Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Tác dụng của cái Miệng


Người ta ai cũng có một cái miệng. Nhưng không phải miệng ai cũng giống nhau. Cứ trong 1001 cái miệng, thì ít nhất cũng phải có 1000 cái miệng khác nhau. Kiểu miệng cũng rất nhiều. Này nhé: miệng cá ngão, miệng cá trê, miệng cá chép (của những anh chàng hay lép chép) ; miệng cá…, miệng hoa đào, miệng trái tim và miệng… Ôi, nhiều không thể đếm xiết được. Và còn công dụng của cái miệng? Ồ, công dụng của cái miệng thì ai mà chả biết. Điều đó dễ hiểu quá! Công dụng của cái miệng chỉ có hai việc mà thôi : ăn và nói. Sở dĩ tôi sắp công việc ăn lên trước là vì cổ nhân đã chả bảo : “Dĩ thực vi tiên” hay sao? Việc ăn quan trọng lắm chứ! Nhưng còn nói? Người ta có thể nhịn ăn được chứ không ai có thể nhịn nói được. Người ta đã tranh đấu bao nhiêu để được tự do ngôn luận. Và khi được tự do ngôn luận rồi thì người ta dùng quá cái quyền hạn đó. Họ nói, nói, và nói. Cái miệng lúc nào cũng lách chách, lách chách… Ôi! Chả trách là có người đã nói cái miệng là cái cống chảy ra đủ thứ chuyện.

Nhưng hôm nay tôi không bàn đến việc nói. Tôi bàn đến cái công dụng khác của cái miệng kia : ăn! Có lẽ khi đọc đến đây, các bạn đang chê tôi : “Hầy! Cái con bé rõ là “phàm phu tục tử”. Nói chuyện gì không nói, lại nói đến chuyện ăn! Thực tầm phơ…”. Vâng, tôi có dám nhận là cao thượng đâu. Tôi cũng đã từng đọc sách thánh hiền – chữ nho cẩn thận đấy nhé – được đâu… mấy bữa. Thế nên tôi cũng nhớ được câu : “Quân tử thực vô cầu bảo…”. Nhưng than ôi! Tôi có phải là “quân tử” đâu! Nên tôi thích ăn thì tôi cứ kể chuyện ăn. Xin lỗi các bạn “quân tử” nhé!

Nào! Nói gì chứ chuyện ăn thì tôi là vua. Ý quên, nữ hoàng chứ! Chả thế mà anh tôi đã đặt cho tôi biệt danh và chức phận là : “Giáo chủ đạo Ngốn”. Nghe oai ghê! Tôi phải thú thực là rất thích biệt hiệu ấy. Vì quả nó tả rất đúng bản tính của tôi. Chẳng hiểu tôi sinh vào giờ nào mà lại ham ăn vô kể. Bất cứ cái gì và bất cứ lúc nào tôi cũng ăn được cả : lúc ăn (đương nhiên), lúc chơi, lúc ngủ (các bạn sẽ cho là tôi nói phét, Nhưng cứ đợi tôi ngủ rồi đem bánh kẹo bỏ vào miệng tôi xem. Cứ là hết phăng phăng. Miệng tôi ô tô ma tích mà!) Tôi lại ăn cả vào giờ học nữa (Quý vị học sinh gương mẫu đừng cười nhé). Nhưng vào giờ học, không được ăn công khai, nên tôi chỉ nhấm đồ chua mà thôi. Nào me, xí mụi, tầm ruộc… Và cũng vì chuyện ăn mà tôi mới có câu chuyện để kể cho quý bạn nghe đây. Bây giờ nghĩ lại, tôi không khỏi tức cười.

Số là một hôm, giờ sử địa, giáo sư gọi chị Mai lên đọc bài. Trời ạ! Sao mà lúc ấy tôi ngu đến thế. Tôi không kềm được tính liến khỉ đang dào dạt trong lòng. Thế là tôi nghĩ ra một trò chơi mới. Trong lúc chị Mai đọc bài thì tôi lấy me ra nhấm nháp. Giáo sư đang cúi xuống cuốn vở chị Mai nên không thấy. Tôi cứ tỉnh táo lấy me ra nhấm ngay trước mặt chị Mai. Lại thỉnh thoảng làm ra bộ xuýt xoa ngon lành và nuốt nước bọt. Ô hô! Thế là từ đó chị Mai đọc bài vấp luôn. Thỉnh thoảng lại đớ lưỡi đọc không được nữa. Vì chị Mai là học sinh gương mẫu nên giáo sư lấy làm lạ, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn chị – mà lại không nhìn xuống tôi, thế mới chết! Tôi lại càng thích chí, làm già mãi. Nhưng than ôi, thiên bất dung gian. Giáo sư chợt hỏi chị Mai:

- Hình như em ăn gì trong miệng?

- Dạ… đâu có ạ…!

- Thật không?

- Thật… ạ…!

- Sao thỉnh thoảng chị lại nuốt nước miếng, đọc bài không được?

- … Ư… Ư…

- A, chị định giấu tôi phỏng. Nếu chị lỡ ăn thì thú thực đi, không tôi buộc lòng phải cho chị zéro.

Mới đầu, chị Mai định không khai tôi. Nhưng rồi con số zéro và hàng chữ : “học sinh gương mẫu ăn vụng trong lớp” lớn dần trong óc chị. Có lẽ chị nghĩ:

- Nếu mình không khai nó thì mình ăn zéro. Ôi, còn gì là danh dự. Kệ xác nó. Mình đang đọc bài mà nó phá mình. Thế là nó ác! Mình khai chứ, sợ gì?

Và chị khai thực:

- Thưa thầy, lúc em đọc bài, chị Tuyền chị ấy cứ lấy me chua ra ăn trước mặt em. Nước miếng em tự dưng chẩy ra, nên em mới vấp ạ.

Ô hô, có chết tôi không chứ! Cả lớp cười rầm lên như chợ vỡ. Cái mặt tôi lúc ấy chẳng biết là có đỏ bằng mặt Quan Công không. Nhưng trong lòng tôi sượng điếng người đi. Giáo sư kêu tôi lên, bảo:

- À, chị Tuyền, chị có biết là ăn trong lớp xấu lắm không? Chị thích ăn lắm nhỉ? Chị mang tập lên đây cho tôi.

Tôi về mang tập lên. Và hôm ấy tôi được một cặp zéro to tướng. Giáo sư lại còn nói:

- Chị thích ăn? Phải, không ăn sao sống. Bây giờ tôi cho chị hai cái hột vịt. Mang về nhà hãy ăn. Còn trong lớp thì đừng nhé.

Chao ôi, lúc ấy tôi như Từ Hải chết đứng, ngượng không để đâu cho hết. Cả lớp lại ầm lên một hồi nữa. Và từ đó tôi có thêm biệt hiệu ở lớp nữa là “Tuyền hột vịt”.

Nhưng tôi có chừa đâu. Ngay khi tan học là tôi đã quên phắt hai cái số zéro vĩ đại. Tôi còn để thì giờ vào việc khác. Tôi để đầu óc tôi hướng vào một việc quan trọng hơn nhiều : việc đi ăn cỗ chiều nay, nhà bác tôi có giỗ. Tôi mong đợi buổi chiều đến.

Và buổi chiều đến.

Chiều hôm ấy là một buổi chiều có nắng thật đẹp. Chả bù cho mấy ngày hôm trước, mưa sùi sụt tí tách mãi. Có lẽ trời cũng vui lây cái vui của tôi. Nắng vàng rung trong gió. Trời xanh cao, cao vút. Tôi đi ra đi vào loăng quăng, lòng nôn nóng. Hôm nay giỗ ông nội tôi, chắc hẳn là cỗ phải to lắm. Tôi tưởng tượng đến các món ăn. Ối! Cứ tưởng tượng đến là tôi lại nuốt nước miếng.

Cái miệng tôi lúc ấy tự dưng thèm ăn lạ lùng. Tôi khô cổ và đột nhiên thấy khát. Nhưng tôi không muốn uống nước. Vì me chả bảo là trước bữa ăn đừng uống nước hay sao? Uống nước vào ách bụng, ăn cơm không được nhiều! Có lẽ các bạn chế tôi : “Tham ăn thì tham vừa vừa chứ! Làm gì mà dữ vậy. Trước sau cững được ăn mà. Cứ như là chết đói lâu năm không bằng”.

Như vậy là oan cho tôi quá! Các bạn quên rằng tôi háu ăn kinh khủng. Bao tử tôi như cao su ấy, chứa bao nhiêu cũng không vừa. Vả trong bữa cơm, mẹ bảo:

- Con Tuyền có ăn thì ăn in ít chứ. Để bụng chiều nay đi ăn cỗ.

Được lời như cởi tấm lòng. Thế là buổi trưa hôm ấy, tôi đã chỉ ăn lưng dạ thôi. Ăn nhiều làm gì? Phải để bụng đi ăn cỗ chứ! Tôi lại không ăn quà vặt nữa, mặc dù tôi là nữ hoàng về nghề ăn quà vặt (Sáng, trưa, chiều, tối, bất cứ lúc nào tôi ăn cũng cũng được). Bởi vậy mới có năm giờ chiều mà bụng tôi đã cồn lên rồi. Bao tử tôi nó đang phản đối ầm ầm. Tôi phải tuân lệnh nó. Nên tôi cứ giục khéo mẹ tôi mãi, giục mẹ tôi dẫn qua nhà bác tôi. Nhưng mặc cho tôi nhắc khéo, mẹ tôi không cần biết đến cái cõi lòng “sóng gió” của tôi. Mẹ nói:

- Gớm, làm gì mà nhắng lên thế! Gượm đã, vừa ăn cơm lúc nãy kia mà. Bây giờ, cô hãy đánh thức các em dậy, tắm rửa cho chúng. Đợi tôi vấn qua cái đầu, xong rồi đi.

Có lẽ chưa bao giờ tôi ngoan đến thế. Mẹ tôi vừa nói là tôi đã tới dựng các em tôi dậy, túm từng đứa một lôi ra sàn nước. Và một nhoáng sau, các em tôi đã sạch sẽ, tề chỉnh, đợi mẹ tôi dẫn đi. Thế mà mẹ tôi cứ dềnh dàng đến mãi 6 giờ mới dẫn chúng tôi sang nhà bác tôi. Nhưng tôi không cần, miễn được ăn là thích… Trên đường đi, lòng tôi vui như mở hội. Vì lúc ấy quả thực tôi đã đói lắm.

Kia kìa nhà bác tôi. Nhà bác tôi nằm khuất trong một cái ngõ trúc. Vừa bước tới đầu ngõ, mẹ khen:

- Ngõ mát quá, mùi trúc phảng phất làm mẹ nhớ tới ngoài Bắc. Giữa Saigon mà mua được cái nhà có vườn như nhà bác Hậu cũng thích.

Nhưng tôi, tôi không ngửi thấy mùi trúc. Tôi còn tưởng đến mùi thức ăn xào nấu ở nhà bác tôi. Ôi, hôm nay tôi phải chén một trận cho thật kỹ mới được!

Và tôi chén một trận kỹ thực…

… Bước vào nhà bác tôi, may quá, bữa ăn vừa dọn xuống. Thức ăn hãy còn nóng. Trong khi mẹ tôi đem vàng nhang lên bàn thờ lễ, thì bác gái đã kéo tôi ngồi xuống mâm. Đám giỗ hôm nay, bác tôi không mời ai khác ngoài gia đình tôi. Bác chỉ làm xuềnh xoàng gọi là nhớ ngày giỗ kỵ ông nội tôi. Cỗ có hai mâm, mâm trên cho người lớn, mâm dưới cho trẻ con. Tôi được chỉ cai quản lũ nhép ở mâm dưới. Thế càng thích, ăn với người lớn phải dè dặt giữ ý. Ăn với trẻ con thì tha hồ. Tôi đói lắm rồi, nếu ăn giữ ý thì còn ăn được cái gì nữa. Chao ôi, sao các món ăn ngon lành thế?

Mà quả là món ăn ngon lành ghê. Món nào cũng làm tôi rệu nước miếng. Nào là món gà quay vàng ruộm, món thịt gà luộc thơm rức mũi. Màu vàng hây hẩy của miếng thịt làm tượng đá cũng phát thèm, nữa là tôi. Ô, còn thịt heo quay nữa kìa. Thịt heo quay ăn thì phải biết, phải biết…! Ngoài ra, còn vô khối các món khác, món nào cũng đủ tài để lôi kéo đôi đũa tôi về phía đó. Tôi không biết ăn món gì bây giờ, món nào tôi cũng thèm cả. Biết làm thế nào? Tôi bèn thưởng thức từ món một. Nhưng bác gái tôi vừa đem tới một món khác : món cua lột xào lăn. A, gì chứ cua lột thì nhất rồi, ngon tuyệt cú mèo. Và thế là tôi cứ nhê nhế gắp mãi món cua lột. Tôi nhớ hôm ấy tôi chén đâu đến sáu bát cơm. Lũ em tôi ngồi xem tôi ăn mà phục, tôi ăn đến no kềnh bụng ra. Cái miệng tôi được động viên toàn lực. Nhai bằng thích!

Nhưng than ôi! Hôm ấy vì quá đói, tôi quên rằng người quân tử không coi trọng sự ăn uống, ăn thế nào cũng được… Vì “quân tử thực cô cầu bảo…”. Còn tôi lại muốn ăn cho thích khẩu. Thế là tôi cứ lựa của “bảo” mà ăn mới chết chứ! Tôi lại quên luôn câu : “tham thực cực thân”. Tôi chén của “bảo” vô khối. Đĩa cua lột tôi vét sạch sành sanh. Các cụ đã dậy “Cua ăn độc”. Trước đây tôi đâu có tin. Độc sộc vào miệng. Cần khoái khẩu đã.

Nhưng bây gờ tôi bắt buộc phải tin. Hôm ấy, tôi cực nhọc theo mẹ lết về đến nhà, thì nằm vật ra. Như thế cho tiêu cơm! Nhưng, ô hay, sao bụng tôi lại đau thế này. Dễ chừng mấy con cua lột sống lại và có vỏ cứng rồi chắc. Chúng kẹp tôi hay sao mà đau lạ. Bụng tôi quặn thắt lại và sôi ục ục. Có lẽ bao tử tôi đang rên lên vì bị bóc lột, ép buộc làm việc quá sức lao động. Tự dưng lưng tôi lạnh toát, mồ hôi vã ra. Lỗ chân lông tôi làm như dựng lên từng cái một, nở ra khép lại. Cứ thế từng đợt, từng đợt. Tôi thấy xây xẩm. Tôi nói:

- Mẹ à, sao con thấy khó chịu quá, con chóng mặt và nhức đầu như búa bổ. Bụng con đau thắt lại.

Một bàn tay sờ lên trán tôi, rồi tiếng mẹ tôi kêu:

- Chết, cô cảm rồi. Ăn cho lắm vào để đi đường bị trúng gió. Khổ quá, mồ hôi vã ra như tắm thế này. Ngồi lên để tôi cạo gió cho.

Mẹ tôi hấp tấp đi lấy dầu hôi và đồng bạc cắc. Người ra khép cánh cửa cho khỏi gió lùa vào rồi vào dựng tôi ngồi dậy. Khốn nạn, bây giờ tôi ngồi không được nữa. Cái bụng hóa ra một hòn đá ép ngực tôi lại. Tôi khó thở quá. Và tôi phải nằm sấp xuống. Nhưng hỡi ơi, bụng và ngực tôi bị đè dưới sức nặng 40 kg của thân hình, đau tức vô cùng. Tôi thấy nhộn nhạo trong người.

- Thôi mẹ à, đừng cạo gió nữa. Con tức bụng quá.

- Không được, cứ nằm đấy. Nếu tức bụng thì lấy cái gối đệm trước ngực kìa, cho bụng thảnh thơi. Hốc mãi vào.

Mẹ tôi đưa tôi cái gối, lót dưới ngực. Bây giờ tôi mới thấy dễ thở một chút. Nhưng kìa, con gì ngo ngoe trong bụng tôi. Nó bò lần lên đến cuống họng. Tôi cảm thấy lợm giọng, cổ nôn nao. Tôi vươn người ra khỏi giường. Mẹ tôi kêu lên:

- Làm gì thế, có nằm im đi không?

Nhưng mẹ tôi vừa dứt lời thì:

- Ộc… ộc… ực… ụa… ùa… Hơ hơ…

Tôi nôn thốc tháo. Ôi, tất cả món ăn tôi cho vào miệng, bây giờ lại theo miệng mà ra. Tôi nôn lênh láng cả ra nhà. Khốn khổ, thức ăn lúc nãy ngon bao nhiêu, bây giờ lại tởm bấy nhiêu. Nó chua lòm lòm, một mùi chua ngai ngái, ngây ngây, lờm lợm. Tôi thì tôi đau khổ lắm. Nhưng anh tôi lại cười:

- Ha ha, ăn cho cố, bây gờ bị trúng thực. Tội nghiệp em tôi quá hi hi hi…

Và lần ấy tôi ốm một trận kịch liệt. Ngót một tuần lễ mới khỏi. Lúc bước ra khỏi giường bệnh, người tôi xanh xao như tàu lá. Mẹ tôi bảo:

- Bây giờ phải ăn cho nhiều vào, cho lại sức mà đi học chứ.

Nhưng tôi đã ớn cái thói ăn nhiều rồi. Từ bấy giờ trở đi tôi chỉ ăn uống điều độ, vừa phải. Hẳn cái miệng của tôi tức lắm. Nhưng mặc xác nó chứ. Cứ chiều cái miệng thì có ngày khổ với nó! Câu nói : “Cái miệng là cái mai rất tốt để đào huyệt cho ta” thế mà đúng.

Và từ đấy, cứ mỗi lần ai nói với tôi câu này:

- Ăn nữa đi cháu, con gái phải ăn nhiều cho mau lớn chứ.

“Ăn nhiều cho mau lớn”! Tôi mỉm cười.

  
NGỌC TUYỀN   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 124, ra ngày 1-3-1970)

Bìa của Vi Vi : Nắng sớm

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>