Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

CHƯƠNG XVIII_MÁI NHÀ XƯA


ĐOẠN KẾT


Chỉ còn vài ngày nữa tôi sẽ từ giã ông bà Oai, từ giã Chương và Tý Việt để trở về Phong Điền với cô tôi. Trước ngày từ biệt tôi chợt thấy bâng khuâng luyến tiếc. Tôi thấy buồn khi phải xa gia đình đã đón nhận tôi một thời gian ngắn. Tôi yêu mến cô tôi vô cùng. Nhưng tôi cũng luyến thương ông bà Oai nữa.

Bà Oai đã bình phục trở lại, có thể đi đứng dễ dàng như trước. Tôi cứ theo sát bên bà không rời nửa bước. Tình cảm giữa tôi với bà nảy nở lúc nào tôi không hay. Có một hấp lực gì lôi cuốn tôi lại với bà.

Một chiều, ông Oai nét mặt nghiêm trọng bước vào phòng khách. Ông nói với tôi;

- Cháu Khánh, bà Tám sắp phải vào một nơi trú ngụ mới và ở lại đó luôn cho đến hết đời bà. Trước khi đi bà yêu cầu được nói chuyện với cháu.

Tôi ngạc nhiên, như tất cả mọi người có mặt trong phòng. Cô tôi phản đối:

- Không được! Có chuyện gì mà bà ấy phải nói riêng với cháu Khánh...

Tôi nhẹ nhàng bảo cô:

- Kìa cô, con không thể từ chối lời bà ấy yêu cầu được...

Bà Oai dàn xếp:

- Thôi được. Nhưng cháu Khánh không tiếp bà ấy một mình. Xin mời bà ấy vào đây trước mặt đông đủ cả mọi người.

Bà Tám được dẫn vào phòng, theo sau có một nữ trợ tá đi kèm.

Tôi cố gắng nở một nụ cười, tiến lên vài bước. Bà Tám như chỉ nhìn thấy có mình tôi:

- Tôi muốn gặp cô để gửi gấm con gái tôi. Nó cùng tuổi với cô, nó lại vô tội. Chỉ vì số phận nó hẩm hiu nên mới có một người cha bê tha hư hỏng và một người mẹ... như tôi. Tội nghiệp, rồi đây tương lai của nó sẽ ra sao?

Tôi lẩm bẩm:

- Còn có ông bà Oai đây săn sóc cho chị ấy...

Bà Tám lắc đầu, thở dài:

- Họ cũng như tôi, lớn tuổi cả rồi. Một ngày kia con Liễu sẽ không còn người bảo trợ nữa... Còn cô, nếu cô hứa cho một lời...

Tôi đoán biết sự ngạc nhiên quanh tôi. Tất cả đều sửng sốt nhìn bà Tám. Tôi thầm hỏi: Tại sao bà Tám không giao phó trách nhiệm ấy cho các con ông bà Oai mà lại trao cho tôi?

Nhìn ánh mắt sầu não của bà tôi không nỡ làm bà thất vọng. Tôi muốn an ủi bà. Chắc cô tôi sẽ không hẹp lượng đến đỗi cấm tôi được thỉnh thoảng lo cho Liễu. Tôi khẳng khái nói:

- Cháu xin hứa...

Chỉ nghe bấy nhiêu, bà Tám đã quay đi. Không thèm nhìn lại, bà nói:

- Cám ơn cháu Phương!

Mọi người, ngồi phía sau tôi, đứng bật cả dậy. Bà Tám điên mất rồi! Bà không nhận ra ai với ai nữa; nói với tôi mà bà nhầm với... người khác.

Tôi đuổi theo bà tới ngưỡng cửa:

- Khoan đã, bà nhầm rồi. Tôi có phải là Phương đâu!

Bà Tám quay lại:

- Vậy chớ cô là ai?

Tôi toan nói: "Tôi là Nguyễn Bảo Khánh"... Nhưng tôi bỗng chợt nhớ rằng cái tên quen gọi từ trước đến nay của tôi chưa phải là tên thật. Tôi ấp úng:

- Tôi... không biết tôi là ai nữa!

Bà Tám nhắc lại, giọng gay gắt:

- Cô là Phương Võ Lan Phương chớ còn ai vào đây nữa? Tôi chắc thằng Chương cũng biết thế nên nó mới tìm đưa cô về.

Bà thở hắt ra như trút mọi ẩn ức đè nặng trong lòng, tiếp:

- Cháu Phương, cháu đã về đây... thì cô phó thác em Liễu cho cháu; nó là em họ của cháu đó.

Bà Oai tiến đến, khẩn khoản:

- Bà Tám... cô Lan, tôi van cô... cô còn biết những gì... cô nói nốt đi.

- Còn nói gì nữa? Chị hãy nhìn mặt nó... rồi nhìn mặt chị coi.

Bà Oai quay lại phía tôi, và bỗng nhiên tôi nhận ra chúng tôi có cùng một gương mặt, một khóe mắt, một nụ cười. Có khác chăng là những nét phai mờ của năm tháng khổ đau và mái tóc đã điểm sương của bà Oai.

Tôi lao vào vòng tay bà thổn thức:

- Má!

*

Tiếp theo là cảnh mừng vui khôn tả.

Bà Tám đã được cô trợ tá dẫn đi.

Tý Việt cười toét, nhe hàm răng sún:

- Sướng quá há! Từ nay em có chị rồi. Nhưng còn...

Em ngưng lại ra vẻ suy nghĩ:

- Không hiểu cái vụ tráo đổi ấy ra sao hả?

- Vụ... tráo đổi nào?

- Thì lúc tàu bị đắm đó! Chúng tôi đã nói đến vụ đắm tầu Bạch Phượng trước mặt em nên em hiểu rõ câu chuyện Chắc là trong lúc nhốn nháo, bà vú Thành đáng lẽ bồng chị lại ẵm nhằm một bé khác. Còn ông thủy thủ thì nhặt được chị.

Chúng tôi nhìn nhau. Có thể như thế được chăng?

Má tôi run giọng nói:

- Đứa bé bà vú Thành ẵm nhầm là Chương, lúc ấy mặc cái áo sợi mầu đỏ. Hiện tôi còn giữ áo ấy.

Cô tôi kêu:

- Cái áo sợi mầu đỏ! Xin chị làm ơn lấy cho tôi coi mau!

Khi cầm cái áo, giọng cô tôi lạc hẳn đi:

- Trời, đúng rồi! Chính tay tôi đã đan cái áo này đây...

Và bà nhảy đến ôm lấy cổ Chương:

- Cháu! Cháu là thằng Cường! Thằng chó Cường của cô đây rồi!

Chương ngẩn ngơ nhắc lại:

- Cháu tên là Cường?

- Ừ, Nguyễn Phú Cường!

*

Thêm một điệp khúc vui mừng nữa. Chúng tôi cười, khóc, như điên. Tôi cắn ngón tay xem tôi tỉnh hay mơ, chỉ sợ thực tại này là ảo mộng, và hạnh phúc này rồi tan thành mây khói.

Nhưng không, tôi đang sống thực chứ không mơ.

Chuyện của tôi và của Chương đến đây là kết thúc.

Ba má của Chương nay là ba má của tôi, và cô tôi nay lại là cô của Chương. Mỗi đứa chúng tôi từ nay, mang một tên gọi mới, nhưng đó mới là tên thật của cha sinh mẹ đẻ đặt ra. Hai gia đình chúng tôi trở nên thân thiết vì ba má tôi không thể quên Chương được, và cô tôi dĩ nhiên cũng không thể quên đứa trẻ mà bà đã nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ.


BÍCH THỦY   

CHƯƠNG XVII_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XVII


Những điều Chương vừa cho tôi biết làm đầu óc tôi choáng váng. Cơn mệt và đói hành hạ thêm làm người tôi lạnh run.

Chương kéo tôi đứng lên:

- Chúng mình nên đi qua, đi lại, cho máu huyết lưu thông. Ngồi yên một chỗ, dễ bị khí lạnh nhiễm vào người.

Tôi lo lắng hỏi Chương:

- Liệu có ai biết mình ở đây, mà đến cứu không?

- Chắc có chứ!

- Nhưng mình bị đưa đi đột ngột quá. Ở nhà không ai biết mình đi đâu. Lúc tên Sáu đến giục mình lên xe, má anh đang ngủ còn bà Tám thì không có nhà...

- Hừ, bà Tám! Còn nói đến bà ấy làm gì!

Vâng, chúng tôi không dám nhắc đến bà Tám để phải ngờ rằng bà ấy là kẻ chủ mưu hãm hại mình. Nếu quả chúng tôi có một kẻ thù ghét, thì trong nhà ngoài bà ấy ra không còn nghi cho ai được. Việc chúng tôi ra đi rồi mất tích luôn chỉ có một mình chị An biết. Liệu chị An có kịp nói ra, hay là...

Những ý nghĩ quay cuồng trong đầu tôi.

Chương quả quyết:

- Cứ yên chí! Thế nào ba tôi cũng tìm được tới đây.

Lời nói của Chương làm tôi yên tâm phần nào. Thời gian trôi qua, kéo dài cơn ác mộng.

Cho đến bây giờ tôi không nhớ nổi tôi đã trải qua những giờ phút kinh hoàng ấy ra sao nữa. Nó như một giấc mơ, khi tỉnh giấc thấy mồ hôi toát ra, tim đập hồi hộp, trí óc hôn mê không còn nhớ việc gì đã xảy ra nữa.

Cơn đói dằn vặt chúng tôi dữ dội. Bao tử chúng tôi quặn đau. Chương bảo:

- Thắt chặt bụng lại sẽ thấy đỡ đói.

Có lẽ khi bao tử được bóp nhỏ lại, ta thấy đỡ đói thật. Nhưng khi đã quen với cái đói thì cơ thể bải hoải, và khí lạnh xâm chiếm dễ dàng, Chương lại ra lệnh:

- Phải vậy động cho đỡ lạnh!

Chúng tôi nắm tay nhau bước những bước chệnh choạng.

Ngọn nến cuối cùng đã cạn, cháy sèo sèo rồi tắt ngúm. Bóng tối phủ trùm trong hang. Trí não chúng tôi chập chờn những hình ảnh ma quái.

Suốt thời gian đó mặc dù Chương cũng chịu chung những âu lo khắc khoải như tôi, song anh đã cố gắng trấn tĩnh tôi rất nhiều.

Chương bảo tôi:

- Chúng ta ở đây đã ba ngày rồi.

Tôi không còn hơi sức để nói nhiều, chỉ thầm nghĩ: "Đã ba ngày qua mà không ai đến giải cứu mình cả! Mấy mỏ đá có xa tỉnh lỵ lắm đâu, sao không thấy ai tìm kiếm thế này?"

Như đoán biết được ý nghĩ của tôi, Chương giải thích:

- Cái hang này không được coi là một mỏ đá. Nó không thông ra một đường hầm nào ngoài lối đi thiên nhiên theo dòng suối chảy nên lâu ngày đã bị quên đi và chẳng ai để ý đến nữa.

Mọi cố gắng làm chúng tôi kiệt sức. Sau khi mò mẫm nhiều lần quanh hang, chúng tôi đã tìm một góc khô ráo xa dòng suối ngồi nghỉ.

Nhưng bây giờ sau ba ngày đói, mệt, tôi lại muốn có nước chảy bên tôi. Dòng nước chảy có cái gì sống động làm tôi thèm muốn.

Tôi thều thào bảo Chương:

- Chúng mình trở lại chỗ suối chảy đi.

- Để làm gì?

- Nó ra ngoài hang... chảy dưới ánh mặt trời...

Chương dìu tôi đứng lên. Chúng tôi tập tễnh lần đến bên dòng nước đang róc rách.

Tôi lả người, vọc tay xuống làn nước mát lạnh. Tôi rùng mình, lẩm bẩm:

- Lạnh quá!

Chương bảo:

- Coi chừng cảm đó, Khánh ạ!

- Cần gì tôi chán ngán trả lời nó chảy ra ngoài hang, anh thấy không, giá chúng mình biến thành nước chúng mình sẽ len lỏi ra ngoài được. Ở ngoài kia có mặt trời, sáng sủa... ấm áp...

Bất giác tôi đưa tay lên khép chặt vạt áo. Tay tôi đụng vào hàng khuy nhựa màu hồng. Chiếc áo tôi đang mặc kiểu ngắn do cô tôi cắt theo mẫu của một tờ báo phụ nữ, bằng thứ vải hoa màu hồng, và có hàng khuy cài ở giữa.

Những chiếc khuy cô tôi đính trên áo tròn ú như những tai nấm.

Tôi mân mê hàng khuy, thốt kêu:

- Anh Chương!

- Gì nữa Khánh?

- Nước chảy ra ngoài trời anh ạ..

- Khánh đã nói rồi! Khánh nên ngủ đi cho lại sức.

- Mà những chiếc khuy áo của Khánh lại bằng nhựa, có thể nổi trên mặt nước như những chiếc thuyền.

- Khánh!

Chương tưởng tôi mê sảng. Tôi tiếp:

- Anh đưa tôi mượn con dao. Mấy cái khuy áo của Khánh khâu chắc quá, bứt ra không được.

- Khánh cắt khuy áo ra làm gì?

- Để thả chúng xuống nước.

Chương chợt hiểu, hối hả tìm và đưa dao cho tôi.

Tôi cắt được bảy cái khuy, và tôi cười ngây dại:

- Chúng sẽ theo dòng nước trôi ra ngoài ánh sáng mặt trời...

Sau đó tôi thiếp đi. Khi tôi tỉnh lại, Chương đang ngủ gục, tôi phải lay gọi:

- Dậy mà nghe, anh Chương ơi! Hình như có tiếng động rung chuyển...

Chương vùng dậy nghe ngóng.

Nhiều âm vang lọt vào tai chúng tôi. Chương nói:

- Hình như bên ngoài đang có cơn dông.

- Mấy giờ rồi anh nhỉ?

- Không biết nữa. Có lẽ bây giờ là buổi trưa của ngày...

Chương nhẩm tính tiếp:

- Ngày thứ tư. Chúng mình bị kẹt trong này gần bốn ngày rồi.

Đột nhiên tôi reo lên:

- Ủa! Anh Chương... tôi trông thấy anh.

Tôi thấy Chương đang mỉm cười, ngỡ ngàng. Một luồng ánh sáng dìu dịu chiếu xuống chỗ chúng tôi ngồi.

Ngửng đầu nhìn lên, chúng tôi thấy trần hang lủng tròn một lỗ. Nền trời hiện ra, tím mầu hoàng hôn.

Rồi có tiếng ông Oai nói vọng xuống:

- Chương, Khánh, có dưới đó không? Cố can đảm thêm chút nữa nghe. Ba xuống liền bây giờ.

Tôi mở mắt thức dậy. Lần này thì tôi ngập mình trong ánh sáng mặt trời. Vài nhánh hoa leo màu đỏ phất phới ngoài cửa sổ.

Kỳ diệu quá! Tôi đang nằm trong phòng tôi... và một khuôn mặt quen thuộc đang cúi xuống. Tôi ríu lưỡi lại:

- Cô! Phải cô của con không? Cô tới đây hồi nào?

- Cô tới chiều hôm qua; vừa vặn lúc người ta khiêng con về. Cô đã tưởng đến đây nhận xác con đem chôn rồi chứ!

Cô vừa khóc vừa cười tiếp:

- Bây giờ con thấy trong người thế nào? Còn mệt lắm không?

Tôi lắc đầu:

- Con khỏe lại rồi. Mừng ghê nữa, vì vừa tỉnh lại thì thấy cô.

Cô ôm tôi hôn tới tấp như hồi tôi còn nhỏ, khi cô nựng: "Con chó con! Con chó con của tôi đây!" Tôi muốn nói nhiều với cô tôi nhưng đành nằm yên. Đầu óc tôi còn choáng váng, và những đốm nắng vàng lung linh từ ngoài cửa sổ ùa vào, làm tôi ngây ngất.

Tôi gắng ngượng hỏi:

- Anh Chương đâu, cô? Anh ấy có sao không?

- Cậu ấy không sao cả. Vẫn khỏe mạnh như thường, Chương mong con mau tỉnh và chóng lại sức...

Nghe có bấy nhiêu tôi lại thiếp đi trong vòng tay cô tôi.

Vài ngày sau đó, sức khỏe tôi dần dần hồi phục. Tôi được đưa ra ngoài vườn nằm nghỉ. Mọi người quây quanh chiếc ghế dài tôi nằm, săn sóc, chiều chuộng tôi đủ thứ. Ngay cả Tý Việt cũng chịu khó ngồi yên dưới chân tôi. Em bảo:

- Chị là nàng Bạch Tuyết, em là chú Lùn ngồi canh cho chị ngủ!

Nhưng chú Lùn không ngồi được lâu, chỉ mới chốc lát chú đã đứng lên đuổi theo một cánh bướm đang chập chờn dưới ánh nắng.

Chương đến ngồi thế vào chỗ của Tý Việt. Tôi mỉm cười với anh, hân hoan đón nhận sự có mặt của một người anh đã cùng tôi trải qua cơn ác mộng. Ngót bốn ngày đói khát trong hang đá âm u lạnh lẽo quả là kinh hãi. Qua cơn ác mộng đó tôi cảm thấy như vừa được sống lại. Sự có mặt của Chương cũng như của mọi người làm tôi an tâm. Những đốm nắng vàng đùa nghịch trên thảm cỏ như reo vui trong lòng tôi. Và không khí khoáng đãng trong khu vườn tươi mát này làm tôi khoan khoái. Tôi đưa mắt tìm cô tôi và ông bà Oai. Không thấy ai, tôi hỏi Chương:

- Mấy người lớn đâu cả rồi?

Chương đáp:

- Họ vừa vào trong nhà... tạm thời lánh mặt trong chốc lát.

- Để chi vậy?

- Cô của Khánh và ba má tôi muốn tôi kể Khánh nghe tất cả câu chuyện.

- Anh kể đi.

Chương cười, nụ cười thật nhẹ nhõm, chứng tỏ tâm hồn anh đang thoải mái. Anh cho tôi biết là: Anh đã hỏi ông bà Oai về nguồn gốc thật của anh mà bấy lâu nay ông bà vẫn giữ kín. Hai ông bà đều nói hết cho anh nghe đúng như những điều anh đã biết. Đáng lý ông bà nói cho Chương biết từ lâu, song cứ chần chờ mãi sợ khi biết sự thật Chương sẽ buồn. Hơn nữa hai người thương yêu Chương như con ruột, tuy không đẻ ra nhưng có công nuôi dưỡng. Mặc nhiên Chương đã thế vào chỗ của Phương người con mà hai ông bà đã mất và nhờ thế mà hai ông bà cũng vơi bớt đau buồn.

Về bà Tám, Chương cho biết: Bà lấy phải một người chồng không ra gì. Khi chồng chết bà ở vậy nuôi con, và mơ ước con bà được thế vào chỗ của Phương, sống một cuộc đời sung sướng giàu có trong gia đình ông bà Oai.

Cũng vì thế mà bà thù ghét Chương, coi Chương như kẻ tiếm đoạt địa vị của con bà. Khổ hơn nữa, Liễu con gái bà, chẳng may mắc bệnh lãng trí, khùng khùng dở dở. Ông bà Oai muốn Liễu được chữa trị chu đáo nên buộc bà Tám cho Liễu vào Dưỡng trí viện. Mọi phí tổn ông bà chịu hết. Nhưng lòng tốt của ông bà Oai lại là điều làm bà Tám oán hận, cho rằng như thế là ghét bỏ, đầy ải con bà không cho con bà được hưởng những gì mà Chương với Tý Việt được hưởng.

Từ ganh ghét, oán hận bà đâm ra thù hằn và nảy sinh ra những âm mưu đen tối.

Sực nhớ vụ bà Oai trượt cầu thang suýt vong mạng, tôi hỏi:

- Vụ cái thảm trải cầu thang cũng do bà ấy xếp đặt?

Chương gật đầu:

- Phải!... Tội nghiệp, má tôi lại là nạn nhân. Đồng thời bà ấy cũng nói cho tôi biết tôi là một đứa trẻ lạc loài được đem về nuôi. Thâm ý của bà ấy là làm tôi chán nản, bỏ đi. Và tôi đã bỏ nhà ra đi thật.

- Rồi bà ấy cho tên Chuột theo dõi anh? Hắn là ai vậy?

- Hắn là một tên lưu manh, trước kia có quen biết chồng bà Tám. Tên này đem về những tin tức làm bà Tám thất vọng: chẳng những tôi không biệt tích vào chốn thâm sơn cùng cốc, hoặc trầm mình xuống long cung thủy tề, mà tôi lại đi làm một cuộc điều tra...

- Xem cha mẹ thật của anh là ai?

- Đúng thế. Nhưng trong trí não bệnh hoạn của bà Tám lại nảy ra một ý ngờ vực: Bà tưởng tôi đi tìm Phương. Ý nghĩ ấy làm bà bấn loạn. Nên khi tôi trở về bà bày thêm một âm mưu mới: lừa vào trong hang đá rồi bít cửa hang!

- Thế còn Khánh? Khánh có gì để bà ấy thù ghét đâu?

- À, có lẽ tại Khánh thân với tôi nên bà ấy ghét lây.

Tôi bật cười, nhớ đến lần chạm trán Chương trước đây ở nhà bà Đan Thanh và những lần gây gổ khác. Tôi hỏi:

- Ai cho anh biết những điều ấy?

- Chính bà Tám đã khai ra. Vụ chúng mình mất tích làm sôi nổi cả thị xã. Cảnh sát bắt tên Chuột và chú Sáu tra hỏi. Chúng đổ tội cho bà Tám. Thực ra chúng chỉ là những tên lưu manh chứ không phải hạng sát nhân. Chúng tưởng đâu bà Tám bày một trò ác độc cho bõ ghét thôi. Xong việc, chúng nhận tiền rồi đi nơi khác. Nhưng khi nghe cảnh sát buộc chúng vào tội đồng lõa trong một vụ mưu sát chúng mới hoảng người lên.

- Thế ra nhờ vào lời khai của hai tên đó mà chúng mình được cứu thoát?

Chương cười, chỉ Tý Việt:

- Không, đó là nhờ Tý Việt. Hai tên đồng lõa của bà Tám chỉ mới bị bắt sau khi câu chuyện vỡ lở. Trước đó, trong khi mọi người nháo lên đi tìm, thì Tý Việt vào phòng tôi. Thấy cuốn nhật ký tôi để trên bàn, Tý Việt lén đọc (tôi có ghi vội mấy hàng khi chị An lên gọi) và cuộc tìm kiếm mới nhắm vào các hầm đá. Đến mạch suối từ trong hang chúng mình bị nhốt chảy ra, người ta bắt gặp mấy cái nút áo của Khánh bềnh bồng trôi ra.

Tôi thắc mắc:

- Thế còn chị An? Sao chị ấy không nói? Ủa, mà chị An đâu nhỉ? Từ lúc tỉnh lại, Khánh không thấy chị An!

- Thì chị ấy con đây nữa đâu! Ngay sau khi bọn mình đi rồi, bà Tám về kiếm chuyện cho chị ấy nghỉ việc rồi.

- Nhưng sớm muộn gì, chị An lại chả nói ra?

- Đến lúc đó thì muộn mất rồi. E chúng mình chỉ còn là hai cái xác không hồn. Bà Tám sẽ lợi dụng nhân lúc ba má đau buồn nắm hết quyền hành trong nhà và đưa Liễu về.

Tôi rùng mình:

- Vậy còn tên Chuột? và chú Sáu?

- Nếu chúng mình chết, hai tên ấy sẽ im luôn.

- Dù sao thì dự tính của bà Tám chưa được hoàn hảo lắm.

- Dĩ nhiên. Nhưng đầu óc đen tối của bà ấy... dám làm bất cứ điều gì, bất chấp hậu quả.

- Đáng lý ra bà ấy phải thủ tiêu cả Tý Việt nữa.

- Không nên đòi hỏi điều gì hợp lý ở bà Tám. Tôi đồng tuổi với Liễu, con gái bà, nên tôi mới là kẻ thù trực tiếp. Với lại bà biết tôi không thuộc về gia đình này... Còn Tý Việt dù sao cũng có tình máu mủ với bà ấy.

Tôi thở dài:

- Rồi đây, người ta sẽ đối xử với bà ấy ra sao?

- Có thể bà sẽ bị kết án tù vì tội của bà. Nhưng ba má đang vận động xin cho bà được vào nhà dưỡng lão. Ba má cũng vẫn chăm sóc cho con gái bà. Liễu không thể sống cuộc đời bình thường trong gia đình. Cô ấy cần được chữa trị và phải do các nhà chuyên môn săn sóc.

Tôi còn thắc mắc thêm điều nữa:

- Có phải chính bà Tám mở đọc lá thư của cô Khánh?

- Phải. Vì đọc thư đó, bà Tám mới quyết định ám hại tụi mình. Hình như việc cô của Khánh hẹn tới đây làm bà ấy hoảng hốt.

- Sao lạ vậy?

- Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Đến khi cô của Khánh đánh điện tín cho biết ngày bà tới thì bà Tám giấu luôn bức điện tín ấy đi rồi cho thi hành ngay kế hoạch đã định. Dù cô Khánh có đến, bà cũng chỉ gặp cảnh gia chủ đang bối rối, mà Khánh thì đã biến mất rồi!

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVIII

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

CHƯƠNG XVI_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XVI


Chị An hoảng hốt chạy vào gọi tôi:

- Cô Khánh, có một người thợ trên hầm mỏ muốn gặp cô.

Tôi ngạc nhiên, thốt hỏi:

- Tôi à? Sao lại hỏi tôi nhỉ!

Người đàn ông đợi tôi ngoài bực thầm. Cầm chiếc mũ vải, vầy vò trên tay với dáng điệu bồn chồn, chú vừa ngó dáo dác vừa báo tin cho tôi biết ông Oai bị nạn ngoài hầm đá. Có lẽ chú ngại gặp bà Oai, vì chú giải thích:

- Bác sĩ dặn đừng cho bà chủ biết vội, đợi cứu được ông chủ đã.

Chị An chạy vội đi tìm Chương. Tý Việt, may thay, lúc ấy sang chơi với đứa bạn bên hàng xóm; còn bà Oai qua một đêm trằn trọc, đang thiếp ngủ trong phòng.

Chương và tôi leo vội lên xe chờ sẵn ở ngoài cổng. Mặt Chương tái xanh. Anh như chợt nhận ra được người thợ vừa theo xe về báo hung tin, nên hỏi:

- Ủa, chú Sáu đó hả. Chú trở lại làm việc rồi à?

Chú Sáu gật đầu:

- Thưa cậu... vâng.

Chương ngồi cạnh tôi ở hàng ghế sau cùng. Chiếc xe đón chúng tôi thuộc loại chuyên chở nhẹ được biến chế thêm mấy hàng ghế, nên có chỗ ngồi khá rộng rãi, chú Sáu ngồi trên hàng ghế trước mặt chúng tôi. Tấm lưng vạm vỡ của chú che gần khuất cả người lái xe.

Khi xe rồ máy, chị An chạy ra, ném theo vào lòng tôi một bao nến. Chương gắt:

- Đem nến đi làm chi vậy?

Cũng lúc ấy Chương nhận ra sự có mặt của tôi. Anh hỏi:

- Khánh cũng đi nữa à? Sao không ở nhà?

Tôi nói:

- Nghe chú Sáu đây nói ba anh bị nạn và cho gọi cả hai người, nên không kịp suy nghĩ tôi phóng ngay lên xe với anh.

Phía trước, chú Sáu ngồi thở hào hển, mồ hôi chú toát ra như người đang lên cơn sốt.

Thấy xe không chạy theo đường đến hầm đá như lần ông Oai đã đưa chúng tôi đi, tôi hỏi:

- Chúng mình đi lối nào đây? Con đường này thấy lạ quá.

Chương vắn tắt giải thích:

- Ba tôi mới khai thêm một hầm mỏ mới.

Xe đỗ lại ở một khóm rừng thưa khá hoang vu, phía tay mặt sừng sững một vách đá, có lỗ hổng đen ngòm.

Chúng tôi bước xuống xe. Bốn bề hoàn toàn im vắng. Chương thắc mắc:

- Chắc không phải ở đây.

Chú Sáu như đã học sẵn câu trả lời:

- Dạ, đúng chỗ này đây cậu ạ. Ông chủ tìm thấy mỏ đá này nhờ có dòng suối...

Dưới các tảng đá quả có mạch nước ngầm đang chảy. Ông Oai đã có lần cho tôi biết dòng nước nhỏ đó nhiều khi gây khó khăn nhất là về mùa mưa, thường dâng ngập các hầm.

Tôi nhìn quanh và không khỏi ngạc nhiên thầm hỏi: Nếu ông Oai gặp tai nạn, tất phải có đông người tựu đến... có xe cứu thương... và bác sĩ. Sao ở đây có thể yên ắng thế này? Như đoán được ý nghĩ của tôi, chú Sáu nói:

- Mọi người đều đến bằng cửa hầm phía đầu kia. Mình đi tắt lối này gần hơn.

Rồi chú tiếp:

- Nếu chậm trễ e không kịp...

Chỉ mới nghe nói thế, Chương đã lao người chạy trước. Tôi đuổi theo sau. Trước khi chui vào cửa hầm, tôi quay đầu lại, người tài xế chiếc xe mà từ lúc leo lên đến khi xuống, chúng tôi không hề để ý, chợt thò đầu ra ngoài cửa xe.

Nhìn xa tôi không nhận được nét mặt của hắn. Nhưng dáng dấp hắn làm tôi ngờ ngợ.

Vào khỏi cửa hầm chúng tôi bắt đầu nghe tiếng nước chảy róc rách. Chú Sáu bấm đèn pin hướng dẫn lối đi. Được một quãng dài Chương sốt ruột hỏi:

- Lối tắt gì mà dài thế này, chú Sáu?

- Tới rồi đây, cậu! chú Sáu né người cho Chương và tôi tiến lên chỗ này phải qua một lối hẹp, cậu và cô nhỏ người nên đi trước.

Một lỗ hổng mở ra sát mặt đất. Chúng tôi phải khom mình xuống, chui qua. Chương sang trước, đỡ tôi dậy:

- Đốt nến lên, Khánh! May mà chị An lại đưa nến cho mình mang theo.

Tôi mò lấy diêm và nến. Hai đốm sáng bùng lên trong khoảng tối mịt mù. Chúng tôi giơ cao ngọn lửa nhìn quanh. Đây là cái hang lớn bằng một căn phòng rộng. Phía cuối hang có dòng suối len lỏi chảy qua các khe đá. Có lẽ hang mỏ này đã có từ lâu, song phải bỏ, vì sợ mạch suối dâng cao có thể gây tai nạn bất ngờ. Vì vậy lỗ hổng vừa rồi xuyên qua hang bên này là hết không còn đường hầm nào được khai thêm nữa.

Chướng nóng lòng gọi:

- Chú Sáu! Sang lẹ lên. Còn ngả nào đi nữa không?

Không có tiếng trả lời. Chỉ nghe một tiếng rớt nặng nề.

Chương hoảng hốt hỏi:

- Chú làm sao thế, chú Sáu? Chú ngã đấy à? Có bị thương không?

Im lặng.

Chương bảo tôi:

- Hình như có chỗ nào sụt lở, Khánh đứng chờ đây, để tôi quay lại coi.

Ít phút sau Chương trở về cho tôi biết:

- Cái lỗ tụi mình vừa chui qua đây bị một tảng đá bít kín rồi.

Tôi kinh sợ lắp bắp:

- Thế còn chú Sáu đâu?

- Tôi nghe tiếng hắn thở dốc, rồi hấp tấp chạy trở ra...

- Chắc chú ấy đi kiếm người đến cứu?...

- Cứu khỉ gì! Chính hắn vần tảng đá lấp kín miệng lỗ.

- Nếu vậy là...

- Mình mắc bẫy rồi!

Chúng tôi nhìn nhau lo lắng. Nét mặt Chương đột nhiên rạng rỡ:

- Nhưng... thế nầy thì ba không gặp tai nạn nào cả. Họ nói láo để đánh lừa mình! May quá!

Tôi mỉm cười chia xẻ nỗi hân hoan của Chương.

*

Hơi ẩm thấm lạnh vai, và tiếng suối thì thầm trong bóng tối âm u làm chúng tôi sởn gai ốc. Hang đá này, khi đã bít kín lối ra sẽ là một ngục tù kiên cố giam hãm chúng tôi. Nếu không có cách nào thoát khỏi chúng tôi sẽ chết rũ vì đói lạnh.

Chương bàn:

- Chúng mình thử lần quanh vách hang xem có ngõ ngách nào khác không.

Mò mẫm một hồi chẳng thấy còn ngõ ngách nào ngoài cái lỗ hổng mà chúng tôi đã chui qua, Chương tiếp:

- Nếu cái hang này là một hầm mỏ, tất phải có đường hầm nữa ăn thông vào. Chớ không lẽ người ta lấy đá ra bằng cái lỗ chúng ta đã chui... Nhưng cửa hầm đó chắc đã được tên Sáu bít kín trước rồi.

Tôi buông mình xuống một tảng đá ngồi thở:

- Chú Sáu là ai vậy?

- Hắn là một thợ mỏ bị sa thải vì say sưa tối ngày.

- Chắc vì thế mà hắn để bụng, trả thù!

Chương ngồi xuống cạnh tôi, suy nghĩ:

- Có thể còn lý do nào khác nữa. Tôi ngờ có người đã thuê hắn.

Chợt nhớ ra, tôi giật mình:

- Anh Chương! Tên lái xe đưa chúng mình tới đây... là tên Chuột.

Chương vỗ trán:

- Ồ! Ngu quá! Thế mà tôi không nhận ra hắn.

- Tại anh có nhìn hắn đâu, với lại... việc xảy ra bất ngờ quá. Tôi cũng chỉ mới nhác thấy hắn trước khi vô đây...

- Không biết ai mưu mô hãm hại mình thế này?

Chúng tôi không dám suy luận, chỉ ngồi im lặng nhìn nhau. Tôi bắt đầu thấy sợ, ôm mặt khóc. Chương nắm lấy tay tôi:

- Nín đi Khánh. Đừng vội thất vọng chứ. Hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi xem sao đã. Khánh tắt bớt ngọn nến của Khánh đi.

- Để thế này cho sáng, tắt làm gì?

- Chúng mình chỉ có sáu cây nến nhỏ thôi. Vậy phải để dành nhỡ tình trạng này có thể kéo dài.

Tôi nghe lời, thổi tắt ngọn nến. Còn lại ngọn của Chương, anh cặm nó xuống đất, gắng gượng mỉm cười:

- Bây giờ, để Khánh đỡ bồn chồn, tôi kể Khánh nghe một câu chuyện.

Cố trấn tỉnh, tôi gượng nói:

- Truyện cổ tích hả?

- Không... chuyện của tôi. Nó.. cũng gần giống như chuyện của Khánh.

Tôi hồi hộp chờ đợi. Sau vài phút im lặng, Chương nói:

- Tôi không phải là con ông bà Oai. Trước kia tôi vẫn cứ tưởng tôi là đứa con má tôi sinh ra ở ngoài Trung và bà Thành là vú nuôi của tôi.

- Nhưng đấy là bé Phương chứ?

- Tôi không hề nghe nói đến bé Phương. Thấy ảnh Phương tôi tưởng đó là hình một đứa trẻ nào, một đứa con đỡ đầu của má tôi chẳng hạn vì bà có nhiều con đỡ đầu. Tôi không ngờ má tôi có mất một đứa con.

- Ở ngoài Trung?

- Ở trên tàu Bạch Phượng khi xảy ra tai nạn.

- Ồ!

Tôi nghẹn lời, ngẩn ngơ nhìn Chương:

- Thế còn anh?

- Lúc ấy tôi cũng ở trên tầu, và trong lúc hỗn loạn của biến cố không hiểu số mệnh đã run rủi ra sao mà tôi được cứu thoát xuống một chiếc xuồng cùng với vợ chồng ông Thành. Khi được một chiếc thuyền đánh cá vớt lên thì người ta thấy bà Thành ngất đi, nhưng vẫn còn ôm chặt tôi trên tay.

Chúng tôi được đưa về một làng chài lưới ở Cam Ranh. Thời ấy chiến tranh đang hồi khốc liệt nên sự liên lạc rất khó khăn. Ông bà Thành, sau khi tỉnh trí đưa tôi về Cam Lâm tá túc, nhờ sự giúp đỡ của linh mục họ Đạo địa phương. Phải một năm sau ông bà Oai, ba má tôi được tin ông bà Thành còn sống mới vội vàng tìm đến.

- Trời!

- Phải. Khánh cứ thử tưởng tượng xem cuộc gặp gỡ ấy bi thiết biết chừng nào. Nhưng dù đau xót, má cũng bồng lấy tôi nghẹn ngào nói: "Ba má lãnh nhận con như số mệnh đã an bài. Từ nay con là con của ba má." Tội nghiệp! Tôi không biết lấy gì báo đáp công ơn ba má cho vừa.

Giọng Chương nghẹn lại. Lần này chính anh ngồi khóc. Tôi quay mặt đi không... nỡ nhìn những giọt nước mắt của người con trai. Tôi nhẹ nhàng nói:

- Chuyện của anh thật đẹp. Tại sao anh còn buồn?

- Khánh thử nghĩ coi: bỗng dưng được biết gia đình mình đang sống không phải của mình, cha mẹ không phải cha mẹ mình và quê hương này chỉ là quê hương mượn... sự thật phũ phàng đó đau xót lắm chứ...

- Tôi hiểu! Nhưng trường hợp của anh có gì thay đổi lắm đâu. Ba má anh thương yêu anh. Anh cũng thương yêu hai ông bà. Anh lại có một đứa em trai.

- Phải, Tý Việt sinh ra cách đó mấy năm. Chính nó mới là con ruột của ba má. Tôi không muốn...

Chương phác một cử chỉ thay cho điều anh muốn nói khó diễn tả nên lời. Và anh tiếp:

- Khánh không hiểu nổi ý nghĩ của tôi đâu.

Tôi nhìn anh, nói:

- Có, Khánh hiểu anh muốn nói gì. Theo Khánh nghĩ thì những điều kiện vật chất không đáng quan trọng. Mà điều cần thiết là được sống trong một gia đình đầy tình thương yêu tin cẩn lẫn nhau.

- Khánh nói nghe hay lắm! Thế sao Khánh cũng vẫn cứ từ biệt bà cô, người mà Khánh đã từng thương yêu, tin cậy như một người mẹ, để đi tìm cho ra tông tích của mình?

Tôi không biết trả lời Chương thế nào. Nói những lời ấy tôi chỉ có ý an ủi Chương mà thôi. Tôi cố vớt vát:

- Nhưng... ai bảo anh không phải là con của ông bà Oai?

- Bà Tám!

- Sao bà ấy ác độc thế nhỉ? Đáng lý ông bà Oai không nói ra thì thôi chứ.

- Chính vì ba bá tôi không nói nên bà ấy mới nói.

- Việc gì đến bà ấy!

- Chắc tại bà ấy ghét tôi. Không muốn cho tôi hưởng trọn cái hạnh phúc mà tôi đang có.

Tôi nghĩ đến hoàn cảnh của tôi và Chương. Kỳ ngộ thật! Hai đứa trẻ sống sót của chiếc tầu Bạch Phượng, gặp nhau, để bây giờ lại chịu chung tình cảnh bi đát này. Tôi vẫn cố an ủi Chương:

- Dù sao thì anh cũng đã đem lại cho ông bà Oai chuỗi ngày sung sướng, mà người con trai của hai ông bà có thể đem lại.

- Người con trai nào của ba má tôi? Tý Việt ấy à?

- Không, người anh của Tý Việt. Người đã chết trong vụ đắm tầu tên là Phương kia.

Chương mở tròn mắt nhìn tôi:

- Ủa, té ra Khánh vẫn chưa biết à? Phương là con gái mà!

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVII

CHƯƠNG XV_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XV


Nhật ký của Chương:

Tôi đã biết chuyện của Khánh, chuyện Khánh thật buồn, nên tôi chẳng muốn Khánh buồn thêm vì chuyện của tôi nữa.

Khi nào bà cô của Khánh tới đây, tôi sẽ đi. Tôi sẽ xin ba cho tôi vào nội trú ở một nơi thật xa.

Tôi không muốn lợi dụng hơn nữa những gì thuộc về Tý Việt.

*

Tý Việt mách tôi:

- Bà Tám vừa cãi nhau với một người đàn ông.

Tôi bảo em:

- Bà Tám cãi nhau là thường có gì lạ đâu!

Thực vậy, bà càu nhàu chị An, cò kê chê bai với những người bán hàng, và tính đi tính lại đôi ba lần những khoản tiền bà mua bán.

Nhưng Tý Việt nói rõ:

- Người đàn ông này khả nghi lắm. Hai người gặp nhau ở sau vườn, và đứng cãi nhau một hồi.

Tôi rầy em:

- Việt rình nghe phải không? Xấu lắm nhé!

Tý Việt nhe hàm răng sún:

- Em đâu có rình! Tại em chơi ở đó mà bà Tám không biết nên em nấp để xem... hay lắm. Bà Tám giận như điên, người đàn ông kia cũng vậy...

Ông ta nói: "Tôi đã chi tiêu nhiều cho vụ này. Bà phải trả cho tôi vì bà đã hứa rồi, nếu không tôi sẽ kể hết cho ông bà Oai..."

Bà Tám đáp: "Đồ lưu manh, chú đã lấy của tôi một số tiền rồi mà chú có cho tôi biết thêm điều gì đâu..."

Rồi hai người thì thầm một hồi, kế bà Tám nói: "Được rồi... chú sẽ có đủ số tiền đó, khi nào công việc xong xuôi... Tôi sẽ cho chú hay sau..."


Tôi tính thuật lại với ba:

- Tý Việt vừa kể con nghe một chuyện thật lạ...

Ba có vẻ âu lo:

- Con nói gì? Chuyện Tý Việt hả? Ồ, con không nên tin những lời của Tý Việt; em con nó nhiều tưởng tượng quá. Nó lại ham xem những truyện bằng tranh vẽ, con nên cấm bớt nó đi.

- Nhưng...

- Thôi để đến tối, con nói ba nghe. Ba đang tính cho khai thêm một mỏ mới nữa, nên đang bận bù đầu ra đây.

Thấy chiều nay ba có vẻ mệt nhiều, nên tôi không nói nữa.

Tôi canh chừng bà Tám. Bà có vẻ bình thản và hầu như tươi tỉnh nữa. Nhưng đôi lúc tôi bắt gặp ánh mắt kỳ lạ của bà.

Tôi quyết định đột ngột hỏi bà:

- Cô Lan, cái người đàn ông dáng loắt choắt như chuột đứng nói chuyện với cô là ai vậy?

Bà Tám nói:

- Cháu có thấy à?

- Dạ thấy rõ.

- Coi vậy chứ ông ta là một bác sĩ đấy.

- Một ông bác sĩ?

- Phải, ông bác sĩ này săn sóc cho em Liễu, nhân qua đây ông ghé cho cô biết tình trạng của nó.

Kể ông bác sĩ này cũng lạ! Tại sao ông không đàng hoàng vào nhà bằng cửa chính mà lại thậm thụt phía cửa sau?

Tuy nghĩ thế, nhưng tôi cũng đành nói:

- Nom ông ta thiếu tư cách quá. Nếu bị bệnh chắc cháu không nhờ đến ông ta.

Bà Tám nhếch mép cười, cái cười thật gượng gạo.

*

Thấy vẻ băn khoăn của Khánh, tôi hỏi:

- Có chuyện gì nữa đấy?

Khánh đáp:

- Không có chi hết. Tôi đang mong ông phát thư. Vừa nhác thấy ông ta, tôi chạy xuống thì ông ta đã đi rồi.

- Khánh chờ thư à?

- Tôi đợi điện tín của cô tôi. Tôi chỉ mong cho cô tôi tới đây sớm.

Tôi cũng mong như Khánh vậy.

*

Nguy quá...

Ba tôi bị nạn ở ngoài hầm đá!

Tôi phải đến đó ngay.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVI

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

CHƯƠNG XIV_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XIV


Tôi đành phải tìm dịp gặp Chương để báo cho anh ta biết:

- Chính bà Tám đã sai người theo dõi anh đấy.

- Sao cô biết?

- Tôi mới bắt gặp bà ấy đứng thì thầm với tên Chuột ở sau vườn, chiều hôm qua.

Chương cau mày:

- Không có lẽ...

Tôi buột miệng:

- Nếu không phải bà Tám thì... là ba má anh!

Nhưng khi vừa nói dứt câu, tôi chợt thấy mình lố bịch, vì điều ấy không thể nào có được; còn Chương thì trợn tròn đôi mắt như muốn nuốt sống tôi luôn. Anh nắm tay tôi lôi đi:

- Cô theo tôi gặp bà Tám hỏi cho ra vụ này.

Bà Tám đang ấu chè đậu dưới bếp. Thấy chúng tôi bà càu nhàu:

- Lại ngửi thấy mùi chè rồi hả? Thằng Tý Việt cũng vừa mới mò xuống.

Chương nói ngay:

- Tụi cháu chỉ xuống hỏi xem người đứng nói chuyện với cô ở sau vườn là ai... Hình như cô Khánh có nhận ra được người ấy.

Câu sau Chương nói với giọng mỉa mai, nhưng bà Tám không để ý. Bà nhìn tôi thật lâu với cái nhìn soi mói làm tôi khó chịu, và chậm rãi trả lời Chương:

- Cô không hiểu cháu muốn nói gì. Cô bận suốt ngày trong bếp có gặp ai đâu mà trò chuyện.

Tôi cãi:

- Thưa chiều hôm qua...

- Chiều qua, tôi mắc rửa bát dĩa với chị An và dọn dẹp tới khuya. Thôi hai người lên nhà đi. Để yên cho tôi lo nồi chè kẻo hư mất bây giờ.

Khi ra khỏi nhà bếp, Chương mới nói với tôi:

- Lạ thật! Tôi thấy bà Tám có vẻ bình thản lắm, hầu như không có chuyện gì. Vậy tên Chuột kia là ai nhỉ?

- Tôi tưởng bà ấy làm ra bộ thản nhiên thế, chứ nhiều khi tôi bắt gặp đôi mắt bà nhìn tôi một cách lạ lùng dễ sợ. Tôi ngại bà ta có thể làm điều độc ác...

Trầm ngâm khá lâu, Chương mới nói:

- Độc ác? Ờ... có thể lắm! Bà ấy đã làm tôi đau khổ quá nhiều, nhưng chỉ cốt ý đưa tôi đến một thực tại. Cũng không nên trách bà ta làm gì.

Tôi muốn hiểu rõ Chương hơn nữa, song anh chỉ nói có bấy nhiêu rồi thôi.

*

Tôi đang nóng lòng chờ đợi thư của cô tôi. Sáng nào tôi cũng ngóng chờ ông phát thư đi qua. Thấy bóng ông ngang cổng là tôi chạy ra hỏi:

- Tôi có thư không ông?

Câu hỏi này hôm nay được ông cười trả lời:

- Cô này tham lam quá. Mới có lá thư dày cộm chiều hôm qua, sáng nay đã lại mong thư rồi!

- Ủa, tôi có thư à? Sao tôi không thấy? Mọi ngày ông có phát thư vào buổi chiều đâu?

- Đáng lý thư cô sáng nay tôi mới phát. Nhưng chiều qua nhân ở bưu trạm về nhà sớm, ngang qua đây tôi có bỏ vào hộp thư ở cổng này cho cô. Chắc người nhà cất giùm rồi. Cô vào hỏi lại xem.

Tôi cám ơn ông phát thư, chạy vào nhà hỏi bà Oai. Bà Oai lắc đầu:

- Hôm qua không có cái thư nào chỉ có mấy tờ báo.

Tý Việt vụt nói:

- Có, có, con thấy một phong thư để trên chiếc đôn sứ ngoài hành lang.

Tôi tìm thấy phong thư của cô tôi như lời Tý Việt mách bảo. Thật lạ, chiều qua và sáng nay tôi đã đi qua chiếc đôn sứ cả chục lần, có thấy phong thư nào để đó đâu.

Trong thư, cô tôi tỏ ý ân hận đã chiều theo ý muốn cuồng dại của tôi. Cũng may chưa có điều gì bất hạnh xảy ra chứ nói dại... nếu tôi sa chân vào một cạm bẫy nào của cuộc sống đầy bất trắc hiện nay thì cô tôi sẽ đau khổ đến chết đi được. Cô tôi cho rằng cả hai cô cháu tôi đều có những hành động đáng gọi là ngu xuẩn. Một bà cô u mê với một đứa cháu điên khùng!

Hiện thời cô tôi đã bình phục, nên cô buộc tôi ở lại nhà ông bà Oai, chờ cô đích thân đến đón. Và cũng chính cô sẽ điều tra về vụ ông bà Nguyễn văn Thành có phải là cha mẹ thật tôi không. Nếu có bằng chứng xác nhận, điều này cô tôi sẽ dọ hỏi nơi ông bà Oai, dù có phải gợi lên những kỷ niệm đau buồn cho hai nhân vật đáng mến này.

Cô hẹn tôi hôm nào thu xếp việc nhà xong là cô đi ngay và sẽ đánh điện tín trước cho tôi biết. Trong khi chờ đợi cô khuyên tôi nên ngoan ngoãn ở yên trong gia đình ông bà Oai, đừng làm điều gì thất thố, ngu xuẩn hơn nữa.

Cuối cùng để tôi đỡ nóng ruột, cô gửi cho tôi một bằng chứng mà cô vừa tìm thấy khi soạn lại những áo quần, tã lót của tôi hồi còn nhỏ: Tấm ảnh Thánh mẫu Maria với lời kinh cầu viết phía sau mà cô đoán rằng đó là bút tích của mẹ tôi...

Tôi lật đi lật lại lá thư nhiều lần, tìm kiếm hoài không thấy tấm ảnh Thánh cô tôi nói. Thất vọng nhưng tôi cũng đành mỉm cười thở dài, cho rằng cô tôi lại mới thêm tật lú lẫn nữa.

Mắt tôi chợt để ý đến một vết nhơ dính ở đầu lá thư. Tôi biết tính cô tôi rất sạch. Cô không bao giờ để tay bẩn khi ngồi vào bàn viết. Nếu tờ giấy có vết, cô phải thay ngay tờ khác. Tôi xem kỹ lại mép thư. Nó dính chất đường phèn, thứ đường người ta hay dùng để nấu chè.

Hôm qua bà Tám cũng nấu chè bằng thứ đường này.

Sau bữa cơm trưa, Tý Việt rủ tôi chơi trò mèo chuột. Bà Oai ái ngại dùm tôi, nên bà bảo Tý Việt:

- Con phải để cho chị Khánh nghỉ ngơi chứ. Lấy hình ra cho chị Khánh xem với.

Ông bà Oai trở về phòng riêng. Tý Việt bê ra một hộp đựng đầy hình. Nó khoe với tôi những tấm hình chụp khi nó còn nhỏ, khi bà Oai còn trẻ, khi ông Oai còn là kỹ sư một sở mỏ ngoài miền Trung và cũng là thời kỳ ông bà sinh ra Chương.

Đột nhiên Tý Việt kêu lên:

- Ồ! Những bức hình đó đâu mất cả rồi?

Nó dốc hết hình ra khỏi hộp tìm kiếm. Tôi ngăn lại:

- Coi chừng em làm xáo trộn hết cả bây giờ.

- Không sao. Em muốn tìm những bức hình đẹp cho chị coi.

- Những bức này cũng đẹp rồi.

- Các bức kia còn đẹp hơn nhiều.

- Mà em nói những bức hình nào vậy?

- Thì hình hồi ba má còn ở ngoài miền Trung đó. Nhà của ba má ở ngoài ấy đẹp lắm. Có cây dừa, cây thùy dương...

Tôi nhớ đến bài ca "về miền Trung" của Phạm Duy, một miền Trung thơ mộng đượm mầu sắc quê hương.

Bất giác tôi ca lên nho nhỏ...

Tý Việt cười:

- Chị hát hay quá. Chị có ở ngoài Trung hồi nào chưa?

Tôi buồn bã lắc đầu:

- Chị không rõ nữa.

Tý Việt thất vọng bới tìm đống ảnh. Nó bực mình nói:

- Kỳ quá, mấy bức hình đó mất tiêu đâu rồi. Chắc có ai đã lấy trộm...

Chương từ nãy giờ vẫn ngồi yên ở một góc phòng đọc sách, như không chú ý gì đến chúng tôi. Nghe Tý Việt nói mấy tấm hình kỷ niệm bị ai lấy mất, Chương bỗng để rơi cuốn sách xuống đất.

Vừa lúc ấy chị An bước vào, ngoắc Tý Việt:

- Ra ngoài vườn chơi với chị đi cưng. Đừng làm rộn trong này, để yên cho má nằm nghỉ chứ.

Tý Việt toan cãi nhưng chị ngăn nó lại bằng cái xuỵt khẽ và dụ:

- Ngoài vườn có mấy con bướm đẹp lắm. Ra ngoài ấy chơi chị bắt cho.

Tý Việt đứng lên liền:

- Thực nhé, chị?

Và nó bỏ tôi đó, đi theo chị An. Trong phòng chỉ còn lại Chương với tôi, Chương đứng lên, nhìn tôi:

- Cô Khánh thấy không, có nhiều điều kỳ cục xảy ra trong nhà này.

Tôi dè dặt gật đầu:

- Vâng.

Chương tiếp:

- Phải làm cho sáng tỏ những điều ấy. Chúng mình nên giúp nhau là hơn, đừng nhìn nhau với đôi mắt đối nghịch nữa.

- Anh muốn thế nào?

- Khánh nói cho tôi biết về Khánh đi.

Không lưỡng lự, tôi thu mình ngồi gọn trong lòng ghế kể hết những bí ẩn của tôi. Chương lắng nghe không ngắt lời tôi một lần nào. Khi tôi kể hết, anh trầm ngâm im lặng khá lâu. Tôi phá tan sự im lặng đó:

- Chuyện của tôi là thế, anh khỏi cần thương hại tôi, vì trường hợp tôi kể như đã kết thúc rồi, còn anh, tôi đoán là...

Chương phác một cử chỉ, giọng anh thật dịu dàng như chưa từng có:

- Khoan... Khánh hãy nghe tôi nói điều này đã dù điều tôi nói ra đây có thể làm cho Khánh buồn thêm...

- Điều gì nữa?

- Ông bà Nguyễn văn Thành không có con.

Tôi nhìn Chương, sửng sốt:

- Thế còn tôi?

- Đúng thế, cô...

- Tôi là ai? Tôi không thể là con ký giả Huỳnh Phương, cũng chẳng phải là con nữ ca sĩ Đan Thanh, vậy thì...

- Có thể Khánh là con một hành khách nào đó... đã chết chìm với chiếc tàu.

Tôi không tin lời Chương nên vặn lại:

- Sao anh biết ông Nguyễn văn Thành không có con?

- Tôi đặc biệt lưu ý đến vợ chồng ông Thành vì lý do riêng, mà bây giờ tôi chưa tiện nói cho Khánh biết... Với lại, tôi còn phải hỏi lại ba má tôi ít điều thắc mắc mà chỉ có ông bà mới trả lời được. Hiện thời tôi chỉ biết là xưa kia ông bà Thành có gặp ba má tôi ở ngoài Trung.

- Hồi đó ba má anh ở tỉnh nào?

- Ở Nghệ an. Thời ấy vợ chồng ông Thành còn trẻ, và cuộc sống không được sung túc lắm. Người chồng làm phu đồn điền, rồi bị thất nghiệp. Người vợ thì làm lao công cho sở máy nơi ba tôi làm việc...

- Và bà ấy không có con?

Chương lắc đầu:

- Không, vì thế mà bà ấy rất buồn. Nên khi bé Phương sinh ra đời, má tôi nhờ bà ấy săn sóc thì bà vui vẻ nhận lời ngay.

- Thế còn ông Thành?

- Ông ta cũng theo vợ, về giúp việc cho ba má tôi luôn.

- Như vậy, khi ba má anh đi đâu cũng đem theo cả vợ chồng ông Thành?

- Phải.

- Và họ cũng có mặt trên chiếc tàu Bạch Phượng? Lúc xảy ra vụ đắm tàu má anh ở đâu?

- Má tôi say sóng nằm một chỗ. Ba tôi dĩ nhiên phải ở bên săn sóc má tôi. Còn vợ chồng ông Thành ở một phòng riêng...

- Với bé Phương?

Chương không trả lời, buông tiếng thở dài. Tôi nói:

- Tôi hiểu rồi, bé Phương đã chết trong tai nạn đó. Nhưng còn anh?

- Thì tôi còn đây, như Khánh thấy đó. Nhưng thôi, chúng mình hãy lo khám phá những điều mới xảy ra đây. Chuyện xưa hãy xếp lại...

Tôi đếm trên đầu ngón tay:

- Vâng. Trước hết là sự xuất hiện của tên Chuột, rồi đến lá thư của tôi bị ai bóc ra đọc trộm và lấy mất mẫu ảnh thánh; tiếp đến những tấm hình kỷ niệm bị đánh cắp.

Chương nói:

- Chúng ta có một kẻ thù, nhưng tôi chưa hiểu rõ mục đích của hắn muốn gì, và tại sao chúng lại thù ghét chúng ta.

- Biết đâu không phải là... một người ở trong nhà?

- Hay đây là một trò chơi của thằng Tý Việt? Thằng đó ưa chơi trò trinh thám lắm.

Tôi phản đối:

- Khôn, coi bộ Tý Việt rất thành thực khi thấy mất những tấm hình. Vả lại tên Chuột không thể là đồng lõa của nó được.

Chương gật đầu:

- Khánh nói có lý.

Tôi gắng gượng mỉm cười:

- Dù sao thì... kẻ thù này chỉ quấy rầy chúng ta, chứ chưa phải là nguy hiểm.

- Biết đâu được?

Tự nhiên, tôi nghĩ đến tấm thảm trải cầu thang, có những bậc quên đóng nẹp... hoặc đã có người lén gỡ ra.

Chợt cánh cửa phòng nhẹ nhàng sịch mở. Bà Tám đột ngột hiện ra, khô gầy, tối tăm trong bộ đồ bà ba đen. Bà nói:

- Hai người vẫn ngồi đây à? Trời mát sao không tắt bớt quạt đi. Để chi cho tốn điện vậy.

Bà tiến về phía hành lang, nơi có cầu thang lên lầu. Khi bà đi ngang qua phòng, tôi thấy dáng bà thật mệt nhọc.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XV

CHƯƠNG XIII_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XIII


Mấy ngày qua đi nhanh chóng, kèm theo nhiều chuyện nhỏ nhặt đáng kể.

Tôi vẫn có thói quen ghi nhận những nhận xét và cảm nghĩ của tôi vào nhật ký, nên trong những ngày sống trong gia đình Chương tôi cũng ghi những mẩu vụn vặt đó vào cuốn sổ tay.

Giữ đúng lời hứa với ông Oai tôi cố giữ im lặng, không dò hỏi về ông bà Nguyễn văn Thành. Tôi tận tụy trong nhiệm vụ một cô giáo kèm trẻ và được mọi người tỏ ý hài lòng.

Tý Việt lôi cuốn tôi vào những trò chơi của nó và chính trong những lúc chơi nhởn, trong khi đi dạo, và ngay cả trong bữa ăn tôi đã lợi dụng giúp nó ôn lại bài vở một cách linh động.

Tôi rất mến bà Oai. Bà là một thiếu phụ đẹp không những về nhan sắc, vì nét mặt thanh tú của bà, mà chính cả dáng dấp khoan thai, cử chỉ mềm mỏng làm tăng thêm vẻ đẹp quí phái của bà.

Sáng nay Tý Việt hỏi tôi:

- Chị thấy má em có đẹp không?

Tôi gật đầu:

- Đẹp.

- Chị cũng giống má em.

Tôi bật cười làm Tý Việt phật ý. Em càu nhàu:

- Nhưng tóc của má là tóc tơ chứ không rậm đen như tóc chị.

Ông Oai đưa chúng tôi đi xem mỏ đá. Lần đầu tiên tôi được biết cách thức người ta đào hầm lấy đá dùng vào các công cuộc kiến trúc ra sao.

Chúng tôi chui vào những hầm dài cả cây số. Tý Việt đi theo chúng tôi chợt buông tay Chương, chạy trước.

Ông Oai gọi:

-Tý Việt! Ba cấm con không được rời khỏi anh Chương.

- Con muốn chạy xem ở đầu kia có gì...

- Chỉ có những hầm bỏ không, rất nguy hiểm.

- Tại sao nguy hiểm, ba? Bộ có con quái vật trong đó hả? Nó có ăn thịt chị Khánh không ba?

- Con đừng có nói nhảm. Những đường hầm này thông nhau chằng chịt như mắc cửi nên rất dễ bị lạc. Nhỏ như con mà bị lạc thì khó lòng tìm được lối ra. Với lại các mạch đá đã được lấy hết rồi, đất có thể bất ngờ sụt xuống, lại có chỗ nước rỉ vào, tràn đầy các hố sâu, nếu vô ý sẽ hụt chân rớt xuống.

Mặc dầu phải luôn luôn ngăn giữ Tý Việt và bị em vùng vằng bất mãn, cuộc đi thăm hầm đá cũng lưu lại một kỷ niệm thích thú.

*

Trời về mùa này vẫn đẹp, khí trời trong mát không oi nồng như những ngày cuối hạ. Bà Oai hầu như suốt ngày nằm nghỉ trên chiếc ghế dài kê dưới bóng mát ngoài vườn... Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng bà bực bội vì cứ phải nằm một chỗ, và chỉ muốn trở dậy làm một vài công việc.

Nhưng bà Tám ngăn cản:

- Chị cứ nằm yên đấy. Để đó tôi lo cho.

- Nhưng, cô Lan ạ, tôi sợ phiền cô nhiều quá.

- Không sao mà! Chị cứ yên trí nghỉ ngơi... chị nằm xuống đi...

Dĩ nhiên, bà Oai phải miễn cưỡng nghe lời, và đối với một người bà con hết lòng với mình như thế, ai có thể nỡ tâm từ bỏ cho được.

Nhưng riêng tôi, thì tôi đã tống khứ bà lâu rồi.

*

Sáng nay gió mát thoảng nhẹ rồi bỗng dưng một cơn gió ùa đến thổi bay những giấy tờ và tung rối mái tóc của tôi.

Lúc ấy tôi đang dạy Tý Việt học. Tôi vội đứng lên nhặt những trang giấy bị gió lùa đến cạnh chiếc bàn con, nơi bà Oai nằm ngoài vườn. Sắp xếp xong, tôi chợt thấy một tấm hình vương dưới bụi hoa lài.

Hình chụp một đứa nhỏ mới biết lẫy. Tôi cầm lên nhìn rồi đưa trả bà Oai. Bà gượng cười, đôi mắt rưng rưng:

- Đây là hình bé Phương.

Tôi "dạ" nhỏ đáp lời bà. Bà nghẹn ngào tiếp:

- Cháu bé mất đã lâu. Nhưng đối với một bà mẹ, tôi vẫn chưa hề khuây nỗi nhớ thương!

*

Gặp Chương, tôi hỏi:

- Bé Phương sinh ra trước anh hay sau anh?

- Tôi không biết.

- Ủa. Nhưng...

- Cô đừng có "ủa" hay "nhưng" gì hết. Tôi chưa từng thấy cô gái nào tọc mạch và thiếu tế nhị như cô!

- Còn tôi, tôi chưa hề gặp anh con trai nào lỗ mãng và mất dạy như anh.

- Cô thử nói lại điều ấy cho ba má tôi nghe coi, chính ba má tôi là người dạy dỗ tôi đó...

- Ồ, tôi thấy hai bác thương anh lắm. Có phần còn cưng anh hơn cả Tý Việt nữa.

Chương lạ lùng nhìn tôi. Tôi tiếp:

- Vì thế tôi mới hỏi anh về Phương. Có lẽ, theo tôi nghĩ thì anh có những nét đặc biệt giống với người em trai đã qua đời.

Chương vẫn im lặng nhìn tôi thật lâu. Rồi anh bỗng phá lên cười... Tôi nghe như trong tiếng cười có nhiều chua chát. Và Chương bỏ đi nới khác.

*

Tôi viết cho cô tôi một lá thư dài, thật dài, và nóng lòng chờ mong cô trả lời.

*

Bà Oai có bảo tôi:

- Không nên chấp nhất đối với bà Tám. Bà ấy thật chịu khó.

- Dạ.

- Trông bà ấy lầm lỳ và tính tình thiếu cởi mở là vì bà ấy đã chịu khổ nhiều...

- Thế ạ?

- Phải. Bà ấy lấy chồng muộn chỉ sinh được có một người con gái tên là Liễu. Nó được bà ấy thương yêu vô cùng. Nhưng khổ thay, Liễu hiện đương ở nhà dưỡng trí Biên hòa.

- Ồ! Thưa bà vì sao thế ạ?

- Thì tại nó lãng trí, khùng khùng. Nhà tôi và tôi phải cố khuyên bà Tám cho cháu Liễu vào đó, may ra mới có hy vọng vì còn được săn sóc chữa trị đến nơi đến chốn. Đó là giải pháp duy nhất mà bà Tám đành phải chấp nhận, chứ bà ấy cũng cực lòng lắm...

- Thưa, thế còn chồng bà Tám đâu ạ?

- Ông ấy sống với bà Tám được hai năm thì chết.

Tội nghiệp bà Tám! Tôi đem lòng thương hại bà... và tôi định sẽ đối xử hết sức tử tế với bà, thì... ngay chiều hôm đó vào lúc trời chạng vạng tối... tôi chợt bắt gặp bà ở cuối vườn, đứng trước cổng sau, thông ra một con hẻm hoang vắng, đang bí mật thì thầm với tên... Chuột.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIV

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

CHƯƠNG XII_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XII


Bà Oai cất tiếng gọi, một chị giúp việc trẻ tuổi người tròn như cái hạt mít chạy tới.

- Chị An, đây là cô Khánh. Chị dọn một phòng giúp tôi cho cô Khánh nhá. Tôi mệt quá mà bà Tám lại mắc đi thăm con gái chưa về.

Tôi không dám hỏi gì hơn, im lặng theo mọi người vô nhà. Trong lúc bà Oai mở tủ lấy mùng, mền cho chị ở đem sang phòng tôi. Ông Oai kéo riêng tôi ra một chỗ, hỏi:

- Hình như cô có biết chuyện chiếc tàu Bạch Phượng phải không?

- Dạ, cháu có nghe cô cháu thuật lại.

Ông Oai thở dài:

- Thực là một ngẫu hợp khá kỳ lạ. Tôi hiểu nỗi thắc mắc của thằng Chương. Nhưng tôi yêu cầu cô điều này: là đừng bao giờ đả động đến vụ đắm tàu ấy trước mặt nhà tôi... Hoặc nếu nhà tôi có gợi ra, thì cô cũng làm ơn lảng sang chuyện khác hộ cho. Nhà tôi... bà ấy bị mất trong vụ đắm tàu... một thân nhân mà chúng tôi yêu quí vô cùng.

- Có phải ông bà Nguyễn văn Thành không ạ?

- Sao? Bà cô của cô cũng nói đến vợ chồng anh Thành nữa à? Bà có quen biết họ không?

- Thưa... không...

Đáng lẽ tôi phải bộc lộ bí ẩn của tôi ra, hay ít nữa, tôi phải nói: "Ông bà Nguyễn văn Thành là cha mẹ của cháu, cháu không biết mặt mũi cha mẹ của cháu ra sao, chỉ nghe nói có một thời gian đã ở đây với ông bà và cháu nóng lòng muốn được nghe nói đến cha mẹ cháu..."

Nhưng tôi nghẹn lời không nói được. Trước mặt ông Oai tôi đâm ra rụt rè và hơn nữa chỗ chúng tôi đứng, nơi chân cầu thang, không tiện cho tôi tâm sự. Chị An đang bước tới, tay ôm một đống các thứ cần dùng.

Tôi trả lời câu hỏi của ông Oai:

- Đấy là anh Chương nói với cháu.

- À! Hắn nói những gì hả cô?

- Thưa, anh Chương không nói điều gì quan trọng, chỉ cho cháu biết là ông bà Thành xưa kia đã có ở với ông bà!

Ông Oai thở ra:

- Nhưng thôi không nên nói đến chuyện ấy nữa. Cô hứa với tôi như thế nhé.

- Cháu xin hứa!

Cơ hội qua đi thật uổng...

Giả như tôi biết rằng đây là một dịp may hãn hữu giúp tôi sớm kết thúc câu chuyện này, thì tôi đã nắm chặt lấy nó, và tránh được bao nhiêu rắc rối gây xúc động và nguy hiểm sau này.

Vừa giúp tôi dọn dẹp phòng riêng chị An vừa nói đủ mọi thứ chuyện, chị nói về quê chị, về gia đình và công việc làm của chị. Nói như vui miệng mà nói chứ không có ý than thân trách phận gì cả.

Nói một chặp chị hỏi tôi:

- Cô nghe em nói, cô có mệt không?

Dĩ nhiên tôi chỉ nghe chị tai nọ qua tai kia, nhưng tôi vội đáp:

- Không! Chị cứ nói cho vui.

Chị cười:

- Tại tính em nó vậy. Hễ có dịp nói chuyện là em nói liên tu bất tận. Bà Tám, bà ấy bảo em làm điếc con ráy của bả, nên em không thèm nói với bả nữa.

"Rồi cô xem ở nhà này có nhiều cái hay lắm! Trước hết là dưới bếp. Chà đẹp đẽ ngăn nắp lắm cô ơi! Ông chủ nhà này sắm toàn những thứ tối tân không hà. Ông bảo để cho bà đỡ mệt. Mà dùng sướng thiệt cô à, cái lò nấu bật nút một cái là có lửa phựt lên, khỏi phải than củi chi hết, quần áo giặt cũng vậy, cho vào máy, vặn nút cho quậy một hồi là sạch bóng.

"Ông chủ nhà này tốt lắm nghe cô. Ổng chiều bà đủ thứ mà bà thì nhỏ nhẹ chưa hề to tiếng với ai bao giờ hết!

"Còn Tý Việt nữa. Trời, nghịch phá phải biết, con cưng mà! Nhưng cũng dễ thương lắm. Chú ấy làm em nhớ đến thằng em trai của em.

"Rồi lại có nhiều điều hết sức là bí mật...

Chị An nói câu sau này với giọng điệu quan trọng làm tôi bật cười. Chị tỏ vẻ không bằng lòng:

- Em nói thiệt mà cô! Tỉ dụ như chuyện tấm thảm...

- Tấm thảm nào?

Chị vội bịt miệng:

- Chết cha! Em nói hơi lố rồi... nhưng em đánh hơi tài lắm.

Tôi lại cười, mỉm miệng thôi, song chị vẫn không bằng lòng:

- Cô đừng có cười, nguy hiểm lắm...

- Cười cũng nguy hiểm ả?

- Hổng phải. Em muốn nói là những chuyện mình biết được kia. Đôi khi biết nhiều cũng có thể mang vạ vào thân chứ cô.

- Nếu vậy chị đừng nên dính vào những chuyện ấy nữa.

- Em đâu có dính! Mà, tại em nghe, em thấy, rồi suy ra mà biết vậy thôi.

- Biết thì để bụng...

- Dạ... mà em ngại cho bà chủ và Tý Việt. Ông chủ bận việc, vắng nhà cả ngày lấy ai bảo vệ cho họ, nên em luôn luôn phải canh chừng. Em thương bà chủ và Tý Việt lắm.

Nói vậy có nghĩa là bà Oai và Tý Việt bị âm mưu ám hại, mà kẻ tình nghi trong vụ này là ai?

Phải chăng kẻ ấy là Chương?

Tôi đâm ra tò mò muốn biết chị An nghi cho ai? Nhưng chị đưa tay bịt vội lấy miệng và lẳng lặng bước ra khỏi phòng với dáng điệu rất ư là nghiêm trang.

Tôi thấy Chương vào bữa cơm chiều. Anh gật chào tôi đằng xa và lặng lẽ ngồi ăn.

Tý Việt nói luôn miệng, nó có vẻ lém lỉnh dễ thương khiến mọi người đều nghe nó nói với nụ cười bao dung.

Bà Tám mãi gần khuya mới về nên chiều đó tôi không gặp bà.

*

Ngày hôm sau tôi dậy thật sớm. Buổi sáng đẹp trời, không khí mát rượi, tôi thay quần áo xuống vườn tung tăng chạy nhảy như một đứa trẻ đến tận cuối rào.

Vừa toan quay trở lại, một giọng nói chanh chua chợt làm tôi khựng lại:

- Coi chừng! Cô dẫm nát hết mấy vồn rau...

Người nói với tôi câu đó là một bà xương xẩu mặc bộ bà ba đen, vừa từ chuồng gà bước ra. Bà hỏi tôi:

- Chắc cô đây là cô giáo mới?

- Dạ, phải.

- Chị Oai có nói với tôi. Năm nay cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa, mười lăm tuổi.

Đôi mắt của người đàn bà nhìn tôi soi mói, ngời vẻ riễu cợt, nhưng không thù ghét. Có lẽ bà chịu tôi hơn là các cô giáo lớn tuổi. Bà tự giới thiệu:

- Tôi là bà Tám. Có lẽ cô đã nghe người trong nhà nói tới tôi rồi chứ?

- Dạ.

- Nói cho đúng thì tên tôi là Lan kìa. Nhưng thằng Tý Việt từ hồi bập bẹ biết nói cứ gọi tôi là Tám. Rồi mọi người cũng gọi tôi bằng cái tên ấy luôn.

- Gọi là bà Tám nghe cũng được chứ ạ! Có vẻ... thân mật hơn.

- Ô, cái tên gọi chẳng có gì quan hệ, có điều mọi công chuyện trong nhà này, từ khi chị Oai lâm bệnh tới nay tôi phải cáng đáng tất cả.

Tôi hiểu ngay bà Lan tức bà Tám, là một thứ quản gia trong gia đình này.

- Chắc bà bận nhiều công việc lắm nhỉ.

- Bận muốn chết luôn.

- Nhưng ông bà chủ đây có vẻ là người tử tế, mà chỗ làm thấy cũng dễ chịu...

Tôi nói câu ấy với ý muốn tỏ ra mình là người lễ độ, biết chịu chuyện với người đối thoại, để bà Tám khỏi khinh tôi là một đứa trẻ con, không ngờ bà Tám đỏ mặt giận dữ:

- Hừ! Ông bà chủ tử tế? Chỗ làm dễ chịu? Bộ cô tưởng tôi là người làm trong nhà này hẳn? Nói để cô rõ: tôi là em họ của ông Oai, và nếu tôi có mặt ở đây là vì lòng tốt muốn giúp đỡ anh chị tôi thôi.

Nói đoạn bà quay ngoắt đi, bỏ lại tôi đứng đó, ngẩn ngơ nhìn đàn gà tranh ăn trong chuồng.

Có tiếng nói:

- Hố rồi nhé!

Lần này tôi nhận ngay ra giọng của Chương.

Chương ngồi sau gốc cây cách chỗ tôi đứng một khoảng cỏ mượt. Anh tiếp:

- Tôi thích ra vườn buổi sáng nhưng không ưa gặp bà Tám nên ngồi khuất ở chỗ này.

- Tại sao anh ghét bà Tám? Bà có vẻ tận tụy đấy chứ.

- À điều đó thì đúng! Hồi má tôi ốm yếu, cô ấy đến giúp thật đắc lực, làm chúng tôi cảm động. Nhưng sau đó, cô ấy ở lỳ luôn không rời đây nữa.

- Có lẽ bà Tám chờ má anh thật khỏe mạnh đã.

- Theo tôi nghĩ, chúng tôi có thể tạm lo lấy được rồi. Má tôi tuy còn yếu nhưng bà đã cất nhắc được chân tay, chị An kể cũng siêng năng tháo vát. Với lại nhà còn có một vú già...

- Vú ấy đâu rồi?

- Vú cãi nhau với bà Tám về vụ tấm thảm, nên bà ấy kiếm chuyện đuổi Vú ấy đi rồi. Bà lấy cớ là nuôi nhiều người thêm tốn. Còn bà ấy tuy vẫn nói chỉ đến trông nom giúp nhưng má tôi phải lo cho bà ấy đủ thứ còn tốn kém gấp bội.

- Anh không nên cay nghiệt quá đối với bà Tám. Bề nào bà ấy cũng là người trong họ hàng thân thích.

Tôi im lặng, trầm mặc.

Chương cười nửa miệng:

- Cô nghĩ ngợi gì mà thần mặt ra thế? Coi chừng mệt óc đấy nhé.

- Anh đừng hòng châm chọc tôi sáng nay. Tôi thích ở lại ngoài vườn này và không dại gì bỏ đi để anh được thảnh thơi một mình. Anh vừa nói đến vụ tấm thảm, làm tôi nhớ lại hồi hôm chị An cũng có nói đến chuyện ấy.

- Chắc chị ấy kể cô nghe về tai nạn của má tôi?

- Không, chuyện ra sao?

- Thì vẫn là chuyện chiếc thảm. Nguyên ba tôi sửa sang lại nhà cửa, ông cho đặt một tấm thảm lót cầu thang. Không hiểu do một sự bất cẩn nào, người ta đã không lắp mấy cái nẹp giữ thảm ở ba bậc trên cùng.

Thông thường, cứ bẩy giờ sáng mọi người mới ở trên lầu xuống nhà dưới. Nhưng đêm hôm ấy trời nóng, mới bốn giờ má tôi thấy khát nên xuống nhà tìm nước uống.

Và bà bị trượt từ trên đầu cầu thang xuống. Khổ hơn nữa là dưới chân cầu thang, bọn thợ còn để ngổn ngang các thứ dụng cụ mà họ chưa kịp cất. Cái ngã này đáng ra má tôi phải gãy lưng mà chết...

- Trời! mấy người thợ thật cẩu thả, vô trách nhiệm!

- Họ chối không nhận lỗi, mà vì trong lúc bối rối ba tôi cũng bỏ qua luôn. Sau đó ba đuổi bọn thợ ấy và cho bọn khác tiếp tục.

- Cũng may má anh bây giờ đã hoàn toàn bình phục.

- Nhưng chúng tôi cũng phải một phen hú vía. Nói dại, nếu má tôi có mệnh hệ nào thì tôi ân hận vô cùng.

- Sao vậy?

- Vì đáng lý ra thì mọi sáng tôi là người dậy sớm nhất, xuống nhà để ra vườn.

- Nghĩa là nếu hôm ấy má anh không khát nước, thì chính anh phải là người trượt ngã?

- Phải. Nhưng tôi, dù có lăn từ trên xuống, cũng không hề hấn gì!

Chương cười:

- Vì người tôi dẻo như cao su!

Tôi đùa:

- Chắc khi rơi xuống, anh sẽ nảy lên như trái bóng.

Tuy nói thế nhưng trí tưởng tượng của tôi hình dung lúc Chương ngã xuống, đầu va trên nền gạch bể sọ, làm tôi bỗng lạnh người.

Nhìn tôi, Chương hỏi:

- Sao mặt cô tái đi thế, cô sợ phải không?

- Không... ờ, mà khiếp quá... Nghe anh nói tôi thấy nổi da gà... Anh Chương này?

- Hả?

- Thôi.

Tôi toan nói một điều, song lại thôi không nói nữa.

Chắc tại tôi nhiều tưởng tượng quá.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XIII

CHƯƠNG XI_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG XI


Gia đình Chương ở một ngôi biệt thự xây cất theo lối cổ, có vườn rộng bao quanh. Tôi lưỡng lự khá lâu trước cánh cửa sắt rồi mới giơ tay bấm chuông. Trước đây hai ngày khi tôi nhận lời Chương, tôi đã thú thật với anh là tôi đã cạn tiền lộ phí. Chương phải cho tôi mượn tạm và sau khi chỉ dẫn qua loa đường lối, chúng tôi không gặp lại nhau nữa. Tôi đã tới đây một mình.

Chuông vừa reo tôi đã nghe tiếng chân dồn dập chạy ra. Cánh cổng mở, một chú bé khoảng bảy, tám tuổi xuất hiện nhìn tôi bằng cặp mắt đen láy.

Tôi hỏi:

- Phải em là bé Việt không?

Chú bé gật đầu:

- Đúng rồi, tên em là Việt, nhưng má em cứ gọi là thằng cu Tý nên cả nhà gọi em là Tý Việt.

Tý Việt có vẻ dễ mến lạ. Tôi mỉm cười nói:

- Còn tôi tên Khánh. Tôi là cô giáo của em.

- Chị? Chị là cô giáo... mới?

Tý Việt tròn mắt nhìn tôi, rồi quay lưng trở vào, vừa chạy vừa reo:

- Má, lại có một cô giáo nữa tới này má!

Tôi theo sau em. Từ cổng vào tôi đi qua một con đường trải sỏi. Ngôi biệt thự nằm lui về phía tay trái, giữa khu vườn rộng râm mát bóng cây.

Một thiếu phụ gương mặt mệt nhọc nằm dài trên chiếc ghế vải, mỉm cười nhìn tôi. Bà cất tiếng khi tôi đến gần:

- Cô tha lỗi cho cháu, nó hỗn quá!

- Dạ, thưa... em ngoan lắm ạ.

Tý Việt cười toét:

- Vậy mà má cứ la con hoài. Con cũng ngoan lắm chứ bộ!

Bà mẹ nhẹ nhàng rầy con:

- Con đi chơi chỗ khác đi Việt.

Tý Việt tránh xa vài bước, rồi đứng lại tò mò nhìn chúng tôi. Tôi im lặng bối rối. Bà Võ Quốc Oai bà mẹ Chương cũng không kém ngạc nhiên:

- Mời cô ngồi.

Tôi kéo chiếc ghế cạnh đấy khép nép ngồi xuống, và vẫn chưa biết mở lời ra sao.

- Cô... cô đến thăm tôi có chuyện gì không?

Nghe bà mẹ của Chương hỏi như thế, tôi bỗng thấy bàng hoàng. Tôi hoảng hốt với ý nghĩ: Chương chưa nói gì với mẹ về tôi sao?

Tý Việt đã giúp tôi thoát cơn bối rối:

- Má, đây là cô giáo mới của con mà. Nom chị ấy tức cười quá! Còn con nít ghê má nhỉ.

- Đừng nói nhảm, con. Cô đây còn trẻ quá, chưa kèm dạy con được.

Quả như điều tôi dự đoán: thì ra Chương chưa nói gì về tôi thật! Tôi phải bíu chặt vào thành ghế để khỏi chạy vội ra cổng...

Nhưng túi tôi đã cạn hết tiền. Tý Việt lại rất dễ thương và vẻ đẹp phúc hậu của bà mẹ với mái tóc sớm điểm bạc trên khuôn mặt đượm u buồn bỗng dưng làm tôi lưu luyến.

Tôi cố gắng nói:

- Thưa bà, chính anh Chương, con trai của bà đã yêu cầu cháu đến kèm cho bé Việt.

Nghe tôi nói vậy bà có vẻ như vừa ngỡ ngàng, lẫn thích thú:

- Chương! Cái thằng thật quái gở. Cô gặp con tôi ở đâu?

- Thưa, chúng cháu gặp nhau ngoài Trung, trong một nghĩa trang...

- Một nghĩa trang?

- Vâng. Cháu đang tìm việc làm; mà anh Chương thì biết bà đang cần một người kèm dạy bé Việt, nên anh có đề nghị với cháu...

- Vậy mà Chương nó chẳng nói gì cho tôi biết cả. Thằng điên thật! Ồ, mà cháu đừng bối rối nghe cháu. Để bác hỏi lại Chương và suy nghĩ kỹ xem.. Trong lúc chờ đợi cháu cứ làm quen với Tý Việt đi.

Bà rời tấm ghế dài trở vào trong nhà với chiếc nạng chống.

Còn lại tôi với Tý Việt, tôi hỏi:

- Má em bị tai nạn xe cộ phải không?

Tôi liên tưởng đến tai nạn của cô tôi, nhưng Tý Việt lắc đầu:

- Không, má em té thang lầu. Hiện giờ má em khỏi rồi nên mới đi lại được, chứ trước kia má nằm liệt một chỗ. Chị ra vườn chơi với em đi. Mình chơi trò mèo chuột đuổi nhau nhé chị...

Mới nói hết câu chú bé tinh nghịch đã thoi một đấm vào lưng tôi.

- Chị bị rồi!

Và nó phóng chạy như một chú thỏ. Tôi cười, đuổi theo.

Tý Việt nhảy lên một mô đất, phóng sang chiếc ghế đá, rồi đu mình lên cành sồi. Cây sồi to lớn cành lá um tùm che phủ một góc vườn.

Tôi đã từng chơi trò cút bắt này hồi nhỏ. Chuyện leo cây chuyền cành là việc rất thường đối với một cô gái ở miệt vườn. Tý Việt ngộ nghĩnh quá. Nói lôi cuốn tôi vào trò chơi của nó. Thấy tôi hưởng ứng, đuổi theo, nó mừng rỡ reo:

- Mìn chơi trò khỉ leo cây nha chị!

Tôi bật cười:

- Cám ơn! Chị không phải là khỉ!

- Thế mình là chim vậy. Chị là con chim xanh, em là con chim vàng. Hai đứa mình bị một con rắn rượt bắt.

Để khỏi bị rắn ăn thịt, chúng tôi chuyền từ cành thấp lên cành cao. Đùa nghịch một lúc, Tý Việt thấm mệt, tụt xuống. Nhưng nó không xuống đất mà lại hạ chân trên bờ tường rào. Tôi lo sợ thầm mong nó đừng ngã, sẵn sàng xuống theo hộ vệ cho nó. Nhưng tà áo tôi bị vướng một nhánh lá. Đến trình diện với mẹ Chương tôi đã chọn mặc chiếc áo tôi ưng ý nhất. Sợ áo bị rách, tôi loay hoay tháo gỡ.

Giữa lúc ấy thì cánh cửa phía hông nhà đói diện với cây sồi xịch mở. Và bà Oai bước ra.

Bà không ra một mình, song không phải Chương theo sau bà, mà là một ông, dáng người chững chạc, đôn hậu, hẳn đây là chồng bà, đang thận trọng dìu bà xuống bậc thềm.

Không thể bất thần từ trên cây tụt xuống, tôi đành đứng nguyên không động đậy. Tý Việt đã mất dạng phía cuối vườn.

Tôi mong ông bà Oai sớm rời khỏi nơi tôi ẩn nấp, nhưng bà Oai chỉ nhắc được những bước thật nhẹ, khiến tôi nghe hết một phần câu chuyện giữa hai người.

Ông Oai nói:

- Rắc rối quá! Đáng lẽ mình phải để tôi nói thẳng với thằng Chương.

- Khoan đã mình! Nó đang ở trong phòng; em thấy dáng điệu nó tội nghiệp quá.

- Chẳng hiểu nó có những ý tưởng quái gở gì trong đầu? Mình có chắc nó không gặp cô gái ấy ở Saigon không?

- Em tin nó nói thật. Nó vốn là thằng con ngay thẳng. Và cô gái kia nữa, coi bộ đơn sơ, chân thật lắm. Mới thoạt nhìn cô ta sao em có cảm xúc kỳ lạ lắm, mình à.

- Mình định giữ cô gái đó kèm Tý Việt hả?

- Em chưa tính sao hết. Trước hết là vì em không thể yên lòng giao phó con mình cho một cô gái còn non nớt, thiếu kinh nghiệm kèm dạy được. Sau nữa để tránh mọi rắc rối có thể xảy ra, em muốn biết rõ về gia cảnh cô ta đã. Theo em biết, cô ta có một người cô ruột ở quận Phong Điền. Em nghĩ mình nên giữ cô ta lại chờ tin của người cô đó xem sao.

- Dĩ nhiên, trong khi chờ đợi mình phải cho cô ấy tạm trú ít lâu... chớ không lẽ đuổi cô ta ra đường. Nhưng có phải đấy là lý do duy nhất đã làm em thay đổi ý kiến không?

- Không, đây là em theo ý của Chương thôi. Em có hỏi nó: "Tại sao con có ý định kỳ cục như vậy?" Thì nó gượng gạo trả lời: "Má đang cần người kèm dạy Tý Việt... còn cô ấy muốn kiếm việc làm... con thấy cô ta có vẻ đứng đắn, thùy mị nên mới đề nghị cô ấy về giúp má." Rồi bỗng nhiên nó nhìn thẳng mặt em, thú nhận: "Với lại cô ta làm con lưu ý vì cô ta có biết qua chuyện chiếc tàu Bạch Phượng."

Ông Oai giật mình:

- Nó còn nói gì nữa không?

- Không. Nhưng khi nói câu ấy mặt nó tái đi... Em tự hỏi...

Ít phút im lặng, rồi ông Oai thở dài;

- Đáng lẽ chúng ta phải cho Chương biết việc này từ lâu rồi.

- Vâng... mình nói đúng, chỉ tại em không đủ can đảm nên mới năn nỉ mình khoan nói với nó, bởi em thấy mọi sự đang êm xuôi tốt đẹp. Chứ em đâu có ngờ!

- Nếu bệnh thương hàn không làm chậm của nó mất một năm học thì năm nay nó đã thi tú tài rồi... và mình cũng vẫn phải nói cho nó biết.

- Em coi cái bệnh thương hàn nó mắc phải là một điều may, chậm thêm một năm, đối với em, đó là một năm ân huệ! Một năm của hạnh phúc gia đình... mà vợ chồng mình được hưởng từ trước tới nay.

- Không thể như trước được nữa em ạ. Chương đã thay đổi. Nó lớn rồi.

- Dạ... em cũng thấy như thế. Nhiều lúc nó cau có, bẳn tính, không thể hiểu hổi tâm trạng nó ra sao. Cũng chính vì thế mà em muốn lưu cô bé kia lại ít lâu; nhờ cô ta biết đâu mình chẳng rõ thêm được ít nhiều?

- Cô ta thì biết gì về chuyện chiếc tàu Bạch Phượng? Hồi xảy ra vụ đắm tàu, tôi chắc cô ấy chỉ mới là một hài nhi.

- Không em muốn nói là: điều mình có thể biết về những ý nghĩ của Chương kìa...

Tôi không nghe thêm được gì hơn nữa. Cành cây tôi đứng, có lẽ không chịu đựng lâu sức nặng của tôi oằn dần xuống, kêu đến rắc một cái, và ném tôi ngã chổng vó xuống đất, vừa đúng lúc ông bà Oai dợm chân bước tới.

Hai ông bà sửng sốt nhìn tôi. Ông Oai đưa tay nâng tôi dậy, mỉm cười:

- Cô xuất hiện thật ngộ! Phải chăng cô là nàng Tiên Mộc nên mới từ ngọn cây xuống?

Tôi đỏ mặt ấp úng:

- Dạ... thưa... cháu xin lỗi ông bà. Chúng cháu đang chơi trò cút bắt...

Bà Oai thương hại vẻ lúng túng của tôi, nói với chồng:

- Đây là cô giáo mới của Tý Việt đó mình.

Hướng về tôi bà hỏi:

- Tôi chưa được biết tên cô là gì nhỉ?

- Thưa, cháu là Nguyễn bảo Khánh.

Ông Oai gật đầu:

- Cô có cái tên khá hay! Tôi hy vọng cô sẽ hợp với cháu Việt, và mong cô cứ tự nhiên, như người trong gia đình chúng tôi vậy, cô Khánh nhé.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XII

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

CHƯƠNG X_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG X


Tôi ở lại Cam Lâm ba ngày. Buồn nản dâng ngập trong lòng, đầu óc trống rỗng, tôi thờ thẫn như một kẻ không hồn. Tôi trở lại xứ Đạo lần nữa thăm hai ngôi mộ của ông bà Nguyễn văn Thành, và đã khóc thật nhiều. Nước mắt của tôi âm thầm nhỏ giọt, thổn thức theo cảm xúc u sầu của một đứa con gái trước nấm mồ tẻ lạnh của song thân.

Tôi cũng đã vào nhà xứ hỏi thăm vị linh mục quản nhiệm xem ông bà Nguyễn văn Thành có còn ai là thân nhân ở đây không. Nhưng cả hai đều không có họ hàng thân thích, ngoại trừ một vài bạn đồng hương đi làm ở nơi xa.

Tên Chuột lẩn biến đâu mất. Chỉ có Chương, tôi thoáng thấy anh ở ngoài bờ sông nhưng tôi tránh mặt.

Hy vọng của tôi tan vỡ rồi. Tôi còn biết đi đâu nữa, nếu không quay trở về với cô tôi!

Tôi viết cho cô một bức thư tường thuật hết mọi sự, và báo tin để cô yên lòng là sớm muộn gì tôi cũng trở về sống bên cô.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc sống bình thản êm đềm thủa trước.

Nhưng cái hạnh phúc trước đây liệu có còn trọn vẹn như xưa?

Lúc đi mua tem gửi thư tôi mới chợt nhận ra một điều kinh khủng: tiền túi của tôi đã cạn. Vì mải miết theo đuổi mục đích của mình, tôi đã tiêu xài không tính toán.

Làm sao bây giờ? Dĩ nhiên chỉ còn mỗi cách xin thêm cô tôi. Tuy biết cô rộng lượng, nhưng tôi vẫn cảm thấy ngại ngùng hổ thẹn.

Số tiền tôi còn, chỉ vừa đủ trả nhà trọ, và may lắm thì lấy thêm được xuất vé tới Saigon.

Lòng dạ rối bời, tôi lang thang dọc theo bờ sông, rồi kiếm một mỏm đá ngồi suy nghĩ. Gió thổi sào sạc mấy khóm lau sậy mọc ven sông, sóng nước lăn tăn, đưa đẩy những xác lá bập bềnh trôi. Giá những xác lá kia trở thành những tờ giấy bạc nhỉ! Có bà tiên nào giúp tôi thoát khỏi cơn bỉ này chăng? Mơ ước của tôi viển vông quá, và cũng thật trẻ con.

Tôi chợt nghe có tiếng nói:

- Cô ngồi làm gì ở đây?

Giọng nói tưởng như của bà tiên Nhân ái hiện ra nói với con Cám trong truyện cổ tích khi hỏi nó:

- Tại sao con ngồi khóc ở đây?

Tôi quay đầu lại, không khỏi sửng sốt khi thấy Chương đang lần bước xuống chỗ tôi ngồi. Chương tỏ vẻ muốn thân thiện, hòa nhã.

Anh nói:

- Cô Khánh có quen việc kèm trẻ không nhỉ?

Tôi không hiểu tại sao bỗng nhiên Chương lại hỏi tôi câu ấy! Kèm trẻ? Tôi suýt bật cười vì cái chức nghiệp đột ngột này. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến công việc ấy cũng như chưa có dịp làm thử bao giờ. Câu hỏi do Chương đặt ra làm tôi thầm nghĩ: có lẽ đây là một dịp may để tôi kiếm dư số tiền lộ phí trở về nhà. Nhưng tự ái của tôi không cho phép tôi thú nhận với Chương rằng tôi cũng đang mong có một việc làm. Tôi chanh chua bảo Chương:

- Bộ anh cần cô giáo hả?

Chương thản nhiên ngồi xuống một tảng đá đối diện, từ tốn đáp:

- Không phải cho tôi mà là cho bé Việt, em tôi. Thằng nhỏ phá quá nên đã có hai cô giáo chê nó rồi.

- Dữ không! Chắc tính nết nó cũng dễ thương như anh chứ gì?

Chương vẫn không có phản ứng. Đôi mắt thoáng nét u buồn, anh im lặng một lát rồi trầm giọng nói:

- Má tôi không thể đích thân săn sóc em tôi được, vì sau một tai nạn, bà bị bại một bên chân và ốm yếu luôn. Phải cần một thời gian điều dưỡng lâu dài, má tôi mới có thể bình phục được.

Tôi hơi hối hận:

- Xin lỗi anh. Tại tôi không biết..

Chương tiếp:

- Ba tôi lại rất bận. Ông là chủ một nhà máy lớn, nên thường chỉ về nhà vào bữa cơm chiều.

- Nhà anh ở đâu, anh Chương?

- Ở Biên Hòa. Cô bằng lòng về đó kèm dạy em tôi không?

- Vì lẽ gì anh muốn tôi về dạy dỗ em anh? Mới đây anh còn hằn học với tôi, coi tôi là một đứa nói láo kia mà.

- Mình nên bỏ qua chuyện ấy. Dầu sao cô vẫn có thể là một cô giáo tốt.

- Nhưng tôi chưa có chút kinh nghiệm nào về việc kèm trẻ.

- Rồi cô sẽ quen và thành thạo mấy hồi.

- Biết đâu ở nhà má anh đã kiếm được người khác rồi?

- Chắc chưa, vì nếu có má tôi đã cho tôi hay.

- ... Với lại sợ má anh cho tôi hãy còn trẻ quá.

- Cô bao nhiêu tuổi rồi? Cũng cỡ mười bảy, mười tám chớ nhỏ nhít gì nữa.

- Có vẻ thôi, chớ tôi chưa tới tuổi ấy.

- Thì cũng được đi. Việc kèm dạy một đứa trẻ có gì là khó khăn. Tôi muốn trở về nhà bằng chuyến tàu tối nay. Còn cô, sáng mai cô lên tầu cũng vừa.

Tôi suy nghĩ thật nhanh. Chắc hẳn Chương đã có ý định gì trong đầu. Có lẽ anh ta muốn khám phá xem tôi biết những gì về ông bà Nguyễn văn Thành chăng? Buồn thay! Tôi nào biết gì hơn ngoài sự tin tưởng tôi là con gái của ông bà... Sau này đến tuổi trưởng thành tôi sẽ cố truy nguyên ra tên thật của tôi do cha mẹ tôi đã đặt ra.

Nhưng hiện thời sự tò mò lố bịch của Chương làm tôi bực mình. Chẳng thà tôi xin tiền cô tôi còn hơn là tự kiếm tiền trong trường hợp trớ trêu như vậy. Hơn nữa biết đâu bà mẹ của Chương lại chẳng từ chối khi tôi tới trình diện bà?

Chương hỏi:

- Cô nhận lời chứ?

Tôi bướng bỉnh đáp:

- Không.

Chương tức giận đứng lên, vừa đi vừa đá những vỏ ốc lăn lóc trên bãi cát.

Rồi đột nhiên Chương dừng lại trước mặt tôi:

- Có một điều tôi chưa tiết lộ ra và tôi tin chắc là cô không biết!

- Điều gì?

- Tôi là con của ông bà Võ Quốc Oai.

-?!

- Mà ông bà Thành, xưa kia có một thời gian đã giúp việc cho ba má tôi. Có vậy thôi!

Tôi cảm thấy gò má tôi tái đi. Và lần này tôi trả lời Chương:

- Được rồi, tôi sẽ tới nhà anh.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI

CHƯƠNG IX_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG IX


Tôi không ngăn nổi giòng nước mắt.

Tôi còn gì để hy vọng?

Mãi đến bây giờ tôi mới ý thức được: không phải tôi chỉ đi tìm tông tích một gia đình, một mái nhà, một dòng họ như tôi vừa theo đuổi lúc đầu. Mà là một người mẹ ruột thịt! Một người cha thương yêu!

Tôi từng được cô tôi yêu thương chiều chuộng, đáp lại tôi cũng hết dạ thương yêu cô tôi! Lòng yêu thương đó còn sâu đậm hơn nữa khi tôi được biết những gì bà đã dành cho một đứa trẻ xa lạ như tôi.

Nhưng dầu cô tôi có yêu thương tôi cách mấy, chiều chuộng cưng nựng tôi cách mấy, cô vẫn chưa phải là một người mẹ.

Mà tôi thì đang khao khát được làm con.

Chính vì lẽ đó tôi dám từ bỏ những sung sướng vật chất, bứt khỏi vòng tay níu kéo của cô tôi, lần mò tìm đến nơi này. Ngờ đâu vượt qua bao dặm đường dài mong gặp được cha mẹ, thì hai người đã không còn nữa!

Bàn tay của Chương nắm nhẹ cánh tay tôi:

- Đi thôi.

Tôi thờ thẫn theo Chương.

Ra khỏi xóm đạo, Chương dìu tôi ngồi xuống vệ cỏ.

- Cô không có khăn tay à?

Tôi chỉ vào valy:

- Có. Nhưng để trong này.

Chương móc túi lấy chiếc khăn tay sạch đưa tôi:

- Cô lau nước mắt đi.

Tôi ngượng ngập làm theo lời Chương. Anh ta tiếp:

- Chúng ta nên giải thích cho nhau rõ...

Tôi sụt sịt:

- Vâng.

- Tên cô là gì?

- Khánh.

- Còn tôi là Chương.

Không ai bảo ai, chúng tôi chỉ xưng tên gọi, quên nói tên họ.

- Tại sao cô cứ theo dõi tôi hoài vậy?

- Tôi không theo dõi anh, luôn luôn anh là người đến trước tôi, có vậy thôi. Tôi đã cho anh biết lúc ở trên tàu rồi.

- Nên tôi mới lại gặp cô ở đây! Ở tháp Chàm cô xuống tàu sau tôi, và ở Cam Lâm này, thì cô thấy tôi xuống tàu rồi mới xuống! Phải, tôi vẫn là người đi trước để cô theo sau.

- Sao anh biết?

- Khó gì mà không biết. Cái điệu bộ ngơ ngác của cô che giấu nổi ai. Nhưng thôi, hãy đi thẳng vào vấn đề: Cô cũng đi tìm vợ chồng Nguyễn văn Thành và Đỗ thị Nuôi?

- Phải, sau khi đã dò hỏi nhiều nơi khác... Nhưng ở Saigon, có phải anh định học hát thật không?

- Thực ra, bà Đan Thanh phụ trách chương trình TRẺ cho đài phát thanh, nên tôi mượn cớ đó để gặp bà. Đáng lý tôi chỉ cần trình bày lý do tôi muốn gặp bà cũng đủ... chắc tại tôi đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám quá.

- Còn tôi đã nói thẳng lý do của tôi ra và suýt làm bà té xỉu!

- Thôi bỏ chuyện ấy đi. Về vụ vợ chồng Nguyễn văn Thành...

- Thú thật về vụ này tôi rất ít hy vọng. Song tôi chợt nhớ ra anh cùng theo đuổi một mục đích như tôi tất anh biết nhiều điều mà tôi không biết.

Chương mỉa mai:

- Dĩ nhiên! Tôi không ngu xuẩn như cô để lần mò từ đồn điền này qua đồn điền khác, hỏi thăm từng người.

- Bởi thế tôi mới đi theo anh! Anh làm cách nào biết được vợ chồng ông Nguyễn văn Thành ở đây?

- Tôi có một người bạn đồng lớp. Ba anh ta làm việc tại tổng nha cảnh sát. Trong một lần tâm sự tôi có nói với anh bạn và anh ấy đã nhờ ông bố sưu tra dùm tôi.

Giọng Chương trầm hẳn lại:

- Buồn một nỗi là khi tìm ra tung tích thì... vợ chồng ông bà Nguyễn văn Thành đã chết rồi!

- Biết vậy anh còn tìm đến đây làm chi!

- Tôi muốn phối kiểm xem có đúng như vậy không... và thăm mộ hai người luôn thể...

- Tại sao anh lưu tâm tới vợ chồng ông Thành dữ vậy?

Chương lưỡng lự:

- Tôi không thể nói cho cô biết được. Đây là điều bí ẩn riêng tôi thề giữ kín trong lòng. Còn cô, cô Khánh, cô có thể cho tôi biết điều bí ẩn của cô được chăng?

- Được chứ! Tôi chẳng có điều gì cần giấu giếm cả. Ông bà Nguyễn văn Thành là cha mẹ ruột của tôi.

Chương nhảy nhổm người lên. Anh mất hẳn vẻ bình tĩnh, nhìn tôi với cặp mắt long lanh:

- Láo! Cô nói láo!

Đến lượt tôi vùng đứng lên, giận dữ:

- Anh dám nói tôi thế hả? Tôi đâu thèm nói láo với anh...

- Cô lấy bằng chứng đâu để tự nhận mình là con ông bà Nguyễn văn Thành? Cô trả lời tôi đi!

- Tôi không cần phải trả lời ai cả. Chuyện riêng của tôi mắc mớ gì đến anh.

- Tôi...

Đúng lúc ấy, một chiếc xe Lam đi qua, tên Chuột thu hình ngồi bên trong.

Chương như quên hẳn tôi, hằn học:

- Thì ra con chuột chù này vẫn cứ bám sát chúng ta!

Cơn giận của tôi cũng vụt tan.

- Anh Chương, tôi ngán hắn quá.

- Thứ đồ bỏ ấy có gì đáng sợ. Hơn nữa hắn không để ý cô đâu.

- Bây giờ thì hắn phải để ý vì tôi đã có dịp nói chuyện với hắn ở Tháp Chàm.

Tôi kể cho Chương nghe cuộc gặp gỡ giữa tôi với tên Chuột, Chương nói.

- Mình sẽ đề phòng. Chúng ta hợp nhau chống lại con rắn độc ấy.

- Tôi bỏ cuộc rồi. Mai mốt tôi trở về Phong Điền.

- Cô làm gì ở Phong Điền?

- Tôi về nhà tôi, gia đình tôi ở đó.

- Gia đình của ai?

Tôi nổi sùng trở lại:

- Cô tôi!

- Một thân nhân của ông bà Nguyễn văn Thành?

- Không!

Tôi quay lưng vùng vằng bước đi. Đến một ngã ba tôi đứng lại chờ xe. Chương cũng đứng đón xe cách tôi mấy bước. Trán Chương nhăn lại, đầy vẻ suy tư, và không nói với tôi câu nào nữa.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG X

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

CHƯƠNG VIII_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG VIII


Tôi nhận ra đang ở sân ga Tháp Chàm. Đây là giao điểm của hai đường Đalat Nha Trang nên tàu còn đỗ lại khá lâu để dồn chuyến phân đi hai ngả.

Trời đã bắt đầu rạng sáng. Ánh đèn ở sân ga nhạt dần vào buổi bình minh mờ đục.

Chiếc va-ly của tôi khá nặng. Tôi chợt nhận ra tôi đã tham lam mang theo những thứ lặt vặt... rất là con gái! Những thứ ấy lúc này đeo nặng trên cánh tay mỏi rời của tôi, kéo trì vai tôi xuống. Tôi thở dài bực bội, thì vừa nghe có tiếng nói bên cạnh:

- Cô cho phép tôi giúp cô một tay!

Tôi khựng người lại. Người vừa nói câu đó là tên "Chuột"!

Hắn nhắc chiếc valy của tôi một cách nhẹ nhõm mà tôi không ngờ ở con người mảnh khảnh như hắn. Đầu óc tôi rối lên những ý nghi ngờ. Từ lúc mới thoáng gặp hắn trên tàu, tôi đã có thành kiến, coi hắn là một tên gian phi. Có phải hắn định xách giùm chiếc valy của tôi để rồi chuồn luôn? Làm sao bây giờ? Hắn đi trước tôi, và tôi chỉ còn có cách theo sau hắn.

Ra khỏi nhà ga, hắn dừng lại, bảo tôi:

- Xin lỗi cô, tôi không thể giúp cô xa hơn nữa. Tôi đợi đổi sang chuyến tàu khác.

Tôi ngỏ lời cám ơn, lòng nhẹ vợi. Rồi tôi chợt nảy ra một ý kiến: Người này đang theo dõi Chương. Hắn quyết định đổi tàu, tức nhiên Chương cũng đã đổi tàu.

Như vậy tôi còn ở lại ga này làm chi? Tháp Chàm thuộc thị xã Phan Rang. Nếu là khách nhàn du tôi có thể ở lại đi thăm ngôi tháp cổ của dân Hời, và ra bờ biển Ninh Chử tắm mát. Nhưng tôi không phải là du khách. Tôi đang có một mục tiêu theo đuổi. Còn đang suy tính lưỡng lự, muốn hỏi tên Chuột một vài điều thì hắn đã hỏi tôi trước:

- Tôi vừa thấy cô nói chuyện với một thanh niên trên tầu, chắc cô với anh ta là chỗ quen biết?

- Không, tình cờ tôi vấp phải anh ta, và đứng lại xin lỗi thôi.

Câu trả lời của tôi như giải tỏa được nỗi lo ngại của tên Chuột. Hắn hoan hỉ:

- Cám ơn cô lắm. Xin chào cô.

- Chào ông.

Tôi rời khỏi cánh cổng xép dành làm lối ra cho các hành khách, và trong lúc số hành khách này lên xe về thị xã Phan Rang thì tôi âm thầm vòng vào cửa chính, đặt chiếc valy nặng nề của tôi trước chỗ bán vé. Tôi lúng túng hắng giọng:

- Mấy giờ thì có chuyến đi...

Nhân viên bán vé niềm nở, gỡ rối hộ tôi:

- Nha trang phải không? Tầu đang dồn chuyến. Còn 5 phút nữa thì chạy. Cô lấy vé gay đi kẻo trễ.

Tôi mua vé, rồi hấp tấp ra sân ga.

*

Các hành khách đi Nha trang đang lũ lượt lên tầu. Tôi nhập bọn đi lẫn vào với họ. Chương và người đàn ông có hỗn danh là "Chuột" chắc đã yên chỗ trên tầu rồi, vì không thấy bóng họ dưới sân.

Cuộc hành trình làm tôi thấm mệt. Tuy nhiên, sau một đêm lắc lư với con tàu, tôi được hưởng cái thú ngoạn cảnh dưới ánh bình minh. Cảnh sắc thiên nhiên như bừng tỉnh sau một giấc ngủ triền miên nom thật đẹp. Chân mây ửng hồng đẩy vòm trời lên cao và càng cao da trời càng biếc. Đoàn tàu lướt nhanh, lúc băng qua những cánh đồng bát ngát, lúc xuyên đồi lượn theo các triền núi quanh co. Một bên là biển. Nước biển xanh như màu ngọc bích, loang loáng ánh dương huy. Mặt trời chiếu sáng những cánh buồm lững lờ ngoài khơi, hoặc nhuốm vàng cồn cát trắng.

Phong cảnh gợi rất nhiều ý thơ, mà tiếc rằng tôi không phải là thi sĩ. Tôi chỉ nhận ra đất nước của quê hương thật hữu tình. Giả như tôi không bận tâm về mục đích tôi đang theo đuổi thì cuộc hành trình này sẽ làm tôi vui thú biết bao.

Thỉnh thoảng tàu qua một khúc quanh, tôi thò đầu nhìn con tàu như một thân rắn khổng lồ uốn khúc, chợt bắt gặp đầu Chương cũng ló ra. Sự hiện diện của Chương ở trên tàu làm tôi yên trí. Cứ theo chân anh ta, tôi sẽ tìm thấy vợ chồng ông Nguyễn văn Thành.

Chương tìm họ làm gì?

Câu hỏi này vẫn làm tôi thắc mắc, nhưng hãy để "hạ hồi phân giải". Hiện thời tôi chỉ nên kiên nhẫn chờ đợi.

Con tàu hú một hồi còi dài, báo hiệu sắp sửa vào ga. Tôi nhấp nhổm nhìn ra. Thấy vẻ bồn chồn của tôi, một hành khách kế bên nói:

- Nếu cô đi Nha trang cô cứ ngồi yên, vì ga này mới được nửa đường.

- Thưa, đây là ga nào?

- Cam Lâm.

Hành khách xuống Cam Lâm khá đông, vì đây là đường đưa vào thị xã Cam Ranh. Nhìn xuống sân ga, tôi chợt giật mình: Chương đang trả vé, len ra cửa. Không kịp suy nghĩ, tôi xách vội valy.

Người ngồi kế bên tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tưởng cô đi Nha trang! Cô xuống đây à?

- Dạ...

Tôi nối đuôi theo đám hành khách đang tuôn ra cửa. Tên Chuột đang len phía trước, lưng hắn chỉ cách tôi có mấy người.

Cuộc săn đuổi có vẻ hào hứng. Tôi ra khỏi cửa ga vừa kịp thấy Chương lên chiếc xe hàng đón khách. Nấp sau một gốc cây tôi chờ cho chiếc xe hàng rời bến, mới leo lên chiếc xe Lam, bảo:

- Ông đuổi theo chiếc xe kia dùm tôi.

Người tài xế xe Lam nói:

- Xe tôi có thể vượt trước xe kia được! Cô vô quận Cam Lâm hay sang Cam Ranh?

- Tôi chưa nhất định, ông cứ làm ơn theo hộ tôi cái xe kia.

Chiếc xe Lam từ tốn theo sau. Chiếc xe hàng đỗ lại nhiều chặng, tùy nơi hành khách muốn xuống. Xe đậu rồi đi, chẳng hiểu đã qua những nơi nào vì tâm trí tôi rối bời, mắt chăm chú nhìn chiếc xe đàng trước, chỉ sợ lạc mất Chương. Một xứ đạo hiện ra với tháp thánh đường. Chiếc xe hàng ngừng bánh. Có ba hành khách xuống xe: hai người đàn bà tay mang xách nặng và Chương.

Tôi bảo người tài xế xe Lam:

- Ông cho tôi xuống đây thôi...

Sau khi trả tiền xe, tôi đi vào con đường Chương vừa quẹo. Bước chân tôi ngập ngừng trước cổng nhà thờ. Tôi hỏi một bà già đang lom khom quét ngoài sân:

- Bà làm ơn cho cháu biết, nãy giờ bà có thấy một cậu trai nào qua đây không?

Bà già hấp háy cặp mắt.

- Anh cô đó hả? Cậu ấy vừa đi về lối này.

Tôi lững thững đi theo hướng bà chỉ, vượt qua một cổng rào và tiến thêm ít bước trên con đường cát mịn, tôi nhận ra đây là một nghĩa trang. Gió thoáng lướt qua hàng ô-rô thấp, thoảng mùi nước mặn. Những cụm hoa dừa màu tím nhạt nở bên các nấm mộ xanh cỏ.

Chương đứng ở cuối góc nghĩa trang, lưng quay lại phía tôi.

Tôi thấy không cần phải ẩn nấp nữa, nhẹ nhàng tiến đến bên anh và tôi nhìn điều anh đang nhìn, lòng nặng u sầu.

... Trên tấm mộ chí đặt giữa hai ngôi mộ nằm song đôi, có ghi những hàng chữ:

Nơi đây yên nghỉ

Nguyễn văn Thành và Đỗ thị Nuôi

Sinh quán Bắc Việt, qua đời ngày...

Tiếp theo hàng số ghi ngày tháng... có thêm câu:

Xin hãy cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

_______________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>