Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Ước Mơ Của Cây Bằng Lăng

 

Cây bằng lăng tỉnh giấc bởi những nhát búa đẽo đau đớn. Các ông thợ làm nhà vẫn thản nhiên vung mạnh vót cho nhọn đầu các cây cừ. Các bạn của bằng lăng bây giờ đang nằm rải ra dưới mặt đường nhựa, sát bờ lề và sân xi măng. Họ đang run sợ nhìn cái chân độc nhất của cây bằng lăng đang được kê lên một khúc cây cao su. Chẳng khác nào một tội nhân được đưa lên đoạn đầu đài, nhưng ở đây "đao chém" là hạ xuống chân của cây bằng lăng. Ngọn cây bằng lăng tức phần đầu của thân thể cây bỗng tưng tưng lên vì sự va chạm đau điếng của khúc chân dưới khi tiếp xúc với lưỡi búa bén ngọt. Cây bằng lăng bàng hoàng nhớ lại phút giây kinh hoàng hôm nào lúc còn sống trên rừng với mẹ cha, với anh em, với bà con, với bạn bè...

Cây bằng lăng và thân nhân đã bị loài người bắt cóc. Thợ rừng dùng rìu, búa và lưỡi cưa đốn nhẵn nhụi một góc rừng già. Bây giờ cây bằng lăng lại chịu thêm đau đớn cực hình như thế nữa, không biết ngày mai ra sao (?)

Cây bằng lăng được chở bằng xe be, xe hàng... về các trại cưa. Người ta lựa chọn, phân tán và bán cây đi mọi nơi, về các vựa bán vật dụng cho việc xây cất nhà cửa. Ôi, kể làm sao hết bao chuyến đi phiêu lưu, kinh hoàng. Cây bằng lăng chịu không biết mấy lần rêm mình, ngột ngạt, và đè ép, mất thở mỗi khi nằm từng đống lớn với các nạn nhân như mình.

Cho đến khi chủ nhà mang về đây. Bị quăng mạnh xuống đất đầu tiên, cây bằng lăng đã ngất đi với giấc ngủ dài hơn một hôm. Giá mà cây bằng lăng ngủ luôn cho rảnh nợ, cho an tâm mà đưa hồn phiêu lưu về xứ sở. Vót nhọn đống cừ độ hai mươi đứa xong, mấy ông thợ làm nhà mang từng đứa xuống cắm ở bờ sông. Thì ra chủ nhà cất thêm một khúc nhà sàn, lấn thêm, ăn gian thêm gần nửa con sông. Con sông tò mò dừng lại, giòng nước đứng (vì sắp đổi chiều) gom lại gần cây bằng lăng và các bạn như có ý hỏi:

- Mấy anh từ đâu đến, sao lại định cư ở đây? Đi chơi khắp nơi như chúng tôi có phải thú và tự do không.

- Tự do!?!

Cây bằng lăng thốt lên được hai tiếng tự do thì xịu mặt xuống. Hình như cây bằng lăng sắp phải sống đời tù chung thân rồi đây. Hai mươi đứa bị ghim chặt xuống lớp bùn nhầy nhụa đen thui. Phía trong, dãy cừ bằng xi măng cũng ngạc nhiên nhìn bọn ma mới. Chúng có ý ganh ghét nọn bằng lăng đến đây chia xẻ công lao đội cái nhà trên đầu của chúng. Một cây bần đắng trong nhóm hai mươi đứa vì quá ốm yếu nên đầu đít đều như nhau, khó mà phân biệt. Mấy ông thợ lại nhè đầu cây bần đắng mà gọt mà đẽo. Cái đầu cây bần đắng bị gọt trọc lóc như nhà sư. Rồi nhọn dần và trụi lũi như sừng ác quỷ. Thế là cây bần đắng bị chôn ngược đầu, gốc quay lên trời, cái cẳng độc nhất và lêu khêu đã bị cưa phẳng lì. Còn nỗi thống khổ nào hơn khi bị chôn đứng mà lại bị chôn từ đầu trước. Cái chết sẽ không đến từ từ mà chính là cái chết đau thương tức tưởi. Dù không thuộc các loại danh mộc để làm vật dụng tốt đẹp như bàn, ghế, tủ, nhà cửa, vách gác... họ hàng nhà cừ cũng hữu ích không kém. Vì họ hàng nhà cừ là những kẻ mạnh mẽ chịu đựng được mưa gió, sóng cả, sông sâu... Họ hàng nhà cừ ngâm nước có thể sống dai thêm được khoảng từ ba đến năm năm tùy theo sức chịu đựng của từng loại cừ. Dù rằng từ chân đã bị cắt đứt những liên hệ của dây mơ rễ má chằng chịt ngầm dưới đất để rút chất bổ dưỡng nơi cây.

Bốn mươi tên cừ sạn nằm sắp hàng bên trong. Cứ từ bờ đi lần ra mấy đứa thấp đứng trước, mấy đứa cao giò đứng sau. Mấy tên cao giò cà khịa với tụi bằng lăng:

- Ráng lên đi mấy chú, mấy chú ở đây chơi với "qua" cũng khá lâu, nhưng tội nghiệp mấy chú sẽ bị mục và gãy trước "tụi qua" đây. "Tụi qua" đứng đây vững chãi, và ngay ngắn muôn đời. Tụi qua là những lực sĩ có bộ xương bằng giàn sắt cứng.

Thế rồi tụi cừ sạn cười thích thú khi tụi bằng lăng bị các ông thợ làm nhà hì hục dộng cừ. Các ông vừa làm vừa hô ăn nhịp:

- Một, hai, ba... Một, hai, ba... xuống.

Cây bằng lăng và các bạn đã bị chặt trụi tay chân, không thể ôm lấy cái đầu đau nhức được. Đứa nào cũng thét lên từng chập theo nhịp dộng cừ. Chân chúng nó lún sâu xuống, xuống mãi và có lẽ chạm phải vùng đá tảng thì các ông thợ mới ngừng tay. Cây bần đắng bạc phước đã chết sớm, không còn trò chuyện với anh em được nữa. Cây bần đắng còn lại khóc than không tiếc lời:

- Em ơi là em! Ngày nào anh em mình lưu lạc có nhau, cùng chia xẻ hoạn nạn, nay đành chia tay mỗi đứa một cảnh đời. Em đã bỏ anh với kiếp cô độc.

Cây bằng lăng an ủi:

- Thôi anh đừng buồn, ai cũng có số cả. Từ nay anh có những mười tám đứa bạn còn lại cũng vui chán. Tôi cũng một thân trơ trọi như anh, chúng mình dễ cảm thông nhau hơn.

Tụi ngành ngạnh, kiềm kiềm, săng đục, săng đá, cốc (chính là cây cốc trên rừng, không phải cây cốc cho ta trái cốc chua ăn với muối ớt), không góp lời nhưng đều ngầm bày tỏ ý thuận tình.

Từ nay cây bằng lăng, bốn cây săng đục, bốn cây săng đá, bốn cây ngành ngành, ba cây kiềm kiềm, hai cây cốc, cây bần đắng và ba đứa em bị chôn ngược cùng nhau đoàn kết, nương tựa, dìu dắt nhau chống đỡ sàn nhà sắp sửa lát bên trên. Chúng với những cơn nhức đầu vì cứ bị nện bằng khúc gỗ me lớn nên đứa nào cũng bất tỉnh. Giòng sông chứng kiến đầu đuôi, xong việc đã bỏ đi. Giòng nước ròng và đứng yên giờ lại chảy ngược. Nước bắt đầu lớn... Nước lớn dần, về chiều tiếng chim bìm bịp kêu nghe buồn ảo não. Mấy ông thợ gác đà dọc, đà xuôi, đóng đinh chắc chắn xong đã ra về, vì nước lớn và tối trời không thể tiếp tục công việc được.

Tụi cừ cây gọi chung là cừ dòng thức dậy bởi tiếng chèo khua trên sông. Cây săng đá đầu góc trái ngoài cùng bực mình gắt với cây dầm:

- Nè đụng vừa vừa chứ, sáng sớm không để cho người ta ngủ.

Cây dầm mỉm cười:

- Xin lỗi, tôi mới chạm nhẹ mà. Tại ông già bán rau muống này chèo yếu, phải chống tôi (cây dầm) vào anh (cừ săng đá) chứ tôi đâu muốn đụng chạm.

Rồi cây dầm lại lướt nước đi theo nhịp chèo của ông già bán rau muống. Ông già vừa chèo vừa vẹt vài miếng rác trôi lều bều trên sông văng về phía sau. Cây săng đá không thể nào né tránh được, bị một miếng giấy dơ chụp vào lưng. Cây săng đá rùng mình, cái vỏ xù xì càng xù xì thêm, tờ giấy vẫn khó mà rơi, chừng nào khô nước hẳn hay. Con chó đen của chủ nhà chạy xồ ra, dừng bên mé sàn cũ sủa tiếng rao của ông già đang loang dài xa xa:

- Rau muống đây... Ai rau lang...? Rau muống tươi đây...

Quấu quấu... quấu quấu... Ông già này la um xùm hà.

Có tiếng chủ nhà mắng chó:

- Xù, đi vô, sủa bậy hoài.

Mấy ông thợ lục tục kéo sang, tay mang đồ nghề nào là kìm, búa, cưa, đinh, đục, xà beng, bàn bào, dao, đá mài, rìu giũa v.v... cũng bày đặt rầy con xù:

- Ê! Chó, quen nghe, đừng cắn ẩu.

Rồi chủ nhà ông ấy quát chó đi vào trong. Hai ông thợ bào sơ lại mấy cây đà. Mấy cây đà ngang khoan khoái khi có người làm cho mình ốm bớt. Mấy anh cho rằng không có gì thích thú bằng tấm thân gọn gàng, bốn cạnh láng bon và nằm ngay ngắn.

Có thế mới nằm yên trên đầu của tụi cừ dòng được chứ. Mấy ông thợ đặt lên trên đà ngang mười tám tấm ván, dày có mỏng có. Mấy tấm ván này đã chết khô tự lúc nào nên đà và cừ không biết tên bạn mới. Ôi! Từ đây cừ và đà phải sống cạnh mười chín cái thây, của ván và cây bần đắng. Phải giàu nghị lức lắm mới đủ can đảm sống, mà giúp ích cho loài người.

Hơn ba hôm thì cái chái nhỏ phía sau nhà cất xong. Từ nay tụi cừ dòng và mấy cây đà khỏi lo chuyện "dầm mưa dãi nắng", đã có vách, có nóc nhà lo chống đỡ bên trên. Cừ dòng và đà chỉ có phận sự gồng mình phía dưới, trổ hết thần lực gánh lấy "giang sơn mới".

Suốt thời gian dài đăng đẳng sống kiếp nô lệ tù đày cùng các bạn, cây bằng lăng thường mơ ước được về rừng. Để có chết thì cũng còn bỏ thây nơi quê cha đất tổ chứ không như cây bần đắng. Nhưng làm sao thoát ly, cưỡng chống lại số phận đã an bài. Suốt thời gian làm cái công việc vô vị ấy đã có biết bao nhiêu là chuyện xảy ra trên giòng sông vắng. Mấy cây săng đá và mấy cây săng đục đứng ngoài cùng không ưa lúc nước lớn. Tụi ấy cứ mong nước chảy đi luôn đừng trở về để chúng được khô ráo sạch sẽ. Nhưng thủy triều mà, cứ hết nước ròng lại lớn. Giòng sông cứ đi đi lại lại, chọc tức cây săng đục và săng đá. Thỉnh thoảng sông còn cọ quẹt tụi cừ dòng nhờ những luồng sóng nhỏ của xuồng máy gắn đuôi tôm chạy vút qua. Bốn cây săng đục lầu bầu mắng nhiếc. Vốn nghề cau có của tụi chúng đó mà. Cho chúng đứng ở ngoài cùng cách biệt với dãy cừ sạn mà đôi khi chúng vẫn cố cãi lộn cho bằng được. Cây săng đá có đứa còn đòi uýnh nhau với cừ sạn xem đứa nào rắn chắc hơn. Đúng là quen thói rừng rú, hoang sơ. Giòng sông có dưới tay lũ em út là rác rưới, giòng sông còn cho cá, ốc, hến mướn chỗ ở... Nhưng hình như chỉ có cá thác lác, hến, và vài chú cá trê nghèo là còn ở lại mà thôi. Giòng sông chứa quá nhiều bọn lưu manh, nào là giấy rác, hộp lon, dây thung, củi mục, rau rác, vỏ trái cây, hộp các tông,... ôi thôi! Đủ thứ vật dụng phế thải, có cả chiếu manh, nệm lủng... xác chuột chương và xác chó sình trôi lén lút. Nghĩa là giòng sông quá dơ và hôi thúi. Thế mà tụi săng đục và săng đá cứ thích nước ròng, để hửi mùi tanh tưởi dậy lên từ những bọt bùn của cá bảy màu, của hến... Tụi cá bảy màu và tụi cá lìm kìm, cá lòng tong thường than nghèo với giòng sông và cứ khất nợ mãi. Tụi cá thòi lòi thì than ngược, không nhận ở lậu. Chúng bào chữa rằng:

- Tụi này sống trên bờ không hà. Nào xem tụi này leo cừ đây. Thấy chưa tụi này đi bằng hai cái vây hai bên.

Nhưng đợi giòng sông vô tình làm nước lớn lại và đi sâu vào trong, tụi cá thòi lòi khoái tỉ đùa nhau nhảy xuống sông tắm táp. Chán chê chúng lại chui vào hang một cách tự nhiên. Chúng lạm nhận bãi bùn và giòng sông là nhà của chúng quen rồi. Còn giòng sông cũng khá dễ chịu cho họ nhà cừ: cừ cây, cừ sạn... mặc tình trú ngụ. Mà không đồng ý sao được với ý định của loài người muốn làm gì thì làm.

Ngày lại ngày, đêm lại đêm, tụi cừ dòng buồn tênh đứng hoài trên giòng sông siêng năng, với nước thủy triều cứ mãi lên xuống. Quanh đó nhà sàn cũng khá nhiều. Tụi cừ dòng bị chôn chân một chỗ không tiện đến thăm hỏi cùng nhau. Bầy cá bảy màu hay vượt nước, lội quanh tụi cừ tuy nhờ vào cừ cản bớt sức nước chảy, lại rất xấu bụng, không con nào chịu liên lạc tin tức gì giùm cho tụi cừ đứng cách xa nhau. Bốn cây săng đục và bốn cây săng đá lúc nào cũng quạu quọ gây gổ với rác rưới lỡ chạm phải chúng.

Cây bằng lăng phải khuyên can mãi. Thời gian sao mà dài thậm thượt. Cây bằng lăng nhớ lúc ở trên rừng sống đời thiên nhiên vi vu hòa ca cùng gió, cành lá rậm rạp là những cánh tay, tha hồ vung vẫy trong không gian vô tận. Bây giờ buồn quá đi thôi. Tấm thân xù xì của cây bằng lăng và các bạn, phần thân thường ngâm dưới nước lại phủ thêm lớp rong rêu xanh xám tang thương. Bọn trẻ con loài người khi bơi lội rất ngại khi phải bám víu vào chỗ có rong rêu trơn trợt đó. Cây bằng lăng thì thích có nước lớn để có lũ trẻ đùa giỡn, cút bắt xung quanh, luồn lách qua lũ cừ cho cuộc đời bớt tẻ nhạt. Dù sao cây bằng lăng vẫn thèm nghe những chuỗi cười trong trẻo hơn là những lời thì thầm than thân trách phận của các bạn.

Mấy hôm nay, lũ trẻ không dám tắm sông nữa. Hôm trước có một chú rắn nước ốm tong teo. Chú ta đi lạc đến đây và ngừng lại. Chú ta mệt mỏi quấn quanh cây ngành ngạnh. Cây ngành ngạnh không thuận tình nhưng hơi hãnh diện với chiếc vòng thân rắn quấn quanh lủng lẳng. Lũ trẻ sợ rắn, dù rắn nước hiền khô không có nọc độc và không cắn ai bao giờ. Chú rắn nước ăn cá nhỏ, bầy cá lòng tong, cá lìm kìm, cá bảy màu... thì đã đi xa chỗ đó tránh tai họa. Chúng chỉ trở về lội tung tăng quanh tụi cừ dòng khi nào chú rắn nước tiếp tục phiêu lưu. Lũ trẻ hãy còn mang ấn tượng có rắn dưới sông, nên chắc lâu lắm chúng mới dám xuống sông tắm. Cây bần đắng, cây kiềm kiềm, cây ngành ngạnh cũng rất thèm nghe tiếng cười giỡn của trẻ thơ. Chỉ trừ mấy cây săng đục và săng đá, các cây này không muốn ai rờ rẫm vào mình cả. Mấy cây cừ sạn phía trong nom bộ dạng cục mịch của cừ săng đục và săng đá mà ngán thầm. Mấy cây đà nằm trên cứ xúi cho tụi cừ ghét nhau và đánh nhau, nhưng còn lâu tụi cừ mới xáp lại gần được. Thế nên mãi mãi các cây cừ đứng cách khoảng nhau đều đặn, hàng ngang một thước rưỡi và hàng dọc một thước. Đứng như vậy rồi tức tối nghinh ngó nhau mà thôi.

Một năm trời qua mau, đối với tụi cừ, chúng xem lâu hằng thế kỷ. Lớp rong rêu bám quanh cừ đã dày thêm và có lẫn bùn đất. Cây cốc thường than van ngứa ngáy với tụi ốc nhỏ sống bám. Đôi lúc có đàn vịt được cô bé đi chăn trên xuồng lùa qua, chúng rỉa rói, chúng gãi ngứa giùm lũ cừ làm tụi cừ sung sướng. Cây bần đắng bỗng một hôm phát giác ra những mầm lá non xuất hiện gần cái đầu bằng phẳng của cây bằng lăng. Có lẽ mấy con còng gió, mấy con ốc nhỏ ngày nào đã bò lên làm dính nước. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt đã giúp cây bằng lăng nhô lá non. Nhưng những lá non nhô ra một cách khó khăn này trông như "ráng" bám trên cây bằng lăng lúc sống trên rừng. Nhưng các cây ngành ngạnh, cây kiềm kiềm, cây cốc, cây săng đục, cây săng đá... đều trầm trồ khen ngợi. Chúng cũng muốn có lá non như cây bằng lăng vậy. Lũ cừ sạn thế là thêm một lý do để ghen tức. Muôn đời cừ sạn chẳng lú được cái lá cỏn con nào.

Một năm... rồi một năm nữa trôi qua với nhịp sông chảy hoài buồn thiu. Chùm lá đã rậm quanh đầu cây bằng lăng. Cây kiềm kiềm có đứa cũng vươn cành lá cằn cỗi ra từ năm vừa qua. Nhưng cây bằng lăng buồn vì lá lớn chậm lắm kia. Những cái lá và cành dai dẳng cũng mang vẻ thờ ơ với đời mới tù túng không có gió đu đưa. Những chùm lá của cây bằng lăng, của cây kiềm kiềm, cây cốc, cây ngành ngạnh trò chuyện với nhau. Không biết ai nói cho chúng nghe, mà chúng cứ ước mơ được về rừng. Về rừng như ý nguyện của cây bằng lăng. Mấy cây săng đục và cây săng đá cứng lắm không có lá mọc ra đã bỏ tính cau có. Chúng nhận thấy chúng chả hơn gì tụi cừ sạn bên trong. Giòng sông càng ngày càng ngầu đục và dơ dáng thêm lên. Mưa gió từng mùa hay đùa chơi cùng sông gây ra những đợt sóng nhỏ. Khi nước lớn những đợt sóng nhỏ nhảy tung tăng rửa ráy cho các chùm lá khô khan đã sống thiệt tài tình. Mưa lũ, nước cuồng đã rủ rê, kéo giựt từng giề lục bình từ nguồn trôi xuống. Cứ mưa là có từng giề lục bình dại dột theo sông đi phiêu lưu. Chúng sẽ theo nước ròng mà chảy hoài, ra sông lớn, đổ vào sông cái, rồi ra biển mà tan rã mất thôi.

Có một giề lục bình kia rất rậm đám, bị sóng của xuồng xô đẩy trôi dạt vào phía trong và ngang nhiên bám vào tụi cừ dòng. Chúng to và rộng gần ba thước vuông nên mắc kẹt vào cây bần đắng và các cây săng đá, cây săng đục. Chúng cố vùng vẫy nhưng càng thêm vướng vào cây cốc và cây bằng lăng. Cây ngành ngạnh và cây kiềm kiềm tự an ủi rằng nước lớn thì giề lục bình sẽ trôi đi. Khốn thay giề lục bình vướng hẳn vào đám cừ dòng. Nước ròng thì nó chìm xuống, có khi tòn ten như đưa võng. Nước lớn nó lại nổi lên. Cây bằng lăng chợt thấy giữa đám rác rưới cũng mắc kẹt vào lục bình vài cái hoa tím mỏng manh. Cây bằng lăng cũng sinh ra hoa tím và đẹp hơn hoa tím của lục bình nhiều.

Xác một con heo con chết sình cũng tắp vào giề lục bình và kẹt cứng ngắc. Hai hôm rồi nó tỏa mùi nồng nặc khó chịu cho lũ cừ dòng. Mấy cây săng đá và săng đục đổ thừa nguyên nhân bởi giề lục bình:

- Ở đâu mà đến ăn bám ở đây, mất vệ sinh quá đi thôi.

Giề lục bình không biết nói sao vì chính nó cũng cố trút cái của nợ là xác con heo trôi đi đâu cho rảnh. Chỉ có cây bần đắng đứng ngược đầu và mười tám tấm ván là không có cảm giác gì. Chứ mấy cây đà cũng ngán mùi hôi. Mùi hôi thối lách qua kẽ ván chui lên xông vào lỗ mũi của gia đình chủ nhà. Họ tìm cách lấy cây đẩy xác heo và giề lục bình ra giữa giòng sông. Nhưng thật là khó xoay trở. Giá mà có ai nhảy xuống kéo chúng ra bằng tay. Thế rồi lũ bé con được mướn, đứa nào cũng có hai chục đồng để vừa tắm sông, vừa lôi giề lục bình lẫn xác heo chương. Lâu ghê cây bằng lăng mới nghe lại tiếng cười đùa của trẻ thơ. Giề lục bình hoan hỉ sút từng mảng và trôi ra giữa giòng nước lớn. May quá chúng theo nước lớn mà về nguồn. Rác rưới tan rã trôi lẻ tẻ theo sau. Xác con heo sình chương như còn nấn nuối chỗ ngụ an lành. Phải chờ lũ trẻ bịt mũi, lấy cây đẩy mạnh, xác heo mới chịu lững lờ trôi. Lũ trẻ reo hò sung sướng. Mấy cây săng đục và cây săng đá lại một phen bực mình khi lũ trẻ rượt bắt nhau, chúng dùng chân tống vào cừ, búng mình lội giỡn, cười nắc nẻ. Vì thế mấy cây cừ dòng rung rinh làm lắc lư giàn cây đà bên trên.

Thằng bé con chủ nhà lội đến cây bần đắng đứng lộn đầu. Nó ngạc nhiên khi thấy cây bần đắng đã mục từ lâu. Nó dùng tay lay mạnh, vỏ cây bần đắng xấu số vỡ ra, rơi lả tả. Lũ mối túa chạy lên giàn cây đà. Hình như có lũ kiến đen cũng làm ổ trên cây bần đắng. Thằng bé con nói cho ông chủ hay. Ông chủ nhà thầm tính toán: "Đã ba năm rồi còn gì, phải thay loạt cừ cây này bằng cừ sạn mới được, vậy cho chắc ăn". Ông ta biểu thằng con:

- Mày lội coi cho kỹ xem mấy cây cừ mục, để tao liệu.

- Mười hai cây lận ba ơi.

Nhưng khi mấy ông thợ làm nhà đến lội xuống xem xét thì họ nói rằng phải thay hết, dù còn đến bốn cây săng đá và hai cây săng đục còn nguyên vẹn, đứng gan lì với nước lạnh đã hơn ba năm nay.

Phải thay hết cừ, vì cũng như hàm răng, cái bị sâu đã làm hại mấy cái chung quanh.

Chủ nhà mời mấy ông thợ đem đồ nghề qua, nạy bật ván lên, dộng thêm lũ cừ sạn xuống. Lũ cừ sạn cũ bên trong dù sao cũng bằng lòng hơn là sống chung với lũ cừ dòng. Mấy ông thợ lội hẳn xuống sông cố bẻ gãy lũ cừ mục nát, trong số đó có cây bằng lăng, cây cốc, cây ngành ngạnh, cây kiềm kiềm và hai cây săng đục ngỡ ngàng gãy răng rắc trôi ra giòng nước xiết. Chúng không kịp từ giã bốn cây săng đá và hai cây săng đục còn gồng mình đứng lại. Không phải sáu cây ấy lì lợm mà tại vì chúng còn quá tốt, có thể đứng đó gánh sàn nhà chung với lũ cừ sạn mới ít nhất là hai năm nữa mới được ra đi.

Phải nói là quay về thì đúng hơn. Thế là ước mơ về rừng của cây bằng lăng và các bạn đã thành tựu. Ba năm dài, cây bằng lăng mới thực sự thở hít khí trời "tự do". Tụi cừ náo nức trôi phăng phăng theo con nước ròng. Mãi mãi cây bằng lăng không biết rằng chúng sẽ trôi ra biển cả mà thôi. Nhưng thâm tâm cây bằng lăng mục nát vẫn còn ước ao sẽ về lại rừng xưa, sẽ nở hoa tím ngát bầu trời thênh thang, sẽ tự do sống với cành lá rậm rạp, xum xuê cùng bà con thân quyến mà nó đã bị ép bức bỏ đi hơn ba năm nay. Nếu không gặp trở ngại như bị mấy người đi mua ve chai trên xuồng vớt các cây cừ về làm củi chụm, cây bằng lăng sẽ giang hồ ra biển cả mà thôi. Thương thay niềm ước mơ nhỏ bé của cây bằng lăng biết bao giờ đạt được. Chẳng thể về nguồn chứ nói chi đến về rừng, để hồi sinh, để nở hoa... hay chỉ để một lần nhìn lại quê xưa... Biển cả bao la đang chờ đón cây bằng lăng vào cuộc đời lưu lạc, "ba chìm bảy nổi" cho đến khi nào rã nát thây ra.

Vô tình cây bằng lăng, hai cây bần đắng, hai cây săng đục, bà cây kiềm kiềm, hai cây cốc, bốn cây ngành ngạnh vẫn rụt rè nối đuôi nhô ra trôi nhanh. Đằng sau cây bằng lăng gọi một giề lục bình bơi đua với mình. Cây bằng lăng thích hai cụm hoa tím của giề lục bình lắm. Một cơn mưa giận dữ trút xuống, như muốn gột rửa phiền muộn cùng rong rêu bùn đất bám quanh thân lũ cừ dòng mục nát. Còn lâu lắm nước mới lớn lại. Chiều vắng không nghe được một tiếng chim bìm bịp vang lên. Mưa vẫn rơi và nổi bong bóng. Những cái bong bóng mau vỡ cũng cố đuổi theo lũ cừ dòng đen đúa đã tìm lại sự tự do. Cây bằng lăng cố ngoái xem các bạn lần cuối. Các cây săng đá và săng đục từ nay sẽ ở lại với mỗi cây cừ sạn chèn ép cạnh ngay bên. Cây bằng lăng thầm mong các cây ấy bỏ tính gây gổ. Chúng ráng sống hai năm nữa sẽ về rừng. Ắt là khi ấy cuộc hành trình của mấy cây cừ thân cứng sẽ đơn độc và buồn bã làm sao.

Mưa đã dứt hạt. Cây bằng lăng và các bạn mãi mãi mang niềm ước mơ thôi hết lưu đày, trôi xa trên đường dài vô tận.


PHAN KHƯƠNG THÁI     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104105, ra ngày 24 và 31-8-1973)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>