Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Vincent Van Gogh

 

Nhà danh họa Vincent Van Gogh sinh ngà 30-3-1853 tại Braband du Nord Hòa Lan. Ông là một họa sĩ thời danh, các tác phẩm của ông được mọi người ca tụng và coi như những tác phẩm có nét độc đáo nhất thể hiện được bộ mặt thực của cuộc sống thời bấy giờ. Bởi lẽ cuộc đời của ông là cả một thảm kịch, cái nghiệp chướng đeo đuổi khiến ông thành điên dại cho đến phút cuối cùng đời ông.

Gia đình ông có 4 anh em, cha là một mục sư không lấy gì làm khá giả lắm. Người anh lớn tên Théo được ông yêu mến nhất và cũng chỉ có Théo là người săn sóc, đeo đuổi giúp đỡ Van Gogh tận tình cho đến khi ông thở hơi cuối  cùng.

Vincent van Gogh học hội họa đến năm 16 tuổi thì bỏ dở, xin làm chân bán hàng và phụ làm các bức họa trên kính cho nhà Goupil tại La Haye năm 1861 cùng với Théo, thế nhưng vài năm sau, 1873, ông bỏ sở làm để đi Luân đôn. Cuộc đời ông bắt đầu nếm mùi thất vọng từ đây. Van Gogh yêu một cô gái Luân đôn, nhưng không chịu cưới làm vợ, Van Gogh bỏ đi vài tháng sau đó. Hành động này làm cho lương tâm day dứt, dầy vò, khiến ông chán nản không muốn làm việc gì cả. Ông lại đi Paris rồi trở về La Haye, ở đây ông xin học thần học tại Amsterdam và Bruxelle nhưng chẳng bao lâu ông lại chán nản bỏ cuộc vì nhận thấy mình không có tài hùng biện uyên bác. Ông xin nhập vào hội thừa sai để đi giảng thánh kinh. Van Gogh được gởi tới miền Borinage, một miền hầm mỏ thuộc Bỉ, đông đảo dân chúng thuộc giới lao động nghèo khổ. Tại đây ông đem hết tâm tình ra làm việc truyền giáo, an ủi những con người lầm than vất vả mà thời bấy giờ người ta khinh miệt gọi là lũ thấp cổ bé miệng. Ông chia sẻ nỗi khổ sở nghèo túng của họ. Van Gogh phân phát tất cả những gì ông có cho đám người bị bóc lột cả tinh thần lẫn vật chất. Hành động say sưa của ông đôi khi đi đến quá khích khiến hội thừa sai phải triệu hồi ông về và cất chức không cho phép ông được rao giảng thánh kinh. Lại một lần thất bại nữa, ông buồn nản vô cùng. Giữa lúc này thân phụ ông đến tìm ông để an ủi nhưng ông không tìm thấy một nguồn an ủi và lòng can đảm nơi cha ông. Tuy nhiên, trong những ngày sống trầm lặng, ông đã tìm ra con người thực của mình. Van Gogh đã nhận ra cái ơn kêu gọi về hội họa. Thế là ông say sưa quên ăn quên ngủ để lao vào con đường mới. Mùa thu năm 1880, ông lên ở với Théo và ghi tên vào lớp hội họa tại Bruxelle, rồi lại trở về quê ở với thân phụ, những bóng dáng chất phác của nông dân đã lôi cuốn ông mãnh liệt, do đó cây cọ của ông đã dành hết cho đồng quê.

Nhưng một biến cố đau buồn lại xẩy đến, lý do là ông xin cưới một người bà con góa, bị từ chối, và người đó đi lấy chồng.

Năm sau, tình cờ có một cô gái tha thiết yêu Van Gogh nhưng gia đình cô cự tuyệt không gả cho Van Gogh, vì cho rằng ông có nhiều tiếng tăm không mấy tốt đẹp, sợ làm tổn thương đến danh dự của gia đình. Bị ngăn cản, cô gái định tự tử. Sự việc này xảy ra khiến cho nhà họa sĩ đồng quê không còn một mảy may tin tường nào vào cuộc sống, cái hiện tại đối với ông chỉ là tồi bại. Van Gogh dồn hết tâm trí vào cây cọ để đem tâm tình trải lên khung vải, lấy mầu sắc làm vui, nét vẽ làm bạn. Bức họa thời danh tả lại chân dung của Anton Muave đã an ủi khuyến khích ông vô cùng, do đó từ 1881-1886, ông chuyên môn tả những cuộc sống lầm than vất vả, những nỗi cực nhọc của người dân quê lúc bấy giờ. Nhưng trái lại những người nhà quê lại coi đây là một hành động đáng nghi ngờ và là một mối hận thù vĩ đại. Cái chết bất thình lình của thân phụ ông đã chứng tỏ cái mối thù kia đang bộc phát. Do vậy, ông bỏ đi Anvers để học thêm lối vẽ sơn dầu và lối vẽ thủy mạc của Á đông. Năm 1886, Van Gogh cùng anh lên Ba-lê, ở đây ông chịu ảnh hưởng nghệ thuật của Pháp về mầu sắc, âm độ nhưng cũng chẳng được lâu, ông chán nản cái không khí Ba-lê, rồi đến Midi năm 1888, để tìm mầu sắc và phong cảnh lạ, ông tới Arler, một tỉnh nhỏ. Ở đây sự nghiệp của ông mới thực sự bắt đầu đi vào con đường rực rỡ đầy ánh sáng của thế giới mầu sắc và chiếm một chỗ cao trong hàng hội họa quốc tế. Những bức họa của ông đã gây ảnh hưởng mãnh liệt, tạo nên phong trào "trở về đất" nổi lên thời bấy giờ.

Những bức họa về hoa, về cảnh cũng như bức họa nổi tiếng "Cà phê đêm" (Café nuit) đã đưa ông đến danh vọng tột đỉnh. Sự thành công này hối thúc Van Gogh tổ chức một trung tâm hội họa qui tụ tất cả danh tài lại sống chung với nhau, và thành lập một nội qui giống như những viện từ ngày xưa. Cộng sự viên thân tín và đắc lực nhất của ông là họa sĩ Gaugain. Mặc dầu phải vất vả cực nhọc mới thành lập xong trung tâm này, nhưng đây lại chính là niềm vui lớn của Van Gogh. Song, niềm vui này không được lâu, trung tâm dần dần tan rã, vì tính tình dị biệt của Van Gogh làm cho bạn bè ngày một xa lánh. Không ngày nào Van Gogh không tranh luận, la hét, đôi khi đến xô xát với bạn bè về những nguyên tắc hội họa, những quan niệm về cuộc sống. Bạn bè xa ông, ông buồn lại lăn xả vào cà phê, thuốc lá, rượu... làm cho thần kinh mất thăng bằng, không tự chủ được trong các cuộc bàn luận, có lần ông đã ném cả cái ly vào mặt ông bạn Gauguin trong lúc tranh luận. Gauguin giận trở lên Ba lê, ông tức tốc đuổi theo, tay cầm dao cạo, nhưng không tìm thấy bạn, ông tức giận trở về quán trọ cắt luôn tai trái của ông vụt xuống đất. Tình bạn giữa ông và Gauguin chấm dứt từ đấy. Sức khỏe của nhà danh họa càng ngày càng yếu. Ông vào nhà thương dưỡng bệnh tại Saint Renuy, tuy nhiên ở đây ông cố gắng vượt thất vọng và cô quạnh, nhất là cái không khí buồn vắng tại nhà thương, ông tìm quên lãng bằng cách họa hết các khung cảnh của dưỡng đường này.

Ra khỏi bệnh viện, ông trở về ở với Théo, anh ông gởi ông đến Bác sĩ Gachet, một bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp, nhất là lại thích hội họa nên hết lòng săn sóc chiều chuộng Van Gogh. Ở nơi yên tịnh, sức khỏe khả quan và bác sĩ Gachet cảm thông hoàn cảnh của mình, Van Gogh bắt đầu làm việc. Ông chuyên về phong cảnh đồi núi, cánh đồng, ruộng lúa, không kể đến bức họa danh tiếng: chân dung bác sĩ Gachet. Sống chung với vị y sĩ này được một thời gian, ai cũng hy vọng sức khỏe của ông có thể bình phục hẳn, nhưng chẳng bao lâu Van Gogh lại cảm thấy không khí ở đây quá quen thuộc nên nhàm chán và cũng từ đấy những vết thương thất vọng, nghi ngờ, yếm thế về cuộc sống bừng dậy làm ông quẫn trí. Buổi sáng chủ nhật ông ra cánh đồng rút súng tự sát. Không chết, ông cố lết về căn phòng của quán cà phê Ravoux. Bác sĩ Gachet và Théo được cấp báo vội vã đến thăm, nhưng tình trạng sức khỏe của Van Gogh kiệt dần. Sau 2 ngày quằn quại trong đau đớn, sang ngày 29-7-1890, ông trút hơi thở cuối cùng trong tay người anh yêu quí.

Con người của Van Gogh quá đa nghi, nhút nhát, gây nên những hành động dị biệt khiến ông không thích nghi với cuộc sống và con người, đồng thời chống đối để đi đến tình trạng bi quan yếm thế, coi người đời như là thù địch, xa cách không thể thông cảm với nhau được. Nhưng nếu nói về sự nghiệp nghệ thuật của Van Gogh, không ai có thể so sánh với ông về tài nghệ. Trong quãng đời quá ngắn ngủi, ông đã đem hết tâm tình khắc khoải của mình trút lên cây cọ khiến cho ông sáng tạo được những bức họa bạo dạn về đường nét cũng như màu sắc. Nếu chúng ta tận hưởng nghệ thuật của danh tài Van Gogh chúng ta phải so sánh những bức họa của ông tại Hòa Lan và nghệ thuật hội họa đồng thời tại khắp nơi, chúng ta mới thấy rõ cái ý nghĩa cao đẹp, nguồn hứng khởi siêu việt mang mầu sắc xã hội và nhân đạo tính trong các tác phẩm của ông.


HUY YÊN       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>