Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

CHƯƠNG III_MÁI NHÀ XƯA


CHƯƠNG III


Vợ chồng chị Hương đối với tôi thật tốt. Có lẽ Bác Sáu đã nói rõ hoàn cảnh của tôi cho anh chị biết nên cả hai đều đối xử với tôi hết sức ân cần. Khi đi chơi về, thấy vẻ mặt bí xị của tôi, anh chị cũng không khó chịu về thái độ của người bạn đồng hành mà có lẽ anh chị đã phải tiếp nhận một cách miễn cưỡng. Chị Hương vỗ về tôi:

- Bữa nay đã muộn rồi! Lát nữa chúng mình sẽ đi ăn cơm chiều ở nhà hàng, rồi về nghỉ ngơi cho khỏe. Đến sáng mai anh chị sẽ đưa em đi tìm người bà con, em chịu không?

Tôi đáp:

- Cám ơn anh chị. Nhưng anh chị định đi nhà hàng nào? Em thì muốn vô Chợ lớn ăn ở nhà hàng Long Hải!

Vợ chồng chị Hương nhìn nhau. Anh An chồng chị Hương cười đùa:

- Sao em giỏi thế! Mới chân ướt chân ráo lên Saigon đã biết cả hàng ăn trong Chợ lớn? Chắc nhà hàng này có nhiều món đặc biệt lắm phải không?

- Không, nhưng em muốn nói chuyện với một người Tàu.

Đến lượt chi Hương tròn xoe đôi mắt:

- Em quen người Tàu nào? Bộ em nói được cả tiếng Tàu nữa hả?

Tôi phải giải thích đầu đuôi cho vợ chồng chị hiểu. Khi nghe ra chị Hương hối hả muốn mở cuộc điều tra ngay. Chúng tôi sửa sang lại nhan sắc cho đỡ lem luốc rồi kiếm xe vô ngay Chợ lớn.

Nhà hàng Long Hải là một tiệm ăn cỡ trung bình, không đồ sộ như những nhà hàng lớn hai ba tầng lầu, cũng không luộm thuộm ồn ào như các tiệm ăn tạp nhạp khác. Có thể nói đây là một tiệm ăn xinh xắn do một người ít vốn, nhưng biết cách tổ chức: sạch sẽ với những bàn ăn trải khăn trắng, ấm cúng và thanh lịch với những thực khách biết thưởng thức các món ăn ngon của nhà hàng.

Vợ chồng chị Hương chọn mấy món ăn thật ngon và lạ miệng. Vừa ăn chúng tôi vừa để ý quan sát. Làm sao phân biệt được ai là ông Lủ giữa đám người Tàu lặng lẽ phục dịch quanh các bàn? Có thể ông không có mặt trong phòng ăn, vì ông còn bận giữ vai trò quan trọng: vừa chủ nhân vừa đầu bếp.

Chúng tôi cố kéo dài bữa ăn, nhấm nháp từng ngụm nước trà sau phần tráng miệng. Tôi cảm thấy thất vọng, chán nản, mất hết nhuệ khí lúc đầu.

Anh An an ủi tôi:

- Bỏ cái mặt buồn thảm ấy đi Khánh! Để anh hỏi thăm xem sao.

Anh đứng lên bước lại phía quầy trả tiền nói chuyện với cô thu ngân. Rồi anh quay về bàn ngồi uống nước chờ đợi. Khách ăn bắt đầu vãn dần, chỉ còn lơ thơ ít người cũng đang sửa soạn rời chỗ. Lúc ấy ông Lủ mới ở trong nhà bước ra. Ông tiến lại bàn chúng tôi nghiêng mình cúi chào. Tôi cứng lưỡi ngồi nhìn ông, chẳng biết nói gì. Anh An thay tôi hỏi thăm các chi tiết về chuyến tàu Bạch Phượng. Ông Lủ gật đầu đáp:

- Tôi nhớ vụ đắm tàu đó.

Chị Hương hấp tấp hỏi:

- Ông còn nhớ số người Việt sống sót trên chuyến tàu ấy là bao nhiêu không?

- Nhớ chứ! Có chừng bảy tám người.

Câu trả lời không ngập ngừng đó làm chúng tôi ngạc nhiên.

- Ông có nhớ tên họ không?

- Có!

Anh An kêu lên:

- Khó tin quá! Mười mấy năm trời mà ông còn nhớ được cả tên đám hành khách ấy nữa sao? Huống chi ông không phải là thuyền trưởng, mà chỉ là...

Ý anh An muốn nói ông ta chỉ là đầu bếp dưới tàu, không có phận sự tiếp xúc với hành khách, thì làm sao nhớ tên họ được. Nhưng chị Hương do linh cảm tế nhị của đàn bà, đã vội gạt:

- Tại sao anh lại nghi ngờ? Chắc ông Lủ đây phải có lý do nào đó nên mới nhớ lâu như thế.

Ông Lủ gật đầu, hướng về phía chị Hương, trịnh trọng:

- Dạ, thưa cô, quả có thế...

Giọng nói của ông Lủ không khác gì một người Việt thanh lịch. Ông tiếp:

- Vâng, hồi đó các xí nghiệp lớn đều do người Pháp nắm giữ. Nhân viên hãng Ba Sao đa số là người Pháp, kể cả ông thuyền trưởng chiếc tàu Bạch Phượng. Tôi đã đi nhiều nơi, thông thạo nhiều thứ tiếng nên ngoài chức vụ đầu bếp dưới tầu tôi còn được dùng làm thông ngôn nữa. Hơn nữa, trí nhớ của tôi không đến nỗi kém cỏi lắm.

Tôi thốt nói:

- May quá! Nếu vậy xin ông vui lòng cho tôi biết ngay tên những người ấy...

Nhưng lần này ông Lủ lắc đầu. Anh An vừa bị hố lúc đầu, nên nhỏ nhẹ giải thích với tôi:

- Ông Lủ tuy có giữ vai trò thông ngôn, ông nhớ được số hành khách đã là giỏi lắm rồi. Còn tên tuổi làm sao ông ấy nhớ cho nổi.

Giọng ông Lủ vẫn thản nhiên như nét mặt ông ta:

- Tôi không quên bao giờ. Tôi ghi chép và còn giữ lại tất cả.

- Để chi vậy?

- Để kiếm lợi cũng có và đôi khi cũng để giúp đỡ người ta nữa. Trong thời buổi nhiễu nhương này, cái biết của mình càng tăng thêm sự khôn ngoan.

Tôi khẩn khoản:

- Ông làm ơn cho tôi biết tên những người hành khách ấy ngay đi.

- Ngay bây giờ thì chưa được. Xin khất cô đến mai.

Tôi được biết theo lời ông Lủ giải thích, thì ông có giữ một cuốn sổ tay. Cuốn sổ đó hiện ông còn giữ, trong khi bao sổ sách giấy tờ của tàu Bạch Phượng đã mất hết.

Sáng hôm sau tôi trở dậy hơi muộn. Trong đêm vừa qua tôi trằn trọc mãi gần đến sáng mới thiếp đi được. Khi tôi xuống phòng khách thì vợ chồng chị Hương đã có mặt tại đấy. Anh chị mỉm cười chìa cho tôi mảnh giấy có ghi tên tám hành khách của chiếc tàu Bạch Phượng gồm có:

Nguyễn Văn Thành công nhân đồn điền và vợ Đỗ thị Nuôi

Huỳnh Phương, ký giả

Ông Bà Võ Quốc Oai

Dì Phước Agnès Augustine, Dòng Thánh Tâm

Đan Thanh, nữ ca sĩ.

Bà Nguyễn Trục Trinh.

Tôi đọc đi đọc lại mảnh giấy tới ba bốn lần. Một trong những tên họ ghi ở đây sẽ là tên họ của tôi. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều:

- Ủa, sao không thấy tên đứa trẻ nào cả?

Anh An nói:

- Anh có hỏi ông Lủ điều ấy. Ông cho rằng trẻ con, đối với ông ta cũng chỉ như những bọc hành lý hành khách mang theo, không đáng quan tâm. Vì vậy ông không để ý ghi chép mất công.

Tôi bẩm bẩm:

- Không biết em thuộc giòng máu của Nguyễn Văn Thành hay Võ quốc Oai đây? Nữ ca sĩ Đan Thanh lúc ấy có đem theo con gái đi không nhỉ? Dì Phước Agnès thì... có thể dì được người ta trao phó một đứa trẻ lắm chứ... Còn cái ông ký giả nhà báo, chắc chắn ông không bồng theo trẻ thơ bên cạnh rồi!

Chị Hương góp ý kiến:

- Biết đâu được, có thể ông ta là người Việt, nhưng vợ là ngoại quốc, trong đám người Pháp chẳng hạn!

Anh An phá lên cười:

- Nếu vậy thì Khánh phải có bộ tóc vàng, mắt xanh và mũi cao chứ. Em thử nhìn Khánh xem có nét nào lai tây phương không!

- Thế thì trong đám người Tàu! Người Trung Hoa và người Việt Nam đều là dân Á đông cả.

Tôi thở dài:

- Nói vậy thì, trừ bà Nguyễn Thục Trinh là cô của em ra, còn có bảy gia đình em phải đi tìm. Mà tuyệt nhiên chưa có được chút tia sáng nào hết! Ông Lủ có cho biết thêm chi tiết nào nữa không?

Chị Hương vuốt ve tôi:

- Đừng vội nản chớ cưng! Những điều ông Lủ cho biết cũng quí hóa lắm rồi.

Tôi thở dài.

- Vâng. Nhưng, bây giờ...

Anh An tiếp:

- Bây giờ thì Khánh nên nhớ là Khánh có một người bà con ở Saigon. Nếu Khánh chưa thoái chí, anh chị sẽ đưa em đi tìm người bà con ấy. Hy vọng người bà con này sẽ giúp đỡ Khánh được.

Không, tôi chưa thoái chí. Tôi vẫn cương quyết muốn tìm cho ra tông tích của tôi dù có phải lặn lội tới bất cứ góc biển chân trời nào.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>