Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Truyện Một Con Mèo và Gia Đình Chuột


I

Gia đình chuột Lắt có năm người: Cha chú, mẹ chú, chú Lắt và hai cô em gái.

Giống như tất cả mọi gia đình chuột đồng khác, nhà chuột Lắt có hai... bin đinh: một ở ngoài đồng để ngắm bầu trời trong xanh mùa Hạ và một gần đó, trong nhà một ông chủ trại, để trốn khi giá lạnh mùa Đông.

Một buổi chiều mùa Hạ, cả nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy một gói nhỏ ngồ ngộ trong nhà, một gói nhỏ lông trắng, có hai lỗ tai cúp, bốn bàn chân nhỏ xíu và đôi mắt nhắm nghiền. Gói lông trắng kêu "M... eo" một tiếng yếu ớt, à! Cả nhà hiểu rồi, một con mèo nhỏ bị lạc, không cha, không mẹ, không tên. Hai cô chuột nhỏ kêu:

- Chít, chít! Tội nghiệp con mèo con.

Chuột lắt la lên:

- Chít! Ba ơi, Ba! Cho con nuôi con mèo này nghe!

- Nhưng mà, một con... mèo. Hừ! Hừ!

Mẹ chú tỏ vẻ do dự.

Ba chú cười xuề xòa:

- Có sao đâu! Nuôi chú chàng thành một con chuột ngoan ngoãn, không bao chú chàng biết được chú là một con mèo. Như vậy, hà hà, rồi cả nhà coi, cũng có lợi lắm chứ.

Chuột Lắt lại la lên:

- Chít! Vậy ta kêu nó là con Tý nghe ba!

Thế là Mèo con có một gia đình và một tính danh.


II

Khi chú Tý mở được cặp mắt xanh trong ra thì chú đã tập quen sống một cuộc đời nhà chuột. Ăn lúa ngoài đồng, uống nước ao, rình bắt côn trùng sâu bọ và cuộn mình ngủ chung với ba anh em nhà chuột của chú. Chuột bố, chuột mẹ thỉnh thoảng lại đứng ngắm cảnh thân thiết của bốn đứa con một cách hạnh phúc.

Một bữa chuột Bố chỉ cho chú Tý thấy một con mèo (dĩ nhiên là ở tuốt đằng xa), con mèo đầu tiên trong cuộc đời chú, không quên dặn chú nhớ ba chân bốn cẳng chạy cho lẹ mỗi khi gặp cái giống đang đi một cách uyển chuyển đó, cũng như giống chó và giống... người vậy.

Chú Tý co rúm người lại khi nghe những lời dạy dỗ của ông Bố nuôi. Dầu sao chú cũng chỉ là một con mèo nhỏ... nhỏ xíu.

Chú Tý ăn cắp đồ ăn dở lắm, nên chuột Lắt và hai con gái cứ phải chia đồ ăn cho chú hoài. Nhưng chú Tý rất có ích trong việc đánh lạc hướng ông Tam Thể già trong nhà. Chú bắt chước kêu meo meo vì từ trước đến giờ chú vẫn kêu chít chít như các con chuột kia. Bắt chước được dễ dàng, chú tưởng mình là một thiên tài, khoái chí cười "kít kít" với các em. Chú núp trong một góc tối rồi bắt đầu "Meo... Meo". Ông Tam Thể nghe tiếng kẻ lạ, lồng lên chạy khắp nơi để tìm kiếm tên địch, quên cả nhiệm vụ canh gác. Thế là chuột Lắt và hai cô em gái tha hồ khuân trộm thức ăn về ổ.

Tội nghiệp ông Mèo già. Rõ ràng là ông có nghe tiếng mèo kêu. Ông cũng ngửi thấy mùi lông mèo nữa mà. Một con mèo lạ trong nhà! Dễ giận chưa! Đôi khi ông còn thấy hai con mắt xanh lè lóe sáng trong bóng tối. Vậy mà, chưa bao giờ ông được trông nó tận mắt, con mèo lạ kia. Làm sao ông biết được chú Tý không nghĩ chú là một con mèo, và mỗi khi gặp ông, chú đều hoảng hồn cong đuôi chạy như những con chuột khác.


III

Chú Tý càng ngày càng lớn. Đó là một chú chuột "ngoan ngoãn" và yêu đời. Chú khoái ăn fromage, ăn mỡ và, chà chà! những mẩu bánh vụn mới ngon làm sao. Chú đánh hơi khoai tây rất tài và lần nào cũng dẫn ba em chuột đến thẳng chỗ đựng vỏ khoai. Vậy mà chú không ăn bao giờ vì một lẽ giản dị là khoai tây không phải thức ăn của mèo. Chuột Mẹ hài lòng lắm... Bà tuyên bố:

- Khoai tây bổ lắm nhưng con Tý rất ngoan. Nó không bao giờ ăn những gì không hợp với nó.

Còn chuột Bố luôn luôn gật gù, miệng ngậm pipe:

- Thì tôi đã nói với bà mà. Nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn.


IV

Một ngày, chú Tý uể oải chui ra khỏi cái giỏ giấy vụn, nơi chú vừa đánh một giấc trưa ngon lành, thì bắt gặp bọn con nít nhỏ trong nhà, cậu Phương và cô Uyển.

"Chít", chú kêu lên một tiếng kinh hoàng, rồi cong đuôi chạy theo bức tường và chui vào lỗ chuột.

- A, một con mèo con.

Cô nhỏ la lên, vừa đúng lúc chú Tý chui tọt vào lỗ. Cậu Phương ngạc nhiên:

- Mà sao nó làm gì giống như chuột vậy?

Hai vị con nít nhỏ bèn mưu tính xếp đặt một cái bẫy.

Đêm đó, chú Tý vừa thò đầu ra ngoài lỗ thì đụng ngay một vật gì đặt trước mặt. Chú đánh hơi. À ra một cái đĩa, trên có chất gì long lỏng.

- Cái gì đây? Chú thắc mắc.

Chuột Lắt cũng không biết nữa. Nó rụt rè nhấm nháp rồi nhăn mặt, vuốt râu:

- Ứ, ừ, dở ẹc! Chả ngon chút nào.

Chú Tý nếm thử một chút, rồi một chút nữa, rồi chút nữa... chút nữa... đến lúc đĩa nhẵn sạch.

- Mm Chú chép miệng Thơm quá!

Chuột Lắt hăm dọa:

- Chết mày rồi! Chắc là thuốc độc. Rồi mày sẽ bị đau bụng cho coi.

Nhưng mà đâu có phải. Bậy bạ, đâu có phải thuốc độc. Sữa đó mà.

Và rồi cứ mỗi đêm, chú Tý lại bắt gặp một đĩa sữa để ở chỗ cũ ngay trước hang chuột. Lần nào chú cũng uống cạn không còn một giọt.

Sáng nào cậu Phương và cô Uyển cũng reo lên mừng rỡ:

- A! Nó chịu uống! Nó uống hết rồi!

Rồi họ bắt đầu đặt dĩa sữa ban ngày.

Ban đầu, chú Tý chỉ rình khi không có mặt hai cô cậu nhỏ mới chịu uống. Dần dần, chú bạo gan hơn và giả lơ như không biết đến bọn nhỏ. Cuối cùng, chú chịu cho bọn họ đến gần.

Một bữa, chú ngạc nhiên khi thấy mình nằm gọn trong tay cô Uyển từ bao giờ. Chú không nổi khùng. Chú im lặng ngoan ngoãn. Chợt chú cảm thấy một chuyển động suốt sống lưng chú. Chú Tý kêu gừ gừ. Và chú rùng mình, cái rùng mình đầu tiên của một con mèo. 

Cô Uyển và cậu Phương đem chú lại một tấm gương lớn treo trên tường. Chú thấy ô kìa, một con mèo trong tay cô Uyển. Vậy mà chú tưởng là chú chứ. Chú hoảng hồn kêu "kít" nhưng mà lạ thay, cổ họng chú lại phát ra một tiếng "meo", giản dị và tự nhiên.

Chú Tý chợt hiểu. Chú không phải là một chú chuột mà là một con mèo, một con mèo như ông Tam Thể. Mèo con chạy u lại chuột Mẹ, kêu lên:

- Mẹ ơi, con là con mèo thực sao?

- Chính thế, con ạ.

Chuột mẹ âu sầu đáp. Rồi bà kể hết lịch sử đời chú cho mèo con nghe. Mèo con ngơ ngẩn, lòng buồn bã.


V

Mèo con bắt đầu sống đời thực của nó. Cuộc đời một con mèo. Cậu Phương và cô Uyển cho nó uống toàn sữa ngon và không hề hoảng sợ khi nghe nó kêu meo meo hoặc gừ gừ.

Tuy vậy chú Tý không quên gia đình cũ.

Tối tối chú nằm ngủ luôn luôn ôm con chuột bằng cao su cũ của cô Uyển. Chú đến thăm gia đình chuột thường xuyên, ăn fromage và kêu "chít chít" để nhớ lại ngày còn bé. Chú cũng canh chừng ông Tam Thể để lũ chuột khuân trộm đồ ăn.

Chuột Bố hài lòng lắm, ông thường khề khà nói với vợ, chừng như để kể công ông đã bằng lòng cho nuôi Mèo con:

- Ồ! Tôi đã bảo mà. Chuột Tý rất có lợi cho gia đình ta. Thấy chưa?


THÚY VŨ                      
mùa xuân Nhâm Tý               
(kể theo một chuyện cổ tích Tây Phương)


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 21, ra ngày 5-3-1972)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>