Sáng hôm qua, tôi đang ngồi trong bàn giấy nhà băng, thì người thư
ký đến đưa cho tôi một tấm danh thiếp. Khi đọc tên người được viết trên đó tôi
phải giật mình, vì đó chính là tên của… Mà thôi, ngay cả với ông, tôi cũng
không dám nói nhiều hơn điều này.
Đó là tên một trong những gia đình quí phái và lẫy lừng nhất nước
Anh. Tôi rất lấy làm vinh dự được ông ta đến viếng, và tôi định bầy tỏ lòng
ngưỡng mộ khi ông ấy được mời vào, nhưng ông ta ngắt lời tôi ngay để nói đến
chuyện làm ăn, ông có vẻ như chỉ muốn mau chóng thoát khỏi một khổ sai.
Ông ta nói với tôi:
- “Ông Huỳnh Anh, tôi được biết là ông vẫn thường cho vay.”
- “Nhà băng vẫn làm vậy, nếu được bảo đảm chắc chắn.”
- “Tôi rất cần, phải có ngay năm chục ngàn bảng. Lẽ dĩ nhiên là
tôi có thể mượn các bạn tôi món tiền lớn gấp mười số đó, nhưng tôi thích coi
chuyện đó như chuyện làm ăn hơn, và tôi sẽ thu xếp lấy một mình, chứ không muốn
nhờ cậy bạn bè vì địa vị của tôi, làm như vậy để phải mang ơn thì thật là rất
vụng về.”
- “Tôi có thể biết được ông cần giữ món tiền đó bao lâu không ạ?”
- “Thứ hai tới, người ta sẽ trả tôi một món tiền rất lớn mà họ
thiếu, và tôi chắc chắn sẽ trả được ông số tiền mà ông sắp cho tôi vay, cộng
với tiền lời mà ông tính theo như thường lệ. Nhưng điều hệ trọng nhất đối với
tôi là phải có ngay bây giờ món tiền năm chục ngàn bảng.”
Tôi nói:
- “Tôi rất lấy làm hân hạnh được đưa ông số tiền đó bằng tiền túi
của tôi, và không cần cho ai biết cả. Nhưng tôi tiếc là không có phương tiện để
có được niềm vui đó. Mặt khác, nếu tôi cho vay dưới danh nghĩa của công ty, thì
phải có những bảo đảm chắc chắn, đối với người hiệp tác của tôi.”
Ông ta trả lời:
- “Tôi còn thích như vậy hơn!”
Rồi ông ta lấy ra một hộp da đen, vuông vức, đặt cạnh ghế ngồi.
Ông ta hỏi tôi:
- “Ông đã nghe nói đến chiếc vương miện cẩn ngọc chưa?”
- “Đó là một trong những bảo vật quí nhất của vương quốc.”
- “Đúng vậy.”
Ông ta mở hộp ra, và trên làn nhung rực rỡ, chính là món trang sức
tuyệt diệu đó.
Ông ta nói:
- “Có ba mươi chín viên ngọc lớn, và giá tiền cái khung vàng thì
không thể tính được. Rẻ nhất giá tiền cái vương miện này cũng bằng hai món tiền
mà tôi hỏi ông. Tôi sẵn sàng để lại cho ông chiếc vương miện này để bảo đảm.”
Tôi cầm lấy chiếc hộp quí giá, ngắm nghía chiếc vương miện rồi lại
nhìn ông ta. Ông ta hỏi tôi:
- “Ông nghi ngờ giá trị của nó ư?”
- “Không đâu, điều mà tôi có thể nghi ngờ thật ra là…”
- “Thật ra là tôi có quyền được giao nó cho ông hay không chứ gì?
Đừng lo! Ông tưởng rằng tôi có thể đem cầm thế nếu tôi không chắc chắn là mình
có thể lấy lại sau bốn ngày ư? Thế nào, đối với ông vật này đã đủ bảo đảm
chưa?”
- “Quá đủ ấy chứ!”
- “Ông Huỳnh Anh ạ, ông cũng nên hiểu là tôi đã tỏ lòng tin cậy
ông lắm đấy, vì tôi đã được nghe nói về ông. Tôi tin cậy ở sự kín đáo của ông
(vì tôi sợ người ta nói ra nói vào lắm!) và tôi lại còn cần sự cẩn thận của ông
hơn nữa : chả cần phải nói, chắc ông cũng hiểu được nếu có chuyện gì xảy đến
cho bảo vật này, thì sẽ tai tiếng đến thế nào. Chỉ hư hỏng một chút thì cũng
tai hại gần như là bị mất vậy. Ông biết không, ở trên thế giới không có viên
ngọc nào có thể sánh với những viên này! Vì vậy không thể thay thế viên ngọc
nào trong đó được. Tuy vậy, tôi cũng tin ông mà giao nó cho ông. Sáng thứ hai
tôi sẽ đích thân đến lấy”
- Thấy ông khách có vẻ vội vã, tôi không nói gì thêm nữa ; tôi gọi
người thủ quỹ đến và cho lệnh đưa năm chục ngàn bảng cho ông ta. Ngồi lại một
mình với cái hộp quí giá đặt trước mặt tôi không ngăn được sự lo lắng, khi nghĩ
đến trách nhiệm lớn lao mà tôi phải nhận lãnh. Tất nhiên, vì tính cách “quốc
gia” của nó, nếu có chuyện gì xảy đến cho nó, thì sẽ gây ra chuyện tai tiếng
biết mấy. Và tôi lại cảm thấy hối tiếc sao mình lại nhận lãnh vụ đó. Nhưng vì
đã trễ quá để làm khác hơn được, tôi cất nó vào cái tủ sắt riêng của tôi, và
tôi bắt đầu làm việc trở lại.
Khi trời tối, tôi tự nhủ thật là quá khinh suất nếu để vật quí này
lại đó. Cả trăm tủ sắt nhà băng đã từng bị cạy! Vậy tủ sắt của tôi có gì bảo
đảm nhỉ? Nếu chuyện đó mà xảy ra, nếu cái vương miện biến mất thì… Không, tôi
quyết định rằng trong mấy ngày phải giữ nó, tôi sẽ mang nó theo ngay bên mình,
để bảo vệ nó được luôn luôn. Nghĩ vậy, tôi gọi một cái xe ngựa kêu chở về nhà,
ở đường Song Hòa. Tôi chỉ thấy thư thái lại được khi bảo vật đã nằm trên tầng
lầu nhất, khóa kín trong ngăn bàn trong căn phòng tắm của tôi.
____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN III
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 72, ra ngày 7-1-1973)