- Con nhỏ này kỳ quá, có ít kẹo bày bán, lại cứ đem phân phát cho trẻ, còn buôn bán nỗi gì?
Bị mẹ mắng, Mai đặt vội lọ kẹo lên quầy hàng, liếc nhìn "chú bé" đang rời khỏi cửa, vừa đi vừa hí hửng bóc chiếc kẹo nàng cho.
Mai nói với mẹ:
- Một chiếc kẹo sữa đáng là bao đâu má! Thằng Tâm này ngoan lắm...
Bà Hai lắc đầu:
- Phải, đối với cô thì đứa trẻ nào cũng đáng cho kẹo cả. Buôn bán như cô chả mấy nỗi mà bị lỗ vốn!
Mai cười phân trần:
- Má chưa cho con nói hết... Con biết thằng Tâm nó ngoan lắm, vì từ lâu nó vẫn là khách hàng quen của con. Trước kia ba nó còn khỏe, chiều thứ bảy nào nó cũng được mười đồng, tiền ba nó thưởng vì nó học hành chăm chỉ, luôn luôn được thầy giáo khen... Có tiền, nó chạy lại đây ngay, ưng cái này thích cái nọ, muốn mua kẹo nhưng lại tiếc đồ chơi!... Thằng nhỏ thiệt hay đó má! Dáng điệu nó hồn nhiên, ngộ nghĩnh, dễ thương...
Thế mà từ ngay ba nó đau, qua đây nó chỉ đứng nhìn suông ngoài tủ kính, nó còn bảo với con là: "Má em phải chạy tiền để lo thuốc cho ba em. Trong nhà không còn một xu nhỏ"...
Mai buồn rầu tiếp:
- Má hiểu không? Thế nghĩa là nó không có tiền thưởng như mỗi tuần nó vẫn được. Vì ba nó đau không làm ra tiền...
Nghe con nói bà Hai cũng thở dài:
- Tội nghiệp thằng nhỏ!
Rồi như để đền bù lời trách móc vừa rồi, bà nói lấy lòng con gái:
- Cũng tại cô khéo bày hàng lắm cơ. Cửa hàng cô bày lúc nào chả nổi nhất phố này!
Mai đỏ mặt sung sướng vì lời khen của mẹ. Quả thật Mai rất hay đổi mới cửa hàng. Cứ mỗi dịp như Trung Thu, Sinh Nhật hay Tết Nguyên Đán, , mấy quầy hàng của cô lại được dọn dẹp trang hoàng thật khéo léo, làm bọn trẻ kéo đến đứng coi đông nghẹt ngoài cửa.
Dịp Trung Thu, Mai trưng bày đủ các loại đèn, với các thứ bánh nướng, bánh dẻo.
Nhưng dịp Sinh Nhật thì Mai lại bày một hang đá bằng giấy xinh xắn ngay giữa tủ. Cạnh hang đá có một cây thông, và trên ngọn thông rủ xuống những sợi dây kim tuyến lóng lánh như những sợi tuyết, giăng mắc từ trên trời xuống.
Một đường hỏa xa nắc chung quanh hang đá có một đoàn tàu chạy lui chạy tới, xuyên qua các thôn xóm có những ngôi nhà nhỏ tí hon, làm các chú nhỏ đứng ngoài xem thích thú vô cùng.
Nhưng vui mắt nhất, có lẽ là một đàn gà con lông tơ vàng óng, biết mổ liên hồi như đang tìm ăn những hạt thóc vô hình.
Buổi chiều, vào những giờ tan học, Mai bật sáng những ngôi sao trên hang đá, lên dây thiều cho đoàn tàu chạy, và đàn gà cử động, chúc mỏ mổ tành tạch. Bầy trẻ đi qua liền bu lại tranh giành, xô đẩy nhau tìm chỗ đứng xem.
Ngày lễ Giáng Sinh đã qua đi, tiếp theo là những ngày nghỉ đầu năm dương lịch. Cửa hàng của mai cũng đã vãn khách. Thỉnh thoảng mới có một vài bà mẹ, tìm mua cho con gói kẹo cái bánh, hoặc một món đồ chơi rẻ tiền. Bọn trẻ khi đi qua tuy vẫn dừng lại nhưng không còn chen lấn như mấy hôm trước nữa.
Tâm, từ hôm lễ Giáng Sinh không bước chân vào cửa hàng của Mai lần nào. Nó chỉ đứng nhìn bên ngoài. Mai biết nó không vào là vì ba nó đau. Nếu ba nó khỏe mạnh, nó có số tiền thưởng như mọi khi, chắc nó không chịu đứng suông như thế mãi. Bên trong quầy hàng trông ra Mai thấy cái mũi bé bỏng của thằng Tâm dí sát vào mặt kính, nét mặt đăm chiêu, đôi mắt bộc lộ sự ước ao ham thích khiến Mai không sao cầm lòng được. Một buổi vắng khách, Mai gọi nó vào dịu dàng bảo:
- Nếu em có tiền em có mua thứ gì trong tủ hàng của chị? Chắc em đã chọn rồi chứ?
Quả nhiên Mai không nhầm, vì nét mặt thằng Tâm rạng rỡ hẳn ra. Không chút lưỡng lự, nó chỉ ngay vào những con gà xinh xắn.
Mai cầm một con, lên dây thiều cho nó cử động, mổ tạch tạch và đưa cho thằng Tâm:
- Đây chị cho em... Em cầm lấy đi!
Thằng Tâm không ngờ Mai lại có thể cho nó món đồ chơi mà nó đang ao ước... Giá nó có tiền thì nó đã mua từ lâu rồi. Nó đỡ lấy con gà, lòng hồi hộp vì sung sướng rồi chạy vội ra cửa quên cả cám ơn...
Mai nhìn theo, thấy nó dừng lại ở ngoài hè phố không xa cửa hàng Mai bao nhiêu, rồi ngồi xuống loay hoay với con gà. Nó lên dây thiều cho con gà cử động, một lần... rồi hai lần... ba lần... mải mê chơi hoài không chán.
Nhiều lần nó suýt bị người qua lại trên hè phố vấp phải. Nhưng nó không để ý cứ bình thản ngồi ngắm con gà mổ tành tạch với vẻ say mê hí hửng.
Người đi trên hè thấy nó mải chơi, và cái trò nó chơi cũng ngồ ngộ, đều mỉm cười ngoái cổ lại nhìn.
Có người vào mua hàng. Mai quay vào niềm nở tiếp khách không để ý đến thằng Tâm nữa. Nhưng chỉ một lúc sau hai mẹ con Mai đều ngạc nhiên thấy ba bốn người khách cùng vào một trật, và không chút lưỡng lự họ đều hỏi mua cùng một thứ đồ chơi:
- Cho tôi mua con gà máy, bày trong tủ kính kia.
Một cụ già vui miệng giải thích:
- Tôi vừa thấy một em nhỏ đang chơi thứ đó ngoài hè phố. Tôi hỏi nó ở đâu bán, nó chỉ lại đây... Tôi mua cho cháu tôi một con để nó chơi, chắc nó sẽ thích lắm.
Và, chỉ nội chiều hôm ấy, không những bao nhiêu gà máy bày trong tủ hàng mà cả những con còn cất trong hộp đều được đem ra bán hết, kèm theo cả những món lặt vặt khác mà khách hàng nhân tiện mua luôn.
Buổi đắt hàng bất ngờ đó làm bà Hai hết sức vui vẻ. Bà xoa tay mãn nguyện với số tiền thu được.
Mai thú thật với mẹ, vì thương hại thằng Tâm, cô đã cho nó con gà máy biết mổ, và chính nhờ nó vô tình quảng cáo ở ngoài hè mà món hàng đó đã bán hết nhanh chóng.
Nghe nói, bà Hai cười bảo:
- Lòng hảo tâm của cô đã được đền bù xứng đáng rồi. Nhờ thằng Tâm, chiều nay mình thu được khá lời!
Mai cũng mỉm cười bảo mẹ:
- Đấy má coi, thế mà, con cho nó có cái kẹo, chưa chi má đã la rầy!
BÍCH THỦY
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Quý Mão, 1963)