Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

Múa Lân


 Bạn mến, ít ra đã một lần và cũng có thể nhiều lần chúng mình đều nghe kể lại những phong tục cổ truyền được tổ chức trong dịp lễ trung thu. Cái tết gọi là của trẻ con nhưng không gì đám nhi đồng bọn mình mà ngay cả những người lớn nữa cũng có những thú vui không thể không có, còn bọn trẻ mình thì trông đợi ngày đó tới như trông đợi một ngày hội thần tiên.

Nói đến những cổ tục trong ngày tết trung thu thì hẳn chúng mình đều biết qua, nào rước đèn, cúng cỗ bàn... nhưng bạn ạ, còn cái tục đặc biệt mà Minh Sang được hân hạnh trông thấy hồi nhỏ nhưng âm hưởng của cuộc rước đèn sư tử đó đến giờ vẫn còn linh động. Đó là tục múa sư tử vào đêm rằm tháng tám để đoạt giải, nếu bạn đã dự phần vào thì sung sướng biết mấy còn những bạn chưa được diễm phúc đó thì chúng mình hãy giả sử và tưởng tượng đất nước an bình được cái diễm phúc xách lồng đèn chạy theo ông sư tử vào nửa khuya mà reo hò ca hát trong tiếng trống rập rình. Bạn mến, ở trang báo nhỏ bé này Minh Sang chỉ xin gởi đến bạn, những bạn trẻ thương mến lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong đêm trung thu và tụi mình cùng ngồi lại với nhau nghe chuyện đời xưa.

Ngày xửa ngày xưa... về đời Đường bên Tàu có một bà lão không có con cái, họ hàng thân thích thì lại ở xa, bà sống một mình trong một căn lều tranh ở một khu rừng hẻo lánh. Bà làm nghề may vá quần áo rồi đem ra chợ bán đổi lấy thức ăn.

Một hôm bà nhận may quần áo ở một làng rất xa. Đi mất mấy ngày đường, băng qua những ruộng đồng mênh mông, vượt qua những khe suối hiểm hóc bà đến nhà người chủ, rồi lại phải mất mấy ngày cặm cụi từng đường kim mũi chỉ. Hôm nay những bộ quần áo đã hoàn tất bà tạ từ chủ nhà rồi lên đường trở về sau khi dùng bữa cơm tối với gia đình người chủ.

Bước chân ra khỏi nhà bà ngạc nhiên khi thấy trời đất như sáng rực hẳn lên. Ô kìa, mặt trăng trong to và đã đang từ từ nhô lên, hai bên đường nhà nhà đều thắp đèn sáng trưng, cỗ bàn bánh trái bày la liệt, họ ăn uống vui vẻ, còn những đứa trẻ. Ôi chao vui quá, bà khẽ kêu lên khi thấy từng đám trẻ xách những chiếc lồng đèn xinh xắn rực rỡ ánh đèn màu vừa đi vừa hát vang. Bà ngạc nhiên gọi một em bé lại hỏi:

- Này cháu, các cháu đang làm gì thế?

Đứa trẻ ngước nhìn bà lão, liến thoắng:

- Bà ơi, tết trung thu nên tụi cháu mới vui vậy đó, còn có cả tục ăn uống trông trăng nữa cơ.

Đứa trẻ bỏ chạy theo đám rước đèn, bà lão thấy vui quá muốn bắt chước, sẵn số tiền công vừa lãnh được, bà ghé vào một hiệu buôn mua nào bánh trái hoa quả và khệ nệ ôm về trông trăng như thiên hạ.

Trời đã vào khuya, mặt trăng đã lên giữa đỉnh đầu mà đường về nhà thì hãy còn xa. Duy có một con đường tắt đi đến nhà nhanh nhất, nhưng con đường ấy lại xuyên qua một rừng rậm mà trong khu rừng đó, người ta kể lại rằng một con sư tử tu luyện lâu ngày thành yêu tinh chuyên bắt người ăn thịt. Bà lão cũng ái ngại nhưng bụng bảo dạ rằng, trời khuya chắc sư tử ngủ, vả lại thân bà gầy gò ốm yếu nên sư tử chê, nghĩ thế nên bà bấm bụng băng xuyên qua khu rừng. Bà lầm lũi bước đi với gói đồ trên tay nặng chĩu. Bỗng một tiếng gầm vang rung chuyển cả rừng núi, bà đứng sững lại tay chân run rẩy. Hai con mắt đỏ ngầu xuất hiện trong đêm tối như hai hòn than đỏ rực long lanh. Bà lão sợ hãi quỳ xuống lạy lục:

- Lạy ngài, xin ngài tha cho thân già cả, tôi về bày cúng xong sẽ nạp mình cho ngài.

Sư tử nghe bào lão nói cảm động quá bèn quay đi để bà lão ra về an lành.

Về đến nhà bày bàn ăn uống xong, trăng cũng vừa xế về phía tây, nghĩ đến lúc phải nộp mình cho sư tử, phải từ giã tất cả, bà khóc lóc thảm thiết, loài vật và đồ vật trong nhà cũng động lòng thương cho người chủ. Bà ngẩn ngơ đưa tay sờ mó những vật quen thuộc, đột nhiên một con rít bò lên cánh tay bà, hai cái râu dài ngúc ngoắc như bảo bà đừng sợ gì cả. Cái thân hình dài uốn éo như hãnh diện sẽ làm việc ích cho bà chủ, và ô kìa, cái cối xay thường ngày bà vẫn dùng xay bột làm bánh cũng tự nhiên quay tít. Thấy sự lạ lùng bà lo sợ nhưng cũng tin tưởng sự ăn ở hiền lành của mình sẽ được thần thánh phù hộ và biết đâu bà sẽ thoát chết. Nghĩ thế nên bà yên lòng trèo lên giường nằm ngủ.

Đến khuya đúng giờ hẹn, sư tử lần mò nhẹ nhàng lách mình vào khe cửa tiến đến giường bà lão. Mọi vật im lìm như xót xa phải chứng kiến sự ra đi của người thân mến. Sư tử chờn vờn, đủng đỉnh đi qua lại trước con mồi, rồi chợt nó đưa hai chân trước lên cao định choàng lấy thân mình bà lão đem ra ăn thịt thì HỪM... sư tử gầm lên vang dội, hai chân nhức nhối và nó ngã vật xuống chẳng may đụng phải cái cối xay rơi xuống đập vào đầu sư tử chết tốt. Bà lão choàng tỉnh dậy ngơ ngác, nhìn thấy ác thú chết bà mừng rỡ chạy xuyên qua rừng đến báo tin cho dân làng biết, dân chúng đua nhau đến xem, đèn đuốc sáng trưng rồi họ khiêng con vật vào cho vua để lãnh thưởng.

Trước bệ rồng vào đêm rằm tháng tám đức vua hạ lệnh cho dân vui đùa suốt đêm và quân sĩ đem gươm giáo thắp đèn và nổi chiêng trống vang rền khiêng sư tử đi khắp nơi cho dân chúng xem chơi. Vì lẽ đó nên đến ngày rằm tháng tám bên Tàu lại có tục rước sư tử giả đề nhớ lại ngày bắt được sư tử thật tránh được một tai họa cho dân. Nước ta cũng bắt chước theo phong hóa Tàu và cứ đến ngày rằm tháng tám thi nhau mua trà bánh đem về ăn uống rồi xem trăng lên và múa sư tử.

Cuộc múa sư tử thường được tổ chức vào khoảng 10 giờ. Trên trời vầng trăng tròn tháng tám vành vạnh, dưới đất tiếng trống rập rình to nhỏ đủ các loại vang lên các đường phố gần xa truyền âm hưởng khắp mọi nơi như tiếng vọng hòa điệu của bao nhiêu tấm lòng trẻ thơ nao nức. Đặc biệt nhất là nhịp trống múa sư tử, nhịp trống đổ hồi càng lúc càng nhanh. Người múa sư tử nai nịt gọn gàng trong bộ đồ đen bó sát, thắt lưng bằng một giải lụa hồng to bản, đầu vấn khăn đỏ như cô gái đồ long trên sân khấu. Sau cái đầu sư tử với các màu sắc nổi bật và chòm râu dài trắng toát lê thê là một tấm vải dài chừng hai thước do một người cầm cũng vận y phục bó sát và oai vệ.

Sư tử múa đủ kiểu, thụp lên thụp xuống vờn quanh đớp vào không khí, hai cái râu dài trắng phất phơ. Cuộc múa sư tử thường kèm theo một cuộc biểu diễn vũ thuật ngoạn mục trong khi đám con nít reo hò chạy đi phía sau. Nhưng thú vị nhất vẫn là lúc xem sư tử lấy giải, hồi cuối cùng của cuộc múa và cũng là giai đoạn hấp dẫn nhất. Người ta treo giải bằng tiền nhưng tiền ấy thường được treo tận mái nhà hoặc từ trên lầu rủ xuống, sư tử phải làm xiếc mới đớp được tiền, có khi người ta chồng nhau thành hình tháp để sư tử đứng chót vót phía trên múa và đoạt giải cùng với gói tiền treo cao nhiều khi chủ nhà còn buộc kèm phong pháo, pháo nổ tung giữa lúc sư tử vờn giải và sư tử phải đớp luôn cả pháo vào mồm làm sao đừng cho cháy mất bộ râu.

Lấy giải xong trống lại nổi lên âm ba vang dội, những chiếc đèn con cá, bướm, ngôi sao, tàu bay lại sắp hàng dài từ từ chuyển đi lấp lánh sắc màu huyền ảo trong đêm trăng. Chiếc đầu sư tử cũng chuyển đi giữa những ánh đèn màu như hình ảnh hoang đường mà vẫn rất quen thuộc của một dĩ vãng nào đẹp lắm đang thấp thoáng đi xa.


1-9-1971     
MINH SANG 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 162, ra ngày 1-10-1971)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>