Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

PHẦN I_CÂY ĐÀN HUYỀN DIỆU


Khi người mẹ về đến nhà thì bà chỉ kịp kêu lên một tiếng hốt hoảng và chạy lại phía đứa bé đang ngồi với những ngón tay đẫm máu :

- Trời ơi ! Sao con tôi đến nỗi nầy !

Đứa bé giương đôi mắt nhìn lên mẹ, cặp mắt đen láy thẳm sâu long lanh một vẻ dị thường. Cây đàn ghi-ta to lớn đặt ở trên đùi và từng giọt máu chảy hoen thớ gỗ, nổi bật những chấm đỏ trên sắc vàng. Người mẹ chợt hiểu. Từ lâu cây đàn là nỗi khao khát của con bà. Thằng bé Pa-ga-ni-ni hàng ngày vẫn thường nhón chân nhìn lên đầu tủ tỏ ý khát thèm cây đàn mà cha nó thường dùng vào những tối, sau khi uống rượu say mèm từ quán trở về. Chiếc đàn bị kéo xích lại gần tủ, và một chiếc ghế còn đặt bên trên xác nhận bao nhiêu sự việc xảy ra : không nén được sự ưa thích, đứa bé trèo lên lấy cây đàn xuống và sự mê say khiến bàn tay nó đẫm máu trên những dây đàn. Mới năm ngoái đây, khi Pa-ga-ni-ni lên bốn tuổi, trong khi đưa con dạo ở bến tàu, người mẹ bỗng nghe một điệu nhạc vẳng lên từ một chiếc thuyền gần đấy. Tiếng đàn vĩ cầm réo rắt trỗi lên một bản tình ca êm dịu chừng nào ! Đứa bé bỗng dừng chân lại như bị thu hút bởi một sức huyền bí, và người mẹ thấy đôi mắt con mình mờ đi như tâm hồn nó chìm sâu vào cõi thế giới u huyền. Thần sắc của nó dần dần nhợt nhạt như giọng đàn kia đã cướp linh hồn của nó. Khi tiếng đàn được nâng cao vút lên với một điệu nhạc kích động lạ thường thì đứa con yêu của bà từ từ rụng xuống, như một thân cây yếu mềm gãy đổ trên đất.

Từ lâu, người mẹ đã nhìn thấy nỗi say mê âm nhạc trong lòng con mình. Bây giờ bàn tay đẫm máu của nó như là dấu hiệu kỳ quái của một tài năng chớm nở đã tìm lối thoát. Bà vội tìm thuốc băng bó vết thương và cố thu xếp mọi vật để vào chỗ cũ, cho người chồng khỏi nhận biết khi ông ta về. Từ đấy, bà vẫn thỉnh thoảng giấu chồng lấy chiếc đàn xuống cho con và chỉ những hôm người cha bận rộn dưới tàu, Pa-ga-ni-ni mới được tự do ve vuốt những sợi tơ đồng. Pa- ga-ni-ni biết rằng cha mình thô bạo, và chỉ đôi lần trong năm đứa bé mới bắt gặp được nụ cười ở trên khuôn mặt lầm lì của cha. Một hôm, đang đi thơ thẩn trong một lối phố chen chúc kẻ bán người mua, đứa bé bỗng nghe tiếng đàn vẳng lên đâu đó rất gần. Đi về hướng nhạc, nó nhìn thấy trong một quán nhỏ bán rượu, một số người đang đùa cợt ở cạnh quầy hàng trong lúc một người lớn tuổi sử dụng cây đàn vĩ cầm với những ngón nghề hết sức linh hoạt. Đứa bé rón rén bước tới, chui vào hàng rào, bị thu hút như nam châm và khi tiếng đàn bỗng dứt, từng loạt vỗ tay vang dậy, nó vẫn hãy còn ngơ ngẩn.

- Hoan hô Gi-ô-va-ni ! Anh có ngón đàn tuyệt diệu ! Hoan hô ! Hoan hô !

Người nhạc sĩ quay đặt cây đàn ở trên thùng gỗ sau lưng và ngồi xuống ghế, tự thưởng cho mình một chén rượu lớn. Đó là lần đầu Pa-ga-ni-ni nhìn thấy tận mắt cây đàn vĩ cầm. Tiếng đàn êm dịu bây giờ gợi lại trong tiềm thức nó những nét huyền diệu mơ hồ của những năm qua ở cạnh bến tàu… Nó ngước lên nhìn chăm chú như dõi theo một vật lạ đáng yêu, đáng quí chừng nào. Trong khi mọi người nô đùa cười cợt thì đứa bé vẫn ngồi đó, nép sau thùng gỗ, nhìn lên cây đàn đã phát ra những thứ âm thanh kỳ diệu. Cuối cùng, thừa lúc câu chuyện của người trong quán ồn ào kích động bởi chất men rượu nồng ấm, Pa-ga-ni-ni trườn lên, thò tay nắm lấy chiếc đàn, rồi nhanh như một con thỏ chui tọt qua rào, bước ra đường phố. Đứa bé ôm chặt cây đàn trong lòng lang thang qua các con đường, rồi ra bờ biển. Trời cao và xanh, mây lững lờ, mặt biển lặng yên sáng màu ngọc bích lơ thơ điểm những cánh buồm lướt nhẹ ngoài khơi. Ngồi trên tảng đá, Pa-ga-ni-ni bắt đầu sờ soạng sử dụng cây đàn. Và giữa khung cảnh trời nước bao la, một bản nhạc lạ bắt đầu dựng thành như kết tựu được những nét thanh nhã mơ màng của thiên nhiên với một tâm hồn đa cảm. Đứa bé cứ thế tiếp tục đàn những bản hát mà nó đã nghe trong các thánh đường, mãi cho đến khi gió biển từ xa thổi về thoáng lạnh và những ánh nắng cuối cùng tắt lịm về phía chân trời nhấp nhô những dãy núi biếc đã đổi sang màu tím thẫm.

Trời sắp tối rồi. Pa-ga-ni-ni như choàng tỉnh dậy sau một cơn mơ và đứa bé năm tuổi ấy thất thểu ôm chặt cây đàn trong lòng trở lại những đường phố cũ. Khi đến ngôi quán ban trưa nó thấy một số những người vẫn còn ngồi đấy. Đứa bé hai tay nâng cây đàn lên, trịnh trọng tiến thẳng về phía nhạc sĩ. Một số người kêu lớn lên :

- Thằng ăn cắp đây !

Pa-ga-ni-ni ôn tồn đáp lại :

- Tôi không phải là ăn cắp. Tôi chỉ mượn tạm cây đàn một lúc, bây giờ trả lại cho người chủ nó.

Một người hùng hổ la lớn :

- Đánh thằng ranh này một trận nên thân để nó khiếp sợ mà chừa.

Và sấn sổ bước tới gần, định tát vào mặt đứa bé. Nhưng người nhạc sĩ đã đưa tay ra ngăn cản, và nói :

- Hãy khoan, xem thằng bé này mượn đàn làm gì. Ánh sáng trong đôi mắt nó khiến tôi chú ý.

Rồi ông quay sang Pa-ga-ni-ni :

- Này chú bé con, chú đùa với cây đàn này đấy à ?

Pa-ga-ni-ni trả lời :

- Thưa ông, tôi chỉ mượn nó để đàn.

- Để đàn ? Bộ mày đùa sao ?

Người nghệ sĩ già kêu lên với nụ cười hoài nghi. Pa-ga-ni-ni vẫn đứng lặng yên, giương mắt bình tĩnh ngó hết mọi người. Cuối cùng, đứa bé trả lời :

- Một đứa bé con không thể đàn sao ?

- Nhưng mày đàn những bản gì ?

- Tất cả những gì mà tôi có thể đàn được, như những bài hát nghe trong giáo đường.

- A ! Vậy hãy đàn thử một bản nghe chơi. Nếu mày đàn được thì tao tha tội đùa nghịch của mày. Nếu không, thì phải ăn đòn, nghe chưa ?

Pa-ga-ni-ni nhón chân, đỡ lấy cây đàn, loay hoay đặt lên vai mình và mím môi lại. Mọi người im lặng theo dõi đứa bé. Những giọt mồ hôi lấm tấm ở trên khuôn mặt gầy gò xanh xao phản chiếu lấp lánh ánh đèn. Tiếng đàn ngập ngừng cất lên mỗi lúc thành dìu dặt và khi đứa bé dừng lại, dậm chân tỏ ý tức giận cho sự kém cỏi của mình thì một loạt pháo tay vang dậy. Gi-ô-va-ni, người nhạc sĩ, kéo Pa-ga-ni-ni vào lòng và nói :

- Em quả là một thần đồng. Ta sẽ bỏ công dạy dỗ cho em. Ta vốn là trưởng ban nhạc cho những gánh hát ở đây. 

*

Từ đấy, Pa-ga-ni-ni đã có được người dìu dắt. Được gần hai năm thì người thầy dạy bảo học trò rằng :

- Bây giờ ta hết khả năng dạy dỗ em rồi, bởi vì tài nghệ của em vượt cao hơn ta rồi đó. Nhưng ta không muốn một kẻ thiên tài như em mất đường tiến thủ. Ngày mai ta sẽ giới thiệu em đến gặp nhạc sư Gia-cô-mô, họa may em sẽ có cơ phát triển hơn nữa.

Khi đứa bé về thuật lại cho cha mình rõ, thì ông cau mày cằn nhằn :

- Trời ơi ! Làm sao mà dám đến học bậc danh sư ấy ? Giờ học đều được tính bằng một giá cắt cổ, chịu tiền chi thấu !

Nhưng khi Gia-cô-mô gặp được Pa-ga-ni-ni thì sự mừng rỡ của ông đã xua tan hết ý nghĩ tiền bạc. Ông chịu dạy dỗ không công, và kể từ đấy, Pa-ga-ni-ni có thể đi sâu vào trong khu vực kỹ thuật tinh vi của nhạc. Mặc dầu tuổi tác khác nhau rất xa nhưng mối cảm thông giữa thầy và trò khiến họ coi nhau như là bè bạn. Gia-cô-mô còn tìm việc làm cho người học trò vừa là bạn nhỏ của mình trong các giáo đường và kể từ đấy hàng tuần cậu bé đã có một món tiền lớn. Cứ thế danh tiếng Pa-ga-ni-ni càng ngày càng tăng và bao nhiêu cuộc trình diễn cũng cố gắng mời cho được cậu bé tham dự. Thấy con làm ăn có tiền người cha tham lam tìm đủ mọi cách khai thác khả năng của nó bằng cách ép uổng nó phải hiện diện trong bất cứ là cuộc mời mọc nào, và ông cũng theo bén gót để giữ cho khỏi rơi rãi từng đồng xu nhỏ. Ngoài những giờ đi theo sát con mình, người cha ấy nằm say sưa trong các quán rượu. Đến một ngày nọ, vị thầy của Pa-ga-ni-ni bảo với học trò như sau :

- Coi như tài năng của ta dạy dỗ cho em đến đây là chấm dứt rồi. Em hãy về thành Pác-mơ, tìm học Rôn-la, đó là tay đàn vĩ cầm nổi tiếng nhất ở xứ này. Ta sẽ giới thiệu cho em đến đó. May ra người ấy còn có chút gì để mà truyền lại cho em.

Rồi ông ôn tồn khuyên nhủ người bạn bé nhỏ của mình :

- Em đừng bao giờ quên rằng ý chí quyết định tất cả. Chỉ có ý chí của những con người kiên nhẫn, những người không bao giờ chịu buông chìu theo những yếu hèn, những người biết đương đầu lại những thử thách của định mệnh, là sẽ đạt đến những gì lớn lao và cao quí nhất trên cõi đời này.

Đến ngày thấy đứa con mình sắp sửa đi xa, người mẹ hiền từ ngồi suốt đêm ở bên giường, không ngủ. Bà ngắm nhìn con trong sự yên lặng kéo dài với niềm xúc động sâu xa và cuối cùng mới thốt lên : “Con ơi ! Mẹ ao ước rằng con sẽ đạt được lý tưởng của mình. Con sẽ trở nên tay vĩ cầm bậc nhất của thế giới. Những gì chính đáng mà con ao ước thì mẹ cũng hằng ao ước như con “.

Ngày mai người cha thuê chiếc xe ngựa và cùng với con về thành Pác-mơ. Nhưng khi gõ cửa nhà của nhạc sư thì vị này không chịu tiếp. Người vợ ông ta bước ra bảo rằng :

- Chồng tôi ốm nặng, ông ta không thể cử động từ mấy hôm nay.

Trong khi người cha cố gắng nài nỉ tiếp kiến cho được vị danh sư nọ, thì Pa-ga-ni-ni nhìn thấy chiếc vĩ cầm đặt bên cạnh một vở nhạc ghi chép bằng tay. Có nhiều nốt nhạc viết quá vội vàng và nhiều nốt khác đã bị xoá bỏ. Thoáng nhìn, cậu bé biết rằng đó là một bản hòa ca mà nhạc sư vừa soạn thảo. Nắm vội cây đàn, Pa-ga-ni-ni diễn tả hết bản hòa ca mà không phạm một lỗi nào. Tiếng đàn vừa dứt, thì trên cầu thang một cánh cửa lớn sực mở, và ông Rôn-la hiện ra, mặc quần áo ngủ, trên đầu phủ một khăn choàng bằng len trắng toát. Ông ta kêu lên:

- Coi kìa ! Có phải quỉ sứ chui vào nhà tôi đấy không ? Bây giờ mới thấy một người trình diễn chính bản hòa ca của tôi sáng tác, hay hơn chính cả tôi nữa.

Pa-ga-ni-ni cúi đầu chào hỏi lễ phép và hai cha con cố gắng nài nỉ để được nhạc sư nhận lời. Người cha khẩn khoản :

- Chúng tôi từ Giê-nơ đến vì biết rằng chỉ có ngài là người duy nhất có thể giúp đỡ con tôi tiến bộ.

Rôn-la trợn mắt :

- Cái gì ? Ông nói tiến bộ thế nào ? Ngay như tôi đây cũng muốn đàn giỏi kịp em bé này mà thôi. Tôi sợ rồi nó không còn thầy để mà học. Hoạ chăng chỉ còn mỗi một bậc thầy quan trọng mà nó có thể học tập lâu dài, đó là cuộc đời.

Một hôm, bá tước Nê-Grô là người rất mến tài nghệ Pa-ga-ni-ni và nhận làm kẻ bảo trợ cho cậu, đi chiếc xe ngựa cũ kỹ đến tìm Pa-ga-ni-ni và bảo :

- Hiện nay có một số người Pháp đang ở tại nơi nhà tôi.

Và ông nói tiếp, trịnh trọng :

- Trong đó có vị đại tướng chỉ huy.

Người cha Pa-ga-ni-ni xuýt xoa :

- Quả là danh dự lớn lao !

- Khốn nạn ! Chả có vinh dự gì đâu. Sáng nay, tôi vừa cãi cọ khá sôi nổi với ông ta về một vấn đề danh dự.

Vị bá tước tằng hắng, nói tiếp :

- Vị đại tướng ấy cho rằng người dân xứ Giê-nơ của chúng ta đây chỉ là một sự hỗn hợp giữa bọn giặc cướp và bọn lái buôn. Chúng ta không có một chút năng khiếu nào về nghệ thuật. Ở đây không có hoạ sĩ, không có thi sĩ đáng cho chúng ta tự hào. Còn Kha-luân-bố thì chỉ là kẻ đại diện thương mại hơn là một nhà thám hiểm đúng danh hiệu ấy. Nghe người ngoại quốc khinh miệt dân mình như thế, tôi có thỉnh mời đại tướng tối nay đến dự một buổi dạ hội để ngài chứng kiến một người dân thành Giê-nơ, như bất cứ dân nào văn minh trên thế giới này, có thể là một nhạc sĩ bẩm sinh. Do đó, con trai của ngài cần phải hiện diện để mà trình bày tài nghệ.

Vào ngày dạ hội, Pa-ga-ni-ni sửa soạn y phục và đến giữa một quang cảnh hết sức náo nhiệt, tưng bừng. Trong khung cảnh ấy chỉ có mỗi một giọng nói vang lên sang sảng là có uy quyền hơn cả. Đó là giọng nói của một con người gầy gò với đồ quân phục chỉ huy khác biệt lạ thường giữa đám hầu cận chung quanh. Bộ quân phục ấy thật là đơn giản, cũ kỹ, không có chiếc huy hiệu nào. Và con người với màu da vàng cháy, với chiếc mũ nặng nề ấy, là Nã-phá-luân.

Khi đến chính giữa sân khấu, Pa-ga-ni-ni cúi chào mọi người với cái thân hình gầy gò xanh xao của mình. Cậu ta để ý thấy vị chỉ huy vẫn cứ tiếp tục trò chuyện với người chung quanh ở một chiếc bàn cách đây độ chừng năm thước. Điều đó khiến cậu buồn lòng, nhưng cậu nhủ thầm : “Rồi ông ta sẽ biết cách yên lặng”. Cậu vội đưa chiếc vĩ cầm lên vai trình bày bản nhạc “Mùa xuân của Côn-nê-bi-ô”. Những tiếng đàn êm, dịu dàng trải khắp gian phòng như những sợi bạc óng ánh, càng lúc càng thêm lan rộng và thấm sâu hơn, nhưng không lấn át được giọng sang sảng của vị chỉ huy. Thình lình Pa-ga-ni-ni bỏ mạnh cây đàn xuống mặt bàn trong một cử chỉ tức giận tràn trề. Cậu ta định rời gấp khỏi sân khấu, bỗng nghe Nã-phá-luân kêu giật lại với một giọng nói quyền hành :

- Kìa, chú nhỏ ! Có việc gì vậy ? Không muốn tiếp tục đàn nữa hay sao ?

Và Pa-ga-ni-ni đứng dừng lại, dõng dạc trả lời :

- Tôi chỉ trình diễn khi nào ngài chịu nghe tôi.

Nã-phá-luân ngẩn người trong một vài giây rồi bỗng phá ra cười lớn. Với một giọng nói của kẻ bề trên, ông ta bảo người nhạc sĩ trẻ tuổi :

- Hay lắm ! Biết ăn nói đấy chú bé ! Thôi, cầm lấy đàn đi. Ta sẽ giữ gìn không cho ai được quấy rầy trong lúc chú đàn.

Một sự im lặng tuyệt đối bao trùm khắp căn phòng rộng và Pa-ga-ni-ni dạo những bản dân ca miền Cót-sơ, đưa Nã-phá-luân quay về dĩ vãng của mình. Người chỉ huy bỗng quên hẳn hiện tại và trong giây phút thấy mình trở về khu chợ A-giác-xi-ô chói nắng ngày nào, thấy lại những cô gái nhỏ vui đùa bên đống lửa hồng vào dịp ngày hội mùa xuân. Ngày ấy, Nã-phá-luân mới lên mười và bây giờ đây khói bụi chiến tranh cùng với tháng năm đã làm cho người cằn cỗi. Tiếng đàn dẫn dắt người tìm về ngôi làng cũ, ở bên bờ biển, cách chợ A-giác-xi-ô độ một dặm đường, làng Mi-lơ-li nhìn ra một ngọn hải đăng ngời sáng. Người như tưởng mình đi dạo trong khu vườn rộng bao la, đầy cam và lựu, đầy những hoa hồng, giữa hương và sắc chan hoà. Trên những ngọn đồi rợp bóng quanh vùng có một tảng đá cô độc nhô lên giữa vùng cây cối. Nơi đây thân mẫu của người đã dọn sẵn một hang động để Nã-phá-luân có thể học tập hàng giờ, trong dịp nghỉ hè… Thình lình vị chỉ huy bỗng giật mình : một loạt vỗ tay như sấm vang dậy chung quanh. “Thật là đứa bé kỳ lạ !” Nã-phá-luân vừa bảo thầm như vậy vừa vỗ tay phụ hoạ theo trong một dáng điệu trầm ngâm.

*
__________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>