Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Vượt Thác


Khi tiếng nước réo sôi trong chiếc ấm đồng dịu dần cùng với ngọn lửa lụi tàn, ông Tư Mễ lại nghe thêm rõ tiếng thác ào ào dội xuống lòng sông. Ông ngước nhìn gã con trai đang nằm chèo queo trên chiếc bè tre cắm ở ven bờ và hướng về quãng sông tỏa khói mờ mịt, thấp thoáng ẩn hiện những ghềnh đá lớn nhấp nhô.

Ánh sáng đổi dần từ màu tái nhạt sang màu vàng tươi, ngọn cây trên các đỉnh núi quanh vùng như cháy rực lên trong buổi hừng đông chỗi dậy vội vàng. Cảnh sống âm thầm của khoảng rừng núi bao la nhường bước cho sự nhộn nhịp khi ngày trở lại. Ông Tư Mễ im lặng ngồi nghe tiếng chim quen thuộc vọng đến từ các bờ cây, hốc đá, từ tiếng bìm bịp đột ngột trở canh, đến tiếng chèo bẻo sắc sảo chào đón mặt trời, những tiếng bù chao, chắc hoạch rộn ràng trong những bụi lùm. Những tiếng chim ấy lần lượt tiếp nhau theo một thứ tự thời gian gần như cố định của chốn sinh hoạt hoang vu, khiến ông Tư Mễ thoáng có cảm tưởng rằng bao năm tháng trôi qua trên quãng đời mình không có chút gì thay đổi.

Ông giở nắp ấm, đặt vội xuống mớ lá khô dồn lại xế chiều ngày qua ở trên bờ sông, và cúi mái đầu bạc xuống để nhờ hơi nước từ trong lòng ấm bốc lên xông cho sáng tỏ đôi mắt già nua. Ông ngửi thấy mùi nồng chát của vị chè tươi và tìm lại sự xúc động khoan khoái quen thuộc hằng ngày.

Ông rót chè ra chiếc bát sành lớn, tay nâng ấm nước cao lên cho chè sủi bọt ở trong lòng bát. Qua vòi nước tuôn dài, ông Tư nghĩ đến những dòng thác lớn, cao vọi đã từng vượt qua, một nỗi kiêu hãnh pha lẫn ít nhiều xót xa làm cho bàn tay của ông run rẩy nhẹ nhàng suýt làm bắn tung chè ra vành bát.

Đặt chiếc ấm xuống hai tảng đá nhỏ kê làm bếp nấu, ông Tư xòe hai bàn tay gầy gò hằn những đường gân to lờn, hong trên miệng bát, ngồi chờ nước nguội.

Người con trai của ông Tư vẫn chưa chịu dậy. Bây giờ gã đã quay đầu về phía bờ sông để tránh ánh nắng sáng lóa giữa dòng chiếu hắt ngược lên. Gã nằm nghiêng, hai chân co lại kẹp lấy đôi tay, đầu hơi ngước về phía sau khiến cho cổ gã dài ra và vẻ mặt gã càng thêm thiểu não. Cái mền đã cũ bị gã đạp dồn xuống dưới chót cùng của tấm chiếu lát sờn mòn, một chéo tung ra thành bè chực rơi xuống nước.

Ông Tư nhiều lần muốn gọi con dậy nhưng nhìn cặp mắt nhắm nghiền và hơi thở nhẹ phì phò đều đặn qua hai manh áo vải nâu che trên lồng ngực ốm o, ông lại cố nán chờ đợi. Tự nhiên, ông Tư cảm thấy một nỗi cô độc lạ lùng bao phủ lấy mình. Hầu như núi rừng, chim muông, dòng sông lờ đờ trước mặt, tiếng thác rì rào đằng xa, và người con lớn của ông đang nằm im lìm mê mệt, tất cả đều thuộc về một cõi khác mỗi lúc rời xa hẳn ông, không còn quan hệ với ông như trước. Ông đưa hai tay vuốt lấy mặt mình, da tay chai đá cọ sát vào những nếp nhăn như chạm vào một thân cây cằn cỗi. Ông cất tiếng gọi:

“Cả Hộ!”

Người con trai nghếch đầu, vẻ mặt đột nhiên tỉnh táo như vừa bừng dậy sau cơn suy tưởng, cặp mắt mở nhìn chòng chọc về phía bếp lửa đã tàn.

“Dậy con! Trưa hung rồi đó. Uống một bát nước chè nóng rồi cha con mình xuôi thôi. Qua khỏi ngọn thác, ta sẽ thổi cơm ở ngõ Suối Dài.”

Ông Tư tránh nhìn vào mặt con mình, vừa nói vừa cúi rót phần chè tươi còn lại trong ấm vào chiếc bát sành. Cả Hộ chậm rãi ngồi dậy, thừ người một lát để nhìn bóng mình chiếu dài xuống nước với mớ tóc bù, rồi uể oải bò lại chỗ sợi mây neo bè vào một gốc cây, ì ạch kéo mạnh cho bè đậu sát bờ sông. Những người đi bè trong lúc về đêm phải ngủ xa bờ để tránh thú dữ và chỉ có những trường hợp hết sức đặc biệt mới gặp những con hổ đói phiêu lưu dám lội xuống nước tìm mồi. gã đứng lên, loạng choạng ở trên mạn bè chòng chành đùa nước bì bọp ven bờ, rồi nhảy một bước nặng nề lên bãi.

*

Ông Tư đợi con uống từng ngụm cho cạn bát chè tươi, mới cất giọng nói khàn khàn cố gắng cho được ngọt ngào:

“Cả à, tuổi tao năm nay là sáu mươi hai rồi đó. Sáu mươi hai tuổi cũng chưa phải già nhưng hồi trẻ tao cực khổ quá đỗi, phải đi phụ bè từ lúc mười lăm cho đến năm ba mươi tuổi mới đủ số vốn buôn riêng một mình. Từ ấy đến nay lên thác xuống ghềnh trang trải bao nhiêu nợ nần của ông nội mày, rồi còn mua đất, mua vườn, dựng nhà, dựng cửa, nuôi cho chúng mày khôn lớn, làm sao mà không suy mòn cho được? Bây giờ tao biết mình yếu lắm rồi. Chống bè qua vài ngọn thác đã thấy bai hoải chân tay. Ngồi suốt cả ngày dưới nắng, tối đến là không ngủ được. Nhưng tre tàn thì măng mọc, tao còn trông cậy ở mày. Đôi khi tao muốn nghỉ hẳn nghề này để mày ăn học rồi theo nghề khác nhưng mà tính thế không xong. Em mày thì đông, mẹ mày thì già, khó lòng để mày ngồi yên trên ghế nhà trường. Chỉ có con cái những nhà có của mới tính đến việc ăn học lâu dài. Nhà nghèo mà học như mày tao tưởng cũng nhiều rồi đó. Với lại cái nghề đã nuôi gần trọn đời tao, đã gây dựng nên gia nghiệp của mình, bỏ đi sao được? Mình mua tận gốc, mình bán tận ngọn, sống cảnh trên trời, dưới nước, chẳng ai ràng buộc được mình. Kể chi nỗi khổ dọc đường qua mấy thác ghềnh. Mày xem, có cái nghề gì mà không khổ sở gian nan? Nghề gì rồi cũng có thác, có ghềnh, Cả à. Đừng có sợ khó mà hư con người. Tao thấy cái cảnh ăn không ngồi rồi là hại một đời, đó Cả.

“Giờ chỉ có mày là lớn, rán mà chèo chống nuôi lũ em mày. Có tao chỉ dẫn cho mày đường đi nước bước, một năm hai năm là thành thạo rồi. Chứng đó tao có chết đi thì cũng yên lòng. Nếu trời cho tao còn sống thì cũng vui vẻ cảnh già với lũ cháu con. Vậy mà qua thác Kha-Li rồi thác Bà-Chầu mày cứ đòi băng ngõ núi không chịu cùng tao ngồi bè vượt thác là cớ làm sao? Đâu có vậy được. Đi bè phải giữ lấy bè, chết sống với bè mới được. Nhưng nghĩ mà coi có gì là khó lắm đâu?  Mười lăm tuổi đầu tao đã vượt thác rồi đó. Nay đã già rồi, cũng chẳng kể gì nữa đó. Tuổi Tỵ của mày năm nay là hai mươi mốt, à, hai mươi hai, chớ có ít ỏi gì đâu! Thôi đi, Cả à, mày cứ chịu khó là xong hết cả, vượt được một thác thì bao nhiêu thác cũng coi là thường. Ra đến giữa dòng mày chỉ bám chặt xuống bè, khi bè lao theo ngọn thác thì mày cố nín hơi thở, cứ nhắm mắt lại, bè chìm xuống lòng hố sâu rồi theo dòng nước đẩy luôn mà trồi lên giữa mặt sông. Chỉ trong chốc lát, thế là thoát rồi.”

Cả Hộ vẫn ngồi chăm chăm nhìn ra mặt sông, không nói năng gì. Ông Tư đứng lên gài cái khuy áo ở trên lồng ngực, kéo hai ống quần xếch lên cho gọn, rồi bảo:

“Đi con, cha chỉ có con là lớn, phải biết nghe lời. Vượt thác đôi lần rồi con lại thèm, lại nhớ cho coi. Đi trên con sông bằng phẳng nó buồn chán lắm, mình không thấy được tài sức của mình. Thác ghềnh nguy hiểm bao nhiêu con người cũng vượt như chơi. Cha nghĩ, cái gì rồi cũng chống chỏi được hết. Bây giờ chỉ còn có mỗi một cái thác này là gần như xong con đường rồi đó. Thác Mang-Mang này chảy mạnh hơn thác Bà-Chầu, hơn thác Kha-Li, nhưng chảy càng mạnh thì qua càng mau, thoáng chốc là vượt xong rồi. Ở trong gian nguy, không phải chỉ toàn có những cái khổ hành hạ con người. Chận được cái nguy, cái nguy đó đẩy mình lên, vui lắm đó Cả. Vượt một cái thác chẳng qua như uống bát nước chè nóng vậy thôi. Thế mà bỏ thác leo quanh bờ núi có khi mất nửa ngày trời. Đứng lên, con à, gói chặt đồ đạc cột kỹ vào bè, rồi cha con mình xuôi sớm. Có ướt bao nhiêu chẳng sợ. Tới ngõ Suối-Dài đem ra phơi phóng ngoài bãi, chốc lát là ráo khô rồi. Đi với cha đây, không có việc gì phải ngại.”

Ông Tư úp cái bát sành lên trên nắp ấm rồi đem xuống bè. Cả Hộ quay người nhìn quãng núi rừng trùng điệp ở sau lưng mình rồi chống hai tay lên gối đứng dậy. Gã bước nhè nhẹ lại phía bờ sông, liếc nhìn rất nhanh ra phía ghềnh đá lô nhô giữa dòng, lưỡng lự giây lát trước khi bước xuống. Gã đứng chập choạng giữ lấy thăng bằng trên những cây tre chao đảo rồi ngồi phịch xuống quờ tay gói những chăn chiếu bỏ vào một cái bầu nhỏ trát chai kỹ lưỡng. Ông Tư cầm chiếc sào dài đứng ở cuối bè nhìn về quãng sông trước mặt nhưng vẫn chú ý theo dõi cử chỉ của con. Giây phút im lặng kéo dài và tiếng thác nước tưởng như vang dội mãnh liệt khác với ngày thường.

“Cả à, ta đi trên quãng sông này gần năm mươi năm rồi đó. Ta quen thuộc nó hơn quen nhà cửa của mình. Mỗi một cái ghềnh, mỗi một bờ đá ta nhớ như in, như khắc trong đầu. Ta rõ lòng sông hiểm trở hơn rõ lòng người nhiều lắm. Con chưa thấy khi nước lụt tràn về, dòng sông lên cao ngập cả ngọn tre ven bờ kia lận. Nhìn về phía trước ở bên tay trái mà xem. Có thấy rều rác bám trên những ngọn là-ngà đó không? Đã ba bốn tháng qua rồi mà dấu mực nước vẫn còn, bây giờ mình đi trong con nước dịu, thiệt là dễ dàng không biết chừng nào. Lòng sông, nó còn hiền lành hơn cả lòng dạ nhiều người ở chốn phố phường nữa đó. Nó nuôi sống mình, nhưng cũng như loài thú dữ chỉ hóa hung ác khi mình sợ chúng mà thôi. Đừng sợ, Cả à, ta đã già rồi, yếu rồi, chỉ còn trông cậy ở mỗi mình con. Mở cái dây neo rồi con lấy cây sào chống. Ra đến giữa dòng trên thác thì con cứ ngồi cho vững, để đó mặc ta.”

Cả Hộ tháo sợi mây cột bè và ném xuống nước. Gã nghe lời cha một cách lạnh lùng, vẻ mặt lầm lì như mải đăm chiêu theo một ý nghĩ bận rộn bên trong. Ngồi ở mạn bè quờ tay rút cây sào chống, gã thong thả đưa xuống nước và cứ ngồi thế đẩy bè lui ra. Mảng bè to lớn chòng chành giây lát rồi lừ lừ tiến ra giữa lòng sông rọi nắng chói chang. Cả Hộ rút vội cây sào gài vào thân bè và lết vào giữa, hai tay dang ra chống xuống thân tre nêm chặt, bó từng lớp dày. Gã không dám ngó trước mặt, chỉ nghếch đôi mắt nhìn nghiêng về phía bên trái, ngắm nghía mấy lớp rác rều còn đọng trên ngọn tre cao.

Ông Tư cúi khom trên cây sào chống cố giữ cho bè từ từ trôi nhẹ vào giữa lòng thác Mang-Mang. Mái tóc bạc trắng của ông phản chiếu ánh nắng phất phơ theo ngọn gió sớm man mát thổi về từ các đỉnh non xa vời. Những ngón chân ông bám chặt mặt bè như bám vào mảnh đất sống lênh đênh quen thuộc lâu đời, đủ sức chuyển tiếp cho ông sức mạnh của lòng tự tin vững chãi.

Mảng bè cứ thế trôi đi, yên lặng, lừ lừ tiến vào giữa dòng. Bỗng nó trành hẳn một phía khiến cho Cả Hộ suýt nhào khuỵu xuống, rồi lại giữ lấy thăng bằng như cũ.

“Ở đây có vạt đá ngầm rộng lắm. Sắp vào lòng thác, đó Cả.”

Bất giác, gã trai trẻ nhìn phía trước mặt và thấy một khoảng nước rộng cuộn tròn lăn mình xuống một vực xa. Những tiếng ầm ầm vang động mỗi lúc một gần như trút tất cả ồn ào khủng khiếp của chốn rừng núi hoang vu để xoáy sâu vào địa phủ. Các ghềnh đá nhô lên, nhọn hoắt, lởm chởm như loài quái vật chĩa nanh giơ vuốt trong những thế đứng hết sức dị kỳ. Bọt trắng tung tóe tỏa mờ từ xa như lớp sương dày che cả núi rừng phía trước. Dần dần gã cảm thấy bè trôi nhanh như vâng theo một sức hút phi thường cuốn ra giữa thác. Hốt hoảng, gã quay nhìn về cuối bè. Ông Tư Mễ cầm ngang cây sào đứng yên như pho tượng đồng, dôi mắt không chớp nhìn về trước mặt, uy nghi như một viên tướng dũng mãnh bắt đầu lâm trận.

Gã bỗng kêu lên:

- Sắp vượt thác chưa?

Tiếng nói ông già vang lên trong sự trút đổ vang ầm mỗi lúc càng thêm dữ dội:

- Chưa đâu. Lòng thác còn dài.

Gã cố chồm lên và vội thụp xuống khi thấy lườn nước như một sức cuốn phũ phàng nhào đi trước mặt. Bỗng gã rú lên:

- Thôi đi! Thôi đi!

Ông già hét lên:

- Đừng sợ!

Gã nhào ra ở mạn bè:

- Cho con lên bờ! Không dám vượt thác… Con nhảy xuống nước!

Ông già giận dữ bước đến hươi cây sào lên như muốn giáng xuống đầu con mình, rồi bỗng dừng tay, quát lên hùng hổ khác thường:

- Ngồi yên trên bè, đừng sợ!

Nhưng gã tru tréo kêu lên:

- Không! Không! Con không ngồi được trên bè. Con nhảy xuống nước bây giờ!

- Đồ khốn!

Ông già nhào tới đầu bè, thu hết sức lực chĩa cây sào dài xuống lớp đá ngầm, cố đẩy trệch bè ra khỏi dòng nước cuốn trôi. Đuôi bè lắc lư, vùng vẫy, những muốn quay ngược chiều lại nhưng ông Tư Mễ đã chuyển tất cả gân sức hướng bè tiến về một vùng nước phẳng, nằm trong một khu vực ghềnh lởm chởm gần kề. Những đường gân trên cánh tay ông như những sợi thừng săn chặt đến độ căng thẳng tột cùng trong khi toàn thân quì xuống mạn bè co lại giữa thế chống đối giằng co quyết liệt để giành chủ động trước sức nước đẩy phũ phàng. Miệng ông mím chặt, đôi mắt trợn trừng, sắc máu nhuộm hồng khuôn mặt đổi dần ra màu nâu đậm, rồi màu tím sẫm.

Khi mảng bè vào vùng nước yên tĩnh, mồ hôi đã thấm ướt sũng áo quần của ông Tư Mễ. Suốt quãng thời gian khá lâu chống chỏi với sức nước cuốn, ông lão không nói một lời, không quay nhìn lại đứa con bám chặt mình xuống thân bè, tóc buông rũ dài trong cái dáng điệu vô cùng thiểu não. Đến lúc cho bè đậu vào sát bờ ông lão mới thả cây sào, chống đôi tay run rẩy lên sườn và giương cặp mắt trợn trừng che mờ mồ hôi chảy xuống từ một vầng trán nhăn nheo, quay nhìn chăm chắm Cả Hộ. Ông quát lên trong hơi thở hào hển mệt nhọc khác thường:

“Bước lên! Đồ khốn! Chui vào bờ bụi mà đi cho được bình yên cái mạng của mày. Để mày ăn học nhiều năm ở trường là như vậy đó. Sợ khó, sợ khổ, chỉ muốn chui rúc cho xong cái kiếp tồi tàn. Mày làm khổ tao bao nhiêu, mày có biết không? Tao chết ở trong gan ruột vì mày đây này. Cùng đi một lần mà bao nhiêu bè đã về tận nơi tận chốn còn tao thì cứ lênh đênh trên nước đợi mày bò theo dọc núi mà đi để tránh thác ghềnh. Mạt kiếp cho mày! Nếu không thương hại mẹ mày thì tao đã đạp đầu mày xuống nước từ lúc nãy rồi. Bước gấp lên đi, còn đợi chờ gì, hở thằng khốn nạn lạc nòi kia hở?”

Ông Tư còn nói, còn chửi nhưng giọng ông lạc hẳn đi, đầu váng, tai ù, ông thấy cổ mình nghẹn lại và hai ống chân bủn rủn không sao đứng vững ở trên mặt bè bỗng nhiên như đang quay đảo, chập chờn.

Cả Hộ cúi đầu lủi đi qua những bụi cây chằng chịt, không dám quay đầu nhìn trở lại. Gã có cảm tưởng cặp mắt giận dữ của người cha già như hai mũi nhọn còn đuổi theo sau, đâm mạnh vào nơi ót gã. Gã không dám nghĩ đến việc vừa qua và cố vạch gai chạy theo bờ sông gập ghềnh, um tùm cây lá. Khi lên đến một dốc cao, đã mệt lắm rồi, gã bèn dừng lại để thở, cúi nhìn trở xuống.

Người cha già nua với bộ quần áo vải đen bạc màu và mái đầu trắng xóa ngồi im dưới nắng như một tảng đá lạc loài ven sông. Gã thấy ái ngại trong lòng, không muốn đi nữa, cứ đứng tần ngần nhìn mãi mẩu người bất động lâu lâu mới thấy lắc lư theo mảng bè chao dưới sóng theo cơn gió mạnh từ đâu đột ngột thổi về.

Nhưng rồi cuối cùng người cha già yếu của gã từ từ đứng dậy. Gã muốn kêu lên một tiếng thật to nhưng cổ họng nghẽn lại, khiến gã đứng yên bối rối trong lòng. Chiếc bè từ từ trôi ra giữa sông và hình ảnh ông già lẻ loi trở thành nhỏ bé quá chừng giữa khoảng nước rộng. Lưng ông như khòm hẳn xuống và cái dáng điệu không còn vững mạnh như trước. Đến gần ngọn thác  dòng nước phăng phăng cuốn mảng bè trôi. Bỗng chốc gã thấy cha mình như mất thăng bằng, lảo đảo ngã xuống, đánh rơi mất cây sào chống. Nhưng trong một phút, ông lão chồm lên, rồi lại loạng choạng nhào tới. Mảng bè vùn vụt trôi mạnh tiến vào ngọn thác như một mũi tên khổng lồ phóng vào miệng hố sâu thẳm. Thình lình, mảng bè không có người lái, chồm lên, tuôn mạnh vào một thớ ghềnh rồi dội hẳn lại, ông lão bật ngã chới với nhào xuống giữa dòng thác lũ cuốn tràn.

Cả Hộ chớp vội mi mắt, tưởng chừng nhào theo, hốt hoảng bám vào một cành gai bớm bên mình. Gai xóc đầy tay nhưng gã không nghe đau đớn, không nhìn thấy máu rỉ tuôn ở trên da thịt. Gã cứ nhướn người, cố tìm bóng dáng người cha, nhưng thác nước lũ hung hăng đã xoáy sâu vào lòng hố, chỉ có bọt xóa trắng ngầu và ít rều rác thỉnh thoảng hiện lên rồi bị giạt đi. Mảng bè không chủ phóng xuống vực sâu rồi chìm mất dạng. Lát sau, về phía trước xa, ở một mặt nước bình hơn, mảng bè bỗng nhiên hiện lên như rứt ra khỏi  nanh vuốt thác ghềnh và theo dòng sông lướt tới.

Cả Hộ chăm chắm nhìn theo cho đến lúc mảng bè tre chỉ còn là một vệt mờ ở trên mặt nước đằng xa. Qua một khúc sông rẽ ngoặt, vệt mờ vụt xóa tan đi. Gã cứ đứng yên, đầu óc tê dại không còn biết nghĩ ngợi gì. Lâu lắm gã mới nghe tiếng lốc cốc của con mõ kiến ở trên một ngọn bương cao.

Gã ngước nhìn lên. Mặt trời đã lách qua khỏi khóm giang, vãi nắng tung tóe lên trên người gã.

Mặt thác lạnh lùng vẫn tuôn tràn về lớp lớp xuống lòng vực sâu xóa bọt trắng ngần vang động tiếng ồn dữ dội.

Tự nhiên, gã cảm thấy nỗi cô độc lạ lùng và khắp núi rừng tỏa lên một sự lạnh lẽo vô cùng khủng khiếp. Rồi mối đe dọa từ đâu vây bọc lấy gã. Tiếng nước réo gầm gào thét ghê hồn, sườn dốc như cao vụt lên, và cây rừng đá núi che giấu bao nhiêu bí mật hãi hùng. Gã kêu thét lên như tiếng rú dài hốt hoảng và nghe từ trong hốc núi âm u, từ dưới vực sâu thăm thẳm nhiều tiếng dội vang quái gở lạ lùng. Gã vụt chồm dây, lao mình về trước, bươn qua gai bụi um tùm, cố tìm lấy một lối thoát.

*

Đã mấy hôm rồi, mảng bè cứ trôi theo sức nước đùa, ngần ngừ dừng lại ở các ghềnh đá giữa dòng rồi lại quày quả trôi đi. Có lúc về đêm nó tấp vào một bãi rộng, lừ đừ men theo một bờ sỏi vụn như tìm chỗ để nghỉ ngơi rồi theo sức đẩy bất thần của một luồng nước tràn lên cùng với một cơn gió núi bốc dậy, vội vã hướng về lòng sông lốm đốm sao khuya. Đôi lần trong khi lững lờ, gặp một ngọn suối chảy vội ra sông, mảng bè bị xô rạt về giữa dòng rồi lại lênh đênh để tấp vào một vịnh nhỏ tỏa bóng đen dày từ những cành si cổ quái sà trên mặt nước. Nằm đấy nhiều ngày, mảng bè đóng lớp rêu xanh dày cộm lại bị lá úa tuôn đầy như một nấm mộ bập bềnh, rồi dòng nước lũ đột ngột tràn tới, kéo đi hết sức vội vàng.

Cứ thế, mảng bè vô chủ trôi xuôi, ngày lại qua ngày. Rồi một buổi chiều mảng bè bị đẩy nằm ngang vào hai ghềnh đá giữa dòng sông hẹp. Nước sông bị ngăn đón lại bất ngờ, vọt qua mảng bè, biến thành một cái thác nhỏ. Cách một ngày sau, một cái xác chết chương sình đã bị rỉa rói nhiều chỗ tấp về. Nhiều người xuôi sông, bị nghẽn mất đường, hì hục kéo bè ra khỏi kẹt đá, hốt hoảng khi nhìn thấy xác đã gần rục rã. Vài người căn cứ vào mái tóc bạc, vào bộ áo quần màu nâu và cái vóc dáng kẻ chết, đoán chắc là ông Tư Mễ.

Còn người con trai ông Tư thì không thấy gã trở về. Mẹ gã mỗi ngày vẫn ra ngoài ngõ đón những lái buôn quen thuộc để hỏi thăm chừng. Nhưng không một ai biết gã trôi giạt ngả nào. Họ chỉ nghe nói phong thanh vài người kiếm củi ở gần Rừng Lá dưới thác Mang-Mang có gặp nhiều mảnh vải nâu dính máu khô đen phất phơ trên một nhành gai trong núi và một sọ người da thịt bị gặm nham nhở nằm lăn dưới gốc một bụi chà là còn in móng vuốt cào cấu của cọp. Nhưng họ không chắc đó là Cả Hộ, bởi vì gã phải theo bè cùng với ông Tư, làm sao mà lọt vào trong rừng được?


VŨ HẠNH    


(Trích từ tuyển tập truyện ngắn “Vượt Thác”, nxb Cảo Thơm – 1965)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>