Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Lương Tâm

 

Các em thân mến,

Người ta thường hay khuyên các em nên hành động theo đúng lương tâm của các em và đôi khi các em cũng nghe thiên hạ chê một người nào đó không có lương tâm hoặc xử sự khác với lương tâm họ.

Nhưng lương tâm là gì? Đấy là lòng thành tự nhiên mà mỗi người của chúng ta vẫn có. Người ta cũng thường cho rằng trong mỗi con người của chúng ta đều có chứa đựng hai nhân vật : một ông thiện và một ông ác, ông thiện tức là lương tâm của chúng ta.

Thánh Gandhi thú nhận : Người oai quyền nhất mà tôi chịu tuân theo mệnh lệnh dưới thế gian này là "cái tiếng nói thì thầm" tức là lương tâm trong chính con người tôi.

Ông Stendhal, nhà văn Pháp hồi đầu thế kỷ 19 có thuật một câu chuyện về tiếng gọi của lương tâm như sau : (dưới đây là lời của nhà văn Stendhal).

Tôi dạo chơi về phía cầu Iéna, lúc đó gió thổi mạnh, sông Seine (một con sông lớn chảy qua thành phố Paris, nước Pháp) có sóng lớn và làm tôi liên tưởng đến mặt biển.

Tôi nhìn theo một chiếc thuyền con chở đầy cát đến tận mép thuyền, đang muốn chui qua dưới nhịp cầu cuối cùng... Bỗng đâu, chiếc thuyền lật úp xuống, tôi thấy người lái thuyền cố sức bơi nhưng anh ta lúng túng, không bơi được.

Tôi tự nghĩ : Anh chàng vụng về này sẽ chết đuối đến nơi rồi.

Tôi có ý định nhảy xuống nước cứu anh ta, nhưng tôi lại nghĩ mình đã 47 tuổi lại thêm mắc chứng bệnh phong thấp, mà trời lạnh như cắt da.

Tôi nghĩ ở phía bên kia sông, chắc sẽ có người nhảy xuống cứu.

Tôi đành đứng trông : Người lái thuyền lại ngoi lên mặt nước ; anh ta kêu lên một tiếng cầu cứu. Tôi liền nhanh chân rời xa nơi đây, bụng bảo dạ : Mình cũng quá điên rồ! Rồi đến khi nằm liệt giường với chứng đau xương nhức nhối, ai sẽ đến thăm mình, ai sẽ nghĩ đến mình? Mình lại nằm một mình đến buồn chán muốn chết như hồi năm ngoái. Tại sao hắn làm nghề lái thuyền lại không học bơi? Hơn nữa thuyền của hắn lại chở quá nặng.

Tôi đã đi xa sông Seine đến năm chục bước, tôi còn nghe rõ tiếng người lái đò sắp chết đuối kêu cầu cứu.

Tôi bước càng nhanh thêm, nghĩ thầm : Để hà bá đem nó đi cho rồi và tôi không thèm để ý đến việc ấy nữa.

Bỗng nhiên, tôi tự trách tôi : Này trung úy Lư-Ô (tên tôi) anh là kẻ khốn nạn, trong một khắc đồng hồ nữa, người kia sẽ chết, rồi suốt đời anh, anh sẽ nhớ mãi tiếng gọi cầu cứu của anh ta. Lòng vị kỷ tôi cãi lại : Khốn nạn! Kẻ khốn nạn! Cứ để cho hà bá đem nó đi! Đã làm nghề hàng hải thì phải biết bơi chứ!

Tôi đi nhanh về phía Trường võ bị. Đột nhiên một tiếng nói trong tâm : Trung úy Lư-Ô, ông là kẻ hèn nhát. Tiếng nói lần này làm tôi giật nẩy mình. Tôi nghĩ : À! Việc này quan trọng đấy và rồi tôi chạy vội trở lại sông Seine.

Đến bờ sông, tôi cởi bỏ cái rụp áo quần, giày ống. Tôi cảm thấy sung sướng nhất đời. Tôi tự nói to tiếng : Không Lư-Ô không phải là một kẻ hèn nhát, không! Không bao giờ! Thế là tôi cứu được người ấy, không khó khăn gì. Tôi nhờ người đem anh ta đặt vào giường ấm áp, sau đó anh ta tỉnh lại và nói được.

Các em thân mến,

Nhờ tiếng gọi của lương tâm, cuối cùng tác giả  đã cứu sống được người lái thuyền.

Chắc các em cũng thấy rõ sự quan trọng của lương tâm con người.

Ông Vessiot cho rằng : Không sợ người phán xét mình, mà sợ lương tâm phán xét.

Ông Aristole khuyên chúng ta : Hãy làm chủ ý chí anh và làm nô lệ cho lương tâm anh.

Chúng tôi xin kết thúc bức thư hôm nay bằng lời nói hữu lý của ông Lưu Trực Trai : Muốn giữ được lương tâm, nuôi được linh tính, cần phải chịu khổ, chịu phiền, thì ngày mới thuần thục.


Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 121, ra ngày 15-2-1974)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>