Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Tết Việt Trên Đất Pháp


- Ê! Thanh, mày về hồi nào vậy?

Thanh giật mình quay lại, chàng bồi hồi khi nhận ra người bạn học cũ của chàng, Quân, da xạm đen trong bộ quân phục. Chàng nói với bạn:

- Trời, Quân, gặp mày mừng quá. Tao về từ ba, bốn tháng nay rồi đến tìm mày ở nhà, mới hay mày đã đổi địa chỉ, gặp nhau ở đây thật là may. Mình kiếm chỗ nào ngồi uống nước nói chuyện chơi đi?

- Hay là về nhà tao đi, nhà tao cũng gần đây. Mày về cho biết, luôn thể thăm má tao, bà vẫn nhắc đến mày luôn.

- Ừ, được rồi.

Thanh vừa ở Pháp về, chàng đã học bên ấy 5 năm trước khi lấy được cái bằng kỹ sư về ngành điện. Vì nhà còn có một mẹ một con, các chị lớn đã đi ở riêng, nên mẹ gọi Thanh về cho bà bảo khỏi nhớ. Hiện chàng con đang xin việc nhiều nơi, tìm chỗ làm xứng đáng với khả năng của chàng. Quân nắm tay Thanh dắt về nhà mình, vừa vào đến cửa thì lũ em chàng đã chạy ùa ra nắm lấy tay anh.


Bà mẹ Quân cũng vừa từ dưới bếp lên, nhìn Thanh rồi hỏi:

- Phải cháu Thanh đó không?

Quân vội cười, đỡ lời bạn:

- Vâng, thưa mẹ Thanh đấy ạ, hắn vừa từ Pháp về, con gặp hắn trên đường, bèn rủ hắn về đây để thăm mẹ đấy ạ.

Thanh cũng cười, chào bà cụ:

- Thưa bác, bác vẫn mạnh chứ ạ?

- Vâng, tôi cũng thường. Thế nào, Thanh về có gì vui không? Hay tối nay ở lại đây ăn cơm với chúng tôi đi nhé, rồi kể chuyện bên ấy cho các em nó nghe.

Mấy đứa em Quân mắt đã sáng rỡ lên chờ đợi. Thanh thấy vậy, mỉm cười:

- Thưa vâng ạ, nhưng con chưa cho mẹ con biết, để con về qua nhà một tí rồi sẽ trở lại vậy ạ.

- Cháu nhớ trở lại sơm sớm nhé.

- Vâng ạ.

Rồi Thanh cười nhìn bạn:

- Thôi, tí nữa nhé!

Một giờ sau, Thanh đã ngồi tại bàn ăn nhà Quân, chung quanh là các em Quân, và phía bên kia là Quân và bà mẹ. Ba Quân đi vắng vì được bạn cùng sở mời ăn tối nay. Mẹ Quân mời:

- Cậu Thanh cầm đũa đi để các em nó ăn, rồi tí nữa cậu sẽ kể chuyện cho chúng nó nghe. Nào, các con muốn biết gì thì lát nữa hỏi anh nhé!

Mọi người ngồi ăn uống vui vẻ.


Một lúc sau, Minh, đứa em Quân mười sáu tuổi hỏi Thanh:

- Anh Thanh, ở bên Pháp thích không anh?

- Có lúc thích, có lúc không, em à. Có những cái lạ lạ hay hay làm cho mình thích, nhưng nhiều lúc thói quen bị đổi khác, mình thấy thiếu thốn, nhớ nhà lắm.

Hương, đứa em gái mười lăm tuổi cũng hỏi:

- Lạ, thích như thế nào hả anh? Anh kể cho tụi em nghe đi.

Quân mỉm cười:

- Có nhiều thứ lắm, thí dụ như đời sống tân tiến, lâu lâu họp bạn đàn hát, nấu ăn cũng vui, và được dịp gặp nhiều bạn ngoại quốc, trao đổi văn hóa, hoặc được mời đến dự những buổi văn nghệ các xứ khác, ví dụ như các nước Nam Mỹ, Phi Châu, Anh, Mỹ, Gia Nã Đại, Thái Lan, Lào chẳng hạn và nhất là hè đến, được đi du lịch xa với bạn, rất thích. Ở các nước Âu Châu đi du lịch rất dễ dàng, và không đắt lắm. Nếu ít tiền, thì ghi tên vào các nhóm du lịch của sinh viên, còn nếu có bạn Pháp hay Việt có xe hơi mình sẽ góp tiền đi chơi chung, đến mỗi nơi lại dựng lều trong các khu dành riêng, cũng rất rẻ và rất an toàn. Như vậy mình sẽ tha hồ ngoạn cảnh, trong một tháng hè, mình sẽ có thể thăm rất nhiều nơi, nếu vài ba ngày mình lại đổi chỗ ở, đi từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Minh lại lên tiếng:

- Thế ở bên Pháp, anh thích nhất tỉnh nào hả anh?

- Ở bên ấy, anh thích nhất các tỉnh miền nam, vì cảnh đẹp, đầy hoa và khí hậu lại ấm áp.

- Miền Nam là vùng bên bờ Địa Trung Hải đó hả anh?

- Ừ, vùng đó gọi là Côte d' azur, vì bờ biển của nó rất đẹp. nước trong xanh như ngọc bích, và người Pháp cũng gọi miền nam của họ là Midi, vì họ cho rằng ở đấy có nhiều nắng ấm, như là buổi ban trưa, chứ miền bắc nước Pháp, trời hay xam xám lắm.

- Thế anh thấy biển ở bên ấy, với biển ở bên mình, biển nào đẹp hơn hả anh?

- Ý em muốn nói bở biển? Theo anh, bờ biển miền nam bên ấy đẹp một vẻ đẹp lộng lẫy, với các cây thông và các mỏm đá, người ta đông đúc, đường xá rất tân tiến, và đâu đâu cũng thấy vết sửa sang của bàn tay con người, còn các biển phía tây nước Pháp, ven bờ Đại Tây Dương, thì lại đẹp một vẻ hoang dã, lạnh lẽo hơn, vì trời thường nổi gió. Còn bờ biển xứ mình thì đẹp khác, một vẻ đẹp thơ mộng, thái bình hơn và theo anh, anh thích bờ biển Việt Nam hơn là bờ biển xứ Tây. Có lẽ vì nó là đất nước mình, cũng có lẽ là vì những phong cảnh Việt Nam, nó đã ăn sâu vào tâm trí anh từ thuở còn nhỏ, nên anh nhớ hoài, không quên được.

Thấy mình có vẻ như sắp làm thơ, Thanh vội ngừng lại. Thu, em Hương, nhỏ nhất, tiếp lời:

- Thế anh nhớ nhà có buồn không?

- Buồn chứ, vì vậy nếu không đi chơi, thì tụi anh thường tụ họp với nhau, những chiều thứ bẩy, chủ nhật, nấu ăn chung, nói chuyện, hoặc đàn hát với nhau cho đỡ buồn.

- Thế tết ở bên ấy thì anh làm gì, hở anh?

- Tết bên ấy, anh không được nghỉ như các em ở bên này đâu. vì vậy tụi anh chỉ chọn một tối thứ bẩy nào gần nhất, trước hay sau tết, để bày ra một dạ tiệc, chung vui với nhau mà thôi.

- Trong dạ tiệc, các anh làm gì hở anh?

- Thường thường, các anh họp tất cả các bạn ở tỉnh lại, vì tỉnh anh ở cũng bé, chỉ có lối bốn mươi sinh viên Việt Nam và các anh tổ chức nấu các món ăn Việt Nam, và chương trình ca nhạc giúp vui. Có năm các anh mời các vị giáo sư, và các bạn sinh viên ngoại quốc nữa, để họ chia sớt niềm vui với mình, và cũng để giới thiệu một phần nào văn hóa nước mình. Nhưng cũng có năm, các anh chị ấy thấy đông quá, nên ngại vì sợ mệt, chỉ tổ chức giữa các người Việt Nam với nhau mà thôi, và chỉ mời một vài người có trách nhiệm đối với sinh viên bên ấy nữa thôi.

Hương hỏi:

- Thế ai đi chợ, ai nấu món ăn và các anh làm món gì thế hả anh?

- À, đi chợ thì đã có các anh lớn có xe hơi, lãnh nhiệm vụ, còn nấu ăn thì có các chị lo, các anh thì trang hoàng căn phòng khách lớn, đã mượn sẵn của cư xá, và các anh cũng phụ giúp bưng đồ ăn nữa.

- Thích nhỉ, anh nhỉ, còn các món ăn?

- Các anh làm những món thông thường mà mọi người đều ưa, như phở, hay mì, chả giò, gỏi gà, cháo gà v.v... hay cơm rang... Các anh làm mỗi năm vài món thôi, nếu tất cả đều đồng ý.

- Giỏi quá, các anh làm sao biết nấu cơm?

- Mới đầu không biết, sau nhờ bạn chỉ cho, cũng quen đi chứ em?

Ở bên ấy, nhớ nhà, chỉ có cách làm cơm Việt cho bớt buồn, em không biết chứ thà biết nấu cơm còn hơn nếu không sẽ bị những dịch vụ như đi chợ, rửa bát.

Hương cười:

- Anh nói làm em buồn cười quá. Sang tận bên Pháp để học được nấu bếp!

Thanh cũng cười:

- Thế đấy em, nhiều cô sinh viên lúc mới sang cũng còn loạng quạng lắm, vì ở nhà, có khi được cha mẹ cưng chiều, không cho làm việc gì đâu, thế mà sang đấy, chỉ ít lâu là biết làm cơm ngon lắm, nếu không sẽ thua bọn con trai còn gì.

Hương nối lời:

- Còn con trai sang đấy cũng biết nấu nướng, giúp đỡ được các cô gái như tụi em?

Cả nhà cùng cười.

Minh ngắt lời, sau đó:

- Thế nhưng mình đang nói chuyện tết kia mà? Anh chưa cho tụi em biết, các anh tổ chức chương trình ca nhạc như thế nào?

- Các anh đôi khi cũng làm một sân khấu, mượn máy khuếch đại âm thanh, và các chị lên ca những bài hát về Tết, hoặc những bài tỏ tình nhớ thương quê hương. Các chị còn có những màn vũ nữa, như múa nón, múa quạt hay múa đèn, những màn này được ngoại quốc khen ngợi nhiệt liệt lắm, nếu họ được mời đến xem. Các anh còn có đóng với các chị những vở kịch kể lại một chuyện cổ tích, hoặc những vở kịch vui, những sớ táo quân, những màn múa lân hay màn biểu diễn võ nghệ Thái cực đạo nữa. Anh nào biết đàn hát thì cũng lên trình diễn nhạc tây và nhạc Việt, em biết không, có lần có một anh còn biểu diễn đàn cả một bài cổ nhạc Việt Nam nữa đấy, đặc sắc lắm, rất được ngoại quốc khen ngợi, nhưng thường thì trong chương trình văn nghệ, các chị đóng vai trò quan trọng hơn các anh, vì các chị mới có giọng oanh vàng, và ai cũng say mê những bài ca của các chị, nghe rồi đỡ nhớ quê hương, hay càng thêm nhớ quê hương nhưng mà chắc chắn là yêu đời hơn.


Mắt Thanh mơ màng như hồi tưởng lại cái không khí tết năm nào nơi xa xăm kia, mà chàng đã được hưởng, và tết năm nay, các bạn chàng ở bên ấy cũng sẽ được hưởng. Các em Quân như cũng không dám quấy phá phút mơ mộng của chàng. Lát sau Hương mới hỏi:

- Anh về rồi, có còn nhớ bên ấy không?

- Đôi khi thôi, em ạ! Đôi khi, những đêm khó ngủ, vì mấy ai dứt bỏ được dĩ vãng mình, ở bên ấy thì nhớ bên mình, về đây, lại nhớ đất Pháp, nhưng dầu gì, anh cũng nhớ ít thôi, vì anh biết đây mới là quê hương anh, có những người dân mang cùng màu da, và anh từ khi về, mới cảm thấy thương mến những người dân Việt Nam xiết bao ; những khuôn mặt mang nhiều nét quen thuộc, cùng một cảm nghĩ với mình. Không, chính ở bên ấy, anh mới nhớ bên này nhiều hơn và bây giờ, mỗi khi nhìn thấy một người ngoại quốc trên xứ mình, anh lại thấy thương thương họ, vì họ đã phải chịu cảnh ra đi xa xứ sở mến yêu.

Quân tiếp lời, để phá tan bầu không khí như đượm vẻ u buồn:

- Và tết này, anh Thanh sẽ được ăn một tết đầu tiên với gia đình, kể từ ngày trở về quê hương.

Mọi người cùng mỉm cười, và vì bữa ăn đã xong, má Quân mời mọi người qua phòng khách để uống trà và nghe nhạc. Thanh cũng đứng lên xin phép về vì mẹ chàng đang mong.


ĐỖ THỊ THUẤN  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>