Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Nữ Hiệp Sĩ Judo


Ca bao giờ Tâm đi học mà được yên thân cả. Mỗi lần đi học Tâm phải băng qua công viên và mấy con đường nữa mới đến trường. Chiều nào lúc ngang qua công viên Tâm cũng gặp bọn chúng, ba đứa con trai đầu tóc bù xù, áo quần lôi thôi ngồi trên ghế đá. Chúng làm gì, con cái nhà ai Tâm chả biết, chỉ biết rằng mỗi bận đi học về Tâm đều nghe chúng huýt sáo sau lưng mình. Ban đầu Tâm chả để ý nhưng mãi rồi điệp khúc ấy cứ diễn đi diễn lại khiến Tâm bực mình. Chưa bao giờ Tâm dám nói lại với chúng vì ngại chúng chả có hiền thì khổ cho Tâm.

Có buổi chiều học bốn giờ về đi ngang qua chỗ chúng ngồi, một thằng chạy ra nắm lấy vạt áo dài sau của Tâm mà ngâm ư ử:

Tà áo trắng em qua,
Lòng anh xao xuyến quá…”

Tâm quay phắt lại trừng bọn chúng rồi lại bước nhanh không dám nói thêm. Rất nhiều lần như vậy nhưng Tâm chỉ trả lời chúng bằng im lặng. Thầy chả bảo : “Im lặng là vàng” là gì?

Có nhiều lúc sợ quá Tâm không dám đi học nữa kia, Tâm nhờ anh Tú chở đi học nhưng lúc về cũng phải đi một mình. Bao giờ cũng vậy chúng theo Tâm như bóng với hình, tránh nơi này lại gặp nơi khác. Tâm muốn mách me nhưng sợ me mắng : “Đồ con nít ranh mà cứ vẽ chuyện” nên lại thôi. Chiều hôm qua chúng bạo hơn, có một thằng chạy ra giằng lấy cặp của Tâm rồi bảo : “Cô để tôi cầm hộ cho” rồi hắn nhìn hai thằng kia cười đắc thắng. Tâm lính quýnh chả biết sao thì hắn trả lại rồi bảo : “Đùa chơi chứ cô cầm về đi, hẹn hôm khác nghe”. Tâm không chịu nổi nữa, giận đỏ mặt nhưng công viên vắng quá không có người để Tâm cầu cứu.

Bây giờ Tâm chỉ ước có mỗi một điều “Giỏi Judo”. Vâng, Tâm chỉ ước có bấy nhiêu thôi. Áo đẹp, giày xinh chả cần nữa. Giỏi Judo để bao giờ chúng xúc phạm đến Tâm, Tâm chỉ cho chúng vài “hiệp” là chúng “mắc gió” liền. Khốn nỗi Tâm chả biết ai dạy ở đâu mà học, vả lại ở cái thành phố nhỏ bé này Tâm học Judo có lẽ tất cả mọi người đều biết. Tâm lại không ưa vậy, chỉ ưa học âm thầm để bao giờ cần thì đối phó, thế mới oai chứ ai lại đi học để bao giờ họ trông thấy mình thì lại chỉ chỏ : “Con bé học Judo đấy!” Eo ôi, thế thì chết Tâm mất…

Mơ ước thế nhưng mỗi chiều vẫn phải chịu cực hình trước bọn trời sợ ấy. Có lúc bực quá Tâm phải hét lên : “Người chi mà lì lợm thế không biết” nhưng chúng đâu có cần nghe Tâm mắng mới khổ chứ!

Oái oăm thay không có con đường nào đến trường gần bằng con đường băng qua công viên. Đi đường Phan Bội Châu có lẽ “mặt trời đã ngả về tây” Tâm mới đến trường. Xứ này lại chả có xe buýt nữa chứ! Nhưng Tâm có đi con đường khác chúng vẫn theo như thường, hẳn chúng đã thuộc thời khóa biểu của Tâm cũng nên. Ở nhà ai cũng có việc làm cả, không ai dư thì giờ mà đưa Tâm đi học hay đón về.

Tâm chả dám mách ba vì ba nghiêm quá, vả lại chuyện lẩm cẩm thế ai lại mách ba bao giờ. Anh Tú thì chưa nói đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, Tâm ghét nên không muốn nhờ. Chị Thủy khỏi phải nói, nhát như thỏ đế, thua cả Tâm. Thế là Tâm đành chịu cực hình một mình vậy.

*

Chiều xuống thật chậm, nắng vừa nhạt đủ để vấn vương, gió vừa nhẹ đủ làm tóc Tâm bay bay trong nắng. Chiều thứ bảy nên ba me sai Tâm dẫn mấy đứa em đi chụp hình và ăn kem. Cả bọn kéo đi qua công viên gần nửa tiểu đội. Từ xa Tâm đã thấy bọn chúng, ba đứa con trai ngày nào vẫn đón đường tâm. Hôm nay Tâm không sợ nữa vì có cả Tính – em kế Tâm – cùng đi, vả lại Tâm đã “giỏi Judo” rồi kia mà…

Giữ vẻ mặt nghiêm trang đi qua, bọn chúng vẫn im lặng, Tâm nhủ thầm : “Hú hồn, có lẽ hôm nay chúng sợ mình rồi” và khoan khoái bước đi. Nhưng Tâm không ngờ vì vừa đi vài bước Tâm nghe Tính gọi to “Chị Tâm!” Quay lại, Tâm sững sờ vì Tính đang vùng vẫy trong tay đứa con trai mặc áo rằn ri. Cố gắng bình tĩnh trở lại Tâm bước lại gần hỏi:

- “Cậu” làm gì em tôi vậy?

Tính bảo : “Nó kéo tay Tính lại đưa bức thư và bắt Tính phải đưa cho chị. Tính không nhận nên nó không cho Tính đi”.

- Này, cậu có buông em tôi ra không?

Thằng mặc quần áo rằn ri nhìn hai thằng kia cười hích hích thật ghét. Tâm hỏi lại một lần nữa:

- Cậu buông em tôi ra không? Lần thứ hai rồi đấy!

Hắn nhìn Tâm cười thách thức. Giận đến run người Tâm sẵng giọng:

- Tôi nói đến lần thứ ba cậu không buông em tôi ra thì tôi không để yên cho cậu rời khỏi nơi này đâu!

Hắn tròn mắt nhìn Tâm chế diễu rồi lại cười.

Ghét cái cười ấy đến cực độ Tâm nhủ thầm : “Rất may mình đã học Judo không thì hỏng cả mọi việc rồi”. Tâm xông vào giựt Tính ra khỏi tay bọn chúng. Lúc ấy, hắn mới đứng dậy bảo : “Cô em gan quá, giỏi lắm, có nhận bức thư này không?

Tâm quắc mắt : “Không, đừng hòng dọa người ta!” Hắn xông vào dúi bức thư vào tay Tâm, Tâm vội lùi xa và nhớ lại “mình đã học Judo”, bây giờ mới đúng lúc để ra tay.

Thế là Tâm “tranh đấu” với hắn. Một thằng bất tỉnh, hai thằng kia vội xông vào, chúng mạnh nhưng không nhanh nhẹn nên Tâm khóa tay một thằng nữa dễ dàng. Chúng kêu lên “ối trời ơi” rồi bỏ chạy. Tâm cũng mệt nhoài người loạng choạng muốn ngã và Tâm nghe văng vẳng đâu đây có tiếng khóc…

*

Giật mình thức giấc thì ra đó chỉ là giấc mơ. Tâm ngơ ngác không biết gì cả vì cả nhà đều vào phòng Tâm. Bé Tí đang khóc tấm tức và mếu máo:

- Chị Tâm nắm chặt lấy tay con bóp lại đau gần chết me ạ hu… hu!

Me hỏi : “Sao vậy Tâm?” Tâm sững sờ không biết trả lời thế nào. Có lẽ trong giấc mơ Tâm thấy mình khóa tay bọn chúng nên sẵn bé Tí nằm bên cạnh lại khóa tay chứ gì. Tâm nghĩ vậy nhưng không dám nói ra. Ai lại nói mắc cỡ chết đi được. Tâm cúi đầu im lặng. Anh Tú chen vào:

- Có lẽ Tâm theo lệ thường bóp tay bé Tí để giành bánh tai heo đấy me ạ.

Me mắng anh ấy:

- Im không nào, để me hỏi nó. Mày chỉ được cái ghẹo em thôi. Sao vậy Tâm?

Thế là Tâm đành kể giấc mơ cho me nghe và ngay cả chuyện bọn con trai vẫn đón đường Tâm mỗi ngày. Cả nhà cười ngất vì câu chuyện của Tâm. Chị Thủy bảo : “Tâm gan quá, chị thì sai bé Lan về nhà gọi anh Tú ra thôi. À, mà Tâm học Judo hồi nào vậy?” Tâm mắc cỡ đỏ cả mặt. Anh Tú độc hơn, anh nghiêng mình chào Tâm theo kiểu nhu đạo rồi bảo : “Kính chào cô nương đai “đen, đỏ, tím, vàng”. Dầu sao cô cũng nên nghĩ tình anh em trong nhà mà đừng khóa tay tôi nhe. À, tôi phải viết câu chuyện này đăng báo ngoại quốc mới được, nhan đề là “A wonderful dream”. Hẳn cô bằng lòng cho biết đầy đủ chi tiết chứ?” Tức quá Tâm vào buồng nằm khóc. Me mắng anh Tú:

- Mầy mấy mươi tuổi vẫn còn ghẹo em. Bây giờ me bảo thế này : đi học Tú phải chở Tâm đi còn đi về thì để con Thiên – người giúp việc nhà Tâm – Chúng mầy nghe rõ chưa? Tâm nghe tiếng anh Tú:

- Thưa me nghe rõ ạ nhưng nhỡ Tâm nổi máu anh hùng ngay cả với con thì sao?

- Lại nữa, mầy đánh chết cũng chả chừa mà!

Tâm nghe tiếng giày cộp cộp vào phòng mình. Thấy anh Tú vào phòng, Tâm vội quay mặt vào vách. Anh ấy ghé sát vào tai Tâm bảo:

- Anh đùa chơi chứ anh sẽ chở Tâm đi học, đừng giận anh nghe, trưa nay anh sẽ đem kẹo về cho. Bằng lòng chứ?

Tâm lặng thinh, anh bỏ ra nhà ngoài vì biết Tâm lặng thinh là bằng lòng. Biết mà, anh đâu dám ghẹo Tâm vì ngoài Tâm ra không ai “dẫn” anh đến nhà chị Hạnh cả. Anh lo “xì dầu” trước cho yên chuyện đây. Dĩ nhiên Tâm bằng lòng vì khỏi phải lo nữa mà lại có kẹo ăn!

Với yêu thương của gia đình, tính hay nuông chiều của anh Tú, tính khẳng khái của Tính, Tâm không mơ ước mình “giỏi Judo” nữa. Giỏi để làm gì chứ để “bóp tay bé Tí mà giành bánh tai heo” như anh Tú bảo thì Tâm xin chịu.

Tâm chợt thấy mình sung sướng lạ, yêu gia đình thêm lên. Nắng đang lên và chim đang hót líu lo trong vườn. Tâm ngồi dậy với niềm vui tràn ngập trong hồn.


Diệu-Thy     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 82, ra ngày 1-12-1967)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>