Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thế Giới Thần Tiên Của San Hô

 

Mùa Noel 1492, con tầu chỉ huy Santa Maria của Christoph Colombe trên đường thám hiểm Mỹ Châu đã bị vỡ tan tành từng mảnh gần mũi Hải Tiên (Haitien) vì va phải đá ngầm. Nhờ tai nạn này mà thế giới mới biết đến thế giới thần tiên của San hô.

Đối với những tay thợ lặn thì đây là một phần thế giới kỳ diệu nhiệm mầu. Một thế giới của muôn mầu, muôn hình vạn trạng, sống động, nhộn nhịp, lung linh huyền ảo... Đây cũng là một thế giới xây dựng bằng hàng tỷ, hàng triệu sinh vật đủ mọi trạng thái mềm, dẻo, cứng... chồng chất lên nhau hàng hàng lớp lớp. Ta muốn cho nó bằng nhung cũng được! Bằng sứ cũng không sai. Bằng những sợi tóc của thiên thần càng có ý nghĩa! Bằng tinh thể của đường cát trắng hay bằng những cánh hoa rực rỡ muôn mầu? Không sao! Phải nói là san hô có muôn vẻ ngàn hình không thể tả xiết.

Loài thạch tàm này là những nhà kiến trúc siêu việt! Nó đã tạo dựng nên những kỳ công tuyệt phẩm trước khi con người biết kiến tạo. Những lâu đài tráng lệ nguy nga của các bạo chúa xây trên ngàn vạn sinh linh từ ngàn xưa tới nay so với san hô cũng chỉ là những kiến trúc tầm thường, những công trình của các chú lùn nhỏ bé. Các nhà sinh vật học đặt cho loài thạch tàm này một cái tên tuy kém vẻ thơ mộng nhưng đúng với sự kiến tạo của nó: "Loài rỗng ruột". Từ xa xưa, người ta cho rằng san hô chỉ là một loại cây sống ngầm dưới nước, ai có ngờ đâu chính nó là những sinh vật nhỏ bé kết tụ lại và mầu sắc thay đổi tùy theo địa phương: San hô ở Nhật mầu trắng như men sứ, ở Địa trung Hải mầu hồng thế nhưng ở Hạ uy di và Biển đỏ nó lại đen nhánh như than đá.

Giải phẫu một con san hô chúng ta thấy nó là loài ăn thịt, toàn thân chỉ là một ống thịt, có một túi tiêu hóa duy nhất dài chừng vài mi li mét, có những đường rãnh hướng vào tâm gọi là xoang trường. Trên đầu là một hấp khẩu lọc ra như đài hoa, cánh hoa chính là những tay mảnh khảnh rất hoạt động sẵn sàng thâu bắt những vi khuẩn bơi lội, bén mảng đến gần. Chúng tiêu hóa và lại nhả ra ngay bằng chính hấp khẩu. Hấp khẩu này cũng chính là nơi sinh sản, gieo giống... Phía dưới là chân dính chặt vào một cái bệ hình cái đĩa bằng đá vôi. Đĩa này lại cũng dính chặt vào một vật cứng như đá ngầm nhưng thường thì dính vào các khối san hô đã chết. Khi còn non san hô giống như những loài sứa hay ấu trùng có vẻ tự do nhưng bám chặt vào nơi nhất định nào đó. Cũng có những loài san hô đơn độc không liên kết thành từng khối. Loài này sinh sản mau lẹ và thường hướng theo chiều thẳng đứng vươn lên tìm nơi ánh sáng mặt trời.

Có bao nhiêu khối san hô trong các đại dương? Không ai có thể trả lời được, nhưng về phương diện kiến trúc thì Vạn lý trường thành, Kim tự tháp... sánh với san hô chẳng thấm vào đâu. Tất cả các đại dương đều có mặt san hô dù dưới hình thức này hay hình thức khác nhưng với điều kiện nước biển ấm và dưới một độ sâu từ 10 - 15 thước. Có ánh sáng mặt trời. Độ ẩm lý tưởng nhất cho san hô là 20 độ bách phân và phát triển mạnh nhất ở vĩ độ 28 Bắc và 28 Nam. Nơi nào có bùn, cặn, nước đục san hô sẽ chết ngộp liền.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao san hô chỉ sống được ở độ sâu tối thiểu, cần ánh sáng mặt trời và nước trong? Trong khi đó có những sinh vật tương tự như loài sao biển lại có thể sống và phát triển được ở dưới độ sâu cả ngàn thước.

Theo Darwin, một nhà sinh vật học danh tiếng, khi khảo sát về loài này đã nhận định như sau:

Có 3 loại san hô:

- San hô mọc từ triền bờ biển.

- San hô đảo.

- Vòng đai san hô.

Cả ba loại đều bắt nguồn và đặt nền móng trên những lớp san hô già chết từ xa xưa và bây giờ các lớp mới mọc chồng. Lớp già cũ lâu dần chìm xuống đáy biển. Cũng có khi đáy biển bồi lấp và mực nước dâng lên. Do đó san hô bây giờ chỉ là cái ngọn hay nói cách khác là các chóp san hô tăng trưởng, lan rộng hướng về nơi có ánh sáng mặt trời. Như vậy san hô không phải loài sinh sống ngầm dưới đáy biển mà vốn ở một độ sâu nào đó mà thôi!

Khoa học ngày nay đã xác nhận sự phán quyết của Darwin bằng cách thám hiểm sâu dưới 1200 thước, nơi có san hô sinh sống đã thấy rằng san hô đều bám trên các tảng núi lửa hay những đồi núi ngày xưa đã bị vùi lấp chìm dần xuống đáy biển. Một bằng chứng cụ thể là người ta đã khám phá ra rất nhiều đảo san hô trong vùng biển Thái Bình Dương ở Pô-ly-ne-di (Polynesie) vừa mới trở thành các đảo san hô bao quanh vịnh Ca-ra-ít (Carait) là những cồn san hô nổi tiếng, nơi đây đã trở thành nghĩa trang chôn vùi biết bao thuyền tàu thời trung cổ. Dãy san hô Gờ-răng-băng (grand Banc) thuộc hải phận Ba-ha-mat (Bahamas) rộng lớn đáng kể. Dãy san hô chạy dài hàng mấy ngàn cây số, rất đẹp, hùng vĩ nhất thế giới chạy dọc theo bờ đại lục Úc Châu và phát triển rất mạnh nhờ có dòng gulf stream nuôi dưỡng.

Cũng như tất cả các sinh vật khác rất vất vả để đấu tranh giành quyền sống, cuộc chiến đấu liên tục không ngừng ngày đêm đã diễn ra cho dòng dõi nhà san hô. Kẻ phá hoại ghê gớm là các làn sóng và các triền nước rớt xuống biển từ các lục địa làm trôi dạt san hô và nhất là giảm bớt lượng muối cần thiết cho san hô con tăng trưởng. Sau, phải kể đến các động và thực vật cũng xúm nhau vào tàn phá hủy hoại chúng. Loài cá mỏ vẹt không ngừng quấy phá, nó cùng cái mỏ cứng như sắt bẻ gẫy các nhánh san hô và nhai ngon lành như không! Ngoài ra còn một số kẻ thù khác cũng không kém phần quan trọng chuyên ăn bám vào san hô cả một đời!

Tuy nhiên, để bù lại tạo hóa đã cho san hô dòng dõi thạch tàm này một năng lượng sản xuất rất kinh khủng nên cuộc chiến bao giờ cũng nghiêng phần thắng về cho san hô. Chúng cũng còn có những phương cách khác để bảo vệ mầm non như tạo nên những hang động để tránh sóng, những cụm san hô lửa sẵn sàng đốt cháy kẻ thù nào cọ sát, phá hoại...

Cái vẻ muôn mầu rực rỡ huyền diệu ấy cũng là nơi dung thân cho một số cá mỗi khi gặp biến loạn! Cũng như nuôi dưỡng chúng suốt đời sung túc. Những loại cá thu, cá hồi, cá mập, cá nhám có thân mình thon gọn, vây ngắn, mỗi khi có báo động là chui tọt vào cung điện nguy nga rất an toàn. Cũng có những loại cá ranh mãnh hơn lẩn quất trong các cụm san hô để ngụy trang đổi mầu cho dễ săn mồi như loài cá Đi-ô-đông (Diodon) từ một làn da trắng trơn chúng đổi thành lốm đốm trông như những con beo biển tiệp với mầu san hô để đánh lừa con mồi ngu ngốc bén mảng tới gần. Những con cá vằn vện cũng sống nhờ ở các khóm san hô!

Đối với các tay thợ lặn thì đây là một thế giới đầy lạ lùng, mầu sắc rực rỡ, tô điểm cho lòng đại dương. Họ cho đây là một thế giới của thần tiên. Các sắc dân sinh sống ở đây thật nhàn hạ sung túc, về ban đêm thế giới san hô càng trở nên linh động lạ lùng mà con người chưa thể tìm hiểu được bao nhiêu điều kỳ bí của nó.


HUY YÊN       
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>