Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Ngôi Đền và Dòng Sông


Hơn mười năm nay tôi chỉ được trở lại thăm quê nhà trong những giấc mơ. Thỉnh thoảng, mùi cỏ non, hương thơm của hoa bưởi hay một tiếng động vu vơ lại đánh thức hình ảnh người bạn thân yêu đó. Trong giấc mơ, trong những ngày thơ ấu của tôi, quê tôi thật hiền lành và êm đềm.

Trên vài trang giấy hẹp này tôi không mời các bạn nhỏ của tôi tham dự một cuộc du lịch về nơi danh lam thắng cảnh. Quê tôi không có đồi núi, biển, rừng. Quê tôi khỏe mạnh nhưng chất phác như một bác nông phu trong sách tập đọc.

Đình làng quay mặt ra sông. Trước cửa đình có đặt nhiều tảng đá. Người làng bảo đó là những "ông rùa" đứng cạnh đình. A, những chỗ này thực sự là của người lớn. Bọn trẻ chúng tôi ít có dịp vào đó chơi đùa. Chỉ thỉnh thoảng một vài đứa lén ngồi lên lưng các "ông rùa" nhìn ra sông. Ngay cả buổi trưa, nắng cũng chỉ lọt xuống sân có vài tia nhỏ. Đó là nhờ công lao che chở của những cây si, vải và "giàng giàng". (Giàng giàng là một loại cây hơi giống cây phượng. Trái cây nhỏ hơn trái bồ kết. Khi trái già nứt ra, hạt giàng giàng nhỏ xíu, đỏ chói rơi xuống. Nhân hạt ăn bùi và thơm).

Đền nhỏ, thấp, hơi tối, có hai ông tướng bằng đá canh cửa. Bọn nhỏ thường chỉ dám đến đứng cạnh ông tướng đá ngó vào trong đền. Đó là nơi linh thiêng lắm. Tất cả những đứa trẻ chơi la cà ở đền lỡ bị ốm đau thường chỉ nhờ lễ "tạ" mà khỏi. Mẹ tôi kể rằng hồi xưa, khi đê Cầu Phùng vỡ, có một "tảng đá thần" đã theo dòng nước lụt "trôi" về làng. "Tảng đá" nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đầu tiên đá thần trôi vào làng Vọng. Dân làng Vọng đẩy đi. Đá thần đến làng tôi thì được tiếp đón nồng hậu và trọng thể. Từ đó đá thần đem sự may mắn và hạnh phúc lại cho quê tôi: "Đá thần" được đặt ở một cái giếng khô nhỏ trong đền. Hàng năm, các chức sắc trong làng lại làm lễ "lau mình" cho đá.

Cây si mọc lan ra tới sông. Đê chỗ này đắp thấp và đầy cỏ xanh. Đây là thế giới của chúng tôi. Những đứa còn nhỏ đi la cà trong sân đền nhặt giàng giàng đỏ nhét đầy túi. Buổi tối nhiều đứa nằm ôm "kho tàng" mà ngủ. Những đứa lớn có thể tham dự cuộc tắm sông ồn ào với các mục đồng vào buổi chiều. Cây si, rễ si biến thành những cầu nhảy, những dây đu tuyệt vời.

Không đứa nào trong bọn tôi biết "bông giông" như các chú bé ở hồ tắm bây giờ. Chúng tôi trèo lên cành cây đứng thẳng, bịt mũi, nhắm mắt như người ngủ. Thế là cả thân người ngay như khúc gỗ từ từ "đổ" ùm xuống sông. Có đứa lăn mình dọc theo sườn đê êm cỏ. Một bọn khác thì đắp đất sét trên sườn để trợt thẳng xuống nước.

Nơi xứ thần tiên trong tuổi thơ của tôi, ngôi đền, con đê, dòng sông đã góp phần xây dựng bằng nhiều viên đá đẹp. Khi cùng nhắc nhở đến quê nhà, tôi thường nói với các bạn "Nếu được trở về quê sống lại một ngày bình yên, dù lúc đó tao già lụ khụ, tao vẫn phải chạy ra bờ đê lăn mình trên cỏ, rơi ùm một cái xuống sông..."


LÊ TẤT ĐIỀU     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 29, ra ngày 12-3-1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>