Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Khi Mùa XuânTàn Phai













Một buổi chiều kia trời không mưa
Hàng cây buồn bã như tiễn đưa
Tha thiết thật nhiều rồi xa cách 
Nắng bỗng nhạt đi, khóc cũng thừa

Mấy mùa tàn phai, tình cũng phai 
Còn ai trông đợi tháng năm dài 
Khi đã rời xa buồn câm nín 
Nói chẳng nên lời bóng mờ phai

Thấm thoát mấy mùa lúa trổ bông
Mấy mùa mưa nắng kỷ niệm hồng
Khi đã cách xa lòng lắng đọng
Như lớp phù sa trên cánh đồng

Chút bụi đường xa vương mắt ai
Đoá hoa rực rỡ áo xưa cài
Trăng soi lối cũ trong huyền thoại
Một thoáng mơ buồn lạnh thấm vai

                                                   Nhã Uyên

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Con Chuột Nhắt


 Hắn cứ thập thò ở dưới gầm trạn đồ ăn, mắt lơ láo nhìn, cái mũi nhọn hít hít rung rinh mấy sợi râu. Rồi hắn chăm chú nhìn cái hột gạo ở chân giường, rồi bỗng vụt lẹ ra chộp ngay. Tôi chưa kịp có phản ứng, thì hắn đã vụt trở lại, dáng loắt choắt của hắn phóng nhanh về gầm trạn. Tôi ngồi lại, chân xếp bằng tròn, đầu nghiêng nghiêng nhìn vào bóng tối nơi hắn vừa mất hút. Ồ hắn ta đang ăn ngon lành, gậm nhấm từng tí một cái hột gạo. Đôi mắt tinh ma cứ đảo đi đảo lại, rung rinh mấy sợi râu ra chiều đắc ý. Tôi chợt để ý thấy có miếng vải nhỏ nằm ở góc trạn. A! Tên thủ phạm đây rồi. Chả gì hôm nọ tôi phát giác ra cái áo ca rô mới may của tôi bị cắn lung tung, tôi lại còn bị một trận đòn về tội bỏ bê cái áo để lọt xuống gầm giưởng Hừm! Mi phải đền tội tôi nhủ thầm, rồi mặc kệ không thèm để ý hắn nữa. Bỏ lên gác, tôi xé vở cũ ra xếp bì, bỗng nhớ  đến cánh cửa trạn quên chưa đóng tôi hơi giật mình nhưng kệ chốc nữa hãy lo. Xong đâu đấy tôi lại xuống bếp, im lặng, trong tay lăm lăm cái ná cao su và vòng quanh bụng một băng đạn bì. Chà! Hơi mệt, hắn đâu mất rồi, nhưng phải đóng cái cửa trạn lại cái đã. Nhìn lên cánh cửa trạn thì ôi thôi nó mở toang hoang, nhìn vào bên trong thì lại còn giật mình đánh thót một cái nữa. Con chuột nhãi tép ấy đang ngồi chồm hổm trong cái đĩa thịt quay. Tôi ngẩn ngơ rồi cơn tức giận làm tôi nghĩ ra một kế. Tôi phóng nhanh đến đóng vội lại cánh cửa, gài then kỹ càng, tôi hô hào om sòm cả nhà lên, báo động rằng có một tên ăn trộm tấn công đĩa thịt. Cả nhà đang ngủ trưa đều thức dậy, ùa vào bếp. Mẹ tôi lên tiếng trước nhất:


- Thằng Uy làm gì dưới này, sao không đi ngủ... Mà la lối om sòm.

Tôi hơi ơn ớn vì tội không chịu ngủ trưa nhưng lại hãnh diện vì có công tóm được con chuột, nên trình diện liền:

- Có con chuột chế ngự bên trong trạn mẹ à.

- Chết rồi, nó có ăn mất cái gì chưa?

Rồi không đợi tôi trả lời, mẹ tôi xồng xộc chạy lại gần trạn rồi gọi chị tôi lại bảo trong khi chị tôi chắc sợ chuột đang lẩn nhanh lên nhà:

- Chết rồi, nó ăn mất mấy miếng thịt rồi.

Rồi mẹ tôi quay lại mắng chị tôi:

- Sao ăn cơm xong mày không cất vào tủ lạnh hử?

Chị tôi hơi luống cuống, cải chính:

- Thịt quay đâu để được tủ lạnh, mẹ.

- Ừa há! Nhưng trước nhất phải thanh toán nó ngay!

Mẹ tôi trước tiên mở cánh cửa trên ra, lấy đồ ăn ra hết để phòng hờ hắn thoát lên ngăn trên. Sau đó ba tôi phụ với mẹ tôi he hé cửa dưới lùa con chuột vào một góc. Trông hắn lấm la lấm lét, mắt xanh lên đúng như câu ví: Sợ xanh cả mắt. Còn chị tôi thì lẩn lên nhà trên từ hồi nãy. Ngăn tấm sắt làm lịch cũ vào khít ngăn trạn. Xong đâu đấy, mẹ tôi bảo anh tôi đi lấy an-côn hút vào ống chích và tiêm xuống. Cồn được thấm vào bông gòn đặt vào một cái nắp hộp chè, châm lửa cho cháy rồi để lên ghế đối diện với chỗ con chuột trong trạn chả vì trạn này thấp lắm. Anh tôi cầm ống tiêm đầy an-côn, kê mũi kim vào ngọn lửa, rồi từ ngoài bơm an-côn vào tên chuột nhải bên trong. Hắn nhảy lung tung, kêu chin chít vì cồn được bắt vào lửa, thiêu con chuột. Sau một hồi, hắn ta bị hạ. Tôi khoan khoái lên gác vì đã trả thù cái áo và trận đòn hôm nọ. Bỗng ba tôi gọi xuống, ông điều tra cả nhà xem ai đã quên đóng cửa trạn. Tôi giật bắn người lên, tim đập bình bịch vì tôi chính là thủ phạm. Sau một hồi tra vấn, can phạm bị đè ra phất cho ba roi nên thân. Tôi ấm ức trong lòng và lại càng thù lũ chuột hơn trước nữa.


LÊ QUANG UY  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972)

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Bức Tường Xanh


Căn phòng vỏn vẹn có ba thước bề dài và hai thước bề ngang. Chung quanh là những tấm mắt cáo đóng bằng gỗ nẹp. Nắng đã xế qua lớp mái tôn của dẫy nhà bên kia sân, nên những khoảng đốm sáng trên sàn gạch bây giờ bò dần lên vách gỗ. Mặt gạch còn hấp đầy hơi nóng. Cái nóng nung nấu từ buổi trưa đã làm mảng lưng của Thiện như muốn rộp lên. Trong lúc ngủ, mồ hôi ở lưng áo đổ ra ướt đẫm sàn gạch rồi bốc hơi mau chóng. Bây giờ đã bắt đầu có gió hiu hiu thổi. Gió lùa qua khe gỗ đưa vào hơi mát xen lẫn mùi nồng nồng của những cái hôi hám hỗn tạp. Đám rãi rớt của tên áo xanh nằm ở góc phòng còn nguyên sau cơn nôn ọe buổi trưa. Vết loét lở ở ống chân của tên cởi trần đã bị sút băng, bông để lộ ra một vết sâu hoắm, lốm đốm những con ruồi đen đang bám chặt. Hơi thở nặng nề trong giấc ngủ mệt nhọc của sáu, bẩy tên khác nằm ngổn ngang khắp căn phòng. Hai, ba tên khác chập chờn trong tình trạng nửa ngủ, nửa thức vẫn rên rỉ từ mấy tiếng đồng hồ qua. Thiện thấy miệng mình khô đắng lại. Cảm giác buồn nôn chờn vờn trong cổ họng. Hắn cố nhịn để đám rãi trong miệng khỏi ùa ra. Rồi hắn nuốt đánh ực. Hắn cảm thấy dạ dầy nôn nao khiến đầu hắn chòng chành. Hắn chống tay ngồi dậy. Ánh sáng chói lọi ở lớp mái tôn của dẫy nhà bên kia làm mắt hắn tối sầm. Hắn nhè nhẹ xoay lưng lại rồi cố lết về phía vách gỗ. Giấc ngủ vừa qua không làm hắn dễ chịu hơn. Đầu hắn nặng như búa bổ. Vành mắt như dầy cộm lên. Tròng con ngươi cứng đơ lại. Hai bên vành môi thưỡn ra không thể mấp máy. Nước rãi lại ứa ra ở chân răng, nhễu xuống mép và chỉ đến lúc thấy mát ở xương quai cằm, hắn mới nhận thấy và giơ tay lên quệt ngang. Hắn mệt nhọc nhìn quanh một lần nữa khung cảnh buồn chán trước mặt. Những đốm sáng hình ô vuông lên cao hơn nữa trên vách gỗ. Vài mảng màng nhện rách rưới đu đưa trong gió nhẹ. Mái tôn nóng hổi như đang cựa mình lách cách. Thằng áo xanh vẫn nằm ngoẹo đầu ngủ li bì. Đám rãi rớt xen lẫn những hạt lấm tấm trắng lúc ọe ra bây giờ như đã se mặt. Những con ruồi vẫn bám riết lấy đám mủ bầy nhầy vừa xanh, vừa vàng trên vết thương sâu hoắm. Một vài tiếng ú ớ vang lên. Tiếng ngáy khò khè vẫn như một điệu nhạc buồn nản kéo dài từ trưa. Mùi hôi nồng thoảng trong gió ùa vào đầy ắp tới cổ họng của hắn. Hắn lại nuốt ừng ực để chăn cơn nôn ọe vẫn đang rập rình trồi lên từ đáy dạ dầy.

Thiện đổi thế ngồi một lần nữa để dựa một bên vai vào vách gỗ. Qua các lỗ ô vuông của tấm mắt cáo, khoảng sân đất hiện ra chói lòa ánh nắng. Ở dẫy nhà bên kia đã thấy lác đác có bóng người qua lại. Toán trực nhật lo cơm chiều bắt đầu khiêng những thùng nhôm đi xuống bếp. Khu bếp núc trông thẳng được ra dẫy hàng rào ngoài cổng trại, nhưng ngồi ở đấy, Thiện chỉ thấy dẫy bể nước thấp lè tè bằng xi măng có những khóa đồng sáng bóng. Hắn thèm được thấy con lộ đầy bóng mát chạy ven theo hàng rào. Con lộ thẳng tắp, hai bên là cây cao. Qua lùm cây xanh, phía bên kia là con sông êm đềm với tiếng sóng vỗ róc rách.

Đã hai tuần nay rồi Thiện chưa được trông thấy con sông, cũng chưa được thấy cả con lộ thẳng tắp chạy men theo hàng rào. Lộ trình một ngày của hắn chỉ là bước qua khu sân đất để sang dẫy nhà tôn ở mé đằng sau. Một ngày ba lần. Hai lần cho bữa cơm và một lần ở phòng thuốc. Giọng nói ngọt ngào quen thuộc của viên y tá già còn vẳng bên tai:

- Ráng đi con. Chỉ cực mấy ngày đầu. Rồi sẽ êm hết. Sẽ êm hết thiệt đó mà...

Thiện đã từng đón những viên thuốc mầu hạt dẻ như một cái máy vô tri. Mầu xanh của khói thuốc như đang dựng trước mắt hắn một bức tường xanh. Bức tường cao vòi vọi, cuồn cuộn nung nấu, sôi sục rồi bủa ra, vây quanh che mờ lấy mắt Thiện. Nó thấm vào từng lỗ chân lông, bám riết lấy từng sợi máu, ùa vào lục phủ ngũ tạng biến thành những con sâu gậm, nhấm, đục, khoét. Thiện rú lên như con vật bị chọc tiết. Hắn quờ tay về phía trước. Đầu hắn chúi xuống. Hắn muốn với tới bức tường xanh. Nhưng hai tay hắn đã bị kìm cứng lại. Tiếng khóa sắt lách cách hình như xen lẫn với chính tiếng hắn gào. Hắn gào thật to như trút tất cả sức lực vào cổ họng. Rồi hắn rũ xuống. Hắn thấy bức tường đổi sang sắc đỏ, rồi sắc tím, rồi tất cả tối đen lại. Hình như có nhiều tiếng người lao xao. Hình như vòng xích đang cột sát hắn vào vách tường. Hình như những đứa khác cũng đang kêu gào. Hắn mệt quá. Hắn muốn níu lấy một cái gì có thể bấu víu. Hắn nghĩ đến mẹ và em gái. Hình ảnh cằn cỗi của mẹ hắn hiện ra chập chờn. Căn nhà cũ. Căn phòng cũ. Tiếng khóc nỉ non của đứa em gái ở đầu thềm. Tiếng con heo đất rơi vỡ tan tành trên sàn gạch. Tất cả những cái đó đã xẩy ra. Như mới xẩy ra. Hắn còn giữ nguyên cái cảm giác lúc hồi hộp rón rén đem con heo đất từ đầu giường mẹ (lấy dưới lớp giẻ rách bùi nhùi) để đi ra cửa phòng. Rồi hắn vấp phải chiếc ghế. Con heo vỡ tan tành. Hắn đứng chết trân ở đó, trước những đồng bạc cắc vừa chạy, vừa reo trên kháp mọi ngõ ngách trong căn buồng chật hẹp. Mẹ choàng dậy. Tiếng khóc bắt đầu cất lên kéo theo tiếng khóc của đứa em gái. Hắn nổi giận với tất cả mọi người, mọi vật chung quanh. Hắn xô cái ghế báo hại nằm giữa lối ra vào. Hắn muốn gầm lên để bịt lỗ miệng đứa em gái. Nó có quyền gì. Nó là cái thá gì chứ. Hắn trút nỗi giận vào đám ly tách sứt mẻ, cáu ghét trên mặt bàn. Có tiếng thủy tinh vỡ. Hắn nghe như sự đổ vỡ của chính lòng mình.

Hắn vội vã quơ mớ tiền giấy nằm ngổn ngang trên mặt đất rồi vùng lên như chạy trốn. Tiếng khóc còn như đuổi theo sau. Nhất là khuôn mặt của mẹ. Khuôn mặt khô cằn, hốc hác với đôi mắt lõm sâu bám riết lấy hắn. Hắn thấy tức thở. Đầu óc như bị bó chặt lại. Hắn vùng vẫy để thoát khỏi cơn ám ảnh của khung cảnh kinh hoàng vừa xẩy đến. Cảm giác ngỡ ngàng lúc con heo rớt xuống đất như đóng đinh trên mặt hắn, không rời. Hắn nghĩ đến những điếu thuốc. Hai ngày rồi hắn chưa nhìn thấy khói mầu xanh. Mầu xanh như thôi thúc, hối dục. Hắn chạy mau hơn, và không biết bằng cách nào, hắn đã giải quyết được nhu cầu của hắn như trong một cơn mơ. Lúc tỉnh táo hẳn lại, hắn thấy mình ngồi bên bờ tường của một căn nhà đổ nát. Bức tường xanh tan biến thành những cảm giác đê mê đưa hắn lên cao bồng bềnh. Hắn nhớ đến những chuyện đã xẩy ra.


Hắn bưng mặt lên khóc.

Và bây giờ thì hắn đã ở đây. Một tổ chức tư nhân dậy dỗ trẻ bất trị, kể cả việc trị bệnh ghiền ma túy. Hắn tình nguyện như thế. Hắn đã đánh đổi tất cả để được cầm tay mẹ. Bàn tay run rẩy già nua đã lâu lắm mới vuốt lên mái tóc bù xù của hắn một lần. Ánh mắt tha thiết của đứa em gái rạng ngời lên niềm tin. Hắn đã đưa tiễn và nhìn theo hai người khốn khổ ấy cho đến khi họ khuất sau rặng cây xanh. Gió ở sông đưa lên làm phổi hắn căng phồng. Hắn như còn lẩm bẩm nhắc lại câu nói mà hắn đã nói nhiều lần "Con hứa với mẹ. Con hứa với mẹ". Rồi sau đó là cả một chuỗi ngày phấn đấu. Bức tường xanh. Những con sâu đục khoét. Những cơn vật vã nôn ọe. Hắn không có gì để tự vệ ngoài làn da tay chai cứng của mẹ còn vương vất trên mái tóc. Bàn tay mẹ yếu đuối run rẩy trong tay hắn... Mắt mẹ như ẩn nụ cười, dù cay đắng, dù chịu đựng nhưng chan chứa tình thương.

Đến giờ phát thuốc buổi chiều, cả bọn bị dựng hết dậy và lùa ra. Một vài đứa cứng đầu cự nự trước cái roi mây kè kè trên mỗi tay của ba người giám thị. Thiện nhớ đến những khẩu hiệu sơn lên từng tấm gỗ bằng mầu sơn lòe loẹt la liệt khắp nơi, từ ngoài văn phòng đến hành lang các tiểu trại: "Tình cảm trước - Roi vọt sau" "Roi vọt là biện pháp cuối cùng của dậy dỗ" - "Đã phải trừng trị thì sẽ trừng trị nghiêm khắc đến cùng". Vừa vuốt ve. Vừa đe dọa. Đó là chủ trương của Ban Giám Đốc điều hành. Sau một hồi quát tháo, nạt nộ, những đứa hiền lành đã xếp hàng sẵn ở cửa. Thằng bị thương ở chân không chịu đứng dậy, lết vào một góc giả bộ ôm chân nhăn nhó. Hai người giám thị tiến lại xốc nó lên. Nó chùn lại. Nhưng rồi nó cũng bị xách ra khỏi buồng như người ta xách một con gà. Riêng thằng áo xanh thì rũ liệt hoàn toàn. Nó không giả vờ. Nó đói thuốc từ sáng. Và nó nằm lì lại, nhất định không nhúc nhích. Theo sự hiểu biết của Thiện thì nó là một dân trùm ở bên ngoài. Nhà nó khá giả, nhưng vì đua đòi nên cuộc đời đã dẫn nó xuống hố thẳm. Gia đình đã áp dụng đủ mọi biện pháp để lôi kéo nó trở lại tuổi trẻ hồn nhiên. Việc gửi nó tới Trung Tâm này là biện pháp cuối cùng. Nếu thất bại, cuộc đời của nó coi như bỏ đi hoàn toàn. Nó mới được gửi tới trong vòng không đầy bốn ngày. Và nó bị nhốt riêng trước khi hòa đồng với tập thể ở dẫy tiểu trại bên kia sân đất. Như Thiện. Như thằng bị loét ở chân. Như những đứa khác lúc này đang lục tục xếp thành hàng đôi trước cửa phòng. Mấy người giám thị chào thua thằng áo xanh. Cũng như ngày hôm qua, sẽ có y tá xuống chích thuốc cho nó tận nơi. Ít ra làm như vậy còn đỡ vất vả hơn là phải khiêng nó đi qua ba bốn khu tiểu trại để xuống tới phòng thuốc. Thiện đi theo toán người xếp hàng đôi, trí óc bồng bềnh như trong cơn mơ. Hắn bắt đầu thấy cảm giác buồn buồn hiện ra ở những đầu ngón tay. Hắn còn đủ sáng suốt để nghĩ rằng lại sắp sửa phải qua một cơn phấn đấu kịch liệt. Ruột gan lộn phèo, rãi rớt đầy ứ ở miệng, những con trùng vô hình bò đi khắp châu thân, đến từng mạch máu, tế bào. Thiện cố nghĩ đến hình ảnh khác. Mẹ bây giờ ở đâu, làm gì nhỉ. Thành phố sắp lên đèn, chắc là bữa cơm tối đang diễn ra trong bầu không khí tẻ nhạt dưới ánh sáng đục ngầu của ngọn đèn thắp bằng điện yếu. Hồi trước, Thiện rất sợ phải ngồi tham dự những bữa cơm tẻ nhạt như thế. Hắn sợ thứ ánh sáng chỉ đủ làm sáng đôi mắt sâu thẳm của mẹ và hai con ngươi lóng lánh như hai hòn ngọc của đứa em gái. Cơ hồ tất cả tinh túy của hai người chỉ còn dồn lên đôi mắt. Những đôi mắt linh hoạt, biết dò xét, biết phán đoán và hầu như biết đọc tất cả những ý nghĩ đang xoay chuyển trong đầu óc của Thiện. Bữa cơm nào cũng vì thế mà Thiện buông đũa trước khi no. Hắn không chịu được cái nhìn của mẹ và em, không chịu được cả bầu không khí vắng lặng, âm thầm chỉ còn vang lên tiếng bát, đũa va chạm lách cách và tiếng nhai nhóp nhép của từng người.

Bây giờ trong khung cảnh tranh tối, tranh sáng của một ngày đang tàn lụi, Thiện bỗng thấy tiếc nuối vô cùng khung cảnh sum họp đã qua. Mẹ bây giờ ở đâu, đang làm gì?

Những ý nghĩ của Thiện bị cắt ngang khi toán xếp hàng đứng khựng lại ở trước một hành lang hẹp. Tiếng người ồn ào. Đèn sáng choang. Mùi thuốc, mùi alcool tràn ngập.

Thiện hoàn tất thủ tục thường ngày hai mươi phút sau đó. Bây giờ hắn buồn nản  đứng dựa lưng vào vách tường chờ đợi các bạn đồng hành. Hắn đứng không được bao lâu thì có bàn tay lôi hắn tách ra khỏi hàng và kéo vào một góc tối. Hắn không thấy mặt kẻ đối diện nhưng nghe rõ lời thì thào bên tai:

- Anh Tư hôm nay không xuống phải không?

À bây giờ hắn mới biết tên thằng áo xanh còn nằm ở phòng là anh Tư. Hắn cố nhìn cho rõ mặt kẻ đối diện, nhưng bóng tối thật lờ mờ. Hắn gật đầu, không lên tiếng đáp. Hắn thấy kẻ lạ dúi vào tay hắn một gói nhỏ rồi căn dặn, giọng nói bây giờ sắc và gọn đến rợn người:

- Trao cho anh Tư giùm nhé Thiện!

Hắn chưa kịp ruỗi ra thì kẻ lạ đã rời bóng tối đi ra. Nó to lớn, cao hơn Thiện đến một đầu. Bước chân vững vàng, chắc nịch. Thiện tự hỏi Tư đã có tài cán gì mà thu phục được những đàn em sức lực đến như thế. Nhưng sự lo ngại ùa đến thật nhanh làm hắn thấy ớn lạnh ở xương sống. Nội một điều kẻ lạ gọi tên hắn một cách ngon lành cũng đủ khiến cho Thiện rùng mình. Hắn thấy rõ ràng là mình mới bị giao phó một trọng trách. Hắn biết hậu quả sẽ thế nào nếu trọng trách không được thi hành nghiêm chỉnh. Hắn khẽ đưa cái gói nhỏ ra mé có ánh sáng. Hắn nhận biết thật nhanh ở bên trong có gì. Đó là một lưỡi cưa nhỏ sáng quắc màu thép xanh và mấy điếu thuốc có ma túy. Thiện thủ thật nhanh cái gói nhỏ vào bụng quần. Đã hơn mười ngày nay, Thiện chưa được trông thấy điếu thuốc. Mầu khói xanh lơ chợt hiện ra chập chờn như đánh thức tất cả tế bào của hắn sống dậy. Hắn muốn bỏ đi thật nhanh. Kiếm một cớ gì đó để vô nhà cầu. Hắn sẽ tan thành khói để bay bổng lên tận cùng của bức tường xanh cao vòi vọi.  Chỉ một điếu thôi. Một điếu cho đã thèm rồi trả hết cho anh Tư, thằng áo xanh còn nằm lết bết ở trong phòng. Mất mát gì đâu. Chẳng ai biết. Mà anh Tư không chừng còn thưởng cho công lao của hắn thêm một điếu nữa. Khuôn mặt bạc nhược vêu vao của anh Tư bỗng hiện trước mắt chập chờn. Rồi cái vêu vao của nó bỗng trở thành hình dáng vêu vao trên khuôn mặt của mẹ hôm chia tay. Mẹ không nói gì nhiều nhưng cặp mắt hàm chưa biết bao nỗi lòng cần bầy tỏ. Bàn tay của mẹ như còn hơi hướng ấm áp, run rẩy trong tay hắn. Thiện có cảm giác như bị giằng xé. Hắn muốn đầu hàng. Nhưng rồi hắn lại muốn cưỡng lại. Cái bọc nhỏ vẫn còn cộm ở thắt lưng quần. Ở trong có một lưỡi cưa và có mấy điếu thuốc.

Bây giờ thì cả toán đã được khám bệnh và phát thuốc xong. Mấy người giám thị đang lùa cả bọn vào hàng ngũ. Nhiều đứa đang bắt đầu lên cơn nên có điệu bộ rũ rượi như những con gà bị cắt tiết. Có đứa ói mửa ngay trên sàn gạch. Một vài đứa khác khỏe mạnh hơn, giữ bộ mặt thản nhiên. Mọi người đã đi qua một khu tiểu trại. Còn hai tiểu trại nữa là về đến căn phòng chật hẹp. Thiện bối rối cùng cực. Giọng nói lạnh lẽo của kẻ lạ như còn văng vẳng bên tai:

- Trao cho anh Tư giùm nhé. Thiện!

Thiện! Thiện! Thiện! Tên của hắn dội lên chát chúa như lời điểm danh của định mệnh. Hắn tự hỏi tại sao bọn thằng Tư lại chọn đúng hắn để giao phó nhiệm vụ ấy chứ. Hắn muốn bình thản như hôm qua, hôm kia, như mười ngày đã trôi qua, như một cơn mộng dữ sắp phai tàn. Hắn muốn được trông thấy mẹ ngay bây giờ. Mẹ là nguồn an ủi độc nhất có thể giúp hắn trong cơn khó khăn này. Hắn thầm kêu lên: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Gió ở sông đưa theo mùi nước đọng vừa mát, vừa nồng thoảng qua trong bầu không khí tĩnh mịch. Hắn bỗng nhớ đến không khí tĩnh mịch của buổi trưa hôm được mẹ dẫn vào nhập trại. Không gian êm ả. Tiếng sóng vỗ róc rách. Mùi tanh nồng tỏa trong gió mát. Và bàn tay run rẩy, yếu đuối của mẹ trong tay hắn. Tất cả vụt bừng dậy mãnh liệt khiến Thiện thấy rõ việc của mình sẽ phải làm. Hắn quyết định thật nhanh, như nếu chỉ chậm lại một chút là sẽ đổi ý. Mầu khói xanh lơ vẫn chập chờn cám dỗ hắn ở đâu đó trong ý nghĩ.

Thiện chọn ngay thằng bị thương ở chân không biết từ lúc nào, đã được ghép vào hàng ngũ đi bên cạnh hắn. Bây giờ chân hắn được băng bó cẩn thận hơn. Mầu bông băng sáng lên theo nhịp chân đi khập khiễng của nó. Thiện chép miệng nói:

- Mẹ kiếp, chân có ròi như thế, tối nay tránh xa tao ra đó, nghe con!

Thằng đau chân đang đi lặng lẽ bỗng choàng dậy như một con thú vừa bị chọc giận lúc đang ngủ. Nó quay ngay sang nhìn Thiện, cặp mắt bốc lửa. Thiện nhìn nó, mỉm cười ngạo nghễ rồi bồi thêm một câu nữa điếng người:

- Đồ hôi thối, nghe rõ tao nói không?

Thiện chẳng cần khiêu khích thêm và chờ đợi lâu hơn nữa. Thằng đau ở chân đã dùng tất cả sức lực của nó đề đánh vào mặt Thiện một quả đấm dữ dội. Tuy nhiên, cẳng chân đau làm nó mất đi rất nhiều sự nhặm lẹ. Thiện tránh thoát được quả đấm dễ dàng. Hắn liền xô tới, nhè ngay bên cẳng đau của địch thủ mà khều một cái nhẹ. Lập tức cái thân bồ tượng của gã ta ngã bổ nhoài ngay xuống sân cỏ. Nó gầm lên như một con thú dữ. Thiện cũng cất mồm la lối theo. Hàng ngũ của cả bọn bỗng náo loạn hẳn lên. Lập tức cả một đoàn sáu bẩy viên giám thị cùng ùa tới. Tiếng roi mây quật vun vút. Thiện thấy rát phỏng ở lưng như vừa bị dội lên những dòng nước sôi. Rồi hai bên cánh tay của hắn bị ghì cứng lại bởi hai viên giám thị lực lưỡng. Họ lôi hắn ra khỏi đám đông. Hắn cố ngoái đầu về phía thằng đau chân chửi bới thêm nữa, chửi thật to như cố ý để cho đồng bọn, lũ đàn em của anh Tư nghe thấy. Nếu coi như sự việc vừa xẩy ra là một màn kịch thì Thiện đã sắm vai trò của mình thật là tuyệt diệu. Hắn sẽ bị cô lập ở một phòng riêng. Hắn sẽ bị khám xét. Người ta sẽ phanh phui ở lưng quần của hắn có một lưỡi cưa và mấy điếu thuốc. Hắn sẽ bị trừng trị nặng nề. Nhưng để đánh đổi sự chịu đựng ấy, hắn sẽ thoát được khỏi vòng kiềm tỏa của bọn anh Tư. Bất quá, bọn chúng chỉ coi như hắn vụng về mà làm hỏng việc chứ không bị liệt vào hạng phản bội hay cứng đầu không chịu tuân phục. Hình phạt của bọn chúng hẳn sẽ ghê gớm hơn nhiều. Trong bóng tối, Thiện khẽ nhếch một nụ cười mãn nguyện. Hắn nghĩ đến mẹ và em gái. Hắn thấy như mình đang lớn lên, lòng tràn ngập niềm kiêu hãnh, một cảm giác mà từ bao nhiêu năm nay, bây giờ hắn mới tìm thấy...


NHẬT TIẾN         
Saigon ngày 24-1-1973  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Cây Viết Máy Mất Cắp


Hòa tái mặt, cúi xuống tìm lại cây viết máy một lần nữa. Nó xét lại trên người tỉ mỉ, coi lại cái cặp và những vật chung quanh nó mấy lượt kỹ lưỡng nhưng vô hiệu ; cây viết máy của nó vẫn biệt vô tăm tích. Ý nghĩ nó đã bị mất cắp, khiến Hòa sợ hãi đến nỗi mồ hôi ra ước đầm cả áo. Nó ngước lên nhìn chung quanh, các bạn nó đều đã chăm chú viết bài trên bảng theo thầy giáo. Hòa cảm thấy lúng túng, đầu óc nó lúc đó trở nên trống rỗng, nỗi sợ hãi và cái tính nhút nhát khiến nó còn e ngại chưa biết sẽ làm gì... Giữa lúc ấy thì An, người bạn thân ngồi kế bên nó quay sang nhìn Hòa, và thấy vẻ mặt xanh tái, lấm tấm mồ hôi của Hòa, An biết ngay đã có một chuyện gì xảy đến cho bạn. An hỏi:

- Cái gì thế? Sao chưa chép bài?

Tiếng nói của Hòa phát ra, run rẩy, yếu ớt vì không đàn áp nổi sự xúc động:

- Tôi... mất cây... viết rồi!

- Cây viết nào? Phải cây Pilot tím mới mua hả?

Hòa gật đầu. Nếu là một cây viết thường khác thì chưa chắc đã làm nó sợ hãi đến thế. Đằng nầy lại là một cây viết máy quí giá, thứ nhất vì nó rất mắc tiền và thứ hai là nó biểu lộ tất cả tấm lòng yêu thương của mẹ Hòa đối với nó. Hòa nhớ lại buổi tối hôm kia, lúc nó đang ngồi học bài thì mẹ nó đến ngồi gần bên và nhẹ nhàng đặt vào tay nó một cây viết máy mới, màu tím bóng loáng. Nó ngạc nhiên ngước lên, và bắt gặp vẻ mặt dịu hiền của mẹ đang âu yếm nhìn mình. Hòa xúc động, không nói nên lời vì đây chính là cây viết mà nó đã ao ước được có từ lâu... Mẹ Hòa cũng không đợi nó lên tiếng hỏi, bà dịu dàng nói:

- Đây là cây viết mà con đã mong ước, hôm nay mẹ mua để tặng con. Đối với hoàn cảnh nghèo khó của gia đình ta thì có lẽ không  bao giờ con được có nó song vì thấy con nhiều lần ao ước và rất cố học nên mẹ mới cố gắng tiện tặn để mua cho con. Vậy con phải giữ gìn cẩn thận và đừng phụ tấm lòng mẹ yêu thương nhé...

Câu nói đó, giờ đây Hòa còn nhớ rõ mồn một và càng nghĩ lại, nó càng thấy đau xót, tức tối hơn. Hòa không tin là nó đã vô ý làm mất cây viết vì nó luôn luôn cất kỹ trong cặp và nhất là hôm nay, giáo sư nghỉ một giờ đầu nên từ khi vô học đến giờ, Hòa chưa lấy cây viết ra dùng lần nào. Nó tin là đã có kẻ lấy cắp của nó, tin một cách chắc chắn. Vì thế, Hòa dần dần lấy lại bình tĩnh. Nó phải tìm cho ra được cây viết, khám phá cho được kẻ ăn cắp cây viết đó. Hòa kể lại cho An nghe những điều mình nghĩ thì bạn nó cũng đồng ý với nó. An nói:

- Đúng là có đứa ăn cắp. Việc nầy phải nói cho thầy hay để lo tìm tên thủ phạm mới được.

Và An đứng lên lo việc đó cho Hòa... lúc lớp ngưng học. Sau khi An vừa nói dứt, bao nhiêu cặp mắt đều hướng về phía Hòa. Nhiều người đã được Hòa khoe cây viết máy hôm qua thì hôm nay lại thấy Hòa bị mất nên tỏ vẻ thông cảm với cái khổ của nó. Giáo sư đi xuống chỗ Hòa và hỏi:

- Anh Hòa bị mất viết máy hả? Thế cây viết ra sao?

Một học sinh gần đó trả lời hộ Hòa:

- Dạ nó hiệu Pilot, màu tím ạ. Ảnh chỉ vừa mới mua mấy hôm nay thôi...

- Thế thì lạ thật! Chẳng lẽ lớp này có người xấu tánh thế! Mọi khi anh cất cây viết ở đâu? Có thể anh để quên nó ở nhà chăng?

Hòa đứng lên:

- Dạ không, con chắc chắn là con có mang đi và để trong cặp rất kỹ lưỡng. Hồi sáng đến giờ... vì giáo sư đầu giờ nghỉ nên con chưa hề lấy nó ra dùng. Đến giờ của thầy, con định mang ra viết bài thì thấy đã biến mất...

Giáo sư chống tay xuống bàn, cúi lại gần:

- Như thế thì chỉ có mấy người ngồi chung quanh trò có thể lấy cây viết đó được mà thôi vì nó bị mất trước giờ ra chơi, không ai có thể lại gần chỗ nầy cả! Phải thế không? Vậy anh trưởng lớp đâu? Anh lại đây xét với trò Hòa khu vực nầy coi...

Người trưởng lớp tên là Thanh, một học sinh rất ngoan và chăm học đứng lên theo lời giáo sư đi lại chỗ Hòa ngồi. Anh ta bắt đầu xét những người ngồi gần Hòa nhất. Sau học sinh ngồi bên trái Hòa không tìm thấy là đến An. Hòa không có một chút nghi ngờ gì đối với người bạn mà với nó, thân mật như là anh em. Nhưng Thanh cứ theo lịnh thầy, đem cặp An ra xét. Hòa sợ bạn có thể buồn lòng nên định nói chữa với An một câu thì tiếng Thanh đã kêu lên:

- Có phải cây viết nầy không?

Hòa giật mình, ngẩng nhanh lên nhìn vào tay Thanh. Và nó tưởng như mình hoa mắt. Đúng là cây viết của nó, cây viết Pilot mầu tím. Nhưng sao ở trong cặp của An, một điều mà Hòa không thể nào ngờ tới. Nó kêu lên "Đúng rồi!" và chồm lại, chụp lấy cây viết. Hòa tin là mình không lầm, đúng cây viết máy trong cặp An là của nó. Hòa sững người ra nhìn bạn, người bạn thân bấy lâu của nó mà giờ đây, dưới mắt nó chỉ là một tên trộm bị bắt quả tang nhưng còn cố cãi bướng. Nó thấy An cố nở một nụ cười gượng gạo và nói:

- Không phải đâu! Cây viết đó của tôi mà...

Bao nhiêu cặp mắt trong lớp đều đổ những cái nhìn khinh bỉ về phía An và khi nghe An nói câu đó, nhiều người đã mỉm cười khinh thị. An đỏ ửng mặt lên, ấp úng:

- Thật mà, cây viết đó...

Nhưng giáo sư không để An nói thêm. Ông quát lớn, nghiêm nghị:

- Anh im đi! Bị bắt với tang chứng hẳn hòi như thế mà anh còn muốn cãi tội nữa hả? Anh nói cây viết đó của anh! Hừ, thật là một trò cười... Nó là của anh sao ở đây không ai được biết rõ cả mà trái lại, người ta lại biết nó là của Hòa mới mua cách đây hai hôm.

An đứng lên, lắp bắp nói với giáo sư, giọng yếu ớt:

- Dạ chính thật cây viết máy đó của con... Con mới mua ngày hôm nay nên chưa ai được biết cả, con nói thật... con đã mua nó với số tiền để dành từ lâu rồi và con đã chọn cùng màu với trò Hòa... Con nói thật...

Không ai có thể tin được lời nói của An cả, đối với Hòa cũng thế. Điều phát giác nầy làm nó đau đớn và khổ sở hơn. Có lý nào một người bạn thân nhất của nó, đã cùng nó chia sẻ nhiều nỗi vui buồn lại có thể đang tay lấy cây viết của nó và giờ đây, lại còn muốn chối tội mình đã làm nữa.

Hòa lặng người đi nhìn An... gương mặt xanh mét của An, những câu nói ấp úng, vô lý... càng làm Hòa khổ sở hơn. Nó xích tới, nắm lấy tay An và nghẹn ngào:

- An! Nếu bạn đã vì một chút lỡ lầm mà làm như vậy, thì bạn hãy nhận tội đi. Tôi không muốn bạn chối tội một cách hèn nhát như thế, nói như vậy, không ăn nhằm gì cả đâu... An hãy nhận tội đi, tôi sẵn sàng tha thứ cho bạn.

Nhưng Hòa thất vọng biết bao khi An vẫn giữ những lời nói của nó. Hòa tức tối, nói lớn:

- Anh nói láo! Chính cây viết nầy của tôi chứ không phải của anh, tôi biết rõ như thế. Không lý nào khi tôi vừa mất nó thì anh lại vừa mua một cây y hệt như vậy... Đó chỉ là lý luận của một đứa trẻ con... Anh biết chưa?

- Chính tôi đã mới mua nó thật và tôi đã cố ý mua cùng mầu với Hòa, không ngờ lại xẩy ra chuyện lầm lẫn như thế nầy! Hòa coi lại xem, nó chưa bơm một tí mực nào cả!

Hòa coi lại và thấy đúng như lời An nói. Nhưng không vì thế mà mọi người tin lời An, có thể anh đã bơm mực trong viết Hòa bỏ đi rồi. Giáo sư thấy An vẫn chưa chịu nhận tội thì có vẻ nổi giận. Ông nói:

- Tôi sẽ cho người về nhà anh hỏi lại xem anh có phải vừa mới mua viết không? Nếu không anh sẽ biết!

Đề nghị đó của giáo sư làm An có vẻ bối rối. An nói:

- Ở nhà con... không ai biết việc đó cả vì đây là tiền để dành riêng của con mua, con nói thật...

An đã nhắc lại câu "con nói thật" bao nhiêu lần rồi nhưng chỉ làm mọi người thêm khinh bỉ An chứ không ai tin anh cả. Nhất là giáo sư. Ông nhất quyết chấm dứt nội vụ với cái ý kiến chính An là thủ phạm. Giáo sư gằn giọng:

- Tôi sẽ viết giấy cho Hiệu trưởng hay vụ nầy. Nay mai, cha mẹ anh sẽ được mời vào để anh hết cãi. Lúc đó, dù anh có hối hận mà nhận tội thì cũng đã muộn rồi.

An tái mặt, lắp bắp định nói nhưng không thốt nên lời... nước mắt từ từ trào ra. Giáo sư trước khi đi về bàn, hỏi lại An một lần chót:

- Sao? Trò nhận tội chứ?

An lắc đầu, nức nở:

- Không! Con không có ăn cắp...

Mặt vị giáo sư tím lại. Ông mím môi, im lặng quay đi. Lớp học dần dần trở nên im lặng như cũ. An có lẽ không chịu nổi những cái nhìn khinh bỉ của các bạn nên úp mặt xuống hai cánh tay trên bàn khóc tấm tức... Những cử chỉ của An dần dần khiến Hòa trở nên thương bạn. Quen với An đã lâu Hòa biết rõ người bạn nầy rất tốt tánh, chưa bao giờ làm một sự gì xấu xa cả. Bỗng dưng Hòa có ý nghĩ là An đã nói thật, chính cây viết nầy của An chứ không phải của nó. Nếu mà thực sự như thế thì oan cho An biết bao... Hòa thấy bối rối, nó quay sang nói nhỏ với Thanh vẫn còn đứng gần đó:

- Nầy Thanh, anh nghĩ thế nào? Tôi sợ An nói thật đấy. Tuy cây viết nầy đúng hệt như cây viết của tôi nhưng biết đâu, có thể có sự lầm lẫn:

Thanh cúi xuống, ngắt lời Hòa:

- Đó là vì Hòa còn thương An mà nghĩ thế chứ thật ra tội của An đã rành rành ra rồi. Trong lớp nầy ai cũng đều nghĩ như thế cả... Hòa không thấy sao? Chỉ có điều là không ai ngờ nổi mà thôi vì bấy lâu nay An là một học sinh tánh tình rất tốt.

- Nhưng tại sao An đã ăn cắp của tôi mà lại còn hăng hái giúp tôi đem vụ nầy ra cho giáo sư xử nữa... Đáng lẽ An cũng phải sợ bị phát giác chứ?

Thanh cười nhỏ:

- Hòa còn ngây thơ lắm! An nó biết Hòa rất thân với nó và nó làm vậy để Hòa không nghi ngờ gì đến nó đó thôi. Nó tin rằng Hòa sẽ không bao giờ xét nó cả nhưng sự thật đã trái hẳn lại nên nó mới bị bại lộ cái mưu "vừa đánh trống, vừa ăn cướp" đấy chứ!

Những lời nói của Thanh đúng quá Hòa không thể cãi được. Nó thừ người ra nghĩ ngợi... Sự thực nầy càng làm nó khổ tâm hơn cả lúc bị mất viết nữa. Hòa nghĩ thầm rằng nếu An can đàm chịu nhận tội thì có lẽ nó đã tha thứ cho bạn hết thật. Nó tin rằng An chỉ vì một phút yếu mềm mà làm thế thôi. Nhưng giờ đây, Hòa đau đớn nghĩ rằng nó vừa bị mất đi một tình bạn thắm thiết... mất mãi mãi vì dù An có không bị đuổi đi nữa, có lẽ hai đứa sẽ không bao giờ tìm được sự thân ái như xưa nữa. Hòa nhìn xuống cây viết máy và lại liên tưởng về An. Nó đã tìm lại được một vật quí giá nhưng cũng vừa bị mất một vật quí giá hơn...

*

Hòa dựng xe, ôm cặp bước vào nhà. Nó không buồn để ý đến con chó Vàng xinh đẹp đang cuống quít mừng chủ như mọi hôm. Hòa bỏ cặp, buông người xuống chiếc ghế dựa. Có tiếng mẹ nó từ đàng sau vọng lên:

- Thằng Hòa mới về đó hả?

- Dạ...

- Mầy hư lắm nhé! Mầy thử lại tủ học của mầy coi lại xem...

Hòa uể oải đứng lên. Nó chán nản bước lại mở ngăn tủ đựng sách vở ra. Vừa nhìn vào, Hòa đã sững người kinh ngạc. Cây viết máy Pilot tím của nó nằm chễm chệ trên chồng tập trong tủ tự lúc nào. Hòa cầm vội lấy, mở to mắt ra nhìn, sửng sốt. Đúng là cây viết của nó. Cây viết thực của nó có bơm mực hẳn hòi. Hòa xúc động, nó nghe văng vẳng có tiếng mẹ nói tiếp:

- Đã thấy chưa... Mới mua cho hôm kia thì hôm nay đã để bậy để em Dũng nó lấy đi chơi. Lúc sáng nầy mẹ không bắt gặp thì có lẽ nó đã rơi rớt ngoài đường để cho người ta lấy mất rồi. Mầy hư lắm đấy, nghe Hòa!!...


VŨ PHƯƠNG TRÌNH    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-2-1965)




Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Hỡi Em Em Có Nghe



















Em có nghe hoa nắng
Đang ngỡ ngàng xôn xao
Khi hồn Xuân nhẹ lắng
Ru hồn em ngọt ngào

Em có nghe trời xanh
Ngàn hoa đang nở rộ
Khi Chúa Xuân giáng trần
Em vui cùng trăm họ

Em có nghe loài chim
Hót hững hờ theo gió
Khi tiếng Xuân còn ngân
Mùa Xuân vẫn còn đó

Và có nghe muôn loài
Đang ngất ngưởng vui say
Khi Xuân còn trên tóc
Khi Xuân còn trên tay

                          THƠ THƠ
                  (Bút nhóm Hoa Nắng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 120, ra ngày 1-2-1974)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Những Áng Văn Ngày Cũ


Ngay từ lúc còn ở tiểu học, tôi đã mê Việt Văn, một cách vô thức. Nhà tôi bán sách. Tôi nhớ hai kệ sách Việt Văn và Toán của tiệm sách nhà tôi được trưng bày song song nhau, nhưng tôi chỉ chiếu cố vô cùng tận tình kệ trước và cố tình lờ tít kệ sau ngay bên cạnh. Khi còn là học sinh, không có môn học nào mà làm tôi sợ đến phát sốt phát rét như môn toán, (nói đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!). Đến giờ cô giáo toán năm lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi đóng hết tất cả các cửa sổ lại để đỡ cảm thấy lạnh run lên cầm cập! Cho tới tận bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại phải học định lý Thales để làm gì, và nếu chứng minh thành công hai tam giác đồng dạng sẽ có ích lợi gì cho cuộc đời tôi! Đó cũng là lý do tại sao những trái trứng hột vịt tròn trĩnh luôn chễm chệ trong vở toán của tôi. Họa hoằn lắm tôi mới lãnh được 0,5 điểm, khi tới Tết Congo, con số zero đi nghỉ lễ! 

Không biết giỏi Việt văn có hiện lên mặt không, nhưng dở toán thì nó lại lồ lộ hết cả ra ngoài! Có lần một người khách tới mua hàng tại tiệm sách nhà tôi đã nói với tôi rằng, con dở toán lắm đó, chú là thày bói nên chú biết! Ráng học toán cho giỏi nghen hôn con!

Trái với môn toán rối rắm mà tôi suốt đời căm ghét,  hầu như lúc nào tôi cũng đứng đầu lớp môn Việt Văn, mà công lớn chắc chắn phải thuộc về kệ sách Việt ngữ của tiệm  sách gia đình tôi! Tôi nhớ nhất lúc ở lớp sáu, cô giáo Văn vừa phát trả bài luận văn đầu niên học, vừa đọc điểm, và vừa phê bình nhận xét cho từng học sinh. Tôi cứ chờ mãi, chờ mãi đến hụt hơi mà vẫn không thấy cô đọc tên mình! Tới lúc chờ không nổi nữa, tôi dợm đứng lên, và định làm gan nêu thắc mắc về sự hiện diện của bài luận văn rõ ràng tôi đã nộp cô tuần trước, thì giọng oanh vàng thỏ thẻ của cô vang lên! Thì ra bài luận được điểm cao nhất là của tôi, và kèm sau đó là những lời cô giáo khen thưởng, tán dương tôi tới tấp, nhưng tôi không thể nhớ nổi điều gì, vì quá sung sướng một cách bất ngờ! Hóa ra cô phát trả bài theo thứ tự, từ bài được ít điểm nhất phát trước hết, tới những bài có điểm cao dần lên, và vì tôi là người có điểm cao nhất, nên sau cùng mới được xướng tên!

Những bài học thuộc lòng, những áng văn, những câu thơ từ những trang sách Quốc Văn, Việt Văn trong tiệm sách gia đình, mà tôi đã đọc nghiến ngấu thuở nhỏ, đã giúp tôi hầu như luôn đứng đầu lớp môn Văn, là những áng thơ, văn siêu dễ thương, khiến tôi nhớ đến tận ngày hôm nay, sau gần nửa thế kỷ, dĩ nhiên là với sự trợ giúp đắc lực của Internet.

Trước tiên phải kể đến những bài học thuộc lòng ở tiểu học, mà bài tôi thương nhất, nhớ nhất (không cần Google giúp đỡ), là bài Mái Nhà Năm Xưa:

Nhà tôi ở dưới chân đồi
Ba gian, hai chái, mái gồi, cột bương
Có giàn thiên lý ngát hương
Có ao thả cá, có vườn trồng rau
Nơi ấy suốt thời thơ ấu
Lòng tôi rộn tiếng chim ca
Nhưng rồi đến mùa chiến đấu
Ra đi dựng lại sơn hà
Ngày nay trên nẻo đường xa
Nhớ về quê cũ mái nhà năm xưa.

Những bài văn mẫu thời tiểu học thường được viết theo lối biền ngẫu, dễ nghe, dễ đọc, và dễ thuộc, như bài Thông reo:
Cây thông cằn cỗi, cành thông xương xương, lá thông tỉ mỉ, nhưng ai dám liệt thông xuống ngang hàng với muôn loài cây cỏ? Da thông khô xốp, nhưng nhựa thông dồi dào. Mình thông tuy già nhưng hồn thông vẫn khỏe. Thông khinh thường những nơi phồn hoa náo động. Thông xa lánh những chỗ cát vẩn, bụi lầm.Có ai đi lên đồi thông mà không thấy cõi lòng mở rộng? Có ai nghe tiếng thông reo mà không gợi hứng nguồn thơ? Thông reo vĩnh viễn, thông sống đời đời, mặc sức nóng của mùa hè thiêu đốt, giá lạnh của mùa đông bao trùm...
Lên bậc trung học, tôi cũng đã được các thày cô dạy và ngoài ra còn hướng dẫn đọc thêm các bài văn của nhiều tác giả nổi tiếng, mà tôi luôn cho là mẫu mực để noi theo, như trong bài Hoa Súng:
Dọc đầm đất quanh co, hai bên đầm rộng, ngòi dài. Cuối thu, sen đã tàn còn để rớt lại trên mặt nước những lá nhăn nheo như buồn một nỗi buồn li biệt. Nước phẳng lặng, đồng ruộng phẳng lặng, ngọn cỏ xanh xanh. 
Trên suốt một dải đầm sen, chỉ có lá cây súng tròn như một cái bánh đa, nổi trên mặt nước, duyên keo kết với nước, phô cả bộ mặt với trời xanh như tận hưởng tình của đất trời. Có những chiếc lá hơi tím vàng, có chiếc còn xanh mơn mởn. Nước phô bày một màu áo, như xô đẩy lên trên mặt một linh hồn. Giữa đám lá tẻ ngắt, bỗng ở phía bên kia hồ xa cách đường cái không bao nhiêu, lộ một bông hoa súng màu thanh thiên. Người du khách lơ đãng sẽ không trông thấy nó đâu vì nó không hề rực rỡ. 

Hoa súng màu thiên thanh, duyên nợ nó với tôi là tất cả một lịch sử! Thuở còn bé, tôi trông nó nở ở trước nhà, trong một cái ao thân mật có lũy phía ngoài.
Đinh Gia Phong (báo Thanh Nghị, số 74)

Hoặc:

Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời. Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị: Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. 

Thạch Lam (Hai đứa trẻ)

Hay:

Một buổi chiều về cuối năm, một buổi chiều êm như giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên, đợi gió.

Dũng và Độ, hai người thẫn thờ, không nói, ngả đầu vào lưng ghế, nhìn khói thuốc lá từ từ lan ra ngoài nhà rồi tan vào quãng không.
Trên bàn phủ vải trắng, có để một chai rượu mùi, hai cái cốc đầy rượu và một đĩa quả: sắc thủy tinh trong, pha với màu xanh, vàng, đỏ của trái cây diễn ra một quang cảnh ấm áp.
Ngoài kia, ánh nắng vàng buổi chiều như tiếc ngày cuối cùng của một năm, còn lảng vảng trên các ngọn đồi, chòm cây lướt thướt trên những cánh đồng cỏ màu xanh già. Những thôn xóm rải rác dưới chân đồi hay bên bờ con sông trắng cong queo như bị đè nén dưới vẻ to tát của trời đất rộng rãi. Khói thổi cơm chiều ở một vài nhà gần không có sức lên cao nữa, tỏa ra thành từng đám màu lam ôm lấy các mái tranh.
Nhất Linh (Đoạn tuyệt)
Hoặc:
Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ.. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng Cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn trẻ.
Nắng ở đây vẫn là nắng vàng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và nay cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ?
Đinh Hùng

Cảm ơn những áng văn đẹp như thơ ngày nào của những bậc tiền bối, đã dạy tôi nên thi vị hóa cuộc đời,  biết nhìn ra vẻ đẹp của ánh sáng chiếu đường mình đi, bằng cách, đừng lầm lũi rồi than trách vũng nước lầy lội trên đường, mà hãy ngắm ánh trăng vàng le lói, đã hạ cố soi rọi xuống vũng nước tăm tối đó!


Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Ngôi Đền và Dòng Sông


Hơn mười năm nay tôi chỉ được trở lại thăm quê nhà trong những giấc mơ. Thỉnh thoảng, mùi cỏ non, hương thơm của hoa bưởi hay một tiếng động vu vơ lại đánh thức hình ảnh người bạn thân yêu đó. Trong giấc mơ, trong những ngày thơ ấu của tôi, quê tôi thật hiền lành và êm đềm.

Trên vài trang giấy hẹp này tôi không mời các bạn nhỏ của tôi tham dự một cuộc du lịch về nơi danh lam thắng cảnh. Quê tôi không có đồi núi, biển, rừng. Quê tôi khỏe mạnh nhưng chất phác như một bác nông phu trong sách tập đọc.

Đình làng quay mặt ra sông. Trước cửa đình có đặt nhiều tảng đá. Người làng bảo đó là những "ông rùa" đứng cạnh đình. A, những chỗ này thực sự là của người lớn. Bọn trẻ chúng tôi ít có dịp vào đó chơi đùa. Chỉ thỉnh thoảng một vài đứa lén ngồi lên lưng các "ông rùa" nhìn ra sông. Ngay cả buổi trưa, nắng cũng chỉ lọt xuống sân có vài tia nhỏ. Đó là nhờ công lao che chở của những cây si, vải và "giàng giàng". (Giàng giàng là một loại cây hơi giống cây phượng. Trái cây nhỏ hơn trái bồ kết. Khi trái già nứt ra, hạt giàng giàng nhỏ xíu, đỏ chói rơi xuống. Nhân hạt ăn bùi và thơm).

Đền nhỏ, thấp, hơi tối, có hai ông tướng bằng đá canh cửa. Bọn nhỏ thường chỉ dám đến đứng cạnh ông tướng đá ngó vào trong đền. Đó là nơi linh thiêng lắm. Tất cả những đứa trẻ chơi la cà ở đền lỡ bị ốm đau thường chỉ nhờ lễ "tạ" mà khỏi. Mẹ tôi kể rằng hồi xưa, khi đê Cầu Phùng vỡ, có một "tảng đá thần" đã theo dòng nước lụt "trôi" về làng. "Tảng đá" nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đầu tiên đá thần trôi vào làng Vọng. Dân làng Vọng đẩy đi. Đá thần đến làng tôi thì được tiếp đón nồng hậu và trọng thể. Từ đó đá thần đem sự may mắn và hạnh phúc lại cho quê tôi: "Đá thần" được đặt ở một cái giếng khô nhỏ trong đền. Hàng năm, các chức sắc trong làng lại làm lễ "lau mình" cho đá.

Cây si mọc lan ra tới sông. Đê chỗ này đắp thấp và đầy cỏ xanh. Đây là thế giới của chúng tôi. Những đứa còn nhỏ đi la cà trong sân đền nhặt giàng giàng đỏ nhét đầy túi. Buổi tối nhiều đứa nằm ôm "kho tàng" mà ngủ. Những đứa lớn có thể tham dự cuộc tắm sông ồn ào với các mục đồng vào buổi chiều. Cây si, rễ si biến thành những cầu nhảy, những dây đu tuyệt vời.

Không đứa nào trong bọn tôi biết "bông giông" như các chú bé ở hồ tắm bây giờ. Chúng tôi trèo lên cành cây đứng thẳng, bịt mũi, nhắm mắt như người ngủ. Thế là cả thân người ngay như khúc gỗ từ từ "đổ" ùm xuống sông. Có đứa lăn mình dọc theo sườn đê êm cỏ. Một bọn khác thì đắp đất sét trên sườn để trợt thẳng xuống nước.

Nơi xứ thần tiên trong tuổi thơ của tôi, ngôi đền, con đê, dòng sông đã góp phần xây dựng bằng nhiều viên đá đẹp. Khi cùng nhắc nhở đến quê nhà, tôi thường nói với các bạn "Nếu được trở về quê sống lại một ngày bình yên, dù lúc đó tao già lụ khụ, tao vẫn phải chạy ra bờ đê lăn mình trên cỏ, rơi ùm một cái xuống sông..."


LÊ TẤT ĐIỀU     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 29, ra ngày 12-3-1972)

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Tiếng Hát

  tặng : Song-Thanh

Gửi mùa Xuân trong mắt
Khi Em hé miệng cười
Nhánh Anh Đào mới hái
Có khoe cùng môi tươi

Khoảng bình minh chỗi dậy
Cánh Bướm non vẫy chào
Tóc mây còn buông thả
Bàn chân tròn xuyến xao

Ửng nắng hồng trên má
Em gọi gió về trời
Giọng hát nào êm quá
Nhường mây lơ đãng trôi

Áo Em màu cỏ biếc
Hoa ngơ ngẩn đón chào
Hài xanh như ngọc thạch
Thấp thoáng hồn chiêm bao

Khi Em lên tiếng hát
Mùa Xuân ở chốn nào
Lũ Sơn Ca ríu rít
Hội lớn, về đây mau

Gửi mùa Xuân ở lại
Đậu trên bàn tay thon
Hát đi Trùng dương nhỏ
Cho ta quên nỗi buồn.

                      NGUYÊN LY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 219, ra ngày 15-2-1974)

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Môi Hồng


 









như cánh bướm về theo mong nỗi nhớ
ngày thơ vàng tung gió lộng bay xa
em mắt môi còn xanh từng hơi thở
chân dịu dàng trên lối nhỏ thơm hoa

như mùa xuân cài hoa lên mái tóc
nụ tường vi thơm ngát buổi chim về
nào áo mới nào mộng vàng mời mọc
em có nghe hồn dâng những cơn mê

như nắng hạ vương tròn trên áo trắng
bước chân khuyên rộn rã buổi tan trường
em sẽ hỏi thời gian sao quá ngắn
ba tháng dài chưa đủ ngát thơm hương

như gió thu bao la từng phiến vỡ
ngày khai trường cho chim nhỏ về đây
em không thoáng nghe hồn dâng bỡ ngỡ
bởi môi hồng còn chờ đợi sum vầy

này áo mưa cho mùa đông buốt giá
em làm sao ngăn lại được thời gian
nghe một chút mây về trong mắt lạ
dù chân chim còn rộn rã bên ngàn

                                THƯƠNG VŨ MINH
                                    Nhóm Giao Hữu

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972)

Bìa của Vi Vi : E ấp

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Khai Bút














thôi tiếng hát xôn xao mùa lá mới
dấu chim về quen lối cỏ mềm sương
ôi có nghe không bước chờ bước đợi
người phân vân rồi tay đón ngập ngừng

thôi tiếng hát cho lần yêu dấu đó
vườn chiêm bao xanh giấc ngủ thật thà
như thoảng gió qua lá buồn trăn trở
như những ngại ngần như những thiết tha

thôi tiếng hát cho niềm mơ ước cũ
thuở bình yên kịp nhớ nét môi cười
thương đóa hoa khô ép hồng trang vở
Có ước vọng nào chớm nụ trong tôi

thôi tiếng hát mừng ngày vừa thức dậy
giọng chim xa nghe bỗng lạ vô cùng
một chút bâng khuâng trong lần ngoảnh lại
rồi mùa xuân thôi cũng rất mênh mông

                                                   THỤC HẠNH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Săn Người


Họ quây quần bên đống lửa, ca hát nhảy múa từ sâm sẩm tối cho đến bây giờ. Theo tục lệ, cứ đến cuối năm, họ lại hội họp nhau lại vui chơi để mừng năm mới. Quanh đống lửa hồng, già trẻ lớn bé ngồi đan thành một vòng tròn thật rộng, họ vừa quay thú vừa uống rượu cần, cười nói vui vẻ. Cho đến quá khuya, khi sương núi đã xuống thấm ướt lá cây rừng thì cuộc vui sắp kết thúc bằng một màn đấu sức giữa hai thanh niên khỏe mạnh trong "buôn". Đó là một thông lệ, mà năm nào họ cũng tổ chức để tìm một người vô địch.

Cả "buôn" im lặng khi hai đấu thủ cởi áo bước ra. Họ đứng trong một cái vòng tròn đã vạch sẵn, chốc nữa, họ sẽ dùng sức để đẩy nhau, người nào bị đẩy bật ra khỏi vòng tròn là thua. Lửa reo tí tách, chập chờn hắt lên thân hình lực lưỡng của hai người. Bên ngoài, có một giọng khê đặc cất lên:

- Gắng lên Ksor! Đừng để nó đánh bại.

Ksor, một thanh niên có nước da đen cháy, đang làm vài động tác cho máu lưu thông điều hòa ; nghe có kẻ ủng hộ anh mỉm cười gật đầu. Năm rồi, anh đã giật giải quán quân về sức mạnh, năm nay Ksor tự bảo thầm nhất định không để lọt vào tay ai. Đối thủ của anh là Rot, một thanh niên trạc tuổi Ksor. Nước da Rot ngăm ngăm, người vạm vỡ. Rot ở cách xa mọi người, tận mãi trong thung lũng. Ông cha của Rot đời đời vẫn ở đó, nên Rot không muốn dọn đi.

Hai đấu thủ từ chiều tới giờ không dám uống nhiều rượu, họ dành sức để dồn vào trận đấu này. Phần đông, người ta ủng hộ Ksor vì dầu sao anh cũng là kẻ từng chung đụng với họ nhiều hơn.

Hai đấu thủ tiến lại gần nhau, người này đưa hai tay bắt vào vai người kia. Cánh tay họ nổi bắp thịt cuồn cuộn, họ xuống tấn thật chắc, bao nhiêu sức lực đều dồn về đôi tay. Sau một tiếng "hự" cùng nổi lên, Ksor và Rot nghiến răng ra sức đẩy nhau. Bên ngoài, người ta nín thở theo dõi, cái đai người ấy bỗng yên lặng hẳn, chỉ còn nghe tiếng lửa reo và tiếng thở phì phì của hai đấu thủ. Chưa ai đẩy dịch được ai, người họ ngã về phía trước, hai chiếc đầu chụm lại, thớ thịt vai u lên, từng cục. Bỗng nhiên, Ksor bị đẩy lùi lại, anh cắn răng, mắt long lên, "hự" một tiếng cố đẩy ngược lại. Rot bị lùi trở lại vị trí cũ. Bên ngoài, người ta cổ võ Ksor:

- Gắng lên! Gắng lên!

- Thêm tí nữa!

Quả nhiên, Ksor không phụ lòng họ, anh đẩy Rot mỗi lúc một lùi, hắn vận sức lên đôi tay chống đỡ, đột nhiên hắn ghìm được Ksor lại, rồi với một sức khỏe kinh hồn, hắn dồn Ksor lùi dần và sau một tiếng thét, hắn đẩy Ksor ngã luôn trên đất phía ngoài vòng. Mọi người sau một chút ngạc nhiên rồi reo ầm lên tán thưởng. Họ kéo Rot ngồi xuống bên họ, ép hắn uống rượu. Rot không từ chối hũ rượu cần nào, hắn vừa uống vừa cười, đưa cả hàm răng vàng khè dính đầy chất ngô. Ksor lặng lẽ ngồi riêng ra một góc, chẳng có ai tới an ủi anh, họ đang bu cả lại bên Rot. Ksor xấu hổ lẫn tức tối, thời oanh liệt của anh đã qua, bây giờ anh mới thấm thía nỗi buồn của kẻ bại trận...

Mãi đến khuya, lúc trăng đã lặn sau dãy núi phía xa thì cuộc vui cũng tàn. Mọi người giải tán, đống lửa được dập tắt trả lại màu đen ngòm cho đêm tối. Rot lên ngựa, từ giã mọi người, thúc ngựa phi ra khỏi bìa rừng. Trước mặt Rot, thung lũng rộng lớn trải mình bát ngát, bốn bề là núi non, những dãy núi cao ngất tiếp giáp với nền trời cắt thành từng vệt lồi lõm đen ngòm. Vó ngựa sãi trên mặt đất vang lên mồn một trong cảnh tĩnh mịch của đêm khuya. Gió trong thung lũng hú lên từng cơn qua các khe núi, cái lạnh làm Rot tỉnh rượu dần, bây giờ hắn thấy khắp người khoan khoái. Một mình một ngựa trong đồng trống, Rot cảm thấy tâm hồn bâng khuâng. Ngôi nhà Rot đã hiện trước mắt, chênh vênh bên sườn đồi. Xa hơn một chút, là ngôi tháp Chàm sừng sững quen thuộc mà ngày nào Rot cũng đi ngang. Bỗng nhiên, vừa qua khỏi khe núi, con ngựa của Rot chợt vấp một sợi dây ngã quỵ xuống, quăng Rot nhào trên đất. Còn đang đau điếng người chưa ngồi dậy được, thì một đám người phục sẵn chợt đổ ra. Họ quấn sợi dây lại, xốc cổ Rot dậy. Trong bóng tối mập mờ, Rot nhận diện được khuôn mặt của những người kinh. Một kẻ hỏi:

- Mày nhớ tụi tao chứ?

Rot gật đầu:

- Các anh là người của ông Chánh?

Họ gật đầu. Rot hỏi:

- Các anh bắt tôi làm chi?

- Để hỏi mày cái vụ đất đai hôm trước đó.

Rot khổ sở:

- Tôi đã nói nhiều lần, đất này của ông cha tôi, không bao giờ tôi bán cả.

- Nhất định chứ?

- Các anh hiểu cho. Tội nghiệp tôi!

Lập tức, hai người trong bọn giữ chặt đôi tay Rot lại, và một cú đấm làm Rot gập người xuống. Tiếp theo, một cú lên gối khiến Rot bật lên, choáng váng. Người đánh Rot vuốt tóc, hỏi:

- Mày vẫn nhất định?

Rot rền rĩ:

- Tội nghiệp tôi...

Một trận mưa đòn lại giáng khắp thân thể Rot, hắn kêu rú lên:

- Đau quá!... Trời ơi!...

Họ bịt miệng hắn lại, tiếp tục đánh. Khi thả ra, Rot mềm nhũn như con rắn, gục xuống. Một người kéo cổ Rot lên, vừa thở vừa hỏi Rot:

- Mày đã bằng lòng chưa?

Rồi chưa đợi Rot trả lời, y đã tung một cú đá vào mặt hắn. Mũi giày nhọn làm ứa máu mũi Rot, hắn gục xuống, bất tỉnh. Họ đứng chờ đợi, người đã đánh Rot bình thản châm một điếu thuốc, chờ đợi. Trong đêm vắng, tiếng côn trùng rỉ rả đều đều rất triền miên. Tiếng "ọp ọp" của loài nai ăn đêm vọng từ phía xa lại thoáng lên rồi lại mất. Chẳng bao lâu, Rot tỉnh dậy, tiếng rên của hắn khiến họ cúi xuống nhìn. Người ta kéo cổ hắn lên, gằn giọng:

- Chịu chưa?

Rot đau đớn gật đầu. Một người rút trong túi ra một mảnh giấy, một cây bút, họ kê trên một phiến đá, bật đèn bấm lên. Rot bị đẩy ngồi trước phiến đá, một người dục:

- Ký tên vào phía dưới, mau đi!

Rót sợ hãi, ký lẹ vào tờ văn tự bán đất. Sau đó, người ta lấy dấu tay của Rot bên cạnh chữ ký rồi tắt đèn bấm rút lui. Rót nghĩ tới ngày mai, ngôi nhà và mảnh đất do ông cha để lại sẽ lọt vào tay kẻ khác, hắn khóc òa lên. Cái buổi gặp gỡ với ông Chánh một khảo cổ gia vẫn còn in đậm trong trí nhớ của Rot. Ông Chánh ngỏ ý với Rot là muốn mua miếng đất ấy để khảo cứu. Vì ông biết khu đất Rot ở có nhiều di tích của người Chiêm Thành xưa để lại. Ông đề nghị trả mười ngàn đồng để mua miếng đất đó. Rot đã từ chối, vì mồ mả ông cha Rot đều được chôn nơi đây. Không mua được đất, ông Chánh giận lắm, và vì ông nổi giận nên Rot mới bị sự việc xẩy ra như tối nay. Người Rot đau nhừ, hắn thu hết sức nhẩy lên yên ngựa, con tuấn mã mang Rot lọc cọc phi vào sân.

*

Thằng bé con của Ksor chờ bố ngủ rồi, nó bèn chạy ra bãi nương. Nó nhìn lên trời, chưa có bóng chim nào xuất hiện, thằng bé liền ra tay. Nó tiến ra một rẫy ngô, đặt cái thúng trên tay xuống. Sau khi dùng một sợi dây cột ngang một khúc cây, nó chống khúc cây cho cái thúng đứng lên. Làm thành cái bẫy chim xong xuôi, nó bẻ một trái ngô, lột mớ lá xung quanh, đoạn gỡ ra từng hột nhỏ rải bên trong thúng một nắm rồi rắc thành hàng một phía ngoài. Thằng bé cầm sợi dây chạy về sau một bụi rậm, chờ đợi. Mùa xuân, chim chóc ở rừng kéo về từng đàn, tai hại nhất là lũ chim quái ác cứ sà các nương bãi để tàn phá những khoai ngô mới mọc. Ngày nào, ngoài rẫy cũng nghe tiếng ríu rít của chúng rộn cả lên. Đó là một điều mà Ksor hằng lo ngại, anh chưa tìm được cách nào để diệt trừ bọn chim đó. Nhưng thằng con anh thì biết cách trị lũ chim quái quỷ này, nó định sẽ làm cho bố ngạc nhiên về tài bẫy chim của mình. Thằng bé hồi hộp lắm, bàn tay cầm sợi dây cứ run cả lên. Trái hẳn với ngày thường, bây giờ nó mong lũ chim đến vô cùng. Chẳng bao lâu, những tiếng ríu rít từ xa vẳng lại, rồi một đàn chim ào ào bay đến. Chúng đáp xuống trên những nương bãi, mổ tới tấp vào những củ khoai mới chớm mọc. Thằng bé tức lộn ruột, vì chẳng có con nào bén mảng đến bên cái thúng. Nó vẫn kiên nhẫn ngồi đợi, lũ chim sau khi phá phách một hồi, liền nhẩy bước một đến bên cái bẫy. Thằng bé nín thở, sẵn sàng... Lũ chim thi nhau mổ những hạt ngô phía bên ngoài, chẳng có con nào nhẩy vào phía bên trong.

Sau khi mổ hết những hạt ngô, chúng lại sục sạo vào các rẫy ngô khác. Thằng bé sôi gan, không dằn được nó rời chỗ nấp chạy ra quát tháo ầm ĩ. Lũ chim thấy động hoảng hốt bay ào lên. Thằng bé chạy tới bên những luống ngô khoai xem thiệt hại, nhưng nó chợt kêu rú lên một tiếng ngã sấp xuống. Từ bàn chân thằng bé, một cây gai dài non nửa tấc đâm ngập vào, máu ra đỏ ối. Thằng bé lăn lộn kêu khóc ầm ĩ. Tiếng kêu khiến Ksor vụt thức giấc, chạy xuống. Trông thấy con bàn chân máu ra đỏ hoét, anh hoảng hốt chạy lại. Thấy cây gai cắm vào bàn chân thằng bé, anh rùng mình. Ksor bứt một nắm lá khoai nhai nát dắp vào vết thương của con. Vừa làm, anh vừa hậm hực:

- Mày xuống đây làm gì mà ra thế này?

- Con đuổi chim.

- Còn nhức không?

Thằng bé ràn rụa nước mắt:

- Nhức quá!

Ksor lại bứt thêm lá, nhai nhỏ đắp phèm phẹp vào vết thương, màu xanh của lá hòa với màu đỏ của máu thành một màu nâu sẫm. Ksor chưa dám rút mũi gai ra, anh bế xốc con lên:

- Chiều nay tao phải đem mày xuống tỉnh cho bác sĩ xem mới được.

*

Họ đến thung lũng từ sáng sớm, vì đường dốc gồ ghề nên họ sử dụng toàn ngựa. Đoàn nhân mã đổ từ sườn núi xuống, bên dưới là một dải đất rộng lớn, cỏ xanh mơn mởn. Chung quanh là núi bao bọc, nên trông như một cái lòng chảo. Họ ăn mặc theo lối người kinh, áo sơ mi cụt tay, quần chẽn, giày ống. Đến trước nhà Rot, họ ghìm ngựa lại...

Bấy giờ, trời mới rạng đông, giữa khoảng núi rừng hùng vĩ, mặt trời từ một chóp núi cao vút tít xa mới nhú lên. Màu đỏ ối của vừng thái dương làm rực sáng nền trời. Gió sớm thổi mát rượi da thịt, mùi thơm của cỏ non xông lên ngan ngát.

Hai người cưỡi ngựa đi đầu, có khuôn mặt trạc độ ngũ tuần. Một người trán hói, đeo mắt kính cận, người kia trán cao, mắt sáng, hơi gầy. Người gầy hỏi người trán hói:

- Gọi nó chứ, anh Chánh?

Ông Chánh, nhà khảo cổ, quay lại vẫy đám người phía sau:

- Vào gọi nó ra đây cho tôi.

Toán người theo sau là những kẻ đêm rồi đã ép Rót bán đất, họ xuống ngựa tiến lên sườn đồi. Một người gõ cửa:

- Rot! Rot!

Không thấy trả lời, hắn ta gõ mạnh hơn:

- Rot, ra nói chuyện! Mày không ra tao đốt nhà đừng trách.

Bên trong có tiếng tru tréo của Rot:

- Tôi không đi đâu cả, các người ép tôi, tôi không đi...

Lập tức họ phá cửa xông vào. Rot la lớn:

- Trời ơi! Các người ức hiếp tôi!...

Họ xốc hắn ra khỏi nhà, vừa đi họ vừa gằn giọng:

- Mày phải nói với ông Chánh là tụi tao trả mày mười ngàn rồi nghe chưa!

Rót ngạc nhiên:

- Các người trả tôi hồi nào? Hồi tối, các người đánh tôi còn thương tích đây nè.

Một người nghiến răng, đe:

- Mày phải nói thế, nếu không tụi tao giết mày.

Rót dãy dụa:

- Buông tôi ra! Các người giết tôi còn hơn!

Họ dẫn Rot đến trước mặt ông Chánh. Ông Chánh hất hàm:

- Anh nhận tiền rồi thì giao đất đai lại cho chúng tôi chứ. Sao anh ở lì ở trong mãi thế?

Rót tức tối:

- Các người đưa tiền tôi lúc nào đâu?

Ông Chánh trợn mắt:

- A! Anh định lấy tiền rồi giở mặt hả?

Rot gân cổ:

- Các người trắng trợn lắm. Các người ép tôi bán đất, đã đánh tôi rồi còn không thí cho một đồng ; rồi bây giờ lại vu khống như thế được sao?

Cơn tức tối nghẹn cả cổ Rot khiến hắn run người lên.

Một tên đứng bên cạnh Rot tống một quả đấm vào bụng hắn, Rot đau đớn gào lên:

- Các người bịt miệng tôi, các người tàn ác lắm!

Một cái tát làm Rot ngã ngửa. Ông Chánh can:

- Thôi đủ rồi. Dẫn ngựa của hắn ra, giao cho hắn.

Rot lồm cốm bò dậy, phẫn uất:

- Tôi không đi đâu cả, có giết tôi, tôi cũng không đi.

Mặc Rot gào thét, họ tiến vào nhà hắn đem đồ đạc ra vứt ngổn ngang. Một cái tượng thần Hời lăn lông lốc bên chân Rot, hắn nhìn bức tượng của tổ tiên, chợt nghĩ miếng đất của cha ông mình bị người ta tước đoạt trắng trợn, hắn vùng chạy đến bên ông Chánh, gầm lên:

- Đồ khốn! Chính ông chủ mưu vụ này... ông không đáng làm người, hiểu chưa?

Ông Chánh tím mặt, đạp hắn ngã xuống đất:

- Quân xảo trá!

Mắt Rot rực lên ánh lửa căm hờn, hắn vùng chạy đến bên con ngựa, rút phắt chiếc nỏ ra. Một người chồm đến toan giật thì bị Rot tống một đạp ngã chúi xuống, hắn thót lên ngựa tra một mũi tên vào. Mặt Rot lạnh như tiền, mắt hắn quắc lên dữ chưa từng thấy:

- Các người phải chết!

Hắn đưa chiếc nỏ lên, nhắm vào ông Chánh. Ông ta cuống cuồng giật cương ngựa định chạy, nhưng nhanh hơn, Rot đã bấm cò. Một tiếng "tách" vang lên, nhà khảo cổ ngã nhào xuống ngựa, sau một tiếng kêu ngắn. Mọi người thét lên:

- Bắt nó!

- Đồ sát nhân!

Nhưng không ai dám đuổi theo, vì trong tay Rot vẫn còn thủ cây nỏ. Hắn sãi ngựa tẩu thoát, ngang ngôi tháp Chàm, rêu phong cổ kính, Rot rưng rưng khấn:

- Xin thần linh phù hộ cho con cháu của người...

Đàng sau lưng Rot, mọi người ùa lại xúm xít quanh ông Chánh. Người gầy hồi nãy khóc lóc:

- Nó giết anh tôi rồi! Trời ơi!

Một người lên tiếng:

- Bác sĩ đừng khóc nữa, chúng ta nên đem ông về tỉnh săn sóc.

Bác sĩ Mân quệt nước mắt, nhìn ông Chánh, lòng quặn lên từng cơn. Ông xốc anh lên, lại khóc như mưa gió. Mũi tên có lẽ trúng vào ruột non, nên nạn nhân còn hấp hối, thỉnh thoảng lại rãy lên...

*

Nhà ông Mân ở dưới tỉnh, cách thung lũng của người Chàm cư ngụ khá xa. Ông là vị bác sĩ độc nhất trong tỉnh lỵ nhỏ hẹp, lại có tiếng mát tay nên bao nhiêu con bệnh đều tìm đến nhà ông. Khi Ksor cõng con đến thì ông Mân gặp chuyện buồn. Ông chánh anh ông qua một vụ mua đất đã bị giết chết. Lúc Ksor đến thì trời đã chiều, nhà nhà hai bên đường phố vẫn còn mở cửa, trước mỗi nhà đều có vài chậu hoa mai vàng chóe. Hương vị ngày Tết vẫn còn đậm đà ở những tiếng pháo nổ tạch đùng và người người đi lại tấp nập.

Ksor tiến vào nhà ông Mân. Nhà ông là một ngôi nhà xây theo kiểu xưa, vách bằng gỗ nâu, mái cong cong cổ kính. Nhà có ba gian và hai chái. Hai chái hai đầu dùng làm phòng khám bệnh và nhà bếp. Trước nhà có hòn non bộ, với những chiếc cầu đá, những ông tiên đánh cờ, những đạo sĩ cỡi lừa thong dong.

Một gia nhân cản Ksor lại, hỏi:

- Anh tìm ai?

Ksor chỉ vào đứa con:

- Tôi cần gặp bác sĩ để chữa bệnh cho con tôi.

- Bác sĩ gặp chuyện buồn, không có thì giờ chữa bệnh. Đợi hôm khác đi.

Ksor thất vọng, định quay về. Chợt từ trong nhà, bác sĩ Mân đang tiễn một ông khách tới phúng điếu ra. Ksor hy vọng, nên chần chừ dừng lại. Ông Mân khăn tang quấn trên đầu, mặt mày ủ rũ. Tiễn khách về rồi, ông định quay vào thì gặp Ksor. Cái dáng của người Chàm, giống nòi của Rot khiến ông chú ý. Ông hỏi:

- Anh chữa bệnh?

Ksor vội vàng:

- Không. Thằng con tôi bị đạp gai...

Ông Mân ngắt lời:

- Rất tiếc, tôi phải lo ma chay cho anh tôi. Anh là người Chàm?

- Phải.

Một ý nghĩ lóe sáng trong đầu bác sĩ Mân:

- Anh biết thằng Rot không?

- Biết.

- Anh tôi chết vì tay nó.

Ksor mở to mắt:

- Rot giết anh ông?

- Nó bán đất cho anh tôi, rồi nó không chịu đi, anh tôi cãi vã với nó rồi bị nó bắn chết.

Nhìn tầm vóc lực lưỡng của Ksor, bác sĩ Mân hỏi:

- Con anh bị thương ở đâu?

Ksor vội vàng cầm chân thằng bé đưa lên, nó khẽ rên rỉ. Ông Mân gật gù:

- Tôi sẽ chữa cho con anh...

Ksor mừng rỡ:

- Tôi cám ơn bác sĩ lắm!

- Nhưng với điều kiện...

- ...?

- Anh bắt Rot về đây.

Ksor lập lại:

- Bắt Rot?

Hận thù đã làm bác sĩ tàn nhẫn với nghề nghiệp, ông lạnh lùng gật đầu. Ksor suy nghĩ rất nhanh. Rot chẳng thân với anh gì lắm, hơn nữa trong hội mừng năm mới vừa rồi, hắn đã hạ nhục anh. Nghĩ tới bệnh tình của thằng con, anh bất chợt gật đầu:

- Tôi sẽ đi bắt Rot.

Bác sĩ Mân không lộ sắc mặt:

- Tôi giao hẹn: nội chiều nay, giờ này anh phải đem Rot về đây. Trong khi chờ đợi, anh hãy đem con anh về.

Ksor hấp tấp cõng con lên vai, bóng dáng vạm vỡ của anh mất hút ở cuối phố. Bác sĩ Mân nhìn buổi chiều đang xuống, một buổi chiều đầu năm. Ông chợt nhớ những năm qua, giờ này có lẽ ông cùng ông Chánh và các người bạn đang quây quần bên bộ bài Tây để sát phạt nhau. Kỷ niệm khiến ông ứa nước mắt, ông nhìn cành hoa đào nở rộ thoáng rung trong gió, ngỡ là hương hồn của anh thoảng qua...

Ngay tối hôm đó, Ksor trở về nhà. Sau khi căn dặn con vài điều anh gói theo vài củ khoai rồi khoác chiếc nỏ lên vai vội vã đi. Với kinh nghiệm đã từng lăn lóc chốn rừng núi, anh đoán chắc Rot còn lẩn quẩn đâu đây, nếu không ở các "buôn" Mọi trên dãy núi đàng kia thì cũng trong những khu rừng gần đây.

Bóng tối đổ ập xuống chốn núi rừng. Côn trùng bắt đầu trổi bản trường ca triền miên. Ksor bắt hướng từ nhà Rot để làm cái mốc khởi điểm. Anh đứng trên một tảng đá cao, đôi mắt sáng quắc nhìn tứ phía. Dãy núi trước mắt anh cắt thành một vệt đen khổng lồ hệt như bức trường thành. Nơi đó, là chốn cư ngụ của những "buôn" Mọi, có thể Rot lẩn quẩn ở đó. Ksor dự tính gần sáng mình sẽ đến đó nếu đi nhanh, không nghỉ. Khi Ksor vừa nhảy xuống đất, chợt anh thấy tim mình đập mạnh, vì từ trong ngôi tháp Chàm sừng sững trong đêm, anh vừa trông thấy một bóng người thoát ra. Hắn ta nhảy lên lưng con ngựa trước cửa tháp, sãi về phía ngọn núi trước mặt. Ksor mừng rỡ nhủ thầm:

- Đúng là Rot rồi:

Dự đoán của anh đúng như anh nghĩ. Rot phi về ngọn núi phía trước, tức là hắn ẩn trốn nơi các "buôn" Mọi. Ksor xốc lại cây nỏ trên vai, khởi hành. Trăng chớm mọc trên đầu ngọn núi, giải đất lòng chảo trông như tráng vàng, mơ hồ tiếng dã thú gầm thét phía xa. Ksor nghĩ đến đứa con bị thương, có thể đêm nay nó làm mình làm mẩy vì đau nhức lắm. Ksor lo bấn cả người. Thoạt đầu anh còn đi chậm để dưỡng sức, sau cùng anh chạy. Qua những khe núi hiểm trở, Ksor ra khỏi khu lòng chảo. Anh bắt đầu tiến vào một khu rừng rậm. Ksor đi chậm lại, anh cột chặt đôi giày đi rừng của người sơn cước, đoạn vạch lá tiến lên. Càng vào sâu, tiếng sơn cầm gào thét nghe càng rõ. Trăng núi chiếu ánh sáng xanh biếc trên cành lá, sương xuống nhiều hơn, ướt đẫm vai Ksor... Tảng sáng, anh đến chân núi, nơi mà Rot ẩn trốn. Lờ mờ trong màn sương trắng, từng ngôi nhà sàn lêu khêu vươn lên nền trời. Ksor đi lần dưới chân các nhà sàn... Ngang một ngôi nhà cuối cùng, dưới chân núi, Ksor điếng người mừng rỡ: trong chuồng nuôi súc vật, lẫn lộn trong đám heo đen thui là con ngựa của Rot. Ksor mặc dầu đôi chân đã mỏi nhừ, vẫn thấy sung sướng, anh rút chiếc nỏ xuống, tra tên vào...

Chung quanh bếp lửa của ngôi nhà sàn, một bọn bốn người ngồi quây quần. Họ gồm ba Thượng, một Chàm. Người Chàm là Rot.

Trong những hôm gần đây, Rot đã đến nương tựa ở ngôi nhà của đám dân Thượng này. Hắn bày tỏ hoàn cảnh của mình cho họ nghe, và họ bằng lòng cho hắn ngụ tạm. Rot thường chờ những đêm khuya, để trở về ngôi tháp Chàm, khẩn cầu thần linh phò trợ. Những khi nghĩ đến miếng đất, nơi chôn cất mồ mả của ông cha, Rot chỉ muốn khóc.

Hơi ấm từ bếp lửa tỏa ra, khiến bốn người cảm thấy dễ chịu. Những sáng mùa xuân, trời thường trở lạnh, nhất là về tảng sáng, hơi núi bốc lên làm rét hơn. Một người lấy ra một trái ngô, anh ta bóc từng hột thảy vào lửa. Những tiếng "bụp bụp" vang lên đều đặn, ngô bắn tung trở ra, họ lượm lấy phủi lớp tro dính, rồi ăn ngon lành. Có một người Thượng hỏi Rot, giọng kinh lơ lớ:

- Anh có muốn ở đây lập nghiệp với chúng tôi không?

Rot lượm một hạt ngô nóng vừa phủi tro vừa đáp:

- Tôi sẽ tính lại sau. Nếu không thể trở về được nữa, tôi sẽ ở lại đây.

Họ lại im lặng, tiếng "chép chép" vang lên đều đều. Bên ngoài, sương núi đặc trắng xóa cả rừng núi, trời chỉ mới sáng tửng mửng. Chợt một tiếng ngựa hí vang dưới chuồng. Rot dáo dác. Hắn chụp lấy cây nỏ trên vách, tra tên vào, đẩy cửa bước xuống thang. Xuống hết bậc thang cuối cùng, hắn cúi nhìn vào chuồng ngựa thì nghe một tiếng sau lưng vang lên:

- Rot, bỏ nỏ xuống.

Rót rụng rời, vất cây nỏ xuống đất, quay lưng lại. Chưa bao giờ Rot sững sờ bằng lúc này. Hắn lắp bắp:

- Ksor, Ksor...

Ksor đứng cạnh bậc thang, lăm lăm cây nỏ trên tay:

- Tao đây! Mày trốn giỏi quá hả.

Rot hỏi:

- Anh định làm gì tôi?

- Bắt mày vì mày là kẻ giết người.

Rot nuốt nước bọt, khổ sở:

- Ksor, anh bắt tôi thật sao?

- Theo tao.

Ksor vừa bước tới ra lệnh, chợt vấp chân thang ngã chúi xuống. Nhanh như chớp, Rot vọt chạy. Ksor chụp cây nỏ vùng dậy ngay. Anh rượt theo, quát lớn:

- Đứng lại! Rot, đứng lại!

Rot vẫn cắm đầu chạy miết. Khi ba người Thượng từ ngôi nhà sàn mở cửa nhìn ra thì hai người đã mất dạng ở khu rừng trước mặt...

Ksor nhắm hướng Rot đã đào tẩu rượt nà theo. Chạy được một quãng, anh dừng lại dáo dác nghe ngóng. Xung quanh anh hoàn toàn im lặng. Ksor tức uất người lên, anh tiếp tục xục xạo tìm kiếm, cây nỏ lăm lăm sẵn sàng bấm cò. Rot vẫn biệt tăm. Ksor cuống cả người lên, chạy lồng lộn như một con ngựa nổi chứng. Thời gian qua thật lẹ, mới đó, sương đã tan dần trên các ngọn cây, khu rừng sáng hơn trước. Chim chóc ríu rít trên khắp các cây rộn rã. Ksor đi sâu vào rừng, bây giờ đang độ đầu Xuân, cây cối đâm chồi nẩy lộc thật nhiều. Có những cây đơm bông trắng xóa, theo gió gởi hương thơm ngào ngạt. Ksor sục sạo cả buổi. Ngang một con suối, anh mệt nhọc dừng lại. Đặt cây nỏ xuống đất, Ksor cúi xuống vốc nước suối rửa mặt. Chợt một tiếng động khả nghi vang lên đàng sau lưng anh. Ksor chưa kịp quay lại thì đã bị xô ùm xuống nước. Anh lồm cồm bò dậy thì trước mặt anh Rot hiện ra, trên tay lăm lăm cây nỏ cướp được. Hắn khẽ nhếch miệng cười đắc thắng, hất hàm ra lệnh bảo Ksor lên khỏi suối. Ksor thất vọng lẫn uất ức, lặng lẽ bước lên. Rot vẫy tay có ý bảo anh đi trước. Hai người lầm lì đi ngược lại, tiến về "buôn" Mọi. Một đỗi, Rot chợt lên tiếng:

- Tôi với anh có thù gì nhau, sao anh định bắt tôi?

Ksor đáp gọn lỏn:

- Tại mày giết người.

Rot thật thà kể lại câu chuyện, hắn chỉ những vết bầm tím trên người cho Ksor xem, rền rĩ:

- Tôi chỉ là kẻ bị ép vào đường cùng...

Ksor im lặng. Rot tiếp:

- Tôi buồn bã vì không một ai hiểu tôi cả, ai cũng ăn hiếp tôi.

Ksor lầm lì không nói một tiếng. Anh đang nghĩ tới vết thương nguy kịch của đứa con, chưa bao giờ Ksor thấy thời gian qua mau như thế này. Gần đến "buôn" Mọi, bỗng nhiên Rot tiến tới trao lại cây nỏ cho Ksor:

- Anh hiểu tôi nhé, tôi không phải là kẻ sát nhân, tôi chỉ muốn sống yên lành.

Rot nở một nụ cười thân thiện, nhưng nụ cười ấy tắt ngay khi Ksor thụt lùi một bước, cây nỏ chĩa vào bụng hắn:

- Quay vào rừng, mau lên!

Rot sững sờ. Một giây sau đó, hắn làm theo lệnh của Ksor. Họ lại lầm lũi đi. Ksor không dừng lại nghỉ một giây phút nào, bởi vì anh đang chạy đua với thời khắc. Rot không dai sức bằng Ksor, gần trưa, hắn đuối sức, ngã ập trên đất, mặt đập vào một viên đá, đổ máu mũi dầm dề. Ksor lạnh lùng:

- Đứng dậy!

Rot nén đau, chỗi ngay dậy. Hắn quệt máu mũi, gắng gượng đi. Xế trưa, Ksor móc trong túi vải ra mấy củ khoai, thảy cho Rot một củ, rồi vừa ăn vừa đi. Rot nhiều lần ngã quị trên đất nhưng lại bò dậy, Ksor cũng nhừ cả đôi chân nhưng vẫn gắng nuốt quãng đường còn lại. Nắng quái trên các chòm cây đã nhạt đi. Chiều đến, họ ra khỏi khu rừng. Đứng trên một mô đất cao, nhìn xuống bên dưới là khu lòng chảo, với núi non hùng vĩ. Rot nhìn mặt trời đẫm máu xuống đầu núi, hắn biết số phận của mình đã đến. Hắn ngó xuống tháp Chàm, đau đớn:

- Thần linh đã không giúp tôi!...

Ksor thúc cây nỏ vào lưng hắn, ra lệnh tiến bước. Bóng hai người đổ xuống mặt đất, tiến dần xuống khu lòng chảo. Ngang tháp Chàm, có những tảng đá chồng chất rêu phong, Rot cầu khẩn:

- Cho tôi vào đây một chút.

Ksor ban cho tù nhân ân huệ cuối cùng. Rot tiến vào ngôi tháp. Lòng hắn lắng dịu xuống, thanh thản. Rot quì xuống dưới chân một tượng thần bằng đá đã lở nhiều chỗ, nói:

- Thần đã không giúp tôi thì tôi đành chịu. Nhưng tôi đau đớn một điều là chúng tôi đã vong quốc mà dân tộc còn lại của chúng tôi vẫn tự giết nhau. Tôi chỉ xin ngài một điều, hãy phù hộ cho họ tồn tại...

Có tiếng Ksor dục bên ngoài. Rot lặng lẽ đi ra. Một trận cuồng phong lùa qua khe núi hú lên, cây cỏ trong thung lũng rạp hẳn xuống. Ra khỏi khu lòng chảo, Rot quay lại quê hương của mình lần cuối. Nhà hắn cùng ngôi tháp Chàm vẫn còn sừng sững ngạo nghễ trong buổi hoàng hôn.


Hà Thúc Khánh    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>