- Được rồi. Để tôi sẽ kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra trong nhà
ông đêm đó. Khi ông đã về phòng, cháu ông ra khỏi phòng riêng và xuống nhà. Cô
ấy đứng nói chuyện với người yêu ở chỗ cửa sổ, trông ra chuồng ngựa ấy. Dấu
chân Bảo Minh còn in rõ trên tuyết, vì hắn đã đứng khá lâu phía ngoài cửa sổ.
Cô ấy đã nói với hắn ta về chiếc vương miện. Lòng ham muốn của cải xấu xa của
hắn nổi dậy, và hắn bắt cô Hoa phải theo ý hắn. Tôi không nghi ngờ tình thương
của cháu gái ông dành cho ông, nhưng nhiều khi đối với vài người đàn bà tình
yêu lại mạnh hơn hết, có thể choán chỗ của những tình thương khác. Cô Hoa thuộc
về loại người đó. Cô ta vừa nghe xong lời dặn dò của Bảo Minh thì ông đi xuống
cầu thang. Cô ấy vội đóng cửa sổ lại và kể cho ông nghe cậu chuyện chị ở trốn
ra ngoài với tình nhân có chân gỗ : Câu chuyện ấy cũng có thực nữa. Còn cậu anh
Thi thì vào giường nằm sau cuộc cãi vã với ông. Nhưng cậu ta đã trằn trọc không
ngủ được : Cậy ấy lo lắng về món nợ phải trả. Vào lối nửa đêm, nghe có tiếng
chân nhè nhẹ đi ngang qua cửa, cậu ấy dậy, nhìn ra hành lang và ngạc nhiên thấy
cô em họ biến vào căn phòng rửa mặt của ông. Không tin ở cặp mắt, cậu ấy xỏ bộ
quần áo vào và đứng đợi trong bóng tối để xem chuyện gì sẽ xẩy ra. Lát sau cô
ta lại hiện ra dưới ánh đèn hành lang, và cậu con ông ẩn sau cửa, thấy rõ cô ấy
mang chiếc vương miện quí giá của ông đi xuống nhà. Hoảng kinh, cậu ấy chạy ra
ẩn sau tấm màn gần cửa phòng ông, để nhìn xuống coi chuyện gì xẩy ra bên ngoài.
Cậu ấy thấy cô ta mở cửa ra không gây tiếng động, trao chiếc vương miện cho một
người nào đó đứng ngoài trời đêm, rồi cô ấy đóng nhanh cửa sổ lại và trở về
phòng, không nhận thấy con trai ông vẫn đứng sau tấm màn dầy.
Khi cô ta còn ở đấy, con ông không thể làm gì được vì sợ làm mang
tội cho cô em họ, người mà cậu ấy yêu mến. Nhưng khi cô ấy đã đi khỏi, cậu ấy
mới nhận thấy hành động này sẽ mang đến hậu quả không hay cho ông. Cậu ta vội
chạy xuống thang, quần áo vẫn sơ sài và chân đi đất. Sau khi mở cửa sổ, nhảy ra
sân đầy tuyết, cậu ta vội chạy về hướng chuồng ngựa, vì hút thấy một bóng người
ở đó dưới ánh sáng trăng. Anh Thi đã túm được Bảo Minh và hai người vật lộn để
giằng co chiếc vương miện. Anh Thi cầm đầu này còn Bảo Minh cầm đầu kia. Trong
lúc đánh nhau, con ông đấm vào phía trên mắt Bảo Minh làm rách một mảng da. Nhờ
thế, Anh Thi đã giằng lại được bảo vật mặc dù đã có tiếng gẫy phát ra. Sau đó
cậu ta xách chiếc vương miện chạy về nhà, đóng cửa sổ lại rồi trèo vào phòng
tắm của ông. Lúc ấy cậu ấy mới nhận thấy là chiếc vương miện bị xoắn lại trong
lúc họ đánh nhau, và cậu ta định bẻ lại thì đúng lúc ấy ông xuất hiện.
Ông chủ ngân hàng lẩm bẩm:
- Có thể như thế được sao?
- Đúng là như thế đấy. Sau đó, mặc dù ông mắng chửi, cậu ta vẫn
nín thinh vì sợ nếu khai ra thì sẽ vương lụy cho cô Hoa.
Ông Huỳnh Anh la lên:
- À, tại vậy nên con nhỏ mới kêu lên và té xỉu khi trông thấy cái
vương miện. Ô! Trời! Sao tôi ngu thế không biết! Và thằng bé xin tôi cho nó ra
ngoài năm phút. Chắc để trở lại chỗ đánh nhau, xem mẩu gẫy đó có rơi rớt đâu đó
không… Ồ! Thế mà tôi đã kết tội oan cho nó!
Sĩ Lâm tiếp:
- Khi tôi đi đến nhà ông, tôi đã đi một vòng nhà ngay, hy vọng
những dấu vết còn lại trên tuyết có thể giúp tôi điều tra ra sự thật. Tôi biết
rằng cả đêm trời không mưa tuyết, và vì trời lạnh nên những dấu chân cũng bị
đóng băng lại chứ chưa tan đi. Tôi đi qua lối nhà bếp nhưng phía ấy bị mọi
người dẫm đầy lên nên mất hết dấu. Nhưng tôi cũng còn nhận ra ở gần cửa bếp có
dấu chân một người đàn bà đã đứng lại và nói chuyện với một người đàn ông : Một
dấu tròn ở một bên chứng tỏ người đàn ông có một chân bằng gỗ. Tôi cũng có thể
nói thêm rằng hai người đã bị phá rối vì người đàn bà đã phải chạy lúc vào nhà
: Thật vậy, phía ngón chân chị ta bị ấn xuống tuyết sâu hơn phía gót chân ;
người đàn ông có chân gỗ, trái lại, còn đứng lại đợi một lúc rồi mới đi. Tôi
nghĩ ngay rằng đấy chắc là chị hầu phòng và tình nhân của chị ta. Sau đó tôi đi
vòng quanh vườn, nhưng tôi chỉ thấy những dấu chân hỗn độn, bước lung tung :
tôi cho rằng đó là dấu chân của cảnh sát. Ngược lại, khi đi về phía tàu ngựa,
tôi tìm ra một câu chuyện rất dài và rất phức tạp mà dấu tuyết còn giữ lại vết
tích.
Trên tuyết có hai loại vết chân, đi song song với nhau : Một loại
là của một người đàn ông có đi giày, loại kia chỉ cho thấy một người đàn ông đi
chân không. Ông không thể tưởng tượng được là trông thấy vết chân ấy, tôi mừng
đến đâu : Theo lời ông, thì chúng chỉ có thể là dấu chân của con trai ông.
Người có giày đã bước, nhưng người đi chân không đã chạy, và đôi lúc, dấu chân
trần in lên trên dấu giày, tất nhiên tôi suy đoán là con ông đã chạy sau người
kia. Đi theo các vết giày tôi tới chỗ cửa sổ, mà tôi suy đoán là người mang
giày đã đứng chờ khá lâu, vì quanh hai dấu giày, tuyết rơi xuống thành đống.
Sau đó dấu giày quay trở lại, thì cách đấy độ trăm mét, có dấu đánh nhau, nhìn
kỹ, tôi thấy có vài giọt máu : Vậy là tôi đã không lầm. Người đi giày đã chạy
xuống thung lũng, vài dấu máu rơi rớt chứng tỏ chính hắn đã bị thương. Hắn
xuống đến đường cái, nhưng trên vỉa hè và mặt lộ, tuyết đã được quét sạch, nên
đến đây là mất dấu.
Tuy vậy, khi trở vào nhà, tôi dùng kính lúp xem xét lại bậc cửa sổ
và tôi thấy có ai đã nhảy vào bằng lối đó. Tôi
nhận thấy có dấu bàn chân ướt đã đặt lên. Tôi bắt đầu đưa ra giả thuyết
: Một người đàn ông đã đợi ở ngoài, có người mang ngọc xuống cho hắn ta ; cậu
con ông trông thấy, cậu ta rượt theo kẻ cắp, đánh nhau với hắn, mỗi người kéo
chiếc vương miện về phía mình, và đã làm gẫy chiếc vương miện, mà sức một người
thì không thể làm nổi. Con ông đã trở vào với phần thưởng chiến thắng, nhưng để
lại một mẩu nhỏ trong tay kẻ địch. Tới đó thì được rồi, nhưng có một vấn đề khó
hiểu là ai đã mang chiếc vương miện ra.
Tôi theo câu phương châm cổ là nếu đã gạt bỏ những gì không thể
chấp nhận được ra, thì những gì còn lại dù rất khó tin, sẽ là sự thực. Tôi nghĩ
rằng không phải là ông đã mang vương miện xuống, vậy chỉ có thể là cháu gái ông
hoặc các chị hầu phòng. Nhưng nếu là những người giúp việc, thì tại sao con
trai ông lại chịu để mang tiếng oan, thay vì nói ngay ra? Không có gì cắt nghĩa
được. Ngược lại, nếu là cô Hoa thì rất có thể được, vì cậu con ông yêu cô ấy,
và không muốn thố lộ ra điều bí mật của cô ta, nhất là điều bí mật ấy lại không
vinh dự gì cho lắm! Tôi nhớ lại ông đã trông thấy cô ta đứng ở cửa sổ, và sau
này, khi thấy lại cái vương miện (mà cô ấy tưởng đã được mang đi xa), cô ấy đã
té xỉu. Bỗng chốc, giả thuyết của tôi biến thành sự thực.
Và ai có thể là đồng lõa của cô ta? Tất nhiên là một người yêu, vì
còn người nào khác có thể làm cô ấy quên tình thương và sự biết ơn mà cô ấy
dành cho ông nữa. Tôi cũng biết ông và cô ấy ít khi ra giao du bên ngoài, và
cũng ít có bạn đến chơi. Nhưng trong số bạn bè này có Bảo Minh. Trước đây tôi
đã nghe nói về hắn ta, hắn là một người rất tai tiếng đối với các phụ nữ. Chắc
hẳn hắn là người đàn ông mang giày và giữ các viên ngọc. Ngay khi bị Anh Thi nhận,
hắn đã bám lấy hy vọng rằng sẽ không sao, vì không lẽ Anh Thi lại nói ra một sự
thực, tố cáo chính những người trong gia đình mình.
Ông có thể đoán là sau đó tôi đã làm gì. Tôi hóa trang thành một
người ở, và đến nhà Bảo Minh, làm quen với người hầu, để biết rằng chủ hắn bị
thương ở mặt trong đêm hôm qua, và sau cùng, với món tiền nhỏ mọn sáu xu, tôi
mua được một đôi giày cũ của Bảo Minh. Ngay sau đó tôi mang đôi giày đến nhà
ông để ướm thử vào các dấu giày in trên tuyết. Quả nhiên là thấy đúng y.
Ông Huỳnh Anh nói:
- Chiều qua, tôi thấy trên lối đi đó có một người ăn mặc rách
rưới.
- Người đó chính là tôi. Sau khi tìm ra thủ phạm, tôi về đây thay
lại quần áo. Công việc của tôi bắt đầu khó khăn hơn, vì tôi biết rằng không nên
bắt bớ hắn ta để ông khỏi bị tai tiếng, tôi cũng biết sẽ phải nói với một tên
lưu manh và hắn sẽ biết lợi dụng thời cơ này để bắt bí ông và tôi. Đầu tiên,
hắn còn chối, nhưng sau khi tôi kể hết cho hắn nghe những chuyện hắn đã làm,
hắn làm dữ, giật lấy một cây gậy treo trên tường ; nhưng tôi đã đề phòng, nên
tôi đã giáng cho hắn một báng súng lục vào thái dương : Từ lúc đó hắn trở nên
biết điều hơn. Tôi đề nghị mua lại ba viên ngọc, với giá một ngàn bảng một viên.
Đề nghị của tôi làm hắn hối tiếc. Hắn kêu lên : “Uổng quá, tôi lại đem bán mất
rồi, với giá có sáu trăm bảng cả ba viên!” Tôi bắt hắn cho biết địa chỉ của
người đã mua những viên ngọc, đổi lại với lời hứa với hắn, là sẽ không kiện cáo
gì cả. Tôi chạy tới nhà người mua ngọc, và sau những hồi bàn cãi ráo riết với
lão ta, tôi lấy lại được mấy viên ngọc, với giá một ngàn bảng một viên. Sau đó
tôi tới thăm cậu con ông, để báo với cậu ấy là câu chuyện đã xong. Sau này, vì
đã là hai giờ sáng, tôi trở về nhà và đi ngủ : Sau một ngày vất vả như vậy,
nghỉ ngơi là điều cần thiết.
Ông Huỳnh Anh vừa đứng lên vừa kết luận:
- Và ngày ấy cứu nước Anh khỏi một câu chuyện tai tiếng thảm hại.
Thưa ông, tôi không biết dùng lời lẽ nào để cám ơn ông, nhưng ông hiểu rằng tôi
không quên ơn ông đâu.
Tài nghệ của ông vượt xa tất cả những điều mà tôi đã được nghe nói
về ông. Bây giờ tôi chạy đến thăm thằng con trai tôi, và tôi sẽ xin lỗi nó về
tất cả những sự khổ sở mà tôi đã gây ra cho nó. Về câu chuyện mà ông nói với
tôi về cháu Hoa, tôi đau khổ lắm : Sự sáng suốt của ông có đủ để cho tôi biết hiện
giờ nó ở đâu không?
Sĩ Lâm trả lời:
- Tôi có thể nói một cách không sai lầm rằng Bảo Minh đang ở đâu
thì cô ta ở đó. Với lại lỗi hắn dù có lớn đến đâu đi nữa, thì chẳng mấy chốc,
hắn sẽ nhận được một sự trừng phạt còn lớn hơn gấp bội.
CONAN DOYLE
THU AN dịch
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 82, ra ngày 25-3-1973)