Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Những Ngày Tết



 












Một chớm xa đưa tuổi hồng nào đó
Mười mấy năm rồi như thoáng nắng mưa
Ta vẫn còn nghe thật nhiều bỡ ngỡ
Di mãi trong hồn nuối tiếc hương xưa.
 
Ôi! Một thời thơ dại
Thuở còn cắp sách học trường làng
Như cây đời thật thà trổ trái
Ta vui mừng hồn nhiên đón Xuân sang
 
Rằm tháng chạp cây mai trước nhà suốt lá
Trơ dáng gầy, ươm nụ nở đầu Xuân
Ta đã thấy từng niềm vui rộn rã
Lòng cũng vương theo chút bâng khuâng.
 
Rồi những ngày mẹ già đi chợ
Mua mãng cầu, dừa, bí, gừng, me
Hương vị mứt đậm đà ta vẫn nhớ
Ngọt dịu dàng với một chút cay the.
 
Bao tục lệ cổ truyền yêu biết mấy
Chiều hăm ba đưa ông Táo về trời
Tâu với Ngọc Hoàng những điều nghe thấy
Trong nhà ngoài ngõ, khắp nơi nơi.
 
Ta ăn chè nghe cu kêu ba tiếng
Trước sân nhà nêu ngất nghểu mới trồng
Cha đem bộ lư đồng ra đánh bóng
Liếp sau vườn vạn thọ đã đơm bông.
 
Nhà nhà trong làng sửa sang đón tết
Câu đối chữ nho dán trước cửa nhà
Mấy ngày cuối năm mẹ già gói bánh tét
Lá chuối quê hương mầu xanh hiền hòa.
 
Tối ba mươi ngồi bên nồi nấu bánh
Ngọn lửa reo vui ấm cúng vô cùng
Tiếng pháo giao thừa năm hết tết đến
Mọi người hân hoan trăm nỗi vui mừng.
 
Mai nở rộ đượm thâm tình dân tộc
Sáng đầu năm ta theo mẹ lễ Chùa
Đầu Xuân đi hái lộc
Nguyện cầu năm mới được mùa.
 
Ngày mùng một xúng xính quần áo mới
Quỳ lạy nghiêm trang trước bàn thờ tổ tiên
Ông bà, cha mẹ, họ hàng câu mừng tuổi
Lì xì con cháu phong giấy đỏ nhiều tiền.
 
Ngày đầu năm cữ quét nhà hốt rác
Ngọn nêu cao vòi vọi, nắng ngại ngần
Tết làng quê nét đơn sơ mộc mạc
Xác pháo mừng Xuân rơi đỏ cả sân
 
Thèo lèo, bánh mứt, ba ngày tết
Ta cắn hạt dưa, uống nước trà
Thịt kho, dưa giá, khoanh bánh tét
Dưa hấu da xanh, ruột đỏ đậm đà.
 
Ngày Xuân vui hội hè đình đám
Pháo chuột pháo tre nổ đì đùng
Gió Xuân phảng phất trên làng xóm
Theo cha xông đất mấy nhà quen.
 
Những ngày tết trôi qua như vội vã
Ở trong làng ngày mùng bảy hạ nêu
Để ngẩn ngơ in hằn trên khuôn má
Dệt trong lòng bao luyến tiếc trông theo.
 
Hương yêu cũ những ngày xưa còn bé
Nơi xóm làng ta nhớ tết quê hương
Mùa Xuân mới hồn nhiên đôi cánh sẻ
Nắng tháng giêng trong đáy mắt nhớ thương.
 
                                                                            TRANG VY
                                                                    (bút nhóm Hoa Nắng)
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 147, ra ngày 15-2-1971)

 

Hoa Pensée
















Trong dĩ vãng nhạt nhoà hình bóng cũ

Khi cô đơn mù tím những giọt sương 

Bóng chiều qua mưa lất phất bên tường

Nghe vi vu cành ô liu tiếng gió


Chân rã rời ngựa không còn cất vó

Lời thì thầm làm nước mắt chảy xuôi

Vạn nhớ nhung trong câm nín nghẹn lời

Vẫn quấn quýt lồng tim từng tiếng thở


Người giữ kín nụ pensée thương nhớ

Cả cuộc đời chẳng nói một lời thương

Sao lặng câm như khách lạ ngoài đường

Bởi đã rẽ vào khúc quanh ngã khác


Nụ pensée điểm trang đời mộc mạc 

Như lục bình lưu lạc một dòng sông

Khi xuân về hoa nở khắp cánh đồng

Người vẫn nhớ hoa pensée ngày trước.
                                          

                                                         Nhã Uyên

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Truyện Một Con Mèo và Gia Đình Chuột


I

Gia đình chuột Lắt có năm người: Cha chú, mẹ chú, chú Lắt và hai cô em gái.

Giống như tất cả mọi gia đình chuột đồng khác, nhà chuột Lắt có hai... bin đinh: một ở ngoài đồng để ngắm bầu trời trong xanh mùa Hạ và một gần đó, trong nhà một ông chủ trại, để trốn khi giá lạnh mùa Đông.

Một buổi chiều mùa Hạ, cả nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy một gói nhỏ ngồ ngộ trong nhà, một gói nhỏ lông trắng, có hai lỗ tai cúp, bốn bàn chân nhỏ xíu và đôi mắt nhắm nghiền. Gói lông trắng kêu "M... eo" một tiếng yếu ớt, à! Cả nhà hiểu rồi, một con mèo nhỏ bị lạc, không cha, không mẹ, không tên. Hai cô chuột nhỏ kêu:

- Chít, chít! Tội nghiệp con mèo con.

Chuột lắt la lên:

- Chít! Ba ơi, Ba! Cho con nuôi con mèo này nghe!

- Nhưng mà, một con... mèo. Hừ! Hừ!

Mẹ chú tỏ vẻ do dự.

Ba chú cười xuề xòa:

- Có sao đâu! Nuôi chú chàng thành một con chuột ngoan ngoãn, không bao chú chàng biết được chú là một con mèo. Như vậy, hà hà, rồi cả nhà coi, cũng có lợi lắm chứ.

Chuột Lắt lại la lên:

- Chít! Vậy ta kêu nó là con Tý nghe ba!

Thế là Mèo con có một gia đình và một tính danh.


II

Khi chú Tý mở được cặp mắt xanh trong ra thì chú đã tập quen sống một cuộc đời nhà chuột. Ăn lúa ngoài đồng, uống nước ao, rình bắt côn trùng sâu bọ và cuộn mình ngủ chung với ba anh em nhà chuột của chú. Chuột bố, chuột mẹ thỉnh thoảng lại đứng ngắm cảnh thân thiết của bốn đứa con một cách hạnh phúc.

Một bữa chuột Bố chỉ cho chú Tý thấy một con mèo (dĩ nhiên là ở tuốt đằng xa), con mèo đầu tiên trong cuộc đời chú, không quên dặn chú nhớ ba chân bốn cẳng chạy cho lẹ mỗi khi gặp cái giống đang đi một cách uyển chuyển đó, cũng như giống chó và giống... người vậy.

Chú Tý co rúm người lại khi nghe những lời dạy dỗ của ông Bố nuôi. Dầu sao chú cũng chỉ là một con mèo nhỏ... nhỏ xíu.

Chú Tý ăn cắp đồ ăn dở lắm, nên chuột Lắt và hai con gái cứ phải chia đồ ăn cho chú hoài. Nhưng chú Tý rất có ích trong việc đánh lạc hướng ông Tam Thể già trong nhà. Chú bắt chước kêu meo meo vì từ trước đến giờ chú vẫn kêu chít chít như các con chuột kia. Bắt chước được dễ dàng, chú tưởng mình là một thiên tài, khoái chí cười "kít kít" với các em. Chú núp trong một góc tối rồi bắt đầu "Meo... Meo". Ông Tam Thể nghe tiếng kẻ lạ, lồng lên chạy khắp nơi để tìm kiếm tên địch, quên cả nhiệm vụ canh gác. Thế là chuột Lắt và hai cô em gái tha hồ khuân trộm thức ăn về ổ.

Tội nghiệp ông Mèo già. Rõ ràng là ông có nghe tiếng mèo kêu. Ông cũng ngửi thấy mùi lông mèo nữa mà. Một con mèo lạ trong nhà! Dễ giận chưa! Đôi khi ông còn thấy hai con mắt xanh lè lóe sáng trong bóng tối. Vậy mà, chưa bao giờ ông được trông nó tận mắt, con mèo lạ kia. Làm sao ông biết được chú Tý không nghĩ chú là một con mèo, và mỗi khi gặp ông, chú đều hoảng hồn cong đuôi chạy như những con chuột khác.


III

Chú Tý càng ngày càng lớn. Đó là một chú chuột "ngoan ngoãn" và yêu đời. Chú khoái ăn fromage, ăn mỡ và, chà chà! những mẩu bánh vụn mới ngon làm sao. Chú đánh hơi khoai tây rất tài và lần nào cũng dẫn ba em chuột đến thẳng chỗ đựng vỏ khoai. Vậy mà chú không ăn bao giờ vì một lẽ giản dị là khoai tây không phải thức ăn của mèo. Chuột Mẹ hài lòng lắm... Bà tuyên bố:

- Khoai tây bổ lắm nhưng con Tý rất ngoan. Nó không bao giờ ăn những gì không hợp với nó.

Còn chuột Bố luôn luôn gật gù, miệng ngậm pipe:

- Thì tôi đã nói với bà mà. Nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn.


IV

Một ngày, chú Tý uể oải chui ra khỏi cái giỏ giấy vụn, nơi chú vừa đánh một giấc trưa ngon lành, thì bắt gặp bọn con nít nhỏ trong nhà, cậu Phương và cô Uyển.

"Chít", chú kêu lên một tiếng kinh hoàng, rồi cong đuôi chạy theo bức tường và chui vào lỗ chuột.

- A, một con mèo con.

Cô nhỏ la lên, vừa đúng lúc chú Tý chui tọt vào lỗ. Cậu Phương ngạc nhiên:

- Mà sao nó làm gì giống như chuột vậy?

Hai vị con nít nhỏ bèn mưu tính xếp đặt một cái bẫy.

Đêm đó, chú Tý vừa thò đầu ra ngoài lỗ thì đụng ngay một vật gì đặt trước mặt. Chú đánh hơi. À ra một cái đĩa, trên có chất gì long lỏng.

- Cái gì đây? Chú thắc mắc.

Chuột Lắt cũng không biết nữa. Nó rụt rè nhấm nháp rồi nhăn mặt, vuốt râu:

- Ứ, ừ, dở ẹc! Chả ngon chút nào.

Chú Tý nếm thử một chút, rồi một chút nữa, rồi chút nữa... chút nữa... đến lúc đĩa nhẵn sạch.

- Mm Chú chép miệng Thơm quá!

Chuột Lắt hăm dọa:

- Chết mày rồi! Chắc là thuốc độc. Rồi mày sẽ bị đau bụng cho coi.

Nhưng mà đâu có phải. Bậy bạ, đâu có phải thuốc độc. Sữa đó mà.

Và rồi cứ mỗi đêm, chú Tý lại bắt gặp một đĩa sữa để ở chỗ cũ ngay trước hang chuột. Lần nào chú cũng uống cạn không còn một giọt.

Sáng nào cậu Phương và cô Uyển cũng reo lên mừng rỡ:

- A! Nó chịu uống! Nó uống hết rồi!

Rồi họ bắt đầu đặt dĩa sữa ban ngày.

Ban đầu, chú Tý chỉ rình khi không có mặt hai cô cậu nhỏ mới chịu uống. Dần dần, chú bạo gan hơn và giả lơ như không biết đến bọn nhỏ. Cuối cùng, chú chịu cho bọn họ đến gần.

Một bữa, chú ngạc nhiên khi thấy mình nằm gọn trong tay cô Uyển từ bao giờ. Chú không nổi khùng. Chú im lặng ngoan ngoãn. Chợt chú cảm thấy một chuyển động suốt sống lưng chú. Chú Tý kêu gừ gừ. Và chú rùng mình, cái rùng mình đầu tiên của một con mèo. 

Cô Uyển và cậu Phương đem chú lại một tấm gương lớn treo trên tường. Chú thấy ô kìa, một con mèo trong tay cô Uyển. Vậy mà chú tưởng là chú chứ. Chú hoảng hồn kêu "kít" nhưng mà lạ thay, cổ họng chú lại phát ra một tiếng "meo", giản dị và tự nhiên.

Chú Tý chợt hiểu. Chú không phải là một chú chuột mà là một con mèo, một con mèo như ông Tam Thể. Mèo con chạy u lại chuột Mẹ, kêu lên:

- Mẹ ơi, con là con mèo thực sao?

- Chính thế, con ạ.

Chuột mẹ âu sầu đáp. Rồi bà kể hết lịch sử đời chú cho mèo con nghe. Mèo con ngơ ngẩn, lòng buồn bã.


V

Mèo con bắt đầu sống đời thực của nó. Cuộc đời một con mèo. Cậu Phương và cô Uyển cho nó uống toàn sữa ngon và không hề hoảng sợ khi nghe nó kêu meo meo hoặc gừ gừ.

Tuy vậy chú Tý không quên gia đình cũ.

Tối tối chú nằm ngủ luôn luôn ôm con chuột bằng cao su cũ của cô Uyển. Chú đến thăm gia đình chuột thường xuyên, ăn fromage và kêu "chít chít" để nhớ lại ngày còn bé. Chú cũng canh chừng ông Tam Thể để lũ chuột khuân trộm đồ ăn.

Chuột Bố hài lòng lắm, ông thường khề khà nói với vợ, chừng như để kể công ông đã bằng lòng cho nuôi Mèo con:

- Ồ! Tôi đã bảo mà. Chuột Tý rất có lợi cho gia đình ta. Thấy chưa?


THÚY VŨ                      
mùa xuân Nhâm Tý               
(kể theo một chuyện cổ tích Tây Phương)


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 21, ra ngày 5-3-1972)


Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Em Việt Nam














Hồn em trong nguyệt bạch
Lòng em ngát hương trời
Lời em lời ưu ái
Tình mơ như huyền thoại

Em mở sử Lạc Hồng
Trang sử vàng đậm nét
Giòng lịch sử hào hùng...

Ngọn nến hồng tươi, thắp sáng chữ Non Sông
Lòng em hồng tươi, ươm muôn triệu cánh hồng
Bình minh dậy trong mắt em trong
Em là khóa mở cửa vườn Nhân Ái
Em cho tôi niềm tin yêu mãi mãi
Mở trang đời tôi chỉ thấy Trang Hoa
Em tươi thế hệ hôm nay em đẹp trong Hùng Sử Ca

Em mang chí quật cường Dân Tộc
Giữa mê cuồng bão lốc...

Em dòng máu kiêu hùng bất khuất của:
Quang Trung, Nguyễn, Lê, Trần...

Em là pha lê trong ngần
Mát tươi dòng sông mẹ
Ôi! Người em tuổi trẻ
Hãnh diện em Việt Nam.

                             TUỆ NGA

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão, 1975)


Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Gò Đống Đa


 

 

 

 

 

Hôm nay ngày Vua Quang Trung

Mồng năm Tết, bé lên cùng anh em

Đống Đa gò đất cỏ chen

Bé đi khẽ sợ tiếng rên ma Tàu

                             TRẦN THỊ TUỆ MAI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 123, ra ngày 1-4-1974)




Mối Thù Giữa Chuột và Mèo


Ngày xửa ngày xưa, vương quốc chuột ở một vùng thênh thang, biệt lập. Vì thuở ấy con chuột nào cũng to hơn voi. Thân hình chúng lại gọn gàng khi di chuyển, chạy nhảy, không ồ dề cục mịch và bất cân xứng như voi... Nghĩa là chuột vẫn có hình dạng như hiện nay, mà chúng ta phải tưởng tượng nó to lên, to lên...

Chuột vua ở trong cung, chuột quan ở các dinh thự xây cất đẹp đẽ, rập một kiểu cổng ra vào hình chữ U úp ngược. Và dĩ nhiên hồi đó chúng biết nói tiếng người. Bởi vì vua chuột có một ống sáo thần như ý. Công chúa chuột bạch thường lén dùng ống sáo thổi lên để đạt ước nguyện. Nàng biến ra một người con gái đẹp đẽ, cỡi lưng lính chuột để thơ thẩn dạo chơi, y như loài người chúng ta cỡi voi vậy đó.

Bỗng một hôm có anh chàng thợ săn lạc lối đi vào vùng của chuột. Anh ta thấy những lính hầu, cung nữ chuột thì thích quá muốn săn bắt ngay, để mong bán làm giàu. Công chúa chuột bạch hoảng hốt ngăn lại. Chàng thợ săn cũng chợt thấy một nhan sắc đáng yêu hơn, đáng để quên hết tất cả. Nhưng công chúa chưa tiện dẫn chàng thợ săn về hoàng cung. Nàng muốn về trước để thổi sáo, hầu xin thần tiên hóa cả nước nàng thành loài người.

Nàng đã tính sai. Chớ chi nàng xin biến chàng thợ săn thành chuột như nàng thì khỏi gặp nghịch cảnh sau này. 

Vua chuột chiều ý con nhưng trong bụng không bằng lòng chút nào với phò mã người.

Theo thời gian chàng thợ săn cũng khám phá ra bí mật về ống sáo thần, cô vợ có đuôi, và nhất là chuột. Công chúa cũng sơ hở đã khiến phò mã để ý rằng từ khi chàng đến đây cái giống vật lạ ấy đâu mất hết.

Rồi nghĩ vẩn, nghĩ vơ, chàng lo sợ tương lai. Ông "Ác" trong người lại giục giã. Chàng ta ăn cắp ống sáo thần, trốn đi, không quên thổi lên xin cả nước biến lại hình giống chuột như xưa.

Đau đớn thay cho sự phản trắc của chàng thợ săn. Vì nếu ống sáo thần bị dùng vào việc bất chính, nhất là không còn ở trong tay vua chuột... Tức thì nước chuột bỗng hóa tí hon. Nhỏ như những con chuột hiện giờ. Phút chốc vua, hoàng hậu, công chúa, quan quân, lính, tỳ, dân chúng... ngơ ngác trước biến cố kêu chí chóe phóng vút đi tứ phía. Cả một hoàng thành bỗng trở thành khổng lồ đối với họ. Chốn của họ phải là một nơi nhỏ bé đủ để dung thân.

Chàng thợ săn cũng không bao giờ săn được giống vật lạ nữa. Âu sầu và hối tiếc mang sáo thần trở về với thế giới loài người đầy dẫy xảo trá, lọc lừa. Ống sáo thần từ đó cũng hết linh nghiệm, được chàng ta treo ở phòng ngủ, mỗi lần nhìn đến là thương nhớ kỷ niệm xưa. Chàng ta ngày càng mang tật say sưa. Bản tính vốn khoe khoang, chàng ta lè nhè kể chuyện kỳ ngộ giữa rừng hoang với đám bè bạn cũng xấu bụng như chàng. 

Rồi câu chuyện lọt vào tai ông quan tham lam vùng ấy. Ông quan cho đòi chàng thợ săn đến hỏi rõ sự tình, toan tính việc chiếm đoạt ống sáo thần. Chàng thợ săn hối hả theo lịnh quan đến hầu, để minh oan chàng hứa sẽ nộp quan ống sáo ngọc.

Trong lúc ấy, công chúa chuột bạch đáng thương theo vết phò mã phản bội. Nàng hy vọng lấy lại được ống sáo, hy vọng được như xưa. Vì nàng quá nhỏ bé, nên lâu lắm nàng mới tìm ra phòng riêng của chàng thợ săn. Nàng trèo lên vách, cắn sợi dây treo. Ống sáo ngọc đứt dây rơi xuống nền gạch vỡ tan từng mảnh vụng.

Thôi thế là hết! Nàng ta đành phải chấp nhận cuộc sống mới vậy.

Còn phần chàng thợ săn, vì không có ống sáo thần cho ông quan tham lam nên bị bắt giam và tra tấn. Cả cha mẹ của chàng cũng bị khảo đả đến chết. Chàng thợ săn uất ức nguyền sẽ trả thù kẻ nào đã làm vỡ ống sáo thần. Chàng ta chết không nhắm mắt.

Công chúa chuột bạch tìm đến lao tù. Hai hàng râu của nàng thập thò lay động. Đôi mắt đen nhánh quan sát đôi mắt của kẻ chết mãi trợn trừng, ám ảnh...

Từ đó chàng thợ săn hóa kiếp thành giống mèo, để suốt đời rình mò, săn bắt lũ chuột cho thỏa ước nguyện. Thương thay cho số kiếp của chuột.


THÁI LYNH LĂNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Về Quê Ăn Tết

tặng Nguyễn Tường Anh

Áo em bát ngát bờ đê
Quyện ru từng bước xuân về lao xao

Thổi qua hồn nhỏ ngọt ngào
Êm như màu áo lụa đào mơn man

Đường xuân trải nắng lụa vàng
Tháng giêng chim hót mùa sang quê nhà

Khúc tình trổi dậy hoan ca
Bờ đê nắng đẹp cỏ hoa tưng bừng

Em về đây giữa mùa xuân
Lắng nghe hồn nhỏ vui mừng lên khơi

Chiều xuân lộng gió bời bời
Áo em vàng tưởng mây trời bơ vơ

Óng vàng sợi nắng như tơ
Vàng hoa nội cỏ vàng bờ cúc xinh

Về quê ăn tết thanh bình
Em mang áo lụa thắm tình quê hương

Hoa xuân nở rộn trên đường
Đâu đây vẳng nhẹ dư hương pháo hồng

Tình xuân nở ý mênh mông
Môi ngon má phính xuân hồng hây hây

Khuya nghe chim nhỏ gọi bầy
Chừng không gian gõ nhẹ hài xuân sang

Em se sua áo lụa vàng
Đón xuân hồn trổi cung đàn bình yên

Đây hồn xuân nở uyên nguyên...

                                             ĐẰNG LINH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Con Giáp Thứ Nhất


Vài lời mở đầu:

Năm Hợi mới đã qua với muôn ngàn rắc rối. Xin nghiêng mình tiễn đưa chú vào lò heo Chánh Hưng. Trước thềm năm mới, hân hoan đón mừng chú Tý, hay chuột, hay đệ nhất giáp. Sở dĩ các cụ đặt chú lên hàng đầu vì chú quá... siêu. Cái gì cũng nhất. Mời các bạn "nhận diện" chú xem có đúng như địa vị nhất không?!

Định nghĩa:

Theo Tiếu Ngạo Tiên Sinh, Chuột là động vật có 4 chân, có mắt để nhìn, có miệng để gặm, có đuôi để... vẫy. Ngoài ra Chuột còn có bộ râu hết sức "nghệ sĩ". Nếu bạn nào không tin xin vui lòng mở cuốn vạn vật 12 A sẽ rõ.

Phân loại:

Vẫn theo Tiếu Ngạo Tiên Sinh, Chuột cũng như... người. Người có da vàng, da trắng, da đen, da café sữa thì Chuột cũng có: chuột chù, chuột bạch, chuột nhắt, chuột cống v.v... Nhưng vẫn có tính chất... chuột. Và cũng xin nói thêm: Theo hiện tại, ta phân biệt Chuột thành ba giai cấp: Chuột thành phố, Chuột ngoại ô, Chuột nông thôn còn gọi là Chuột đồng cho có vẻ giống... người. Những loài tương cận: Dưa Chuột, Pháo Chuột...

Tính tình:

Ở BẨN:

Các cụ ví những anh chàng đầu tóc bù xù cả tuần không thèm tắm bằng một câu hết sức chí lý: "Đầu tóc thơm tho như cái ổ chuột chù" - thế đủ hiểu chuột rất "sạch sẽ" và có tinh thần "nghệ sĩ" cao độ. Ai muốn trở thành nghệ sĩ xin hãy noi gương chuột. Cam đoan chuột không phản đối.

THAM ĂN:

Loài người quan niệm: "ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn". Chuột quan niệm ngược lại nên lúc nào cũng ăn. Đói cũng ăn. No càng phải ăn nhiều hơn. Mõm chuột làm việc không ngừng. Không có thực phẩm chúng dùng đỡ gỗ, vải, đất... Các nhà vạn vật, cho rằng sở dĩ chuột phải gặm tối ngày để mòn bớt răng vì (răng) chuột tăng trưởng quá mau. Chẳng biết có đúng không, chỉ thấy cái gì chuột cũng gặm. Cây xà bông cũng được chuột chiếu cố, , có lẽ để "giặt" ruột.

VUA PHÁ HOẠI:

Đôi lời tâm sự của anh chuột choai choai: "Hôm nay lại bị loài người đuổi. Hên quá không sao! Cứ mỗi lần nghĩ tới loài người mình lại tức và buồn. Tức vì mình chả "trêu" gì họ mà sao mỗi lần gặp mình họ lại "mất bình tĩnh" thế nhỉ? Mình có làm chi nên tội. À tối qua nấp ở gầm tủ mình nghe thấy loài người bảo nòi giống chuột (láo quá) chuyên môn phá hoại. Rồi có tiếng cô bé khóc thút thít: "Mẹ ơi chuột nó gặm giầy của con". À đúng rồi, loài người đã hiểu lầm. Mình đâu có "đang tâm" phá hoại. Thấy đôi giầy đẹp quá mình mon men lại gần "thử" xem có ăn được không í mà. Biết giải thích sao đây? Ừ chuột đâu phải là vua phá hoại. Chuột chỉ tham ăn thôi nên cái gì cũng muốn gặm. Gà, vịt... mới sinh coi chừng kẻo chuột dẫn "đi chơi" đấy. Nhất là quần áo, giầy dép... của những đấng có vi trùng cẩu thả trong máu thế nào cũng được chuột ưu ái chiếu cố. Như tôi chẳng hạn, mới may chiếc áo dài chưa kịp "âu yếm" khoác lên người đã bị chuột "thêu" vào mấy chục cánh "hoa Hippy" đủ kiểu. Trời ơi tức chết đi được. Và... khóc.

KHÔNG THÍCH LÀM LÃNH TỤ:

Trên cõi đời bể dâu thay đổi này chỉ vì quyền lợi và địa vị nên chiến tranh mới bộc phát. Chuột "văn minh" hơn, chúng chỉ cãi nhau chứ chưa hề múa võ. Đó là tinh thần hòa bình rất đáng ngợi khen (hãnh diện nhé). Ngoài ra chuột không ham làm lãnh tụ nên chúng thi hành chính sách "tự túc tự cường" rất thành công. Bằng chứng cụ thể là xã hội chuột không bao giờ có vua, hạ nghị viện v.v... Chính trị, xin lỗi đi chỗ khác chơi.

THỰC TẾ:

Chuột không hề biết mơ mộng và cũng chẳng cần đi học làm chi cho mệt. Chuột chỉ cần có kinh tế, nói rõ hơn nỗi "ưu tư" lớn nhất của chuột là làm thế nào để no bụng. Nhưng cũng có một thời, hình như vào thế kỷ 25 một số chuột "trí thức" đã viết bộ sử về giòng giống "oai hùng" của mình với tham vọng truyền lại cho con cháu. Tiếc thay bộ sử quý giá đó không còn vì đói quá các vị đó đã gửi nó vào dạ dầy mất rồi.

ÔNG TỔ NGHỀ ĐẠO TẶC:

Theo thần thoại Tây Phương, thần Mercure là ông tổ của giới trộm cắp. Thật là "sai lầm". Đáng lẽ phải bầu chuột là ông tổ nghề đạo tặc mới đúng. Đào tường khoét vách là nghề của chàng. Chẳng cần cuốc xẻng, chuột ta cứ ung dung dùng mõm và hai chân trước thi hành công tác. Chúng kéo nhau vào khuân đồ hết sức tự nhiên chẳng cần sự "bằng lòng" của gia chủ. Một con chuột có thể hoàn tất một địa đạo dài ngoằn ngoèo với thời gian kỷ lục. Lưu manh là truyền thống của chuột. Bằng chứng hiển nhiên khi một chú chuột con mới toét miệng chào đời cha mẹ của chúng đã vội vàng dạy dỗ một bài hát độc nhất có cái tên rất kêu: LƯU MANH HÀNH KHÚC. Một bài hát mà các chú đạo tặc (người) cần phải học hỏi nhiều mới có thể tiến xa trên con đường... cầm nhầm và để tránh khỏi cảnh "tu huyền" đấy. Cũng vì thế mà các đấng ma giáo được các cụ "êm ái" gọi là: Đồ mặt Chuột (vinh dự cho họ hàng nhà Chuột nhá)

TỰ ÁI:

Xin đau đớn chia buồn cho đấng nào lỡ dại miệng "xúc phạm" đến chuột vì chắc chắn đồ dùng của kẻ đó cũng được các bạn Chuột chiếu cố hết sức kỹ lưỡng. Các cụ thường răn dạy con cái là đánh chết nó chứ đừng nên chửi vì lỡ ra có một chú nấp ở dưới gầm giường thì khốn. Chúng sẽ kéo cả họ hàng tới "viếng" đồ dùng của kẻ đó những lúc bất ngờ. Nếu đấng nào lỡ xúc phạm thì phải tự tát vào má ba cái, miệng lẩm bẩm: "Tớ lỡ miệng, xin lỗi đằng í nhá" Có như thế Chuột ta mới vui lòng bỏ qua. Khiếp nhỉ?

NHÁT NHƯNG THÂM:

Kẻ thù truyền kiếp của chuột là mèo. Chuột muốn "gặm" mèo mấy cái nhưng chả dám vì quá nhát. Cứ thấy mèo là chân chuột run rẩy thiếu điều muốn tè ra quần (í đâu có quần). Không có cách nào trả đũa, chuột ta thức suốt một đêm để nghĩ cách chửi mèo thật độc cho hả lòng căm tức. Dẫn chứng bằng mấy câu ca dao sau:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú Chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.

Ý chuột muốn chửi: "Hỡi con mèo bất hiếu khốn nạn. Hôm nay là ngày giỗ bố mày mà sao mày không nhớ để ông phải giỗ dùm". Chửi độc và thâm đến thế là cùng.

ƯA NỊNH:

Truyện ngụ ngôn chép: "Có một chú sư tử chẳng may bị sa lưới. Chú ta gầm thét vùng vẫy. Càng vùng vẫy lưới xàng xiết chặt. Một lúc sau chú ta mệt mỏi tuyệt vọng nhìn lên trời than thở: "Thời oanh liệt nay còn đâu". Hình dung lát nữa con người độc ác sẽ lột da xé thịt, chú rùng mình. Bỗng đâu có anh chuột nhắt đi qua. Sư tử mừng quýnh gọi:

- "Anh" Chuột ơi.

Tiếng của Sư tử quá "nhẹ nhàng" suýt làm anh Chuột đứng tim. Chuột nhìn ngang ngửa. Trời, con "mèo" to quá là to. Cha mẹ ơi cứu con với. Chân Chuột muốn khụy xuống. Một lát sau Chuột "vuốt ngực" lấy tinh thần để sửa soạn... chạy. . Sư tử vội vàng năn nỉ:

- "Anh" Chuột cứu "em" với.

Chuột ấp úng:

- Cứu... cứu... ông?

- Phải, anh cắn cái lưới này giùm em đi. Chắc quá.

Biết Sư tử sa lưới, Chuột bình tĩnh cao giọng:

- Đâu có được.

Nói xong Chuột định oai hùng bỏ đi. Sư tử hoảng quá khen đại:

- Anh Chuột "đẹp giai" nhất nước.

Nghe Sư tử khen Chuột mát cả ruột gan. Biết tính ưa nịnh của Chuột, Sư tử bồi thêm:

- Miệng anh xinh quá là xinh. Nhất là răng anh chao ôi sắc. Không tin anh thử cắn cái lưới này xem.

Chuột khoan khoái toét miệng cười rất... chuột. Thế là nó hì hục cắn lưới giải thoát cho Sư tử. A, Chuột cũng giống... người đấy nhỉ?

TAM THẬP LỤC KẾ TẨU VI THƯỢNG SÁCH:

Gặp bất cứ kẻ thù nào Chuột cũng đều áp dụng chiến thuật... chạy. Chạy rất nhanh. Có lẽ Chuột quan niệm: "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Nói thế chứ nhiều khi đói Chuột rất lì. Ăn đã, có chết cũng vui lòng. Cái đó gọi là: "chịu đấm ăn xôi" đấy mà. Ờ, thế Chuột cũng biết thực hành đúng theo sách vở đấy chứ.

ĐỂU:

Trong 12 con giáp Chuột là loài đểu nhất. Sống đểu, chết cũng chưa hết đểu. Này nhé, Chuột trả thù bằng cách khi chết vẫn cố gắng cấy vào thân thể loài người dăm ba cái hạch to tổ bố có cái tên rất khiếp: BỆNH DỊCH HẠCH. Chuột ơi sao mi đểu thế. Chỉ vì mi mà năm nào ta cũng phải chích ngừa đau thấy mồ.

ĐOÀN KẾT NHƯNG...

Vẫn theo truyện ngụ ngôn: "Một ngày cuối năm, chuột cụ đang gặm khoai chợt nảy ra sáng kiến là triệu tập một đại hội... chuột để tìm cách chống lại hai kẻ thù vô cùng nguy hiểm là: Mèo và loài người. Chuột cụ thích chí rung đùi truyền cho con cháu gửi giấy mời gấp. Ngay chiều hôm đó, họ hàng nhà chuột nô nức kéo về. Thôi thì đủ cả. Từ chú chuột choai choai bày đặt hippy cho đến mụ chuột sồn sồn hay những chuột cụ sắp sửa gần đất xa trời cũng đều hoan hỉ chào mừng đại hội. Thật là: "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Đại hội được triệu tập ngay trong khu vườn hoang ở vùng quê êm ả. Trời hôm nay đẹp ghê. Những tảng mây trắng lững lờ trên nền trời xanh ngát. Gió hiu hiu thổi làm tung "chòm râu" Chuột cụ. Đâu đây tiếng sáo diều vi vu (tiếc rằng chuột không biết làm thơ). Sau hơn một giờ chí chóe thảo luận, tất cả đều đồng ý bầu một chuột cụ cao niên nhất làm chủ tịch vì tin rằng cụ là người biết xa hiểu rộng. Chuột cụ "khiêm nhượng" từ chối với lý do: Không hợp với truyền thống. Tất cả nhao nhao yêu cầu cụ chấp thuận. Âm thanh làm rung chuyển không khí và làm cụ suýt ngất xỉu. Sau phút lấy tinh thần cụ mới "miễn cưỡng" nhận lời. Dáng điệu oai vệ, cụ bước lên mô đất "vuốt râu" nghiêm nghị:

- Yêu cầu tất cả yên lặng.

Mặc cụ nói, tiếng cãi nhau vẫn vang lên không ngớt. Có nhiều vị vừa ăn vừa cãi nhau mới khiếp. Thấy tình hình có vẻ hỗn loạn, bác chuột cống hùng hục tiến ra:

- Yêu cầu tất cả nghe lời cụ chủ tịch.

"Hội trường" tạm lắng dịu, nhưng vẫn còn vài tiếng lải nhải của mấy nàng chuột nhắt:

- Thằng cha vô duyên ghê. Chả ai hỏi cũng đòi "chõ mõm" vô.

- Mặt mày hắc ám.

- Đồ hôi như cú. Có lẽ cả năm không thèm tắm.

- Cút đi.

Bác chuột cống "tái mặt" giận dữ. Mình "đẹp giai" thế này mà nó dám chê. Nhất là hôm nào mình cũng tắm dưới cống mà nó chê bẩn, láo thiệt. Mà cút thì cút sợ gì. Tức quá bác hầm hầm về chỗ ngồi. Cụ chủ tịch lên tiếng:

- Tất cả nghe tôi nói.

- Dạ.

Cụ chủ tịch toét miệng cười nói tiếp:

- Trước khi dùng kế hoạch chống kẻ địch khốn kiếp, tôi muốn tất cả các bạn tường trình những thành quả đã đạt trong năm qua. Xin mời đại diện chuột thành phố.

Bác chuột chù vênh váo bước ra. Tất cả la ó làm rung rinh "hội trường". Bác giơ chân chào rất... thành phố:

- Thưa cụ chủ tịch và toàn thể quí vị. Tôi đại diện Chuột thành phố có đôi lời...

Ở dưới, mấy nàng chuột bạch bất mãn:

- Biết rồi khổ lắm nói mãi.

- Ở thành phố mà chả "láng" tí nào.

Bác chuột chù hăng say kể thành tích. Toàn là thành tích phá hoại. Đến lượt đại diện Chuột ngoại ô và Chuột nông thôn phát biểu cũng thế. Tiếng vỗ... chân rầm rộ nổi lên. Cụ chủ tịch vội hắng giọng:

- Thôi ta bắt đầu đi vào kế hoạch chống mèo và người. Xin tất cả cho biết ý kiến.

Vừa nói đến mèo và người, ai cũng sửa soạn... chạy. Thấy có vẻ êm, tất cả mới hoàn hồn bàn tiếp. Một mụ Chuột nhan sắc "nửa chừng xuân" đứng dậy ngoáy đuôi nức nở:

- Thưa. Thưa... tất cả. Chồng em đã hy sinh vì "đại nghĩa".

Nói xong mụ khóc òa làm tất cả mủi lòng. Nhất là cụ chủ tịch. Mắt cụ đỏ hoe vì thương cảm. Ai cũng nghiến răng thề sẽ sống chết với kẻ thù. Đến lượt chuột nhắt, chuột đồng, chuột cống... đều lần lượt đứng lên vạch trần tội ác của kẻ địch. Đại hội bừng lên ngọn lửa đấu tranh cao độ. Bỗng có nàng chuột bạch "ngứa mõm" đứng dậy. Tất cả nhìn nàng không chớp mắt. nàng "ỏn ẻn" cất tiếng:

- Thưa tất cả. Theo em chúng ta đừng nên gây sự với kẻ địch vì kẻ địch mạnh lắm.

Tất cả chồm lên giận dữ:

- Đồ phản chiến.

- Cút đi. Đàn bà con gái biết gì.

- Tư tưởng lệch lạc.

Nàng chuột bạch òa lên khóc làm anh chuột bạch dỗ mãi mới chịu nín. Cụ chủ tịch khoa chân:

- Anh em im lặng. Bây giờ tôi đề nghị, hễ gặp hai kẻ thù khốn kiếp đó, chúng ta sẽ xông vào cắn. Có được không?

- Ê. Đừng xúi dại, có giỏi cụ cắn trước đi.

- Lão già nói "sảng".

- Đồ điên.

- Đồ khùng.

- Cứ làm như tụi mình ngu lắm.

Vừa lúc đó con mèo ở đâu phóng ra. Quang cảnh đại hội vô cùng hỗn loạn. Ai cũng... chạy. Chạy không kịp thở. Chỉ còn mỗi cụ chủ tịch vẫn điềm nhiên ngồi trên... đất. Trời! Cụ đã quy tiên vì quá... sợ. Thấy chưa. Chuột cũng đã đoàn kết đấy chứ. Nhưng (ôi chữ nhưng) chỉ nhát tí ti thôi.

Đến đây các bạn đã hiểu tại sao các cụ đặt cho chuột làm con giáp thứ nhất rồi nhỉ? Cu cậu nhỏ người nhưng cái gì cũng nhất. Phải gọi là "quái chuột" mới đúng. Từ nãy giờ tôi chỉ kể xấu họ hàng nhà chuột mà chẳng đề cao tí nào cả. Thật là bất công (xin lỗi nhá). Nghĩ hoài chả biết khen nó ở điểm nào. À chuột cũng có ích đấy chứ. Này nhé, tuy là vua phá hoại nhưng chuột cũng biết "đoái công chuộc tội" bằng cách "xơi" những loài sâu bọ hay phá hoại mùa màng một cách hữu hiệu. Còn nữa. Thịt chuột đồng là món nhậu vô cùng độc đáo của những đệ tử Lưu Linh... Dù thế chuột vẫn có rất nhiều kẻ thù. Ai cũng tìm cách tiêu diệt nó. Đặc biệt chuột có một loại kẻ thù hết sức ngộ nghĩnh. Kẻ thù đó rất ghét và cũng rất sợ chuột. Đó là dân kịp tóc. Thấy "dung nhan" chuột là các nàng cuống lên. Các nàng tưởng tượng con vật dơ bẩn đó sắp sửa chạm vào tấm thân ngà ngọc của mình. Tôi cũng không thoát khỏi thông lệ. Còn nhớ một đêm đang say sưa bên gối mộng thì eo ơi con gì nó gặm chân í. Tôi giật mình choàng dậy hét lên như bị ma đuổi. Cả nhà tỉnh giấc tưởng tôi lên cơn động kinh! Khi bật đèn, tôi rú lên kinh hoàng. Một con chuột đang chạy lăng xăng trên giường. Tôi phóng mình xuống đất mặt mày xanh lét. Một lát sau tôi mới hoàn hồn nhưng phải ngủ với... mẹ cho chắc ăn. Kể từ đêm đó mỗi lần nhìn thấy chuột là tim tôi đập "vô trật tự". Chuột ơi ta sợ mi.

Sẽ có nhiều bạn thắc mắc tại sao tôi chỉ tả tính tình chuột mà chẳng tả "dung nhan" của nó gì cả. Thành thật xin lỗi các bạn vì nghĩ tới nó đã sợ. Viết về nó còn sợ hơn. Tôi không có can đảm miêu tả "nhan sắc" của nó. Tưởng tượng lúc tả xong mình sẽ lăn quay ra đất thì khổ. Xin các bạn vui lòng "chiêm ngưỡng" nó trong sách vở. À năm nay năm chuột nên "dung nhan" của nó chắc nằm đầy trên báo. Phải không các bạn. Thôi vài hàng mua vui như vậy quá đủ rồi nhỉ? Trước thềm năm mới xin chúc các bạn một năm đầy vui tươi, hạnh phúc... À bạn nào nhiều quà đừng quên Trâm đấy nhá.


THẢO TRÂM      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông Xuân Nhâm Tý, 1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>