Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Mùa Sao Năm Ấy


Ít khi Hoàn lọt được vào giới trẻ thích sinh hoạt như thế này. Để Hoàn nhớ lại xem. Bắt đầu từ lúc Vĩnh chạy sang nhà Hoàn để ủi nhờ cái áo sơ mi trắng. Vui miệng Hoàn hỏi thăm, và luôn tiện Vĩnh rủ Hoàn cùng tham gia 1 đêm lang thang và không ngủ. Mới đầu Hoàn hãy còn tiếc tiệc gà quay ăn với xôi nếp lắm, nhưng lòng ham vui và tò mò thúc đẩy Hoàn, sau khi đã dặn mẹ để phần.

Qua đất trại Hoàn không cảm thấy lẻ loi nữa. Hoàn gặp được nào Ngọc, Hòe, Hùng Anh, Dũng, cả Thụy nữa. Bạn học cũ hồi lớp 8, lớp 9 của Hoàn. Ngọc lôi Hoàn vào lều. Gớm, mấy chúng chàng này kỹ thuật Hướng Đạo cũng khá quá. Hoàn đụng mạnh vào gậy lều mà chắng thấy triệu chứng gì.

- Buche Noel đâu mà nhiều vậy?

- Suỵt, đừng la lớn, dành cho bọn khác 1 ngạc nhiên mà lỵ.

Ngọc ló đầu quan sát và quay vào:

- Bây giờ mình gói kỹ và giấu cho thiệt kín.

- Chậc, làm như kho tàng hay của báu…

- Ấy, đi cắm trại bọn nó ăn như ăn cướp, mình phải đề phòng mới được. Xem kìa, chén dĩa ngổn ngang, chưa rửa.

- Đúng, “dĩ thực vi tiên”, mấy bồ có gì ăn rề-quây-dông tối nay?

- Tối hẵng hay, bây giờ mình chuẩn bị để tối nay dự “Đố vui để học”. Mà khỏi cần, bởi vì ban quản trại bảo toàn nhưng câu đố thuộc loại kiến thức tổng quát mà thôi.

- Kìa, Hùng Anh, chào nhạc sĩ.

- Thôi, kê hoài, chào ca sĩ, qua lều đây chơi, hát bài gì đi.

- Cũng được, bài “Chuông trong đêm” nghe. Khoan, để lấy giọng hẳn.

Và tiếng đàn Mandoline của Hùng Anh dồn dập như 1 nỗi vui hồi sinh.

“… Chuông ngân ngân, chuông ngân ngân, ôi tiếng chuông trong tim mình.

Một đoàn tóc sương phai màu và một đoàn bé thơ yêu kiều…”

Chao ôi, nhiều bạn quá. Hoàn làm quen không xuể. Lật bật đã 7 giờ tối.. Những giấc ngủ vội vàng của các bạn trẻ đã dứt. Họ đóng cửa lều, sửa lại y phục. Toàn là áo trắng tinh khôi và, quần thì đủ màu. Có một chị đề nghị cài nơ trên áo để phân biệt. Giáo sư Trưởng trại cho rằng khỏi cần.

- Ai đi lạc ráng về đất trại 1 mình. Có 1 địa điểm tập họp thứ hai. Đoàn chúng ta sẽ dự thánh lễ nửa đêm trong trường Taberd.

Rồi từ sân vận động đoàn người kéo nhau đi, chảy vào những dòng người lũ lượt ăn diện khắp nẻo đường. Vĩnh luôn liên lạc với các toán để thống nhất bài hát. Những giọng khao khát hòa bình cất lên. Đoàn người đi miên man. Đổ về khu Tân Định, đợt sóng người, tản về phía công trường Duy Tân, đánh thức trường Luật ngái ngủ.

Đâu đây vang vang những bình ca. Lộ trình không nhất định, đoàn người nắm tay nhau len lỏi về khu Nhà Thờ Đức Bà. Người đâu mà nhiều vậy. Có lẽ mọi gia đình đều dắt díu nhau đi thưởng thức Giáng Sinh. Xe cộ loại to thì khỏi nói, tìm chỗ đậu cũng đủ mệt. Hình như đoàn rơi rớt mất 2 toán. Giáo sư Q. cho tập trung trước Bộ Ngoại Giao. Cả đoàn xây vòng, chơi trò chơi, hát cộng đồng. Một số người hiếu kỳ bu đến bao quanh. Họ cười vui theo trò chơi và hình phạt của bọn trẻ. Hoàn đã thực sự hòa đồng vào đám đông, không còn ngại ngùng và biết giỡn đùa như các bạn.

Có 1 nhóm Hướng Đạo khăn nâu nhập bọn để hát hò với bọn Hoàn. Họ có nhiều trò vui ghê. Anh chàng quản trò phe họ ăn nói thật có duyên. Họ mượn đàn Guitare bên bọn Hoàn để trổ tài, hay quá là hay. Nào du ca, rồi dân ca, bọn Hoàn chỉ biết được một số rất ít, có lẽ cần phải học thêm rất nhiều.

Trưởng nhóm Hướng Đạo có vẻ quen với Giáo sư Q. Họ chào từ giã để tiếp tục con “đường Việt Nam” như bọn Hoàn còn những phố ngay trung tâm thành phố mà bọn Hoàn chưa đến. Mọi người ngạc nhiên nhìn cái lũ hát gào. Bọn Hoàn có 1 số đông đáng kể, hát chẳng biết mệt và khản tiếng, tha hồ mua những bịch nước chanh dọc đường. Bọn Hoàn vội vã, cố lách, cố chen như sợ đi không kịp với thời gian nhanh. Đèn lấp lánh sáng rực khắp nơi, màu sắc lòe loẹt phản chiếu lên quần là áo lượt của người Sàigòn từng đám ồn ào, hay từng đôi ấm cúng. Bầu trời cũng nhấp nháy sao rơi. Nếu không có đồng hồ trên tay, bọn Hoàn cũng quên đi ngoại cảnh. Chuông lễ điểm lúc nào không hay. Quanh bùng binh, chê những con đường dẫn vào Chợ Lớn, bọn Hoàn xuôi theo vỉa hè Lê Lợi, Tự Do để về lại trường Taberd. Không ngờ trong trường cũng chật như nêm. Bọn Hoàn chỉ muốn tìm chỗ để ngồi hoặc nằm mà thôi.

Xong Thánh lễ, người vẫn chưa thưa. Họ vẫn mong giờ giới nghiêm được linh động hơn thường ngày. Bọn Hoàn mau kịp về nơi cắm trại. Mấy chị có phận sự đã về trước để lo hâm lại cà-ry gà. Mấy chị cắt bánh mì nóng mới mua tại lò ra.

Bọn Hoàn sì sụp chấm, vét… ăn bốc luôn cho tiện. Ngon ngon là, chắc mẹ ở nhà chờ Hoàn ghê lắm. Không sao, mẹ biết Hoàn sẽ ngủ đêm tại trại, và dưới lều.

Ngọc bí mật kéo Hoàn, Vĩnh chui vào lều giấu bánh.

- Đây, phần của “mụ” Hương này. Gói này “mụ” Lan tặng. Còn gói này quà của “cô em gái”.

- Ối bánh, hấp dẫn thế này, kiến không!

- Rồi, vậy là tụi kiến này hỗn láo quá.

Và bánh được cắt chia cho 3 toán kia thật công bằng vui vẻ.

Bọn Hoàn không xài đến giờ giấc nữa. À, có, đó là quyền của ban giám khảo cuộc thi “Đố vui để học”. Cuộc thi diễn ra hào hứng, mỗi câu đáp trúng được thưởng quà gói kín hay 20đ V.N. công khai.

Bọn Hoàn cố moi trí thông minh để trả lời những câu hỏi hóc búa, cố nhớ những danh nhân, vĩ nhân… để tranh nhau giơ tay…

Cuộc vui nào cũng tàn, cũng dứt. Trong thâm tâm Hoàn vẫn cảm thấy thiếu một cái gì trong sinh hoạt. Hay là bọn Hoàn chưa có lý tưởng để theo. Chỉ biết hội họp để vui đùa, ca hát, góp tiền ăn uống, chưa biết nghĩ xa hơn, hướng về tha nhân.

Mà thôi, đó là chuyện người lớn, còn bọn Hoàn biết làm gì với mớ tuổi ăn chưa no và lo chưa tới. Chỉ biết cố gắng học hành để khỏi phụ lòng cha mẹ và công ơn các vị dạy dỗ mình. Những giờ rỗi rảnh thay vì lang thang hay “nhàn cư vi bất thiện”, bọn Hoàn tụ lại sinh hoạt lành mạnh bên nhau.

Đêm chợt lành lạnh, mang cho Hoàn cái cảm tưởng mùa đông Âu Mỹ, chỉ thiếu có chất tuyết nữa là đủ. Hoàn ngủ không được, chắc tại chị Hồng cứ mãi “ca loto” phá giấc. Đêm bỗng thanh vắng, những mái lều leo lét ánh đèn bão, trông tựa hồ những túp lều của sắc dân Hy-bá-Lai từ 1 thuở tiền kiếp xa xăm nào. Nhưng cái đêm thiêng liêng ấy, Ngôi Hai không tìm được 1 hang đá tăm tối của lừa, bò, cừu… hân hoan đón nhận… mà thôi.

Giờ này đã khuya khoắt, gần sáng thì phải. Hoàn đưa mắt tìm ngôi sao lạ. Ô, kìa…

“Không! Sao Mai”.


PHAN KHƯƠNG THÁI  



(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>