Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

Lời Khuyên Bạn Trẻ

 

Các em thân mến,

Hôm nay, chúng tôi xin lược dịch một đoạn văn của Victor Hugo, gồm những lời khuyên rất thiết thực cho các em. Victor Hugo là nhà văn nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XIX, và tác phẩm được nhiều người biết đến của văn hào Victor Hugo là Những kẻ khốn cùng.

Dưới đây là những lời khuyên các em của nhà văn nói trên:

"Các em còn nhỏ, các em vui tươi, các em chơi đùa. Đấy là tuổi sung sướng. Tôi không nói các em được luôn luôn sung sướng vì một ngày kia, các em sẽ thấy muốn được hạnh phúc hoàn toàn, việc ấy không dễ dàng gì. Nhưng các em đâu có chịu lúc nào cũng sống khổ sở. Muốn được vậy, các em chỉ cần thực hành hai điều rất giản dị: yêu thương và làm việc.

Các em hãy yêu thương những người yêu thương các em. Bây giờ, các em yêu thương cha mẹ, tình thương này dẫn dắt đến tình yêu tổ quốc, người mẹ tất cả chúng ta.

Rồi đến làm việc. Trong hiện tại, các em làm việc để mở mang trí tuệ, để trở nên con người xứng đáng. Trong khi các em làm việc đàng hoàng và khi các em nhận thấy hài lòng vì công việc các em làm, chắc các em được vui tươi hơn, thường là như vậy. Các em làm việc rồi các em sẽ thấy tâm thần được thoải mái.

Và một khi tâm thần được mãn nguyện, các em sẽ không thể hoàn toàn khổ sở."

Mong rằng những lời khuyên trên đây sẽ giúp ích một phần nào cho các em, những người bạn trẻ mà chúng tôi hằng quí mến.
 
 
Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 56, ra ngày 17-9-1972)

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Trung Thu Tình Thương

 

Mặt trời vừa khuất sau  rặng cây, ánh nắng dịu dần và tắt hẳn trên ngọn cây sầu đông trước cửa nhà. Một vài cơn gió nhẹ khẽ đong đưa hàng sầu đông và từng chiếc lá rời cành bay là là trong khoảng không rồi nhẹ đáp xuống đất, từng chiếc lá và từng chiếc lá cứ tiếp tục rơi. Trên cao, một vài cụm mây trắng nhẹ nhàng bay ngang và cứ thế bay mãi...! Em khẽ chép miệng "Buổi chiều hôm nay sao mà đẹp quá" Chợt giật mình em kêu lên "Sắp thu rồi đấy! Chóng ghê!" Thế là em đã về đây được 3 năm rồi đấy. Nhớ ngày xưa khi bố em còn sống, cứ đến gần thu là mẹ em rọc lá, gói bánh, làm bánh v.v... Bố em đi làm về ăn cho xong bữa cơm không kịp xỉa răng, ngồi cặm cụi lo vót, gọt rồi uốn tre để làm từng chiếc lồng đèn xinh xinh với nhiều hình chim cò ngộ nghĩnh. Em mang lại cho bố cây tăm xỉa răng và ngồi xuống phụ giúp bố dán lồng đèn. Những chiếc lồng đèn với nhiều mầu sắc như tình bố thương con. Mà quả thật vậy, trong những năm bố em còn sống, năm nào gia đình em cũng lo ăn mừng Tết Trung Thu thật lớn và vui vẻ. Đối với những tâm hồn còn non nớt và ngây dại như chúng em, Tết Trung Thu thật đẹp và thật vui. Thế mà bây giờ, khi bố đã chết... Mắt em cay cay khi nghĩ đến Tết Trung Thu sắp tới của lũ em, của em, một đàn con nheo nhóc bạc phước kể từ ngày cha mất.

Bố em mất đi cách nay đã 3 năm. Kể từ ngày bố mất, mẹ dọn nhà từ Cần Thơ về đây, vất vả ngày hai buổi đi làm cho một công sở của chính phủ để mỗi tháng được vài ngàn nuôi đàn con thơ dại. Riêng em mới có 14 tuổi đầu, cái tuổi còn măng sữa ; đáng lẽ em phải được cái diễm phúc như chúng bạn ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng em đã phải nghỉ học ở nhà trông em, nấu cơm, còn dư thời giờ thì cùng đứa em trai gánh thuê từng đôi nước để được vài chục cho lũ em ăn quà sáng.

Thu sắp về, em không biết làm sao để có tiền mua vài chiếc bánh, vài cái lồng đèn xếp cho lũ em lúc Tết Trung Thu sắp về. Em hy vọng rằng từ đây đến đó sẽ có thêm nhiều mối kêu nước và em sẽ rán nhận tất cả để có tiền mua cho chúng thật nhiều quà Trung Thu cho chúng mừng. Nghĩ đến đây, em thích thú mỉm cười vì tin chắc rằng dưới suối vàng hồn bố cũng mãn nguyện ngậm cười khi thấy con gái lớn của bố đã làm tròn bổn phận của người chị cả đối với lũ em thơ.

Mải suy nghĩ vẩn vơ trời đã sẫm tối mà thau đồ còn đầy, em hối hả giặt thật nhanh để còn kịp vào phụ mẹ chiên bánh đem bỏ mối.

*

Em tỉnh dậy giữa mùi ê te nồng hăng hắc của bệnh viện và giữa tiếng khóc nức nở của mẹ. tiếng kêu đau thương "Chị Hai... Chị Hai..." của lũ em nhỏ dại. Ngơ ngác một giây, em sực nhớ lại tất cả mọi việc, nhìn xuống thấy đôi chân băng bột trắng xóa. Bé út Hải thấy em mở mắt vội rời lòng mẹ và chạy a lại kêu em bằng những tiếng ngọng nghịu "Chị... ai... chị... ai!" Em nấc lên choàng ôm lấy bé và òa khóc. Em nhớ lại: lúc sáng này khoảng 7 giờ bác Sáu ở đầu ngõ kêu em gánh cho 12 đôi nước.

Mừng rỡ, em nuốt vội bát cơm chiên rồi quảy gánh thùng đi ngay, vì sợ không kịp giờ đi bỏ mối bánh chiên tối qua. Người ta hẹn 9 giờ mà bây giờ chỉ còn khoảng tiếng rưỡi đồng hồ nên em hấp tấp gánh đôi thùng nước cố gắng đi thật nhanh cho kịp giờ. Bất ngờ lúc ngang qua một vũng nước do cơn mưa đêm qua đọng lại thì: "Soạt...!" Em rú lên và khụy xuống, đôi nước trên vai đổ xuống tung tóe trên mặt đất. Lúc đó, trước khi ngất đi, em nghe có nhiều người nói lao xao và những tiếng khóc ré lên văng vẳng ngân dài. Đầu hoa lên, chân tê cứng, trước mắt em những hào quang tóe ra, rồi một khối đen sì chụp lấy em, em bất tỉnh. Bây giờ tỉnh lại em thấy người đau nhức khó chịu, chân thì cứng ngắc ; em có cảm tưởng rằng bắt đầu từ bây giờ cái chân yêu quí, một phần thân thể của em không còn cử động được theo ý em muốn nữa. Tuy thể xác em đang đau đớn, nhưng những cái đau đó không đau bằng cái chua xót và đau đớn của tâm hồn một người chị cả không làm tròn bổn phận đối với đàn em khờ dại. "Cái ngã" bất chợt vì vô ý của em đã làm cho bao tia hy vọng được ăn bánh và chơi đèn lồng đêm Trung Thu của lũ em nhỏ tiêu tan thành mây khói. Em cảm thấy oán giận mình hơn vì 1 phút bất cẩn đã làm tan tác bao giấc mộng của lũ em và cũng đã đập tan niềm hy vọng có tiền mua quà Trung Thu cho em của một người chị cả. Em càng xé ruột hơn khi tưởng tượng ra đêm Trung Thu, đàn em nhỏ bé của em đứng vào một xó tối nhìn theo các bạn chúng vui đùa với đèn, với bánh trên tay, trong một cặp mắt thèm thuồng và mơ ước. Đang miên man trong vùng chua xót, tiếng mẹ cất lên kéo em về với thực tại, "Thôi con đừng buồn nữa mà khổ hơn con ạ! Nếu lỡ con có bề gì thì mẹ sẽ sống sao đây...?"

Mẹ nghẹn ngào nức nở vì cảm động dâng trào. Lúc lâu, nén cho cảm xúc lắng xuống, mẹ tiếp:

- Mẹ vừa mới lãnh lương đây con. Mẹ vừa lãnh tiền ra khỏi cửa, được tin gọi mẹ chạy vội về nhà rồi vào đây. Thôi nghèo lỡ cho nghèo luôn con ơi! Mẹ cũng rán trích ra vài trăm mua bánh ngọt cho lũ trẻ để chúng ăn mừng đêm Trung Thu ; còn đèn lồng mẹ cũng sẽ mua cho mỗi đứa một cái. Thôi cũng xong rồi ; con đừng buồn nữa nhé! Con buồn mẹ cũng khổ lắm con ơi!

Tủi thân em òa khóc, tiếng thằng Sơn vang lên càng làm cho em tủi thân hơn:

- Thôi mẹ à, đừng mua bánh và đèn cho tụi con nữa. Để dành tiền đó mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ! Có thuốc chị Hai mới mau lành bệnh và mạnh khỏe để dìu dắt tụi con nữa chứ.

Thằng Sơn vừa dứt lời thì cả lũ nhao nhao lên: "Phải đó mẹ, để dành mua thuốc cho chị Hai con đi mẹ!" Em nhìn mẹ, mẹ nhìn em, nước mắt hai mẹ con chảy dài, giọt lệ nóng trào dâng nghe mặn như tình thương gia đình thật đậm đà hương vị.

Bố ơi! Bố ở đâu? Bố có nghe những lời của em con vừa nói đó không! Chúng khôn trước tuổi, vì cái nghèo và khổ gây ra đó bố ạ! Con chắc bố không nghe vì bây giờ bố đâu có bên chúng con nữa???

Trung Thu! Ôi một đêm Trung Thu thật bất hạnh cho những đứa con mất cha, những đứa trẻ của những gia đình nghèo. Chắc chắn rằng Trung Thu của chúng nó không bánh, không đèn, nhưng chúng nó vẫn không buồn vì bao giờ chúng cũng còn có phước hơn bất cứ những đứa trẻ bạc phước, không cha, không mẹ, không gia đình, không tình thương ; bởi vì chúng còn có tình thương mẹ, tình thương chị, tình thương em, để mà dựa vào nhau cùng sống.

Ôi! Nồng nàn và cao quí thay cho tình thương gia đình dù nghèo nhưng vẫn đượm mến yêu!

Em nhắm mắt lại mơ màng và tưởng như có muôn ngàn tình thương đan thành một tấm lưới dầy bao phủ em ; và chợt trong một tiềm thức nào ẩn hiện, em bắt gặp nụ cười tươi của bố em như thầm mãn nguyện, vì vợ và con của người đã biết thương nhau...


NGUYỄN THỊ BÌNH      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Bé Làm Đèn

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nghĩ buồn cười cô bé
Phải vất vả mấy ngày...
Mua tre và giấy rẻ
Để hỏng thật là cay!

Ôi! Chẳng gì trơ tráo
Đèn móp méo, vẹo xiêu
Không giống mèo, giống cáo
Thôi, đốt phứt cho tiêu!

Lần này quyết làm lại
Một con thỏ thật xinh...
Nhưng bé ta lo ngại,
Chẳng dám dán một mình!

Kệ ông anh hay cáu
Bé nhõng nhẽo làm quen.
Tặng ngay cho quả táo,
Hối lộ để được đèn!

Chà! Bé anh ngoan lắm
Đợi một tí đã nghe,
Vì còn đi mua sắm,
Đừng đứng đó khóc nhè!

Nào hãy trông thỏ đấy,
Vừa ý rồi hay chưa?
Ngọc-Thố Chú Cuội ấy,
Đẹp và hiền "lắm cưa"!

Đâu? Cho ngắm một tí!
Ồ, xinh ghê đi ta!
A ha... bé khoái chí,
Đem thỏ khoe má ba!

Săn sóc đèn chu đáo,
Bé chạy nhảy lăng xăng.
Rồi mặc quần, bận áo,
Xách thỏ đi tung tăng.

Trẻ con trầm trồ riết...
Thật hãnh diện ghê nơi.
Đêm Trung Thu phải biết,
Cầm đi biểu diễn chơi!

Tụi trẻ con lác mắt,
Hết còn dám hung hăng.
Bé ta thật quái quắt,
Ba má phải cười lăn!...

                         TUYẾT THƯƠNG
                     (T.V.Đ. TỨ THƯƠNG DẠ VŨ)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 7, ra ngày 26-9-1971)

Múa Lân


 Bạn mến, ít ra đã một lần và cũng có thể nhiều lần chúng mình đều nghe kể lại những phong tục cổ truyền được tổ chức trong dịp lễ trung thu. Cái tết gọi là của trẻ con nhưng không gì đám nhi đồng bọn mình mà ngay cả những người lớn nữa cũng có những thú vui không thể không có, còn bọn trẻ mình thì trông đợi ngày đó tới như trông đợi một ngày hội thần tiên.

Nói đến những cổ tục trong ngày tết trung thu thì hẳn chúng mình đều biết qua, nào rước đèn, cúng cỗ bàn... nhưng bạn ạ, còn cái tục đặc biệt mà Minh Sang được hân hạnh trông thấy hồi nhỏ nhưng âm hưởng của cuộc rước đèn sư tử đó đến giờ vẫn còn linh động. Đó là tục múa sư tử vào đêm rằm tháng tám để đoạt giải, nếu bạn đã dự phần vào thì sung sướng biết mấy còn những bạn chưa được diễm phúc đó thì chúng mình hãy giả sử và tưởng tượng đất nước an bình được cái diễm phúc xách lồng đèn chạy theo ông sư tử vào nửa khuya mà reo hò ca hát trong tiếng trống rập rình. Bạn mến, ở trang báo nhỏ bé này Minh Sang chỉ xin gởi đến bạn, những bạn trẻ thương mến lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong đêm trung thu và tụi mình cùng ngồi lại với nhau nghe chuyện đời xưa.

Ngày xửa ngày xưa... về đời Đường bên Tàu có một bà lão không có con cái, họ hàng thân thích thì lại ở xa, bà sống một mình trong một căn lều tranh ở một khu rừng hẻo lánh. Bà làm nghề may vá quần áo rồi đem ra chợ bán đổi lấy thức ăn.

Một hôm bà nhận may quần áo ở một làng rất xa. Đi mất mấy ngày đường, băng qua những ruộng đồng mênh mông, vượt qua những khe suối hiểm hóc bà đến nhà người chủ, rồi lại phải mất mấy ngày cặm cụi từng đường kim mũi chỉ. Hôm nay những bộ quần áo đã hoàn tất bà tạ từ chủ nhà rồi lên đường trở về sau khi dùng bữa cơm tối với gia đình người chủ.

Bước chân ra khỏi nhà bà ngạc nhiên khi thấy trời đất như sáng rực hẳn lên. Ô kìa, mặt trăng trong to và đã đang từ từ nhô lên, hai bên đường nhà nhà đều thắp đèn sáng trưng, cỗ bàn bánh trái bày la liệt, họ ăn uống vui vẻ, còn những đứa trẻ. Ôi chao vui quá, bà khẽ kêu lên khi thấy từng đám trẻ xách những chiếc lồng đèn xinh xắn rực rỡ ánh đèn màu vừa đi vừa hát vang. Bà ngạc nhiên gọi một em bé lại hỏi:

- Này cháu, các cháu đang làm gì thế?

Đứa trẻ ngước nhìn bà lão, liến thoắng:

- Bà ơi, tết trung thu nên tụi cháu mới vui vậy đó, còn có cả tục ăn uống trông trăng nữa cơ.

Đứa trẻ bỏ chạy theo đám rước đèn, bà lão thấy vui quá muốn bắt chước, sẵn số tiền công vừa lãnh được, bà ghé vào một hiệu buôn mua nào bánh trái hoa quả và khệ nệ ôm về trông trăng như thiên hạ.

Trời đã vào khuya, mặt trăng đã lên giữa đỉnh đầu mà đường về nhà thì hãy còn xa. Duy có một con đường tắt đi đến nhà nhanh nhất, nhưng con đường ấy lại xuyên qua một rừng rậm mà trong khu rừng đó, người ta kể lại rằng một con sư tử tu luyện lâu ngày thành yêu tinh chuyên bắt người ăn thịt. Bà lão cũng ái ngại nhưng bụng bảo dạ rằng, trời khuya chắc sư tử ngủ, vả lại thân bà gầy gò ốm yếu nên sư tử chê, nghĩ thế nên bà bấm bụng băng xuyên qua khu rừng. Bà lầm lũi bước đi với gói đồ trên tay nặng chĩu. Bỗng một tiếng gầm vang rung chuyển cả rừng núi, bà đứng sững lại tay chân run rẩy. Hai con mắt đỏ ngầu xuất hiện trong đêm tối như hai hòn than đỏ rực long lanh. Bà lão sợ hãi quỳ xuống lạy lục:

- Lạy ngài, xin ngài tha cho thân già cả, tôi về bày cúng xong sẽ nạp mình cho ngài.

Sư tử nghe bào lão nói cảm động quá bèn quay đi để bà lão ra về an lành.

Về đến nhà bày bàn ăn uống xong, trăng cũng vừa xế về phía tây, nghĩ đến lúc phải nộp mình cho sư tử, phải từ giã tất cả, bà khóc lóc thảm thiết, loài vật và đồ vật trong nhà cũng động lòng thương cho người chủ. Bà ngẩn ngơ đưa tay sờ mó những vật quen thuộc, đột nhiên một con rít bò lên cánh tay bà, hai cái râu dài ngúc ngoắc như bảo bà đừng sợ gì cả. Cái thân hình dài uốn éo như hãnh diện sẽ làm việc ích cho bà chủ, và ô kìa, cái cối xay thường ngày bà vẫn dùng xay bột làm bánh cũng tự nhiên quay tít. Thấy sự lạ lùng bà lo sợ nhưng cũng tin tưởng sự ăn ở hiền lành của mình sẽ được thần thánh phù hộ và biết đâu bà sẽ thoát chết. Nghĩ thế nên bà yên lòng trèo lên giường nằm ngủ.

Đến khuya đúng giờ hẹn, sư tử lần mò nhẹ nhàng lách mình vào khe cửa tiến đến giường bà lão. Mọi vật im lìm như xót xa phải chứng kiến sự ra đi của người thân mến. Sư tử chờn vờn, đủng đỉnh đi qua lại trước con mồi, rồi chợt nó đưa hai chân trước lên cao định choàng lấy thân mình bà lão đem ra ăn thịt thì HỪM... sư tử gầm lên vang dội, hai chân nhức nhối và nó ngã vật xuống chẳng may đụng phải cái cối xay rơi xuống đập vào đầu sư tử chết tốt. Bà lão choàng tỉnh dậy ngơ ngác, nhìn thấy ác thú chết bà mừng rỡ chạy xuyên qua rừng đến báo tin cho dân làng biết, dân chúng đua nhau đến xem, đèn đuốc sáng trưng rồi họ khiêng con vật vào cho vua để lãnh thưởng.

Trước bệ rồng vào đêm rằm tháng tám đức vua hạ lệnh cho dân vui đùa suốt đêm và quân sĩ đem gươm giáo thắp đèn và nổi chiêng trống vang rền khiêng sư tử đi khắp nơi cho dân chúng xem chơi. Vì lẽ đó nên đến ngày rằm tháng tám bên Tàu lại có tục rước sư tử giả đề nhớ lại ngày bắt được sư tử thật tránh được một tai họa cho dân. Nước ta cũng bắt chước theo phong hóa Tàu và cứ đến ngày rằm tháng tám thi nhau mua trà bánh đem về ăn uống rồi xem trăng lên và múa sư tử.

Cuộc múa sư tử thường được tổ chức vào khoảng 10 giờ. Trên trời vầng trăng tròn tháng tám vành vạnh, dưới đất tiếng trống rập rình to nhỏ đủ các loại vang lên các đường phố gần xa truyền âm hưởng khắp mọi nơi như tiếng vọng hòa điệu của bao nhiêu tấm lòng trẻ thơ nao nức. Đặc biệt nhất là nhịp trống múa sư tử, nhịp trống đổ hồi càng lúc càng nhanh. Người múa sư tử nai nịt gọn gàng trong bộ đồ đen bó sát, thắt lưng bằng một giải lụa hồng to bản, đầu vấn khăn đỏ như cô gái đồ long trên sân khấu. Sau cái đầu sư tử với các màu sắc nổi bật và chòm râu dài trắng toát lê thê là một tấm vải dài chừng hai thước do một người cầm cũng vận y phục bó sát và oai vệ.

Sư tử múa đủ kiểu, thụp lên thụp xuống vờn quanh đớp vào không khí, hai cái râu dài trắng phất phơ. Cuộc múa sư tử thường kèm theo một cuộc biểu diễn vũ thuật ngoạn mục trong khi đám con nít reo hò chạy đi phía sau. Nhưng thú vị nhất vẫn là lúc xem sư tử lấy giải, hồi cuối cùng của cuộc múa và cũng là giai đoạn hấp dẫn nhất. Người ta treo giải bằng tiền nhưng tiền ấy thường được treo tận mái nhà hoặc từ trên lầu rủ xuống, sư tử phải làm xiếc mới đớp được tiền, có khi người ta chồng nhau thành hình tháp để sư tử đứng chót vót phía trên múa và đoạt giải cùng với gói tiền treo cao nhiều khi chủ nhà còn buộc kèm phong pháo, pháo nổ tung giữa lúc sư tử vờn giải và sư tử phải đớp luôn cả pháo vào mồm làm sao đừng cho cháy mất bộ râu.

Lấy giải xong trống lại nổi lên âm ba vang dội, những chiếc đèn con cá, bướm, ngôi sao, tàu bay lại sắp hàng dài từ từ chuyển đi lấp lánh sắc màu huyền ảo trong đêm trăng. Chiếc đầu sư tử cũng chuyển đi giữa những ánh đèn màu như hình ảnh hoang đường mà vẫn rất quen thuộc của một dĩ vãng nào đẹp lắm đang thấp thoáng đi xa.


1-9-1971     
MINH SANG 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 162, ra ngày 1-10-1971)
 

Xóm Trăng


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tròn to như chiếc dĩa
Vành vạnh trên đỉnh trời
Sáng soi ngàn muôn lối
Trăng trung thu rạng ngời

Xóm nghèo trăng trải lụa
Bầy em bé hát ca
Lung linh trăng thắp nến
Tít cao bầu trời xa

Tùng cheng tùng tùng cheng
Em bé rước lồng đèn
Theo nhịp ông lân múa
Bên ông địa cười hiền

Vòng vòng quanh lối xóm
Hẻm lầy lội, mấp mô
Đứa sau theo đứa trước
Ánh mắt tròn ngây thơ

Tưng bừng đêm trung thu
Bánh, trái, mứt... ngọt lừ
Vừa ăn vừa khúc khích
Dưới trăng ngà nên thơ

Quây quần trong xóm trăng
Bà kể chuyện xưa rằng:
Chú Cuội chuyên nói dối,
Đẹp tuyệt sắc chị Hằng...

Trung thu của xóm nghèo
Có gió mát trăng treo
Trăng thu trong thành phố
Bao kỷ niệm dấu yêu

                  Trần Thị Phương Lan
                      (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Mùa Trăng

 

"Chú cuội hái một nắm lá đa, nhai nhỏ rồi đắp lên chỗ vết thương. Con chim trở mình, đập cánh bay lên. Thấy lạ, người nhà Bá Hộ vội trở về kể lại mọi việc với chủ. Bá Hộ mừng rỡ mời Cuội đến nhà chữa bệnh cho con gái và hứa nếu Cuội cứu sống con ông, ông sẽ nhận Cuội làm rể. Chỉ với ba chiếc lá đa, Cuội lại cứu được mạng sống cô. Ông Bá Hộ giữ lời hứa, gả con gái cho Cuội. Hai vợ chồng Cuội sống với nhau rất hạnh phúc, ngày ngày chăm sóc cây đa quí, chữa bệnh cho dân…”
 
Còm ngồi chồm hổm trước cửa nhà nhìn lên trời. Trăng sao vằng vặc. Mảnh trăng khuyết một chút như miếng bánh đa bị mẻ góc tỏa ánh dáng đẹp đẽ rỡ ràng xuống trần gian. Tiếng kể chuyện vẳng ra từ chiếc máy phát thanh bên hàng xóm đột ngột cắt ngang, thay bằng một giọng ca mùi mẫn. Còm cố nhớ lại đoạn kết câu chuyện quá quen thuộc mà nó đã từng nghe kể. Cây đa bị trốc gốc bay lên mặt trăng mang theo cả chú Cuội dễ thương. Từ đó, hằng đêm, chú Cuội ngồi dưới gốc đa nhớ về trần gian những ngày chăn trâu, bắt cá…
 
Còm nghĩ thầm, chú Cuội ngu thiệt là ngu, ai mà lại nhớ những chuyện cực khổ đó trong khi bên cạnh chú là một cây đa kỳ diệu có những chiếc lá trị bá bệnh, cải tử hoàn sanh. Còm chỉ mong mình có được hai, ba lá, chỉ hai, ba lá thôi, không nhiều hơn để trị bệnh cho mẹ. Bà Ba, mẹ Còm bị ho dai dẳng cả tháng nay. Mỗi đêm, thức giấc, nghe tiếng mẹ ho khan xé ngực, Còm có cảm giác như lồng ngực mình cũng nặng trĩu, nhói đau. Vậy mà sáng sáng, mẹ đều dậy sớm sửa soạn ra chợ từ lúc trời chưa sáng hẳn và chỉ trở về khi trời sẩm tối.
 
- Còm, tối nay đốt đèn chơi Trung thu không?
 
Còm day lại. Con Chúc, thằng Lắm, thằng Xin tở mở cười toe rủ Còm. Đốt đèn, thích thiệt, chỉ cần một cây đèn cầy nhỏ, dựng lên cái thước gỗ, sắp hàng vừa đi vừa hát là đủ thấy Tết Trung thu. Nhưng, mẹ chưa về, đâu có tiền mua cây đèn cầy. Còm ngần ngừ trả lời:
 
- Để chút nữa, mẹ tao về.
 
- Ừa, tụi tao đi trước, chút nữa mày đi nghe.
 
Còm tiếc nuối nhìn theo. Tụi thằng Xin đã đi ra đầu ngõ. Chẳng bao lâu, Còm đã nghe tiếng hát chúng vọng lại:
 
Bóng trăng trắng ngà,
Có cây đa to.
Có thằng Cuội già,
Ôm một mối mơ…
 
Còm rầu rĩ nhìn lên trời. Mặt trăng long lanh ướt rượt. Trên nền vàng sáng, cái bóng đen lờ mờ tỏ hiện. Còm nheo mắt, cố gắng không chớp để nhìn cho kỹ. Những quầng đen càng nhìn càng giống một cây to, tán lớn. Đúng là một cây đa, sum sê rườm rà y cây đa ở Lăng Ông Bà Chiểu. Vậy chú Cuội ở đâu? Hình như Còm vừa thấy dáng chú Cuội ngồi im lìm dưới tàng cây lớn. Còm phấn khởi quá kêu to:
 
- Chú Cuội kìa. Chú Cuội…
 
- Nấu cơm chưa mà còn ngồi đây? Sao con không thắp đèn?
 
Bà Ba đặt gánh hàng xuống, cố nén cơn ho. Bị mắc mưa cảm lạnh một trận, biến chứng thành ho, kéo dài hơn một tháng mà chưa bớt, nhưng bà vẫn cố gắng đi sớm về trễ với gánh hàng rau. Mệt nhọc, nắng nôi suốt ngày nên bệnh lâu lành. Bà Ba biết vậy nhưng nghỉ chợ một ngày là đói một ngày, bà đành cố gắng gượng.
 
Còm thấy mẹ về, reo lên một tiếng khẽ:
 
- Mẹ về. Con nấu cơm rồi, chờ mẹ về luộc rau.
 
- Ừa, con giỏi. Lấy cho mẹ miếng nước nóng rồi thắp đèn lên. Sao con không học bài trước? Nhập học rồi đâu còn nghỉ hè nữa mà chơi hoài.
 
Còm vừa thắp đèn vừa nói với mẹ:
 
- Mai chủ nhật mẹ à. Với lại trăng sáng, thắp đèn uổng dầu.
 
Nửa giờ sau, hai mẹ con ngồi bên mâm cơm. Còm đói tợn nên ăn vội vã. Có tiếng thím Hai la ngoài ngõ:
 
- Tụi bây có tắt đèn không? Coi chừng cháy nhà cả xóm.
 
Còm chợt nhớ, nó và vội vài miếng rồi ngập ngừng xin mẹ:
 
- Mẹ cho con… tiền… mua đèn… Trung thu…
 
Bà Ba thở dài. Còn có ba ngày nữa là Tết Trung thu. Tết của trẻ em. Trên đường về, các cửa hàng bán bánh Trung Thu giăng đèn sáng trưng. Đèn bánh ú, đèn ngôi sao, đèn kéo quân, đèn trái bí muôn màu muôn vẻ. Những đứa trẻ quần áo tươm tất hớn hở tay cầm đèn, tay cầm bánh, theo chân bố mẹ tung tăng trên đường phố. Bà thấy và bà biết Còm sẽ vui mừng như thế nào khi cầm trong tay một chiếc lồng đèn Trung thu. Ngày xưa, xưa lắm, khi bà còn nhỏ, bố bà đã làm cho bà một cái lồng đèn bánh ú bốn màu. Tuy đèn đơn sơ, nhưng lòng bà tưng bừng như mở hội. Giờ đây thằng Còm, con bà, chắc hẳn cũng mơ ước xiết bao được có một chiếc lồng đèn trong tay, nhưng bà đành bất lực. Một mẹ, một con, đầu tắt mặt tối, vất vả, nghèo đói, đau yếu, trăm phần cơ cực. Lồng đèn, bánh nướng chỉ là ước mơ. 
 
Tim bà thắt lại, giọng nói trở nên nghẹn ngào:
 
- Mẹ cho con năm trăm đồng mua đỡ một cây đèn cầy nhỏ. Bữa nay mẹ bán hàng ế. May ra vài bữa nữa, bán đắt mẹ mua cho cái bánh dẻo con heo.
 
Còm hớn hở nhận tờ giấy năm trăm nhàu nát:
 
- Dạ, con chơi một chút thôi mẹ. Ngoài đường, bánh dẻo con heo nhỏ nhỏ giá cũng mấy ngàn đồng lận. Có hai hạt đậu đen làm mắt trông tức cười thiệt.
 
- Ừa, con đi chơi, nhưng chút nữa về mẹ đưa tiền ra tiệm thuốc mua cho mẹ lọ thuốc ho.
 
Thằng Còm dạ lớn rồi chạy vội ra ngoài nhập với bọn trẻ. Ánh trăng càng lúc càng sáng hơn. Người lớn đổ ra ngõ để tìm chút gió mát. Một vài người nhìn đám trẻ chơi đèn với vẻ lo âu:
 
- Làm ơn dẹp dẹp dùm mấy cái đèn. Nóng bức thế này, cháy nhà dễ như chơi. Khổ lắm.
 
Một đứa nhỏ không có đèn, bèn vung vẩy một đoạn lốp xe cháy lèo xèo bốc khói nghi ngút. Thế là mọi người đổ xô thổi tắt đèn. Không biết ai đã tóm lấy cây đèn cầy của thằng Còm quăng đi đâu mất. Tiếc quá, Còm khóc rưng rức. Bọn trẻ rã đám đứng ngơ ngẩn nghe người lớn quát nạt rồi tản mác về nhà.
 
Trăng sáng quá. Thằng Còm vẫn ngồi buồn xo trên bậc cửa sùi sụt. Bà Ba đã nhìn thấy hết. Thương con muốn cho con được trọn vẹn niềm vui nhưng bà không biết làm sao. Giá như thằng Còm có được một chiếc đèn Trung Thu, song làm sao mà có được dù là chiếc đèn đơn giản nhất. Cổ họng bà thắt lại vì buồn. Một cơn ho xé ngực nổi lên, bà cố chặn bằng một ngụm nước nóng, song không kịp. Thằng Còm đang ngồi rầu rĩ nghe tiếng mẹ ho nóng ruột chạy vào:
 
- Mẹ ơi, đưa tiền con đi mua thuốc cho mẹ. Thuốc ho dân tộc phải không mẹ?
 
Bà Ba vuốt ngực. Cơn ho tạm lắng, bà lần túi lấy ra mấy ngàn đồng đưa cho Còm. Giọt nước mắt trên má Còm vẫn chưa khô, loang loáng. Cơn đau khác trong lòng người mẹ cuộn lên còn hơn cơn ho vừa rồi. Một ý nghĩ thoáng qua, bà Ba ngăn thằng Còm lại:
 
- Khoan đã, con lấy trong thúng lớn cho mẹ một củ gừng và một củ nghệ. Cầm đưa mẹ con dao, rót thêm cho mẹ miếng nước nóng. Mẹ quên, người ta bày cắt gừng thành lát mỏng, ngâm nước nóng uống cả xác, còn nghệ thì nướng chín ăn, chữa ho cảm mau lành nhất. Khỏi mua thuốc.
 
Thằng Còm ngạc nhiên:
 
- Vậy mẹ đưa tiền cho con làm chi?
 
Bà Ba cười vuốt tóc con:
 
- Trung Thu con không có đèn. Mẹ định mua cho con nhưng sợ cháy, uổng lắm. Với lại trong xóm toàn nhà lá, chơi lửa bà con không muốn đâu. Mẹ cho con tiền mua cái bánh dẻo con heo, để mai ăn, chịu không?
 
Thằng Còm sướng rơn. Nó như muốn nhảy lên khỏi mặt đất. Cái bánh dẻo. Chỉ có mơ mới có.
 
- Đã quá mẹ ơi. Vậy mẹ có mua thuốc không, để con đi mua luôn?
 
- Mai mẹ mới uống. Xuống chợ mẹ mua cũng được.
 
- Vậy con đi mua bánh Trung thu.
 
- Ừ, con đi.
 
Bà Ba cắn một miếng gừng, tu một ngụm nước nóng. Hơi ấm của gừng làm ấm nóng vùng ngực và bụng. Bà thấy dễ chịu. Nhưng có lẽ lòng bà ấm nhiều hơn vì đôi mắt mừng vui, và nét mặt hớn hở của con. Lòng nhẹ nhõm, bà Ba đứng dậy, thu dọn nhà cửa, quang gánh, để mai cất hàng sớm.
 
Thằng Còm đi như chạy. Cái hẻm nhỏ sao dài và xa dằng dặc. Cầm chặt món tiền trong tay, Còm vừa đi vừa nhìn lên trời. Mặt trăng chạy theo Còm từng bước, từng bước. Cả chú Cuội nữa, như cũng hòa vào niềm vui của Còm, nhảy nhót trong trăng.
 
“Cuội ơi ta nói Cuội nghe,
Ở trong trăng mãi làm chi?” 
 
Còm hét tướng lên.
 
- Đi kiểu gì kỳ vậy, đồ xớn xác!
 
Còm vụt ngồi xuống tránh cái bợp tai của một bà già. Mải hát, Còm suýt va vào bà.
 
- Thằng Còm đó hả? Mẹ mày đã bớt chưa? Nói với mẹ là vừa xông vừa uống thuốc mới mau hết. Để lâu thành lao thì khốn. Sao mày không ở nhà phụ mẹ mà lại chạy nhong nhong như ngựa vía vậy?
 
Còm đứng lặng nhìn theo bà cụ. Bà ấy vừa nói gì nhỉ? Không uống thuốc mẹ sẽ bị lao. Bệnh lao. Một loại bệnh ghê gớm chết người theo suy nghĩ của Còm. Niềm vui bỗng lắng xuống. Còm đâm lo lắng. Nó tần ngần nhìn bóng mình in dưới nền đất lồi lõm rồi ngước nhìn lên. Mặt trăng cũng đứng yên nhìn Còm. Chú Cuội cũng đứng yên nhìn Còm. Giá như Còm có được ba chiếc lá đa của chú Cuội nhỉ. Bất giác, Còm khấn thầm:
 
- Cuội ơi, cho cháu xin mấy cái lá đa để chữa bệnh cho mẹ cháu. Lúc ấy, Cuội bảo gì cháu cũng theo.
 
Nhưng mặt trăng vẫn im lìm nghiêng nghiêng nhìn xuống Còm. Còm bước đi chậm chạp, tiền cầm chặt nơi tay.
 
Hàng bánh sáng trưng. Những chiếc lồng đèn con cá, con bướm rực rỡ màu xanh đỏ.
 
- "Lồng đèn xanh xanh đỏ đỏ
Mua về cho em nhỏ nó chơi."
 
Dưới những chiếc lồng đèn màu sắc là cái tủ gương chứa đủ mọi loại bánh. Nâu nâu mỡ màng là bánh nướng. Trắng tinh là bánh dẻo. Còm hướng về phía đó, nhìn con heo phình cái bụng tròn quay, cặp mắt đen nhánh bằng hai hạt đậu, tươi cười thỏa mãn. Còm thấy muốn cầm ngay con heo vào tay để vuốt nhẹ trên làn da trắng của nó, để hít hít cái mùi thơm thơm của nước hoa bưởi phả ra từ chất bột dẻo.
 
Có tiếng ai ho khan làm Còm giật mình tưởng mẹ đang đứng đâu đó. Một cảm giác xao xuyến chạnh lòng lướt qua trái tim nhỏ bé của Còm. Mẹ đang bệnh. Để lâu bị nặng thành ho lao. 
 
Nếu mẹ mất đi, Còm sẽ ra sao đây? Còm cố lắc lắc cái đầu để xua những nghĩ đen tối. Còm ngước nhìn lên trời. Chú Cuội với cây đa cành lá sum sê đang nhìn xuống nó. Giá như nó được một chiếc lá đa kỳ diệu nhỉ? Còm cúi xuống nhìn những đồng bạc trong tay rồi nhìn qua hiệu thuốc ở kế tiệm bánh.
 
- Mua bánh hả?
 
- Dạ…, cháu mua thuốc.
 
- Mua thuốc qua bên kia, để có chỗ cho khách mua bánh, đi qua bên kia đi…
 
Còm ngập ngừng bước, mắt vẫn còn quay lại nhìn vào đôi mắt đen nhỏ xíu của con heo nhỏ.
 
Đêm hôm đó, trong căn nhà lá nghèo nàn, một người đàn bà thổn thức nhìn con không ngủ được, nhưng cơn ho đã dịu đi nhiều. Và thằng bé, thằng Còm, thì say sưa ngủ, nó mơ thấy chú Cuội từ trong cung trăng bước ra cho nó một nắm lá đa và một cái bánh dẻo con heo to tướng có đôi mắt đen lay láy.
 
 
Kim Hài.      

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Trung Thu và Em !!!

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đưa tay ngắt chiếc lá vàng
Bâng khuâng em hỏi thu sang bao giờ?
Êm đềm em bước trong mơ
Đêm đêm em lại thẫn thờ dưới trăng

Chuyện trò cùng với chị Hằng
Thu nay có biết vui bằng thu xưa?
Hay là trời lại đổ mưa
Khóc cho ướt đất mới vừa lòng ông

Bé Thơ nước mắt lưng tròng
Ông trời chi ác hết mong vui đùa
Ướt đèn bé chẳng tiền mua
Lấy gì bé xách trong mùa Trung Thu!

Khóc rồi bé lại mách u:
-U ơi! Có phải trời hù bé không?
U bèn ôm bé vào lòng
- Chó con có vậy cũng mong làm nhè!

Ai bảo tánh cô hay khoe
Cho nên trời mới đổ ghè mà trêu
Bé biết là u mắng yêu
Giả đò hờn dỗi khóc nhiều hơn lên

Nào ngờ u cũng vờ quên
Bỏ đi xuống bếp, để "ên" bé ngồi
Không thèm năn nỉ ỉ ôi
Mặc cho bé khóc đã thôi - bé chừa

Sáng ngày chẳng dám dậy trưa
Đợi u đi chợ, bé thưa u rằng:
- U ơi! U có nhớ chăng?
Hôm nay mười bốn ông trăng gần tròn

U mua đèn khác cho con
Đêm nay có hội bé còn đi chơi
Trống đình làng điểm dài hơi
Con lân nó múa thích ơi ơi là...

U ừ lòng bé nở hoa
Trung Thu Tết trẻ ai mà đành ngơ
Trăng trong em tập làm thơ
Tả con thỏ bạch đứng chờ Hằng Nga

Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa kêu cha ời ời!
U xem u bỗng kêu trời:
- Con u giỏi quá cắp lời ca dao!

Sao không tả cảnh trăng sao
Tả chi chú Cuội, chú gào gọi cha
"Quê cơ" bé ngẩn mặt ra
U cho miếng bánh giảng hòa bé con

Sang mười lăm ông trăng tròn
Bây giờ nhớ mãi vẫn còn Trung Thu.

                                         TRIỀU DƯƠNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Chiếc Đèn Của Bé

 Còn 2 ngày nữa là Trung thu rồi nên chiều nay mẹ dắt bé ra phố mua lồng đèn. Mẹ đi với bé từ hàng này qua hàng khác. Gian hàng nào cũng sặc sỡ và nhộn nhịp cả.

Bé trông thấy nào lồng đèn con cá này, lồng đèn con tôm này, lồng đèn tàu bay, lồng đèn tàu thủy, xe tăng. Nhiều thật là nhiều vậy đó.

Có đủ các màu hết á, màu đỏ, màu vàng này, màu xanh lơ này, màu xanh lá cây nữa! "Mun ti cô lo" ấy mà.

Có một chiếc đèn con rồng, "bự" ơi là "bự", đẹp ghê đi là. Bé thích nó quá. Nó có bộ râu trắng xóa êm như nhung gấm, và mấy cái râu vểnh lên cao trông rất oai hùng, thân hình nó uốn cong. Trời ơi, sao mà "mê ly não nùng" thế. Bé ngất ngây (!) trước "người đẹp con rồng" (nhưng chả phải "cháu tiên" như bé đâu!). Bé say sưa, mê mẩn đứng ngắm nó. Nó "mỹ lệ" quá các bạn ơi. Nhưng bé hơi ngần ngại chưa dám đòi mẹ mua liền vì nó to hơn bé luôn cơ. Sợ bé ôm nó không xuể, mà lồng đèn thì phải xách mới chơi được chứ.

Bé do dự một ít lâu. Sau cùng bé "quyết định": đòi mẹ mua. Nếu to quá, chơi không được thì đòi mẹ mua lại cái khác. "Người ta" là con cưng mà lị. Nhưng có ai học được chữ "ngờ" đâu phải không các bạn?

Sau khi mẹ chiều, mua cho bé cái lồng đèn ấy, về nhà, lúc đầu bé nưng niu con rồng của bé đến độ anh Hải phải kêu lên:

- Bé làm y như "nó" đẹp mũm mĩm (!) lắm ấy, "nó" thì phải người cỡ như anh mới chơi được chứ bé tị như bé thì... ra ăn cơm cho rồi!

Bé hờn mát bĩu môi:

- Anh thì cái gì cũng chê.

Ăn cơm tối xong, bé xách chiếc đèn ra ngồi ngắm nghía một mình. Tự nhiên, không hiểu sao bé thấy nó "thường" ra.

- "Ừ nhỉ, sao mình ngu thế, to thế này thì làm sao đi rước đèn với tụi con Hồng được? Mà "nó" cũng chả có gì đặc sắc hết!"

Rồi tiếc thầm:

- Lúc nãy xin mẹ mua chiếc đèn "giỏ hoa" có phải đẹp hơn không lại còn vừa tay mình xách nữa.

Bé đã chán cái lồng đèn con rồng của bé rồi. Bé chạy lại mẹ làm nũng:

- Mẹ ơi, con không thèm cái con rồng này nữa. Nó to quá, xách chả vừa tay tí nào.

- Ô, bé hay nhỉ?... Nằng nặc đòi mua cho được bây giờ về rồi kêu chán. Ai bảo mẹ mua cái nhỏ hơn mà con không chịu nghe.

Bé phụng phịu:

- Con hổng chịu đâu, mẹ mua cái khác cho con cơ.

- Hư, mẹ đánh bây giờ.

Bé vụt nằm vạ ra sàn khóc òa lên.

Không ngờ (thật đấy!) mẹ với tay lấy cái chổi lông gà đánh vào mông bé một cái nhẹ, nhưng đối với bé thì đau lắm.

Mẹ nghiêm nghị:

- Hư lắm! Con người ta không có mà chơi mình có thì phí phạm. Nín không mẹ đánh thêm cho bây giờ chứ khóc à?

Nói xong, mẹ quay lưng, đi vào phòng ba.

Ngồi một mình, bé bỗng cảm thấy ghét cái con rồng nằm kia lạ, đã xấu xa rồi mà còn làm cho bé bị mẹ đánh nữa. Bé thù nó ghê.

- Ô hay, sao khóc vậy cưng?

Tiếng anh Hải vọng vào tai bé.

Bé nức nở:

- Mẹ... đánh bé.

- Tội nghiệp cưng anh chưa? Mà tại sao vậy?

- Ư... Ư... vì bé đòi mẹ mua đèn khác.

- Nếu vậy thì bị đánh là đáng lắm rồi. Thôi nín đi không thôi anh cũng ghét cho bây giờ.

Bé nhõng nhẽo vít cổ anh xuống thỏ thẻ:

- Anh Hải mua cho bé cây đèn khác nhỏ hơn đi anh Hải nhá? Con rồng lớn quá bé xách hổng nổi.

Hình như anh Hải cũng đã "thông cảm" với bé nên anh gật đầu bảo:

- Ừ sáng mai rồi anh đi mua cho bé cái khác nhỏ hơn, nhưng lần nầy thì "tuyệt đối" cấm phí nhé.

Bé cười thật tươi, như đóa hoa mới nở í:

- Vâng ạ.


Bé MI MI       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 77, ra ngày 15-9-1967)

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Lung Linh Ánh Đèn Lồng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cùng ngắm ánh trăng ngà:
Ô kìa chị Hằng Nga
Xinh như nàng tiên nữ
Kìa Cuội ngồi gốc đa

Vàng đỏ hồng tím xanh
Bầy trẻ chạy tung tăng
Đèn trên tay rực rỡ
Ánh nến chiếu lung linh

Trăng trung thu đẹp quá
Tròn vành vạnh lưng trời
Thơm tho mùi bánh trái
Thoang thoảng hương hoa nhài

Đầu đường ra cuối xóm
Rộn rã tiếng nô cười
Ông địa quạt phành phạch
Ông lân nhảy loi choi

Tiếng trống gõ dồn dập
Bầy trẻ con hấp tấp
Nhập vào đoàn múa lân
Mau không đoàn đi khuất

Ngõ nhỏ lại vắng hoe
Còn mình tôi trên hè
Nhớ trung thu ngày cũ
Nhớ tuổi thơ không về...

                   Trần Thị Phương Lan 
                    (Bút nhóm Hoa Nắng)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>