Theo thói tục đã có từ đời cụ Bành Tổ nhà ta thì trong các số báo Xuân, người ta "nên" làm một ít phát diễn thuyết về con vật "chiếu mạng" của năm đó để lấy hên, chẳng hạn như năm sắp về nơi chín suối này là năm của cụ lợn, chuyên viên về sự "làm thì ít, đớp hít thì nhiều" người ta phải đem đời tư, đời công của cụ ra mà nói.
Năm ni, năm Nhâm Tý, năm của chú chuột yêu dấu, tôi cũng xin được bàn hiêu tán nai về chú một tí. Tôi xin nói ngay rằng tôi sẽ không cống hiến các bạn những chuyện ly kỳ về họ hàng nhà chuột như là chuột được tạo hóa dựng nên làm sao, tại sao chuột lại có một thân hình... đại cồ việt như hiện nay hoặc là loài chuột sống thế nào... Bởi vì về các vấn đề ấy, tôi chỉ là một "nhà" dốt đặc cán mai mà thôi.
Hóa cho nên lần này, tôi chỉ xin được "đệ trình" lên các bạn những gì tôi biết về sự bắt chuột, ăn chuột và nuôi chuột. Xin nói ngay để các bạn an lòng rằng thì là đây toàn là những kinh nghiệm cá nhân của tôi, có nhãn hiệu cầu tòa đàng hoàng đấy.
Dĩ nhiên chẳng nói các bạn cũng "đoán mò" được rằng tôi phải là kẻ có lòng mộ mến thịt chuột lắm lắm. Vâng, thú thực tôi "ghiền" cái thứ ấy một cách khủng khiếp, mà sở dĩ tôi ghiền vì bố tôi cũng là dân ghiền có hạng. Bố nào con ấy mà lị. Trong làng tôi, người nào có dịp gặp hay đến gần bố con tôi cũng đều phải trầm trồ khen ngợi rằng thì là: "Gớm! Hai bố con gì mà giống nhau như đúc!" Có lần tôi tò mò hỏi lại một người: "Ông thấy bố con tôi giống nhau ở chỗ nào?" Người ấy bảo: "Thì bố mày thở ra toàn hơi thịt chuột mà mày cũng thế".
Nói thế các bạn đủ thấy bố con tôi giống nhau như... chuột bố với chuột con và đủ cho các bạn khỏi ngạc nhiên khi đọc bài của tôi cứ thấy phảng phất một mùi thịt chuột thơm ngát như nước hoa cologne vậy!
BẮT CHUỘT PHIÊU LƯU KÝ
Mộ mến thịt chuột mà muốn có thịt để lai rai ba sợi, dĩ nhiên là phải đi bắt chuột (vì nhà quê người ta văn minh đâu thèm vác mặt mẹt đi mua chuột ngoài chợ như cái bọn "quê mùa" ở tỉnh vậy). Tôi dùng chữ phải chứ thực ra đi bắt chuột là một sự khoái trá cả thể đối với cả lò nhà tôi đó – từ ông tằng ông tổ cho đến tụi tôi bây giờ.
Cứ theo cuốn "cẩm nang bắt chuột" của bố tôi thì bắt chuột có nhiều kiểu lắm. Nào là hun, đổ nước, nào là đuổi hay đào. Quốc sách hun (diễn nôm ra là đốt rơm ở một đầu hang chuột để khói ta làm một phát "kinh lý" khắp ngõ ngách của hang chuột, khiến chuột tự động rời mật khu ra hồi chánh). Quốc sách đổ nước thì được thi hành khi thằng cu hay cái hĩm chuột đào lỗ sâu đến gần trung tâm lái đất và ở một miền đất khá rắn chắc, ít kẽ hở (nếu nhiều kẽ hở thì lấy nước cả biển Nam hải đổ vào e chưa thấm thía vào đâu, các bạn ạ). Lại có kế hoạch thứ ba là "bố ráp". Đây là cách đã được chính các đấng mà tôi là con sử dụng. Tục truyền rằng hồi còn ở ngoài cái miền "ăn cá rô cây" nhà tôi thường được các chàng chuột cống đại cồ việt (và thơm như múi mít cơ, chứ không hôi hám như chuột cống Saigon hoa lệ đâu) đến viếng thăm vào ban đêm. Mỗi lần có quí vị ấy vào, bố tôi chỉ cần lẻn ra ngoài đặt cái vợt vào một lỗ ra vào độc nhất rồi ngồi ngắm trăng chờ đợi, trong khi bu tôi trong nhà cầm gậy đánh đuổi quân Thanh. Dĩ nhiên là "họ" phải chạy ra cái lối độc nhất kia và được... bệ kiến cái vợt đang mở rộng vòng tay ôm ấp "họ". Lần phúc kích nào bố tôi cũng đem về một, hai tù binh. Thế là ngày hôm sau tụi tôi lại được xơi một bữa thịt chuột bổ béo như cao hổ cốt, mình mẩy cứ lên ký vèo vèo.
Than ôi, vào trong cái đất Nam kỳ vô duyên này, chúng tôi thấy cả ba chính sách vừa nói đều lỗi thời, vì đất miền Nam xốp quá, đổ nước bao nhiêu cũng không ăn thua, hun thì càng vô hiệu. Còn nhà ở thì hở hang tư bề, đâu có chơi cái lối bố ráp được. Hóa cho nên chỉ còn một cách là đào.
Thường thường vào đầu các mùa mưa, khi nước bắt đầu ngập mặt ruộng, các chàng và các nàng chuột sẽ rủ nhau vào các bờ ao, mé đường cao ráo để sinh nhai. Chính lúc này, "quân ta" có thể thi hành quỉ kế bằng cách vác xẻng và lồng đi lùng và diệt địch. Muốn khỏi tẽn tò mò niêu, nghĩa là đi không lại về không, các nhà bắt chuột phải khôn ngoan chọn lỗ mới mà đào. Lỗ mới là những lỗ mà các cục đất chuột hất ra còn mới như áo đầm xòe ngày Tết, đôi khi còn có mấy cọng cỏ tươi mơn mởn do chuột mới tha về đang... bỏ xác tại trận.
Đàng khác cần chọn lỗ nào có những cục đất bự, vì chuột càng lớn càng hất ra những cục đất lớn. Xong xuôi đâu đó các nhà bắt chuột có thể đứng rung đùi hoặc sửa lại quần áo, đầu tóc cho chỉnh tề trước khi hành động. Theo kinh nghiệm lâu đời của tôi, người ta phải đào với tất cả sự rón rén thường lệ. Đào một chút, cứ sự thường người ta sẽ gặp một ngã ba, nghĩa là chỗ hang chuột đi tiếp nhưng chia làm hai. Nếu chưa thấy chuột, người ta phải đào tiếp, nhưng khi đào theo nhánh A thì phải bịt nhánh B bằng một cục đất cứng, để trở lại sau khi thanh toán xong căn cứ thứ nhất. Có nhiều hang không chỉ có một, mà có đến 3, 4 "ngã ba ông Tạ" như thế, vì trong các lỗ đó có nhiều "dân chúng", hoặc có những ngài chuột có máu nghệ sĩ, thích lả lướt, bay bướm.
Sau một thời gian hành động, các nhà thám hiểm sẽ đến càng lúc càng gần đoạn đường chót của hang chuột. Đây là lúc cần mở mắt lớn như hai cái ốc nhồi để đối phó với thời cuộc. Bởi vì chỉ trong một nháy mắt, "người đẹp của lòng anh" có thể chạy tọt ra ngoài và vĩnh biệt anh mãi mãi. Nếu các đào sĩ khéo léo, họ có thể dồn chuột vào ngõ bí. Chuột chỉ còn biết quay đầu vào trong và "triển lãm" cái đuôi mĩ miều ra phía miệng lỗ. Lúc này, người ta chỉ cần khoan thai ngồi xuống, ân cần nắm lấy "sự thừa thãi" của loài chuột kéo ra một cách long trọng: tay trái kéo và tay mặt chờ cái cổ "nõn nà" ra tới là chịt ngay lấy. Thế là người ta đã bắt sống được một đồng chí (hay là chuột đồng cũng rứa). Trước khi bỏ vào "trại giam", để cho chắc ăn, người ta có thể bẻ 2 răng dưới của chuột bằng một dụng cụ làm sẵn nào đó.
Dĩ nhiên là có những lỗ có đến 4, 5 con chuột bự. Nếu các đấng thu vào một chỗ và để thò ra 4, 5 cái đuôi, quân ta chỉ cần từ từ kéo ra từng đấng một (kéo xong 1 đấng thì bịt đất vào để "nội bất xuất, ngoại bất nhập").
Đấy là nói về trường hợp chuột ta quay đầu vào và để ló đuôi ra. Còn những trường hợp chuột ta quay mõm ra thì hơi khó hơn và quân ta không thể thò tay vào bắt được: chuột và người chẳng còn biết làm gì khác hơn là nhìn nhau mà... cười. Chúng tôi đã tìm ra một cách đối phó là đan những cái rọ nhỏ, hình nón, chụp vào miệng lỗ để chờ chú chuột chạy xộc vào rọ là bóp ngay lấy rồi cũng kéo đuôi, chịt cổ như thường lệ.
Đại khái đó là các màn chính của vở trường kịch bắt chuột. Tất nhiên sự bắt chuột còn nhiều đường lắt léo khác. Chẳng hạn đôi khi người ta đào hết cả xí oắt mà chẳng gặp được tên nào, vì đào phải cái lúc mà các chúng đã đưa nhau đi Vũng tàu tắm biển hết. Hoặc là vì sơ ý, người ta không tìm ngõ hậu của hang chuột trước khi đào, nên đang lúc người ta thi hành quỉ kế thì chuột thoát thân bằng những ngõ hậu bí mật. Những lúc đó, người ta chỉ còn biết đứng than thở cùng mây nước như kẻ thất tình hoặc có được thì phóng theo để vồ lấy. Về sự vồ chuột, đó là cả một tài nghệ cao siêu các bạn ạ. Tiếc là vì khuôn khổ bài này, tôi không thể "thuyết pháp" tỉ mỉ cho các bạn về tài nghệ đó được. Chỉ xin nói là người ta phải lẹ, phải vồ đúng chỗ nếu không chuột sẽ xin tí huyết ở bàn tay, và để lại cho bạn một cái sẹo vô duyên suốt đời.
Một sự lắt léo cuối cùng – cười ra nước mắt được – là có khi người ta đã thấy một đống đuôi ló ra miệng lỗ mà vẫn chẳng được cái giải gì. Đây là chuyện chính tôi đã gặp phải trong một lần đào một lỗ chuột ở một nền nhà cũ, dưới một đống lá mục nát. Rõ ràng là tụi tôi đã nhìn thấy đuôi chuột xếp san sát vào nhau (năm đó là năm có rất nhiều chuột) thế mà chỉ mấy phút sau, các chúng đã từ từ biến mất. Kết quả là chúng tôi chỉ tìm thấy một ổ trứng rắn gần nở! Bây giờ thì tôi biết rằng nền nhà đó có quá nhiều kẽ hở, nên sau một lúc phải "án ngữ bất động" trước một ổ trứng rắn, các chú chuột đã liều mạng rẽ sang hướng khác, lần theo các kẽ hở mà tẩu thoát. Bù vào sự thảm bại lần đó, tôi đã dùng đòng nhọn đâm được khá nhiều chuột tại văn nhà này vào những buổi tối thanh vắng. Hồi đó tôi đang dọn thi một bằng của Trung học. Mọi môn đối với tôi đều nhức óc. Chỉ có môn vác đèn pin đi soi và đâm chuột nằm trên kèo cột của căn nhà này (nằm sát nhà tôi) là ngon xơi nhất. Tôi nghĩ thầm giá được thi bằng "đâm chuột" chắc tôi đã đậu ưu hạng và bây giờ đã trở thành "thạc sĩ bắt chuột" từ khuya rồi. Tiếc rằng chính phủ "ngơ" quá không tổ chức những kỳ thi như thế cho mình được vinh thân phì gia.
Bắt chuột để làm gì, thưa các bạn? Hà chẳng là để "thưởng ngoạn" cho nó khoái lỗ miệng ru? Nhưng trước khi thưởng ngoạn thì phải bắt đầu bằng việc đưa các can phạm ra pháp trường cát. Muốn cho con chuột... về âm phủ, người ta chỉ cần cầm đuôi nó, giơ cao lên và đập xuống, một lần hoặc cùng lắm là hai ba lần. Sau khi vật chết, người ta đem nhúng nước sôi để nhổ lông cho sạch (đấy là làm theo lối các đấng "rau muống", còn các đấng "giá sống" thì ưa lột cả lông cả da: con chuột sẽ nõn nà thật, nhưng mất nhiều vitamin lắm). Làm lông xong, quân ta sẽ đốt rơm trên các con chuột để thui cho đến khi da vàng, óng ánh mỡ béo (chứ đừng để thành màu "bokassa" thì hỏng). Cuối cùng là sự giải phẫu, sự chặt thành miếng và sự cho vào nồi.
Chuột có thể làm được nhiều món như... hớt, ép, sấy, gội, nhuộm! Dường như các chú Ba chợ lớn còn dùng thịt chuột làm "thịt pò viên" đấy các bạn ạ, trong tiếng Tàu, chuột có nghĩa là bò, cũng như nhất có nghĩa là một vậy! Tôi thì chỉ tủ hai món là rang và chiên, cả hai món đều ngon lành. Nếu lâu lâu mới được "tái ngộ" thịt chuột một lần (sau nhiều ngày ú ớ tương tư) thì thế nào tôi cũng thấy sảng khoái như bay lên cõi tiên vậy, chẳng khác gì các đấng ghiền nhà ta vớ được một "cú" thuốc phiện!
Ăn vào xong là lập tức da dẻ hồng hào, bắp thịt nở nang và hơi thở thơm phức. Ra đường thì đi đứng một cách oai phong lẫm liệt, làm nhiều trái tim đau lên đau xuống vì mình! Ôi, nói sao cho hết những lợi ích tuyệt vời của thịt chuột.
Mặc dù tôi dã man, tàn bạo, vô nhân đạo với loài chuột (là đã bắt và ăn các chúng) như vừa kể nhưng đứng trước lũ... cô nhi từ sĩ nhà chuột, tôi lại có lòng đại từ bi lắm lắm. Thường thì tôi không nhẫn tâm giết "các em" ấy (mặc dù người ta đồn rằng đem chuột đỏ hoe hoe nấu cháo mà xơi thì dù đã ngỏm 5, 6 ngày cũng sống lại được như thường). Thái độ của tôi là tha cho chúng nó hoặc đôi khi đem chúng nó về nuôi nấng, dạy dỗ.
Mỗi ngày tôi sẽ cho chúng nó uống sữa 5, 6 lần bằng cái ruột bút bic hoặc một cái ống chích đã bỏ kim ra, rồi ru cho chúng nó ngủ. Cứ thế ngày này qua ngày khác, cho đến khi chúng khôn lớn thì thay đổi nhà ở và thực phẩm cho chúng. Người ta có thể nuôi chuột trong lồng hoặc thả cho đi lại trong nhà (miễn là làm cho tụi nó một cái tổ ấm cúng) nếu trong nhà không có chó mèo.
Tôi còn nhớ, trước khi di cư vào miền "mắm nêm" này, bố tôi đã nuôi được 2 con chuột đất (thứ chuột lông đen và thưa) lớn ghê gớm, ngay dưới nhà bếp. Vài ngày trước khi lên đường, gia đình tôi đã cho phép các chúng về chầu Diêm Vương, nghĩa là đã cho các chúng đóng vai chính trên bàn ăn. Ôi, thịt chúng nó mới mềm làm sao và ăn vào nó mới sướng cho cái thân già làm sao!
Đến bây giờ, sau đúng 17 năm trời, tôi vẫn còn ôm ấp trong tâm khảm "hình ảnh đẹp" ngày đó, và khi viết những hàng này, tôi thấy tự nhiên nước rãi mình cuồn cuộn chảy xuống như thác đổ vậy. Càng nói về chuột, nước rãi tôi lại càng tuôn ra xối xả. Tôi tiếc rằng từ khi dại dột nghe theo người ta lên sống ở thành phố Saigon quê mùa này, tôi không còn được nhấm nháp thịt chuột yêu dấu của tôi nữa. Vì dân Saigon chẳng biết gì đến món cao lương mỹ vị của tôi và bọn chuột thành phố thì ở bẩn như các đấng hippy nhà ta.
Theo ý kiến của tôi, đó là một sự dại dột cả thể của dân Saigon. Họ không biết rằng ăn thịt chuột vừa ngon vừa bổ (dĩ nhiên là không thua gì gạo lứt muối mè), vừa tiết kiệm được ngân quỹ gia đình. Đó là chưa kể tới bao nhiêu cái lợi kếch sù khác như: hơi thở sẽ thơm tho ngào ngạt, mắt thấy rõ lúc trời... chưa tối và đi đứng nhanh nhẹn, thoăn thoắt như loài chuột.
Trước khi tạm biệt các bạn để đi về quê dự "yến tiệc thịt chuột", tôi xin gửi tới từng bạn một lời chúc Xuân chân thành nhất. Xin tất cả các bạn, nhất là các bạn sinh dưới sao chiếu mạng "Nguyễn-văn-Chuột" vui lòng cổ võ ngay từ bây giờ phép ăn thịt chuột cho thiên hạ để càng ngày số người đến hãng hòm Tôbia càng ít đi. Các bạn ôkê salem chứ?
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)
CÁI SỰ NHẤM NHÁP THỊT CHUỘT
Chuột có thể làm được nhiều món như... hớt, ép, sấy, gội, nhuộm! Dường như các chú Ba chợ lớn còn dùng thịt chuột làm "thịt pò viên" đấy các bạn ạ, trong tiếng Tàu, chuột có nghĩa là bò, cũng như nhất có nghĩa là một vậy! Tôi thì chỉ tủ hai món là rang và chiên, cả hai món đều ngon lành. Nếu lâu lâu mới được "tái ngộ" thịt chuột một lần (sau nhiều ngày ú ớ tương tư) thì thế nào tôi cũng thấy sảng khoái như bay lên cõi tiên vậy, chẳng khác gì các đấng ghiền nhà ta vớ được một "cú" thuốc phiện!
Ăn vào xong là lập tức da dẻ hồng hào, bắp thịt nở nang và hơi thở thơm phức. Ra đường thì đi đứng một cách oai phong lẫm liệt, làm nhiều trái tim đau lên đau xuống vì mình! Ôi, nói sao cho hết những lợi ích tuyệt vời của thịt chuột.
NUÔI CHUỘT
Mặc dù tôi dã man, tàn bạo, vô nhân đạo với loài chuột (là đã bắt và ăn các chúng) như vừa kể nhưng đứng trước lũ... cô nhi từ sĩ nhà chuột, tôi lại có lòng đại từ bi lắm lắm. Thường thì tôi không nhẫn tâm giết "các em" ấy (mặc dù người ta đồn rằng đem chuột đỏ hoe hoe nấu cháo mà xơi thì dù đã ngỏm 5, 6 ngày cũng sống lại được như thường). Thái độ của tôi là tha cho chúng nó hoặc đôi khi đem chúng nó về nuôi nấng, dạy dỗ.
Mỗi ngày tôi sẽ cho chúng nó uống sữa 5, 6 lần bằng cái ruột bút bic hoặc một cái ống chích đã bỏ kim ra, rồi ru cho chúng nó ngủ. Cứ thế ngày này qua ngày khác, cho đến khi chúng khôn lớn thì thay đổi nhà ở và thực phẩm cho chúng. Người ta có thể nuôi chuột trong lồng hoặc thả cho đi lại trong nhà (miễn là làm cho tụi nó một cái tổ ấm cúng) nếu trong nhà không có chó mèo.
Tôi còn nhớ, trước khi di cư vào miền "mắm nêm" này, bố tôi đã nuôi được 2 con chuột đất (thứ chuột lông đen và thưa) lớn ghê gớm, ngay dưới nhà bếp. Vài ngày trước khi lên đường, gia đình tôi đã cho phép các chúng về chầu Diêm Vương, nghĩa là đã cho các chúng đóng vai chính trên bàn ăn. Ôi, thịt chúng nó mới mềm làm sao và ăn vào nó mới sướng cho cái thân già làm sao!
Đến bây giờ, sau đúng 17 năm trời, tôi vẫn còn ôm ấp trong tâm khảm "hình ảnh đẹp" ngày đó, và khi viết những hàng này, tôi thấy tự nhiên nước rãi mình cuồn cuộn chảy xuống như thác đổ vậy. Càng nói về chuột, nước rãi tôi lại càng tuôn ra xối xả. Tôi tiếc rằng từ khi dại dột nghe theo người ta lên sống ở thành phố Saigon quê mùa này, tôi không còn được nhấm nháp thịt chuột yêu dấu của tôi nữa. Vì dân Saigon chẳng biết gì đến món cao lương mỹ vị của tôi và bọn chuột thành phố thì ở bẩn như các đấng hippy nhà ta.
Theo ý kiến của tôi, đó là một sự dại dột cả thể của dân Saigon. Họ không biết rằng ăn thịt chuột vừa ngon vừa bổ (dĩ nhiên là không thua gì gạo lứt muối mè), vừa tiết kiệm được ngân quỹ gia đình. Đó là chưa kể tới bao nhiêu cái lợi kếch sù khác như: hơi thở sẽ thơm tho ngào ngạt, mắt thấy rõ lúc trời... chưa tối và đi đứng nhanh nhẹn, thoăn thoắt như loài chuột.
Trước khi tạm biệt các bạn để đi về quê dự "yến tiệc thịt chuột", tôi xin gửi tới từng bạn một lời chúc Xuân chân thành nhất. Xin tất cả các bạn, nhất là các bạn sinh dưới sao chiếu mạng "Nguyễn-văn-Chuột" vui lòng cổ võ ngay từ bây giờ phép ăn thịt chuột cho thiên hạ để càng ngày số người đến hãng hòm Tôbia càng ít đi. Các bạn ôkê salem chứ?
TRẦN XUÂN
3-12-1971
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)