Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Tim Hồng 232

 

- Phương Loan! Muốn tìm diện tích hình tam giác em làm gì nào?

Từ bàn 2A, Phương Loan vòng tay đứng dậy thật nhanh, miệng con bé cười tươi (chắc hẳn cô bé thuộc bài!) và giọng nó thật trong, vang nhẹ trong lớp học:

- Thưa cô, muốn tìm diện tích hình tam giác, ta lấy đường đáy nhân với chiều cao rồi chia cho 2 ạ.

Tôi cười bằng lòng:

- Giỏi lắm, còn em nào có thể trả lời cho cô không nào?

Bài hình học tôi vừa giảng xong, chưa cho chép bài vội, tôi khảo ngay tại lớp, những cánh tay đưa cao làm tôi hài lòng. Gọi thêm một vài em để có thể yên tâm một chút tôi mới nhẹ nhàng bảo:

- Các em mở vở chép bài!

Những tiếng loạt xoạt thật nhẹ và các em cầm bút chăm chú ngước nhìn tôi chờ đợi...

Tôi chợt để ý... một cánh tay vừa đưa lên... chi vậy nhỉ... à... Nhâm Diên, con bé vừa đưa tay, vừa đứng dậy khỏi chỗ ngồi. Tôi im lặng theo dõi con bé đang tiến đến gần, giọng nó thật nhỏ:

- Thưa cô, cho con đi tiểu ạ!

Tôi trố mắt kinh ngạc, mới vào học được nửa giờ đồng hồ, Nhâm Diên đã xin đi tiểu. Mà, không phải chỉ một hôm nay đâu, từ mấy hôm trước cơ, cứ vào học một lát là Nhâm Diên xin ra ngoài. Nhìn nét mặt chờ đợi và ánh nhìn khẩn khoản của Diên, tôi rầy nhẹ:

- Từ ma phải đi trước ở nhà nghe Diên, tới lớp đang học mà xin đi cô sẽ không cho đi nữa đâu nghe.

Diên cúi đầu đáp thật nhỏ:

- Thưa cô vâng!

- Rồi, đi đi, mau lên còn về chép bài nghe Diên.

Nhâm Diên chạy thật nhanh ra khỏi lớp như bị ma đuổi làm cả lớp cười ầm. Chắc là con bé có bệnh tật chi đây, ngày nào cũng xin đi tiểu, mà chỉ đi ngay sau khi vào học một thời gian ngắn. Lát con bé về tôi phải dặn nó về trình bày với bố mẹ cái tật kỳ quái của nó mới được. Nếu thật sự Nhâm Diên có một chứng bệnh nào đó thì sự chữa trị sớm vẫn tốt hơn nhiều chứ!

Tôi đọc bài thật chậm để đợi con bé, gió nhẹ nhàng len lỏi qua từng dẫy bàn làm bay bay những sợi tóc mỏng. Học trò tôi thật hiền! Đứa nào cũng dễ thương như đứa nấy. Tôi chưa tìm thấy tên nào dễ ghét, dù đó là một tên cứng cổ nhất, tôi vẫn nhìn được cái nét dễ thương trong những cái cứng cổ, hỗn xược của nó. Một vài người đã cười tôi đã có cái nhìn lệch lạc, ai ngờ bọn con nít lem luốc mà cứ xít xoa: "dễ thương ghê!". Một bọn con nít lóc nhóc, tóc tai lởm chởm mà dám cả gan gọi là "Tim Hồng". Quả là chướng không chịu được! Đôi khi tôi cũng lẩm cẩm tự hỏi xem rằng tôi có chướng thật không. Nhưng, tôi vẫn thấy tôi không lệch lạc cái nhìn tí nào. Một bọn con nít lóc nhóc đấy, tóc tai lởm chởm đấy, nhưng vẫn... dễ thương ghê gớm! Có ai kiện tôi không nhỉ?

Quái! Nhâm Diên đi lâu ghê vậy? Con bé đi có tới mười phút rồi đó. Có bao giờ nó đi lâu như vậy đâu. Tôi bước ra cửa lớp nhìn xuống sân vẫn không thấy bóng dáng Nhâm Diên đâu cả. Tự nhiên, tôi nhìn vào cuốn lịch treo tường, con số 27 xinh xắn đập vào mắt. Một ý tưởng về Nhâm Diên chợt lóe lên trong đầu tôi và lại biến mất hẳn. Tôi cố tìm lại nhưng rồi vẫn... mù tịt. Nhâm Diên nhỏ bé, gầy còm với nước da ngăm ngăm và tóc tai lởm chởm, ý tưởng về Nhâm Diên lại lóe thật nhanh trong đầu và rồi lại tắt hẳn. Tôi cũng vẫn không quên ý nghĩ sẽ nhắc con bé về thưa với bố mẹ về cái tật kỳ cục của nó từ mấy ngày nay.

- Xin phép cô một chút nhé!

Tôi quay đầu nhìn ra cửa, thầy giám thị với cuốn sổ trên tay, bước vào lớp. Các em đứng lên chào, thầy vẫy tay và cười sau 2 mắt kính trắng:

- Nào! Ngồi xuống! Ngồi xuống! Cô nào chưa đóng tiền học đứng lên cho tôi xem nào!

Thầy mở sổ và dùng đầu bút chì dò tìm, thầy bật cười thích thú:

- Á... à... Khúc... thị... Nhâm... Diên! Tiền học đâu cô?

Khúc thị Nhâm Diên, tôi quay sang thầy giám thị:

- Thưa thầy, em vừa xin ra ngoài ạ.

Thầy giám thị sửa lại gọng kính:

- Thế à? Lát nó về cô bảo nó đóng tiền học nhá. Lớp Bốn còn có một mình nó thôi đó.

- Vâng.

Thầy giám thị vừa khuất sau mấy hàng cột, Nhâm Diên thong thả xuất hiện ở đầu cầu thang dẫn lên lớp. Con bé ngẩng mặt cười khi thấy tôi ở trên nhìn xuống:

- Cô!

Tôi gắt nhẹ:

- Mau lên cô! Đi gì mà lâu quá vậy?

Nhâm Diên  nhe răng cười - lên tới lớp, Diên quay sang tôi:

- Thầy giám thị đi rồi hả cô?

Tôi trợn mắt ngó Nhâm Diên, ý tưởng lúc nãy về Nhâm Diên lại lóe lên trong óc và lại tắt lịm. Tôi bực bội với chính tôi, sao hôm nay đầu óc tôi kỳ quái như thế này nhỉ? Nhâm Diên lại cười:

- Hả cô? Thầy ấy đi rồi hả cô?

Tôi gật đầu:

- Ừ, thầy mới lên đòi tiền học đó, Nhâm Diên chưa đóng tiền học hả?

Con bé cười, nụ cười hình như buồn buồn (tôi linh cảm thấy như vậy):

- Con biết chứ cô, thành ra con phải xin cô cho con đi tiểu đó.

Tôi há hốc miệng, tôi sững sờ trước câu nói của Nhâm Diên. Ý tưởng về Nhâm Diên lúc nãy chợt lóe sáng và bùng bùng như ngọn nến đang cháy. Tôi nghẹn cổ, tôi muốn ôm lấy Nhâm Diên, muốn xiết chặt nó vào lòng mà bảo nó thật nhẹ nhàng: "Cô hiểu rồi, cô hiểu rồi, Nhâm Diên ơi". Nhưng, người tôi lạnh toát và miệng tôi đắng ngắt, tôi không thể làm như tôi muốn. Tôi thẫn thờ hỏi Nhâm Diên một câu hỏi quá dư thừa:

- Sao vậy, Diên?

Nhâm Diên vân vê vạt áo, nước mắt lấp lánh trong lòng 2 con mắt tròn, to và đen thăm thẳm, giọng nói em ướt sũng:

- Thưa cô, tại tháng này ba con ở dưới đồng ruộng bị trúng đạn pháo kích đi nằm nhà thương, mẹ con phải đi nuôi ở nhà thương, tiền bạc dồn vào lo cho ba con hết nên đến hôm nay con chưa có tiền đóng tiền học, mấy sáng nay thầy giám thị đi từng lớp một để đòi tiền học, con cứ nghe tiếng các lớp khác chào lúc thầy vào là con xin cô cho con đi tiểu, nhưng mãi sáng hôm nay thầy mới vào đến tầng lầu này, con lại xin cô cho con đi tiểu khi thầy sang lớp mình sau khi đã vào lớp Năm 2 bên cạnh. Con sợ thầy sẽ đuổi con về nhà lấy tiền học. Mà mẹ con chưa mượn được tiền.

Tôi quay quắt theo từng câu nói đều đều của Nhâm Diên. Tôi hiểu rồi. Nhâm Diên không có bệnh tật chi cả, Nhâm Diên chỉ có một cái bệnh là bệnh không có tiền học tháng này mà thôi. Gương mặt con bé chợt xanh xám. Nó nắm chặt tay tôi, giọng lạc đi (vì xúc động hay vì một ám ảnh nào nặng nề khác mà tôi chưa được biết, con bé có 2 bàn tay ướt đẫm mồ hôi và lạnh giá):

- Cô! Mỗi ngày, hễ đến lúc thầy giám thị đi đòi tiền học cô lại cho con đi tiểu nghe cô, thầy đi đòi mà con không có tiền thầy đuổi con về mất cô ơi!

Tôi bóp mạnh tay Nhâm Diên, bàn tay tôi hầu như cũng lạnh cóng theo bàn tay con bé. Nhâm Diên khóc từ bao giờ. Những giọt nước mắt nhòe nhoẹt trên gương mặt gầy gầy với làn da ngăm ngăm sạm nắng. Tôi vuốt tóc Diên, mái tóc hoe vàng, cháy đỏ. Tôi xót xa với từng giọt nước mắt rơi xuống đều đều trên tay tôi. Những giọt nước mắt tủi cực, nóng hổi của một đứa bé chưa đủ mười tuổi đầu làm tôi nghẹn cổ. Tôi thương Diên vô vàn, tôi thương tất cả những đứa học trò bất hạnh của tôi, những đứa bé đã phải sớm nếm mùi cơ cực, vất vả và tủi nhục của cuộc đời. Cô thương Diên thật nhiều Diên ơi!

Nhâm Diên lại lắc tay tôi:

- Nghe cô! Cô cho con đi nghe.

Tôi cắn chặt môi, nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm ướt của nó, không trả lời câu hỏi của Diên:

- Mỗi sáng Diên đều vào nhà vệ sinh hả?

Nhâm Diên cười thật buồn:

- Thưa cô không! Con có vào nhà vệ sinh đâu, con vào nhà thờ rồi lên quì ở hàng ghế chỗ tòa Đức Mẹ. Chỗ đó có cửa kính nhìn lên lớp mình, con vừa cầu nguyện vừa canh chừng thầy giám thị luôn thể.

Tôi vuốt lại những sợi tóc rối bời của Diên, lòng tôi có một chút hân hoan thật nhỏ bé. Em đã làm đúng đó, Nhâm Diên ạ. Lúc buồn khổ đớn đau, lòng tin tưởng sẽ giúp ta rất nhiều đó. Học trò tôi, trong đau khổ và tủi cực đã biết tự tìm cho mình một lối thoát. Em lớn rồi Nhâm Diên ạ. Tôi thì thầm với chính tôi những câu này và tôi nói với Nhâm Diên thật nhẹ:

- Diên về chỗ đi, tháng này để cô đóng tiền học cho, khỏi lo nữa, nhé!

Nhâm Diên sáng rực đôi mắt, em khoanh tay:

- Vâng, cô cho con mượn rồi mai mốt ba con ra nhà thương, mẹ con về con sẽ nói mẹ con gửi lại cô.

Tôi lắc đầu:

- Không! Cô tặng Diên luôn chứ không cho mượn đâu. Yên tâm đi, nghe!

Nhâm Diên ấp úng định nói, tôi kéo tay em:

- Về chỗ chép bài đi Diên, mai khỏi phải xin cô cho đi tiểu nữa, há?

Con bé quẹt nước mắt và cười tươi:

- Cô biết không, hôm đầu tiên con có vô nhà vệ sinh chứ, nhưng hôi quá chịu không nổi, từ hôm sau thì con vào nhà thờ luôn.

Tôi bật cười theo Diên:

- Diên làm cô cứ tưởng em bị bệnh hay làm sao đó chứ.

Thấy tôi và Diên cười vui vẻ, cả lớp không hiểu gì cũng cười góp theo. Tôi muốn "nguýt" lũ học trò tôi một cái thật dài. Xí! Vô duyên! Chả biết chi mà cũng cười góp hả? Vô duyên ghê mà cũng... dễ thương ghê vậy đó. Phải không các em: Những trái tim hồng be bé của cô???


Mt. HOA.       
 
  (Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>