Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

CHƯƠNG VIII_CHUỖI NGỌC TRƯỜNG SINH


CHƯƠNG VIII


Sáng hôm đó, trong khi Linh đang bận khách tíu tít ở cửa hàng thì Cảnh, Phúc và Châu rủ nhau đi thăm đồn điền trà và hang đá. Các cậu chẳng ngờ rằng những sự phiêu lưu nguy hiểm đang đợi chờ các cậu.

Bữa đó, lý do chính là các cậu không muốn có mặt ở nhà, vừa vô ích vừa có hại.

Vô ích, vì nếu nhân viên cảnh sát đoán đúng thì việc điều tra ở đồn điền sẽ chẳng mang lại được kết quả gì : chuỗi ngọc đã bị quân gian mang về Sàigòn rồi.

Có hại, vì một số phóng viên nhà báo đã kéo tới đồn điền để săn tin. Nếu họ nhận thấy sự hiện diện của ba cậu học sinh, bà Ngọc Sương sợ rằng họ sẽ dùng làm đề tài để đăng những tin tức hấp dẫn.

Vì vậy ba cậu chỉ ăn uống qua loa rồi chạy ra chuồng ngựa thắng yên cương cho ba con. Đúng ra là Châu làm cả, vì Cảnh và Phúc không thạo công việc đó.

Nhẩy lên lưng ngựa, các cậu tiến về phía Nam, đèn bấm giắt ở thắt lưng.

Họ đi dọc theo những luống trà đã trổ búp ra chi chít.

Châu có vẻ buồn rầu nói:

- Đáng lẽ phải có đến sáu chục công nhân để hái trà hôm nay, mà hiện chỉ thấy độ mươi người. Những người khác không tới vì sợ ma. Nếu tình trạng này kéo dài thì bà cô tôi không thể nào trả được nợ và sẽ bị khánh tận.

Cảnh và Phúc tìm câu gì nói để trấn an tinh thần anh bạn.

- Xếp của tụi tôi là anh Linh rất tài ba – Phúc nói – Nếu anh tìm ra biện pháp để xua đuổi bóng ma thì các công nhân sẽ trở lại làm việc.

- Nếu vậy phải hành động gấp rút – Châu đáp – Để chận họ sẽ đi làm nơi khác. Sáng nay xẩm Lý có ý nói tất cả lỗi là do tôi : chính tôi đã mang tai họa tới cho gia đình này kể từ khi tôi từ Hồng Kông về đây, trên một năm nay. Vậy có lẽ tôi phải trở lại bên đó.

- Anh nghĩ lầm rồi! – Cảnh nói – Sao lại có thể mang tai họa đến cho một người khi anh chỉ muốn làm điều tốt cho người đó?

- Tôi không rõ – Châu gật đầu đáp – Một điều chắc chắn là từ khi tôi trở về đây, nhiều sự rủi ro đã xảy đến. Nào là kho bị cháy, máy điện hư, máy cày trục trặc, trà bị hư mốc v.v…

- Nhưng đâu phải lỗi ở anh? – Phúc cãi.

- Cái đó còn tùy. Nếu tôi trở lại Hồng Kông, có lẽ bóng ma sẽ rời đây cùng với tôi và sự thịnh vượng lại trở về với đồn điền. Bất cứ vì lý do gì, tôi không muốn làm cho bà cô tôi bị thua thiệt.

Cảnh lái câu chuyện sang đầu đề khác:

- Anh kêu bà Ngọc Sương là bà cô và ông Thuận là chú. Thế dây liên hệ như thế nào? Cụ Trịnh Thường có phải là ông nội của anh không?

- Đó là cụ nội tôi, còn bà Ngọc Sương là bà cô tôi và ông Thuận là người cháu họ xa của bà. Tôi gọi ông là chú cho nó thân. Ngoài ra, không còn người thân thích nào khác.

Phúc ngắm nhìn thung lũng bao la, ngoắt ngoéo, trồng đầy những cây trà.

- Vậy tất cả những đất đai này là của anh?

- Đâu có, đây là của bà Sương, bà muốn cho tôi tất cả, nhưng tôi từ chối. Bây giờ bà lại muốn giao cho tôi quyền sử dụng, nhưng tôi muốn chia một nửa cho chú Thuận. Dầu sao thì chú cũng đã giúp bà Sương để làm cho đồn điền này đạt tới mức quan trọng hiện tại. Tuy nhiên, nếu phải bán đi để trả nợ, thì chẳng còn ai được chút gì nữa.

Một chiếc xe jeep chạy tới. Ba cậu kỵ mã vội đứng dẹp sang một bên để nhường lối. Châu cưỡi con Huyền Anh, lông đen như mun trông thật hùng vỹ. Phúc cưỡi con Đạm Vân, vóc dáng rất lanh lẹ, còn Cảnh cưỡi con Ngọc Hồng, có vẻ hiền hòa nhất đám.

Xe dừng lại, bác Ngưu thò cổ ra:

- Chào cậu Châu! Sáng nay quá ít công nhân tới làm, phải không cậu?

Châu gật đầu.

- Chỉ vì ba chú cai của mình đó. Tôi rán tuyển một số công nhân khác để thay vào, nhưng chưa chắc có kết quả. Tôi phải về phúc trình với bà chủ. Chuyện này không phải chơi đâu cậu ạ.

Rồi chiếc xe jeep phóng đi. Ba cậu lại giựt cương cho ngựa đi. Châu cố xua đuổi nỗi buồn.

Ba cậu tiếp tục lần theo thung lũng. Quá trưa, họ thấy đói bụng và nhớ tới gói bánh mì, bình nước họ mang theo, cùng vài bó rơm cho ngựa.

- Tôi biết một chỗ này mát mẻ dễ chịu lắm – Châu nói.

Rồi cậu dẫn hai bạn tới một ngôi nhà đã cổ, cạnh con đường nhỏ bên sườn phía Tây thung lũng. Những khối đá dựng xiên trải nhiều bóng mát. Ba cậu xuống ngựa buộc vào gốc cây, rồi lấy rơm cho chúng ăn. Xong, họ vào trong nhà, ngồi xuống đất để nghỉ. Ở đây, không khí mát rượi. Họ vừa ăn vừa nhìn ra ngoài thung lũng, vừa chuyện trò vui vẻ.

Châu kể cho hai bạn nghe cuộc đời vui tươi của cậu ở Hồng Kông, có nhiều bạn bè, không thui thủi một mình như ở đây.

Bỗng các cậu trông thấy một chiếc xe vận tải chạy tới đậu trước các kho dùng để ủ trà đen và chứa các máy cày, cách đó vài trăm thước. Mươi người từ trên xe nhảy xuống, đứng tụ tập như chờ đợi cái gì.

- Lúc này đáng lẽ họ phải đang hái trà chứ? – Châu chau mày nói – Sao lại ở không thế này?

Chiếc xe jeep của bác Ngưu cũng vừa tới đậu cạnh đó, rồi bác tiến vào trong kho, bọn người kia theo sau.

- Có lẽ họ vào sửa chữa máy cày – Châu nói – Kỳ cục! Sao lại làm công việc đó hôm nay? Tôi không thích bác Ngưu lắm, vì tuy bác thạo nghề và có uy quyền với công nhân, nhưng bác hơi hung dữ… Bây giờ chúng ta lại lên đường, các bạn đi!

Phúc đứng vùng dậy, chẳng may chiếc đèn bấm của cậu tuột ra rơi xuống đất. Nhặt lên, cậu thấy bóng và kính đã vỡ.

- Chết chửa, đèn tôi bị hư rồi.

- Hai chiếc đèn có lẽ cũng đủ – Châu nói – Tuy nhiên…

Thấy chiếc xe jeep của bác Ngưu vẫn đậu trước dãy nhà kho, cậu đề nghị:

- Hay là anh lại mượn chiếc đèn bấm của bác Ngưu, mà bác đưa tôi mượn tối qua đó. Nó nằm luôn luôn trong hộp đồ nghề của bác ở trên xe. Chiều về ta sẽ trả lại bác. Để tôi đi lấy cho.

- Không, không, tôi đã vô ý để vỡ chiếc đèn này thì để tôi đi mới phải.

Châu bèn viết vài chữ cho bác Ngưu để bác rõ.

- Bác ta không ưa bị phiền nhiễu trong khi đang làm việc. Vậy anh chỉ việc để mảnh giấy này vào hộp đồ nghề của bác là đủ. Vả lại, chiếc đèn này là của bà Ngọc Sương, chúng ta cũng có quyền sử dụng chứ.

Phúc lên ngựa và chạy tới chỗ xe jeep đậu. Một tay, cậu mở nắp hộp và thò vào lục lọi. Chiếc đèn bấm nằm ở một góc hộp. Cậu cầm lên giắt vào thắt lưng, rồi cậu để mảnh giấy của Châu vào thay thế. Để bác Ngưu trông thấy, cậu cứ để hộp mở nắp. Xong xuôi, cậu trở lại chỗ hai bạn đang đợi.

Vừa đi được lối trăm thước, cậu nghe thấy tiếng người kêu. Quay lại, cậu thấy bác Ngưu đang đứng cạnh xe jeep, vừa vẫy cậu vừa hét to.

Phúc bèn giơ cao chiếc đèn bấm lên và chỉ tay vào chiếc hộp đồ nghề, để bác Ngưu hiểu mà đọc mảnh giấy. Nhưng không, bác ta vội nhẩy lên xe và phóng đuổi theo Phúc. Những công nhân trong kho đổ ra xem cuộc rượt bắt.

Phúc thấy bác Ngưu muốn đuổi bắt mình, cậu bèn hãm ngựa lại đứng đợi.

Con Đam Vân bước sang một bên, hai tai cụp xuống, có vẻ sốt ruột. Nó cứ nhìn trừng trừng vào chiếc xe jeep đang chạy tới, tiếng máy kêu ầm ĩ.

Bác Ngưu thắng rít lại, nhẩy xuống đất như người bị bật từ ghế lên, rồi xông lại chỗ Phúc.

- Đồ ăn cắp, đồ mất dạy! – Bác hét to – Tao sẽ cho mày một bài học!

Con Đạm Vân thấy vậy phát hoảng vội cất vó phóng nước đại qua nhiều vườn trà về phía núi cao. Phúc chẳng biết làm thế nào để kìm ngựa lại.

Cậu phải lấy hai đùi kẹp chặt lấy mình ngựa, hai tay thì nắm lấy cuống yên cho khỏi ngã.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IX
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>