Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Khi Em Về














Chân em bước êm trong vườn mùa Hạ
Em chợt nghe hoa nắng chảy say mê
Nơi này xưa vẫn chờ chân em đó!
Nhớ không em? Rồi mai sẽ đi về!

Chim hót trong miền quê hương ngày đó
Khi đùa vui trong khúc hát giao mùa.
Chân em bước ngày nào hoa nắng vỡ
Áo em xinh còn nguyên nét thẹn thùa.

Em muốn khóc khi chiều nao hoa nắng
Quắt quay trong trí nhớ của ngày xa
Chim vẫn hót trong khu vườn thơ ấu
Dễ thương, và nghe vẫn cứ ngây ngô.

Quê hương ngày xưa ngút ngàn thương nhớ
Khi em về, khi mái tóc còn xanh.
Nghe trên cao, chim vẫn hót vô tình
Em lúc ấy đi tìm ngày thơ ấu.

                                   TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN
                                        (Bút nhóm Hoa Nắng)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 177, ra ngày 15-5-1972)

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Ngày Phát Thưởng


Hải ngắm mãi mình trong gương không biết chán: bộ đồ đầm màu hồng, đôi giày tàu mũi nhọn, và mái tóc, nhất là mái tóc mẹ đã bỏ cả buổi để "gò" cho Hải xong chiếc "đuôi ngựa" cao ngất nghểu, buộc thêm chiếc "nơ" đỏ, thật tuyệt vời, Hải thầm nói vậy. Mẹ Hải hiện ra trong gương, sau lưng Hải:

- Chà, con mẹ hôm nay xinh tệ.

- Chiều mẹ đi dự lễ với con mẹ nhé.

- Ừ, mẹ sẽ phát phần thưởng cho con.

Hải dụi đầu vào ngực mẹ, niềm vui sướng reo vang trong lòng.

*

Lúc mẹ dẫn Hải đến trường, mọi người đã đông. Những khuôn mặt tươi trẻ xúng xính trong áo quần mới, những vị phụ huynh khoan thai bên cạnh những cô bé nghịch ngợm, tung tăng trong buổi chiều nắng hè vừa dịu khuất. Sân trường đã rộng nhưng dường như không đủ chỗ cho mọi người đến dự cuộc vui. Hải nhìn lên sân khấu, tấm màn nhung đỏ chót có gắn 2 tấm mặt nạ mà Hải đoán đó là dấu hiệu văn nghệ. Phía trên treo thật nhiều cờ với hàng chữ lớn: "Lễ phát thưởng". Đang ngơ ngác trong muôn màu sắc lạ mắt, bỗng Hải dạt tay mẹ chỉ về một nhóm người vừa đi đến:

- Bọn con Vân, Nhi, Nhã đó mẹ. Ê Nhã ơi lại đây.

- Lạy bác ạ, Hải đẹp quá.

Bọn Vân vừa đến, vây quanh mẹ và Hải vào giữa. Mẹ vui vẻ hỏi Vân:

- Mợ đâu con?

- Dạ thưa bác mợ con đến sau ạ.

"Giờ khai mạc sắp đến, trân trong kính mời quý vị Phụ Huynh cùng quan khách vào ghế danh dự, riêng các em học sinh hãy vào chỗ dành riêng từng lớp cho các em". Máy phóng thanh gọi lớn. Mẹ Hải vào ghế ngồi cạnh mẹ của Vân, Nhi, Nhã. Bọn Hải kéo xuống ngồi đầy một hàng phía sau. Vân nhìn lên phía góc sân khấu, một dãy bàn đầy những phần thưởng bọc trong giấy xanh đỏ. Vân nói cùng Nhã:

- Nhiều quá Nhã ơi, đó hồi bọn mình phải thuê xích lô mà chở.

- Sức mấy mà kêu xích lô.

Cả bọn cười ầm.

Một hồi chuông rung, màn mở, cô Hiệu Trưởng hiện ra trước máy vi âm giới thiệu chương trình và đọc diễn văn khai mạc. Phần văn nghệ bắt đầu bằng một màn vũ. Bọn Hải quá đỗi ngạc nhiên lúc nhìn thấy con Hương, Hòa, Thanh trong những khuôn mặt phấn sáp, uyển chuyển theo nhịp đàn.

- Mày xem con Hương mặc đồ tây "ác" không.

- Thua con Hòa, mày xem nó đánh phấn tuyệt chưa.

- Lại còn nhà con Thanh nữa, ăn gì mà mập thế.

Hải và chúng bạn cãi nhau át hẳn cả tiếng mọi người phản đối phía sau. Giờ phát thưởng bắt đầu bằng lớp của Hải. Không riêng gì Hải hồi hộp mà cả Vân, Nhã, Nhi cũng thế. Nguyễn thị Duyên Hải, Hải nghe tim mình như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực, bước lên sân khấu bằng những bước ngập ngừng.

- Bác chúc con sang năm cũng học giỏi như năm nay, bác sẽ hân hạnh phát thưởng cho con lần nữa.

Mẹ của Vân trao cho Hải một gói lớn, bà vừa vuốt tóc Hải vừa nói. Hải lí nhí, cám ơn bác, rồi chạy nhanh về chỗ ngồi không quên liếc nhìn về phía mẹ, bắt gặp ánh mắt của mẹ nhìn Hải thật trìu mến. Đến lượt mẹ Hải phát thưởng cho Nhi. Lúc cả bọn đã trở về chỗ, chương trình tiếp tục phát phần thưởng cho các lớp sau. Hải không còn lưu ý, Hải đang bận nhìn con búp-bê to tướng trong bao giấy dầu đỏ nằm trong tay Nhã.

- Mày được con búp bê đẹp quá.

- Mai bay qua nhà, bọn mình chơi chung, mày có bộ son quánh Nhật Bản nhất xứ.

Niềm hân hoan tràn ngập trong lòng bọn Hải. Ngoài kia không khí vẫn nhộn nhịp.

*

Hình ảnh đó 8 năm rồi nhưng không bao giờ phai lạt trong trí nhớ Hải. Như chiều nay lúc ở sở về ngang qua cổng trường đang làm lễ phát phần thưởng, bất giác Hải dừng lại, lặng nhìn vào sân trường ; cũng những bóng nhỏ tung tăng trong các bộ đồ mới, những gói giấy xanh đỏ, cũng sân trường mái ngói, hàng phượng trổ hoa thắm cả góc trời đang phơi mình trong nắng hè chói chang. Nhưng hình ảnh đây không phải là của 8 năm trước. Bây giờ ngôi trường mái cũ rêu phong, hàng phượng thắm trước sân đã lui về dĩ vãng, đã ngăn cách bên kia thật xa vời như Hải giờ đây xa rời tuổi nhỏ, hoài niệm vùng chi phí tuổi thơ đó như một xót xa. Cô bé ngày tháng xưa với nhiều biến đổi trong cuộc sống xô bồ nhiễu loạn. Thật không còn gì, Hải nói thầm thế. Không biết bây giờ ngôi trường thuở nhỏ gần dòng sông tươi mát ở quê hương mình có còn không, 8 năm rồi còn gì, dãy phượng vĩ còn đó không, hay cũng điêu tàn theo năm tháng. Vân, Nhã, Nhi bây giờ không biết còn nhặt từng cánh phượng tan tác ép vào sách tặng nhau nữa không.

Hải từ bỏ ngôi trường đó theo biến chuyển thời cuộc, lên tỉnh, sống cùng mẹ. Hai mẹ con bòn chắt ở quê nhà vừa đủ số vốn cho một hàng tạp hóa thật khiêm tốn ở chợ. Hình ảnh cha, Hải không còn nhớ rõ. Cha Hải đã bỏ đi biền biệt năm Hải lên ba, nói là theo kháng chiến, Hải chỉ biết thế. Mẹ Hải nói Hải có đôi mắt rất giống cha, Hải soi gương và hình dung ra khuôn mặt cha trìu mến.

Tám năm rồi, Hải đã đậu Tú Tài I, Hải định học thêm, nhưng nhìn mẹ èo ọp theo ngày tháng tần tảo từng đồng, những buổi sáng lạnh như cắt, chiếc lưng cong xuống theo đôi gánh hàng, Hải nhìn hình ảnh đó và không còn học được. Hải nói cho mẹ biết ý nghĩ của mình. Mẹ giận dỗi:

- Con ra đời sớm khổ lắm, con ráng học thêm.

- Thôi mẹ, con đã nhờ chú Toàn xin việc cho con. làm thư ký ở Tòa Hành Chánh lương tháng 3.200 $ 00. Thật tình con biết không thấm vào đâu, nhưng cũng đỡ phần nào cho mẹ. Đi làm con sẽ cố học thêm. 

Mẹ không khóc nhưng mắt mẹ đỏ hoe, mẹ ôm Hải vào lòng như thời bé dại đã ôm Hải thế:

- Tội con tôi. Nếu ba trở về, mẹ con ta đâu có đến nỗi.

Bây giờ mẹ mới khóc, Hải cũng khóc theo. Nước mắt  mẹ hiền rơi những giọt xót xa. Và từ đó Hải mang trên mình một trách nhiệm lớn lao: ban ngày Hải đi làm, tối về tính sổ cho mẹ và học thêm. Thời gian lần lượt qua, tuổi nhỏ của Hải cũng vơi dần theo năm tháng thoáng qua thật nhanh, không hò hẹn, nhưng thật bừng sáng mỗi khi bất chợt hình ảnh cũ hiện về, đánh thức trong tiềm thức Hải thật rõ ràng, tinh vi.

Như giờ đây, trước cổng trường đang làm lễ phát phần thưởng, Hải thấy nuối tiếc thời trẻ thơ vòi vĩnh của mình, tiếc những buổi nắng hồng lên cao, những bước chim non băng mình trên những cánh đồng lúa phì nhiêu, đầy ắp trong từng hơi thở. Thật thơm. Thật ngọt. Rồi nắng quái đình lên ; nắng đổ nghiêng. Tuổi nhỏ là thế.

Mải suy nghĩ vẩn vơ, Hải đã về đến nhà từ lúc nào. Mẹ Hải tựa mình bên gốc cây trứng cá trước sân, nhìn Hải âu yếm vậy:

- Chiều nay sao con về muộn thế? Ồ sao mắt con đỏ hoe thế? 

Hải như sực tỉnh. Hải nói thầm, ô hay mình đã khóc cho thời tuổi nhỏ. Bất giác, Hải sà vào lòng mẹ, nức nở.

- Ơ kìa, sao khóc thế con? Có gì thế? Nói cho mẹ biết...

Nhưng Hải không nói, nước mắt vẫn rơi...


Hương Kim Long       


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 69, ra ngày 15-5-1967)

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Mùa Ước Chim Oanh














Đường trăng tuôn giòng sữa ngọt
Lòng say cây lá reo cười
Gót chân mơ hồ rộn rực
Tiếng thơ nồng ấm hương đời

Nghìn sao xuống trần giăng lối
Soi hồng má thắm môi trinh
Lời ca đêm hoa đăng hội
Chan hòa nhịp điệu câu kinh

Chân hồng thơm trên lối cỏ
Tay nâng ánh sáng diệu từ
Chân lý hồn thơ rạng rỡ
Niềm tin ngợi sắc vô tư

Đêm chờ tin người xuất thế
Đêm mong ánh hồng rắc gieo
Lâm Tì Ni xưa sống dậy
Chứa chan nguồn sống thương yêu

Khói hương nguyện toàn bảo điện
Đàn em về hội Cha lành
Tâm thành kính dâng cầu nguyện
Vô ưu cánh biếc hồi sinh

Mắt tròn đoàn Oanh ngây dại
Đêm trăng mười bốn cài mây
Thanh bình trên quê hương lại
Môi hồng thắm nụ đắm say.

                                NAM THIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 152, ra ngày 1-5-1971)

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nhân Ngày Phật Đản


Các em thân mến,

Cách nay 2517 năm, vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya-Muni) ra đời tại vườn Lam-bi-ni (Lumbini) ở miền Bắc xứ Ấn Độ.

Ngài tên thật là thái tử Si-đạt-ta, họ Gô-ta-ma, con vua Suddhodana trị vì một lãnh thổ dưới chân Hy-mã-lạp-sơn. Mẹ ngài là hoàng hậu Maya.

Ngài đẹp trai, rất thông minh, nhưng tính hay đa sầu, đa cảm, hay trầm ngâm một mình nơi vắng vẻ. Ngay khi còn nhỏ ngài đã có một đời sống nội tâm hết sức dồi dào.

Khi ngài lên được 16 tuổi, vua cha đã vội cưới vợ cho ngài và để ngài sống hết sức sang trọng trong cung điện và không cho ngài biết chi đến cuộc sống ngoài đời.

Càng sống trong sự giàu sang, với những thú vui tầm thường ngài càng coi thường sự giàu sang.

Một ngày nọ, nhân dịp dạo chơi ngoài thành, vừa ra khỏi cửa phía đông, ngài gặp một cụ già gầy ốm, mắt mờ, răng rụng, lưng đã còng, chân lại run, tay chống gậy bước đi từ bước trông thật não nề. Được người hầu cận cho ngài biết mọi người sanh ra, lớn lên, rồi bị tuổi già tàn phá sức khỏe, làm cho cuộc đời tàn tạ, ngài nghe nói, ngậm ngùi cho kiếp người.

Một lần khác, ngài dạo chơi ngoài cửa thành phía nam và gặp một người bịnh mặt mày xanh xao, đang nằm rên la rất thảm thiết. Người hầu  cận giải thích cho ngài rõ sống trên đời, mọi người có thể bị bệnh tật dày vò, làm cho đau đớn, khổ sở. Trở về cung, ngài buồn bã nghĩ đến nỗi khổ của con người khi mắc phải bệnh tật.

Lần thứ ba khi ngài dạo chơi ở cửa thành phía tây, ngài gặp một đám tang: bốn người khiêng thây người chết theo sau một số thân nhân, bạn bè quen thuộc khóc than bi ai. Người hầu cận lại cho ngài biết con người sanh ra, lớn lên, rồi già, bị bệnh tật và cuối cùng phải chết. Ngài vô cùng xúc động về bốn cái khổ của loài người: sinh, lão, bịnh, tử.

Rồi một hôm, ngài đi dạo ngoài cửa nam hoàng thành, ngài gặp một vị tu hành. Vị này chỉ khoác một chiếc áo vàng mộc mạc, đơn sơ, chân đi đất, mặt mày trông hiền lành, thanh thản, ăn nói điềm đạm, đi đứng ung dung. Ngài gạn hỏi và được biết nhà tu này đã bỏ hết lợi danh trên cõi đời vì hiểu được cái Nhân và cái Quả của mọi việc.

Bắt đầu từ đấy, từ khi nhìn thấy nỗi khổ của con người khi già cả, bịnh tật và chết chóc và nhất là sau khi gặp nhà tu, ngài quyết tâm rời bỏ gia đình để đi tìm phương cứu khổ cho bản thân và nhân loại.

Khi được tin vợ ngài vừa sinh được đứa con trai đầu lòng, ngài lo ngại nếu còn mãi ở trong gia đình thì càng ngày càng bị ràng buộc bởi tình thương vợ con, nên đang đêm ngài trốn đi để tìm học đạo.

Ngài chịu mọi khổ hạnh đi khắp đó đây để tu luyện hằng mong tìm giải thoát.

Rồi một đêm sau sáu năm trời vất vả lang thang mọi nơi cầu thầy học đạo, trong khi ngài đang ngồi suy tư dưới gốc cây bồ đề, ngài tìm được Chân lý của cuộc đời. Bấy giờ, ngài mới vừa 35 tuổi và từ đấy ngài được người ta gọi là Phật, chữ Phật chỉ có nghĩa giản dị và khiêm tốn là người giác ngộ tức là hiểu biết thông suốt, giác ngộ lẽ sống và cuộc sống. Ngài đã hiểu rõ nguồn gốc của mọi sự đau khổ và sinh tử trên đời.

Sau khi giác ngộ, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp ròng rã 45 năm trong mọi từng lớp xã hội, gieo rắc tình thương, khuyến khích con người bỏ ác, làm lành, diệt bớt sự ham muốn, oán hờn, si mê. Ngài nhập Niết Bàn năm 80 tuổi. 


Các em thân mến,

Trên đây là lược sử Đức Phật Thích Ca để các em đọc nhân ngày Phật Đản. Nói đến Phật giáo, tức là nói đến Tình Thương, lòng Từ Bi, lượng Khoan Dung. Đạo Phật cho rằng chỉ có tình thương mới giải quyết được trọn vẹn tất cả mọi Oán Thù kết nối trên cõi đời này. Phật đã dạy: lấy oán trả oán, oán nọ chồng chất, lấy ơn trả oán, oán ắt tiêu tan.

Chúng tôi mong rằng nhân ngày Phật Đản, dù các em ở tôn giáo nào, các em nên theo gương ngài, gieo rắc Tình Thương cho nhau để trong lòng các em không còn những oán hờn, thù hận, để cho đời sống các em được thanh thản, an vui, các em sẽ thấy hạnh phúc hơn lên.


 Thân mến chào các em        
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 89, ra ngày 13-5-1973)

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Mùa Hè Với Học Sinh


Từ trước đến nay, hè vẫn là mùa gây cho học sinh nhiều xao động buồn, vui lẫn lộn. Có lẽ trong bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), hè là mùa được giới "mài đũng quần" để ý và có tình cảm hơn hết. Sự kiện này biểu hiệu qua các thơ văn dưới mọi hình thức báo chí từ trước đến giờ.

Tuy nhiên, để tìm hiểu cảm tình của học sinh về mùa hè một cách rõ rệt hơn, thực tế hơn, trong một tuần qua tôi đã xách xe hoặc lội bộ đi nhiều nơi thuộc khu vực Saigon, Gia Định và Biên Hòa, để phỏng vấn giới trẻ thuộc thành phần học sinh về mùa hè. Với danh nghĩa tạm là "phóng viên tuần báo TN". Cuộc phỏng vấn này có kết quả khá tốt đẹp nhờ các học sinh tham dự vui vẻ, nhiệt thành.


NHỮNG PHÚT ĐẦU : MÙA HÈ LÀ THẢNH THƠI

Cuộc phỏng vấn được khởi sự vào chiều thứ ba (10-4) mục tiêu thứ nhất là các trường tư. Vì tôi thấy rằng các trường này đến cuối tháng tư là bãi trường rồi. Trường được tôi "trổ nghề" đầu tiên là trung học Thời Đại ở Nguyễn Huỳnh Đức. Lý do: nhà tôi ở gần đó. Những giây phút đầu tiên của cuộc phỏng vấn có nhiều cái tức cười gần như ngớ ngẩn. Hôm đó, gần 6 giờ chiều, tôi mới rảo bộ đến trường. Đến nơi, đúng lúc trường vừa tan học. Khoái chí tôi cười toe, đứng ở bên này đường chờ đợi. Giây phút, một đám nữ sinh băng qua đường và tiến gần đến phía tôi. Phải cố gắng lắm, tôi mới di nổi đôi chân để chận  đường đi của họ và nở một nụ cười hiền: "Chào các cô". Đám nữ sinh nhìn tôi bỡ ngỡ, rồi quay sang ngó nhau như dò hỏi, song quả không hổ danh là "nữ nhi", chỉ một giây sau họ quay lại chào tôi: "Chào anh". Tôi cười tươi chụp lấy cơ hội lia láu:

- Không giấu gì các cô, tôi muốn làm một cuộc phỏng vấn "chơi" để biết rõ tình cảm của học sinh về mùa hè. Mong các cô vui lòng bỏ chút thời giờ tham dự cuộc phỏng vấn nhỏ này cho vui.

Nói xong một hơi dài, tôi thở phào khoan khoái và hí hửng chờ đợi. Nhưng, ơ kìa đám nữ sinh bỗng dưng quay ra nhìn nhau, mím chặt đôi môi để cố nén tiếng cười khiến mặt họ đỏ rần. Nhưng, có lẽ kẻ đỏ mặt nhất lúc ấy phải là tôi. Thật ngượng chết đi được. Thời may, một cô nàng có vẻ gầy gầy, quay lại gỡ rối cho tôi:

- Xin anh nói rõ hơn, phỏng vấn này để "chơi" hay thực ra có mục đích gì khác?

Tôi thở nhẹ, thầm cám ơn cô nàng và gãi đầu cười:

- Thú thật tôi phỏng vấn đây là để làm một bài phóng sự cho tuần báo TN.

Cô nàng tròn mắt:

- Ý! Thế ra anh là "phóng viên TN"?

Tôi lúng túng:

- Ơ phải... à mà không... ơ thì cứ tạm gọi là thế.

Cô nàng phì cười:

- Có thế tụi này mới trả lời cho anh, nào xin mời...

Tôi thấy tưng tức, song cố làm màn vui vẻ:

- Cám ơn cô, tôi có vài câu hỏi ngắn thôi (tiếp luôn), câu thứ nhất: Xin các cô vui lòng cho biết khi hè tới cảm tưởng của các cô ra sao.

Một cô hộ pháp khẽ nháy mắt với các bạn, rồi cười:

- Ồ! Vui lắm. Bởi sau bao tháng mệt mỏi vì học tập, được dịp nghỉ ai mà hổng khoái.

Tôi ghi vội lên tập giấy câu trả lời đó, và quay sang mấy cô kia:

- Còn các cô thì sao ạ?

- Như bạn tui.

- Vâng! Tôi xin đưa ra câu hỏi thứ nhì: Ngoài những yếu tố vừa nêu, còn những yếu tố nào khiến các cô thích mùa hè?

Các cô quay sang nhau như dọ ý, sau những cái gật nhẹ, cô hộ pháp lại trả lời:

- Tôi xin trả lời cho tôi nói riêng, và các bạn tôi nói chung. Yếu tố sau khiến tụi tôi ưa hè vì chúng tôi được rảnh rỗi, có thể đi pic-nic, xi-nê v.v... tùy ý thích.

Ghi xong câu trả lời, tôi tiếp luôn:

- Vâng, thế qua các cuộc pic-nic hè hay giải trí hè các cô có thấy gì là bổ ích không ạ?

Vẫn người trả lời cũ:

- Bổ ích lắm chứ. Chúng tôi được thoải mái, học thêm được những điều mới lạ...

- Như thế, mỗi khi hè đến các cô thích lắm phải không ạ?

- Phải.

- Vậy chia xa nhau không làm các cô buồn sao?

- Có chứ, nhưng vài ngày sau là hết liền.

Khẽ liếc đồng hồ, tôi vui vẻ:

- Thôi, thế tạm đủ rồi. Cám ơn các cô và xin chào.

Đám nữ sinh chào lại rồi bước đi, nhưng những tiếng cười khúc khích của họ vẫn còn vẳng lại. Phớt tỉnh, tôi nhanh nhẹn tiến đến quán sinh tố gần đó, để phỏng vấn mấy ông học sinh đang giải khát. Sau lời chào xã giao, tôi lại nói phỏng vấn chơi, để lại bị cười vào mũi. Bí quá, tôi đành giới thiệu đại là "phóng viên TN". Họ mới vui vẻ trả lời, kết quả được ghi nhận như sau:

Câu thứ nhất họ trả lời:

- Rất vui. Vì được thảnh thơi qua 1 năm học điên đầu.

Câu thứ hai hơi tếu:

- Yếu tố nữa khiến tụi tôi khoái hè, vì được thảnh thơi chơi giỡn hợp "gu".

- Tuy nhiên, khi hè về phải rời xa thầy bạn, trường, anh vẫn buồn chứ?

- Có, mà ít lắm.

Tôi cất bút vào túi chào nhóm nam sinh và toan quay gót, nhưng một cậu gọi giật lại cười hì hì:

- Tôi xin nói rõ, những câu trả lời vừa rồi chỉ hợp với bạn tui. Còn tui thì khác. 

Tôi móc bút ra, mừng rỡ:

- À! Vậy hả? Vâng xin anh...

Anh chàng ngắt lời tôi:

- Khỏi, tui vẫn còn nhớ những câu hỏi, xin trả lời luôn: hè tới tui vẫn như không, chả vui chả buồn.

Tôi vẫn bình tĩnh:

- Xin cho biết lý do?

- Giản dị lắm "ông phóng viên" ạ! Bởi tôi hổng có mùa hè. Năm nào cũng phải học "cua" lớp hè cả.

Chúng tôi bật cười vui vẻ trước câu trả lời đó. Tôi mỉm cười:

- Anh học lớp hè từ...

Anh chàng cười khì, lại ngắt lời tôi:

- Từ năm Đệ thất lận "ông phóng viên" ơi!

- Tuy nhiên, khi học lớp hè, anh vẫn phải xa cách bạn bè, thày dạy, trường học thân yêu. Và anh phải có...

Anh chàng lại trổ tài ngắt lời, pha trò:

- Nam nhi chi chí như tôi mà "ông phóng viên".

Tôi cười theo, đùa:

- Thế cơ à? Thật là "cổ kim hi hữu". Xin cảm ơn "ông không có mùa hè" và xin chào tất cả.

Chúng tôi đồng nở nụ cười tạm biệt, thân mật...


HÈ CHÁN QUÁ TRỜI

Những ngày kế tiếp, tôi cố mượn xe 1 người chú, lông bông nhiều nơi, phỏng vấn nhiều trường lớn nhỏ như Trưng Vương, Gia Long, Pétrus Ký, Cơ Đốc, Lê Bảo Tịnh v.v... và kết quả cũng chẳng khác gì mấy lần trước nghĩa là đối với phần đông nam sinh: hè là mùa thảnh thơi, vui thú lông bông ; đối với đa số nữ sinh: hè là mùa buồn nhiều hơn vui vì phải xa cách, ít "ngao du" đây đó.

Tuy nhiên, không phải cuộc phỏng vấn được trôi chảy êm đẹp. Nó cũng gặp đôi trở ngại tức cười và không kém phần nguy hiểm ở hai trường Gia Long và Lê Bảo Tịnh Saigon.

Sáng thứ sáu (13-4) Giáo sư hai giờ sau bị đau, lớp chúng tôi được nghỉ. Thay vì về nhà, tôi chạy lên Saigon để tiếp tục cuộc phỏng vấn. Lang bang Saigon một hồi đợi đến 11 giờ trưa, tôi phóng đến trường nữ trung học Gia Long "trổ nghề". Cũng công việc cũ, tôi chận đầu ba nữ sinh, khi ba cô nàng rảo bộ đến gần. Và cũng tự giới thiệu là "phóng viên TN", tưởng cuộc phỏng vấn được vui vẻ chấp thuận. Ai dè ba cô nàng nghiêm sắc mặt thốt lời đầu tiên:

- Xin lỗi "ông" chúng tôi không khoái bị chọc ghẹo.

Rồi vùng vằng, ba cô bỏ đi một nước. Ngớ ngẩn một giây, tôi vội chạy theo phân trần:

- Không phải thế đâu. Nếu các cô không chịu phỏng vấn thì thôi. Nhưng đừng cho tôi là này nọ.

Ba cô nữ sinh vẫn nghiêm nghị:

- Hừ! Có gì là bằng chứng?

Tôi thoáng bối rối, nhưng vụt cười toe lôi "bóp" ra, lấy thẻ GĐTN chìa trước mặt ba cô nàng. Ba cô khẽ liếc qua rồi chợt cười... hiền:

- Ủa? Thế ra "ông" là M.H hả? Tụi tôi cũng là T.N đó.

Tôi thu hồi cái thẻ lại, cười:

- Vâng! Chắc ba cô đã hiểu. Xin chào ba cô.

Tôi toan bước đi, nhưng ba cô nàng gọi lại ngỏ ý "xin lỗi" và xin tôi cứ việc "phỏng vấn" tha hồ. Nhưng phải phỏng vấn lẹ, kẻo người nhà đến đón. Cuộc phỏng vấn có kết quả: Rất buồn khi hè đến, vì không những phải chia tay nhau mà còn phải "cấm cung" học thêm cho giỏi nữa. Cũng vẫn thường làm lưu bút. Suốt mấy tháng hè bị "cấm cung" buồn quá trời.

Chận đầu, phỏng vấn thêm nữ sinh Gia Long khác, tôi có kết quả tương tự như trên, trừ thiểu số là được đi nghỉ hè đó đây, còn đa số... nằm nhà ngủ! Do đó mà "hè buồn quá trời..."

Chiều hôm đó, tôi lông bông tới trường Lê Bảo Tịnh ở Trương Minh Giảng. Lần này phỏng vấn nam sinh trước và được họ cho biết: Hè vừa buồn vừa vui, họ cũng được đi đó đây, nhưng vẫn thấy buồn, chính họ cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Họ cũng làm lưu bút nhưng không tặng quà kỷ niệm. Cám ơn những nam sinh xong, tôi xoay qua nữ sinh và được biết: Hè thật buồn với nữ sinh Lê Bảo Tịnh, vì phải xa lìa bè bạn, thày dạy dấu yêu. Họ rất ít đi chơi, chỉ ngồi nhà giúp việc gia đình và "mộng làm văn sĩ". Cũng rất thường làm lưu bút cuối năm.

Phỏng vấn nữ sinh xong, tôi toan leo lên xe ra về. Bốn anh chàng to lớn đợi sẵn từ bao giờ, chận lại. Họ khiêu khích tôi, họ đe dọa tôi không được giở lối "tán tỉnh" ở đây. Mặc dù tôi trình cả giấy bút và mục đích họ cũng gạt đi. Tốt nhịn, tôi lẳng lặng tính bỏ về, nhưng những lời nhục mạ quá mức cứ tiếp diễn. Nổi giận, tôi quay lại to tiếng, thế là hai đàng đều "thủ võ" sửa soạn nghinh chiến. Rất may cho thân còm của tôi, vài người lính qua đường thấy vậy can ra. Bốn "ông to lớn" chửi thêm vài câu rồi bỏ đi. Buồn bực tôi cũng bỏ về mặc những lời xì xào đằng sau. Hôm đó là ngày gì mà thật xui, về đến nhà tôi chợt bật cười trong nỗi tức, nhủ thầm: "Là ngày 13 lại thứ sáu, hừ! Mình không hề tin dị đoan, ắt hẳn mày muốn cho tao biết sự xui xẻo của mày phải không con số 13?"

Đó thật là những... "khó khăn trong nghề" chăng?


HÈ SƯỚNG GHÊ NƠI

Mặc dầu gặp xui, chiều hôm sau, tôi vẫn lên đàng chu toàn... "nhiệm vụ". Kỳ này, tôi xoay chiều cuộc phỏng vấn, nghĩa là đi phỏng vấn học sinh tiểu học. Ngày hôm đó, tôi gặp nhiều vui vẻ. Vì các em tiểu học thật hồn nhiên ngây thơ và dễ thương. Đối diện với các em tôi được tự nhiên và cởi mở hơn, tuy rằng lúc mới chận đường các em đều sợ sệt tôi cho tôi là... "bố mìn". Kết quả qua các trường tiểu học (như: Võ Tánh, Trương Minh Giảng, Tân Phước...) như vầy: Hè đến các em rất vui, vì khỏi phải đi học, được chơi bời theo sở thích như: nhảy dây, lò cò, bắn bi, bắt dế... Dầu vậy những ngày cuối năm các em thật buồn vì phải xa thày, xa bạn, có em đã khóc nức nở vào ngày cuối năm. Dĩ nhiên các em không biết làm lưu bút, nhưng đã biết tặng nhau những bức hình, quà mọn mùa hè để kỷ niệm.

Một pha rất vui vẻ nhưng không kém cảm động. Đó là ở trường tiểu học Trương Minh Giảng (dưới cầu T.M.G một quãng ngắn). Chiều hôm đó, cũng gần 6 giờ. Tôi đứng ngay ở cổng trường để đợi các em tan học. Lúc được "trổ nghề" tôi chận ba em gái khoảng trên dưới 11 tuổi. Lần này, tôi thay đổi chiến thuật với nụ cười thật hiền như... tiên:

- A! May quá. Chào các em.

Ba cô bé ngỡ ngàng nhìn nhau, rồi nhìn tôi, ba cô bỗng nhiên đâm ra sợ sệt quay đi nơi khác. Tôi vội chạy theo ngồi xuống cười nhỏ nhẹ:

- Các em đừng sợ, anh là người của báo T.N tới thăm các em đó mà.

Ba cô bé vụt mừng rỡ, reo lên:

- Ủa? Thế ra anh là "người T.N hả? Tụi em coi báo này hoài à. Báo hay ghê anh ơi.

Tôi mừng húm:

- Ủa? Thế à? Thích nhỉ.

Ba cô bé bỗng nhiên trở nên bạo dạn, hỏi han liên miên về tôi, nói liên miên về tờ báo. Khiến tôi chẳng sao đáp kịp, sau sợ mất thì giờ, tôi buộc lòng chận ngang:

- Ừ! Báo hay ghê. Mà các em cho anh hỏi cái này nha, chịu không?

Ba cô bé rạng ngời ánh mắt, vui vẻ cười:

- Dạ chịu.

Tôi cười nhẹ:

- Anh muốn hỏi các em khi hè tới các em vui hay buồn?

Ba cô bé thích thú cười tươi, nhao nhao:

- Vui lắm anh ơi! Chúng em khỏi phải học nè, được chơi lò cò, nhảy dây đã đời nè. Sướng ghê nơi.

- Thế cơ à? Mà hè các em có đi đâu hông?

- Hông anh ơi! Nhưng vui lắm, được chơi hông à.

Tôi phì cười trước vẻ hồn nhiên, ngây thơ của ba em và toan hỏi thêm, thì người nhà tới đưa ba em về. Tới lúc đó tôi mới biết là ba chị em. Khi lên xe, ba em còn ngoái cổ lại la to:

- Tụi em về nghe anh.

Tôi vẫy tay, nói với theo:

- Ừ! Về vui nha.


TỔNG KẾT

Như vậy mùa hè là mùa được học sinh có cảm tình hơn mọi mùa khác, là mùa gây cho học sinh biết bao xao động buồn, vui, thương, tiếc, hận.

Có người vui vì hè được nghỉ ngơi, du ngoạn, đi chơi thỏa thích. Có người buồn vì phải xa nhau và ít được đi đó đi đây. Có người buồn và vui vì phải chia ly nhưng vẫn được đi chơi hè v.v...

Tuy nhiên, dù sao đi nữa, mùa hè vẫn là mùa gây được nhiều cảm tình trong giới học sinh và gây cho họ nhiều xao động thân tình. Sự kiện này được bày tỏ rõ rệt nhất là đa số học sinh đều làm lưu bút kỷ niệm. Dù đối với phái nam vốn cứng dắn, ưa thích mùa hè đi chăng nữa.


MAI HOẠT   
(Sơ hạ 1973)   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Quyển Lưu Bút


Tôi băn khoăn không biết mình nên viết như thế nào đây cho nó chải chuốt. Từ nãy đến giờ cứ viết rồi lại vo viên không biết bao nhiêu tờ giấy nháp rồi, ý hay vừa "xuất hiện" được mấy câu lại nghẽn lại tức ghê. À! Mà tôi ngu thật, lưu bút thì mình nghĩ gì viết thật ra, tỏ hết nỗi lòng của mình khi sắp phải chia tay nhau chứ, ai lại chỉ cần những lời giả dối, chau chuốt bên ngoài đâu. Thế thì được rồi, tôi cứ nghĩ gì thì cứ viết ra rồi sửa lại mấy hồi. Tôi đặt bút viết ngay:

- "Các mến, hè về rồi, buồn ghê! Tụi mình lại phải chia tay nhau nữa. Không biết niên học tới mình có còn gặp lại nhau nữa không? Hay lại "... nghìn trùng xa cách..." Thôi tôi có đôi lời lưu lại trên cuốn tập này, cầu chúc bồ sung sướng với một mùa hè đầy vui thú. Bạn thân của bồ..."

Tôi buông bút, đọc lại từ đầu. Ôi chao ôi, sao nó nhạt nhẽo khô khan thế này, phải làm lại tất cả. Tôi gạch đánh soẹt rồi viết lại:

- Các thân mến, hoa phượng vĩ nở đỏ ối báo cho chúng ta một mùa hè lại về, buồn ghê bồ nhỉ?"

Tôi đọc lại nhưng sao nó có vẻ cải lương "sáu câu" quá đi mất. Bực ghê. Lại gạch, lại xóa, lại viết lại, nghĩ muốn nát óc.

"Các mến, ve sầu lại kêu re re re nghe buồn... cười ghê..."

Ấy! Bảo buồn sao lại còn buồn cười đúng là khôi hài "dô diên". Dẹp! Viết lại.

- "Các mến, mình chả có gì để tâm sự với bồ cả, chỉ có đôi lời vắn tắt cầu chúc bồ vui hưởng một mùa hè đầy thích thú, mong sao chúng mình lại gặp nhau vào niên học tới. Bạn thân của bồ..."

Chà! Tuyệt thật! Văn lần này sao mà "ve ri gút" quá đi mất, tuyệt! Tuyệt thật! Không giả dối thực tế, lại còn "văn chương chải chuốt" nữa chứ. Tôi hài lòng quá vọt ngay lại phía tủ lạnh bưng ra một bình sữa đậu nành, tự thưởng mình bằng một hớp sữa ngọt lịm. Tôi để luôn bình sữa trên bàn để chốc chốc lại tu cho khoái khẩu. Tôi nắn nót viết hàng chữ "Các mến" bằng màu "Tét Nít Cô Lo" trông cứ như là rồng bay phượng múa trên nền trời có mây ngũ sắc í (Xạo!) Công nhận nó đẹp thật mà lại công phu nữa chứ. À! Chỗ này mình dán cái hình vào là hợp lắm. Tôi moi móc cái bóp của tôi một lúc mới lôi ra được một tấm hình được coi là "bô giai nhất" (Ấy! Cái này còn để coi lại à.) Tôi cẩn thận phết hồ rồi dán ngay ngắn lên một góc trang lưu bút. Thế là xong! Nhưng sao tôi thấy hình như nó thiếu cái gì á. Tôi chợt nhớ rồi lại tủ sách tìm mấy quyển Thiếu Nhi đem ra trích mấy câu "lời hay ý đẹp" nói về tình bạn. A! Đây rồi, câu này thật là đầy đủ ý nghĩa:

"Về toán học, 1 + 1 = 2, nhưng về tình bằng hữu thì 1 + 1 = 1." Tôi chép câu này xeo xéo ở một góc trang bằng màu đỏ tô hồng.

Xong rồi, bây giờ mình vô đề là vừa. Tôi cố gắng viết cho nắn nót, thật đúng là "Mít xông, em pốt síp" vì nét chữ tôi như là gà bới ấy, quen viết tháu rồi mà. Cả nửa tiếng sau, tôi mới buông được cây bút, thở một cái dài thoát nạn, thật là một công trình vĩ đại (có lẽ vậy!) Đồng hồ điểm 12 tiếng, mẹ tôi gọi vào ăn cơm trưa rồi, tôi để nguyên quyển lưu bút trên bàn, ngắm nhìn tuyệt tác kỳ công (xạo nữa) của tôi một lần nữa rồi mới bỏ vào phòng ăn, trong lòng cảm thấy khỏe ru. Ăn xong, tôi mới nhớ là mình còn để bình sữa đậu nành để uống tráng miệng ở phòng học, tôi tà tà bước vào thì: Oái chà chà! Láo thật! Con mèo Mina dám leo lên bàn của mình để... uống vụng sữa. Tôi quất cho nó một roi rồi đuổi đi, nhưng cửa phòng đã đóng, nó đành ru rú nấp dưới gầm tủ sách. Tôi bực mình liếc lên bàn thì lại nữa: "Trời đất quỷ thần ơi!!! Những dấu chân be bé xinh xinh in vết lem luốc trên trang lưu bút. Tôi lặng người, tiếc xót cả ruột, rồi cơn giận bừng bừng bốc lên nóng cả mặt, sẵn vẫn còn cầm cây phất trần trên tay tôi sục sạo tìm con "mất dậy" Mina. Bây giờ nó đã rúc vào gầm tủ. Tôi cúi rạp người xuống thò tay vào xách cổ nó ra nhưng đã muộn, nó vọt ngay lên bàn rồi đứng rúm ró trên chồng sách "Phăng xe". Tôi nhắm ngay nó, phóng một phất trần nên thân, nhưng báo hại, trúng đòn nó nhẩy cẫng lên kêu eo éo rồi phóng loạn xạ hất đổ bình sữa đặt cạnh cuốn lưu bút: xoảng! Tiện đà nó phi luôn qua cửa sổ gần đấy, mất hút. Tôi khựng người, mắt trợn tròn, miệng há hốc ra, tay buông hững hờ cây phất trần xuống đất, lặng nhìn dòng sữa loang lổ trên mặt trang lưu bút. Hàng chữ "Các mến" đã nhoẹt ra đủ màu xanh đỏ tím vàng hòa lẫn với sữa thành một thứ màu kỳ dị len lỏi giữa những mảnh thủy tinh vỡ. Tôi chết điếng người, thế là toi quyển lưu bút của thằng Các mới tinh, không còn vớt vát được gì. Giây lâu, tôi mới sực tỉnh, như vừa qua một cơn ác mộng, mắt vẫn cứ hoa lên nhìn từng giọt sữa nhỏ từ mặt bàn xuống đất nghe "chóc, chóc" tưởng như những giọt nước mắt của thằng Các (thằng này có lẽ ưa khóc à nhe) tiếp theo là cơn giận khủng khiếp nổi lên đùng đùng. Lần này tôi rút cái chổi dài to tướng hùng hổ đi truy nã con vật khốn nạn (khiếp!) Nhưng nó đã chễm chệ trên mái nhà, vừa liếm chỗ đau vừa kêu: meo meo. Tôi lồng lộn lên đổ hết cơn giận của tôi lên đầu con em tôi một cách vô lý, tôi sỉ vả nó nào là:

- Sao mày ngu thế hở? Mèo gì mà như đồ chết toi thế mà cũng nằng nặc đòi mua về.

Em tôi chả hiểu chuyện gì sợ xám xanh cả mặt. Tôi trông thấy thế, ngứa mắt quá, định co chân đá một cú vào mông, nhưng con nhãi đã nhanh nhẩu tu mồm lên khóc (con gái có khác) Tôi hơi chột dạ, vội vã bỏ lẹ vô phòng. Cơn giận nhờ thế nguôi ngoai, tôi ngẫm nghĩ mới biết mình đã mắng con em một cách vô lý thật. Thôi thì đành moi tiền đi mua cuốn khác rồi năn nỉ đền cho thằng Các, thật là ê mặt mà lại còn sắp sửa bị ê mông. Thế nào mà mẹ tôi chẳng phết cho tôi mấy roi về tội ăn hiếp em vô cớ. Tôi thù giống mèo cũng từ đấy...


LÊ QUANG UY    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Bầy Vịt Con


Tôi đang gật gà gật gưỡng, ngáp lấy ngáp để trước quyển vở toán và chồng sách. Gớm! Bài toán đại số nầy sao mà khó thế! Chợt tiếng tụi em tôi đằng sau nhà reo vang: "A! A! Chị Thanh đi chợ mua vịt về. Ô! Vịt con xinh quá... Con này của em... Con này của em..."

Cơn buồn ngủ, chán nản bỗng dưng bay mất hết. Tôi vừa toan vùng dậy chạy ra xem thì tự chủ được, ngồi ngay lại. Có phần của mình mà, lo gì. Chúng tôi đứa nào cũng gửi tiền chị Thanh mua dùm sáng nay trước khi chị đi chợ Mình phải tỏ ra mình là người lớn chứ, đâu còn nhỏ nhắn gì như con Loan, thằng Sơn, thằng Phú, con Vân nữa. Dù sao cũng đường đường là một nữ sinh đệ ngũ. Nhưng bụng thì nghĩ vậy mà chân tôi cứ muốn chạy bay ngay ra... Lúc nãy thằng Phú con Vân vừa lại bên quấy rầy, tôi nổi cáu nạt chúng ; giờ mà cũng chạy ra reo lên, vui thích như tụi nó thì chẳng hóa ra ngang hàng chúng hết sao! Vừa may quá, thằng Phú con Vân nhanh nhẩu chạy bay vào kêu vang:

- Chị Liên ơi, ra xem vịt con đẹp ghê lắm cơ!

- Mau mau...

- Im đi! Làm gì mà ồn vậy! Có để yên người ta làm bài không?

Không buồn để ý đến hai khuôn mặt ngây thơ vui vẻ đã xịu xuống, tôi đứng dậy thong thả nối gót chúng... Những tiếng chiêm chiếp đưa rõ dần tới tai tôi. Chị Thanh đang đứng rải cơm nguội miệng mỉm cười. Tụi em tôi vây chung quanh... Giỏ không đựng vịt nằm ngã nghiêng bên bàn đồ ăn, con Vện đang hỉnh mũi đánh hơi mùi thịt tươi quanh làn...

- Chị Thanh kìa! Để giỏ đồ ăn đấy chó ăn sao?

Nghe tôi la, chị giật mình quay lại xua con Vện đi, bỏ đàn vịt, xách làn đồ ăn vào bếp. Tôi xà xuống thế chỗ chị Thanh:

- Bầy vịt xinh quá nhỉ!

Đàn vịt đúng mười con, con nào con nấy to bằng nắm tay, nở cũng được mười ngày rồi. Chị Thanh lựa sao mà khéo thế: từng cặp từng cặp đồng màu riêng biệt: cặp đen tuyền, cặp đen pha vàng, cặp thì xám xịt ; ồ, hai con vàng mượt mới đẹp làm sao! "Tao lấy hai con này!" Không chần chờ tôi chọn hai con ấy... Bọn em tôi nhao nhao lên phản đối:

- Không. Của chị Liên cặp đen kìa.

- Cặp vàng ấy của con Vân đấy!

- Nó em út nên được ưu tiên thằng Sơn thêm.

Tôi không chịu thua:

- Tụi bây biết gì. Tao ưng lấy hai con này đấy. Làm sao?

- Mà chị Thanh cho con Vân. Đáng lẽ em được trước cơ! Con Loan chả chịu.

Thằng Sơn sừng sộ:

- Chị lớn rồi mà giành.

- Im đi! Tao muốn cặp vàng Tôi tức quá.

- Chị độc tài!

- Của con Vân!

Thằng Phú quát giả tôi cái nạt ban nãy. Tôi tức quá vừa giang tay... thì má tôi đứng đấy kịp trông thấy:

- Liên! Mày lớn rồi mà như trẻ nít thế? Con nào chả được. Của con vân, mày có muốn thì dỗ nó tử tế nó nhường cho chứ!

Tôi liền xuống nước dỗ con Vân cho được cặp vịt vàng để trả thù tụi con Loan, Sơn, Phú đang nhìn tôi thích thú vì tôi bị má la...

- Vân nhé, cho chị nhé... Rồi chị cho trái ổi đẹp lắm... Cặp đen đẹp hơn: mỏ đen, chân đen, trông giống như là hiệp sĩ thời xưa chị hay kể cho Vân nghe đó!

- Ê! Ê! Chị Liên nịnh.

- Đừng đổi Vân.

- Em hông đổi Con Vân được thể, phụng phịu lên nước.

- Tụi bây im không! Tôi nổi cáu, song kiên nhẫn Này Vân, đổi cho chị, chiều chị dẫn đi dạo mát... Cặp đen đẹp hơn nhiều!

- Đẹp sao chị còn đổi Con Loan ngắt lời tôi.

Tôi phết vào tay nó một cái:

- Mày có câm không... Đừng nghe tụi nó Vân!

- Con Liên xấu lắm nhỉ Má tôi nói.

Nghe đến đi dạo, con Vân thích quá bằng lòng liền.

Bầy vịt con mới về còn đang ngơ ngác trông rõ ra là lũ con lạc mẹ, đứng cả lại một đống với nhau thật sát... Lát sau thì chúng quen với chúng tôi, bắt đầu tíu tít mổ cơm, thỉnh thoảng một vài con chạy đuổi ruồi bành bạch khiến con Vân thích chí cười vang, hở cả hàm răng sún và đôi má phúng phính hồng hào buộc tôi phải hôn nó một cái thật kêu...

- Bây phải làm chuồng, kiếm chỗ cho chúng ở chứ, cứ ngồi xem mãi cho đến tối à Chị Thanh nhắc chúng tôi khi chị đang rửa rau.

Thế là chúng tôi để bầy vịt cho hai đứa nhỏ giữ, hỉ hục họp nhau kiếm sắt, kiếm lưới, đào đất xây một cái chuồng nhỏ trong góc sân... Khoảng mười lăm phút sau thì xong. Cái chuồng tạm cho là kiên cố tuy chưa có mái, bốn miếng sắt ví lại thành hình chữ nhật, mèo chuột muốn xực không phải là khó. Chúng tôi bắt từng con bỏ vào trong, lấy cơm nước cho chúng ăn uống tắm rửa. Chúng tôi ngồi say mê hàng giờ, theo dõi từng động tác của chúng, chúng thi nhau mổ cơm, cả chục cái mỏ xinh xắn rà sát dĩa ; chạy đuổi ruồi, mổ những hạt cơm vương vãi trên lưng con khác ; chúng gãi đầu rỉa lông tắm ; chúng dẫm luôn lên cả dĩa cơm đục ngầu những đất mà chúng vẫn ăn bình thản, loài vật quả có khác.

- Chà! Súc vật khỏe quá chị Liên nhỉ? Ăn uống bẩn thỉu gì cũng xuôi hết, loài người mà thế thì khỏe quá - Thằng Sơn chợt nói.

- Mày ngu lắm. Con người khác loài vật là ở chỗ đấy Tôi nói.

- Nhưng mà phải công nhận là loài vật mạnh hơn người Sơn nói.

- Chúng mạnh thể xác nhưng trí óc ngu đần. Tạo hóa ban cho loài người trí khôn... Thế mới công bằng chứ! Ở đời có gì hoàn toàn tuyệt đối đâu.

Tôi lý luận bắt thằng Sơn phải im. Con Loan bảo:

- Thằng Sơn muốn khỏe cho vào ở chung với vịt!

- A ha! Anh Sơn ở chung với vịt Hai em út tôi reo. Thằng Sơn cãi:

- Nhưng tao có phải là vịt đâu.

Má tôi xen vào:

- Phải rồi. Nếu Sơn là vịt thì tụi con là vịt tuốt.

Cả bọn cười. Thằng Phú lém lỉnh:

- Và má là vịt mẹ!

Tụi tôi cười vang. Má nói ôn tồn:

- Ờ. Má là vịt mẹ, sinh bây là vịt con, nuôi bây lớn để bây kêu má là vịt đấy.

Rồi má thêm: "Má chỉ khác vịt mẹ là sinh bây ra mà nhất quyết không cho ai bắt con má đem đi bán như lũ vịt kia".

Chiều tôi đi học về là lại xà ngay bên chuồng vịt ; tụi em tôi cũng thế, quên cả mọi công việc khiến ba tôi phải đe quật chết hết chúng tôi mới trở lại công việc nhà. "Bây xem mãi chúng không lớn đâu". Chị Thanh nói vậy. Mà cũng có lý, vì mình cứ nhìn mãi quen mắt đi, không nhận thấy sự tăng trưởng cơ thể của chúng.

Tối chúng tôi bỏ đàn vịt vào trong giỏ mây để dưới bếp. Tôi sắp sửa đi ngủ thì nghe thấy tiếng vịt kêu vang cầu cứu ; tôi dẫn đầu bầy em chạy túa cả xuống bếp, mắt tôi thoáng thấy bóng một con chuột cống vụt đi trong đêm tối. May quá chưa hề gì. Chỉ một con bị trầy da chân vì chuột kéo, máu đỏ ối, con ấy chính là con có bộ lông vàng mượt trong cặp vịt yêu quí của tôi. Lũ em tôi phụ tôi lấy thuốc đỏ băng bó cho nó ; và kiếm chỗ để chắc chắn hơn. Trong tiếng chế riễu vui cười của bầy em tôi, đàn vịt ríu rít như hỏi han săn đón kẻ cùng giòng máu vừa thoát nạn...


Băng Tâm    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 45, ra ngày 15-5-1966)

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Tâm Sự Mùa Hạ



















Ôi! Nói mấy cho vừa tâm sự
ghi vội trong lưu bút đầu hè
và các em như phượng nhớ ve
ngóng dài cổ một mùa học mới

Khi mây mùa hạ bay không nổi
nằm rất ngoan ở một mé trời
che nỗi buồn trên cánh phượng tươi
trông hoài hủy đàn ve năm cũ

Là các em học trò trường Nữ
áo trăm tà thôi hết đan nhau
vở trăm trang cúi chỉ một đầu
thư trăm lá hẹn hò sẽ viết

Là gió nhớ đường xưa lộng tóc
từng đường ngôi lệch dáng trâm cài
sương chiều nào lạnh một bên vai
hòn sỏi nhỏ đón từng gót mộng

Là cửa trường thủa nào mở rộng
thả đàn chim về tổ gần, xa
Chừ khép im nhớ bác cai già
mỗi sáng mỗi chiều giờ đi học

Là hành lang vắng tanh tiếng guốc
khua rộn ràng bao lúc ra chơi
nằm ngủ quên mơ lại giọng cười
tuy xa lắc, tưởng còn hơi ấm

Là bảng đen ngậm ngùi trách phấn
là ghế bàn lạnh chỗ ngồi xưa
là trụ cờ trông tiếng quốc ca
ôi! Nói mấy cho vừa tâm sự

Ôi! Nói mấy cho vừa tâm sự
ghi vội trong lưu bút đầu hè
và các em như phượng nhớ ve
ngóng dài cổ một mùa học mới.

                        PHẠM TƯỜNG VÂN
                                  (Tam Kỳ)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Còn Trong Mùa Hè














Em về nơi ấy
Tắm nắng vườn đào
Ngắm bươm bướm lượn
Nghe lòng xôn xao.

Xuôi thuyền sông nhỏ
Xuống bến cầu tre
Nhớ tình thuở nọ
Nơi đây hẹn hò.

Trái mây ngọt lịm
Tim trắng dịu hiền
Trong không gian nhỏ
Một vùng bình yên

Bóng mát vườn dừa
Hoa lá lao xao
Gửi theo chiều gió
Tiếng hát bay cao

Dài trên thảm cỏ
Xanh màu tình yêu
Hái hoa sim tím
Thanh thản mỹ miều

Còn trong kỷ niệm
Giọt lệ trong veo
Trên trang giấy trắng
Trao hồn đi theo

                            NTTV

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 26, ra ngày 20-5-1972)

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Lá Thư Bảo Đảm


Tan học Tôi đạp xe về. Không khí thành phố ngột ngạt, nóng bỏng...

Vứt chiếc xe dưới chân cầu thang, tôi lững thững lên gác thì tiếng bà chủ nhà gọi giật tôi lại:

- Cậu Hoài, có giấy lãnh thư bảo đảm đây này.

Tôi quay lại, ánh mắt rực sáng, tâm trạng buồn chán tan biến. Tôi chạy xuống đỡ mảnh giấy trắng trong tay bà chủ nhà rồi leo vội lên gác, quên cám ơn...

Tờ giấy lãnh thư bảo đảm đến, xáo trộn hẳn nhịp sống độc điệu của tôi. Một niềm vui thành hình tròn trĩnh. Là một thằng học trò ở trọ, sống xa gia đình, tôi đã phải kéo lê những ngày sống cuối tháng nặng chịch chờ tiền trợ cấp. Nhận được hai, ba lá thư của gia đình gọi về quê nghỉ hè, tôi từ chối với lý lẽ: lợi dụng những ngày nghỉ để ôn lại bài vở và vì kỳ thi đã gần đến. Sự thật năm nay tôi muốn ở lại Sàigòn để thực hiện một vài dự tính mà trong năm học việc đèn sách đã chiếm hết thời giờ rảnh rỗi. Trong lá thư hồi âm, tôi xin thầy mẹ tôi gửi tiền trợ cấp sớm và không quên ghi vài hàng tái bút về khoản tiền "tẩm bổ để lấy sức học thi"! Chờ đợi Cuối tháng, rồi tháng tiếp theo đã qua hơn một nửa, tôi vẫn không nhận được một lá thư nào của gia đình. Tôi sống trong mong đợi băn khoăn, trong khắc khoải và trong... tủi nhục.

Tới trường, giờ nào tôi cũng "chạm trán" với tên thư ký mặt nặng, lạnh, lầm lỳ, lúc nào cũng kè kè quyển sổ đóng học phí. Văn phòng đã hai lần gọi tôi lên cảnh cáo: nếu không đóng đủ tiền học cuối năm, nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm về hồ sơ thi. Mặc dầu tôi rất hiểu câu "châm ngôn" căn bản của học sinh thời nay là "tiên học phí, hậu học văn" (!) nhưng biết làm sao khi mà tiền trợ cấp gửi vào muộn, khi mà mỗi buổi sáng tôi phải cầm hơi bằng nước... lọc!

Trở về nhà, mỗi lần gặp bà chủ, tôi lại được nghe câu "điệp khúc" nhắc khéo tiền thuê căn gác:

- Cậu Hoài thế nào, có về ngoài đó nghỉ hè không đấy? Tôi thì bận quá chả đi đâu được. Lát nữa lại phải lóp cóp lên đàng kia thu xếp tiền nong cho xong. Gớm cái con mẹ đó sao mà "giai" thế, nợ người ta có mấy trăm bạc mà cứ khất lần mãi. Rõ chán!

Dĩ nhiên tôi hiểu ý nghĩa câu nói của bà. Tôi lại năn nỉ và hứa sẽ trang trải món nợ trong ít ngày nữa.

Qua mụ hàng cơm, những lời hứa hẹn của tôi cũng đã trở nên mỏng manh, hão huyền. Mụ dọa sẽ không nấu cơm tiếp cho tôi nữa. Mấy ngày hôm nay, vừa thấy tôi bước vào quán, mụ vội quay gót vào nhà trong. Đứa con gái giúp việc giả cúi xuống sửa lại cái khăn bàn. Những thái độ này không xa lạ với tôi. Chúng chỉ xuất hiện vào quãng thời gian chậm trả tiền cơm. Biết thân biết phận, tôi cứ lặng lẽ ngồi vào chiếc bàn cũ kê trong góc tường. Đứa con gái giúp việc đến, nói không thèm ngó tôi:

- Bà chủ bảo tôi nói với cậu cho tiền cơm tháng trước.

- Nhờ cô nói lại cho tôi chịu một vài hôm nữa. Cô cứ ghi sổ rồi tôi sẽ "thanh toán" sau.

Đứa con gái giúp việc miễn cưỡng dọn cơm cho tôi: một chén nước mắm ớt, mấy miếng thịt mỡ, tô canh loãng, đĩa cơm trắng.

- Cậu dùng tạm, trưa nay cậu ra hơi muộn...

Câu "công thức": "cậu ra hơi muộn, thức ăn nguội cả rồi, ăn vào chả bõ bị... dịch tả" hoặc "cậu ra hơi sớm, thức ăn chưa chín kịp" được dùng để hạn chế bữa ăn và để cảnh cáo sự chậm trễ trả tiền của tôi. Tấn hài kịch này tái diễn hằng ngày và chỉ chấm hết khi tôi nhận được thư bảo đảm gửi tiền trợ cấp. Tôi không oán trách, kêu ca. Đồng tiền đã bịt miệng tôi lại. Những ngày này tôi sống thật sự với ý nghĩa "ăn để mà sống"!...

Nhưng hiện tại, tôi sung sướng. Niềm vui, hy vọng của lần này lớn hơn, mạnh hơn những lần trước tôi nhận được thư bảo đảm. Tấm bưu phiếu sẽ giải quyết tất cả, êm đẹp... Quá yêu đời, tôi có cảm nghĩ tôi là thằng con trai sung sướng nhất...

Hôm nay một ngày gần cuối niên học, ngưỡng cửa của một mùa hè tươi đẹp, tôi sẽ đi lãnh lá thư bảo đảm đựng cuống bưu phiếu. Tôi sẽ có tiền. Bà chủ nhà sẽ niềm nở với tôi. Trong bữa, ngoài ba món thường lệ tôi có quyền gọi thêm thứ khác. Tôi sẽ không còn nằm ẹp trên căn gác nóng như hỏa lò, châm liên tiếp những mẩu thuốc lá đen để đốt thời gian cuối tuần. Tôi sẽ tặng người bạn gái bé nhỏ một món quà đặc biệt.

Mân mê giấy lãnh thư bảo đảm, tôi hát một điệu ca của "Tình Yêu và Tuổi Trẻ". Căn gác trọ chật hẹp đổi mầu: sáng và rộng rãi hơn mọi ngày...

Thay quần áo xong, tôi xuống đường. Niềm vui của tôi đạt đến cao độ: những bước chân nở hoa, có nhạc đệm ; cuộc đời đầy màu hồng màu xanh, có ánh sáng mặt trời, có mùa xuân... Tôi bước đi, đầu ngẩng lên, mắt nhìn thẳng. Bà chủ nhà đang giặt quần áo, thấy tôi đi ngang, dừng tay cười ròn tan. Bà đã đi vào niềm vui của tôi: bà thừa biết mỗi lần tôi ra nhà Bưu-điện là mỗi lần bà có thêm tiền:

- Cậu Hoài đi chơi phố đó hả?

- Dạ, cháu đi lãnh... bưu phiếu. À, thưa bà, chiều nay cháu định sẽ đưa bà tiền nhà đầy đủ cả hai tháng.

- Úi chà! Người nhà với nhau mà cậu cứ vẽ, khi nào đưa chả được. Tối nay cậu về sớm dùng cơm với vợ chồng tôi nhá.

- Cám ơn bà, tối nay cháu bận mất rồi; xin bà để cho hôm khác.

Tôi mỉm cười sau câu nói. Giá ngày nào bà chủ cũng "tử tế" như vậy thì dễ thương biết mấy! Tôi nhảy lên xe, đạp mạnh. Việc đầu tiên của nửa ngày còn lại là đi ăn cơm trưa. Bước vào quán, tôi bắt gặp lại những thái độ khinh nhạt của mụ chủ. Đứa con gái giúp việc dọn bữa cho tôi:

- Cậu đến hơi sớm, thức ăn...

- Không sao, cô cho tôi một chai bia lớn.

Hai con mắt của đứa con gái giúp việc mở tròn, to. Tôi không cần tìm hiểu cảm giác qua nỗi kinh ngạc đó. Hiện tại tôi còn bận với niềm vui riêng của tôi. Tôi bắt đầu cầm đũa. Mụ chủ quán tiến lại, kéo ghế ngồi đối diện với tôi. Sau mấy câu kêu ca thức ăn đắt đỏ, mụ "hỏi xin" tôi tiền cơm. Vừa chìa mảnh giấy lãnh thư bảo đảm, tôi vừa hứa với mụ sẽ trang trải xong món nợ chiều nay. Mặt của mụ nở ra. Mụ cười, nói khen tôi "có duyên, đẹp trai, lịch sự, đứng đắn, học giỏi". Mụ vẫy tay ra hiệu bảo đứa con gái giúp việc bưng thêm cho tôi một đĩa thịt nạc. Sức mạnh của hơi đồng tiền quả thật ghê gớm. Nó có đủ mãnh lực mầu nhiệm thay đổi tính tình, hình dáng con người trong giây khắc. Tôi thầm nghĩ ngay trên lãnh vực sân khấu, người ta cũng không thể tìm gặp được những diễn xuất tài tình đến thế, nhưng trong cuộc đời mọi người đều "đóng kịch" một cách rất tự nhiên, sâu sắc, rất "chỉnh", rất khôn khéo... Đồng tiền đã bóp méo tất cả!

Ngả người trên chiếc ghế, tôi uống từng ngụm bia nhỏ. Nước lạnh thấm vào huyết quản làm dịu những tế bào căng nóng. Đứa con gái giúp việc thỉnh thoảng nhìn tôi mỉm cười. Sao tôi ghét bộ mặt vô duyên đó thế! Bộ mặt chứa đầy sự đểu giả. Bộ mặt phì nộn, đen, láng bóng mồ hôi dầu cắm trên một khối thịt lùn, béo, thô lỗ! Nhìn nó, tự nhiên tôi đem một ý nghĩ về Tạo Hóa. Nếu Hóa Công không phải là một nhân vật tinh nghịch thì cũng là một "người" hết sức khôi hài: tại sao Hóa Công có thể "nghĩ" ra được một bộ mặt "khiêm nhượng tột độ" thế kia để đặt vào một loài tượng trưng cho cái đẹp, cho hiền dịu, tế nhị, cho yếu ớt: Đàn bà?

Nó lại nhìn tôi cười toe toét; mắt híp lại, môi trệ xuống, miệng méo xệch đến tận mang tai. Mấy ngày trước nó thường khinh bỉ, rủa thầm tôi "đồ ăn quịt, đồ nghèo mà ham". Tôi câm lặng. Nó xấu xí nhưng nó có quyền làm thế vì lúc đó tôi không có tiền. Bây giờ tôi sắp lãnh bưu phiếu, nó cười làm lành. Nhưng tôi vẫn bắt gặp được trong hành động cười của nó tất cả sự bỉ ổi, giả dối, trơ trẽn, nham nhở...

Bỏ dở ly bia, tôi đứng dậy đi ra.

Chạy xe ngang tiệm hớt tóc, tôi tạt vào. Đã gần ba tháng nay tôi mới lại tới đây. Gã thợ cạo phải tỉa, xén một hồi lâu cho tóc bớt rậm mới dùng "tông đơ" hớt. Tôi hơi ngượng, nhưng cảm giác này tắt sớm. Gã thợ cạo luôn miệng khen tóc tôi đẹp, đen mượt, nằm sát. Gã cám dỗ tôi uốn, ép, sấy cho giống... tài tử! Để trả lời, tôi giục gã hớt nhanh, không cần cạo mặt. Cuộc đời còn nhiều điều đáng nghĩ hơn là mái tóc.

Khi gã hớt tóc xong, tôi móc chiếc ví cũ ra trả tiền. Một tập giấy biên lai giặt ủi rơi xuống đất. gã thợ cạo cúi xuống nhặt trả lại tôi, cười tủm phơi bộ răng vàng khói thuốc.

- Bao nhiêu, ông?

- Cậu cho 45 đồng.

Tôi đưa cho gã hai tờ giấy hai chục mầu đỏ và một đồng bạc kẽm mười đồng, số tiền cuối cùng của tôi dành dụm để đề phòng khi chiếc xe "giở chứng" hoặc thỉnh thoảng "đáp" chuyến xe "lam" đặc biệt đi thăm Nga, người bạn gái dễ thương.

- Dạ, cậu chờ tôi một chút tôi đi đổi tiền lẻ.

Nghĩ tới quãng thời gian ngắn còn lại để đi đến Bưu Điện, hơn nữa khi vui người ta thường trở nên đại lượng, tôi chép miệng:

- Thôi biếu ông luôn.

Gã thợ cạo mỉm cười cám ơn, tay vân vê hai tờ giấy bạc:

- Lần sau mời cậu... lại chơi!

Ở tiệm hớt tóc ra, tôi đạp xe trực chỉ đến nhà Nga. Nàng đi học. Tôi viết mấy chữ để lại:

"Nga, chiều nay xin phép Ba, Má đi chơi với Hoài nghe. Chúng mình sẽ đi xem chớp bóng, rồi ăn cơm tiệm, chịu không?"

Trên đường tới Bưu Điện, chân đạp xe đều đều, đầu óc tôi bận rộn với những "mục du hí" với người bạn gái:

- Nga ơi, tối nay hai đứa mình sẽ đi dạo phố, xem phim Oliver... Bọn con trai sẽ toét mắt khi thấy Nga xinh đẹp đi cạnh Hoài. Chúng mình sẽ vui, thật vui Nga nhỉ. À, phải rồi! Hoài sẽ mua tặng Nga một món quà đặc biệt, một món quà mà Hoài biết Nga thích từ lâu. Hoài đang đi lãnh tiền trợ cấp đây. Thầy Mẹ thương Hoài lắm, ít nhất cũng gửi cho Hoài bốn, năm ngàn để tiêu dùng trong kỳ hè. Nga ơi, người ta bảo tiền không tạo được hạnh phúc, niềm vui; Hoài thấy không đúng hay ít nữa cũng sai trong trường hợp của Hoài. Nếu không có tiền, có lẽ giờ này Hoài đang giam mình trên căn gác trọ chật hẹp, nóng bức. Nếu không có tiền, tối nay chúng mình đâu có được vui vẻ bên nhau, phải không Nga?

Tới Bưu Điên tôi gửi xe ở ngoài.

- Xin cậu cho tiền giữ xe trước.

- ... bao nhiêu?

- Dạ mười đồng.

- ... Tôi không có sẵn... tiền lẻ... Lát nữa ra tôi sẽ trả bà gấp đôi.

Tôi tiến lại phía "guichet" lãnh thư bảo đảm; tim tôi đập mạnh, nhịp thở lệch đi. Tôi sung sướng như người trúng số độc đắc đi ngân khố lãnh tiền. Tôi cũng sắp có tiền để trang trài nợ nần, để tiêu trong kỳ hè... Cuộc đời đẹp quá!

Lão nhân viên, người gầy, khô như chiếc bã trầu, chìa cuốn sổ cho tôi ký tên rồi trao cho tôi chiếc thư bảo đảm dán đầy tem. Đã nhiều lần tôi đi lãnh thư nhưng chưa lần nào tôi hồi hộp cho bằng kỳ này. Nhìn nét chữ lạ tôi hơi ngạc nhiên. Tôi lật úp chiếc phong bì: một hàng chữ màu xanh hiện ra, nhảy múa trước mắt tôi:

"Phiền Hoài trao thư này lại cho Nguyễn-Sỹ-Bạch. Cám ơn nhiều".

Cả không gian đen tối chụp lấy tôi. Những tiếng thét chát chúa nổi lên bên tai, nhức óc. Một vực thẳm mở rộng dưới chân tôi. Hàng chữ tai quái đã bẻ gẫy con người tôi toàn diện. Cổ họng tắc nghẹn. Chân tay run, mềm nhũn. Mồ hôi nhỏ từng giọt, bò trong sống lưng. Tôi đứng chôn chân giữa lòng nhà Bưu điện. Chung quanh người người ra vào tấp nập nhưng tôi có cảm tưởng mình hiện hữu giữa sa mạc. Như người hấp hối trước khi nhắm mắt vĩnh viễn, tôi thấy lại trọn vẹn quãng thời gian quá khứ: Trước mặt tôi, bà chủ nhà, mụ hàng cơm cười hề hề đón tôi về trả nợ. Tôi thấy đứa con gái giúp việc xấu xí nhìn tôi nheo mắt, cười nụ, tiến lại phía tôi với chai bia lớn. Tôi thấy cô bạn gái bé nhỏ của tôi, bụng đói, đứng chờ tôi dẫn đi dạo phố, đi xem chớp bóng, đi ăn cơm tiệm và... món quà đặc biệt. Tôi thấy chiếc xe đạp của tôi với số tiền gửi xe "gấp đôi"... Tôi thấy những tờ giấy bạc bị một cơn gió lốc thổi bay tung tóe...

Tay vân vê chiếc thư bảo đảm nhờ chuyển giao, tôi không biết nên cười hay nên khóc trước ngưỡng cửa của mùa hè, mùa đẹp nhất của tuổi học trò...?


HOÀNG HÀ         
(những ngày tháng học trò)


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 1, ra ngày 5-5-1971)

Bìa của Vi Vi : Vươn tới

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Từ Cõi Rêu Xanh


Khi mà những chùm hoa đỏ cuối cùng ở trên kia đồng nở ra một loạt thì hẳn là con đường này phải đẹp nhất thành phố, V. nhỉ. Không, con đường nhà V. mới đẹp. V. cãi, lá xanh ơi là xanh, V. thích lá xanh hơn là hoa phượng, vì vậy mà V. không thích mùa hè, V. chỉ yêu mùa xuân thôi. Con bé chu môi. Tôi cười với bóng nắng lấp loáng trên cỏ, đôi chân duỗi dài thoải mái.

Buổi trưa trong công viên nhìn ra con đường này thật yên tĩnh. Silence. Này V., bây giờ phải chi có anh chàng nào đi ngang qua đây nhỉ, ta nghi là thế nào anh chàng cũng trố mắt ra nhìn hai con bé điên ngồi giữa trưa nắng như thế này. Nhưng lỡ anh chàng cận thị thì sao, V. hóm hỉnh cười. Con bé biết chuyện anh chàng P. cận thị bên hàng xóm cứ ngồi ôm cái đàn guitare suốt ngày thấy tôi qua là đánh tưng tưng. Tôi tỉnh bơ cúi xuống trang sách mở rộng đặt trên hai chân, thôi coi truyện cái đã, nói chuyện hoài phí một buổi trưa chủ nhật, mà nói chuyện với cái mặt mi là chúa hay kê tủ đứng với móc méo thiên hạ, chỉ thêm nản. V. cười, cúi xuống trang sách của nó. Bóng nắng hực hỡ xuyên qua tàn cây phượng tôi đang ngồi xuống bãi cỏ loang loáng từ xa nom giống như những chỗ ướt nước. Tôi thoáng nghĩ tới K. ; giờ này anh ấy đang làm gì nhỉ, chắc là không điên như tôi, buổi trưa rủ V. ra công viên ngồi đọc sách. Nhà tôi cũng có một cái vườn, nhưng cái vườn trồng toàn cây ăn trái, không có cây phượng tôi yêu. K. cũng biết tôi yêu hoa phượng kỳ lạ nên thỉnh thoảng vẫn hái một chùm trước nhà anh nhờ nhỏ em đưa lại tôi. Chùm hoa phượng tôi để trên bàn học chơi suốt tuần, khi héo thì đem ép vào sách, tôi có cả một tủ sách để ép hoa phượng, mỗi lần tôi giở ra đọc vô tình làm rơi những cánh phượng bay tung tăng xuống nền nhà lại cuống quýt lượm từng cánh bỏ lại trong sách, đối với tôi, đó là những cánh hoa của kỷ niệm. V. không yêu hoa phượng như tôi, con bé có nhiều cái trái ngược tôi ghê lắm. Nhưng hai đứa vẫn thân nhau, một lý do dễ hiểu là vì nhà tôi gần nhà V., hai con đường thẳng góc nhau. Buổi chiều V. thường sang rủ tôi đi học, hai đứa cột hai cái bím tóc giống hệt. Có lần K. bảo anh đứng trước cửa lớp học nhìn ra sân trường thấy H. với V. như hai cánh bướm, hai cánh bướm màu xanh. V. khoái cái mỹ từ mà K. ban cho lắm, nhưng tôi lại không thích, tôi thấy nó kỳ cục vô duyên làm sao. Tôi thắc mắc ngây thơ. Tại sao trong mắt K. không chỉ là một cánh bướm thôi mà lại đến hai nhỉ. Về nhà tôi làm ngay cái bím tóc khác, khác màu với cái của V. và từ đó mắt tôi vương vương một cái gì nồng ấm, lạ lùng. Hình như tôi để ý hơn từ cách ăn mặc, đi đứng đến ăn nói tôi không hiểu gì cả. Năm nay tôi gần mười sáu tuổi, có ai nói với tôi là tuổi mười sáu có cái gì đâu.

Cơn nắng dịu đi một chút. Tôi nhìn qua thấy V. đã gấp sách lại và lim dim ngủ, trông con bé giống như con bướm đang ngủ thật. Lại nghĩ đến K., tôi nhớ trong lớp có lần thầy T. kể cho chúng tôi nghe chuyện sinh hoạt của trường. Thầy đang say sưa kể, V. bấm tôi thì thầm, ê, H. nãy giờ ta nghe thầy nhắc cô P. hoài, 3 lần rồi đó, con nhỏ Th. ngồi bên cạnh nghe được, đứng lên ngổ ngáo hỏi thưa thầy khi người ta nói chuyện mà cứ nhắc tên một người khác phái hoài thì sao thầy, sao nãy giờ em cứ nghe thầy đọc tên cô P. không. Con nhỏ hỏi trật đường rầy hết trơn, nhưng sự quỉ quái cũng làm cả lớp nhao nhao lên cười ồn ào, con bé B. bảo đó là triệu chứng chàng cảm nàng rồi đấy. Thầy T. đỏ mặt lảng sang chuyện khác bằng cách học bài mới. Còn tôi thì sao, trong thâm tâm tôi đã nghĩ đến K. nhiều hơn thầy T. nhắc đến cô P. nữa. Tự dưng tôi thấy nong nóng ở mặt. Tôi vội vàng phủ nhận, không có, không có gì cả, rồi cuống quýt đứng dậy, cuốn sách rơi xuống bãi cỏ. V. mở mắt hỏi gì thế. Tôi nói thôi về nhà đi V. ạ, ngồi đây nóng quá chừng. V. cằn nhằn nhỏ này lắm chuyện ghê, rủ người ta đi rồi lại đòi về. V. không biết chi cả. Tôi im lặng cười. Hai đứa đi sát vào nhau tránh nắng dưới những tàn phượng vỹ đỏ. Tôi cố xua đuổi hình ảnh V. ra khỏi đầu óc nhưng mà lạ lùng, nó cứ bám sát lấy tôi. Tôi chia tay V. trước cổng nhà mai đi học nhớ rủ ta với nhé. Tôi xô cổng đi chầm chậm trên lối sỏi trắng, cuốn sách ôm sát vào ngực, tôi ngó bốn phía như sợ ai nhìn lén mình, đọc rõ tâm tư mình bây giờ, giá mà lúc này ai biết rõ được tôi đang nghĩ gì nhỉ, chắc là xấu hổ chết thôi. Lúc xô vội cửa phòng bước vào, tôi thở phào một cái như người thoát nạn. Kỳ lạ, sao bữa nay mình như mất hồn ấy thôi. Tôi nhìn qua cửa sổ, lá xanh đong đưa theo gió, những cụm hoa thúy cúc tôi xin nhà V. về trồng đã nở những cánh bé tí mỏng manh dễ thương. Tôi ngồi xuống bàn học, lật lơ đãng cuốn sách đang để sẵn trên đó, cuốn "Uyên ương gẫy cánh" của Kahlil Gibran anh M. tặng tôi dịp tôi vào Saigon chơi một tuần. Mắt tôi lướt nhanh qua những hàng in đậm trên bìa sách sau: "... mọi người sẽ không tin chuyện tình của chúng ta vì họ không biết rằng tình yêu là loài hoa duy nhất sinh trưởng và trổ bông không cần sự trợ giúp của tiết mùa...". Đó là một phần bản chúc thư tình yêu của Kahlil Gibran mà tôi thích nhất. Không hiểu K. đọc uyên ương gãy cánh chưa nhỉ? Tự dưng tôi buồn buồn gấp sách lại. Vậy là coi như hỏng một buổi trưa và một buổi chiều rồi. Tôi leo lên giường mở quạt máy, nhắm mắt. Thôi ngủ đi để quên những chuyện vớ vẩn. Hình như tôi đang dối lòng mình?

Tiếng động êm ái đánh thức tôi dậy là tiếng cạch nhỏ của tiếng quạt máy. Tôi mở mắt ; V. đứng cạnh bàn học tôi, tay cầm cái gì đó, nhìn tôi cười. Giờ này mà ngủ sao công chúa, tôi lười biếng hỏi mấy giờ rồi. V. đưa cái cổ tay trắng của nó vào mắt tôi, đây thưa công chúa, xem rồi dậy rửa mặt đi ta nói cái này cho nghe, hay lắm, 4 giờ 30 phút, vậy là tôi ngủ được gần 2 tiếng đồng hồ. Tôi uể oải ngồi dậy vào phòng tắm. Khi tôi ra ngoài với chút thoải mái và mát mẻ còn đọng trên da mặt, V. đang lật lật cuốn vở tôi để trên bàn. Con bé quay lại cười, xong chưa, bây giờ ta đố mi cái gì đây. Con bé thập thò một quyển sách trăng trắng ở bàn tay giấu sau lưng. Tôi nói. Quyển sách của ai tặng mi đem tới khoe chứ gì. V. trợn mắt, thật không. Tôi mím môi. Thật chứ, bộ sợ à. V. đưa cuốn sách ra trước mặt giả vờ như sắp lật. Tôi đọc thấy trên bìa sách : "Tâm tình hiến dâng". A, cuốn này của Rabindranath Tagore tôi đã đọc sơ qua một lần ở nhà chị L. mà bây giờ vẫn thích. Tôi hơi nao núng. Sách của ai vậy nhỉ. Giấc ngủ dài làm tôi quên mất K., nhưng tôi cũng không nghĩ là của K. nữa. Tôi cầu hòa, của ai vậy V., cho ta xem với coi. V. làm già không, mi nói mi không cần mà. Tôi nổi dóa định làm mặt tỉnh nhưng sao trong tim tôi có cái gì đưa đẩy, nồng nàn. Tôi cầu hòa lần nữa. Cho ta xem đi mà. V. đưa tôi kèm theo cái nheo mắt và một câu dài: "lát nữa phải dẫn ta đi ăn kem đấy nhá". Tôi gật mạnh đầu đón lấy cuốn sách của ai đây. Tôi giở trang đầu tiên. Này, nét chữ của K. như muôn vàn thân thiết mến thương. Chúc lành cho ngày sinh nhật của H. Sao K. biết sinh nhật tôi sắp đến nhỉ. Tôi ngẩn ngơ giở trang kế tiếp, những cánh hoa phượng vỹ úa xếp lẫn lộn vào nhau, với hàng chữ, 16 tuổi cho H. đấy. Anh K. Tôi gọi tên K. trong nỗi bàng hoàng kỳ dị. Giọng V. dòn dã bên tai, anh chàng đến nhờ ta đưa sách cho mi mà lúng túng như đi xem mặt vợ lần đầu. Chắc anh chàng sợ ta coi, mà đời nào ta bất lịch sự vậy đâu phải không H. Thôi ta về cái đã, xem mặt mi ngơ ngác thế kia giống con nai vàng của Lưu Trọng Lư quá thôi. Về kẻo làm mất giây phút cảm động tuyệt vời của nàng. Ta về. Giọng V. cười dòn theo bước chân của nó ra khỏi phòng. Tôi gọi V. làm gì kỳ vậy, anh ấy tặng ta mừng sinh nhật mà. Nhưng V. đã ra đến phòng khách rồi. Tôi hờn giận không thèm gọi nữa nhưng từ trong tim tôi thấy nên để cho V. về là đúng, con bé tế nhị lắm. Mà sao tôi lại nghĩ vậy nhỉ. Tôi và K. đã có gì đâu. Mặt tôi nóng lên, tôi cuống quít chạy đến cửa sổ gọi V. nhưng con bé đã ra đến cổng, dáng nó đi như một cánh bướm.

Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi lâu ở cửa sổ. Có chuyện gì đó. Chuyện gì đã xảy ra. Không có gì hết, phải không. Tôi hỏi tôi, phải không? Và tôi hỏi V. hỏi K. phải không, phải không? Tay tôi vẫn cầm chặt cuốn tâm tình hiến dâng của R. Tagore. Giữa nỗi bàng hoàng tôi như thấy bóng K. dễ thương bên kia đường có hàng phượng vỹ, và chùm phượng đỏ cuối cùng đã đồng loạt nở tung những cánh mỏng manh, những cánh mỏng rơi xuống hồn tôi như những đóa hồng.

*

Anh đã nói gì với em rồi, hở K.?


PHẠM KHÁNH VŨ     


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 26, ra ngày 20-5-1972)

Những chiếc lá rơi

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

TRẮNG














Màu áo thơ ngây ươm đầy mộng mơ

Như hương gió thoảng như mây lững lờ

Trong gió chiều lên tung bay tà áo

Hoa nắng chan hòa, áo đẹp như thơ


Màu trắng trinh nguyên của tuổi học trò

Dưới bờ vai nhỏ e ấp đơn sơ

Em đi trong nắng chiều tan giờ học,

Gió quyện vui đùa tà áo thơm tho


Màu áo yêu thương. Những kỷ niệm vàng

Của đời học sinh thấm thoát đương tan

Bây giờ em thấy vui đầy trong mắt

Ngà ngọc ươm hồng hồn nhiên dư vang


Em ước mơ gì rồi trong tương lai

Dù thời gian mau, dù lãng quên dài

Em còn giữ mãi áo thơm màu trắng

Áo lụa học trò ngát hương trên vai.
                                      

                                           ĐẰNG LINH


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>