Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Chim Họa Mi Của Vua Trung Quốc


Tại Trung hoa vào thời xưa, xưa lắm có một vị hoàng đế rất sang giàu. Cung điện của ông ta đẹp nhất trên thế giới, làm toàn bằng một thứ sứ đặc biệt, rất quí, rất tinh vi và mỏng manh nên người ta phải hết sức thận trọng khi sờ tay đến.

Ngự viên càng đặc biệt : vô vàn là kỳ hoa dị thảo không nơi nào có. Bên cạnh những chiếc hoa đẹp mê hồn có những cái chuông buộc vào luôn luôn gây thành tiếng lanh canh, lanh canh nên không một ai lại gần đó mà không để ý dù kẻ ấy vô tình nhất đi chăng.

Mỗi vật nhỏ tại ngự viên đều được canh giữ cẩn thận và ngự viên lớn rộng cho đến nỗi người canh gác cũng không biết ranh giới nằm ở đâu nữa.

Nếu ta vào vườn, đi bộ một lát sẽ đến khu rừng có nhiều cây to và một cái hồ. Khu rừng kéo dài ra tận bờ bể, nước xanh ngắt và sâu đến độ một chiếc tàu lớn có thể giương buồm lên, ngay dưới tàng cây.

Chính nơi đó là chỗ trú ẩn của một con chim họa mi, con chim có tiếng hót êm dịu, thanh tao cho đến nỗi một anh thuyền chài nghèo khổ đầu tắt mặt tối mà cũng giong thuyền, gác lưới, nằm nghe nó hót trọn đêm!

- Ôi chao! Tuyệt diệu! Anh ta kêu thầm như thế. Rồi, hôm sau bận rộn vì công việc nặng nhọc anh quên bẵng chim đi, cho đến đêm về lại lắng nghe và kêu thành tiếng: "Ôi chao! Tiếng hót sao mà tuyệt diệu!"

Nhiều du khách khắp thế giới đến thăm vương quốc và không ngớt lời ca ngợi những điều trông thấy tại nơi này. Khi trở về gia hương, nhiều học giả mô tả những điều đó trong những cuốn sách dày cộm, họ nhắc nhở đến cung điện, đến kinh đô, đến ngự viên. Song đặc biệt họ không quên chuyện con họa mi trong rừng cây gần bên bờ bể. Nó luôn luôn được coi là vật đáng kể nhất, đáng quí nhất trong những vật quí ở Trung hoa.

Những cuốn sách ấy được phổ biến khắp năm châu, bốn bể và oái oăm thay: một ngày nọ sách vào tận sân rồng, nằm gọn trong tay Hoàng đế!

Ngồi trên chiếc ngai vàng, gật gù một mình, Đức vua hết sức hài lòng khi đọc những trang sách mô tả ca ngợi đô thị mình, cung điện mình và ngự viên mình. "NHƯNG CHIM HỌA MI MỚI LÀ VẬT QUÍ NHẤT TẠI ĐÓ".

Ngài đọc tiếp.

- Thế nghĩa là gì?

Ngài dừng lại, tự hỏi thầm... và nghĩ tiếp:

- Chim họa mi? Tại sao Trẫm không hề hay biết chút gì về nó?? Trời ơi! Một con chim như thế trong đế quốc Trẫm, ngay chính trong ngự viên của Trẫm... mà Trẫm không nghe nói đến. Làm sao Trẫm có thể tưởng tượng được rằng nhờ cuốn sách này Trẫm mới khám phá ra điều đó?

Lập tức, Hoàng đế cho đòi viên quan cận vệ vào hầu ông ta là một người có phẩm tước cao nhất trong đám quân hầu. Tại cung cấm bọn thuộc hạ có điều gì cần nói hoặc hỏi ông thì chỉ được ông ta trả lời gọn gàng, vỏn vẹn có một chữ "p" vô nghĩa!

- Này khanh! Đức vua phán hỏi Trẫm nghe có một con chim lạ lùng kỳ diệu tại đây, con chim đó được coi là quí hơn tất cả mọi vật trong vương quốc rộng lớn của Trẫm, thế mà tại sao chính Trẫm, Trẫm lại không hề nghe nói đến?

- Muôn tâu Bệ hạ, thần chưa từng để ý đến điều ấy, từ trước đến nay chưa hề thấy "nó" đến trình diện ở đền rồng, nếu có...

Viên cận vệ cúi đầu rất thấp tâu vua như vậy. Ngài phán, bằng giọng náo nức:

- Ước gì con chim ấy xuất hiện ngay đêm nay hót lên cho Trẫm nghe xem sao! Cả thế giới dường như đều biết nó, chỉ trừ... một mình Trẫm thì... không!

- Kính tâu Hoàng thượng, từ trước đến nay ngu thần không để ý đến điều đó, nhưng bây giờ thì thần rất quan tâm và xin hứa cố tìm ra nó để... làm vui lòng Hoàng thượng.

Ông ta cương quyết hứa cùng Hoàng đế, bằng một giọng chắc như đinh đóng vào cột gỗ lim. Đức vua hết sức hân hoan.

Thế nhưng mà việc làm không dễ dàng như lời nói. Biết tìm nó ở đâu bây giờ đây? Ông ta chạy nhớn nhác khắp tiền đình, hậu cung, lầu nầy, gác nọ, lên thang, xuống thang, trong ngoài không sót một nơi ; ông ta hỏi người nầy đôi câu, người kia vài tiếng, tuyệt nhiên không một ai biết chút gì tung tích con chim. Viên cận vệ đành sấp ngửa chạy lại bên vua, trình tấu thế này:

- Muôn tâu Hoàng thượng, chuyện này là chuyện hoang đường, bịa đặt, thêu dệt của bọn... nhà văn (và ông ta còn thêm). Xin Hoàng thượng đừng tin bọn chúng, những điều chúng viết đều láo toét.

- Chớ nhiều lời! Vua gằn giọng Không phải là chuyện bịa đâu, cuốn sách nầy của Nhật bản, một ông vua có uy tín tặng ta mà. Ta muốn nghe chim họa mi hót đêm nay, ta nhất định nghe cho kỳ được. Nghe đây: ta sẽ ân thưởng cho nếu ngươi làm ta vừa ý, bằng không, ta sẽ dẵm nát triều đình cả người lẫn vật chẳng sót mống nào nội đêm nay, sau bữa ăn chiều. Nghe rõ chưa?

"Quỉ thần ơi!" Viên cận vệ kêu lên như thế rồi cắm cổ chạy tràn... "Phải tìm cho ra nó, phải tìm cho ra nó...", ông ta nhắc đi nhắc lại một mình bằng giọng lo sợ, "nếu không thì..." Ôi chao! Ông ta không đủ can đảm nghĩ tiếp theo...

Tội nghiệp ông ta! Xưa nay ông ta có biết "chạy" là gì? Ông ta có bao giờ phải chạy? Ông ta lúc nào cũng đủng đa, đủng đỉnh, trên vua dưới ông ta mà lại! Vâng, ông ta chạy lên, chạy xuống khắp các thang lầu, chạy ra, chạy vào khắp tiền đình, hậu cung, các phòng lớn, phòng nhỏ và cả một nửa triều thần cùng chạy với ông ta, bởi một lẽ không một ai trong bọn họ "ước được" nhà vua dẵm nát nghiến ngay sau bữa ăn chiều hết.

Rất nhiều câu hỏi về vụ con Họa mi được đặt ra, những câu hỏi chắc chắn là muôn dân bên ngoài cung cấm đều trả lời được, chỉ trừ bọn họ.

Sau rốt, họ gặp một cô hầu gái trong nhà bếp, bèn hỏi:

- Con bé kia! Mày có bao giờ nghe nói đến con chim họa mi chưa? Có khi nào nghe nó hót không?

- À! Một con chim họa mi hẳn? Tôi biết nó rất nhiều. Vâng? Đúng thế: nó hót được. Mỗi buổi chiều tôi nhặt những thức ăn thừa về cho mẹ tôi, mẹ tôi ốm và nghèo lắm...

- Ta hỏi con họa mi chứ có hỏi đến mẹ mày đâu? Ta đang sốt ruột thế này mà mày dài dòng chi lắm vậy?

- Ta phải nói rõ ràng chứ, vâng? Mỗi chiều tôi mang thức ăn thừa về nhà ở tận phía bở bể kia, hễ khi nào mệt thì tôi ngồi xuống nghỉ trong rừng và tôi nghe nó hót...

- Mày nghe nó hót? Thật không?

- Tôi có biết nói dối bao giờ đâu? Ôi chao là tiếng hót của nó! Mới thánh thót làm sao! Nó hót hay đến nỗi tôi không cầm được nước mắt, tưởng như vừa được mẹ tôi hôn...

- Con bé kia! Mày sẽ được lên chức trong bếp và còn được phép nhìn Đức vua ăn nữa, nếu mày đưa ta đến chỗ họa mi. Có lệnh gọi nó vào triều, ngay tối nay.

- Vâng tôi đưa các ông đi.

Thế là cả bọn kéo nhau vào rừng nơi họa mi thường hót. Một nửa triều đình đi theo. Trong lúc họ đang đi, chợt nghe tiếng con bò cái rống lên.

- Ôi chao! Kinh khủng chưa? Thật là con vật bé nhỏ mà phi thường nhá! Tôi thề là trong đời tôi, tôi chưa bao giờ nghe...

Một tên quân hầu trẻ tuổi kêu lên song cô gái cười ngặt nghẽo, nói:

- Không phải tiếng hót của họa mi đâu, đấy là tiếng con bò...

- Con bò, hử?

- Vâng, con bò! Nó rống đấy ạ! Còn xa lắm mới đến chỗ họa mi.

Một chốc sau trên đường đi cả bọn lại nghe ếch nhái kêu vang lên.

- Eo ơi! Tiếng hót chi mà tuyệt diệu, thật hơn cả tiếng chuông ngân trong đền thờ, nhá!

Viên quan Tư tế nói (một chức tựa như chức tuyên úy trong quân đội ngày nay).

Cô gái cố nén cười, lễ phép thưa:

- Bẩm thượng quan, không phải họa mi hót thế đâu ạ! Đó là tiếng cóc nhái kêu. Nhưng không lâu nữa đâu, cũng sắp đến nơi rồi, ạ!

Cô gái nói dứt thì có tiếng hót trong trẻo vang lên. Cô ta tìm kiếm một lát và chỉ cho mọi người thấy một con chim nhỏ mầu xám đang đậu trên cành.

- Lạ nhỉ? Ta chưa bao giờ nghĩ đến một điều như thế, trông nó có gì là đặc biệt đâu? Trông xấu xí thế kia...

- Họa mi ơi! cô gái ôn tồn nói với con chim bé nhỏ Đức vua cao quí và rộng lượng muốn nghe chim hót đó.

- Tôi rất vui lòng Chim trả lời bằng giọng ngọt ngào.

- Đúng là một cái chuông bằng thủy tinh: Quan cận vệ khen coi coi cái cổ họng bé tí, bé teo thế kia mà... giọng hót mới đặc biệt phi thường làm sao chứ? Ta cam đoan là mi sẽ thành công lớn ở trước sân rồng.

- Tôi sẽ hót cho vua nghe, hẳn?

Bằng giọng thanh tao chim hỏi lại.

- Họa mi ơi! Ta hân hạnh mời mi đến dự dạ hội tại đền rồng trong đêm nay. Mi sẽ làm Đức vua mê say giọng hát của mi.

- Tiếng hót vang trong rừng hay hơn chim nói nhưng nếu vua thích thì tôi vui lòng cùng đi với quí ngài, đến hót cho vua nghe.

*

Cung điện sáng chói trong dịp hi hữu đó, tường và trên sàn nhà sáng rực rỡ dưới hàng nghìn ngọn đèn vàng. Những hoa đẹp nhất, thơm nhất được trang hoàng khắp các phòng. Mọi người đi đi lại lại một cách vội vàng, tiếng chuông khua ran lên vang trong tai cả triều thần.

Giữa phòng khách lớn vua ngồi oai nghi bệ vệ trên chiếc ngai, một cái que bằng vàng đặt bên cạnh ngài trên đó họa mi đang đậu. Cả triều đình họp mặt đông đủ, cả cô gái hầu trong bếp cũng được đứng sau rèm cửa, bấy giờ cô ta đã lên chức "Bếp chính" rồi.

Mọi người đều mặc những y phục sang và đẹp nhất. Ai nấy đều chăm chú nhìn về phía chim đậu trong lúc nhà vua đang ngủ... gật trên ngai vàng.

Bỗng giữa im lặng trang nghiêm đó một tiếng hót trong trẻo, êm dịu vút lên, tiếng hót đánh thức nhà vua và làm mềm cả trái tim khô khan già cỗi... từng giọt, từng giọt lệ nóng trào ra khóe mắt đức vua lăn dài xuống má ngài... Con họa mi vẫn tiếp tục hót, càng phút càng hay hơn, thánh thót hơn, tiếng hát làm mọi người đều xúc động.

Đức vua lấy làm đẹp lòng, phán rằng ngài sẽ ban cho con vật đáng yêu ấy một chiếc vòng bằng vàng để đeo trong cổ, song họa mi từ chối mà rằng:

- Kính tâu Hoàng thượng cao cả, tôi đã được ban thưởng trọng hậu rồi, tôi không dám nhận một ân tứ nào nữa...

- Chim nói sao? Đức vua ngạc nhiên hỏi lại Nào ta đã ban thưởng cho con cái gì đâu?

- Tâu Hoàng thượng, con đã được thấy tận mắt những giọt lệ của ngài, đó không là  một đặc ân sao?

Và chim lại cất giọng êm như nhung, ngọt hơn mật hót lên làm vua và cả đình thần ngây ngất. Các vị phu nhân khen:

- Chao ơi là kỳ diệu, chao ơi là giọng hát phi thường!

Thế rồi các bà uống nước ngọt vào để cố bắt chước tiếng chim song vô ích, tiếng hát của quí phu nhân tầm thường quá.

Bọn quân hầu và tì nữ lấy làm thích thú, bởi các bà là những người khó tính nhất trần đời, chúng hầu hạ cách nào cũng chẳng vừa lòng.

Họa mi quả đã thành công, nó làm cho mọi người đều cảm động.

Họa mi được mời ở lại trong cung, trong một chiếc lồng, được tự do ra vào hai bận ban ngày và một bận ban đêm. Luôn luôn có mười hai tên quân hầu, mỗi người nắm cái dây lụa buộc chân nó nhấc lên để nó dễ dàng đi lại. Được chiều chuộng như thế song chim vẫn có vẻ không vui mấy.

Cả kinh đô đều bàn tán về con chim đặc biệt đó. Nếu hai người gặp nhau trên đường, người nầy nói "Họa" và người kia trả lời "Mi" ngay, như thế có nghĩa là họ rất hiểu nhau và thân nhau đấy!

Đã có đến mười một đứa trẻ sơ sinh được đặt tên là Hoa mi, song không một đứa nào hót được!

Ngày nọ vua nhận được một gói quà, bên ngoài đề hai chữ: "Họa mi".

- Đây hẳn là một cuốn sách mới nói về con chim danh tiếng của ta! Ta lại được thêm một cuốn sách...

Nhà vua nói, song không, không phải là một cuốn sách mà là một con Họa mi nhân tạo rất khéo léo, tinh xảo chẳng khác gì chim thật, đựng trong cái hộp, chỉ khác cái là con vật đó được mang rất nhiều đồ trang sức: kim cương này, hồng ngọc này, thanh ngọc này, trông chói cả mắt.

Lên dây cót, lập tức nó cất giọng lên hót y như chim thật, đuôi vẫy vẫy làm cho bộ lông bằng vàng và bằng bạc ngời lên lóng lánh.

Cái giải lụa cột quanh cổ con vật có hàng chữ thế này: Một con Họa mi "xoàng" của vua Nhật bản để thử so sánh với Họa mi của Đại vương Trung quốc"

Mọi người kêu lên: "Ôi chao! Đẹp ơi là đẹp" và cái gã mang chim giả đến lập tức được cất nhắc lên làm chức: "Người-giữ-chim của Đức vua". Hai chim sẽ cùng hợp ca. Bản song ca mới tuyệt làm sao!

Ai cũng tường thế.

Song khi chúng hót thì mọi người thất vọng ngay, bởi chim thật hót một cách mà chim nhân tạo lại hót cách khác theo sự lên dây của người ta.

- Thế này thì không hỏng nữa Nhạc trưởng nói lần này nhất định hoàn toàn.

Ông ta cho chim giả hót một mình thôi. Quả nhiên, nó thành công y như chim thật vậy và còn hơn là đằng khác, bởi cái bề ngoài đầy những món đồ trang sức chói ngời của nó.

Nó hót đi hót lại ba lần, bốn lần cho đến ba mươi lần liên tiếp mà không... biết mệt. Mọi người đều tỏ ý thích thú muốn nghe  nó hót nữa, song Đức vua bảo rằng đến lượt chim thật hót. Và người ta im lặng chờ nghe. Nhưng chim thật đâu rồi? Thì ra thừa lúc không một ai để ý đến nó, nó đã bay ra cửa sổ, trở về với rừng xanh!

- Thế là nghĩa lý gì? Đức vua phán hỏi.

Cả triều thần đồng thanh tâu rằng con họa mi đó thật vô ơn, vô ơn nhất trong những kẻ vô ơn và còn thêm: "Dù sao, đã có con chim mới đây rồi. Thế rồi con chim nhân tạo lại được lên dây, cất tiếng. Lần thứ ba mươi tư họ nghe hoài một điệu hót mà vẫn không ngờ bởi lẽ không thể nào phân biệt được.

Gã nhạc trưởng đề cao con vật đó cho rằng nó còn quí hơn chim thật vô chừng vì không những chỉ có báu vật bên ngoài mà còn có cả tiếng hót kỳ diệu nữa.

- Kính tâu đại vương nhạc trưởng nói trong lúc con chim thật ta chỉ nghe tiếng hót chứ không biết tại sao còn con vật này thì mọi sự đều ở trong tay ta, chỉ cần lên dây là nó hót ngay, ta tự do xếp đặt, từng bậc từng cung và luôn luôn nó ở cạnh ta, ngay trước mắt ta.

"Quả vậy, quả vậy" mọi người đều nói theo ông ta. Gã nhạc trưởng quyết định chúa nhật tới sẽ mang chim ra mắt công chúng. Nhà vua bảo:

- Phải đấy, mọi người cũng được nghe chim hót nữa. Tuyệt diệu.

Thế là công chúng đều được trông thấy và nghe chim giả hót, họ kêu "ôi chao, ôi chao" và họ giơ những ngón tay trỏ lên giữa không khí, đầu gật gù đánh nhịp một cách thích thú, nhiệt thành!

Chỉ trừ người thuyền chài nghèo khổ kia, khi nghe chim hót anh ta nói:

- Tiếng hót quả là hay, nghe giông giống như chim thật hót, song vẫn kem kém thế nào ấy. Thật tôi cũng không hiểu tại sao lại thế.

Kể từ đó chim giả thay vào chỗ chim thật trước kia, nó ở trong đền vua, cận bên giường ngủ của ngài. Những quà tặng nó bằng vàng khối và những vật trang sức quí khác vương vãi khắp phòng. Nó được phong là "Ca sĩ trưởng".

Gã nhạc trưởng sáng tác hai mươi lăm nhạc khúc kèm lời ca về con vật nhân tạo đó, khúc nào cũng đầy những chữ Trung hoa kỳ bí và mọi người đều nói rằng họ có thể đọc và hiểu tất cả những khúc hát đó, song sự thật họ rất đỗi "gà mờ", họ chẳng hiểu gì tất và họ chỉ có thể dẵm lên những khúc hát đó mà thôi.

Trò hề ấy diễn ra trong suốt một năm ròng.

Đức vua, đình thần và nhiều người Trung hoa khác đều thuộc lòng lời chim hót và ngân nga hót theo vài đoạn. Song ai nấy đều thích nghe con vật hót hơn để dễ hát theo, ngay cả Đức vua cũng vậy.

Thế rồi một buổi chiều, trong khi con vật đang hót đến đoạn hay nhất, nhà vua nằm lắng tai nghe ở trên giường thì một tiếng kêu nho nhỏ "gờ ruyệt" từ trong lồng ngực chim phát ra và tiếp đó "gờ ruyệt, gờ ruyệt" hai ba lần nữa rồi tiếng hót bỗng dừng bặt lại.

Nhà vua nhảy ba bước ra khỏi giường gọi quan ngự y đến khám ngay cho con chim quí, nhưng nào biết nó bịnh gì?

Nhà vua lại gọi người thợ đồng hồ đến. Người này sau khi xem xét kỹ, sửa chữa đủ cách thì con vật lên tiếng trở lại. Song anh ta lưu ý nhà vua rằng cần phải nương tay đối với con chim chứ không vặn bừa như trước được vì lẽ bộ phận bên trong đã lờn rồi và nó không thể hót hay, đúng giọng như trước nữa.

Thật là tin sét đánh! Một cú giáng mạnh vào đầu! Từ bấy giờ con vật chỉ hót mỗi năm vỏn vẹn một lần, rất là khó nhọc.

Tuy thế, gã nhạc trưởng cũng làm một bài luận thuyết ngắn về con chim, dùng toàn những chữ khó và ông ta nói rằng việc làm mình rất đúng, hay hơn bao giờ cả!

*

Năm năm qua, sự đau buồn lan ra khắp nước, bởi vì dân chúng rất quí mến nhà vua mà bây giờ ngài ốm nặng không còn sống được bao ngày nữa. Người kế vị cũng đã chọn sẵn rồi. Ngoài phố, mỗi khi gặp viên quan cận vệ, người ta nhao nhao hỏi thăm sức khỏe Đức vua, song họ không được câu trả lời nào cả ngoài cái lắc đầu và một chữ "P" vô nghĩa kèm theo!

Đức vua nằm trên giường lộng lẫy, ngài gầy gò và xanh lợt. Đình thần nghĩ rằng ngài sắp băng hà nên họ tránh xa ngài, lo theo bên người kế vị mà chầu chực, cúi đầu, quì gối. Bọn quân hầu tán gẫu về điều đó và bọn thị nữ thì lo pha cà phê.

Đại sảnh và các phòng khác, rèm màn đều buông rũ lặng lẽ, chết lịm không một bước chân, hoàn toàn yên tĩnh, yên tĩnh đến lạnh người.

Nhưng ngài chưa chết. Ngài nằm trên chiếc giường lộng lẫy, tuy gầy xanh, nhợt nhạt song vẫn dai dẳng sống, thỉnh thoảng ngài mở choàng đôi mắt mệt nhọc lờ đờ nhìn cái màn nhung có treo những quả tua lủng lẳng trên đầu mình. Ánh trăng chiếu sáng vào phòng qua cửa sổ mở ngỏ và con chim giả đang đứng cạnh ngài.

Ngài thở rất khó khăn, y như có một sức nặng đè lên ngực vậy.

- Hỡi con chim quí kia ơi! Hót lên đi! Ta tặng mày biết bao báu vật, ta cho mày cả chiếc vòng cổ của ta. Hót lên đi! Ta van mày đấy! Hót lên!

Nhưng con chim vẫn đứng yên, lạnh lùng, lặng lẽ vì đâu có ai vặn dây cót, làm sao nó hót được bây giờ?

Đột nhiên, có tiếng hót thánh thót ngân lên bên cửa sổ, đó là tiếng hót của con họa mi thật, đang đậu ở một cành cây bên ngoài. Nó biết rằng vua đang cần nó nên nó vội vàng đến hót cho ngài nghe. Nghe tiếng hót, máu chạy đều trong huyết quản đức vua, sinh lực bừng bừng hồi phục, sắc mặt ngài hồng hào trở lại, tứ chi ngài cũng hết lỏng lẻo, rã rời.

- Cảm ơn ngươi! Cảm ơn ngươi!

Đức vua hổn hển kêu lên vì mừng rỡ và cảm động, ngài nói:

- Ngươi là chim thần, trẫm biết! Ta đã bạc đãi ngươi nhưng ngươi vẫn chẳng nỡ ghét ta, giọng hót của ngươi vẫn hay như cũ trong lúc ta gần kề cái chết thế này, ta biết lấy gì trả ơn ngươi?

- Kính tâu Hoàng thượng, tôi đã được ân thưởng rồi : tôi đã làm ngài khóc nhiều, lần đầu khi nghe tôi hát và tôi không bao giờ quên điều đó. Nước mắt ngài là báu vật quí nhất đối với tôi. Nhưng thôi, ngài hãy ngủ đi, tôi hát cho ngài nghe đây!

Rồi chim lại dịu dàng cất tiếng và đức vua chìm trong một giấc ngủ khoan khoái, bình yên.

Sáng hôm sau mặt trời chiếu qua cửa sổ, ngài tỉnh giấc mạnh khỏe như thường.

- Chim hãy ở đây với ta! Ngươi chỉ hát khi nào ngươi muốn và ta, ta sẽ đập vỡ nát con chim nhân tạo kia thành nghìn mảnh.

- Chớ! Chớ! Tôi van ngài! Ngài hãy giữ con vật ấy như trước nay. Tôi không thể làm tổ và ở luôn trong cung với ngài được, nhưng tôi sẽ đến khi nào thích, mỗi chiều tôi sẽ đứng trên cành kia mà hót hầu ngài, tôi sẽ làm ngài vui và giúp ngài suy nghĩ nữa. Tôi sẽ cho ngài biết những gì tốt và cả những gì xấu mà người ta giấu ngài. Chỉ xin ngài hứa với tôi một điều...

- Hãy nói đi! Ta hứa cả chục điều chứ không chỉ một thôi.

Trong bộ triều phục kềnh càng nhà vua nhảy cẫng lên, giục chim như thế.

- Thưa ngài chim dịu dàng thưa chỉ một điều thôi : xin ngài đừng cho ai hay rằng có một con chim nhỏ biết mọi điều hay dở và có thể kể lại cùng ngài. Xin ngài nhớ hộ cho.


MINH QUÂN           
(dịch truyện The Nightingale 
của Hans Chritian Andersen) 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 58, ra ngày 1-12-1966)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>