Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

CHƯƠNG VI_KHO VÀNG AN HẠ


ĐOẠN KẾT
 

Xương Môn dừng lời, uống hết chén nước, xin một điếu thuốc châm lửa, rít hơi khói dài rồi nói:
 
- Tôi tưởng không còn gì để nói nữa. Đời tôi… tôi đã bắt đầu bằng một ý tưởng sai lầm: muốn được sung sướng mà lại không chịu cần cù làm việc một cách trong sạch. Vì thế tôi đã bị những điều kiện xấu xa quyến rũ, sai khiến và tôi đi từ những lỗi lầm này đến lỗi lầm khác, từ tội ác này đến tội ác khác.
 
Thiết Lộc gật đầu:
 
- Thật là đáng tiếc cho ông, ông Xương Môn à. Qua câu chuyện kể, tôi hiểu nơi ông ý thức danh dự vẫn còn, ông vẫn còn biết tôn trọng lời hứa, biết hết lòng bảo vệ cho những người đã đặt tin cậy nơi ông. Thật là đáng tiếc cho ông.
 
Xương Môn ngước nhìn Thiết Lộc với một vẻ mặt biết ơn, rồi nói:
 
- Gần đây tôi có được tin anh tôi ở quê nhà. Bây giờ anh còn khỏe mạnh, con cháu đông đảo, và anh ta rất khá giả. Những cái đồi nho ngày xưa với đôi bàn tay cần mẫn của anh đem lại cho anh cuộc đời sung sướng no đủ. Những gì anh ấy đã nói về tôi thật đúng, rất tiếc là tôi đã không nghe theo, vì vậy tôi không dám trở về lại dưới mái nhà xưa.
 
Thanh tra Đôn Lễ có vẻ nóng nảy, đứng lên:
 
- Thôi nói dài dòng quá rồi. Chấm dứt đây thôi. Chúng ta nên kiểm xem số vàng ngọc rồi làm biên bản và dẫn tên sát nhân này về bót.
 
Thiết Lộc đứng dậy. Anh nói:
 
- Nhiệm vụ của tôi đã xong, tôi không can dự gì đến các món vàng ngọc này nữa. Vậy chúng tôi xin cáo từ.
 
Tôi cũng đứng lên. Nhưng Đôn Lễ thấy ngượng ngùng, bèn nói:
 
- Nào ông Thiết Lộc, xin ông hãy nán lại một chút nữa. Tôi xin mời ông và bạn của ông ngồi chơi chứng kiến số vàng ngọc này. Dù các ông muốn chối từ phần thưởng, các ông cũng nên biết rõ công trình mà ông đã góp phần có cái trị giá ra sao.
 
Tôi nhìn Thiết Lộc. Anh cũng nhìn tôi, rồi nói:
 
- Thôi được, chúng tôi ở lại vì sự tò mò mà thôi. Tôi cần tuyên bố lại một lần cuối là tôi không muốn quan tâm gì đến vàng ngọc kẻ khác, mà cũng không muốn hưởng lấy của ai bất cứ là món vật nào.
 
Đôn Lễ bảo người tài công là kẻ tay chân ông ta:
 
- Mở cái rương đi.
 
Rồi quay qua gã Xương Môn, viên thanh tra hỏi:
 
- Chìa khóa đâu rồi?
 
- Xương Môn đáp lại, lạnh lùng:
 
- Ở dưới lòng sông.
 
Thanh tra Đôn Lễ quắc mắt:
 
- Ngươi làm khó dễ chúng ta như vậy chẳng có ăn thua gì đâu. Từ trước đến nay ngươi đã gây cho chúng ta biết bao nhiêu khó khăn rồi.
 
Xương Môn vẫn không nói gì, vẻ mặt của gã bây giờ trở thành câm lặng, xa vắng.
 
Đôn Lễ bảo người tài công:
 
- Lấy móc sắt nạy xem nào!
 
Người tài công lục lọi một lát rồi đem ra một móc sắt khá lớn. Mặt trước cái rương có một ổ khóa kiên cố mang cái hình tượng ông Phật đang ngồi. Gã tìm cách đút một đầu cây sắt vào phía dưới và nạy lên. Cái khóa bật tung, kêu lên một tiếng chát chúa. Bàn tay run run, Đôn Lễ giở nắp rương ra. Chúng tôi sửng sốt: cái rương trống không, chẳng có một vật gì hết.
 
Tôi bèn bước lại sờ vào thành rương. Nó bằng sắt dày 2 phân đúc rất kỹ lưỡng, nhất định làm ra là để chứa một thứ gì quý giá. Nhưng nó hoàn toàn trống rỗng, chẳng có mảy may vàng ngọc gì hết, là tại làm sao? Thế cái kho tàng đã làm mất mấy mạng người, đã làm khốn khổ Xương Môn bây giờ ở đâu?
 
Đôn Lễ mặt tái như tàu lá chuối hỏi bằng một giọng lạc đi:
 
- Xương Môn, vàng ngọc đâu rồi?
 
Gã đang ngồi thẳng người trên một chiếc ghế dựa, bỗng ngả người ra phía sau mà cười rũ rượi.
 
Đôn Lễ hất hàm:
 
- Xương Môn, lại thêm một tội của mày nữa đấy!
 
Gã đáp lớn:
 
- Ông đừng dọa tôi, vô ích. Những vàng ngọc kia tôi đã chôn giấu nó vào một nơi mà các ông không đời nào lấy lên nổi đâu. Kho của kia thuộc về tôi, tôi không hưởng được thì không có ai được quyền hưởng nó. Tôi cần nói rõ thêm rằng, ngoài ba tù nhân bị đày ở An Đại Mã và tôi, không ai có quyền can thiệp vào số của đó. Tôi không thể hưởng được rồi, mà họ tất cũng không sao hưởng được. Bao giờ tôi cũng hành động vì các quyền lợi của họ ngang với quyền lợi của tôi. Dấu hiệu “Tứ Hiệp” luôn luôn ràng buộc chúng tôi với nhau. Vì thế, tôi chắc họ sẽ đồng ý với tôi là ném số vàng ngọc kia xuống sông Ta-Mi còn hơn là để nó lọt vào tay con cháu của ông Đôn Lễ. Hơn nữa, không phải chúng tôi giết chết Hắc Biệt để mà làm giàu cho các ông đâu. Các ông sẽ tìm ra số của đó với cái chìa khóa bên cạnh xác chết của thằng Tông Giả. Lúc biết các ông đuổi riết theo sau, tôi đã mở rương ném hết châu báu xuống nước. Thôi xin các ông hãy bằng lòng vậy, chắc là các ông sẽ không có được phần thưởng gì đâu.
 
Đôn Lễ lên giọng nghiêm nghị:
 
- Ngươi muốn đánh lừa chúng ta phải không, Xương Môn? Nếu có thể vứt tất cả châu báu xuống sông thì sao ngươi không xô luôn cái hòm sắt xuống một lượt, chẳng dễ hơn sao?
 
Xương Môn lém lỉnh đáp lại:
 
- Như thế, tôi ném dễ hơn mà các ông vớt cũng dễ dàng hơn, phải không? Người nào đã có tài theo đuổi được tôi thì tất phải có cái tài trục cái hòm của dưới đáy sông lên. Tôi có dại gì làm vậy. Nhưng bây giờ thì khó khăn lắm rồi, bởi vì số vàng ngọc đó đã được phân tán dài trên quãng sông ngót tám chín cây số ngàn. Thú thực có trời, lúc ném chúng xuống dòng sông lòng tôi đau như quặn xé. Thấy các ông sắp đuổi kịp, tôi tức điên cả người lên. Nhưng thở than chẳng ích gì. Suốt đời, lên voi xuống chó đã nhiều, tôi học được một bài học quý giá, là chẳng bao giờ nên khóc thương cái lọ vỡ.
 
Đôn Lễ hằn học:
 
- Ngươi phạm tội nặng lắm đấy, Xương Môn! Nếu ngươi đừng có phản bội công lý mà hết lòng phụ lực với chúng ta thì may ra trước phiên tòa ngươi sẽ còn được ơn nhờ!
 
Gã cựu tù rít lên:
 
- Công lý! Phải, thực là công lý! Kho của kia đáng lẽ nên về tay ai nếu không là về tay của chúng tôi? Công lý nào lại bắt buộc tôi phải nhường nó cho một số người không có chút quyền sở hữu nào hết? Tôi đây, tôi khổ công biết bao nhiêu mới chiếm được nó! Hai mươi năm trường lặn lội trong các bãi đầm lầy lội nước độc, quần quật suốt ngày làm việc dưới gốc vỏ dà, thao thức bao đêm trong những quán trọ hôi hám, hiến thân cho muỗi rỉa, cho sốt rét dày vò, chịu tất cả hành hạ của một đời phiêu bạt gian lao: đấy, tôi đã chiếm được kho của An Hạ như thế nào! Vừa rồi, ông lại nhắc nhở cho tôi hai chữ công lý, có phải chỉ vì tôi không đành tâm để cho kẻ khác hưởng thụ kết quả bao nhiêu gian lao khổ nhọc của tôi. Thà rằng tôi bị treo cổ hay bị giết chết vì mũi tên độc của các thổ dân ở An Đại Mã còn hơn là bị bó thân giữa vách xà lim, trong khi kẻ khác lại sống xa hoa trên một gia sản thuộc quyền sở hữu của tôi!
 
Xương Môn không còn vẻ mặt lạnh lùng như trước. Được tự do bộc bạch hết cả tâm can, cặp mắt của gã long lên, hai tay khua động hằn học, khiến đôi còng thép chạm nhau loảng xoảng. Thấy cơn giận dữ ghê gớm của hắn tôi sực nhớ đến nỗi khủng khiếp của cụ Sơn Tôn lúc thoạt thấy hắn xuất hiện ở bên cửa sổ. Nhưng Thiết Lộc đã mở lời:
 
- Cái kho của kia mất đi cũng là điều tốt. Nó đã từng là tai họa cho ai đã làm chủ nó. Lão lái buôn bị giết chết, ông Sơn Tôn sống trong xấu hổ, hãi hùng, và con ông ta đã lãnh một mũi tên độc. Còn ông Xương Môn, cũng như bạn bè của ông, chỉ là kiếp sống đọa đày.
 
Nói xong, Thiết Lộc ngả mũ chào hết mọi người và kéo tay tôi ra về.
 
 
VŨ HẠNH                  
(Phỏng theo truyện Dấu Tứ Hiệp
của văn hào Anh Conan Doyle) 

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

CHƯƠNG V_KHO VÀNG AN HẠ


CHƯƠNG V

 KHO VÀNG AN HẠ
 
 
Tôi sinh trưởng ở Hạt Sơn, phía bắc nước Anh, trong một gia đình khá giả. Cha mẹ của tôi đều là những người đạo đức rất được xóm giềng kính mến. Các người qua đời đã lâu và mấy năm nay tôi vẫn muốn có dịp về thăm lại quê cũ song tôi chỉ sợ bà con không chịu tiếp mình. Bởi vì, các ông biết đấy, tôi không phải là con người mà họ mong chờ được gặp. 

Cha mẹ của tôi chỉ sinh được có hai người con, anh tôi và tôi. Tính tình chúng tôi thật trái ngược nhau, anh tôi hiền lành, thủ phận, chăm chỉ làm việc. Còn tôi tính tình hung bạo, ưa chuyện phiêu lưu, chỉ muốn rong chơi. 

Những cái đồi nho mà cha mẹ tôi để lại cũng khá phì nhiêu, anh tôi chí thú chăm sóc, anh bảo với tôi: 

- Này em, không ai có thể cứu ta bằng chính là sự làm việc trong sạch của mình. Em hãy vun xới các mảnh đất này để mà gây dựng tương lai.
 
Tôi đáp:
 
- Trời ơi! Làm sao mà em có thể cày cục dưới mưa, dưới nắng để thu những món hoa lợi nhỏ nhoi như thế? Em muốn một sớm, một chiều phất lên một gia sản lớn.
 
Anh tôi lừ mắt nhìn tôi, rồi nghiêm nghị đáp:
 
- Đừng có nghĩ vậy em à. Đó là lý tưởng sai lầm có thể hại đến đời em.
 
Nhưng tôi, tôi cho rằng anh tôi vốn hủ lậu. Tôi nói:
 
- Em sẽ không chịu chết già ở trên mảnh đất nghèo nàn này đâu, em sẽ đi đến những chân trời mới, xa lạ, có những phong cảnh kỳ thú, những cái núi ngọc đảo vàng.
 
Anh tôi lẩm bẩm:
 
- Mày điên rồi đấy, Xương Môn. Tao nghĩ là mày đã loạn óc rồi.
 
Từ đó, anh bắt buộc tôi ở nhà làm việc với anh. Tôi kháng cự lại và thoát ly khỏi gia đình. Tôi kết bè bạn với những du đãng trong phố, gây gổ, đánh đập. Và sau một bữa nhậu say, tôi đánh một người cùng làng trọng thương. Tỉnh dậy, tôi sợ hãi quá bèn chạy trốn qua làng bên. Nhân cuộc tuyển mộ lính sang Ấn Độ, tôi bèn gia nhập vào Đệ Tam Sư Đoàn. Lúc ấy tôi mười sáu tuổi, song cái vóc dáng to lớn như là mười tám, đôi mươi.
 
Nhưng tôi ở trong quân ngũ không được lâu ngày. Vừa học hết môn “bước đều” và sử dụng cây súng thì tôi ngốc nghếch nhảy xuống tắm ở con sông Hằng Hà. May phước cho tôi, lúc bấy giờ một viên trung sĩ của tôi cũng đang tắm ở dưới sông, ông là một tay bơi lão luyện trong quân đội. Tôi vừa ra đến giữa dòng thì một con cá sấu táp ống chân bên phải của tôi làm đứt tiện quá đầu gối, gọn gàng hơn bác sĩ cưa. Tôi ngất đi vì đau và máu ra nhiều, suýt bị trôi mất nếu không có viên trung sĩ đến kịp, đưa tôi vào bờ. Tôi vào bệnh viện mất trên năm tháng. Sau cùng, ra khỏi nhà thương với chiếc chân gõ khập khễnh, tôi thấy mình không còn bay nhảy được nữa rồi.
 
Các ông xem, đời tôi đã sớm gặp rủi ro. Mới hai mươi tuổi đầu, tôi phải trở thành con người tật nguyền vô dụng. Tuy thế, điều bất hạnh lại cũng là một cái lợi cho tôi. Có ông Bình Qui đến đây tính việc trồng tràm, muốn kiếm một kẻ đốc công cai quản dân phu bản xứ làm việc. Ông là bạn thân với vị đại tá của tôi, ngài rất lưu tâm đến tôi từ khi tôi bị tai nạn. Tôi nói vắn tắt cho khỏi mất nhiều thì giờ: Đại tá đã sốt sắng giới thiệu tôi, và bởi vì làm việc này thường ngồi trên ngựa nên sự tàn tật của tôi không đáng kể nữa, đùi vế tôi còn khá dài để mà ngồi vững trên yên. Công việc của tôi là cưỡi ngựa đi rảo khắp các khu trồng trọt, coi sóc dân phu làm việc và báo cáo những kẻ nào lười biếng. Những công việc này của tôi được làm như một cái máy và như là dĩ nhiên, nhưng tôi không ngờ là nó đã góp phần gây nên niềm căm phẫn cho biết bao người. Bởi cái đời sống xa hoa của người da trắng ở các nơi này đã được nuôi dưỡng bằng chính mồ hôi, nước mắt và máu của dân thuộc địa. Chính sách lương bổng eo hẹp, đối xử tàn bạo, người dân bản xứ rên siết trong sự áp bức, bất công và chỉ chờ có cơ hội vùng lên. Tôi không nhìn thấy điều đó. Ở gần các người da trắng chủ nhân tôi cũng suy nghĩ như họ, bởi cái quyền lợi của tôi đồng hóa với quyền lợi họ. Tôi vẫn báo cáo những kẻ dân phu lười biếng nhưng tôi không hề nghĩ rằng vì sao mà họ biếng lười. Họ bị ăn uống thiếu thốn, họ bị đau ốm không có thuốc men, và họ cũng không dại gì mà làm siêng năng để nuôi bọn chủ giàu mập, mà họ và gia đình họ sống trong đói rách. Những roi vọt, những trừng phạt mạnh mẽ bao nhiêu cũng không làm họ siêng năng hơn lên mà chỉ làm cho họ thêm uất hận, căm thù. Còn về phần tôi, tôi không có gì than trách. Tiền lương rộng rãi, chỗ ở tiện nghi, và ông Bình Qui, theo tôi, là người tử tế. Ông vẫn thường đến thăm tôi, hút chung với tôi một cây ống điếu, vì ở nơi đây, những người da trắng đối xử với nhau như là anh em.
 
Nhưng tôi không hưởng được sự may mắn lâu dài. Thình lình, một cuộc dấy loạn bùng nổ. Mới tháng trước đây, Ấn Độ trông thật lặng lẽ im lìm. Nhưng chỉ ba mươi ngày sau, xứ này là một địa ngục kinh hoàng. Các ông chắc rõ việc đó, có lẽ còn hơn tôi nữa, vì tôi không đọc được nhiều báo chí. Tôi chỉ nhìn thấy bằng chính mắt tôi, khu vực đồn điền của tôi ở miền Tây Bắc xứ này. Đêm đêm lửa đốt các dãy phố quận bốc cháy rực trời. Ban ngày thì hàng ngàn người Âu Châu, đàn bà, trẻ con, băng qua đồn điền của tôi đi đến An Hạ lánh nạn. Bình Qui là người gan lì. Ông vẫn đinh ninh các vụ nổi loạn thường quá bạo động, nhưng rồi tàn ngay chứ không kéo dài lâu ngày. Trong khi bốn bên lửa cháy rần rật, ông cứ thản nhiên uống rượu, hút thuốc xì gà. Tôi phải ở lại với ông cùng với vợ chồng Giã Khang là viên quản lý lo việc xuất nạp tiền nong. Thế rồi ngày kia, tai ương xảy đến. Tôi đi coi trồng trọt ở nơi xa, tối đến lững thững về nhà, mắt tôi bỗng dán vào một đống gì lù lù dưới rãnh. Tôi bèn lại gần để xem. Tôi lạnh cả người khi nhận ra đó là thi hài của người vợ Giã Khang bị băm vằm đến trăm mảnh, nửa thân đã bị chó rừng xé nát. Gần đấy, tôi thấy người chồng, mặt vùi dưới đất, một tay cầm khẩu súng lục hết đạn. Trước mặt của y có bốn cái xác người Âu chồng chất lên nhau. Tôi ghìm cương ngựa, chưa biết đi đâu thì thấy một đám khói dày tỏa lên từ cái biệt thự của ông Bình Qui, ngọn lửa đang cháy lan khắp các mái nhà chung quanh. Tôi hiểu người chủ của tôi đánh giá quá thấp lòng căm hờn của dân bản xứ. Bị bóc lột quá nhiều năm, bởi một chính sách hà khắc, họ phải vùng lên. Phần tôi, tôi hiểu là mình không còn giúp sức được gì cho người chủ nữa, và bây giờ có dấn thân vào đó cũng uổng mạng thôi. Đứng ở nơi đây, tôi nhìn rõ hằng trăm con người đen thui, mang tấm áo đỏ trên lưng nhảy múa gào la chung quanh đám lửa. Một vài người đưa tay chỉ về phía tôi đứng, và tôi nghe hai viên đạn vèo qua bên tai. Tôi vội vã băng qua cánh đồng chạy trốn. Quá khuya thì đến An Hạ, bình an vô sự. Bình an là kể với mọi liên lạc bên ngoài, chứ cả khu này đang nhao nhao như một tổ ong. Người Anh mỗi khi tụ tập lại đông đảo thì chỉ dùng súng bảo vệ.
 
Sự xô xát thực là chênh lệch: hàng triệu người đánh nhau với mấy trăm người! Xót xa nhất là chúng tôi phải chống nhau với những thứ địch thủ này: Bộ binh, pháo binh, kỵ binh thuộc những đơn vị chọn lọc kỹ càng rèn tập công phu và bây giờ đây chúng đang sử dụng kèn hiệu của chính người Anh, vũ khí của chính người Anh phân phát để mà chống cự lại người Anh, tàn sát người Anh.
 
Ở An Hạ đã có đệ tam khinh đoàn, một ít quân Xích là dân thiểu số vùng này, hai kỵ đội và một pháo đội. Một đoàn quân tình nguyện được thành lập ngay tức thời, gồm những thương nhân và thợ thuyền. Tôi gia nhập vào đoàn người này, với chiếc chân gỗ. Chúng tôi tiến đến chận đánh một đám loạn quân vào đầu tháng bảy, đánh lui chúng được ít ngày thì hết đạn dược nên phải rút về thị trấn.
 
Tin bại trận từ các nơi tới tấp bay đến. Điều này không gì lạ là vì nhìn vào bản đồ các ông thấy rằng chúng tôi đang ở giữa lòng loạn quân. Bốn phương toàn là loạn lạc, giết hại, cướp bóc.
 
An-Hạ là một thành phố lớn đầy giáo dân và đủ loại tín đồ của các thứ tôn giáo. Chúng tôi nằm gọn lỏn, tay không, giữa các đường hẻm chằng chịt quanh co. Viên Tư lệnh quyết định cho chúng tôi vượt qua con sông để đến đồn trú trong thành An-Hạ. Không biết trong các ông đây đã có người nào từng đọc hay nghe nói đến những chuyện về cái thành trì cũ kỹ ấy chưa. Đó là một nơi rất lạ lùng, tôi chưa từng thấy. Trước hết, diện tích nó rất rộng lớn, đến mấy mẫu tây. Tất cả đàn bà, trẻ con với binh đội và lương thực dồn vào đấy không choán hết một góc nhỏ, chẳng thấm vào đâu so với cái thành trì to lớn. Nơi đây không có một ai lui tới, giang san của loài rắn rết, bò cạp. Những bức tường đồ sộ mênh mông, những lối đi chằng chịt, chạy đủ mọi hướng. Đi vào đây dễ lạc đường lắm nên chẳng ai dám bước liều. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng có một vài toán người cầm đuốc thám hiểm.
 
Một con sông lớn chảy trước cửa thành, ngăn đường đột nhập của địch quân. Nhưng mặt sau và hai bên có vô số là lối vào ra và dĩ nhiên phải cắt quân canh giữ cẩn thận. Chúng tôi thiếu người. Chỉ vừa đủ canh gác các góc lũy và sung vào pháo đội thôi. Vậy nên không thể bố trí cai quản chu đáo khắp các lối cửa con rải rác khắp nơi, và mỗi cửa nhỏ đành giao cho mỗi một người da trắng canh giữ kèm với hai người bản xứ. Tôi được cắt đi gác một cửa nhỏ xa biệt ở phía Tây Nam . Dưới quyền điều khiển của tôi là hai lính Xích. Tôi được lệnh cho nổ súng nếu thấy có gì nguy hiểm, vệ binh trung ương sẽ đến tiếp cứu ngay. Nhưng vì cách xa hơn hai trăm thước, lại ngăn trở bởi vô số bờ tường và các lối đi chằng chịt nên tôi ngại rằng nếu có một cuộc đánh úp thật sự thì chắc họ không sao đến kịp tiếp cứu cho tôi. Tôi đã gác suốt hai đêm bên cạnh những tên bản xứ lực lưỡng có cái nhìn thật dữ tợn. Chúng tên là Mã Linh và An Kha, hai quân nhân rất thiện chiến. Chúng nói tiếng Anh rất thạo nhưng tôi không thể nào giao thiệp với chúng được. Suốt đêm, hai tên này cứ ưa đứng riêng ra một nơi để mà huyên thuyên chuyện trò với nhau bằng thổ ngữ Xích… Còn tôi thì ngồi lặng lẽ ở trên thành cửa nhìn ra con sông ngoằn ngoèo trước mặt và những ánh đèn lấp lánh trên phố. Tiếng trống, tiếng chiêng, xen lẫn với tiếng la gào, gầm thét của đám loạn quân say sưa hăng máu vọng lại từ hồi, luôn luôn nhắc nhở chúng tôi về cái tai biến lớn lao đang rình chực mình ở bên kia sông. Cứ cách hai giờ đồng hồ lại có một viên sĩ quan đi tuần, xem chừng có chuyện gì xảy ra không, và tôi cứ ngồi thắc thỏm đợi chờ những phút gặp gỡ ấm lòng như thế.
 
Đêm gác thứ ba, trời thật lạnh lẽo vì cơn mưa bay lất phất. Ngồi mãi một mình, cảm thấy buồn bực và lạnh lẽo hơn, tôi cố tìm cách gợi chuyện với hai lính Xích, nhưng mà vô hiệu. Thái độ của họ thật là lãnh đạm và sự có mặt của tôi khác nào là sự hiện diện của một tảng đá, của một bụi cây, không hề làm họ động lòng. Khoảng hai giờ sáng, một đội tuần rỏn đi qua, xua bớt được nỗi lo âu của tôi trong một chốc lát, rồi nỗi buồn phiền và lạnh lẽo kia lại chiếm lấy tôi. Không có cách gì mở miệng với hai tên kia, tôi chán nản quá, đặt cây súng xuống bên cạnh, lấy ống điếu ra đánh diêm hút thuốc. Thì vừa lúc ấy, hai tên lính Xích đã nhanh như chớp nhảy xổ đến cạnh tôi rồi. Một tên giật lấy khẩu súng chĩa vào người tôi, còn tên kia kê mũi dao lớn bên cổ tôi, nghiến răng dọa nạt:
 
- Nếu mày bước tới một bước, tao sẽ đâm họng lập tức.
 
Tôi thật hết sức hoảng hốt, nghĩ rằng giờ chết của mình đã điểm. Thoạt tiên tôi nghĩ bọn này đã thông đồng với loạn quân và bây giờ chúng sắp sửa tấn công thành trì An Hạ. Nếu cửa thành này lọt vào tay quân nổi loạn thì cái vị trí cố thủ này kể như tiêu mất rồi và những đàn bà trẻ con ở đây sẽ cùng chung một số phận như bao nhiêu người ở vào các nơi đã bị chiếm cứ. Chắc các ông tưởng tôi sẽ ngoan ngoãn nghe theo lời chúng, nhưng xin thề rằng lúc nghĩ tới tai họa thảm khốc đó, tôi mở miệng ra, chợt kêu lên một tiếng thật lớn, dù chỉ là một tiếng thôi, để báo động cho bộ chỉ huy biết. Như thế, dù có ngã gục ở dưới lưỡi dao phũ phàng tôi cũng đành lòng. Tên lính giữ tôi dường như đọc được tất cả tư tưởng của tôi bấy giờ. Lúc tôi lấy hơi, định rán gân cổ kêu lên thì hắn khẽ bảo:
 
- Này, đừng làm ồn. Thành trì này không sao đâu. Không có một loạn quân nào ở đây hết cả.
 
Giọng hắn có vẻ thành thực, cứng cỏi. Tôi hiểu rằng mình chưa kịp kêu lên là đã bị nó đâm thẳng cánh rồi. Tôi đọc thấy rõ điều đó ở trong đôi mắt đen nâu của hắn, nhưng đành yên lặng chờ xem hắn muốn những gì.
 
An Kha, tên cao lớn nhất và có vẻ hung hãn nhất, lên tiếng:
 
- Này anh, hãy nghe tôi đây. Bây giờ anh phải chọn một trong hai điều này: hoặc là thỏa hiệp với bọn chúng tôi, hoặc là chịu chết. Cố nhiên chúng tôi không muốn hại anh, nhưng công việc này rất hệ trọng cho chúng tôi và nếu cần phải loại anh để mà bảo đảm bí mật, chúng tôi sẽ không ngần ngại gì hết. Vậy anh thật bụng nghe theo chúng tôi thì hãy thề đi, không thì chúng tôi sẽ ném thây anh xuống hố rồi theo loạn quân cho xong. Không còn một phút do dự nào nữa. Anh định thế nào, nói đi? Muốn sống hay là muốn chết? Nên nhớ là trước chuyến tuần rỏn sắp đến đây mọi việc của bọn tôi phải được hoàn thành.
 
Tôi đáp:
 
- Làm sao tôi quyết định được, vì tôi nào biết các người muốn tôi làm gì? Nhưng tôi cũng xin thẳng thắn trình bày là nếu các người ép tôi làm loạn, phải theo các người phá rối thì các người cứ đâm chết tôi đi. Như vậy là hơn, vì tôi sẽ không nghe theo bao giờ.
 
An Kha liền bảo:
 
- Tôi cũng đã bảo là việc này chẳng dây dính gì đến loạn quân cả đâu. Cái thành trì này cũng không có động chạm gì. Chúng tôi chỉ muốn anh cùng nhúng tay vào một công việc mà bao nhiêu đồng bào anh cũng đã lặn lội đến xứ sở này vì nó mà thôi. Nói vắn tắt hơn chúng tôi muốn anh trở thành tỷ phú. Và nếu đêm nay, anh đã thỏa thuận điều đó với bọn chúng tôi thì sau khi đã thề nguyền, anh sẽ được hưởng một phần xứng đáng: anh được phần tư của một kho vàng. Chúng tôi không thích nói dài dòng quá, chỉ mất thì giờ vô ích.
 
Tôi liền hỏi họ:
 
- Kho vàng nào vậy? Tôi cũng muốn giàu như các người chứ? Có kẻ nào sống cùng khốn như tôi lại chê vàng bạc người ta đem đến để chia cho mình? Các anh hãy nói cho tôi biết rõ bây giờ phải làm gì nào?
 
An Kha trịnh trong bảo tôi:
 
- Anh hãy thề trước nắm xương cha anh, trước danh dự của mẹ anh, trước thánh giá của đạo anh, là không bao giờ phản bội chúng tôi, dù là bây giờ hay là sau này cũng vậy.
 
Tôi đã trịnh trọng thề nguyền với họ như vậy. Cả hai thành khẩn tiếp nhận lời tôi rồi An Kha bảo:
 
- Vậy thì tôi và người bạn tôi đây cũng thề với anh là anh sẽ được một phần tư của kho vàng. Vì kho vàng này phải chia đều cho bốn người.
 
Tôi nói:
 
- Nhưng mà chúng ta chỉ có ba thôi.
 
Mã Sinh liền bảo:
 
- Không, còn một phần kia của An Bá nữa.
 
An Kha tiếp lời:
 
- Anh chưa biết rõ An Bá là ai, để tôi kể lại việc này cho anh hiểu. Nào, Mã Sinh, hãy ra ngoài cửa gác đi. Bây giờ tôi sẽ thuật lại từ đầu cho anh được biết vì tôi nhận thấy rằng anh là người thận trọng lời hứa và tôi có thể tin cậy nơi anh. Nếu anh thuộc vào hạng người phản bội thì dù anh có thề nguyền bao nhiêu đi nữa, lưỡi dao này vẫn xuyên qua cổ anh và thây của anh sẽ được vứt xuống dưới giòng sông kia.
 
Anh ta tằng hắng dọn giọng kể tiếp:
 
- Ở miền Tây Bắc Ấn Độ có vị quốc vương rất giàu tuy rằng lãnh thổ chẳng rộng bao nhiêu. Vị Quốc Vương này thừa hưởng châu báu của người vua cha đã để lại, nhưng còn phần lớn lại do lão đã thẳng tay bóc lột dân chúng, vơ vét của cải khắp nơi với một lòng tham vô độ nên tích lũy được khá nhiều châu báu ngọc vàng. Vốn là hạng người keo kiệt, chỉ thích để dành chứ không thích tiêu nên kho vàng lão càng ngày càng thêm to lớn. Khi thổ dân người Xi Pay nổi lên chống lại người Anh, tên quốc vương này cảm thấy cơ đồ của mình bị đe dọa nên lão tính làm vừa lòng luôn cả hai phe, vừa lòng cả cọp và cả sư tử, tức là người Anh và người Xi Pay. Bên nào lão cũng tìm cách nhân nhượng, lão cũng tìm cách chiều chuộng, đút lót bạc vàng, cốt sao cho được yên thân. Với lão không có lý tưởng gì hết ngoài cái mạng sống của gia đình lão và sự tồn tại của kho tàng lão. Nhưng rồi càng ngày tên Quốc Vương ấy cảm thấy những người da trắng sắp bị đẩy lùi, khắp xứ Ấn Độ đâu đâu cũng chỉ nghe họ bại trận nên lão tìm cách rút lại những sự hứa hẹn ban đầu để chỉ lo lót mỗi dân Xi Pay và các thủ lãnh của họ mà thôi. Nhờ sự khôn khéo của lão, nên dù loạn lạc bao nhiêu, kho tàng của lão cũng chỉ hao hụt độ chừng phân nửa là cùng. Tất cả vàng bạc thì lão chôn giấu trong những cái hầm ở dưới cung điện, nhưng còn ngọc ngà quý giá thì lão cất hết trong một hòm sắt, giao cho một tên hầu cận trung tín nhưng thuộc vào loài gian ác mang đến nơi đây giả làm một người lái buôn, có cái nhiệm vụ giữ gìn hòm đó đến khi yên ổn thì mang trở về. Cứ theo cách này thì nếu loạn quân có thắng lão ta vẫn còn số vàng, và nếu người Anh nắm lại chính quyền thì lão vẫn còn số ngọc. Sau khi chia xẻ tài sản như thế, lão bèn tình nguyện theo dân Xi Pay, làm như là người chỉ biết một lòng một dạ đi theo chính nghĩa của dân tộc mình, và dân Xi Pay lúc này lại đang hùng cứ ở gần biên giới.
 
Tên lái buôn giả hiệu đó, mang cái tên giả hiệu Hắc Biệt, lang thang khắp nơi, rồi bây giờ đây đang đến thành trì An Hạ. Hắn muốn lọt vào trong cái thành này để được yên thân. Hắn bèn kết bạn với người anh ruột của tôi tên là An Bá, do đó anh ta biết rõ được cái bí mật của hắn. Anh tôi đã hứa đêm nay dẫn hắn vào thành, theo một lối cửa bên hông, ít ai chú ý, và anh đã chọn cửa này. Bây giờ chắc họ cũng sắp đến nơi. Lối đi chật hẹp và không ai biết xuất xứ của tên Hắc Biệt, chúng tôi quyết định giết nó để mà đoạt lấy hòm của. Bây giờ anh đã hiểu hết sự thực rồi đó.
 
Tôi biết mạng người thật là quí giá, nhưng tôi đang sống giữa thời loạn lạc, suốt ngày chỉ nghe đạn rít, tên bay, nên tôi nghĩ rằng tên lái buôn kia còn sống hay có chết đi cũng chẳng có gì quan trọng. Ở đây, giữa cái thời buổi khói lửa tơi bời, tánh mạng con người thành thật không hơn gì tánh mạng của loài sâu bọ. Lại thêm ý tưởng về cái kho của đã thắng nơi tôi. Tôi liền tưởng tượng đến sự vinh quang, đến cảnh giàu có của mình khi quay về lại quê hương. Bà con, họ hàng sẽ thán phục tôi, nhìn tôi từ Ấn Độ về với những túi vàng đầy nhóc. Do đó tôi đã dứt khoát đồng ý với họ lập tức. Nhưng thấy tôi mãi suy tính, An Kha lại càng cố thuyết phục thêm:
 
- Này, anh thử nghĩ xem, nếu lão Hắc Biệt rủi ro gặp phải thiếu tá chỉ huy thành này thì hắn cũng không làm sao tránh khỏi được tội treo cổ hay là xử bắn, và số châu báu ngọc vàng của nó đều lọt vào tay nhà nước mà thôi. Chẳng ai còn được một xu nào cả. Nhưng nếu chúng ta giết hắn, thì mỗi người trong chúng ta sẽ trở thành ngay triệu phú, không, chúng ta trở thành tỷ phú với nhiều quyền thế trong tay. Không ai biết được điều này, chỉ có một mình bọn ta ở đây mà thôi. Chẳng có cái gì mà sợ. Nào, bây giờ anh hãy cho biết, anh có đồng lòng với chúng tôi không hay là chúng tôi bắt buộc phải coi anh như là một kẻ thù?
 
Tôi đáp:
 
- Tôi hết lòng nghe theo các người đây. Tôi xin trịnh trọng mà thề như vậy.
 
Anh Kha giao cây súng lại cho tôi. Hắn nói:
 
- Tốt lắm. Anh có thấy không, chúng tôi rất tin cậy anh. Tôi biết anh thuộc hạng người tôn trọng lời hứa. Bây giờ chúng ta chỉ còn mỗi việc chờ đợi anh tôi đến đây cùng với tên lái buôn kia.
 
Tôi hỏi:
 
- Anh của ngươi rõ công việc ngươi sắp làm chứ?
 
- Chính anh ấy đã xếp đặt kế hoạch. Bây giờ chúng ta ra cửa canh chừng với Mã Sinh đi.
 
Mưa vẫn rơi không ngớt hột, gió mùa thổi lạnh, mây đen giăng kín trên nền trời thấp. Đêm thật tối mịt, ngửa bàn tay không nhìn thấy. Trước cửa có một cái rãnh nhỏ bị lấp gần hết, có thể bước qua dễ dàng, bỗng bên kia rãnh, có ngọn đèn gương lờ mờ nhấp nhô khi ẩn khi hiện. Thấy mình ngồi cạnh hai gã thổ dân, canh chừng giết hại một người, tôi nghĩ thật là lạ lùng cho những cảnh ngộ đã đưa đẩy tôi vào tội ác này. Ngọn đèn tiến dần về phía chúng tôi. Tôi bèn quay sang An Kha, bảo gã:
 
- Chắc họ đến rồi.
 
An Kha thì thầm:
 
- Anh sẽ lên tiếng như là thường lệ. Đừng cho hắn nghi ngờ gì hết. Cứ để chúng tôi ra đón, đối phó với hắn, còn anh thì cứ đứng đây canh cửa. Nào, chuẩn bị khêu sáng ngọn đèn để chúng tôi nhận ra hắn.
 
Ánh sáng chập chờn đi tới, đôi lúc ngừng lại rồi tiếp tục đi. Chỉ một lát sau, tôi nhận rõ hai bóng người bên kia bờ rãnh. Tôi để cho họ men xuống bậc sông, lội qua hồ nước và leo lên bờ rồi mới lên tiếng bằng giọng khàn khàn:
 
- Ai đó?
 
Một người đáp lại:
 
- Người quen!
 
Tôi bèn rọi thẳng ngọn đèn lồng về phía họ. Đi đầu là một người Xích cao lớn, râu đen và rậm chạy dài tới ngực. Khắp cả vùng này, tôi chưa hề gặp người nào to lớn như thế. Đi sau người ấy, một gã bé nhỏ, béo lùn, đầu quấn khăn vàng, tay ôm một gói hành lý bọc kín. Trông hắn có vẻ sợ sệt, bàn tay run rẩy như người sốt rét và đầu không ngớt đảo quanh bốn bề với một đôi mắt lấm la lấm lét như con chuột nhắt vừa chui khỏi hang. Nghĩ đến việc phải hạ sát kẻ vô tội này, tôi thấy lạnh cả xương sống. Nhưng cái ý tưởng tham lam về kho tàng kia đã làm cho con người tôi trở nên lạnh lùng. Khi nom thấy tôi, con người bé nhỏ và béo lùn kia kêu lên một tiếng mừng rỡ, chạy về phía tôi và hổn hển nói:
 
- Lạy ngài, xin ngài che chở cho tôi, che chở cho tên lái buôn quá khốn khổ này. Thưa ngài, tôi đã vượt qua bao chốn hiểm nghèo để mà đến đây mong được trú ngụ trong thành An Hạ. Dọc đường tôi đã bị chúng cướp giật hành hạ đủ điều vì chúng bảo tôi quen với người Anh. Nhưng phúc đức thay, đêm nay mạng sống của tôi với gói hành lý bé nhỏ này đến được chốn an toàn.
 
Tôi hỏi:
 
- Có gì trong cái gói này?
 
Hắn đáp:
 
- Thưa ngài, một cái hòm sắt. Chỉ có một vài món đồ gia truyền không chút giá trị nào cả, nhưng tôi không thể rời nó. Dầu vậy, tôi cũng không phải là hành khất đâu, thưa ngài. Nếu ngài cho tôi nương náu nơi đây, tôi sẽ xin hậu tạ ngài và cả các quan trên nữa.
 
Tôi không còn đủ can đảm nói chuyện với hắn. Càng nhìn bộ mặt béo nhẵn và khiếp hãi này, tôi càng thấy khó đành lòng mà giết chết hắn. Cần phải chấm dứt thật nhanh tấn thảm kịch này. Tôi bảo:
 
- Dẫn anh ta đến vệ đội chính qui.
 
Hai gã lính Xích kèm hai bên hắn, còn người cao lớn kia đi phía sau. Cả bọn đi sâu vào trong ngã tối. Thật chưa bao giờ thần chết thúc bách con người một cách khắt khe như thế. Tôi đứng sững trên bực thềm với ngọn đèn gương nơi tay nhìn theo bóng họ chập chờn biến dần vào trong bóng tối mờ mịt.
 
Tôi còn nghe rõ những tiếng chân bước trên hành lang vắng dội lại. Bỗng nhiên tiếng chân im bặt, rồi có những tiếng kêu thét, những tiếng huỳnh huỵch xô xát. Chỉ một lát sau tôi thật kinh hãi nghe rõ tiếng chân dồn dập chạy về phía tôi, và những tiếng thở hổn hển của người đang chạy. Tôi rọi ngọn đèn vào ngõ đường hẻm và thấy người béo lùn kia đang chạy vùn vụt như bay, mặt mày đẫm ướt những máu trong khi gã Xích cao lớn có chòm râu đen rậm dầy đuổi theo bén gót, lồng lên như con hổ đói với một lưỡi dao sáng loáng nơi tay. Tôi chưa thấy ai chạy nhanh như gã lái buôn bé nhỏ và mập tròn kia. Hắn đã bỏ gã Xích kia được một khoảng xa và tôi chợt hiểu nếu hắn lọt được ra phía ngoài kia, hắn có thể chạy thoát lắm. Ở nơi lòng tôi có những ý nghĩ tội nghiệp cho hắn nhưng rồi đồng thời ý tưởng về kho tàng kia vụt đến đã biến tôi thành sắt đá vô tri, khi thấy hắn chạy ngang qua ở trước mặt mình. Rồi tôi bỗng cầm cây súng lao ngay vào giữa chân hắn, khiến hắn lăn tròn như một con thỏ bị đập. Chưa kịp chồm dậy, hắn đã bị ngay tên Xích cao lớn nhảy đến, đâm tiếp hai dao vào chính giữa lưng. Không còn cựa quậy, cũng chẳng rên la, hắn nằm một đống chỗ hắn vừa ngã chúi xuống… Các ông thấy không, tôi đã giữ đúng lời hứa. Và dầu có sao đi nữa cho tôi, tôi vẫn thuật đúng sự thực như nó đã xảy ra rồi. Có lẽ nghe tôi nói thế các ông sẽ khinh bỉ tôi, vì tôi biết rằng việc làm vừa rồi thật là khốn nạn, thật là dã man, đáng bị nguyền rủa. Nhưng tôi thử hỏi ở trên đời này có được mấy người, lâm vào cảnh ngộ của tôi, cương quyết từ chối một phần của cải như thế để được đón nhận phần thưởng đạo đức là một mũi dao đâm vào cuống họng? Hơn nữa, một khi hắn đã lọt thoát ra ngoài pháo đài, mọi việc sẽ bị bại lộ. Tôi sẽ bị điệu ra trước Tòa án quân sự và rất có thể tôi bị xử bắn, luật pháp không biết thương ai. 

Thế rồi, chúng tôi khiêng cái xác đi. Thân hình của hắn nhỏ bé mà thật là nặng. Chúng tôi để lại Mã Sinh gác cửa. Mấy tên Xích này đã chuẩn bị trước một nơi chu đáo. Cách đó một khoảng, qua một lối đi ngoằn ngoèo, có một bức tường sụp đổ. Bờ đất ngã xuống tạo thành nấm mồ thiên nhiên. Chúng tôi đặt xác của gã hắc Biệt xuống đấy, lấp lên một lớp gạch vụn khá dày. Xong rồi, chúng tôi trở lại với cái hòm sắt chứa đựng kho tàng.
 
Nó vẫn nằm nguyên ở chỗ người kia đã bị đánh một cách bất thình lình. Chính là hòm sắt bây giờ đang nằm trên bàn của các ông đây. Có một chìa khóa buộc bằng dây lụa vào cái tay nắm mặt trên. Chúng tôi mở ra, ánh sáng của ngọn đèn gương rọi vào một đám châu ngọc muôn màu, khác nào châu báu tôi hằng mơ tưởng hay nghe mô tả trong các sách đọc khi còn thơ ấu. Vẻ chói lòa ấy làm cho chúng tôi quáng mắt. Sau một lúc nhìn đã quen, chúng tôi bèn lấy tất cả ra ngoài, kiểm điểm xem được bao nhiêu. Có 43 viên kim cương loại thượng hạng, trong đó có viên tôi đoán là viên Đại Mông được coi lớn vào bậc nhì ở trên thế giới. Lại có 97 viên bích ngọc và 170 viên hồng ngọc đều cùng một cỡ. Ngoài ra còn đếm được vô số ngọc quí khác. Tôi biết được nhiều tên ngọc, nhưng lúc đó tôi quên mất một số khá lớn. Sau cùng có 300 viên kim ngân thật đẹp, có 12 viên nạm trên một cái vòng bằng vàng.

Kiểm điểm châu báu xong rồi, chúng tôi bỏ lại tất cả vào hòm, mang đến cửa canh để chỉ cho Mã Sinh xem. Tại đây, chúng tôi trân trọng thề nguyền giữ bí mật này và không bao giờ phản bội lẫn nhau. Chúng tôi bàn nhau đem giấu kho của ở vào một nơi chắc chắn chờ cho tới khi thái bình trở lại. Lúc ấy chúng tôi sẽ đem chia đều cho nhau, bởi vì chúng tôi không thể phân chia tức thời. Lý do dễ hiểu là nếu mỗi người chúng tôi mang phần châu báu ra ngoài thì khó lọt khỏi bao nhiêu cặp mắt nghi ngờ của người chung quanh. Lại thêm chúng tôi không ai có ngôi nhà riêng hay một nơi nào để cất giấu cả. Vì thế hòm châu báu kia được mang đến chỗ chôn xác Hắc Biệt rồi chúng tôi khoét một lỗ hổng lớn ở trong bờ tường đặt hòm của vào, chất gạch che kín bốn bề. Sau khi đánh dấu cẩn thận chỗ cất, qua sáng hôm sau tôi bèn vẽ bốn bản đồ giao cho bốn người chúng tôi và dưới mỗi bản tôi ghi dấu hiệu “Tứ Hiệp”. Vì chúng tôi đã thề rằng mỗi người luôn luôn hành động vì quyền lợi của bốn người, một cách hết sức công bằng. Lời ước nguyện đó tôi chưa bao giờ làm sai, thề có trời đất chứng minh.
 
Không cần nói rõ các ông cũng biết cuộc dấy loạn đó rồi sau ra sau. Viện quân đã được tới tấp gửi đến và cuộc khởi loạn đã bị thất thế. Theo lệnh Đại Tá Kiết Mễ, một đại đội lưu động được phái tới tận An Hạ lùng đuổi loạn quân. Thái bình hầu đã vãn hồi ở trên đất nước. Cả bốn chúng tôi hân hoan chờ đợi một ngày rất gần, sẽ được bình yên rời khỏi nơi đây, với phần châu báu trên tay. Nhưng chỉ một thoáng, bao nhiêu ước vọng của bọn chúng tôi đều vỡ tan tành. Chúng tôi đã bị tống giam vì tội ám hại Hắc Biệt.
 
Nguyên do như thế này đây: Vị Quốc Vương kia đã giao hòm của cho gã Hắc Biệt vì hắn là người trung tín. Nhưng mà bản tính của dân Á Châu, các ngài không lạ lùng gì, vốn rất đa nghi. Vì thế, vị Quốc Vương nọ đã cho một tên hầu cận thứ hai còn đáng tin cậy hơn nữa, giao cho nhiệm vụ dò chừng Hắc Biệt, luôn luôn theo sau Hắc Biệt nên đã thấy được gã này đi vào cửa thành. Tin chắc là gã Hắc Biệt tìm nơi nương náu nên ngày hôm sau gã kia cũng bèn xin vào trú ngụ trong thành. Nhưng gã tìm khắp mà không thấy được dấu tích của tên hắc Biệt. Hắn lấy làm lạ vì sự biến mất đột ngột của gã lái buôn nên bèn báo cáo với một viên đội, nhờ trình lên viên Thiếu tá chỉ huy. Một cuộc điều tra kỹ càng đã được tiến hành tức khắc và cái tử thi đã được khám phá. Vì thế, vào giữa cái lúc tưởng rằng tất cả tai biến đều được qua rồi thì cả bốn đứa chúng tôi đều bị tống giam, rồi bị kết tội sát nhân. Suốt cả phiên tòa không nghe nhắc đến cái hòm của quốc vương kia. Lão đã bị phế bỏ rồi và bị lưu đày, chẳng ai thấy có lợi gì mà nói đến chuyện đó nữa. Ba tên dân Xích thì bị kết án cấm cố chung thân, còn tôi thì suýt bị tội tử hình nhưng sau đó được giảm xuống cùng chung tội trạng với họ. 
 
Chúng tôi ở trong cảnh ngộ thực là trớ trêu. Cả bốn đứa tôi, xiềng buộc nơi chân, hết đường hy vọng,trong khi mỗi đứa đều biết một điều bí mật mà nếu được quyền sử dụng tức thời có thể khiến mình trở nên một kẻ giàu sang trên hết. Chúng tôi đều thật bứt rứt, hậm hực, nghĩ đến tài sản huy hoàng đang đợi chờ mình trong khi mình phải chịu ăn cơm hẩm mắm thiu, chịu mọi roi vọt của bất cứ tên lính nào say sưa, của bất cứ tên lính ngu ngốc nào. Nhưng tính tôi vốn bướng bỉnh, tôi cứ khăng khăng ngóng đợi một ngày thuận tiện sẽ đến với mình.
 
Và ngày trông đợi dường như đã đến. Tôi được đưa từ An Hạ đến giam tại hòn đảo An Đại Mã. Miền này ít có trại giam những tù khổ sai da trắng và nhờ tôi luôn tỏ ra ngoan ngoãn, dễ bảo, nên chẳng mấy chốc tôi được hưởng chế độ tù tương đối rộng rãi hơn nhiều. Tôi phải cất một chòi nhỏ ở một làng gần sườn núi và được sống khá yên tĩnh nơi đây. Vùng này thật là hoang vu, ít có bóng người vì ngoài nước độc lại thêm bốn bề lau lách um tùm chằng chịt. Có những thổ dân vẫn còn man rợ, luôn luôn chờ sẵn tên độc để giết bất cứ người da trắng nào bén mảng tới gần. Tù nhân ở những nơi đây phải làm những việc như là đào hầm, lấp rãnh, trồng cây và hàng chục công việc khác. Vì vậy họ phải làm việc suốt ngày, nhưng cứ chiều đến được hưởng đôi giờ rảnh rỗi. Tôi được đảm nhiệm công việc phân phát thuốc men nhờ đó biết qua về các thứ thuốc. Đầu óc của tôi luôn luôn tìm kiếm một dịp tẩu thoát nhưng hòn đảo này ở giữa biển khơi và miền đất liền gần nhất cũng cách đấy khoảng hàng mấy trăm cây số ngàn. Hơn nữa gió lại ít thổi về ngã lối đó, thành ra nếu có vượt bè trốn thoát cũng khó thực hiện.
 
Trong số y sĩ săn sóc tù nhân ở chốn đảo này có một bác sĩ trẻ tuổi, tên là Phổ Ninh rất ưa hoạt động. Buổi tối các sĩ quan khác thường tụ họp ở nhà ông để đánh bài. Y Viện mà tôi làm việc ở sát phòng đó, chỉ thông qua bằng một ghi sê nhỏ. Mỗi lúc chỉ còn một mình, tôi tắt ngọn đèn ở trong y viện và đến ngồi cạnh ghi sê, nhìn họ đánh bài. Ở đây có tham mưu trưởng Sơn Tôn, Đại úy Mộ Tân, Trung úy Bảo Ly, và ba vị chỉ huy của quân đội bản xứ. Dĩ nhiên viên bác sĩ cũng có mặt tại đây, cùng với vài ba viên chức nhà lao. Những người này đều là những tay chơi lão luyện, đánh bài rất hay và ít liều lĩnh. Do đó tối nào họ chơi với nhau cũng rất vui vẻ.
 
Dần dà tôi nhận thấy được một điều là giới dân sự chỉ muốn đánh ăn các tay quân nhân. Kể ra các viên chức của nhà lao mới biết đánh bài từ khi được phái tới An Đại Mã, nhưng họ thuộc lòng hết các lối đánh của các quân nhân. Mấy vị chỉ huy quân đội chỉ cố đánh bài để giết thì giờ nên họ đánh bừa chẳng kể ăn thua. Mỗi đêm ra về mỗi viên sĩ quan lại mất bớt một ít tiền, và hễ càng mất thì họ lại đánh càng hăng. Trong số người đó thì Tham mưu trưởng Sơn Tôn là người bị thua đậm nhất. Mới đầu ông ta đánh bằng tiền mặt, dần dần chịu nợ, rồi đến phải viết giấy thiếu. Lâu lâu ông cũng được một đôi ván, nhưng chỉ để ông khỏi nản lòng thôi. Rồi liền sau đó, ông lại gặp đen, thua to hơn trước. Vì thế cả ngày ông đi thơ thẩn, bực dọc, âu sầu và sinh uống rượu li bì.
 
Một đêm, ông ta thua to hơn là thường lệ. Khi Đại Úy Mộ Tân và ông đi qua thì tôi đang ngồi trong chiếc chòi tranh. Hai người là bạn chí thân, lúc nào cũng ở bên nhau. Tôi nghe viên Tham Mưu Trưởng Sơn Tôn than thở về khoản nợ nần của mình:
 
- Này Mộ Tân ơi, thế là hết đường. Tôi đến bỏ chức mà đi, kể thực điêu đứng.
 
Mộ Tân vỗ vai ông Tham Mưu Trưởng, rồi bảo:
 
- Đừng có nói nhảm, bạn ơi. Tôi cũng thua to đấy chứ, nhưng mà…
 
Tôi chỉ được nghe có thế, đâm ra nghĩ ngợi. Hai ngày sau đó, nhân dịp gặp Tham Mưu Trưởng thơ thẩn một mình ở trên bãi bể, tôi bèn tiến lại, đánh bạo gợi chuyện:
 
- Thưa ngài, tôi có việc này muốn được hỏi ngài…
 
- Được, chuyện gì?
 
Ông vừa hỏi tôi vừa nhắc chiếc ống điếu ra khóe miệng. Tôi nói:
 
- Tôi muốn hỏi ngài, nếu khám phá ra được kho của thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Thực tình, tôi có biết nơi giấu một kho tàng đáng giá nửa triệu bảng Anh. Nhưng vì giờ đây, tôi đã bị mất tự do, không thể sử dụng cho mình nên tôi nghĩ chỉ còn có cách tốt nhất là giao nó cho nhà nước. Không biết như vậy có giảm tội được chút nào không ạ?
 
Viên Tham Mưu Trưởng giương mắt nhìn tôi trừng trừng, xem tôi nói đùa hay thực, rồi ông lắp bắp hỏi tôi:
 
- Nửa triệu bảng Anh! Thật hả Xương Môn?
 
- Thưa ngài, ít nhất cũng là chừng ấy. Toàn là ngọc quý. Ai muốn lấy cũng được cả. Điều đặc biệt nhất là người chủ cũ của nó vốn là tử tù không còn can dự gì đến số của này nữa, nên bây giờ ai tìm được ra trước là sở hữu chủ.
 
Ông ta ấp úng:
 
- Xương Môn, hiến cho nhà nước! Hãy hiến cho nhà nước đi!
 
Ông nói một cách úp mở khiến tôi tin chắc là mình nắm được phần thắng. Tôi điềm tĩnh hỏi lại ông:
 
- Vậy theo ý ngài thì bây giờ cần khai báo rành mạch cho nhà nước biết?
 
- A, không nên hấp tấp, sợ có những chuyện không hay. Xương Môn, hãy kể lại chuyện đầu đuôi đi. Câu chuyện thế nào?
 
Tôi bèn kể lại câu chuyện, thêm bớt một số chi tiết cho ông khỏi nhận ra chỗ giấu của. Lúc tôi kể xong, ông đứng sững sờ, trầm ngâm suy nghĩ. Tôi tưởng nhìn thấy trên đôi môi co rúm kia một cuộc giằng co trong thâm tâm ông. Nhưng tôi tin rằng con người có thể rất đứng đắn kia đã bị cờ bạc làm cho phát triển lòng tham, thế nào rồi cũng sẽ bước vào con đường tội lỗi mà tôi gợi ra.
 
Sau cùng, ông bảo:
 
- Xương Môn, việc này thiệt là quan trọng. Nhớ đừng nói với ai hết. Ta sẽ trả lời anh sau.
 
Bốn mươi tám giờ sau đó, Đại Úy Mộ Tân với ông đi đến, tay xách đèn gương, tìm vào chòi tranh của tôi giữa đêm khuya. Ông bảo:
 
- Ta muốn đại úy nghe rõ câu chuyện từ miệng nhà ngươi kể lại.
 
Và tôi lập y lại như đã kể cho ông lúc trước. Ông hỏi đại úy:
 
- Đúng như thế đấy. Ta có nên thử một chuyến không hở?
 
Đại úy Mộ Tân gật đầu. Viên tham mưu trưởng bảo tôi:
 
- Nghe đây, Xương Môn. Chúng ta bàn kỹ về việc này rồi và ta thấy rằng cái bí mật này thực ra không có liên quan gì đến chính quyền hết. Việc này có lẽ chỉ có một mình ngươi biết và ngươi có quyền tự do sử dụng. Vấn đề bây giờ là ngươi muốn đòi những điều kiện nào? Hai ta có thể thừa nhận những điều kiện đó, hay ít ra cũng có thể thảo luận xem có cách nào thỏa thuận được không?
 
Ông cố nói bằng một giọng điềm nhiên, dõng dạc, nhưng không che giấu nổi được đôi mắt sáng lên một cách khao khát. Tôi cũng thong thả đáp lại, nhưng lòng nôn nao không kém:
 
- Thưa các ngài, một người ở hoàn cảnh tôi bây giờ chỉ ước có một điều thôi. Tôi muốn các ngài giúp đỡ cho tôi và ba người bạn của tôi được hưởng tự do. Chúng tôi sẽ tạ ơn cho hai ngài một phần năm của số ấy.
 
- Hừ! Một phần năm! Chúng ta đâu thèm bấy nhiêu.
 
- Thưa, nghĩa là mỗi ngài sẽ lấy ít nhất năm mươi ngàn bảng Anh.
 
- Nhưng làm thế nào trả tự do cho các người được? Anh cũng thừa hiểu, anh đòi hỏi một chuyện không thể nào mà thực hiện được.
 
Tôi đáp:
 
- Thưa ngài, thực không có gì gọi là khó khăn lắm đâu. Tôi đã suy tính kỹ lưỡng về việc này rồi. Điều trở ngại chính là không kiếm đâu ra được một chiếc tàu để vượt biển, và kiếm đủ số lương thực dự trữ cho một đôi tuần. Hiện giờ ở Can Quýt Ta có vô số tàu loại đó. Các ngài chỉ việc gọi đến đây một chiếc thôi. Đêm đến, chúng tôi khởi hành và sau đó các ngài chẳng phải làm gì khác ngoài việc bỏ chúng tôi lên một góc nào đó ở trên bờ biển Ấn Độ.
 
Ông ta lẩm bẩm:
 
- Nếu các ngươi chỉ một người…
 
- Phải là luôn cả bốn người, còn không thì đừng cho một ai hết. Chúng tôi đã cùng thề rồi. Bốn người chúng tôi luôn luôn chia sẻ với nhau trong mọi hoàn cảnh.
 
Ông nói:
 
- Mộ Tân, anh đã thấy chưa? Xương Môn giữ đúng lời hứa. Bao giờ nó cũng trung tín đối với bạn bè. Tôi tưởng chúng ta có thể tin cậy nó được.
 
Đại úy Mộ Tân đáp lại:
 
- Việc này thực là gay go! Nhưng nghe theo lời anh ta, chúng mình có thể nhờ cậy đồng tiền giải thoát hoàn cảnh của mình một cách thong thả.
 
Viên tham mưu trưởng lại bảo:
 
- Xương Môn, chúng ta sẽ cố gắng làm tròn yêu sách của ngươi. Nhưng trước hết ta muốn nắm chắc sự thực câu chuyện ngươi nói. Ngươi hãy cho ta biết kho của giấu nơi đâu. Ta sẽ xin phép đáp tàu của sở quân nhu và đến tại nơi xem thử.
 
Ông ta nôn nả bao nhiêu, tôi càng trầm tĩnh bấy nhiêu. Tôi phản đối ngay:
 
- Đâu gấp thế được? Tôi phải được sự đồng ý của ba người bạn tôi đã. Vì tôi đã nói với các ngài rằng: hoặc cả bốn người chúng tôi, hoặc không ai hết.
 
Ông ta la lớn:
 
- Lạ chưa! Ba tên da đen ấy có ăn thua gì đến sự thảo luận của chúng ta?
 
Tôi đáp:
 
- Da đen hay da xanh, họ cũng là người, họ cũng có danh dự, nhân phẩm của họ. Tôi tôn trọng họ, và họ luôn luôn ở bên cạnh tôi, tôi với họ chỉ là một.
 
Thế rồi, thương lượng xong xuôi, sau cuộc hội kiến có Mã Sinh, An Kha và An Bá tham dự. Chúng tôi lại thảo luận sôi nổi thêm một lần nữa và sau cùng mọi chi tiết đều được thỏa thuận rành rẽ. Chúng tôi sẽ giao cho mỗi vị sở quan này một tấm bản đồ ghi rõ bức tường đã giấu kho của. Viên tham mưu trưởng Sơn Tôn sẽ đến Ấn Độ để xét sự thực câu chuyện. Nếu tìm thấy được kho của, ông ta phải để lại nguyên chỗ cũ và đưa một chiếc tàu nhỏ chứa đầy lương thực đến thả neo ở cách đảo chúng tôi một quãng không xa. Chúng tôi sẽ ra tận đấy mà đi rồi viên tham mưu trưởng trở lại nơi đây làm việc như thường, và Đại úy Mộ Tân sẽ xin phép nghỉ một thời gian đến gặp chúng tôi ở thành An Hạ. Tại đây chúng tôi sẽ chia kho của theo đúng như lời cam kết. Đã thỏa thuận như vậy rồi, hai viên sĩ quan cùng với bọn tôi thề nguyền hết sức trịnh trọng. Sắp sẵn giấy mực, tôi thức suốt đêm hôm đó để vẽ hai bức bản đồ. Qua sáng hôm sau, bản đồ vẽ xong, chúng tôi đồng ký tên của “Tứ Hiệp”, nghĩa là tên của An Kha, An Bá, Mã Sinh và tôi.
 
Có lẽ các ông chán tai về câu chuyện kể dài dòng của tôi. Tôi biết là ông Đôn Lễ cũng đang nóng lòng nhốt tôi vào trong ngục tối, vì vậy tôi sẽ cố nói cho thực vắn tắt để khỏi làm mất thì giờ các ông nhiều hơn. Sau đó viên tham mưu trưởng Sơn Tôn đi đến Ấn Độ, nhưng lão không trở lại nữa. Ít hôm sau đó, Đại úy Mộ Tân chỉ cho tôi xem tên tuổi của lão trong bản danh sách những người hành khách đi Anh Cát Lợi, nói là ông chú của lão chết đi để lại cho lão một gia tài lớn nên lão giải ngũ. Lão đã xử sự với năm chúng tôi như thế nào đấy, các ông cũng đoán được rồi. Đại úy Mộ Tân liền đến Ấn Độ, và như chúng tôi đoán trước, không tìm thấy kho của nữa. Tên gian hùng kia đã ăn cắp mất kho tàng mà không thi hành đúng các điều kiện bí mật giao ước ở giữa chúng tôi. Khi đã biết rõ sự việc đó, tôi cảm thấy giận một cách ghê gớm tưởng như có thể bóp chết ngay tên Sơn Tôn nếu thấy nó trước mặt mình. Thật quả là đồ khốn nạn. Nó đã vì tấm lòng tham mù quáng mà quên hết lời thề nguyền, quên cả đến nỗi khổ đau của kẻ khác. Dù cho là tồi tệ đến bậc nào, con người ở đời cũng phải biết giữ chữ Tín, phải biết trọng lời cam kết, chứ đâu có thể xử sự như là những loài thú vật? Quả tên Sơn Tôn còn tệ hơn là con vật. Tôi quyết không để nó yên, và dù nó ở nơi đâu rồi cũng có ngày tôi tìm gặp nó. Nó đã phản bội, nó phải đền tội. Không thì con nó, cháu nó, phải rước sự trừng phạt đó. Kể từ ngày ấy, tôi chỉ còn sống để mà tính việc báo thù. Ngày đêm tôi chỉ nghĩ ngợi đến một việc đó. Báo thù trở thành một thứ ám ảnh xâu xé tâm hồn của tôi, nung nấu cả tâm can tôi. Tôi sẽ không còn quản ngại gì hết, tôi sẽ không sợ tội lỗi, không sợ tử hình. Làm sao có thể vượt ngục để mà tìm lại Sơn Tôn, ghì đôi bàn tay trên cổ họng lão, đó là ý nguyện của tôi. Kho vàng An Hạ, bây giờ so với cái mối tử thù của tôi đối với Sơn Tôn, thật không còn có nghĩa lý gì dưới mắt tôi nữa.
 
Các ông thấy đó, quãng đời của tôi sau này đã có hẵn một mục đích và bao nhiêu năm đằng đẵng, chờ đợi mỏi mòn ở trong tù ngục, cơ hội mới đến với tôi. Tôi đã nói rằng trong những năm tháng ở đây tôi có học được ít nhiều phương pháp săn sóc người bệnh. Vào một hôm nọ, có tốp tù nhân làm việc ngoài rừng tình cờ gặp phải một tên thổ dân đảo An Đại Mã ốm nặng đang tìm đến một nơi thật khuất vắng để mà chờ chết. Thói quen của nhiều người dân rừng rú vẫn là như vậy. Họ sợ cái chết của họ sẽ gây tai họa cho những người ở chung quanh, nên khi biết mình sắp trút hơi thở cuối cùng, nếu còn một chút tàn lực, họ phải tìm cách lê lết vào nơi khuất vắng để mà chờ đợi tử thần. Chúng tôi vẫn có thành kiến đối với thổ dân tại đây, coi họ nguy hiểm hơn là rắn độc vì họ đối với lớp người da trắng chúng tôi thường tỏ ra rất tàn bạo. Nhưng trường hợp này, tôi thấy nơi con người rừng bệnh hoạn một cái cơ hội giúp tôi có thể trốn thoát sau này nên tôi tìm cách đưa người ấy về, tận tụy chữa bệnh cho gã. Sau hai tháng trời săn sóc, gã thổ dân đó đã đi lại được. Bây giờ gã quyến luyến tôi nên gã miễn cưỡng mà trở về rừng và cứ không ngớt lảng vảng quanh ngôi nhà tôi. Tôi bèn tìm cách học tập đôi chút thổ ngữ của gã và chính nhờ thế chúng tôi càng ngày lại càng thân thiết nhau hơn, coi nhau như anh em. Một hôm, tôi bảo gã rằng:
 
- Này Tông Giả ơi, ta buồn lắm đó.
 
Gã ngơ ngác hỏi:
 
- Buồn cái chuyện gì?
 
Tôi đáp:
 
- Ta muốn thoát khỏi nơi đây, để tìm về lại quê nhà. Ở quê nhà ta vui lắm, còn ở đây thì buồn quá.
 
Gã tỏ ra vẻ suy nghĩ rồi gã nhìn tôi một cách trìu mến, và nói:
 
- Để Tông Giả đưa anh đi. Anh đừng có buồn.
 
Tôi bảo:
 
- Nhưng mà khó khăn nhiều lắm, lại xa xôi quá, làm sao mà thoát đi được?
 
Gã cương quyết đáp:
 
- Đừng lo. Dù đi đến đâu, Tông Giả cũng đưa anh đến được mà.
 
Tôi cầm tay gã, ân cần:
 
- Tốt lắm. Tông Giả tốt lắm.
 
Gã đáp:
 
- Anh đã cứu cho Tông Giả khỏi chết, Tông Giả nhớ ơn anh nhiều. Bây giờ phải chết cho anh, Tông Giả cũng bằng lòng mà.
 
Thực là cảm động cho cái con người rừng rú mà nhiều người tưởng là hạng dã man. Tôi biết Tông Giả đã nói, là làm. Gã chỉ hung dữ với những kẻ nào gã coi là hạng thù địch, nhưng rất dễ bảo, trung thành đối với những người mà gã chịu ơn.
 
Gã có một chiếc ghe nhỏ, gã lại chèo thuyền rất giỏi. Tôi bèn lập mưu với gã, đợi một đêm rất tối trời, gã đem chiếc ghe đến một cái bến vắng vẻ, chở theo nhiều túi nước ngọt, lương khô, chờ tôi ở đấy.
 
Tông Giả thực là con người trung tín. Kể khó lòng tìm cho được người bạn thực lòng như hắn. Chấp thuận lời tôi, hắn đã đem ghe đến nơi đã định, và làm đúng theo như lời tôi đã dặn dò. Rủi thay có một tên lính canh gác ở tại nơi này. Đó là thằng cha Bắc Thủ, một lính gác ngục trên đảo, thuộc loại ác ôn, chỉ thích đánh đập tra tấn tù nhân. Phần tôi, không hiểu có ác cảm thế nào mà hắn luôn luôn tìm cách theo dõi để mà hại tôi. Nếu tôi giết được thằng này là trả được mối thù cho riêng tôi và cho bao nhiêu bạn tù khác nữa đã sống chuỗi ngày đọa đày dưới sự tàn ngược của bọn cai ngục dã man. Tôi vẫn hằng nuôi trong óc ý tưởng giết chết tên Bắc Thủ này nhưng chưa có dịp. Giờ đây, cơ hội đã đến. dường như định mệnh đã cấp tốc đem hắn đến đặt trước đường đi của tôi để cho tôi được có dịp thanh toán món nợ trước khi rời xa hòn đảo này. Hắn đang đứng trên bãi cát, quay lại phía tôi, với một khẩu súng trên vai. Tôi bò lê tới, sờ soạng ở trong bóng tối tìm một cục đá để ném vỡ sọ của nó nhưng tìm không được.
 
Một ý tưởng kỳ quái hiện qua óc. Tôi bèn nhẹ nhàng ngồi xuống tháo chiếc chân gỗ. Rồi nhảy ba bước thật dài, tôi sấn đến ngay bên gã. Hắn tì súng vội lên vai, nhưng tôi lanh tay giáng một đòn thật mạnh xuống đầu hắn. Các ông nhìn xem, cây nạng của tôi còn dấu nứt toác đây này. Hai đứa chúng tôi ngã chồng lên nhau vì tôi không sao giữ được thăng bằng. Sau đó tôi ngồi dậy được còn hắn thì nằm sống sượt luôn đấy. Tôi đi về phía chiếc ghe chờ sẵn, và một giờ sau, chúng tôi lênh đênh ở giữa biển khơi. Trên chiếc ghe nhỏ, Tông Giả mang theo tất cả tài sản trên rừng của hắn, một số khí giới và các tượng thần. Tôi lựa trong số đồ đạc của gã lấy cây giáo dài bằng tre và một tấm chiếu đan bằng xơ dừa để làm cột buồm. Mười ngày ròng rã, chúng tôi trôi nổi giữa lòng biển khơi trông đợi một sự tình cờ may mắn đến giải thoát mình.
 
Qua ngày mười một thì có một chiếc tàu hàng thu nạp chúng tôi.
 
Nếu kể cho hết tất cả những chuyện phiêu lưu của tôi với Tông Giả trên tàu ấy thì chắc các ngài phải nghe cho đến ngày mai cũng chưa hết chuyện. Chúng tôi đã ghé mỗi nơi một tí và gần như đi khắp cả hoàn cầu. Luôn luôn có chuyện cản trở xảy ra và chiếc tàu kia không thể ghé bến Luân Đôn. Suốt thời gian đó tôi vẫn không bao giờ quên mục đích của mình. Gần như đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy gã Sơn Tôn. Sau cùng, chúng tôi đặt chân lên được Anh Quốc, sau khi phiêu lưu khắp nơi ba bốn năm trời. Tôi đã tìm ra nhà lão Sơn Tôn không khó khăn lắm và tôi ra công thăm dò xem lão bán mất kho của hay còn giữ lại. Tôi bắt liên lạc được với một người có thể giúp tôi, nhưng tôi không nói tên của người ấy ra đây vì tôi không muốn làm liên lụy đến kẻ khác. Tôi biết rằng Sơn Tôn vẫn còn giữ số của báu. Tôi tìm mọi cách để được gặp lão nhưng lão tinh khôn và thận trọng lắm, bao giờ trước nhà cũng có hai tay võ sĩ canh cửa, lại thêm hai người con trai của lão và tên cận vệ bên mình. Bỗng một ngày kia, tôi được tin lão hấp hối. Tôi tức điên lên vì thấy lão sắp thoát khỏi nanh vuốt của mình. Tôi tìm cách lọt vào trong vườn của lão, nhìn qua cửa sổ tôi thấy lão đang nằm liệt trên giường, hai người con trai đứng ở hai bên. Tôi toan xông vào, chất vấn cả ba, nhưng tôi nhìn thấy hàm dưới của lão đã sệ xuống rồi, lão vừa mới chết. Đêm đó tôi lọt vào trong phòng lão, lục lọi tất cả giấy tờ, hy vọng tìm thấy đôi điều liên quan đến kho của nọ. Nhưng không có một chút nào là dấu tích cả. Các ngài nghĩ xem, tôi quay trở ra uất hận thế nào.
 
Suốt thời gian này, để kiếm miếng ăn, tôi phải dẫn gã Tông Giả đến các phiên chợ và đến những nơi đông đúc biểu diễn cho mọi người xem một thổ dân ăn thịt người. Tội nghiệp cho gã Tông Giả, hắn đã vui vẻ đóng vai rừng rú dã man như thế để mà nuôi sống chúng tôi. Muốn cho người ta tin thực, hắn phải nhịn nhục, ăn thịt bò sống cả ngày và phải nhảy nhót đủ kiểu. Nhưng gã không hề buồn phiền, không hề chán nản, miễn làm được gì giúp ích cho tôi là gã cảm thấy vui lòng. Nhờ thế, ngày nào chúng tôi cũng thu được món tiền đầy. Và tôi thường xuyên vẫn nhận được tin tức ở gia đình Sơn Tôn. Suốt mấy năm liền, không có gì lạ: hai người con trai Sơn Tôn vẫn mải miết tìm hòm của. Cuối cùng cái ngày mong đợi từ lâu đã đến. Hòm của tìm được trong một vựa giả, ở ngay phía trên căn phòng thí nghiệm của ông Mân Tôn. Tôi vội tìm đến, thăm dò địa thế. Nhưng với một chiếc chân gỗ, tôi không làm sao leo lên tầng cao ấy được. Khung cửa trên mái giúp tôi giải quyết nỗi khó khăn này. Tôi thấy việc này nếu có Tông Giả giúp sức thì sẽ hết sức dễ dàng. Tính đúng giờ ông Mân Tôn ăn cơm, tôi bèn dẫn Tông Giả đến, quấn một sợi dây dài quanh người nó. Hắn leo thoăn thoắt như mèo lên mái nhà ngay. Rủi ro làm sao, ông Mân Tôn đang còn ở trong phòng, nên đã bị hắn giết chết. Giết xong, Tông Giả tưởng đã làm một kỳ công nên khi tôi bước vào phòng, thấy hắn đang nghênh ngang đi lại một cách tự đắc. Thấy tôi hùng hổ vác sợi dây đánh đuổi mắng chửi hắn, hắn ngạc nhiên lắm. Tôi đoạt lấy hòm của, mang ngay xuống đất và theo lối cũ trở ra, sau khi đã lưu lại trong phòng dấu hiệu của Tứ Hiệp để chứng tỏ rằng số của báu đã trở về chủ nó.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI 
 
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>