Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Chiếc Áo Hoa Xanh


- Huệ, Hoa, Tý Út, thay đồ ra cho mẹ giặt.

Đang mải mê xếp đi xếp lại mấy đồng tiền keng mới tinh, nghe mẹ gọi, Huệ giật mình quay lại.

- Thay áo ngay bây giờ hở mẹ...

Huệ ngần ngừ...

- Hay thôi để mai con đi học rồi thay luôn mẹ ạ.

Bà Năm gắt nhẹ:

- Mặc cái áo đó cả tuần rồi đấy. Hết Tết thì phải cửi ra chứ, áo mặc Tết chứ đâu phải áo mặc đi học. Con ra kêu con Hoa và thằng Tý bảo nó cửi áo ra giúp mẹ đi.

Huệ tần ngần nhìn xuống chiếc áo đang mặc trong người. Chiếc áo có hoa màu xanh nhạt, những đóa hoa hồng xinh xắn trông nổi bật trên nền vải màu xanh nhạt hơn. Hàng bằng loại gì không biết mà láng mịn, Huệ cứ nâng tà áo lên áp sát vào má hít hít mùi vải thơm hoài không chán. Chiếc áo hơi rộng so với thân hình gầy nhẳng của Huệ. Nhưng Huệ trông cũng đẹp lắm rồi. Chả thà có còn hơn không. Từ khi đi học đến giờ đây là cái áo cộc có hoa đẹp đầu tiên của Huệ. Huệ nhớ hồi giáp Tết, đã 29 Tết rồi mà cả 3 chị em vẫn chưa có áo. Con Hằng, thằng Tính con bà Tư bán bánh mì đã sum soe mấy cái áo mới tinh, nhiều đứa trong xóm đã mặc áo mới và còn khoe là có bộ khác để dành mặc cho đủ 3 ngày Tết. Huệ nôn nao và tủi thân lắm, nhưng nhìn mặt lo âu của mẹ, Huệ không dám hỏi, bề gì cũng là con lớn nhất trong nhà. Nhưng Hoa và Tý Út thì đâu có nghĩ vậy, chúng bắt đầu khóc khi gánh hàng bà Năm trở về nhà đêm 29 Tết chỉ lỏn chỏn hai đòn bánh tét và mấy thẻ nhang thơm. Hai đứa lè nhè khóc đòi áo mãi. Bà Năm ngồi nhìn không nói gì và bỏ đi. Đến khuya khi Huệ đang nhét mùng cho Hoa và Tý Út ngủ thì bà Năm trở về với một gói giấy báo cũ, trong đựng mấy bộ đồ cho chị em Huệ.

- Huệ, đem mấy bộ đồ ra sau nhà cho mẹ giặt nghe. Nhanh lên kẻo không kịp.

Huệ nhanh chân chạy vụt ra phía trước. Con ngõ hẹp vẫn còn đầy dẫy hương vị rộn rã của mấy ngày Tết. Tiếng mấy hột súc sắc cua bầu tôm cá lộc cộc. Tiếng hô cất tay, tiếng hô được bạc inh ỏi cả khu xóm. Từng nhóm, từng nhóm, chen lấn nhau, cãi lẫy nhau lẫn với tiếng chuông rao kem của chú nhỏ bán cà rem làm Huệ thấy vui vui. Huệ đưa mắt nhìn chung quanh tìm bóng dáng hai đứa nhỏ.

- Lại áp sô vào mấy cái sòng bạc nầy rồi chứ gì?

Huệ lẩm bẩm bước lần dọc theo ngõ để tìm. Bóng một người Cảnh Sát xuất hiện đầu ngõ, Huệ la lên:

- Cảnh sát, cảnh sát.

Như đàn ong vỡ tổ, tiếng chân, tiếng la tiếp cảnh sát cảnh sát vang dậy. Chỉ có mấy tay cái chộp tiền cuốn sòng chạy biến vào mấy cái ngách, cái nhà, tản mác quanh xóm, còn những người chơi bạc vẫn đứng ngẩn ngơ, dáo dác trong ngõ. Họ bàn cãi nhau, chửi thề, giận dữ, mừng rỡ vì thua bạc, vì được bạc, hoặc bị chủ cái giật hết tiền. Người cảnh sát đứng từ xa nhìn ngóng vào rồi lắc đầu bỏ đi. Đám đông lại rải rác ngồi xuống từng cụm chờ chủ cái trở lại để sòng bạc tiếp tục. Lúc đó, Huệ mới nhgìn thấy được con Hoa và thằng Tý Út đang đứng xớ rớ ở một góc.

- Hoa, Tý, về mẹ biểu.

- Cho em chơi chút nữa.

- Mẹ bắt về mà. Về thay đồ cho mẹ giặt áo quần.

Thằng Út la lên:

- Em không chịu đâu. Em không chịu đâu.

Huệ gắt:

- Có về không thì bảo. Không chịu về nói với mẹ chứ không được đứng đây khóc.

Con Hoa lôi thằng Út, còn Huệ xăn xái bỏ đi trước. Trong thâm tâm nó cũng không muốn phải thay áo. Ngày mai đi học rồi, nếu áo khỏi phải thay thì nó sẽ khoe bạn bè, để tụi nó không còn vinh vang kiêu ngạo nó. Vả lại, nó trót hẹn với con Hằng là sẽ mặc áo mới đi học đầu năm.

Bà Năm đứng chờ sẵn trước cửa nhà. Không đợi cho thằng Út kịp vẫy vùng, bà nắm chặt tay nó, lột phắt chiếc áo thun có sọc và cái quần màu lam thẫm. Thằng Út nằm dẫy lăn ra đất, khóc la, chân đạp lia lịa. Con Hoa mặt phụng phịu chậm chạp cửi bộ đồ bộ màu hồng. Thấy vậy, Huệ không dám chần chờ, vào trong lấy cái áo cộc tay, thay chiếc áo mới. Huệ tự an ủi, giặt mai khô ngay đấy mà. Lo gì, mai không mặc, mốt mình mặc vậy. Tiếng bà Năm dõng dạc dưới bếp:

- Dọn cơm ra ăn Huệ ơi.

Buổi sáng, trước khi đi học, mấy bộ quần áo còn phơi trên dây phơi sau nhà. Huệ rờ thử thấy vẫn còn âm ẩm nước. Huệ chắc là buổi chiều về, áo sẽ khô, đem ép xuống gối một đêm là có thể mặc lại được rồi. Suốt cả buổi học, Huệ tơ tưởng mãi cái áo hoa mịn láng. Nhìn bộ đồ mới của con Hằng, Huệ thấy nó vẫn còn thua xa mình. Cái áo của Huệ chắc chắn đẹp hơn hết. Lúc con Hằng hỏi áo mới của nó đâu, Huệ trả lời đĩnh đạc:

- Mẹ tao giặt cho sạch rồi. Coi bộ áo của mầy không đẹp bằng áo của tao à.

Con Hằng nóng mặt nói mát:

- Ừ, áo của tao làm sao đẹp được bằng cái áo mầy đang mặc. Hoa hồng vá nầy, hoa hồng cháo lòng nầy...

Huệ tức giận phừng phừng. Nó nhìn xuống cái áo đang mặc với những mụn vá ở hai cùi tay, tức nghẹn. Con Hằng bồi thêm một câu:

- Không có thì nói không có. Bày đặt nói giặt với không giặt. Cứ thử mặc xem sao nào. Nghèo mà ham...

Có tiếng cười rúc rích của mấy đứa bạn cùng bàn. Huệ nắm chặt hai tay, giọng nói run run:

- Mai tao mặc cho mầy coi, đừng tưởng một mình nhà mầy có áo tốt. Bộ mầy không thấy tao mặc áo Tết đó hở. Áo mầy xấu hơn tao nên mầy tức. Mầy làm bộ...

- Rồi giỏi mai mặc cho tao xem, không nói nhiều. Cô la.

Đến trưa, vừa quẳng mấy quyển vở trên góc bàn, Huệ đã chạy vội ra sau. Mấy bộ đồ bay phơ phất trong gió. Màu hồng của bộ đồ con Hoa, cái quần lam thẫm của thằng Tý, tất cả trông vẫn không nổi bật bằng chiếc áo hoa hồng màu xanh. Chiếc áo vẫn láng không có một vết nhăn. Bà Năm đang gạt bọt trên mặt nồi cơm sôi sùng sục, thấy Huệ về kêu bảo:

- Con rút mấy bộ đồ vào xếp lại cẩn thận rồi gói vào gói giấy hôm qua cho mẹ.

Huệ ngạc nhiên:

- Sao lại gói vào gói giấy làm chi mẹ? Con bỏ vào rương nghe.

- Gói lại để tí nữa mẹ đi. Đừng cho con Hoa và thằng Út biết, nó khóc mệt lắm.

Huệ không hiểu gì hết, tần ngần hỏi lại:

- Cả cái áo của con nữa?

- Ừ, gói tất cả lại, kín kín một chút.

- Mẹ, để làm gì vậy mẹ? Sao mẹ không để mặc?

Bà Năm nhướng mắt nhìn Huệ. Bà lại cúi xuống ngay, che giấu một tiếng thở dài:

- Trả lại cho họ chứ, sớm ngày nào hay ngày đó. Mặc Tết vậy đủ rồi.

Huệ thảng thốt. Trả cho họ, nhưng họ là ai. Mấy bộ đồ này không phải mẹ mua cho mấy đứa hay sao? Huệ thấy mắt mình cay cay. Ngực hơi tức tức:

- Mẹ, trả cho ai vậy mẹ?

Bà Năm đứng dậy. Bà băn khoăn không biết nên nói cho Huệ biết không. Những bộ đồ này bà đã thuê ở tiệm cầm đồ. Bà biết con mình thích áo mới lắm, nhưng bà không đào đâu ra tiền để mua vải may cho chúng. Thời buổi khó khăn, chạy gạo không cũng đủ hụt hơi. Vải vóc càng ngày càng lên giá. Công may cũng tăng vùn vụt. Bà tính để tiền mua cho thằng Út một bộ thôi, nhưng nhìn lại, con Hoa và con Huệ cũng chưa lớn là bao. Mắt chúng vẫn còn đầy vẻ thèm thuồng khi nhìn thấy áo mới. Dạo nửa năm, bà tính để Huệ nghỉ học giúp bà, nhà do đó sẽ đỡ khốn hơn, nhưng bà không nỡ, bà muốn cho con đứa nào cũng có năm ba chữ, đời bà đã khổ, bà không muốn con mình rồi cũng ngu dốt, hoài hoài khổ cực như mình.

Chẳng thà bà chịu cảnh túng hụt, túng hụt còn hơn thất học. Nhưng cứ mãi nhìn thấy những ánh mắt buồn thảm như thế kia thì thật quá đau lòng. Bà an ủi con:

- Thôi con ráng đợi, tháng sau, có tiền mẹ mua vải khác may cho mấy đứa. Bị cái Tết, bao nhiêu thứ tiền nên...

- Mẹ hẹn hoài...

Huệ không nói được ra lời. Nước mắt cứ ứa ra đầy tròng. Tiếng nấc nhẹ cố nén cũng cứ thoát ra khỏi lồng ngực. Bà Năm bối rối vì thương con, bà nhẹ nhàng cầm lấy gói áo quần, nắm lấy tay Huệ nói nhỏ:

- Hay con theo mẹ ra tiệm cầm đồ đi. Mẹ nói họ để dành cái áo này, tuần sau, bán được hàng mẹ đến chuộc về cho. Đừng để mấy đứa em mầy nó biết, nó phân bì thì mẹ khổ lắm.

Bà tắc lưỡi khi nhận thấy mình không công bình lắm. Nhưng cũng đúng lý vì Huệ cần có áo để đi học hơn. Mấy bộ đồ kia vá chằng vá chịt rồi. Không bao lâu nữa thì nó tã.

- Thôi đừng khóc nữa. Lau mặt đi. Cũng gần đây, đầu ngõ mà.

Một chút tươi tỉnh trên gương mặt. Nước mắt trên má khô dần. Huệ lau mặt đi theo mẹ. Mặc dù vẫn không bằng lòng vì ngày mai không có áo mặc đi học, tụi con Hằng sẽ cười Huệ, chúng sẽ lì lợm chế giễu Huệ mà Huệ chẳng thể nói đi nói lại được. Nhưng chắc chắn là Huệ sẽ có áo. Như vậy cũng đủ lắm rồi, đâu có thể đòi mẹ hơn thế nữa.

Cửa hàng cầm đồ nằm ngay đầu ngõ. Đây là một vị trí thuận lợi nhất vì nó nằm ngay cửa họng của cái xóm nghèo. Bao nhiêu ngõ chi chít đâm ngang, đâm dọc rồi cuối cùng cũng phải trổ ra đường cái bằng cái ngõ có cửa hàng cầm đồ. Cửa hàng này trước kia là một tiệm tạp hóa, về sau một gia đình người Tàu đến mua lại, xây lại vách, dựng lại cửa, đóng lưới sắt cẩn thận, rồi trương tấm biển lấy tên hiệu cầm đồ Toàn Thịnh. Mà cũng Toàn Thịnh thật bởi dân ở đây nghèo quá, họ cầm cố đủ thứ, từ cái nhẫn vàng cưới, đến cái nồi nấu cơm chỉ đáng giá trăm bạc, cho tới bộ quần áo lành lặn, cái bút mực rẻ tiền. Người đem cầm đủ thứ mà người chủ cũng nhận cầm không bỏ một thứ gì. Căn nhà trệt chả mấy chốc vươn lên một từng, hai từng, trong khi xóm nghèo vẫn hoài hoài dột nát. Đồ đạc, quần áo, tài sản cứ chui lần lần ra khu dân sinh bằng cái cửa hiệu trung gian Toàn Thịnh.

Huệ không thích người chủ hiệu cầm đồ này chút nào mặc dù chẳng lần nào Huệ phải đến đó cả. Nhưng mỗi lần đi học ngang qua, nhìn thấy cái bụng mở sề sệ như muốn chảy tràn qua khỏi cái thắt lưng bỏ trễ và cái áo may ô tay cộc, đôi mắt ti hí nhấp nháy, đôi bàn tay ngắn ngủn lật nhanh nhẹn tấm áo, đồ vật của tên chủ hiệu cầm đồ là Huệ thấy ghen ghét là. Nhất là thường ngày Huệ bắt gặp mấy đưa con của lão chủ hiệu áo quần bảnh bao, ngồi khinh khỉnh trên ban công nhìn xuống phía dưới, đôi lúc Huệ và mấy đứa bạn bị chúng nhỏ nước bọt từ trên cao xuống và trong lúc cả bọn Huệ đang lau nhau tránh thì chúng sí số cười ngạo mạn.

Bây giờ, theo mẹ vào hẳn bên trong, Huệ mới có dịp thấy cái cảm tình mình dành cho cửa hiệu này thật đúng. Khi bà Năm mở gói giấy bao ra, lão chủ nhón tay cầm lấy, mở sổ, mặt nhăn lại:

- Bà có giặt lại cho tôi không?

- Dạ có chớ, ông chủ coi, không giặt thì làm gì nó được sạch sẽ như bây giờ.

Lão chủ tiệm cầm đồ bắt đầu sử dụng đôi tay thành thạo của lão. Tay nầy trải cái áo, tay kia vuốt nhẹ từng chỗ vải, từng đường chỉ. Dừng lại ở một gấu quần sổ, lão nói:

- Chỗ nầy sao hư vậy. Thế nầy còn bán cho ai.

Bà Năm vẫn nhỏ nhẹ:

- Chỗ nầy lúc mới đem về đã hư như vậy rồi mà ông chủ.

Lão chủ hừ một tiếng nhỏ trong cổ họng, tiếp tục kiểm điểm xong vứt vào một góc và buông giọng nhát gừng:

- Hai trăm đồng.

- Cái gì mà tới hai trăm đồng lận ông chủ. Mới có một tuần lễ mà.

Lão chủ tiệm nhướng mắt:

- Đồ Tết mà bà. Vả lại một ngày cũng tính một tháng, một giờ cũng một tháng. Huống gì đã 10 ngày rồi.

- Thôi ông chủ lấy tôi 150đ thôi.

- Không, không bớt được, 200 đồng chắc giá.

Bà Năm nài nỉ:

- Tội nghiệp mà ông chủ, đầu năm ông chủ bớt lấy hên.

- Đầu năm bớt, cả năm bớt hoài sao. Nể tình lắm tôi bớt cho bà 10đ, như vậy bà trả đây 190đ không bớt nữa nghe. Rẻ lắm rồi, thời buổi này không ai cầm với giá đó đâu. Cái nầy tui còn đưa cho họ giặt lại mới bán được, còn ủi cho thẳng nữa, tốn công lắm. Làm ăn cực khổ bà Hai thông cảm dùm.

Huệ thấy mẹ mở miệng định nói nhưng lại thôi. Bà đưa tay móc túi đếm tiền đưa cho lão chủ tiệm.

- Tiền cắc nhiều quá trời vậy nè.

- Ông chủ để thối cho họ chứ lo gì. Ông chủ nầy...

Bà Năm chỉ vào chiếc áo xanh có hoa hồng, cái áo Huệ thích:

- Cái áo này ông chủ để dành cho tui đi. Tuần sau có tiền tui lấy cho con nhỏ nầy nó mặc đi học. Nó thích quá trời.

- Mắc lắm bà ơi. Cái nầy bằng sia ra, mắc lắm.

- Thì ông chủ cứ nói, tui liệu mua được thì mua.

Lão chủ tiệm cười hề hề:

- Lấy rẻ nhất cũng 800đ đó bà Hai.

Huệ nghe tim mình thót lại. Bà Năm thì thảng thốt hỏi:

- Tám trăm đồng. Ông chủ nói chơi chớ. Tui mua thiệt mà.

- Tám trăm thiệt chớ. Bữa nầy sia ra bốn ngàn một thước. Cái này sia ra của Pháp đó, của con Ma ri ở bên trong kia kìa. Nó đau nặng nên mới bán bớt áo quần đó. Còn mới toanh, bà hai coi thì biết. Vốn tôi mua hơn 700 bạc rồi.

Huệ thất vọng nhìn mẹ. Với số tiền đó, bà Năm phải tần tảo cả tuần lễ, còn tiền ăn, tiền nhà, tiền học, chắc mẹ không mua nổi cho mình đâu. Huệ nghĩ thầm. Bà Năm nhìn Huệ lắc đầu nhè nhẹ rồi nói:

- Để tui tính lại, ông chủ đừng bán cho ai nghe.

Nói xong bà dắt tay Huệ ra về. Tiếng lão chủ tiệm còn đuổi theo:

- Một tuần thôi nghe bà Hai.

Huệ không còn thấy muốn khóc nữa, cũng không thấy tức chỉ thấy thất vọng tràn trề. Nắng buổi trưa mùa Xuân mát dịu.

Con đường hẻm vắng người. Bà Năm nói một mình:

- Trưa quá rồi chắc mấy đứa nhỏ đói bụng ghê lắm.

Huệ vẫn im lặng. Nó không thấy đói, cũng không thấy muốn ăn. Bước đi nặng chịch, lòng như hờn trách mà cũng chẳng biết trách ai. Cái nghèo bây giờ mới thấm thía. Ước mong không thành. Huệ mới cảm thấy khổ vì nghèo. Bà Năm đi bên cạnh biết con buồn, nhưng bà cố tránh không nhắc lại cái áo. Khi sắp vào đến nhà bà nói nhỏ:

- Mẹ cũng muốn mua cho con, nhưng mắc quá, hay để mẹ mua vải hoa may cho con nghe, đợi tuần sau.

Huệ nhìn mẹ. Vết nhăn trên trán bà như trũng sâu hẳn xuống. Chắc mẹ buồn nhiều. Huệ nghĩ, nó cố nói dối lòng:

- Con cũng không cần lắm. Thôi đừng mua nữa mẹ, mắc quá, nhà mình làm gì có tiền.

Bữa cơm trưa muộn hôm nay, Huệ ăn được một chén rồi bỏ ra ngoài hè ngồi vạch những hình người chằng chịt trên mặt đất và ngủ gà gật dựa vách nhà.

*

Phía bên kia đường, trước mặt tiệm cầm đồ Toàn Thịnh là một tương phản với xóm nhà lá nghèo nàn. Những ngôi nhà hai ba tầng chen vai thích cánh, ngạo nghễ với những hàng rào kín quây bằng cót hoặc bằng lưới to bản cao nghệu. Đấy là một khu mà những người lính ngoại quốc thuê để trú ngụ. Cứ mỗi buổi tối, khu vực bên này tối tăm bao nhiêu thì bên kia rộn rịp bấy nhiêu. Trẻ con trong xóm nghèo thường lợi dụng cơ hội bán nước ngọt, thuốc lá lẻ cho những người lính ngoại quốc. Nước ngọt thì xách trên tay, thuốc lá đặt trên một cái hộp gỗ đeo trước ngực. Tụi nhỏ làm ăn xem cũng khá vì hàng bán thì ít mà tiền mua khỏi phải thối lại thì nhiều. Hôm nay, sau mấy ngày Tết, lính ngoại quốc bị cắm trại, họ được về nhà, nên khung cảnh rộn rịp có phần hơn lên. Vài cái quán nước ngày thường lắng tai mới nghe được tiếng nhạc vọng ra, bữa nay cũng có phần ồn ào hơn. Huệ dựa lưng vào cột đèn, nhìn sang bên kia. Con Hằng đang lui cui múc từ trong một cái nồi bốc khói ra những hột vịt lộn nóng hổi. Kế cạnh là cái trách đựng đầy than củi cháy đỏ để nước mực khô. Cứ tối đến thì con Hằng lại ra giúp mẹ nó trông coi cái chõng hàng. Khách thường là các cô gái trong xóm và những anh Mỹ hoặc Đại Hàn. Chỉ nhờ sạp hàng vịt lộn và khô mực mà nhà con Hằng dư dả. Có lần Huệ nói mẹ mở một cái chõng bán hàng như nhà con Hằng nhưng mẹ Huệ gạt phắt, bảo không có thì giờ, và nói để Huệ buôn bán ở phía bên đó hư người đi. Còn nhỏ, Huệ đâu biết tại sao hư, nhưng thức khuya quá để bán hàng như con Hằng, Huệ cũng không thích mấy. Nhưng hôm nay, hình ảnh chiếc áo đẹp nằm trong hiệu cầm đồ Toàn Thịnh là một ước muốn tuyệt vọng trong lòng Huệ. Nó nghĩ phải chi mình có tiền tự mua lấy khỏi cần xin mẹ chắc dễ lắm. Tuy nhiên biết đến bao giờ Huệ có đủ số tiền to lớn như vậy. Đến 800 đồng. Con heo đất mà Huệ cóp nhóp cả năm chỉ có mấy chục đồng là cùng.

- Ê, Huệ, qua đây chơi.

Con Hằng kêu vọng qua, tiếng nó lanh lảnh. Huệ ngần ngừ vì nghĩ đến ngày mai đi học mà không có áo, Huệ lại nhớ lại lời thách đố của con Hằng, câu nói chắc chắn của mình, mà thấy lòng xốn xang khó chịu.

- Ê Huệ, qua đây mậy. Làm bộ hoài.

Hay là qua chơi với nó để giảng hòa đi. Mẹ đi vắng, có biết gì đâu mà lo, vả lại ngồi đó một chút có sao. Nghĩ vậy, Huệ chạy băng qua đường.

- Làm tao kêu muốn tắt hơi luôn. Tối nay ế lắm mầy ơi.

Huệ nói một câu vớt vát:

- Chắc bị ra Tết, ai cũng ớn không muốn ăn.

- Tết có tiền nhiều họ ăn nhiều chớ bộ.

- Bán được bao nhiêu rồi?

- Mới có mấy trăm hè. À nầy Huệ, mầy coi hàng giùm tau một chút nghe. Tau đau bụng quá. Tau vô nhà một chút chạy ra liền.

- Lâu không mầy, tao sợ mẹ tao về đánh chết.

- Mầy rán chút đi, tau nhịn không nổi. May có mầy. Chút tau ra tau cho mầy cái hột vịt lộn.

- Lẹ lên nghe.

Con Hằng chỉ chờ có thế. Nó chạy vụt thật nhanh về nhà. Còn lại một mình Huệ đâm ra lúng túng. Mặc dù con nhà buôn bán, nhưng bà Năm đâu có sai Huệ buôn bán quen. Bà Nghĩ Huệ còn nhỏ chỉ cần đi học chứ chưa cần bon chen kiếm sống. Bà muốn tâm hồn còn trong sáng của con mình chưa vướng những lọc lõi của thương trường. Cũng bởi vậy mà bà Năm nghèo, phải thiếu thốn mọi bề. Họ hàng cứ bảo mẹ Huệ là con nhà lính tính nhà quan. Nhưng khi nghe trách bà chỉ cười không nói.

Huệ ngồi chưa nóng chỗ thì có khách. Đầu tiên là hai cô gái mặc đồ cao bồi ngồi ăn hai trứng vịt lộn và biểu gói một chục trứng đem về. Trong khi hai cô đang ăn, thì có một tốp 4 người lính Mỹ sà xuống ngay cạnh và ra hiệu nướng mực. Một người ăn hột vịt lộn. Huệ quýnh quá, thỉnh thoảng cứ đưa mắt xem Hằng ra chưa. Nhưng mãi vẫn không thấy. Những người lính Mỹ mặt đỏ gay vì rượu nói cười ầm ĩ. Hai tên lính trẻ nhất móc túi ra đưa hai tờ giấy năm trăm và chỉ vào điếu thuốc tên ngồi cạnh nói líu lo. Huệ đực mặt ra nhìn ngơ ngác. Cô gái mặc đồ cao bồi nói với Huệ:

- Nó nhờ em mua giùm hai gói thuốc Salem đó.

Huệ nhăn nhó:

- Em mắc bán hàng mà.

- Chị ngó giùm cho, sạp thuốc ở đầu kia cách có mấy cái nhà mà, không sợ mất đâu.

Cực chẳng đã, Huệ đứng dậy mua thuốc. Lúc quay trở lại, chõng hàng lại được vây thêm bởi mấy đứa nhỏ ở xóm. Hai đứa đang bám lưng hai tên Mỹ mua thuốc và mấy đứa khác thì đứng chìa tay nói năng nhộn nhịp.

Huệ yên lặng ngồi xuống đưa tiền thừa và hai gói thuốc. Hai tên lính Mỹ nhìn số tiền thừa, liếc mắt sang hai cô gái bên cạnh, ngập ngừng giây lát rồi lùa đống tiền về phía Huệ, lắc đầu.

- Tụi nó cho em đó, lấy đi, dại gì.

Một cô gái nói rồi cười. Huệ run lên. Số tiền lớn quá, hơn 700 bạc chứ ít sao. Huệ đưa mắt ngó hai tên lính Mỹ rồi nhìn hai cô gái. Hai cô cùng nói:

- Lấy đi, về xài, tụi hắn cho đó.

Huệ bất giác nhớ đến cái áo hoa màu xanh, láng mướt. Với số tiền nầy Huệ có thể mua cái áo ngay không phải chỉ tuần sau mà ngay ngày mai. Bất giác, tay Huệ thu gọn đống tiền cho vào túi áo ngoài. Sáng mai, nhất định khi cửa hiệu mở cửa, Huệ sẽ nhờ mẹ đi mua ngay cái áo hoa màu xanh. Hình ảnh chiếc áo hoa gần đến nỗi người Huệ cứ ngơ ngẩn ra.

Mấy đứa nhỏ đứng chung quanh thấy hai tên Mỹ cho tiền Huệ bèn xúm lại, đứa kéo áo, đứa kéo lưng, đứa ngồi sụp xuống nói những câu tiếng Mỹ vô nghĩa. Bốn tên lính Mỹ cười hô hố. Miệng nhai mực, tay kia nốc từng lon bia hộp.

- "Du" đánh giày. Ô kê...

Thằng Chút, con bà Bát bán xôi, chuyên môn đánh giày ở các cửa hiệu ăn, từ đâu bỗng chạy sà tới. Nhanh nhẹn, nó ngồi sụp xuống bên cạnh một tên Mỹ tay khua khua cái bót đánh giày. Tên Mỹ rút chân, nhưng một đứa nhỏ đã nhanh nhẹn giữ chân hắn lại. Tên Mỹ lầm bầm một tràng tiếng Mỹ, co chân thật mạnh và đạp thằng Chút ngã về phía sau. Chiếc hộp đánh giày tung cả nắp. Thằng Chút kêu lên một tiếng đau đớn, trong lúc mấy tên kia bật cười khoái trá. Tiện chân một tên hất tung cái hộp đánh giày ra ngoài đường. Tên đá Chút trệu trạo nói:

- Người Việt Nam tham lam...

Huệ nghe hơi nóng bốc đầy lên mặt. Lòng nó bỗng dưng co thắt lại. Tự dưng nó cảm thấy ghét mấy tên lính Mỹ ngồi phía trước chi lạ. Cái vẻ khinh khi người Việt trên gương mặt đỏ, đôi mắt xanh xám xuất hiện cùng một lần với mấy trăm bạc lẻ. Huệ nghe như túi tiền mình nặng lại. Tay Huệ sờ vào túi rồi rút ra. Huệ chợt nhớ đến câu chuyện mà cô giáo đã kể hồi tháng trước. Câu chuyện của một thằng bé đã dám vứt tiền xin được vào mặt những người đã nói xấu quê hương mình. Bây giờ trước mắt Huệ, câu nói, hành động của mấy tên lính Mỹ cũng là một cách nói xấu người Việt Nam. Trong đầu óc nhỏ bé của Huệ chợt lóe lên một ý nghĩ. Nhưng cùng lúc đó, chiếc áo hoa màu xanh cũng hiện lên đẹp đẽ và quyến rũ hơn bao giờ hết. Gương mặt con Hằng hồi sáng. Ánh láng mịn và mát như nhung của chiếc áo đẹp. Huệ lúng túng. Tên Mỹ phía trước đã đứng lên. Vòng con nít giãn ra. Một tên còn cúi xuống sửa lại dây giày. Huệ run lên. Niềm tủi hổ len nhanh khi thấy mình không rút nổi tiền ra. Như vậy là mình cũng tham lam rồi còn gì? Huệ nghĩ thầm. Người Việt Nam tham lam. Không thể được. Lời cô giáo dặn dò còn văng vẳng. Các em phải giữ tiếng thơm cho dân tộc. Các em phải bảo vệ danh dự của dân tộc bằng cách thức và sức lực sẵn có của các em. Huệ bật đứng dậy. Tay vung ra. Nắm tiền bay tơi tả trên đầu tên lính Mỹ đang ngước mắt một cách ngạc nhiên. Huệ nói như rít lên: 


- Không ai thèm tiền này của các ông. Người Việt Nam không tham lam. Các ông mới là người không có liêm sỉ. Tôi trả lại tiền đó. Tôi không thèm đâu. Tôi không thèm nhận tiền của những kẻ đã khinh bỉ nước tối.


KIM HÀI     
(Sóng Vàng)   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>