Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (X)


- Được rồi. Để tôi sẽ kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra trong nhà ông đêm đó. Khi ông đã về phòng, cháu ông ra khỏi phòng riêng và xuống nhà. Cô ấy đứng nói chuyện với người yêu ở chỗ cửa sổ, trông ra chuồng ngựa ấy. Dấu chân Bảo Minh còn in rõ trên tuyết, vì hắn đã đứng khá lâu phía ngoài cửa sổ. Cô ấy đã nói với hắn ta về chiếc vương miện. Lòng ham muốn của cải xấu xa của hắn nổi dậy, và hắn bắt cô Hoa phải theo ý hắn. Tôi không nghi ngờ tình thương của cháu gái ông dành cho ông, nhưng nhiều khi đối với vài người đàn bà tình yêu lại mạnh hơn hết, có thể choán chỗ của những tình thương khác. Cô Hoa thuộc về loại người đó. Cô ta vừa nghe xong lời dặn dò của Bảo Minh thì ông đi xuống cầu thang. Cô ấy vội đóng cửa sổ lại và kể cho ông nghe cậu chuyện chị ở trốn ra ngoài với tình nhân có chân gỗ : Câu chuyện ấy cũng có thực nữa. Còn cậu anh Thi thì vào giường nằm sau cuộc cãi vã với ông. Nhưng cậu ta đã trằn trọc không ngủ được : Cậy ấy lo lắng về món nợ phải trả. Vào lối nửa đêm, nghe có tiếng chân nhè nhẹ đi ngang qua cửa, cậu ấy dậy, nhìn ra hành lang và ngạc nhiên thấy cô em họ biến vào căn phòng rửa mặt của ông. Không tin ở cặp mắt, cậu ấy xỏ bộ quần áo vào và đứng đợi trong bóng tối để xem chuyện gì sẽ xẩy ra. Lát sau cô ta lại hiện ra dưới ánh đèn hành lang, và cậu con ông ẩn sau cửa, thấy rõ cô ấy mang chiếc vương miện quí giá của ông đi xuống nhà. Hoảng kinh, cậu ấy chạy ra ẩn sau tấm màn gần cửa phòng ông, để nhìn xuống coi chuyện gì xẩy ra bên ngoài. Cậu ấy thấy cô ta mở cửa ra không gây tiếng động, trao chiếc vương miện cho một người nào đó đứng ngoài trời đêm, rồi cô ấy đóng nhanh cửa sổ lại và trở về phòng, không nhận thấy con trai ông vẫn đứng sau tấm màn dầy.

Khi cô ta còn ở đấy, con ông không thể làm gì được vì sợ làm mang tội cho cô em họ, người mà cậu ấy yêu mến. Nhưng khi cô ấy đã đi khỏi, cậu ấy mới nhận thấy hành động này sẽ mang đến hậu quả không hay cho ông. Cậu ta vội chạy xuống thang, quần áo vẫn sơ sài và chân đi đất. Sau khi mở cửa sổ, nhảy ra sân đầy tuyết, cậu ta vội chạy về hướng chuồng ngựa, vì hút thấy một bóng người ở đó dưới ánh sáng trăng. Anh Thi đã túm được Bảo Minh và hai người vật lộn để giằng co chiếc vương miện. Anh Thi cầm đầu này còn Bảo Minh cầm đầu kia. Trong lúc đánh nhau, con ông đấm vào phía trên mắt Bảo Minh làm rách một mảng da. Nhờ thế, Anh Thi đã giằng lại được bảo vật mặc dù đã có tiếng gẫy phát ra. Sau đó cậu ta xách chiếc vương miện chạy về nhà, đóng cửa sổ lại rồi trèo vào phòng tắm của ông. Lúc ấy cậu ấy mới nhận thấy là chiếc vương miện bị xoắn lại trong lúc họ đánh nhau, và cậu ta định bẻ lại thì đúng lúc ấy ông xuất hiện.

Ông chủ ngân hàng lẩm bẩm:

- Có thể như thế được sao?

- Đúng là như thế đấy. Sau đó, mặc dù ông mắng chửi, cậu ta vẫn nín thinh vì sợ nếu khai ra thì sẽ vương lụy cho cô Hoa.

Ông Huỳnh Anh la lên:

- À, tại vậy nên con nhỏ mới kêu lên và té xỉu khi trông thấy cái vương miện. Ô! Trời! Sao tôi ngu thế không biết! Và thằng bé xin tôi cho nó ra ngoài năm phút. Chắc để trở lại chỗ đánh nhau, xem mẩu gẫy đó có rơi rớt đâu đó không… Ồ! Thế mà tôi đã kết tội oan cho nó!

Sĩ Lâm tiếp:

- Khi tôi đi đến nhà ông, tôi đã đi một vòng nhà ngay, hy vọng những dấu vết còn lại trên tuyết có thể giúp tôi điều tra ra sự thật. Tôi biết rằng cả đêm trời không mưa tuyết, và vì trời lạnh nên những dấu chân cũng bị đóng băng lại chứ chưa tan đi. Tôi đi qua lối nhà bếp nhưng phía ấy bị mọi người dẫm đầy lên nên mất hết dấu. Nhưng tôi cũng còn nhận ra ở gần cửa bếp có dấu chân một người đàn bà đã đứng lại và nói chuyện với một người đàn ông : Một dấu tròn ở một bên chứng tỏ người đàn ông có một chân bằng gỗ. Tôi cũng có thể nói thêm rằng hai người đã bị phá rối vì người đàn bà đã phải chạy lúc vào nhà : Thật vậy, phía ngón chân chị ta bị ấn xuống tuyết sâu hơn phía gót chân ; người đàn ông có chân gỗ, trái lại, còn đứng lại đợi một lúc rồi mới đi. Tôi nghĩ ngay rằng đấy chắc là chị hầu phòng và tình nhân của chị ta. Sau đó tôi đi vòng quanh vườn, nhưng tôi chỉ thấy những dấu chân hỗn độn, bước lung tung : tôi cho rằng đó là dấu chân của cảnh sát. Ngược lại, khi đi về phía tàu ngựa, tôi tìm ra một câu chuyện rất dài và rất phức tạp mà dấu tuyết còn giữ lại vết tích.

Trên tuyết có hai loại vết chân, đi song song với nhau : Một loại là của một người đàn ông có đi giày, loại kia chỉ cho thấy một người đàn ông đi chân không. Ông không thể tưởng tượng được là trông thấy vết chân ấy, tôi mừng đến đâu : Theo lời ông, thì chúng chỉ có thể là dấu chân của con trai ông. Người có giày đã bước, nhưng người đi chân không đã chạy, và đôi lúc, dấu chân trần in lên trên dấu giày, tất nhiên tôi suy đoán là con ông đã chạy sau người kia. Đi theo các vết giày tôi tới chỗ cửa sổ, mà tôi suy đoán là người mang giày đã đứng chờ khá lâu, vì quanh hai dấu giày, tuyết rơi xuống thành đống. Sau đó dấu giày quay trở lại, thì cách đấy độ trăm mét, có dấu đánh nhau, nhìn kỹ, tôi thấy có vài giọt máu : Vậy là tôi đã không lầm. Người đi giày đã chạy xuống thung lũng, vài dấu máu rơi rớt chứng tỏ chính hắn đã bị thương. Hắn xuống đến đường cái, nhưng trên vỉa hè và mặt lộ, tuyết đã được quét sạch, nên đến đây là mất dấu.

Tuy vậy, khi trở vào nhà, tôi dùng kính lúp xem xét lại bậc cửa sổ và tôi thấy có ai đã nhảy vào bằng lối đó. Tôi  nhận thấy có dấu bàn chân ướt đã đặt lên. Tôi bắt đầu đưa ra giả thuyết : Một người đàn ông đã đợi ở ngoài, có người mang ngọc xuống cho hắn ta ; cậu con ông trông thấy, cậu ta rượt theo kẻ cắp, đánh nhau với hắn, mỗi người kéo chiếc vương miện về phía mình, và đã làm gẫy chiếc vương miện, mà sức một người thì không thể làm nổi. Con ông đã trở vào với phần thưởng chiến thắng, nhưng để lại một mẩu nhỏ trong tay kẻ địch. Tới đó thì được rồi, nhưng có một vấn đề khó hiểu là ai đã mang chiếc vương miện ra.

Tôi theo câu phương châm cổ là nếu đã gạt bỏ những gì không thể chấp nhận được ra, thì những gì còn lại dù rất khó tin, sẽ là sự thực. Tôi nghĩ rằng không phải là ông đã mang vương miện xuống, vậy chỉ có thể là cháu gái ông hoặc các chị hầu phòng. Nhưng nếu là những người giúp việc, thì tại sao con trai ông lại chịu để mang tiếng oan, thay vì nói ngay ra? Không có gì cắt nghĩa được. Ngược lại, nếu là cô Hoa thì rất có thể được, vì cậu con ông yêu cô ấy, và không muốn thố lộ ra điều bí mật của cô ta, nhất là điều bí mật ấy lại không vinh dự gì cho lắm! Tôi nhớ lại ông đã trông thấy cô ta đứng ở cửa sổ, và sau này, khi thấy lại cái vương miện (mà cô ấy tưởng đã được mang đi xa), cô ấy đã té xỉu. Bỗng chốc, giả thuyết của tôi biến thành sự thực.

Và ai có thể là đồng lõa của cô ta? Tất nhiên là một người yêu, vì còn người nào khác có thể làm cô ấy quên tình thương và sự biết ơn mà cô ấy dành cho ông nữa. Tôi cũng biết ông và cô ấy ít khi ra giao du bên ngoài, và cũng ít có bạn đến chơi. Nhưng trong số bạn bè này có Bảo Minh. Trước đây tôi đã nghe nói về hắn ta, hắn là một người rất tai tiếng đối với các phụ nữ. Chắc hẳn hắn là người đàn ông mang giày và giữ các viên ngọc. Ngay khi bị Anh Thi nhận, hắn đã bám lấy hy vọng rằng sẽ không sao, vì không lẽ Anh Thi lại nói ra một sự thực, tố cáo chính những người trong gia đình mình.

Ông có thể đoán là sau đó tôi đã làm gì. Tôi hóa trang thành một người ở, và đến nhà Bảo Minh, làm quen với người hầu, để biết rằng chủ hắn bị thương ở mặt trong đêm hôm qua, và sau cùng, với món tiền nhỏ mọn sáu xu, tôi mua được một đôi giày cũ của Bảo Minh. Ngay sau đó tôi mang đôi giày đến nhà ông để ướm thử vào các dấu giày in trên tuyết. Quả nhiên là thấy đúng y.

Ông Huỳnh Anh nói:

- Chiều qua, tôi thấy trên lối đi đó có một người ăn mặc rách rưới.

- Người đó chính là tôi. Sau khi tìm ra thủ phạm, tôi về đây thay lại quần áo. Công việc của tôi bắt đầu khó khăn hơn, vì tôi biết rằng không nên bắt bớ hắn ta để ông khỏi bị tai tiếng, tôi cũng biết sẽ phải nói với một tên lưu manh và hắn sẽ biết lợi dụng thời cơ này để bắt bí ông và tôi. Đầu tiên, hắn còn chối, nhưng sau khi tôi kể hết cho hắn nghe những chuyện hắn đã làm, hắn làm dữ, giật lấy một cây gậy treo trên tường ; nhưng tôi đã đề phòng, nên tôi đã giáng cho hắn một báng súng lục vào thái dương : Từ lúc đó hắn trở nên biết điều hơn. Tôi đề nghị mua lại ba viên ngọc, với giá một ngàn bảng một viên. Đề nghị của tôi làm hắn hối tiếc. Hắn kêu lên : “Uổng quá, tôi lại đem bán mất rồi, với giá có sáu trăm bảng cả ba viên!” Tôi bắt hắn cho biết địa chỉ của người đã mua những viên ngọc, đổi lại với lời hứa với hắn, là sẽ không kiện cáo gì cả. Tôi chạy tới nhà người mua ngọc, và sau những hồi bàn cãi ráo riết với lão ta, tôi lấy lại được mấy viên ngọc, với giá một ngàn bảng một viên. Sau đó tôi tới thăm cậu con ông, để báo với cậu ấy là câu chuyện đã xong. Sau này, vì đã là hai giờ sáng, tôi trở về nhà và đi ngủ : Sau một ngày vất vả như vậy, nghỉ ngơi là điều cần thiết.

Ông Huỳnh Anh vừa đứng lên vừa kết luận:

- Và ngày ấy cứu nước Anh khỏi một câu chuyện tai tiếng thảm hại. Thưa ông, tôi không biết dùng lời lẽ nào để cám ơn ông, nhưng ông hiểu rằng tôi không quên ơn ông đâu.

Tài nghệ của ông vượt xa tất cả những điều mà tôi đã được nghe nói về ông. Bây giờ tôi chạy đến thăm thằng con trai tôi, và tôi sẽ xin lỗi nó về tất cả những sự khổ sở mà tôi đã gây ra cho nó. Về câu chuyện mà ông nói với tôi về cháu Hoa, tôi đau khổ lắm : Sự sáng suốt của ông có đủ để cho tôi biết hiện giờ nó ở đâu không?

Sĩ Lâm trả lời:

- Tôi có thể nói một cách không sai lầm rằng Bảo Minh đang ở đâu thì cô ta ở đó. Với lại lỗi hắn dù có lớn đến đâu đi nữa, thì chẳng mấy chốc, hắn sẽ nhận được một sự trừng phạt còn lớn hơn gấp bội.


CONAN DOYLE
THU AN dịch   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (IX)


- Vâng. Sáng nay phòng nó trống rỗng, giường nó vẫn nguyên nếp từ tối qua ; trên bàn phòng khách có một bức thư gửi tôi. Chiều hôm trước, vì buồn rầu chứ không phải tức giận, tôi đã bảo nó là nếu nó lấy con trai tôi, thì đã không có chuyện gì xẩy ra cả. Có lẽ tôi không nên nói với nó như thế thì hơn. Trong thư nó nhắc về chuyện đó…

“Thưa bác kính yêu, cháu cảm thấy rằng cháu là nguồn gốc của mọi sự rủi ro của bác, rằng nếu cháu làm khác thì tai nạn đã không xảy ra. Với ý nghĩ đó, cháu sẽ không bao giờ sống sung sướng dưới mái nhà bác được nữa. Có lẽ tốt hơn là cháu phải vĩnh biệt bác. Bác đừng lo cho tương lai cháu : Cháu sẽ không phải lo lắng gì về vật chất đâu. Nhất là đừng tìm kiếm cháu : bác mất thì giờ vô ích và bác còn làm phiền cháu nữa. Sống hay chết, cháu vẫn là cháu Hoa đáng yêu của bác.”

- Ông nghĩ sao về lá thư này, ông Sĩ Lâm? Liệu con Hoa nó có nghĩ tới chuyện tự tử hay không?

- Không, không! Chắc chắn không bao giờ! Câu chuyện kết thúc như thế này có lẽ là êm đẹp nhất rồi, ông Huỳnh Anh ạ. Niềm đau khổ của ông đã chấm dứt.

- A! Thật không? Chắc ông đã nghe thấy tin tức gì rồi, phải không ông Sĩ Lâm? Mấy viên ngọc ở đâu?

- Nếu giả sử có phải mua lại với giá một ngàn bảng một viên, ông có cho là quá mắc không?

- Mười ngàn tôi cũng chịu nữa!

Sĩ Lâm mỉm cười:

- Không cần đến mười ngàn đâu. Chỉ cần ba ngàn bảng là câu chuyện xong xuôi. Với một ít tiền thưởng nữa, tôi giả thử như vậy. Ông có cuốn ngân phiếu đó không? Đây là cây bút. Xin ký cho 1 ngân phiếu bốn ngàn bảng. Tất cả sẽ xong hết.

Ông chủ ngân hàng vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ đến quýnh quíu. Ông ta vội lấy ngay ra cuốn ngân phiếu viết lên và ký tên. Sĩ Lâm đi về phía bàn giấy, mang ra một miếng vàng nhỏ hình tam giác, có gắn ba viên ngọc, và thảy trên mặt bàn.

Ông khách mừng rú lên, lượm lấy, lắp bắp:

- Ông thấy nó rồi ư? Ông đã tìm ra nó ở đâu vậy? Trời ơi! Thế là tôi đã thoát nạn! Trời ơi! Thoát nạn!

Nỗi vui mừng của ông ta cũng nhộn nhịp và mạnh bạo y như nỗi đau khổ của ông ấy lúc trước :Ông ta áp mấy viên ngọc lên chỗ trái tim.

Sĩ Lâm nhìn ông ta với vẻ nghiêm khắc.

- Ông còn một món nợ nữa, ông Huỳnh Anh ạ.

- Còn món nợ? – Ông ta vừa lập lại, vừa cầm lấy cây bút – Cho tôi biết là bao nhiêu, tôi sẽ trả.

- Không, không phải ông thiếu tôi, mà là thiếu cậu con trai ông những lời xin lỗi! Cậu ta có tấm lòng thật cao quí.

Trong câu chuyện này, cậu ta đã hành động một cách mà tôi sẽ phải lấy làm hãnh diện, nếu chính con trai tôi đã làm như vậy, giả sử tôi may mắn có được một đứa con trai!

- Vậy ra không phải thằng Anh Thi đã lấy trộm sao?

- Hôm qua tôi đã nói với ông rồi và hôm nay tôi xin nhắc lại lần nữa là “không”!

- Có thể như vậy được sao? Có thể may phước cho tôi đến vậy được sao? Trời ơi! Tôi phải chạy đến nói cho nó biết.

- Cậu ta đã biết rồi. Khi tôi tới tiếp xúc, cậu ta đã định không nói gì hết. Nhưng sau khi nghe tôi trình bầy mọi sự, chính cậu ta đã công nhận là tôi đã suy luận hợp lý và cũng chính cậu ta đã giải thích nốt cho tôi vài chi tiết mà tôi chưa thấy rõ ràng. Bây giờ chỉ cần ông báo tin là cô Hoa đã đi. Nhờ thế, có lẽ cậu ta sẽ tâm sự với ông.

- Vậy ra tôi là kẻ biết sau cùng. Xin ông kể lại sự việc cho tôi đi.

- Vâng, tôi sẽ kể hết ông nghe. Duy có điều là ông sẽ bị khổ tâm lắm. Trước hết tôi xin cho ông hay là Bảo Minh đã thông đồng với cô Hoa trong vụ này và cô Hoa đã trốn theo hắn ta.

- Con cháu Hoa! Không thể xảy ra chuyện đó!

- Thế mà đã xẩy ra đấy. Cả ông lẫn con trai ông đều không biết cái bản tính thật sự của con người mà ông thâu nhận vào vòng thân thuộc đó. Đó là một trong những người nguy hiểm nhất Anh Quốc. Một tay cờ bạc cháy túi, một tên lừa đảo hết thuốc chữa của xã hội, một người đàn ông không có trái tim và vô lương tâm. Cháu gái ông không biết gì về những điều đó của hắn ta. Khi hắn ta bắt đầu tán tỉnh cô Hoa, như hắn đã từng làm với cả trăm cô gái khác, cô ấy lấy làm hãnh diện đã là người con gái đầu tiên và duy nhất làm cho tim hắn ta rung động. Chắc ma quỉ phải biết rõ hơn về những điều mà hắn nói với cô ấy, chỉ biết rằng trong tay hắn, cô ấy trở thành một món đồ chơi : Họ gặp nhau gần như mỗi tối.

Ông chủ ngân hàng la to lên, mặt xám như tro tàu:

- Tôi không thể tin được, không thể được!

______________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN X


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 81, ra ngày 18-3-1973)


Bìa của Vi Vi : Tuổi Hoa

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (VIII)


- Cậu con ông có mang giày dép gì không, lúc ông thấy cậu ấy?

- Nó chỉ mặc có một cái áo sơ mi và một cái quần dài.

- Cám ơn ông, chúng tôi đã gặp may lắm trong lúc điều tra vụ này, và nếu không tìm ra sự thật thì chính là lỗi của chúng tôi. Nếu ông cho phép, ông Huỳnh Anh, tôi sẽ tiếp tục đi tìm tòi ở bên ngoài.

Anh xin phép ra một mình, cắt nghĩa rằng nếu có đông người thì dấu chân sẽ làm rối loạn cuộc tìm kiếm của anh. Anh làm việc trong một giờ, rồi trở lại về phía chúng tôi, chân đầy tuyết và vẻ mặt bí hiểm.

- Tôi tin là tôi đã trông thấy tất cả những gì cần thấy, ông Huỳnh Anh ạ. Bây giờ điều mà tôi có thể giúp ông nhiều nhất trong vụ này, là đi về nhà.

- Còn những viên ngọc, chúng ở đâu, ông Sĩ Lâm?

- Tôi không thể nói cho ông biết được.

Ông chủ ngân hàng xoắn hai tay vào nhau, kêu lên:

- Tôi sẽ không bao giờ thấy lại chúng nữa. Còn con tôi thì sao? Ông đã làm cho tôi hy vọng trở lại mà.

- Tôi vẫn không đổi ý.

- Thế thì, vì tình yêu Thượng Đế! Ông cho tôi biết câu chuyện hắc ám nào đã xảy ra trong nhà tôi đêm qua đi!

- Nếu ông có thể tới nhà tôi sáng mai, vào khoảng giữa chín giờ và mười giờ, tôi sẽ rất sung sướng cho ông biết những gì tôi đã tìm ra. Có lẽ tôi hiểu rằng ông cho tôi toàn quyền trong vụ này, dùng bao nhiêu tiền cũng được, để tìm ra mấy viên đá phải không?

- Tôi cống hiến cả gia tài của tôi nếu tìm được chúng!

- Tốt lắm. Tôi đi lo vụ này. Chào ông! À! Có thể là tôi sẽ trở lại đây trước tối nay đấy.

Đối với tôi, thì đã rõ ràng như ban ngày là anh bạn tôi đã có một ý nghĩ nào đó trong đầu. Nhưng tôi không tưởng tượng nổi xem anh ta đi đến kết luận nào nữa. Thế nhưng trên đường về, tôi bắt đầu dò xét, anh ta tránh né khéo đến nỗi tôi phải chịu thua, không tìm hiểu thêm. Chưa đến ba giờ chiều, chúng tôi đã về tới nhà. Anh bạn tôi chạy vào phòng, và vài phút sau trở ra, đã hóa trang thành người hầu : áo len thun cổ cuốn, bộ đồ mòn cũ và bóng loáng, cà vạt đỏ, giày vẹt gót.

Sĩ Lâm vừa soi mình trong chiếc gương treo trên lò sưởi, vừa bảo tôi:

- Tôi tin chắc phải được. Tôi rất muốn anh đi với tôi, anh Hoàn ạ, nhưng tôi nghĩ là có lẽ tôi nên đi một mình thì hơn. Trong câu chuyện này, có thể là tôi đang đi đúng đường, mà cũng có thể là tôi nhầm lẫn. Dầu sao đi nữa, tôi cũng sắp biết nó ra sao. Tôi mong sẽ trở về đây sau vài giờ.

Anh ta xẻo một miếng thịt bò đút lò trên mặt tủ, kẹp vào giữa hai miếng bánh mì rồi ra đi.

Khi anh ta trở lại, tôi đã uống trà gần xong. Trông anh ta có vẻ rất vui : tay anh cầm lủng lẳng một chiếc giày cũ bằng sợi dây giày, ném nó vào một góc nhà. Tôi rót cho anh một tách trà. Anh nói:

- Tôi sẽ lại phải đi ngay – Tôi đang tiếp tục cuộc điều tra.

- Ở đâu?

- Ở bên kia thành phố. Và tôi cũng không biết khi nào sẽ trở về. Anh đừng nên đợi tôi Hoàn ạ!

- Mọi việc tiến hành ra sao?

- Ồ, cũng vầy vậy! Tôi không có gì phải phàn nàn. Lúc nãy tôi tới nhà ông nhà băng, anh biết không, nhưng tôi không vào nhà. Tôi thử lại bài toán, và thật đáng tiếc nếu tôi không làm vậy. Thôi, không nên nói chuyện lâu : tôi chỉ đủ thì giờ cởi bỏ bộ đồ hắc ám này đi, và lấy lại vẻ đàng hoàng một tí…

Tôi hiểu rằng anh có nhiều điều hài lòng hơn là anh đã nói ra, vì đôi mắt anh sáng lên, và trên đôi má gầy hơi lõm vào của anh thoáng thấy ánh hồng hào.

Nửa đêm, tôi vẫn chưa thấy tin tức gì của anh, tôi bèn quyết định đi nghỉ. Khi anh đang tiến hành cuộc điều tra thì có thể anh mất dạng đến mấy ngày đêm liền : vì thế tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh về trễ.

Tôi không biết anh về vào giờ nào, nhưng sáng hôm sau, khi tôi xuống ăn sáng, thì đã thấy anh ngồi đấy, khỏe mạnh và êm ả, một tay cầm tờ báo, một tay cầm tách cà phê. Anh nói:

- Xin lỗi vì tôi ăn sáng trước không chờ anh nhé ; nhưng vì đã có hẹn với ông khách của mình, và bây giờ đã quá chín giờ rồi.

- Thật vậy. Với lại tôi vừa nghe chuông reo, chắc ông ta đấy.

Đúng là ông nhà băng của chúng tôi. Nhưng trông ông ta đã thay đổi hẳn đi. Bộ mặt ông ta bữa qua còn mập mạp, bữa nay đã dài ra, khổ sở, và tóc ông ta dường như bạc trắng thêm ra. Ông ta vào phòng với một vẻ mệt mỏi và buông trôi trông còn thảm hại hơn là vẻ giận dữ của ông chiều qua. Tôi đẩy chiếc ghế bành ra mời ông ngồi. Ông ta buông phịch thân hình xuống đấy. Ông nói:

- Tôi không biết tôi đã làm gì mà Thượng Đế bắt tội tôi như vậy! Hai ngày trước đây tôi còn là một người giầu có và sung sướng, không lo âu gì, cũng không cần gì. Và bữa nay tôi đã mất danh dự và bị bỏ rơi. Họa vô đơn chí, sự rủi ro không bao giờ tới một mình. Con Hoa nó lại bỏ tôi nó đi mất rồi.

- Cô ấy bỏ đi?

______________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN IX


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 80, ra ngày 11-3-1973)

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (VII)



Sĩ Lâm vừa trở lại chùi tuyết bám trên giày vào tấm thảm trước cửa vừa trả lời:

- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô và tôi cũng hy vọng như cô, sẽ tìm ra chứng cớ để tỏ là anh ấy vô tội. Tôi đoán là đang được hân hạnh nói chuyện với cô Hoa đây có phải không ạ? Tôi có thể hỏi cô vài câu được không?

- Xin ông cứ hỏi! Tôi cũng rất mong được làm sáng tỏ câu chuyện bí mật ghê gớm này…

- Đêm qua, cô có nghe thấy gì không?

- Không, cho đến lúc bác tôi bắt đầu to tiếng. Khi tôi nghe thấy, tôi vội chạy xuống.

- Cô đã đóng các cửa cái và cửa sổ ; cô có đóng chặt hết các cửa sổ không?

- Thưa ông, có chứ.

- Sáng nay, các cửa sổ vẫn đóng kín?

- Vâng!

- Một trong những chị hầu phòng có tình nhân phải không? Dường như bữa qua, cô có nói với bác cô là chị ta đã ra thăm hắn?

- Vâng, chị ấy lúc đó đang dọn dẹp trong phòng khách, có lẽ chị ta đã nghe bác tôi nói về cái vương miện.

- Tôi hiểu. Cô suy đoán ra rằng chị ta đã có thể ra ngoài để bảo cho người tình biết, và cả hai đã có thể thảo chương trình ăn trộm.

Ông chủ ngân hàng sốt ruột kêu lên:

- Nhưng mà mình làm gì với những giả thiết xa vời ấy? Vì chính mắt tôi đã thấy thằng Anh Thi và chiếc vương miện trong tay nó!

- Kiên nhẫn một chút, ông Huỳnh Anh ạ. Ta phải trở lại cái giả thiết đã đưa ra : cô Hoa, cô đã thấy chị hầu phòng trở lại, bằng lối đi của căn bếp, phải không?

- Vâng, lúc tôi đi coi lại xem cửa đã khóa kỹ chưa, tôi thấy chị ấy lẻn vào nhà. Tôi cũng thấy tình nhân của chị ta, đứng trong sương nữa.

- Cô biết hắn ta sao?

- Có chứ. Đó là người bán hàng vẫn thường mang rau đến cho chúng tôi. Hắn tên là Phan.

Sĩ Lâm hỏi:

- Hắn đứng ở mé bên trái cửa, phải không?

- Vâng.

- Và hắn ta có một chân bằng gỗ?

Cặp mắt đen của cô gái thoáng một tia lo lắng. Cô ta kêu lên:

- Bộ ông là ma quỉ hay sao mà biết được điều đó?

Cô ta mỉm cười, nhưng Sĩ Lâm vẫn đăm chiêu không cười đáp lại. Anh nói:

- Tôi rất muốn được lên xem trên lầu nhất. Và có thể tôi còn phải coi lại chung quanh nhà nữa. Nhưng có lẽ trước khi lên lầu, tôi nên xem xét lại các cửa sổ dưới nhà đã…

Anh ta đi mau mắn đến các cửa sổ, và ngừng lại một lúc ở cửa sổ lớn trông ra lối đi sang chuồng ngựa. Anh mở ra, và dùng kính lúp xem xét kỹ lưỡng chỗ bực cửa sổ. Sau cùng anh nói:

- Xong rồi! Bây giờ ta có thể đi lên lầu.

Căn phòng tắm của ông chủ ngân hàng trông gần như một căn buồng ngủ nhỏ vậy. Có một cái thảm xám, một bàn giấy lớn, và một cái gương hình chữ nhật. Sĩ Lâm tiến về phía bàn giấy và nhìn kỹ ổ khóa ngăn kéo.

- Ông thường dùng chìa khóa nào để mở ngăn này ra?

- Chìa khóa mà thằng con tôi đã nói : chìa khóa tủ đựng đồ vật.

- Ông có nó đây không?

- Ở trên bàn đó!

Sĩ Lâm cầm lấy và mở ngăn bàn ra. Anh nhận xét:

- Không có tiếng động nào. Chẳng đáng ngạc nhiên nếu ông không bị đánh thức vì tiếng mở khóa. Chắc hộp này đây đựng vương miện phải không? Ông cho phép tôi xem một chút nhé…

Anh mở hộp, lấy cái vương miện ra và đặt trên bàn. Đó là một nghệ phẩm gắn ngọc lộng lẫy, và tôi chưa bao giờ trông thấy ba mươi sáu viên đá đẹp như thế. Ở một đầu của vương miện, một cái vành bị bẻ cong lại, gãy ra : một góc có ba viên đá đã bị đứt đi.

Sĩ Lâm nói:

- Ông Huỳnh Anh, đây là cái góc đối diện với góc đã không may bị mất. Tôi có thể nhờ ông bẻ gãy thử được không?

Ông chủ ngân hàng lùi lại kinh sợ:

- Không bao giờ tôi muốn thử việc đó.

- Nếu thế, thì tôi sẽ thử…

Sĩ Lâm bất chợt ấn mạnh tay hết sức mình, nhưng vô hiệu. Anh rất bình tĩnh nhận xét:

- Tôi nghĩ là nó đã hơi bị chuyển một tí. Nhưng, dầu tay tôi rất mạnh, cũng chỉ phí thì giờ vô ích, nếu muốn bẻ gãy nó. Một người đàn ông sức lực trung bình không thể làm được. Nhưng giả thử rằng tôi bẻ được, ông Huỳnh Anh ạ, thì sẽ có một tiếng động, khô khan như tiếng súng bắn. Ông có cho là ông vẫn không nghe thấy gì không, khi chuyện đó xảy ra ở cách giường ông có vài thước?

- Tôi không biết nghĩ sao. Tôi đang đứng trong bóng tối.

- Có lẽ ta sẽ tìm ra ánh sáng nếu ta tiếp tục khảo sát. Cô nghĩ sao, cô Hoa?

- Tôi thú thực là tôi cũng bối rối như bác tôi vậy.

__________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VIII

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)

Bìa của Vi Vi : Mắt nai

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (VI)


Ông giả thử là cậu con ông ra khỏi giường, liều lĩnh vào phòng tắm của ông, mở ngăn bàn ra, lấy cái vương miện, rồi cố hết sức bẻ lấy một mẩu nhỏ, trở ra đến một nơi X nào đó, giấu ba viên ngọc trong số ba mươi chín viên (và khéo đến nỗi không ai có thể tìm ra), rồi trong tay có ba mươi sáu viên còn lại, cậu ta lại trở vô căn buồng mà cậu ta rất dễ bị bắt gặp. Coi nào, tôi thử hỏi ông, giả thuyết đó có thể đứng vững được không?

Người chủ ngân hàng tuyệt vọng kêu lên:

- Nhưng nếu vậy thì ông có thể giả thử cách khác được không? Và nếu những động lực thúc đẩy nó làm vậy là lương thiện đàng hoàng, thì sao nó lại không nói ra?

Sĩ Lâm trả lời:

- Việc của chúng ta là phải làm sáng tỏ điểm này. Vậy, nếu ông chịu, chúng ta sẽ đến nhà ông, để tôi xem xét thêm vài chi tiết nữa, trong vòng lối một vài giờ đồng hồ.

Anh bạn tôi nài nỉ tôi đi theo. Tôi không đợi anh phải nói nhiều vì trí tò mò của tôi đã nổi dậy, sau khi nghe câu chuyện đó. Tôi phải thú nhận là tội của thằng con ông chủ ngân hàng, đối với tôi đã rõ ràng lắm, cũng như người cha tội nghiệp đã nghĩ vậy. Nhưng vì rất tin tưởng ở trí phán đoán của Sĩ Lâm nên tôi còn giữ lại vài tia hy vọng : Anh bạn tôi đã gạt bỏ ngay lối giải thích này! Trên suốt quãng đường đi về khu ngoại ô phía nam Luân Đôn, anh không nói một lời ; cằm anh tựa trên ngực, và anh còn kéo sụp chiếc mũ xuống tận mắt, để suy nghĩ sâu xa hơn. Còn về phần ông khách của chúng tôi thì đã có vẻ tươi tỉnh hơn từ lúc ông có một chút hy vọng nhờ lời nói của Sĩ Lâm. Ông ta còn bàn luận một câu chuyện không quan trọng với tôi về nhà băng nữa. Sau vài cây số xe điện ngầm, và vài trăm thước đi bộ, chúng tôi đã tới Mỹ Ngân, căn biệt thự nhỏ bé khiêm tốn của ông chủ nhà băng giàu có.

Mỹ Ngân, đó là một căn nhà đơn giản vuông vức bằng đá trắng, hơi thụt vào xa lề đường một chút. Một lối đi rộng đủ cho hai cái xe ngựa đi lọt, và một con đường đầy tuyết trải dài trước hai cánh cổng bằng sắt. Ở cánh phải căn nhà, có một hành lang có nan gỗ, dẫn đến một lối đi giữa hai hàng rào cây kiểng cắt xén cẩn thận, lối đi này dẫn tới căn bếp. Ở cánh trái, một lối đi khác dẫn đến chuồng ngựa và nhà xe. Con đường này uốn khúc ra khỏi khu vực của căn nhà và đôi khi, những người ở quanh đây cũng đi nhờ con đường này.

Sĩ Lâm dừng lại trước cửa, bước chầm chậm quanh nhà, đi qua đằng trước mặt tiền, xuống lối nhà bếp vòng ra sau nhà, và trở lại bằng lối đi của người đánh xe ngựa. Anh ta chậm rãi đến nỗi ông Huỳnh Anh và tôi phải quyết định đi vào phòng ăn trước, và ngồi đợi anh ta ở gần lò sưởi.

Chúng tôi đang ngồi im lặng ở đó, thì một cô gái xuất hiện. Cô ta cao hơn trung bình một tí, người mảnh mai, tóc và mắt đen, một màu đen nổi bật lên giữa làn da mặt trắng muốt. Tôi chưa từng nhìn thấy người con gái nào có màu da lợt lạt như cô ta. Đôi môi cô ta cũng mất màu tươi, và đôi mắt thì có một vẻ van lơn và đầy ý nghĩa. Khi cô ta đi ngang căn phòng bằng những bước đều và nhanh, nỗi buồn của cô ta còn gây ấn tượng cho tôi nhiều hơn là ông chủ nhà băng lúc nãy nữa : Nó còn làm tôi xúc động hơn, vì nó biểu lộ rõ rằng đó là một cô gái có nhiều sức mạnh tinh thần, biết tự chủ đúng lúc. Không để ý đến sự hiện diện của tôi, cô ta đi thẳng đến ông bác, và đặt hai tay lên mặt ông. Đó là sự vuốt ve có vẻ trìu mến phụ nữ nhất. Cô ta hỏi ông:

- Ba đã ra lệnh cho họ thả Anh Thi ra chưa ạ?

- Không đâu con. Ung nhọt phải được mổ ra đến tận cùng.

- Nhưng con chắc chắn rằng anh ấy vô tội! Ba không biết rằng linh tính của đàn bà bén nhạy lắm ư? Con biết rằng anh ấy vô tội, và ba sẽ hối hận vì đã cứng dắn quá với anh ấy như vậy.

- Tại sao nó không nói nếu nó vô tội?

- Ai hiểu được? Có lẽ chỉ vì anh ấy giận ba đã ngờ cho anh ấy.

- Không ngờ sao được, khi chính mắt ba thấy nó cầm cái vương miện?

- Ồ! Anh ấy chỉ cầm để xem… Ô! Ba hãy tin con đi : Anh ấy không có tội! Dẹp chuyện đó lại đi. Thật kinh khủng quá nếu phải nghĩ rằng anh Anh Thi thân yêu phải vào ngồi tù.

- Ba không bỏ qua chuyện này, trước khi tìm ra mấy viên ngọc. Con thương Anh Thi quá nên mù quáng, Hoa ạ, và con không nhìn thấy những điều phiền não sẽ xảy tới cho ba sau vụ này. Không những không bỏ qua, ba còn kiếm ở Luân Đôn đến đây một người có thể giúp ba làm sáng tỏ hết, ba cho con biết như vậy.

Cô ta nhìn tôi hỏi:

- Ông này phải không?

- Không, bạn ông ta. Ông đó đã muốn đi coi xét một mình. Lúc này ông ấy đang đi vòng qua lối đi ra chuồng ngựa.

Cô ta nhướng đôi lông mày đen:

- Lối đi ra chuồng ngựa?... Ông ta mong tìm thấy gì ở đấy? A! Có lẽ ông ấy đây. Thưa ông, tôi mong ông tìm thấy rằng ông anh họ Anh Thi của tôi vô tội : Hơn là trực giác nữa, tôi chắc chắn là như vậy!

____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VII


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)

Bìa của Vi Vi : Tóc mây

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (V)



Tôi trả lời là vụ này không còn là một câu chuyện riêng tư nữa, mà là một chuyện công, vì chiếc vương miện bị sứt mẻ là một vật báu quốc gia. Tôi đã quyết định là luật pháp phải được áp dụng triệt để.

Nó nói:

“- Ít nhất, ba cũng đừng bảo họ bắt con ngay tức khắc! Tốt hơn cho ba cũng như cho con, là hãy để con ra khỏi nhà trong năm phút đã.

Tôi nói:

“- Để cho mày trốn hay sao? Hay để mày giấu cái vật mà mày vừa mới lấy?

Tôi hiểu ở địa vị của tôi sẽ khổ sở đến mực nào, và tôi van vỉ nó nhớ rằng không những danh dự tôi, mà còn danh dự của một người có tiếng tăm hơn tôi nhiều, đang bị hăm dọa ; và biết đâu lại chẳng xảy ra một chuyện tai tiếng làm phương hại đến cả quốc gia. Tất cả sẽ tránh được nếu nó chỉ cần cho tôi biết nó đã làm gì với ba viên ngọc đó rồi. Tôi bảo nó:

“- Con đã đủ lớn để nhìn thẳng vào sự việc. Con đã bị bắt gặp quả tang ; tội của con không thể nào nặng hơn được nữa. Nhưng nếu con nói cho ba biết những viên ngọc đó ở đâu, thì tất cả sẽ được ba tha thứ và quên đi hết.

Nó trả lời tôi:

“- Ba hãy tha lỗi cho những người nào cần được thứ lỗi, chớ con thì có gì đâu mà phải vậy…

Rồi nó quay lưng lại phía tôi cười nhạt. Biết không thể lay chuyển được nó, tôi chỉ còn cách là gọi viên thanh tra tới và trao thằng con tôi lại cho ông ta. Nó lập tức bị lục soát, và người ta khám xét phòng nó cũng như tất cả các ngõ ngách trong căn nhà của tôi. Tuy thế vẫn không ai tìm ra những viên ngọc. Mặc cho những lời thúc bách và hăm dọa, Anh Thi vẫn cứ không chịu mở miệng. Sáng nay nó bị tống giam, và tôi, sau khi đã điền xong các giấy tờ, tôi chạy ngay đến kiếm ông để nhờ ông mang hết sự khéo léo để điều tra ra vụ này. Bây giờ thì cảnh sát đành bó tay. Nếu cần, ông cứ việc tiêu xài bao nhiêu tiền cũng được : tôi đã treo giải thưởng một ngàn bảng cho ai tìm được những viên ngọc đó…  Trời ơi, làm sao bây giờ? Tôi mất danh dự, những viên ngọc và đứa con trai của tôi trong cùng một đêm! Ô! Làm sao bây giờ? Làm sao?”

Ông ta úp mặt vào hai bàn tay, và vừa lắc đầu sang phải, sang trái, vừa lẩm bẩm những tiếng gì khó hiểu, như thể một đứa con nít.

Nhà thám tử Sĩ Lâm ngồi im trong vài phút, lông mày nhíu lại, và mắt nhìn vào lò lửa. Rồi anh hỏi ông ta:

- Ông thường có nhiều khách không?

- Không, trừ người hợp tác với tôi và gia đình ông ta, thỉnh thoảng cũng có một người bạn của Anh Thi. Mới đây, Bảo Minh cũng thường tới. Ngoài ra, chẳng còn ai nữa.

- Ông có hay đi giao du bên ngoài không?

- Anh Thi thì có. Hoa và tôi thì thường ở nhà – Nó và tôi đều không thích những chuyện đó.

- Một thiếu nữ mà như thế thì lạ thật!

- Tính tình của nó ôn hòa. Với lại nó cũng chẳng còn non dại gì nữa : nó đã hai mươi bốn tuổi.

- Theo lời ông vừa kể, thì câu chuyện này cũng làm cho cô ta xúc động lắm phải không?

- Kinh khủng ấy chứ! Nó còn bị xúc động hơn tôi nữa.

- Cả cô ấy và ông, đều quyết đoán là Anh Thi nhúng tay vào nội vụ ư?

- Chúng tôi còn nghi ngờ gì khác nữa cơ chứ. Chính tôi đã thấy chiếc vương miện trong tay nó mà.

- Cũng chưa thể kết luận được. Phần còn lại của chiếc vương miện có bị hư hỏng không?

- Có! Bị xoắn lại.

- Thế ông không nghĩ là lúc ấy cậu ta đang gắng sức để nắn nó lại sao?

- Cầu Chúa ban phước cho ông! Ông ráng làm những gì ông có thể làm được để giúp tôi và nó! Nhưng việc đó quá khó khăn. Nó làm gì ở đó? Và nếu nó vô tội, sao không nói ra?

- Đúng thế, và nếu cậu ta có lỗi, tại sao lại không kể ra một câu chuyện bịa đặt? Sự im lặng của cậu ta có thể cắt nghĩa được theo hai cách. Trong câu chuyện này, có nhiều chi tiết lạ lắm. Còn về tiếng động đã làm ông thức giấc, thì cảnh sát nghĩ sao?

- Mấy người cảnh sát nghĩ là có lẽ đó là do Anh Thi gây ra, lúc nó đóng cửa phòng của nó lại.

- Không thể được! Chẳng lẽ một người sắp làm một điều phi pháp lại đóng sập cửa lại để làm cả nhà có thể thức dậy sao? Còn cảnh sát nói gì về vụ những viên ngọc đã biến mất?

- Họ vẫn tiếp tục quan sát dưới sàn nhà và lục lọi các đồ đạc trong nhà để tìm.

- Họ có nghĩ tới kiếm bên ngoài nhà không?

- Có. Họ đã cố gắng hết sức. Cả khu vườn đã được xem xét kỹ.

Sĩ Lâm hỏi:

- Ông ạ, bây giờ ông có nghĩ là câu chuyện này phức tạp hơn là ông và cảnh sát tưởng, lúc mới thoạt xem qua không? Câu chuyện này giản dị ư? Không đâu, đối với tôi, nó phức tạp vô cùng. Ta hãy coi lại giả thuyết của ông xem nào.


____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN VI


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973)

Bìa của Vi Vi : Hoa Xuân

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Chiếc Vương Miện Cẩn Ngọc (IV)


“- Ba đã rất tốt với con, nhưng con cần phải có hai trăm bảng, nếu không con không thể nào đến câu lạc bộ được nữa.

Tôi nói:

“- Nếu vậy thì càng hay!

“- Vâng, nhưng chắc ba không muốn cho con con trai của ba bị mất danh dự chứ. Con không thể chịu được điều xấu hổ đó. Con phải tìm ra tiền, bất cứ bằng cách nào ; nếu ba không cho, con sẽ thử cách khác.”

Tôi nổi giận, vì từ đầu tháng đến nay, đó là lần thứ ba mà nó hỏi tiền tôi.

“- Con sẽ không có thêm một đồng xu nào nữa đâu, đừng nói nữa vô ích!”

Nó nghiêng mình và rời phòng, không nói thêm một lời.

Khi nó đã ra, tôi mở ngăn bàn để biết chắc là quí vật vẫn còn đó, rồi tôi đóng lại. Sau đó tôi đi một vòng quanh nhà, để xem mọi sự có bình thường hay không ; công việc đó đáng lẽ là của Hoa, nhưng tối hôm đó tôi muốn đích thân đi cho chắc hơn. Lúc xuống thang, tôi thấy Hoa đứng ở cửa sổ nhìn ra đường. Thấy tôi tiến đến gần, nó đóng cửa lại và gài thật cẩn thận. Nó có vẻ hơi bối rối, khó chịu, và nó nói với tôi:

“- Ba, bộ tối nay ba cho chị Liên đi chơi hay sao? (Hoa tuy là cháu, nhưng tôi vẫn coi nó như con nuôi nên nó gọi tôi là ba).

“- Chị bồi phòng ấy hả? Làm gì có chuyện ấy!

“- Chị ấy vừa vào bằng lối sau vườn. Con chắc chị ấy vừa đi thăm ai bằng cái cửa ngang. Thật không đứng đắn! Con nghĩ có lẽ phải làm cho chị ấy chấm dứt những chuyện lăng nhăng đó.

“- Ngày mai con bảo chị ấy, hay nếu con không muốn thì ba sẽ nói. Con có chắc các cửa đã được khóa kỹ chưa?

“- Rồi ba ạ.

“- Vậy thì chúc con ngủ ngon.”

Tôi hôn nó và trở lên phòng, chẳng mấy chốc tôi đã ngủ say.

Tôi cố thuật lại hết cho ông nghe, ông Sĩ Lâm ạ, tôi kể hết tất cả mọi chi tiết, không quên điều gì, nhưng nếu có điểm nào mà ông thấy còn chưa được rõ, thì ông cứ việc hỏi tôi đừng có ngại ngần chi cả.

- Trái lại, lời ông tường thuật rất rõ.

Ông Huỳnh Anh lại tiếp:

- Tôi thường ngủ tỉnh, và vì trong tâm lo lắng áy náy nên tôi còn ngủ tỉnh hơn thường lệ nữa. Lối hai giờ sáng, một tiếng động trong nhà làm tôi giật mình, tôi không nghe thấy thêm tiếng nào nữa, lúc đã tỉnh hẳn, nhưng tôi có cảm giác như có một cái cửa sổ nào đó vừa được nhẹ nhàng khép lại. Tôi lắng tai nghe ngóng. Bỗng nhiên tôi vùng dậy : có người đi nhè nhẹ ở phòng bên. Tôi nhảy xuống đất, và mở cửa phòng tắm ra. Tôi kêu to lên:

“- Anh Thi! Thằng khốn! Thằng ăn cắp! Sao mày dám sờ vào cái vương miện đó?”

Tôi vẫn để đèn ròng, và ở cạnh ngọn đèn, thằng con trai khốn khổ của tôi đứng đó, mình chỉ mặc một cái áo sơ mi và một chiếc quần dài, tay cầm cái vương miện. Nó có vẻ như đang muốn dùng hết sức để vặn, hay bẻ cong cái vương miện lại. Tôi giật lấy và xem xét. Một góc bằng vàng, có gắn ba hòn ngọc, đã đâu mất.

Tôi nổi giận la lớn:

“- Quân tồi tệ! Mày đã phá hư nó rồi! Thế là tao mất hết danh dự. Mấy viên ngọc mà mày đã ăn cắp đâu rồi?

Nó lập lại:

“- Ăn cắp?

“- Ừ, ăn cắp, chính mày, đồ ăn cắp!”

Nổi xung, tôi nắm lấy vai nó và lắc mạnh.

“- Có gì bị mất đâu! Xem nào, có gì bị mất đâu!

“- Mất ba viên ngọc! Và mày biết chúng ở đâu. Tao phải coi mày như một thằng vừa ăn cắp, vừa nói dối nữa hay sao? Không phải là chính tao vừa thấy mày muốn lấy thêm một mẩu nữa đấy sao?

Nó nói:

“- Ba đã gọi con bằng những tiếng mà con không thể chấp nhận được. Con không thể chịu đựng được lâu hơn nữa, sự nạt nộ của ba. Nếu ba đã muốn chửi bới con, thì con sẽ không thèm nói thêm một lời nào nữa trong vụ này. Lát nữa con sẽ ra khỏi nhà ba, và con sẽ sống tự lập, một mình.

Tôi gần điên vì buồn và giận, kêu lên:

“- Mày ra khỏi nhà tao giữa hai người cảnh sát. Câu chuyện này sẽ phải làm cho sáng tỏ ra, tao cho mày biết.

Nó nói với một vẻ tức giận mà tôi chưa bao giờ thấy:

“- Con sẽ không nói với ba gì nữa. Vì ba đã muốn gọi cảnh sát, thì để họ tự kiếm vật mà họ cần tìm.”

Trong lúc đó, cả nhà đã thức giấc, vì tôi đã to tiếng trong lúc nóng giận. Hoa là người đầu tiên đã chạy tới phòng tôi, trông thấy chiếc vương miện và vẻ mặt của Anh Thi, nó đoán ra hết sự việc, kêu lên một tiếng và té xỉu xuống sàn nhà. Tôi bảo chị hầu phòng đi gọi cảnh sát ; và tôi sẽ giao cho họ điều tra. Khi một viên thanh tra và một người cảnh sát bước vào nhà, Anh Thi, vẻ mặt vẫn khó chịu và hai tay khoanh lại, hỏi tôi có phải tôi muốn gán cho nó tội ăn cắp hay không.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN V


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)

Bìa của Vi Vi : Xuân hồng
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>