lết về căn phòng của quán cà phê Ravoux. Bác sĩ Gachet và Théo được cấp báo vội vã đến thăm, nhưng tình trạng sức khỏe của Van Gogh kiệt dần. Sau 2 ngày quằn quại trong đau đớn, sang ngày 29-7-1890, ông trút hơi thở cuối cùng trong tay người anh yêu quí.

Con người của Van Gogh quá đa nghi, nhút nhát, gây nên những hành động dị biệt khiến ông không thích nghi với cuộc sống và con người, đồng thời chống đối để đi đến tình trạng bi quan yếm thế, coi người đời như là thù địch, xa cách không thể thông cảm với nhau được. Nhưng nếu nói về sự nghiệp nghệ thuật của Van Gogh, không ai có thể so sánh với ông về tài nghệ. Trong quãng đời quá ngắn ngủi, ông đã đem hết tâm tình khắc khoải của mình trút lên cây cọ khiến cho ông sáng tạo được những bức họa bạo dạn về đường nét cũng như màu sắc. Nếu chúng ta tận hưởng nghệ thuật của danh tài Van Gogh chúng ta phải so sánh những bức họa của ông tại Hòa Lan và nghệ thuật hội họa đồng thời tại khắp nơi, chúng ta mới thấy rõ cái ý nghĩa cao đẹp, nguồn hứng khởi siêu việt mang mầu sắc xã hội và nhân đạo tính trong các tác phẩm của ông.


HUY YÊN       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Chú Thỏ Ham Chơi

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thỏ con cắp sách đến trường
Trường xây ở cuối khu rừng xinh xinh

Hoa cười chào nắng bình minh
Lá run rẩy múa lượn mình trên cao

Cảnh rừng thơ mộng làm sao
Thỏ quên lời mẹ dự vào cuộc chơi!

Ô kìa anh Sóc tới nơi
Thỏ mừng có bạn một đôi vui đùa

Trong rừng bác Hổ làm vua
Mỗi khi đói bụng hay vồ trẻ con

Đang khi thỏ sóc cười ròn
Bác gầm một tiếng mắt tròn bánh xe

Ào ào vuốt múa, răng nhe
Thỏ con sợ quá hôn mê biết gi!

Thế là bác Hổ tha đi
Mới hay thân thiệt, chỉ vì ham chơi

                         TÚ KẾU TRẦN ĐỨC UYỂN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 32, ra ngày 2-4-1972)

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

Đêm Mưa Gác Nhỏ

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gió lạnh đêm trường qua gác nhỏ
Trà khô buồn rụng tối liên ca
Con nằm trơ trọi trong phòng vắng
Chạnh nhớ mẹ hiền ở chốn xa

Không biết Đông về mẹ lạnh chăng?
Sao lâu không thấy mẹ lên thăm?
Khuya buồn, con nhớ mẹ nhiều lắm!
Nhớ lúc mẹ cười nghiêng bóng trăng...

Lòng mẹ thương con ngập bến bờ
Những ngày trọ học quá bơ vơ,
Con thèm hơi ấm trong tay mẹ
Và những nụ cười nuôi tuổi thơ.

Mưa lối truông nghèo, mưa ngả nghiêng
Mình con trong buổi tối triền miên
Mẹ ơi, xin mẹ về bên trẻ
Cho giấc mộng dài xanh mắt tiên...

                                       Yên Lam Sơn Tử
                                    (Văn nghệ MÂY TRỜI VIỆT)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 65, ra ngày 15-3-1967)

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thế Giới Thần Tiên Của San Hô

 

Mùa Noel 1492, con tầu chỉ huy Santa Maria của Christoph Colombe trên đường thám hiểm Mỹ Châu đã bị vỡ tan tành từng mảnh gần mũi Hải Tiên (Haitien) vì va phải đá ngầm. Nhờ tai nạn này mà thế giới mới biết đến thế giới thần tiên của San hô.

Đối với những tay thợ lặn thì đây là một phần thế giới kỳ diệu nhiệm mầu. Một thế giới của muôn mầu, muôn hình vạn trạng, sống động, nhộn nhịp, lung linh huyền ảo... Đây cũng là một thế giới xây dựng bằng hàng tỷ, hàng triệu sinh vật đủ mọi trạng thái mềm, dẻo, cứng... chồng chất lên nhau hàng hàng lớp lớp. Ta muốn cho nó bằng nhung cũng được! Bằng sứ cũng không sai. Bằng những sợi tóc của thiên thần càng có ý nghĩa! Bằng tinh thể của đường cát trắng hay bằng những cánh hoa rực rỡ muôn mầu? Không sao! Phải nói là san hô có muôn vẻ ngàn hình không thể tả xiết.

Loài thạch tàm này là những nhà kiến trúc siêu việt! Nó đã tạo dựng nên những kỳ công tuyệt phẩm trước khi con người biết kiến tạo. Những lâu đài tráng lệ nguy nga của các bạo chúa xây trên ngàn vạn sinh linh từ ngàn xưa tới nay so với san hô cũng chỉ là những kiến trúc tầm thường, những công trình của các chú lùn nhỏ bé. Các nhà sinh vật học đặt cho loài thạch tàm này một cái tên tuy kém vẻ thơ mộng nhưng đúng với sự kiến tạo của nó: "Loài rỗng ruột". Từ xa xưa, người ta cho rằng san hô chỉ là một loại cây sống ngầm dưới nước, ai có ngờ đâu chính nó là những sinh vật nhỏ bé kết tụ lại và mầu sắc thay đổi tùy theo địa phương: San hô ở Nhật mầu trắng như men sứ, ở Địa trung Hải mầu hồng thế nhưng ở Hạ uy di và Biển đỏ nó lại đen nhánh như than đá.

Giải phẫu một con san hô chúng ta thấy nó là loài ăn thịt, toàn thân chỉ là một ống thịt, có một túi tiêu hóa duy nhất dài chừng vài mi li mét, có những đường rãnh hướng vào tâm gọi là xoang trường. Trên đầu là một hấp khẩu lọc ra như đài hoa, cánh hoa chính là những tay mảnh khảnh rất hoạt động sẵn sàng thâu bắt những vi khuẩn bơi lội, bén mảng đến gần. Chúng tiêu hóa và lại nhả ra ngay bằng chính hấp khẩu. Hấp khẩu này cũng chính là nơi sinh sản, gieo giống... Phía dưới là chân dính chặt vào một cái bệ hình cái đĩa bằng đá vôi. Đĩa này lại cũng dính chặt vào một vật cứng như đá ngầm nhưng thường thì dính vào các khối san hô đã chết. Khi còn non san hô giống như những loài sứa hay ấu trùng có vẻ tự do nhưng bám chặt vào nơi nhất định nào đó. Cũng có những loài san hô đơn độc không liên kết thành từng khối. Loài này sinh sản mau lẹ và thường hướng theo chiều thẳng đứng vươn lên tìm nơi ánh sáng mặt trời.

Có bao nhiêu khối san hô trong các đại dương? Không ai có thể trả lời được, nhưng về phương diện kiến trúc thì Vạn lý trường thành, Kim tự tháp... sánh với san hô chẳng thấm vào đâu. Tất cả các đại dương đều có mặt san hô dù dưới hình thức này hay hình thức khác nhưng với điều kiện nước biển ấm và dưới một độ sâu từ 10 - 15 thước. Có ánh sáng mặt trời. Độ ẩm lý tưởng nhất cho san hô là 20 độ bách phân và phát triển mạnh nhất ở vĩ độ 28 Bắc và 28 Nam. Nơi nào có bùn, cặn, nước đục san hô sẽ chết ngộp liền.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao san hô chỉ sống được ở độ sâu tối thiểu, cần ánh sáng mặt trời và nước trong? Trong khi đó có những sinh vật tương tự như loài sao biển lại có thể sống và phát triển được ở dưới độ sâu cả ngàn thước.

Theo Darwin, một nhà sinh vật học danh tiếng, khi khảo sát về loài này đã nhận định như sau:

Có 3 loại san hô:

- San hô mọc từ triền bờ biển.

- San hô đảo.

- Vòng đai san hô.

Cả ba loại đều bắt nguồn và đặt nền móng trên những lớp san hô già chết từ xa xưa và bây giờ các lớp mới mọc chồng. Lớp già cũ lâu dần chìm xuống đáy biển. Cũng có khi đáy biển bồi lấp và mực nước dâng lên. Do đó san hô bây giờ chỉ là cái ngọn hay nói cách khác là các chóp san hô tăng trưởng, lan rộng hướng về nơi có ánh sáng mặt trời. Như vậy san hô không phải loài sinh sống ngầm dưới đáy biển mà vốn ở một độ sâu nào đó mà thôi!

Khoa học ngày nay đã xác nhận sự phán quyết của Darwin bằng cách thám hiểm sâu dưới 1200 thước, nơi có san hô sinh sống đã thấy rằng san hô đều bám trên các tảng núi lửa hay những đồi núi ngày xưa đã bị vùi lấp chìm dần xuống đáy biển. Một bằng chứng cụ thể là người ta đã khám phá ra rất nhiều đảo san hô trong vùng biển Thái Bình Dương ở Pô-ly-ne-di (Polynesie) vừa mới trở thành các đảo san hô bao quanh vịnh Ca-ra-ít (Carait) là những cồn san hô nổi tiếng, nơi đây đã trở thành nghĩa trang chôn vùi biết bao thuyền tàu thời trung cổ. Dãy san hô Gờ-răng-băng (grand Banc) thuộc hải phận Ba-ha-mat (Bahamas) rộng lớn đáng kể. Dãy san hô chạy dài hàng mấy ngàn cây số, rất đẹp, hùng vĩ nhất thế giới chạy dọc theo bờ đại lục Úc Châu và phát triển rất mạnh nhờ có dòng gulf stream nuôi dưỡng.

Cũng như tất cả các sinh vật khác rất vất vả để đấu tranh giành quyền sống, cuộc chiến đấu liên tục không ngừng ngày đêm đã diễn ra cho dòng dõi nhà san hô. Kẻ phá hoại ghê gớm là các làn sóng và các triền nước rớt xuống biển từ các lục địa làm trôi dạt san hô và nhất là giảm bớt lượng muối cần thiết cho san hô con tăng trưởng. Sau, phải kể đến các động và thực vật cũng xúm nhau vào tàn phá hủy hoại chúng. Loài cá mỏ vẹt không ngừng quấy phá, nó cùng cái mỏ cứng như sắt bẻ gẫy các nhánh san hô và nhai ngon lành như không! Ngoài ra còn một số kẻ thù khác cũng không kém phần quan trọng chuyên ăn bám vào san hô cả một đời!

Tuy nhiên, để bù lại tạo hóa đã cho san hô dòng dõi thạch tàm này một năng lượng sản xuất rất kinh khủng nên cuộc chiến bao giờ cũng nghiêng phần thắng về cho san hô. Chúng cũng còn có những phương cách khác để bảo vệ mầm non như tạo nên những hang động để tránh sóng, những cụm san hô lửa sẵn sàng đốt cháy kẻ thù nào cọ sát, phá hoại...

Cái vẻ muôn mầu rực rỡ huyền diệu ấy cũng là nơi dung thân cho một số cá mỗi khi gặp biến loạn! Cũng như nuôi dưỡng chúng suốt đời sung túc. Những loại cá thu, cá hồi, cá mập, cá nhám có thân mình thon gọn, vây ngắn, mỗi khi có báo động là chui tọt vào cung điện nguy nga rất an toàn. Cũng có những loại cá ranh mãnh hơn lẩn quất trong các cụm san hô để ngụy trang đổi mầu cho dễ săn mồi như loài cá Đi-ô-đông (Diodon) từ một làn da trắng trơn chúng đổi thành lốm đốm trông như những con beo biển tiệp với mầu san hô để đánh lừa con mồi ngu ngốc bén mảng tới gần. Những con cá vằn vện cũng sống nhờ ở các khóm san hô!

Đối với các tay thợ lặn thì đây là một thế giới đầy lạ lùng, mầu sắc rực rỡ, tô điểm cho lòng đại dương. Họ cho đây là một thế giới của thần tiên. Các sắc dân sinh sống ở đây thật nhàn hạ sung túc, về ban đêm thế giới san hô càng trở nên linh động lạ lùng mà con người chưa thể tìm hiểu được bao nhiêu điều kỳ bí của nó.


HUY YÊN       
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)
 

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>