Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

CHƯƠNG V_CHUỖI NGỌC TRƯỜNG SINH


CHƯƠNG V


Cảnh liếc nhìn Linh, thấy Linh gật gật đầu, cậu bèn tiếp:

- Thưa bà, chúng cháu xin vâng, nếu được ba má chúng cháu cho phép ạ.

- À, như vậy thì tốt lắm! Ban nãy, tôi đã vừa kêu điện thoại để xin phép các bác bên nhà, và tôi tin rằng không có chi trở ngại. Đồn điền Thanh Lâm dễ chịu lắm. Thằng Châu, cháu tôi, sẽ bầu bạn với các cậu. Nó đã sống từ thủa nhỏ trên đất Tầu và mới về đây được hơn một năm.

Rồi, các chi tiết hành trình được xếp đặt rất mau. Trưa nay thì các cậu đi xe đò lên Bảo Lộc. Châu sẽ đợi các cậu ở đó để hướng dẫn về đồn điền.

Đặt ống nói xuống, Cảnh reo lên:

- A! Thú vị đấy, lại đi coi ma! Nhưng này xếp Linh, bà ấy không mời cậu! Sao bất công vậy?

- Thế là phải chứ, vì mình có được trông thấy ma đâu – Linh vừa đáp vừa cố che giấu nỗi thất vọng – Vả lại, dù bà có mời, mình cũng chẳng thể đi được, vì mai cô chú mình phải đi Biên Hòa để mua hàng, mình phải gác nhà.

- Đành vậy, nhưng chúng ta là một “ê kíp” – Phúc nói – Không nên tách rời ra như thế, nhất là trong vấn đề đi tìm ma.

Linh bóp môi nói:

- Mình nghĩ rằng sự việc diễn tiến có nhiều thuận lợi đó. Vì bóng ma đã dọn lên đồn điền Thanh Lâm thì các cậu cứ lên đó mà điều tra cho ông thanh tra Duy Đức, còn tôi ở nhà để điều tra chuyện khác. Chúng mình đã thiết lập thành văn phòng là tiện lợi như vậy đó.

Linh nói nghe cũng có lý. Phúc và Cảnh bèn từ giã Linh để về nhà sửa soạn. Trong va li, họ không quên mang theo mỗi cậu một chiếc đèn bấm và một cục phần mầu : xanh cho Cảnh và tím cho Phúc.

Tới trưa, Linh tiễn hai bạn ra bến xe và dặn;

- Cảnh, cậu sẽ kêu dây nói về cho mình để báo cáo sự việc diễn tiến. Văn phòng mình có được một ít tiền để dành nên có thể trả phí tổn điện thoại liên tỉnh. Nếu các cậu thấy ma, mình sẽ tìm cách lên sau.

Bà Hồng Phong cũng dặn dò Cảnh:

- Con phải nhớ cư xử đúng mẫu con nhà gia giáo đấy nhé. Mẹ rất vui nếu con có thể giúp ích cho bà Ngọc Sương. Bà là người rất lịch sự, chu đáo, mẹ rất quí mến. Mẹ cũng mong con sẽ có dịp giải trí : hình như đồn điền có nuôi ngựa đua, các con có thể cỡi đi du ngoạn với người cháu của bà.

Một lát sau, xe khởi hành, và khoảng 5 giờ chiều thì tới Bảo Lộc. Bên đường, một cậu học sinh thấp hơn Phúc một chút nhưng to ngang hơn, đang đợi hai cậu.

- Tôi là Châu, ở đồn điền trà Thanh Lâm của bà Ngọc Sương. Tôi đang đợi các anh.

Sau khi lấy hành lý trên xe đò xuống, Châu dắt hai cậu tới một chiếc xe hơi có tài xế chờ sẵn.

- Bác Quí – Châu giới thiệu – đây là khách của nhà : cậu Phúc và cậu Cảnh. Bây giờ ta về đồn điền đi.

- Dạ, dạ!

Bác tài xế bèn xếp hành lý vào sau xe rồi lên cầm lái. Ba cậu cùng ngồi ở ghế sau.

Trên con đường đồi, Phúc và Cảnh vừa nói chuyện với Châu vừa ngắm nhìn phong cảnh miền sơn cước.

- Đây là con đường tốt nhất để đi tới đồn điền – Châu giải thích – Đồn điền này do bà cô tôi quản trị nhưng bà cô tôi coi như nó thuộc quyền sở hữu của tôi. Tuy nhiên, tôi không muốn lấy lại đồn điền này, cả đến khi tôi tới tuổi trưởng thành cũng vậy.

Từ trước, hai cậu thám tử vẫn chưa biết rằng đồn điền trà này chính là của Châu, cháu tứ đại của ông Trịnh Thường. Châu tiếp tục kể lai lịch của hắn cho hai cậu nghe.

Trước khi kết duyên với người thiếu nữ Trung Hoa, ông Trịnh Thường đã có một người vợ Việt Nam, vẫn theo ông đi đây đi đó trong các cuộc viễn du. Bà đã sinh hạ một người con trai tên Sử và qua đời sau đó ít lâu.

Vì công việc làm ăn, ông Trịnh Thường không thể bận bịu về cậu con trai, bèn gởi cậu vào một tu viện ở Hồng Kông. Ít lâu sau, nhà hàng hải lão thành bị rắc rối do vụ trộm chuỗi ngọc huyền diệu nên đã rời khỏi đất Tầu, mang theo người vợ trẻ người Trung Hoa về Việt Nam. Người con trai ông vẫn được gởi ở Hồng Kông.

Khi lớn lên, ông Sử lập nghiệp ở Hồng Kông. Châu là cháu nội ông Sử và nay thì cha mẹ hắn cũng như ông Sử đã qua đời tất cả. Hắn về đồn điền Thanh Lâm với bà Ngọc Sương trên một năm nay.

- Từ hồi đó – Châu nói – tôi vẫn ở đây với bà. Bà tốt với tôi quá nên tôi muốn giúp đỡ bà, vì lúc này bà cần được giúp đỡ hơn lúc nào hết. Chú Thuận thì khi ở Sàigòn, khi ở trên này. Bây giờ hồn ma cụ tứ đại tôi đã hiện về, tình hình lại thêm rắc rối. Thôi, để các anh coi vấn đề ra sao. Tôi không thể nói gì về những điều mà tôi chưa hiểu rõ.

Cảnh muốn hỏi một đôi câu, nhưng cả ngày hôm nay đã xảy ra bao nhiêu là biến chuyển, nên trước khi cậu cất tiếng nói thì cậu đã ngủ gục.

Xe quặt vào đồn điền, Cảnh giựt mình tỉnh dậy. Mặt trời đã lặn ở đầu non. Chiếc xe tới đậu trước một tòa nhà hai tầng cất bằng đá và gỗ thông, chung quanh có đồi núi bao bọc. Trong bóng hoàng hôn, Cảnh và Phúc nhận thấy ngàn vạn cây trà, mọc khắp sườn đồi và thung lũng.

Ba cậu xuống xe. Châu đi trước dẫn lộ, trèo lên một cầu thang bằng gỗ tiếp đến cửa chính.

Vào tới phòng khách, một bà đứng tuổi, dáng người yếu ớt nhưng cốt cách rất phong lưu, tiến ra đón khách.

- Chào các cậu. Tôi rất vui mừng được tiếp các cậu. Cuộc hành trình có mệt lắm không?

- Kính chào bà, cuộc hành trình tốt lắm ạ, xin cám ơn bà.

Rồi nữ chủ nhân đưa khách vào phòng ăn.

- Tôi chắc các cậu từ xa tới đói lắm. Vậy mời các cậu dùng cơm với em Châu đây, rồi mai chúng ta sẽ nói chuyện. Bữa nay tôi hơi mệt nên muốn đi nghỉ sớm.

Bà gõ một tiếng trên cái cồng bằng đồng đen, một a xẩm đi vào.

- Lý à! Dọn cơm để các cậu xơi đi.

Lúc đó, một ông mà các cậu nhận ra là ông Thuận, cũng vừa vào tới, vẻ mặt đăm chiêu.

- Chào các cậu! – ông nói với một giọng trong trẻo. Chúng ta đã gặp nhau trong trường hợp rất lạ lùng, hôm qua… Tôi thấy tất cả câu chuyện đó thật là khó hiểu, mà không phải chỉ có một mình tôi.

- Cậu Phúc và cậu Cảnh, chúc các cậu ngủ ngon – bà Ngọc Sương nói – Cháu Thuận ơi! Đưa cô lên lầu đi.

- Thưa cô vâng.

Rồi hai người cùng ra. Châu vừa bật đèn vừa nói:

- Đêm ở đây xuống quá mau. Bên ngoài đã tối mịt rồi. Vậy bây giờ chúng ta ngồi vào bàn và nói chuyện. Các anh có thể đặt câu hỏi.

Lúc đó, a xẩm đẩy vào một cái bàn đầy các thứ thịt, rau, khoai, củ cải v.v… Cảnh thấy bụng đói như cào.

Ba cậu vừa ngồi xuống ghế thì nghe thấy tiếng kêu ré lên từ trên lầu đưa xuống. Tiếp theo là một sự im lặng đầy đe dọa.

- Đó là tiếng bà Ngọc Sương kêu! Để tôi lên coi – Châu vừa nói vừa nhảy lên cầu thang.

Cảnh, Phúc, xẩm Lý và mấy người gia nhân nữa cũng lên theo.

Cầu thang dẫn tới một hành lang, đằng cuối là một cánh cửa ngỏ. Đèn thắp sáng trong phòng bà Ngọc Sương. Bà nằm sóng soài trên giường. Ông Thuận đang vuốt cổ tay cho bà và nói với một giọng lo lắng.

- Cô Ngọc Sương, cô Ngọc Sương! Cô tỉnh lại đi!

Khi thấy mọi người chạy tới, ông liền ra lệnh:

- Xẩm Lý à! Lấy cho tôi lọ thuốc muối của bà đi.

A xẩm chạy tới phòng rửa mặt rồi trở lại với một cái lọ nhỏ, mở nút ra, đặt dưới mũi bà Ngọc Sương.

Một lát sau thì bà cử động tứ chi và tỉnh lại. Bà thều thào:

- Tôi xin lỗi nhé. Tôi đã kêu lên và ngất đi. Kỳ dị quá, lần đầu tiên việc này xảy đến cho tôi.

- Thưa bà, chuyện gì đó ạ? – Châu hỏi với một giọng lo âu – Sao bà phải kêu lên?

- Tôi đã thấy bóng ma – bà Ngọc Sương đáp và cố giữ cho giọng khỏi run – Khi tôi vừa bảo cháu Thuận trở xuống và tôi bước vào phòng, chưa kịp bật đèn, thì tôi nhìn về phía kia…

Rồi bà giơ tay chỉ về chỗ tường thụt vào, cạnh khung cửa sổ.

- Bóng ma rất rõ. Nó bận một chiếc áo xanh dài, rộng như chiếc áo của chú Trịnh Thường. Tôi chắc là đúng chú, tuy mặt trông lờ mờ.

Rồi bà nói tiếp, thấp giọng:

- Chú giận tôi, tôi biết lắm. Từ nhiều năm, má tôi đã hứa với chú rằng sau khi chú thất lộc, ngôi biệt thự ở Phú Lâm sẽ đóng cửa lại vĩnh viễn. Tất cả khu đất trống cũng như ngôi nhà sẽ không được bán đi hoặc sửa chữa theo một kiến trúc nào khác. Và lời hứa đó, tôi đã không giữ, tôi đã thỏa thuận bán ngôi nhà. Do đó, giấc ngủ nghìn thu của bà cô tôi đã bị xáo trộn. Chú Trịnh Thường yêu quí bà lắm. Chắc không bao giờ chú tha tội cho tôi.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>