Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

Giết Lợn Đầu Xuân


Thoạt nghe qua bốn tiếng nầy hẳn có bạn không hài lòng, hỏi:

- Ai lại giết lợn vào đầu xuân bao giờ? Tên này nói phét! Người ta có giết lợn là giết vào những cuối năm, sắp sửa vào xuân ấy chứ. Láo toét! Không tin!

Hoặc có anh thích ăn chay và vốn hiếu sinh thì lại bảo:

- Tên này chúa ác! Ai lại mới đầu năm, năm mới năm me mà bàn chuyện sát sinh? Như thế thì còn mong học hành tấn tới làm sao được? Tâm địa như thế...

Này! Xin van bạn! Đừng có vội vàng kết tội oan cho tôi, nhá! Tôi cũng đồng ý với bạn, không bao giờ lại tính chuyện giết chóc vào đầu năm, dù cho thứ lợn tôi kể ra đây là "lợn đất". Thế là vừa lòng bạn nhá?

Bây giờ bạn lại gặng:

- Ối tưởng gì, giết lợn đất thì có chi đặc biệt mà cũng khe khoang?

Vâng! Đúng thế! Lợn đất thì lạ lùng gì? Nhiều người vẫn nuôi lợn đất, chờ đến gần Tết giết thịt chia cho lũ trẻ và cả nhà là thường. Và nếu chỉ thế thì tôi không dám làm rầy tai, bẩn mắt bạn đâu. Đằng này mẹ tôi không thế: mẹ tôi nuôi nó cho no kềnh, no nứt bụng ra (bắt cả bọn tôi góp tiền nuôi nữa) mà rồi đến khi giết lại lấy hết tiền trong bụng nó cho trẻ ở trong một Cô Nhi Viện gần nhà. Có ức không, kia chứ?

(Nguyên cái lệ này mới phát sinh đâu cỡ ba bốn năm nay, chứ ngày trước, khi lợi tức nhà tôi kha khá thì không thế ; cứ mỗi cuối năm mẹ tôi trích ra một số tiền nào đó mang cho là xong) Mẹ tôi muốn làm việc thiện, việc nghĩa ư? Cái đó tùy bà, chúng tôi không hề ngăn cản. Khốn nỗi, để hoàn thành mục đích, mẹ tôi không kể gì phương tiện tốt xấu: chúng tôi bị bắt buộc phải hy sinh, đóng góp cho con vật đáng ghét quá nhiều, một sự bắt buộc mà chúng tôi đều cho là bất công, kém văn minh, trái với nguyên tắc và tinh thần tự nguyện.

Không chỉ thế thôi, mẹ còn bắt chúng tôi tiết giảm mọi thứ đến mức tối đa. Chẳng hạn ngày trước chúng tôi cắt tóc ngoài hiệu thì nay mẹ bảo cắt mấy ông thợ cắt dạo cũng được. Cắt dạo xấu, bạn cũng hiểu như thế chứ? Nhưng mặc chúng tôi phản đối, mẹ tôi không nao núng. Bà nói rằng bà cai trị quốc gia nhỏ bé này theo lối độc tài, đừng có hòng nho nhoe dân chủ bà không ưa. Chưa hết: mẹ tôi chỉ bằng lòng cho may quần tây của bọn con trai và áo dài của bọn con gái ngoài hiệu mà thôi. Sơ mi? Bà may lấy, áo đầm? Bà may lấy, áo quần mặc trong nhà? Lại cũng bà may lấy! Mẹ tôi chưa từng học may lấy một ngày nào, làm sao may đẹp được? Nhưng chê hả: thì ở trần, thì tóc chấm mang tai chịu làm sao nổi? Thế là chúng tôi sau cùng, đành chịu thua. Thì tôi đã bảo mẹ tôi cai trị theo lối phong kiến độc tài mà. Bà nói rằng chúng tôi chưa đến tuổi sử dụng quyền Dân chủ, chỉ tổ làm hư hỏng danh từ tốt đẹp đó đi, chúng tôi còn phải ở trong sự Bảo hộ của mẹ lâu, lâu lắm. Ba tôi, tuy danh vị thì to lớn, song ông cũng như Nữ hoàng bên Anh quốc vậy thôi, bao nhiêu thực quyền ông đều giao cho mẹ tôi nắm giữ. Để chống chế, trả lời về những kêu ca của chúng tôi, mẹ tôi nói thế này đây:

- Các con đừng có đua đòi, không tốt. Đang còn trong tuổi học hành, ăn mặc sao cũng được, miễn sạch sẽ, lành lặn là quí lắm rồi. Con người ta nghèo, chỉ ao ước có mỗi chuyện đi học mà không được, kia thay! Con người ta khổ đến bao nhiêu? Có khi chỉ mong cơm no, áo lành còn chưa được, kia thay! Các con phải hiểu rằng cái giá trị thật của con người là ở đức độ, hành động, tư cách người đó chứ không phải ở những thứ bám bên ngoài (xin mở cái dấu ngoặc: ý bà muốn nói đầu tóc đẹp, áo quần sang đấy) Chăm chú bề ngoài quá, người ta bỏ quên những điều cần trau dồi chăm chú, không tốt đâu, các con ạ!

Nghe cũng khá êm tai. Nhưng mà khi mẹ tôi vào phòng hay xuống bếp rồi, tụi tôi tụm lại mổ xẻ kỹ càng huấn từ của bà thì thấy rõ là bà cho chúng tôi ăn bánh vẽ: chúng tôi còn bé, chúng tôi đã là người ta đâu? Làm sao chúng tôi lại bùi tai vì những lời ngọt ngào như thế và từa tựa như thế mà dễ dàng chịu khuất phục, không tranh đấu cho quyền lợi tối thiểu của mình kìa?

Còn một điểm vô lý nữa, chúng tôi xin xỏ cái gì cũng bị bác bỏ đi, mẹ lấy cớ là phải cần kiệm cho đủ chi tiêu, trong lúc đó hễ ba chúng tôi có cho chúng tôi đôi ba chục thì mẹ tôi đã chỉ vào con lợn đất nằm chễm chệ giữa buýp phê mà rằng:

- Không đứa nào nghĩ đến kẻ nghèo sao? Các con keo kiệt thế?

Làm tụi này thật khó lờ đi. Nhưng tuy không lờ, chúng tôi cũng không nông nổi như thằng Minh hay con Bé, thoạt nghe mẹ nói là lon ton mang tờ giấy bạc hai chục mới toanh gấp tư, nhét ngay vào khe hở trên mông con lợn đất một cách hết sức "quân tử tầu" được. Chúng tôi đâu có ngu?

Dĩ nhiên, hai đứa nó được mẹ khen dữ lắm. Nào biết thương người, nào có lòng tốt v.v... và vân vân.

Còn chúng tôi? Chúng tôi không phải là xấu hẳn, bằng cớ là mỗi đứa chúng tôi đều vui lòng rút bớt trong số tiền ba cho đi năm ba đồng, cũng đủ hai chục để góp thức ăn cho lợn. Rõ kỳ quái thì thôi, đời thuở nhà ai nuôi lợn, bằng tiền chứ không bằng cám, mà cho ăn bằng bạc giấy, bạc đồng lại cho ăn đằng mông bao giờ chưa? Con lợn thì cứ chễm chệ trên tủ buýp phê, một con lợn đất thô, xấu, đỏ chóe một cách rất là phản mỹ thuật mà rất khoe khoang! Trông không ưa được. Cả lũ chúng tôi đều ghét nó, nhưng mẹ thì trái lại. Một tháng, đôi tháng, mẹ lại nâng nó lên, xóc xóc thăm dò nặng nhẹ... với vẻ âu yếm khác thường.

Mỗi cuối năm, con lợn đáng ghét, cái gai trước mắt chúng tôi no nê, chứa bên trong nó từ đầu đến đuôi đầy nhóc đồng hào, đồng giấy đủ loại: từ tờ hai chục của Bé, của Minh, đến đồng năm, đồng mười của các anh chị mang tiếng là keo kiệt, cho đến đồng trăm đỏ chóe của ba tôi hay đồng năm chục tim tím mẹ đã bỏ vào mà bà tuyên bố là nhịn đi xe trong hai buổi chợ!

Chúng tôi ai cũng đòi được quyền giết chú lợn này, song mẹ tôi đã nghiêm trang tuyên bố: "quyền ưu tiên thuộc hai đứa bé nhất" hai đứa con hào hiệp, quân tử, có lòng tốt của mẹ tôi. Chỉ có hai đứa là được luân phiên thay nhau giết lợn cuối năm. Chúng tôi không được hưởng chút lợi gì trong việc ấy, song chúng tôi đều cho đó là một dịp thích thú, nên cũng tụm lại chứng kiến cuộc chém giết không đổ máu kia.

Minh (hay Bé) trong dáng bộ trang trọng đứng ngay giữa nhà áo quần mới tinh tay lăm lẳm con lợn đất nặng trịch chờ lệnh mẹ tôi. Bọn tôi cũng hồi hộp đợi, nghẹn cả thở trong giờ phút quan trọng đó.

Giết lợn đất cũng có cả một nghệ thuật đấy, không phải chuyện chơi đâu. Nâng lên thế nào, quật xuống thế nào cho con lợn vỡ toang ra, tiếng kêu rõ giòn, rõ lớn, mà đồng hào lớn nhỏ đừng có văng tuốt trong xó cửa, kẹt giường, gậm bàn, chân tủ hay quá xa ; vừa mất công đi tìm vừa e có kẻ manh tâm chiếm lấy làm của riêng không trả lại. Đó là chưa kể không cẩn thận mảnh vỡ có thể trúng tủ bể kính thì thêm chuyện, mất vui đi!

Tôi đã nhiều lần gạ gẫm và được Minh xiêu lòng thuận cho tôi giết lợn một lần rồi. Thú không tả xiết: này nhé, tôi giơ cao con vật cao quá đầu kia, giả vờ quật xuống hai ba lần mà không quật, rồi thừa một lúc không ai để ý, tôi vung tay một cái "xoảng" một tiếng, con vật vỡ tung ra, chị Mai ôm ngực kêu lên, tiền giấy, tiền hào văng tung tóe, những đồng hào sáng lấp lánh dưới ánh nắng từ cửa sổ chiếu vào. Cả bọn vỗ tay reo hò tở mở!

Chúng tôi cúi xuống, thi nhau nhặt, không, phải nói là tranh nhau nhặt mới đúng. Thôi thì không được hưởng, hãy tạm sờ mó cho đỡ thèm đôi chút vậy, đã sao? Nhặt xong, chúng tôi xếp riêng từng loại, đồng năm, đồng mười, đồng một... bạc giấy thì vuốt phẳng phiu, đoạn đếm. Dĩ nhiên những việc này đều thể hiện dưới sự kiểm soát của mẹ tôi. Món tiền to quá, chúng tôi không khỏi xuýt xoa tiếc rẻ: giá mẹ cho mỗi đứa một phần nhỉ! Giá mẹ chỉ cho trẻ mồ côi một nửa mà thôi, còn một nửa thì chia cho tụi mình nhỉ? Giá... Song chúng tôi ao ước một cách vô vọng. Mẹ tôi không hề nao núng chút nào. Mẹ tôi gom hết số tiền kia lại, cho vào cái túi vải, nghiêm giọng tuyên bố:

- Số tiền thật không bao nhiêu, song rất quí, quí ở chỗ các con đã nhịn quà bánh, mẹ đã nhịn đi xe, ba đã nhịn...

Không biết hai chị và lũ em tôi thì sao, còn tôi, tôi tức nghẹn, không thèm để tai nữa. Hai nghìn một trăm sáu mươi tư đồng bạc. "Ngần ấy tiền chắt chiu trong một năm ròng, ngần ấy mà dám tuyên bố là không bao nhiêu thì quả mẹ tôi... ngoa quá! Hóa ra mẹ tôi thương lũ trẻ mồ côi hơn là mấy đứa con ruột thịt của mẹ, trời xanh ạ". Có tủi thân không kia chứ? Có đáng khóc không kia chứ? Cho con vài chục thì tiếc, còn... Đột nhiên, chị Mai huých tôi một cái mà rằng:

- Sinh kìa, có đi chơi với mẹ không kìa?

Đi chơi? Đi những đâu? Nha Trang? Đà Lạt? Vũng Tàu? Tôi quên phăng điều bất mãn, hỏi dồn, lòng mừng khấp khởi. Giọng chị tôi chua hơn giấm:

- Đi chơi ở đằng chỗ mẹ mang tiền lại cho đó, chớ đi đâu, mày lúc nào cũng như trên cung trăng mới xuống ấy...

Ối! Tưởng đi đâu, hóa ra là lại đằng ấy, đằng chỗ mà vì họ nên tụi này xót ruột, tủi thân, mất tiền... thì chán chết! Ở nhà bắn bi lại còn thú vị gấp mười. Ra chị em tôi cùng một bụng, một dạ như nhau. Không ai đầu quân cả, trừ hai đứa bé nhất. Chúng tung tăng theo chân mẹ đi chơi. Mỗi bận như thế về nhà, chúng hân hoan không thua chi mẹ. Chúng khoe rằng các bà trong ấy khen chúng ngoan, lũ trẻ trong ấy dễ thương, nhà trong ấy rộng, trong ấy nhiều em bé, rằng... đủ thứ bà nhằng!

Thình lình, Bé vụt kêu lên:

- Này anh Sinh ơi! Người ta gởi lời thăm với lại.... cảm ơn anh đấy!

- Láo! Người ta làm gì biết tên tao, tao làm gì mà cảm ơn tao?

- Biết, người ta còn biết cả tên chị Mai, chị Lê, anh Hòa. Người ta khen mấy tụi mình ghê lắm, anh Sinh ơi!

- Sao không biết? Mẹ nói với người ta rằng món tiền mẹ mang lại là của mình cho! Em nghe rõ ràng mà Minh trợn mắt, cao giọng tiếp lời Bé.

Bé chen vô:

- Mấy người trong đó có hỏi sao mấy anh mấy chị không vô chơi nữa.

Tôi tò mò hỏi:

- Rồi tụi mày nói sao?

- Tụi em đâu có biết nói sao? Mẹ nói chớ, mẹ nói vầy nè: "Thưa, các cháu nó không quen đến chỗ lạ, các cháu xấu hổ" Thiệt mà, em không có nói láo đâu.

Chị Mai nheo mắt, bảo tôi:

- Thấy chưa? Thấy sự thật bị bưng bít chưa? Không ai ngờ rằng chị em mình bị bắt buộc phải làm việc nghĩa đâu! Sinh ơi!

Về phần hai đứa nhỏ không biết chúng làm quen với các trẻ mồ côi cách nào, trò chuyện ra sao, có gì vui vẻ mà cứ hong hóng suốt năm chờ ngày đến đó.

Chúng không như tụi lớn đầu chúng tôi, xuýt xoa luyến tiếc mỗi lúc cho lợn đất ăn, chúng làm nhanh và gọn công tác ấy, chúng tình nguyện hăng hái quá đi, kia! Chúng làm cho tụi tôi ngượng hết sức, tức hết sức, vì mẹ cứ mang chúng ra bảo chúng tôi soi gương bắt chước...

Suy cho cùng, nào chúng có tốt gì? Bởi thật ra chúng nào đã biết tiêu tiền : que kem, thỏi kẹo cũng moi túi mẹ. Mới học lớp năm, mới vào mẫu giáo mà mua sắm chi đâu? Bì sao được với tụi tôi. Thử hỏi bạn, lễ Giáng Sinh, ngày Tết tụi tôi cũng cần có tiền mua cái bưu thiếp chúc nhau chứ? Lâu lâu cũng cần mua cái tem thư gửi bạn chứ? Chị em gái của tôi cũng cần có cái nơ, cái lược be bé xinh xinh chứ? Đó là chưa kể những cuốn sách hấp dẫn, bày nhan nhản chung quanh chúng tôi kia. Mẹ tôi cứ làm như chỉ có TUỔI HOA thôi. Mà có nhiều nhặn chi cho cam: mỗi tháng hai kỳ, mỏng tanh tanh, đọc ngoém nửa khắc là xong từ đầu đến cuối. Tiền đâu chúng tôi mua bi, mua dế? Tiền đâu nước mía, nước chanh? Dễ thường chịu nhịn khát về nhà chắc?

Mẹ tôi không bao giờ tìm hiểu chúng tôi. Mẹ không bao giờ quan tâm đến những nhu cầu của chúng tôi, mẹ cứ gắt sao chúng tôi tiêu tiền, sao không làm như hai đứa nhỏ: hễ được đồng nào vứt tọt cho lợn đồng ấy! Dễ nghe chưa?

Năm thì mười họa mới cho chúng tôi ít trự mà không lần nào mẹ quên cái câu bất hủ: "Nhớ đến trẻ nghèo". Nghĩ có chán không? Thật y như thể chúng tôi mang nợ trẻ nghèo đâu từ tiền kiếp, y như chúng tôi chịu trách nhiệm trực tiếp về chúng vậy. Rõ thật bất công. Mà nào mình có giàu có chi cho cam?

Lại còn điều này nữa: chúng tôi không được hưởng Tự do, Dân chủ, nhưng quyền lợi thì là bình đẳng, một thứ bình đẳng rất vô lý, kỳ quặc, nghĩa là thế này: hễ mẹ cho mỗi đứa mười đồng thì lớn nhỏ đều  hưởng mười đồng, ba cho mỗi đứa hai chục thì từ đứa mới vô Mẫu giáo cho chí đứa đã vào Trung học đều chỉ nhận đúng hai chục, không có sai biệt kém hơn đồng nào cả! Có đáng chán không?

Vì thế nên khi nghe hai đứa nhỏ mách rằng trong chỗ ấy họ khen chúng tôi, họ mời chúng tôi, họ cảm ơn chúng tôi, chúng tôi đều chẳng thèm xúc động hay hãnh diện. Nói cho đúng, ban đầu cũng có đứa xúc động hãnh diện sơ sơ, nhưng chỉ một chút thôi, vì chị Mai, chị ấy đã làm cho chúng tôi sáng con mắt ra bằng giọng lịch duyệt, từng trải thế này:

- Tụi bây ngu! Đó là một lối mị dân cho dễ cai trị cũ rích, sao còn để cho bị lừa: mẹ có bảo là của mình góp cho, người ta mới cảm ơn mình, người ta có cảm ơn thế tụi mình mới phổng mũi lên, tụi mình có phổng mũi lên thế, năm tới mới dại dột để cho nhà cầm quyền (tức là mẹ tôi) bóc lột chứ! Hiểu chưa? Rốt lại chỉ chị em ta là bị thiệt thòi mà còn cứ nhơn hơn thì thật thậm ngu!

Chúng tôi nghe mà bàng hoàng như vừa trải qua một cơn ác mộng! Chị Mai tôi không ngờ thế mà lại thông minh quá đỗi! Quả xứng danh là chị cả chúng tôi. Tam đoạn luận của chị cừ quá đi mất!

Thế là từ đầu năm, chúng tôi họp nhau luôn vào lúc rảnh để tìm mưu ứng phó, hầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Sau nhiều ngày bàn cãi, thảo luận, chúng tôi đi đến quyết định chung: chúng tôi xui mẹ đừng cho tiền Cô nhi viện vào cuối năm như thông lệ, mà để đến đầu năm. Như thế, theo chúng tôi, lũ trẻ sẽ mừng hơn, mà trong viện người ta cũng thích hơn vì họ sẽ coi như một điềm may mắn trong năm mới.

Ấy, thế rồi trước khi lệnh giết lợn ban ra, tụi này ám sát nó đi chia nhau hết của cải tích trong bụng nó những của cải ấy một phần là của tụi này bị bóc lột quanh năm chứ nào phải riêng của mẹ, ba và lũ ngốc kia đâu? Tụi này có quyền hưởng chứ?

Dĩ nhiên mẹ tức lắm, nhưng mẹ không thể bắt tội đứa nào. Lại là dịp minh niên mẹ phải bỏ chín làm mười đi, chẳng lẽ làm ầm lên thì được cái gì! Vả lại về phương diện pháp lý thì không ai trách nhiệm về tính mạng con lợn quái quỉ kia, huống chi ngày tư ngày tết, người ta còn phải đi chơi đây đó, ai hơi đâu quan tâm đến nó? Sao mẹ không cẩn thận cất nó vô trong tủ từ chiều ba mươi tết cho được an toàn? Trách ai kia chứ?

Cả lũ chúng tôi lấy làm thú vị trong mưu toan bất chính đầy mạo hiểm kia. Bây giờ, đến giai đoạn thuyết phục cách nào cho bùi tai hoãn việc giết lợn cuối năm là đâu vào đấy cả. Đợi mẹ thuận rồi thì cố thuyết thêm là đừng giết vào ngày mồng một, mồng một mà có đổ vỡ, giết chóc không nên (dù là giết một con lợn đất). Hãy đợi đến mồng hai hay mồng ba. Như vậy mới dễ ra tay, vì tụi này cũng kiêng mồng một, sợ xui cả năm. Chúng tôi biết rằng mẹ có lệ đi thăm viếng đây kia vào ngày mồng hai với ba tôi. Chúng tôi sẽ xui mẹ cho hai đứa nhỏ đi theo, tụi nó mà ở nhà thì kế hoạch rất khó thực hiện, (cái đó cũng không khó, vì mẹ vốn hay cho hai đứa đi theo).

Đã đi thăm viếng xã giao ngày Tết thì thế nào không có mời mọc ăn uống? Có ăn uống thế nào mà chả có rượu? Mẹ tôi vốn tửu lượng kém, một chút bia cũng chếnh choáng rồi huống chi suốt một ngày ròng loanh quanh ngoài phố và trò chuyện với người này, người nọ thế nào mà không thấm mệt? Và khi về nhà nhất định sẽ không còn để ý chi nữa. Mẹ tôi sẽ bảo: "Đi ngủ sớm, các con, mai hẳn tính".

Ít nhất cũng trưa mồng ba hay mồng bốn mẹ mới phát giác ra vụ trộm bí mật, song than ôi! Bóng chim tăm cá còn biết kẻ gian ở góc trời nào? Trong lúc đó thì tụi này tha hồ tiêu Tết, thưởng xuân cho bõ... chao ơi! Kế hoạch thật là hoàn hảo! Mới nghĩ tới, chưa thực hành mà thấy mình nhẹ lâng như vừa mọc cánh ấy thôi!

*

Từ bấy giờ trở đi chúng tôi nhiều lần tính nhẩm và cùng nhau thích thú vì biết rõ ràng mặc dù năm nay cơm cao gạo kém, vật giá đắt đỏ nhưng lại là năm con lợn đáng ghét no nê nhất. Thì bạn tính: kỳ tháng tư cô Bích về chơi, cô cho chúng tôi mỗi đứa những hai tờ trăm còn thơm mùi mực, thẳng như một tấm bìa chưa qua một lần nếp gấp. Chúng tôi phải rứt ruột mà chia cho con lợn toi kia hết một tờ (mỗi đứa) vì mẹ tôi viện cớ chúng tôi chưa có thể làm chủ một số tiền quá lớn như thế. Mẹ ngang nhiên đánh thuế lợi tức phụ trội một cách bất hợp pháp vậy đó. Nhưng luật pháp thuộc về kẻ mạnh, cho nên cái gì của mẹ đề nghị cũng là phải hết!

Đến đầu tháng bảy, dì Hà từ ngoài Trung vào mua hàng, lại cho chúng tôi mỗi đứa đến ba tờ trăm nữa, vì chuyến đó dì được khá lời. Dĩ nhiên, chúng tôi phải nạp cho lợn hết một nửa số tiền to đó. Bạn có thấy tức hộ tôi không: tiền ít thì chia một phần tư, mà tiền nhiều thì chia đến một nửa kia. Bạn có thấy ai bị bóc lột hơn chúng tôi chưa?

Năm nay chị Mai đã biết cắt tóc, nên chị ấy cắt cho hai đứa em gái khỏi tốn tiền cho thợ. Mẹ tôi rất hài lòng. Mỗi bận cắt xong, mẹ hỏi:

- Bữa nay ngoài hiệu họ cắt tóc con gái bao nhiêu?

- Dạ, đắt lắm, mẹ ơi! Những năm sáu chục gì, kia đấy.

- Tốt lắm! Thế là mình lãi những năm sáu chục... mình được hưởng...

Thế rồi, trong lúc chị Mai hí hửng những ngỡ phen này mẹ sẽ thưởng công cho, ai ngờ, trước những con mắt ngạc nhiên của chúng tôi, mẹ mang nguyên tờ giấy 50đ cho con lợn đất!

Mấy lần sau chị ấy và chúng tôi phản đối dữ quá, nên mẹ nới tay cho, cải cách một tị: nghĩa là đáng giá năm chục thì cho chị hai mươi nhăm, còn hai mươi nhăm nuôi lợn. Đáng giá sáu chục thì nuôi lơn ba mươi...

Thỉnh thoảng, mẹ treo giải thưởng, đứa nào nhịn ăn quà sáng, chịu ăn cơm nguội thì được một số tiền. Cả bọn mừng rơn, nào hay rốt lại tiền kia cũng chỉ được có hơn một nữa, nghĩa là luôn luôn con lợn ngồi trên, ăn trước, ăn bám, ăn hại vào chúng tôi, ngang nhiên, tàn nhẫn không kể xiết!

Cái lệ ăn chè vào chúa nhật, ăn bánh vào ngày lễ cũng được giảm đi, số tiền đó lại dâng cho lợn đất.

Ấy là vì cơm cao, gạo kém nên mẹ tôi phát kiến rằng phải tìm cách bù vào để số tiền kha khá chứ cứ quanh quẩn trên dưới hai ngàn rưỡi thì không thấm vào đâu, cho người ta chả bõ.

Thậm chí đôi guốc mòn vẹt gót gần bằng lưỡi dao dưới bếp, mẹ tôi cũng không chịu mua thay, còn chần chờ cho đến lúc chiếc guốc còn có hai phần ba chiều dài, lúc mà chị em tôi phàn nàn kêu ca dai dẳng mẹ tôi mới mua đôi khác.

*

Thỉnh thoảng, một trong số chúng tôi bỗng thấy lương tâm vùng dậy trách móc sơ sơ. Nhưng răng của lương tâm chúng tôi là thứ răng sữa trẻ con, lại đúng vào lúc sắp thay lớp mới cho nên sự cắn rứt cũng không có gì đáng kể! Vả lại, nhà hùng biện chị Mai không ngừng khuyến khích chúng tôi bằng câu chí lý:

- Chuyện gì mà thắc mắc? Tao thử hỏi chúng mày: trong mấy năm nay, số tiền chúng ta góp lại cũng gần bằng số tiền chúng ta sắp cướp chứ ít ỏi sao? E hơn đi nữa chứ lại! Phàm, công việc từ thiện thì phải có sự đồng lòng, tình nguyện, mà nay mình bị bắt buộc thì còn nghĩa lý gì? Đáng lẽ chị em ta đòi lại, nhưng mà kẻ yếu không thể dùng sức thì đành dùng chước. Chúng ta nào muốn thế đâu? Sau này, khi làm ăn khấm khá ta sẽ tha hồ làm việc tốt để chuộc lại hành động ngày nay. Là nói cho cùng, chứ chúng ta nào có lỗi gì?

Thế là lương tâm chúng tôi xẹp xuống, chịu thua. Và chúng tôi yên lòng chờ giờ hành động.

Thấm thoát mà Xuân về, Tết đến. Mọi xúi xiểm của chúng tôi đều được mẹ nghe theo. Bà khen chúng tôi có nhiều sáng kiến. Con lợn đất thì cứ hếch mõm, giương mắt ngạo nghễ và khiêu khích chúng tôi, nó ngu si quá đỗi. Nó theo chúng tôi vào tận giấc mơ kia đấy!

Trọn ngày mồng một chúng tôi cứ nhìn nhau cười khúc khích. Ngày mai! Ngày mai! Hai tiếng mới hứa hẹn làm sao! Ngày mai sẽ có nhiều sự lạ: có giết chóc mà không gây buồn phiền, không đổ máu, mà lại thêm vui! Trong lịch sử loài người chắc không khi nào lại có trường hợp hi hữu như vậy.

Nhưng, chúng tôi không hề biết đến chữ "nhưng" khốn nạn, chữ "nhưng" bất ngờ, chữ "nhưng" đáng ghét này, vâng! Nhưng mồng hai, từ sáng sớm, chúng tôi hay một tin ghê gớm: chiến tranh ngay trong thành phố Sài gòn! Giới nghiêm suốt hai mươi bốn tiếng! Súng nổ, người ngã, nhà cháy... trời ơi! Còn mong gì chuyện mẹ ba đi thăm viếng nhà ai? Chúng tôi quên phắt con vật giàu có sung túc mà chúng tôi định giết đi, quên biệt, không một lần nhớ đến. Cho đến nỗi khi đạn nổ xoành xoành sát bên hè, lửa cháy rần rật xóm sau, khi chúng tôi cuống cuồng chạy trốn lửa đạn, không một ai nghĩ đến mang lợn chạy cùng.

Cả xóm sau cháy ngoém, xóm trước cháy sơ sơ. Mỗi ngày chúng tôi thập thò về đầu xóm rồi lại kéo nhau chạy nữa, không mong gì đến chuyện trở về. Mãi đến mồng năm, ba tôi mới vào trong được cùng một số các ông, để thăm nhà.

Khi ông trở ra, ông trầm giọng tin cho mọi người hay là "nhà mình không cháy" rồi thừ người, im lặng. Tức thì chúng tôi ào kéo nhau vào. Từ xóm trong, thỉnh thoảng lính chữa lửa khiêng một xác người ra, xác được bọc kín trong bao ni lông mà mùi hôi vẫn xông lên nồng nặc trong không khí. Gạch, ngói, tôn đổ nát, ngổn ngang, cháy xém, bừa bãi. Vài bức tường trơ trơ ám khói, vô số dây điện đứt rời, giăng dọc, giăng ngang khắp lối đi. Lá cây rụng đầy mặt đất. Ruồi nhặng từng đàn, vơ tay một cái cũng tóm được mươi con. Cửa trước và cửa sau nhà tôi đều bị cạy, phá tung ra. Cửa sổ trước nhà và bức tường ngoài vườn lỗ chỗ vết đạn. Cửa kính trong nhà vỡ nát. Vỏ đạn đầy nhà, to có, nhỏ có, có cái đường kính đo đúng bốn mươi ly. Hồ nước cạn khô. Trên lầu bị nhiều vết lủng nhất, có vết to bằng cả bát canh. Mẹ con chúng tôi thu dọn suốt buổi, dù sao cũng mừng vì không mất mát hư hại quá nhiều như hàng xóm hẻm trong.

Chúng tôi trước sau vẫn quên biến con lợn đất. Thình lình, em Bé kêu thất thanh:

- Ra coi, ra coi con lợn đất đây này!

Thế là chúng tôi bật lên, chồm dậy, lao ra nhà trước, mấy đứa trên lầu đâm bổ xuống luôn. Mẹ tôi cũng có mặt.

Lợn đất vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ, có điều mất biến nửa thân sau. Bụng nó trống rỗng: mảnh vỡ, tiền giấy, tiền hào tung tóe trên tủ, dưới gạch, nhưng toàn đồng một, giấy cũng như hào! Mẹ tôi đứng sững, im lìm không một tiếng kêu. Minh và Bé khóc òa lên một lượt, rồi Bé mếu máo mà rằng:

- Ai giết lợn đất rồi, mất hết tiền rồi, làm sao vô thăm Viện được... hu hu... Bé không biết, Bé bắt đền chị Mai, anh Sinh... hu hu... tại chị Mai anh Sinh bày đặt, không chịu làm như mẹ biểu mấy năm... hu hu...

Chúng tôi không ai dám nhìn ai, cùng quay đi.

Phải! Tại chúng tôi, chỉ tại chúng tôi mà nên nỗi.

Mẹ tôi ôn tồn dỗ hai đứa nhỏ:

- Các con đừng trách các chị, các anh. Các chị các anh có muốn vậy đâu, các chị các anh có lòng tốt, chỉ muốn...

Tai tôi ù đặc. Tôi vội vàng bước mau ra ngõ, tránh hai cặp mắt hờn trách của hai em, tránh đôi mắt dịu dàng của mẹ. Tôi không thể chịu được sự hối hận dày vò.

Khi tôi quay lại, cũng vừa bắt gặp đôi mắt chị Mai, đôi mắt đầy xót thương, hối hận. Lần đầu tiên, chị ấy có cái nhìn sâu thẳm như thế. Rồi chị cúi xuống, nước mắt giọt giọt tuôn trào.

Ra chị ấy và tôi cùng tâm trạng! Chao ơi! Khi người ta biết hối thì... muộn rồi! Bạn ạ!


MINH QUÂN   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 100, Xuân Kỷ Dậu, 1969)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>