Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

Như Chim Rừng Núi


- Thưa cô, tên em là Man Di.

- Hở?

Tôi mở tròn hai mắt nhìn chú bé trước mặt, tôi tưởng mình nghe nhầm. Chú bé dịu dàng nhắc lại:

- Em tên là Man Di, thưa cô, Phan Man Di.

Phan Man Di! Tôi lập lại cái tên với một chút ngỡ ngàng. Chú bé đứng trước mặt tôi không giống tên chú chút nào. Khuôn mặt sáng, cặp mắt to, trán thông minh và đẹp. Chẳng có tí nào là man di cả. Tôi nhìn chú bé, bối rối không biết nói gì. Chú bé mỉm cười:

- Em biết cô, cô là cô giáo mới sắp dạy chúng em, cô mới đến hôm kia phải không?

Tôi bối rối nở một nụ cười:

- Em tài lám, sao em biết cô là cô giáo mới?

Man Di cười, nét cười hồn nhiên và trong sáng:

- Ở đây mọi người đều  biết tin tức một cách nhanh chóng. Chúng em nóng lòng chờ cô giáo mới lâu rồi. Ngày mai khai trường, cô sắp gặp tất cả chúng em.

Chú bé đột ngột nói thêm:

- Cô xinh lắm, em rất vui lòng.

Tôi ngẩn người nhìn chú bé, đôi mắt mở rộng. Chú nhỏ này sẽ là học trò của tôi đấy à. Chưa chi mà tôi đã thấy có lắm điều kỳ thú ở vùng đất này. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến tôi cảm thấy sẽ có rất nhiều sự lạ lùng đang chờ đón. Vùng đất quạnh hiu thưa thớt dân cư này có vẻ trầm lặng và bí mật. Điều đó không hề gì, tôi ưa những gì yên lặng như thế.

Man Di nói với tôi:

- Ở đây buồn lắm cô ạ, cô giáo cũ của chúng em than phiền hoài, cô có thích nơi đây không?

Tôi đáp với sự dè dặt:

- Cái đó tôi chưa biết được em ạ, còn em, em thích nơi đây chứ?

Chú bé lại cười:

- Vâng, em thích, và em mong cô cũng thế.

Tôi ướm thử một câu hỏi:

- Em biết tên tôi là gì không nào?

Đôi mắt chú bé sáng ngời, chú đáp với vẻ hãnh diện:

- Cô tên An, phải không? Phan Di An. Cô với em cùng một họ mà.

Tôi bật cười:

- Em giỏi lắm.

Man Di nói:

- Em luôn luôn biết trước tin tức ở đây, lũ bạn em không đứa nào hơn em được cả. Cô thấy không, em gặp cô trước tiên hết trước chúng nó mà.

- Em dễ thương lắm.

- Cô cũng dễ thương nữa.

Tôi bắt đầu có cảm tình với chú học trò nhỏ của tôi mặc dù tôi chưa dạy chú ngày nào. Điều ấy có hề gì, trước hay sau chúng tôi cũng sẽ gặp nhau dưới hình thức giáo dục ấy mà. Trong tương lai tôi sẽ có chừng ba bốn mươi cậu học trò nhỏ như thế này nữa. Không biết còn chú nào ngộ nghĩnh như chú bé này hay không. Tôi mỉm cười thân thiện với Man Di:

- Nhà em ở đâu?

Chú bé chỉ tay về phía xa tít sau lưng tôi:

- Em ở thật xa, mãi hàng cây xanh dưới chân đồi đó, cô không thấy được nhà em đâu.

- Em đi chơi xa thế ư?

- Em không đi chơi, em đi câu.

Bây giờ tôi mới thấy chiếc cần câu nằm cạnh chiếc giỏ tre đan thật xinh. Một lọ nhỏ đựng đầy giun quằn quại bò qua làn thủy tinh. Chiếc cần cắm thẳng, sợi dây câu vừa chạm mặt nước. Cái phao trắng bé tí thành ra lơ lửng giữa không gian.

- Ở đây cũng có cá nữa sao?

Man Di đáp, vẻ nghiêm trang:

- Có, thưa cô, em vẫn câu được chúng luôn, những con cá đẹp.

- Và chúng đẹp nhất khi nào, trong chảo mỡ chiên vàng, hay tô canh thật ngon?

- Không bao giờ em ăn thịt chúng đâu cô.

Man Di trả lời, vẫn có vẻ nghiêm trang trên khuôn mặt thông minh. Tôi nhìn chú bé:

- Nếu vậy em bắt chúng làm gì?

- Em mang chúng về thả vào bể nước nhà em, em có cả một bể cá thật xinh. Nếu em không thích con nào em sẽ thả nó trở lại dòng suối.

- Hôm nay em đã bắt đầu câu chưa?

- Nếu em không nhìn thấy cô thì em đã câu rồi, thưa cô.

- Vậy bây giờ em câu đi.

- Cô thích câu cá không?

- Thích, nhưng tôi chưa câu bao giờ.

- Vậy em với cô câu chung.

- Tôi vui lòng lắm.

Man Di bắt đầu lắp mồi vào lưỡi câu bé tí, con giun quằn mình giẫy giụa. Tôi có cái cảm giác rờn rợn khi nhìn con giun, tôi sợ những loại sâu bọ như thế. Man Di trao cần câu cho tôi:

- Cô cầm đi.

- Sao em không cầm?

- Chúng ta câu chung mà, em vừa móc mồi rồi. Cô không biết móc phải không?

- Tôi sợ những con giun, em chỉ câu bằng giun hay sao?

- Cả những con cào cào hay sâu lá cây nữa, thưa cô ; nhưng giun dễ tìm hơn cả.

- Tôi cũng sợ cào cào nữa.

Chú bé cười một mình:

- Em biết, cô giáo cũ của em cũng sợ giun và cào cào. Hôm nào tụi nó bắt giun bỏ lên bàn là cô giáo không dám đến ngồi.

Tôi nhăn mặt:

- Em cũng nghịch như thế sao?

- Em à, không, thưa cô, em chẳng nghịch như thế bao giờ, chỉ có bọn học trò trong lớp em thôi. Chúng nó ghét cô giáo cũ.

- Sao thế?

Man Di nhìn tôi, chú bé có vẻ trang trọng:

- Vì cô giáo cũ hay la hét, cô khó tính và cô ấy cũng không xinh như cô nữa. Vì sao cô đến đây dậy chúng em?

- Tôi thích thế.

- Ở đây buồn lắm.

- Em có buồn không?

Man Di hơi suy nghĩ, chú bé đáp:

- Đôi khi, thưa cô.

Nắng nghiêng qua những vòm lá xanh vờn trên mái tóc đen óng của Man Di, lung linh trên mặt suối dịu dàng trôi. Tôi bứt một chiếc lá ném xuống dòng nước, chiếc lá từ từ cuốn đi. Man Di nói:

- Giống như một chiếc thuyền nhỏ đang trôi, phải không cô?

Chú bé có những ý nghĩ thật lớn, tôi nghĩ chú chỉ chừng mười tuổi. Những đứa trẻ của rừng núi thường lớn lên bằng sự khôn ngoan và lòng dũng mãnh không tìm thấy nơi trẻ con của thành đô. Tôi nói thật dịu dàng:

- Phải rồi, giống như một con thuyền nhỏ.

- Cô yêu núi rừng, phải không?

- Vì sao thế?

- Hai hôm nay sáng nào em cũng thấy cô đi dạo quanh đây, sao cô chỉ mặc mỗi mầu áo xanh?

- Sáng nào em cũng đến đây?

- Vâng, nhưng có những ngày em theo ba vào rừng.

- Ba em làm thợ săn?

- Ba em chỉ săn thú dữ thôi. Nhà em có vườn rẫy, ba em trồng trọt nhiều thứ. Em yêu ba em lắm. Nhưng tại sao cô chỉ mặc mỗi mầu áo xanh?

- Vì tôi yêu mầu xanh.

- Mầu xanh là mầu hy vọng phải không cô?

Tôi mỉm cười với chú bé:

- Phải rồi, mầu xanh là mầu hy vọng.

- Cô hy vọng điều gì?

- Hy vọng sáng nay chúng ta sẽ câu được nhiều cá đẹp.

Man Di phá lên cười, giọng cười trong trẻo và dễ yêu:

- Cô nói chuyện ngộ nghĩnh quá, em thích cơ lắm.

- Chừng nào thì mới câu được cá?

- Em không biết, ở đây cá lười biếng lắm, chúng không thèm ăn mồi.

- Nếu thế làm sao em bắt được chúng?

- Em chờ khi chúng đói, cá cũng đói chứ phải không cô?

- Chừng nào chúng đói?

Man Di nhìn tôi tỏ vẻ thích thú, chú bé đáp bằng giọng thú vị khi có đồng mình:

- Nhưng em đâu phải là cá, cô có thấy thế không?

Chú bé thật thông minh và khôn ngoan quá chừng. Tôi lắc đầu se sẽ, Man Di hỏi tôi:

- Cô thích hoa không?

- Hoa gì cơ?

- Em không biết hoa gì, nhưng chắc cô thích hoa?

- Em nói đúng.

Man Di vui vẻ đứng dậy, chú bé đến gần tôi nhón chân về phía sau ngắt một bông hoa leo quấn quanh thân cây to lớn. Chú bé trao bông hoa cho tôi:

- Em tặng cô đó.

Bông hoa nhỏ vừa bằng đồng xu tròn, mầu đỏ thẫm. Những cánh hoa nở tròn, óng ánh như dát một lượt ngọc nghiền nát lên ; hoa dại mà trông thật kiêu sa. Tôi cầm lấy bông hoa đỏ:

- Cám ơn em, đây là hoa gì?

- Em không biết.

- Tôi cũng không biết.

- Cô đặt tên đi.

- Sao em không đặt?

- Cô là cô giáo mà.

Chú bé làm như cô giáo thì có quyền hết mọi việc. Tôi lắc đầu:

- Tôi không biết đặt, nhưng đâu cần đặt tên cho nó phải không, chúng ta cứ gọi nó là hoa dại.

Man Di cười vui vẻ:

- Vậy nó tên là hoa dại.

Chú bé cất tiếng hát một bài hát líu lo, thổ âm của người miền Thượng. Tôi lắng nghe tiếng hát quấn quít reo từ đôi môi nhỏ, chú bé dễ thương quá.

- Em biết nói tiếng Thượng?

- Em biết chút xíu, bạn em dậy.

- Bài hát nói về gì thế?

- Mùa Thu, thưa cô, có những chiếc lá rơi trong rừng và một chàng trai ngồi thổi sáo chờ người trở lại.

Tôi hơi cắn đôi môi lại:

- Ai dịch ra tiếng Việt cho em hay em tự dịch đấy?

Chú bé cười:

- Y Đa đấy cô. Em làm gì hiểu được bài hát. Nó nói với em người con trai ngồi buồn thật buồn trong rừng Thu và thổi sáo. Chị Y Đa dậy nó hát. Cô có biết hát không?

- Không, nhưng tôi thích nghe hát.

- Em thích hát lắm.

Chúng tôi cùng yên lặng một lúc, dòng suối vẫn lặng lờ chẩy. Bên kia bờ nước rỉ ra từ một hốc cây gợn sóng nhè nhẹ. Thỉnh thoảng lại có vài chiếc lá úa trôi từ nguồn xuống, mầu lá nâu vàng, cũng có chiếc mầu xanh. Không phải chỉ có lá úa mới rụng. Chiếc dây câu như muốn lướt theo dòng nước, tôi bắt đầu thấy mỏi tay. Hình như dòng suối này không có cá thì phải.

- Sao không có con cá nào ăn câu cả vậy?

- Cô không thích câu nữa sao?

- Tôi thích, nếu có cá ăn câu. Chắc chắn dòng suối này có cá chứ?

Man Di có vẻ buồn, chú bé nói:

- Em không biết, nếu cô mỏi tay cô có thể cắm chiếc cần vào một chỗ nào đó.

Tôi cắm chiếc cần câu vào một khe đất nhỏ có vẻ chắc chắn giữ được cần. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ sẽ có những con cá đến ăn mồi. Nắng buổi sáng bắt đầu rực rỡ, óng nuột trên những chòm lá xanh. Sương đã tan hết. Tôi nhìn về khúc quanh mất hút của con suối. Nơi ấy có gì lạ? Tôi chưa đi dạo hết cảnh vật của vùng rừng núi gần đây. Man Di ngồi duỗi dài chân trên mặt đất lấm tấm cỏ non. Chú bé có dáng dấp của một thiên thần nhỏ, mặt chú có vẻ buồn. Tôi cảm thấy rõ ràng Man Di là người của rừng núi, thiên nhiên bộc lộ sáng ngời nơi chú bé.

- Chừng nào thì em quay về nhà?

- Buổi trưa ba em sẽ đón em về.

- Còn mẹ em?

Man Di nhìn tôi, đôi mắt chú bé có nhiều tia khó hiểu. Có một vẻ lạ lùng nào đó tiềm tàng trong cặp mắt to, chú bé nói chậm và dịu dàng:

- Em không có mẹ, thưa cô.

Tôi sửng sốt trước điều khám phá đó, đứa trẻ thông minh và dễ thương như thế mà lại không có một người mẹ. Tội nghiệp cho chú bé. Man Di nói thêm:

- Em không biết mẹ em bao giờ cả, thưa cô.

Tôi im lặng một chút, bối rối và ngỡ ngàng không biết sẽ làm gì. Man Di cũng im lặng nhìn ra xa. Chú bé có vẻ đang hồi tưởng điều gì. Tôi hỏi ngập ngừng:

- Em không có anh em gì sao?

- Em có ba.

Em có ba, tiếng nói thật dễ thương và tội nghiệp. Man Di nói bằng một vẻ chắc chắn và tin tưởng, em có ba, có lẽ rằng với chú bé người cha là tất cả. Tôi cẩn thận tránh cho chú bé những câu hỏi có thể làm chú buồn lòng.

- Chắc ba em yêu em lắm?

Man Di nở một nụ cười rạng rỡ, chú bé đáp với một vẻ rất khả ái:

- Ồ, vâng, ba em yêu em lắm, em cũng vậy.

- Em có sung sướng không?

- Có, thưa cô.

Tôi tần ngần nhìn bông hoa dại trong tay. Những loại hoa leo thường mau héo úa khi bị ngắt rời khỏi cành. Bông hoa này cũng vậy. Tôi ngước mắt nhìn khoảng rừng thưa trước mặt, nơi đó thiên nhiên còn nguyên vẹn của nó. Tôi thấy muốn đi một vòng cho thoải mái.

- Man Di, em muốn đi cùng tôi dạo một vòng quanh đây không?

- Em còn phải chờ những con cá ăn mồi.

Tôi giật mình thầm trách mình đã không lưu ý gì cả. Tôi đang câu cá với chú bé và tôi lại muốn bỏ đi. Ý nghĩ chú bé ngồi lại một mình nơi đây làm tôi ái ngại. Tôi nghĩ rằng chú bé sẽ buồn.

- Xin lỗi Man Di, tôi quên, chúng ta ngồi câu cá vậy.

Nhưng chú bé lắc đầu:

- Cô đi chơi đi, trong rừng thưa có nhiều hoa đẹp lắm. Ngày mai cô phải dạy chúng em rồi.

- Ngày mai em cũng phải đi học.

- Vâng, nhưng em thích những con cá.

- Ba em sắp đón em về chưa?

Man Di nghiêng đầu tránh tia sáng chiếu vào đôi mắt, chú bé vui vẻ:

- Ba em có một con ngựa, khi nào em nghe tiếng vó ngựa và tiếng nhạc ở cổ nó là ba em sắp đến. Em thích đi ngựa với ba em. Em không biết chừng nào ba em đến cả. Cô có biết cưỡi ngựa không?

- Không, tôi sợ cả ngựa nữa.

- Cô sợ nhiều thứ quá, con ngựa của ba em đẹp lắm.

- Tôi cũng nghĩ như thế. Chào em, Man Di, chúc em câu được nhiều cá đẹp.

- Cám ơn cô, em mong cô đi dạo vui vẻ.

- Ngày mai tôi sẽ gặp lại em.

- Vâng, ngày mai thưa cô. Em cũng thích học nữa.

Tôi đi ngược dòng suối vào khoảng rừng thưa. Cây xanh bọc bớt ánh sáng và sức nóng của mặt trời. Có những nơi mặt đất vẫn còn ẩm ướt. Cỏ mọc dại  hai bên đường mòn thật nhiều. Tôi nhìn thấy nhiều đóa hoa dại mọc trên đường đi nhưng tôi không muốn hái. Cần để cho chúng trang điểm cho núi rừng. Tôi sắp sửa bắt đầu những ngày tháng mới ở đây, với lũ học trò ngộ nghĩnh và chắc hẳn là chất phác. Những đứa trẻ của rừng núi chưa biết xảo trá lọc lừa. Tôi thấy lòng dịu lại trong giây phút. Khi ngoảnh đầu nhìn lại tôi thấy chú bé Man Di nhỏ xíu vẫn còn ngồi trầm lặng ven bờ suối với chiếc giỏ tre trống không và sợi dây câu chờ đợi. Chú nhỏ bé bỏng giữa thiên nhiên nhưng mạnh mẽ. Tôi nghĩ đến tiếng vó ngựa xen lẫn nhạc chuông của người cha phi đến đón chú về. Hình ảnh thật đẹp. Tôi bước những bước chậm và ngắn theo con đường nhỏ. Ngày mai khai trường, cái trường hẻo lánh và bé tí, chắc chắn tôi sẽ được biết thêm nhiều điều hay ho ở nơi đây. Các em như chim nhỏ trong rừng, tôi thầm nói với lũ học trò tương lai trong trí tưởng tượng.

Buổi sáng thật dịu dàng và thanh khiết, tôi đi chầm chậm trong lá cây rừng. Man Di, tôi sẽ gọi cái tên đầy rừng rú của chú bé với một chút bâng khuâng. Ngày mai tôi sẽ gặp lại em, phải không Man Di?


THỤY ĐỖ     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 192, ra ngày 1-1-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>