Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

CHƯƠNG II_MÙA SƯƠNG MÙ


CHƯƠNG II


Tôi đã không giữ được lời hứa với mẹ. Tôi lén lấy cái sắc tay của bà Hồng và ngay chiều hôm ấy, tôi lấy xe đi tìm nhà bà ta theo địa chỉ trên tấm danh thiếp.

Đó là căn biệt thự nằm trong một khu đất khá rộng, phía trước có một vườn hoa nho nhỏ. Hai cánh cổng sắt với những hàng chấn song nhọn hoắt khép chặt, khóa bởi một sợi xích khá lớn và ổ khóa bóng loáng.

Tôi với tay nhấn chuông rồi đứng đợi. Một người đàn bà mà tôi đoán là người giúp việc ra trước cổng. Bà ta hỏi tôi :

- Cậu hỏi ai ?

Tôi đáp :

- Tôi muốn gặp bà Hồng...

Nét ngạc nhiên trên đôi mắt người đàn bà khiến tôi nhận ra sự sơ hở của mình. Tôi nói :

- Thưa bà, tôi muốn gặp bà Danh. Bà Võ Hữu Danh.

Bà kia nhìn tôi đầy vẻ xoi mói :

- Cậu muốn gặp bà chủ tôi ? Có chuyện gì vậy ? Cần không ?

Tôi bất mãn với những câu hỏi dồn dập đầy vẻ nghi ngờ. Tôi gằn giọng :

- Bà cứ cho tôi gặp bà chủ của bà rồi khắc rõ.

Bà kia trừng mắt với tôi, giọng hách dịch trả miếng :

- Bà chủ đang ngủ ! Cậu không cho tôi biết rõ lý do gặp bà chủ tôi thì xin lỗi cậu, lúc khác cậu trở lại cho.

Tôi giận lắm nhưng kịp dằn được. Tôi ra xe lấy cái sắc tay của bà Hồng giơ ra trước mặt người đàn bà giúp việc kia và hỏi :

- Chắc bà biết vật này chứ ?

Mắt bà ta bỗng sáng lên. Bà ta lúng túng nói:

- Chết! Cậu tìm được cái sắc của bà chủ tôi đó hở ? Sao không chịu nói ngay... Cậu đứng đợi một chút nhé!

Rồi bà ta chạy vội vào trong nhà gọi chủ rối rít:

- Bà chủ ơi ! May quá ! Có người nhặt được cái sắc tay rồi...

Tôi quay ra ngoài đường, lơ đãng nhìn xe cộ qua lại. Tôi tưởng còn phải đợi khá lâu vì bà giúp việc có nói bà Hồng còn ngủ. Tôi bỗng bĩu môi, khinh thường những người nhà giàu quá lẽ. Giờ này mà họ còn ngủ được!

Chợt một giọng nói thật êm, ngọt ngào vang lên bên tai tôi :

- Chào cậu ! Mời cậu vào nhà chơi !

Cổng đã mở, bà Hồng ra tự lúc nào. Tôi không thấy một dấu vết nào chứng tỏ rằng bà ta vừa ngủ dậy cả. Có lẽ lúc nãy bà giúp việc bực mình với tôi nên nói bịa. Tôi bỗng chớp mắt nhìn bà Hồng. Đôi mắt bà ta nhìn tôi khiến tôi thấy lúng túng. Nỗi căm thù người đã khiến mẹ con tôi phải xa nhau một thời gian ngày xưa tự nhiên biến đâu mất. Tôi nhớ lại ý nghĩ lúc sáng này. Đôi mắt của bà Hồng đầy nét quen thuộc.

Tôi ấp úng :

- Chào bà...

Bà Hồng vui vẻ nói :

- Cậu đem xe vào trong này để bà Tư khóa cổng lại nhé. Ấy ! Xe cộ thời buổi này thì phải giữ gìn cẩn thận thế mới yên lòng được. Sơ sẩy một chút là mất ngay...

Tôi theo lời bà Hồng đem xe vào trong sân. Bà Tư Bà Hồng vừa gọi bà giúp việc như vậy kéo cổng lại, khóa lách cách. Bà Hồng đứng đợi tôi dựng xe đâu đấy rồi mới mời tôi cùng vào nhà.

Căn phòng khách của nhà bà Hồng thật sang trọng, trang trí hoàn toàn theo lối tân thời. Bà mời tôi ngồi trên chiếc ghế nệm dài và bà ngồi trên một chiếc ghế khác đối diện. Bà nói với bà Tư :

- Bà pha cho tôi hai ly nước cam tươi nhé !

Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng. Đồ đạc đều mới tinh và thật sang trọng. Có lẽ bà Hồng mới dọn về ? Trên bức tường đối diện với tôi có ba bức hình lớn treo thành một hình tam giác, đó là hình một người đàn ông, hình bà Hồng và hình một đứa bé trai chừng mười hai, mười ba.

Bà Hồng giới thiệu :

- Đó là hình của ông nhà tôi, của tôi và của em Thiện, con trai chúng tôi.

Tôi hỏi một câu xã giao :

- Thưa bà, ông nhà mất đã lâu chưa ạ ?

Bà Hồng có vẻ buồn :

- Nhà tôi mới mất vì tai nạn xe cộ cách nay hơn một năm. Tôi buồn quá mới rời Sàigòn về đây mong quên lãng phần nào...

Tôi đi thẳng vào vấn đề :

- Thưa bà, sáng nay cháu tình cờ thấy cái sắc tay của bà ở nhà hàng Hoàng Mạnh, cháu mạn phép giữ đến trưa đợi mẹ cháu về để hỏi ý kiến. Mẹ cháu dạy cháu đem đến trả lại cho bà...

Bà Hồng xoa hai tay vào nhau, nói :

- Thật phúc đức cho tôi... Tôi không biết nói gì để cảm ơn mẹ con cậu... Cậu trông thấy, giữ hộ rồi lại đem đến tận nhà trả cho tôi quả là quý hóa...

- Thưa bà, bà quá lời...

Tôi vói tay lấy cái sắc, mở ra và đặt từng món lên bàn :

- Thưa bà, cháu thấy có ngần này thứ trong cái ắc : Mười lăm ngàn, xâu chìa khóa, lọ nước hoa, tấm căn cước và tấm danh thiếp... Thưa bà... Có thiếu món gì không ạ ?

Bà Hồng chớp mắt, giọng cảm động :

- Không thiếu gì cả... Cậu thật là một người tốt bụng...

Bà Tư đem nước cam tươi ra. Bà Hồng nâng một ly trao tận tay tôi mời uống :

- Cậu đi đường chắc mệt ? Cậu dùng tạm ly nước này nhé !

Giọng của bà Hồng ngọt lịm như ngụm nước cam tôi vừa nhấp. Bà Hồng ngồi im lặng nhìn tôi uống nước. Mãi đến khi tôi đặt ly nước xuống, bà mới kể :

- Cậu biết không, tôi tưởng đã bị mất cho nên có đi cớ bót rồi đó... Tiền bạc thì chẳng nói, sợ là sợ giấy tờ, gì chứ phải làm lại thì thật phiền phức.

- Thưa bà, mẹ cháu cũng nghĩ như bà nên đã bắt cháu phải đem trả ngay cho bà.

- Cậu cho tôi gởi lời cảm ơn bà nhà nhé! Thời buổi này thật hiếm có người tốt bụng như bà nhà...

- Cháu sẽ chuyển lời đến mẹ cháu.

Bà Hồng lân la hỏi chuyện tôi :

- Cậu còn đi học chứ ?

- Thưa bà, cháu học đệ tứ.

- Cậu bao nhiêu tuổi rồi nhỉ ?

- Thưa bà cháu mười lăm.

- Hơn thằng Thiện nhà tôi hai tuổi. Năm nay nó học đệ lục.

- … Trường công hay trường tư ạ ?

- Công.

Tôi kêu lên :

- Vậy ra em Thiện học cùng trường với cháu.

- Thế à? Em nó lúc trước học ở Pétrus Ký trên Sàigòn đó cậu, mới đổi xuống đây nên mong có bạn lắm. Gặp cậu chắc nó mừng lắm.

- Thưa bà, em Thiện đi đâu rồi ạ ?

- Em nó đi tắm biển với mấy người bạn mới. Có lẽ cũng sắp về rồi. Hay là thế này nhé : Cậu ở lại dùng cơm với mẹ con tôi tối nay, luôn tiện để hai anh em làm quen với nhau...

Tôi thấy việc gặp Thiện không cần lắm. Ở lại dùng cơm là một việc càng đáng tránh hơn. Mục đích của tôi chỉ muốn gặp bà Hồng để giáp mặt với con người đã từng bắt cóc tôi xem sao chứ không phải để làm thân với bà. Tôi đứng đậy :

- Thưa bà, cháu phải về vì đã đến giờ cơm, xin phép bà.

Bà Hồng mời mọc :

- Cậu không ở lại đợi em Thiện à ?

- Thưa bà, xin bà thứ lỗi cho. Cháu xin hẹn dịp khác, vả lại thế nào cháu với em Thiện lại không có lúc gặp nhau trong trường.

Bà Hồng đành đứng dậy tiễn khách :

- Vậy thì thôi... Cậu về... à nhưng mà... Cậu vui lòng nhận giúp tôi chút quà này đã nhé !

Vừa nói, bà vừa lấy cả xấp giấy năm trăm ra, ấn vào tay tôi. Tôi lắc đầu từ chối.

- Thưa bà, cháu không dám...

Bà Hồng nhất định ấn tiền vào tay, tôi miễn cưỡng đón lấy, nhưng ngay sau đó, tôi đặt tất cả xuống mặt bàn. Bà Hồng cầm lên, ép tôi phải nhận :

- Cậu nhận cho tôi vui mà...

Tôi bỗng nổi nóng :

- Thưa bà, không phải cháu đem trả cái sắc lại cho bà để mong được bà cho tiền. Nếu muốn, cháu đã giữ luôn cái sắc...

Bà Hồng hơi cau mày. Tôi chợt thấy áy náy. Tôi nhỏ giọng :

- Thưa bà, xin bà thứ lỗi cho cháu... cháu hơi nóng nên đã hỗn với bà...

Bà Hồng đặt một bàn tay lên vai tôi, nói :

- Không, cậu không có lỗi gì hết. Cậu ngoan lắm…

Tôi tưởng chừng tiếng mẹ tôi nói bên tai. Tôi chợt nghĩ đến chuyện ngày xưa. Bà Hồng đáng mến trước mặt tôi kia mà ngày xưa có thể là người đã chia rẽ mẹ con tôi sao ?

Bà Hồng nói :

- Thôi, cậu về đi kẻo trễ giờ cơm, bà nhà mong.

Tôi chào :

- Xin phép bà cháu về.

Bà Hồng gọi bà Tư ra mở cổng. Bà tiễn tôi đến tận đường phố. Tôi chào bà lần chót rồi lên xe, đạp máy. Bà Hồng bỗng hỏi :

- À này cậu! Tôi vô ý quá, nãy giờ quên khuấy cả việc hỏi tên cậu. Cậu tên gì nhỉ ?

Tôi đáp :

- Thưa bà, cháu tên Hòa.

Rồi rồ mạnh tay ga, đồng thời, liếc về phía bà Hồng. Chừng như bà ta đang có gì xúc động thì phải, bà ta lẩm nhẩm tên tôi :

- Hòa... Hòa...

Tôi chẳng thiết tò mò, cho xe chạy thẳng. Gió ngược chiều hất tung mái tóc bồng của tôi. Trong trí tôi lúc này có đến hai hình ảnh bà Hồng : một bà Hồng quý phái đáng mến và một bà Hồng thuở xưa kia thật đáng ghét!

*

Tôi cúi đầu lặng nghe những lời trách móc của mẹ tôi. Mẹ tôi hỏi : "Tại sao con cãi lời mẹ ?" Tôi không trả lời được. Bỗng dưng trong tôi đầy những ý tưởng mâu thuẫn. Sự bướng bỉnh, gan góc ngày trước, cộng thêm lòng căm tức trước hành động của bà Hồng ngày xưa khiến tôi có ý định phải làm một việc gì đó quấy phá bà ta, đồng thời cho bà ta biết thế nào là nỗi khổ của một người mẹ xa con. Nhưng, tâm hồn bình lặng và những ngày hạnh phúc mấy tháng qua lại muốn tôi nghe lời mẹ, tránh tiếp xúc với bà Hồng.

Mẹ tôi lại hỏi :

- Có phải con định trả thù bà Hồng không ?

Tôi im lặng. Mẹ tôi :

- Con dám bắt cóc con bà ta không ? Con dám đứng trước mặt bà ta mà kể chuyện ngày xưa rồi quy tội không?

Tôi vẫn im lặng. Mẹ tôi im lặng theo. Một lúc khá lâu, tôi mới nói được :

- Con chưa dự định gì cả... Nhưng con... con nghĩ là con phải làm cho ra lẽ chuyện bà ấy bắt con phải xa mẹ... Con ức quá mẹ à...

Mẹ tôi, với một giọng đầy thương yêu, phân bày hơn thiệt cho tôi rõ :

- Mẹ biết con oán hờn bà Hồng lắm. Con biết nghĩ vậy, mẹ thấy sung sướng lắm rồi. Mẹ biết, con thương mẹ lắm. Nhưng con phải biết rằng mỗi hành động đều kèm theo một hậu quả. Và hậu quả của việc con làm, con có biết thế nào không ? Con còn nhớ chứ ! Mẹ đã trốn đi với một số tiền lớn của bà Hồng. Nếu muốn, bà ta có thể làm lôi thôi cho mẹ... Bấy giờ…

Tôi bừng tỉnh. Tôi níu lấy tay mẹ :

- Con hiểu rồi... Con xin lỗi mẹ đã quá nông nổi...

Mẹ tôi mừng rỡ :

- Con biết nói vậy là đủ cho mẹ mừng rồi, mẹ không bắt lỗi con đâu.

Tôi nhìn mẹ tôi. Tôi đọc được sự sung sướng trong ánh mắt, trên gương mặt, nơi bờ môi hé nụ của mẹ. Tôi nói :

- Con xin hứa chắc với mẹ là từ nay về sau, sẽ không bao giờ gặp lại bà Hồng nữa...

Mẹ tôi ôm tôi trong tay. Tôi đứng tựa sát người mẹ nghe hơi ấm giang trải chở che. Tôi thấy tình thương yêu tràn ngập...

*

Tôi có việc phải đến nhà người bạn cùng đường với nhà bà Hồng. Tôi ngại gặp bà ta nên việc vừa xong thì tôi lấy xe về ngay. Nhưng thật khổ tâm cho tôi, vừa đạp xe, tôi nhác thấy bà ta từ phía đối diện đang rảo bước.

Bà Hồng lên tiếng :

- Chào cậu Hòa ! Cậu vẫn mạnh chứ ?

Tôi buộc lòng phải đáp lại :

- Cảm ơn bà, cháu vẫn bình thường. Bà mới đi phố về ?

- À ! Tôi đến nhà một bà bạn. Cậu ghé lại nhà tôi chơi nhé ! Có em Thiện ở nhà đấy !

Tôi nhớ đến lời hứa với mẹ tôi. Tôi nói :

- Xin bà thứ lỗi cho cháu... Cháu xin phép mẹ cháu đi có một chút nên không dám về trễ...

- Cậu ngoan lắm, giữ lời về nhà đúng giờ là tốt...

Tôi ngắt lời bà Hồng :

- Xin phép bà cháu về...

- … Nhưng cậu cho tôi hỏi thăm một điều này đã chứ !

Tôi thoáng lo ngại bà Hồng đã nhận được nét gì quen thuộc nơi tôi, dò hỏi để biết tông tích mẹ tôi.

- Cậu bỏ lỗi cho tôi nhé ! Tôi hỏi câu này có hơi tò mò một chút. Ông nhà còn chứ cậu ?

Tôi tần ngần chưa dám trả lời ngay. Bà Hồng vội nói :

- Tại tôi thấy trong lúc nói chuyện cậu chỉ nhắc đến mẹ mà không hề nhắc đến ba nên mới tò mò muốn biết vậy đó mà...

Hơi yên lòng, tôi đáp :

- Thưa bà, ba cháu đã mất từ ngày cháu còn trong bụng mẹ...

- Tôi quả có lỗi quá ! Nhắc lại chuyện này hẳn làm cậu buồn. Cậu đừng phiền tôi nhé !

- Thưa bà, cháu không dám...

- Thôi, cậu về đi kẻo trễ. Cho tôi gởi lời thăm bà nhà.

Tôi đáp vâng rồi sửa soạn cho xe chạy. Bà Hồng bỗng nói :

- Hay là cậu cho tôi địa chỉ để lúc nào rảnh, tôi đến chơi.

Tôi nào dám cho bà Hồng biết nhà. Lời mẹ tôi còn văng vẳng : "Nếu bà Hồng nhận ra mẹ rồi lôi thôi...". Tôi đáp :

- Thưa bà, nhà cháu ở trong hẻm nên có cho địa chỉ chắc bà cũng khó tìm ra. Bà cho cháu hẹn dịp nào thuận tiện, cháu xin đưa bà đến tận nhà...

Bà Hồng không còn cách nào hỏi tôi thêm được nữa, đành để tôi về. Tôi rồ ga, chiếc honda vọt đi. Lòng tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Lần gặp này đã khiến tôi càng thấy ân hận hơn nữa. Tôi có lỗi với mẹ tôi quá. Phải chi tôi đừng đi trả cái sắc tay cho bà Hồng...

*

Tôi đi thơ thẩn trên bãi biển. Chiều thứ bảy, cũng như các bãi khác, bãi Dâu tương đối đông du khách. Dù đang ở mùa lạnh, du khách từ các vùng lân cận vẫn ra đây chơi. Buổi sáng còn sương thì họ đi ngắm cảnh. Trưa và chiều dành thì giờ tắm. Tôi để ý và tự hỏi có phải tắm biển là một cái thú mà có người lặn lội từ Sàigòn ra đây chỉ để dầm mình dưới biển ít tiếng đồng hồ rồi về ?

Chiều dần tàn, du khách cũng lũ lượt về. Các hàng quán, các nơi cho thuê ghế ở bãi Dâu cũng vừa dẹp xong. Trên bãi biển chỉ còn một đám trẻ đang đùa giỡn và tôi.

Tôi tìm một gộp đá ngồi chơi, dõi mắt ra biển. Cảnh vật thật vắng lặng khiến tâm hồn tôi lắng dịu hẳn.

Đã hơn một tuần lễ kể từ ngày tôi đến nhà bà Hồng, tôi cố tránh không để gặp bà ta nữa. Bà ta cũng không thấy đi ngang bãi Dâu và ghé quán sinh tố của con Lộc. Mẹ tôi có vững bụng đôi chút. Tôi cũng thấy mừng và tin rằng dĩ vãng có thể tránh bị khơi lại. Hàng đêm, tôi đều thầm cầu xin các đấng linh thiêng khuất mặt phù hộ mẹ con tôi, ban cho chúng tôi hạnh phúc trọn vẹn.

Bỗng nhiên, tôi giật mình vì tiếng kêu :

- Cứu tôi với ! Cứu tôi với !

Tôi hướng về phía có tiếng kêu. Đám trẻ chơi đùa trên bãi biển đang xúm nhau lại một chỗ. Một đứa gọi tôi :

- Anh ơi ! Cứu giùm bạn em đi anh ! Nó bị rắn cắn !

Tôi chạy vội lại. Đám trẻ nhường chỗ cho tôi đến gần đứa trẻ bị nạn đang ôm chân quằn quại trên cát. Thằng bé ngước nhìn tôi, miệng rên rỉ. Tôi bỗng tròn mắt nhìn nó. Nó có gương mặt giống hệt gương mặt của thằng Thiện, con bà Hồng mà tôi đã thấy trên hình!

Những đứa bạn của thằng bé bị rắn cắn nhao nhao với tôi :

- Anh ! Nó bị con rắn lớn bằng ngón tay em cắn vào chân đó anh !

- Tụi em đuổi được con rắn đi rồi !

- Nó bị nặng lắm không anh ?

- Anh cứu giùm nó đi anh !

Tôi chần chừ nửa muốn nhận lời, nửa muốn từ chối. Nếu thằng bé đúng là thằng Thiện ?

Ngay lúc ấy, một đứa bạn của thằng bé bị nạn chạm vào chỗ đau của nó, nó kêu thét lên.

Tôi hết còn suy nghĩ gì nữa. Tôi nói nhanh :

- Mấy em phụ với anh đưa em này về nhà anh nhé ! Gần đây thôi, tiệm An Hòa đó ! Mấy em biết không ?

Đám trẻ xúm lại cùng tôi khiêng thằng bé bị nạn về nhà tôi. Con Lộc trông thấy, chạy vội vào gọi mẹ tôi. Mẹ tôi chạy ra tiếp tay đem thằng bé vào nhà, đặt nằm lên giường tử tế rồi, mẹ bảo tôi :

- Con đi gọi bác y tá qua ngay đi ! Để mẹ lo lấy nọc độc ra cho...

Tôi quay đi và khi trở về với bác y tá, thằng bé đã được mẹ tôi băng bó sơ. Bác y tá xem lại vết thương và sau đó, chích cho nó một mũi thuốc. Mẹ tôi trả tiền và tiễn bác ra về. Xong xuôi, mẹ quay ra hỏi đám trẻ bạn thằng bé :

- Mấy cháu biết nhà cháu này ở đâu không ?

Một đứa đáp :

- Nhà nó ở đường...

Mẹ tôi biến sắc trong lúc tôi cũng tái mặt khi nghe đứa bé nói địa chỉ của thằng bé bị nạn. Địa chỉ nhà bà Hồng ! Nghĩa là thằng bé đúng là thằng Thiện !

Mẹ tôi đưa mắt nhìn tôi lo ngại. Tôi thấy mình có lỗi với mẹ quá, lòng bồn chồn, lo sợ, nhưng không biết phải suy tính ra sao ?

Mẹ tôi hỏi đứa bạn thằng Thiện :

- Mấy cháu đến đây bằng gì vậy ?

- Dạ, xe đạp.

- Cháu này có đi xe đạp không ?

Mẹ tôi chỉ Thiện. Đứa bạn nó lắc đầu :

- Dạ không, tụi cháu đi hai đứa một xe. Nó đi chung xe với thằng Cường.

Vừa nói, nó vừa chỉ thằng Cường đứng gần đó. Tôi nói với Cường :

- Vậy bây giờ em chở em này về nhé ?

Cường lắc đầu :

- Em không dám đâu. Em sợ má nó la...

- Vậy em khác đi ?

Đám trẻ nhìn nhau rồi cùng lắc đầu. Một đứa nói :

- Tụi em sợ má nó la lắm... Anh giúp dùm tụi em nghe anh... Tụi em nhờ anh đưa nó về...

Rồi không đợi tôi nói gì, đám trẻ lục tục rút ra khỏi nhà tôi. Tôi nhìn mẹ tôi, mẹ tôi lắc đầu, giọng đầy chán nản :

- Thôi đành vậy, con chở nó về đi.

Tôi lẳng lặng ra lấy xe. Mẹ tôi đỡ Thiện lên ngồi sau xe và căn dặn tôi :

- Đưa nó về con nhớ trở lại ngay nghe.

Tôi hiểu ý mẹ, gật đầu rồi cho xe lăn bánh.

Nhà bà Hồng đã lên đèn. Bà Hồng đứng đợi con sẵn ngoài cổng. Thấy tôi chở Thiện về, bà chạy vội lại. Bà nhìn chân Thiện bị băng bó và kêu lên :

- Khổ thân con tôi, làm sao thế này ?

Tôi phụ bà đỡ Thiện xuống xe vừa nói vắn tắt cho bà biết :

- Em nó bị rắn cắn, mẹ cháu băng bó và đã gọi y tá lại chích rồi...

Bà Hồng bảo Thiện :

- Khổ chưa ? Sao để bị rắn cắn vậy con ?

Rồi bà quay vào nhà gọi lớn :

- Bà Tư đâu ! Mau lên ! Mau lên ! Ra phụ tôi đem cậu Thiện vào nhà này...

Bà Tư chạy vội ra cùng bà Hồng đỡ Thiện vào nhà. Bà Hồng bảo tôi :

- Cậu vào chơi với chúng tôi một chút nhé ! Cứ dắt xe vào trong sân mà dựng. Tôi đỡ em nó vào nhà rồi tôi ra ngay.

Tôi đáp vâng. Nhưng lúc bà Hồng khuất hẳn vào nhà, tôi lên xe phóng thẳng về. Tôi về như một người chạy trốn.

Vâng. Tôi trốn đó. Tôi trốn bà Hồng, một người của dĩ vãng mười lăm năm trước...


Sự việc xảy ra làm mẹ tôi lo âu không ít. Tôi cũng vậy, tâm trí như rối loạn hẳn. Mẹ tôi nói thế nào khi khỏi hẳn, Thiện cũng dẫn bà Hồng đến nhà tôi để cám ơn. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra sau đó khi bà nhận ra mẹ tôi ?

Tôi thấy hối hơn bao giờ hết. Tất cả chỉ do tôi. Nhiều lần, tôi bắt gặp mẹ tôi ngồi bưng mặt khóc. Tôi không dám lên tiếng, lẳng lặng bỏ đi chỗ khác. Nhưng rồi đứng một mình, tôi cũng không cầm được nước mắt, mặc cho bờ mi ướt lệ.

Tôi nghĩ đến hai chữ hạnh phúc. Có phải lúc nào hạnh phúc cũng mỏng manh ?

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>