Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Con Búp Bê Của Na


Tôi đẩy cửa bước vào, Na đang lui cui ở góc nhà, vẫn không hay biết. Tôi rón rén đến sau lưng Na, đưa tay bịt mắt em. Na giật bắn người rồi kêu lên:

– Ai vậy?

Tôi khúc khích cười. Na phụng phịu:

– Chị Nguyện hé? Em biết ngay cơ.

Tôi buông tay ra, bế xốc Na lên, hôn vào hai má phinh phính của em.

Na là em họ tôi. Ba tôi với má Na là anh em ruột. Nhà tôi nghèo, nhà Na còn nghèo hơn. Cũng bởi lẽ đó nên hai gia đình thật thương yêu nhau. Na lên bảy, học lớp tư. Trong số tám anh chị em Na, tôi yêu Na nhất. Ba Na đã gục ngã ở chiến trường từ mấy năm nay. Hai anh lớn của Na phải gửi nội tôi nuôi. Má Na phải chật vật lắm mới nuôi nổi sáu đứa con ăn học. Cô tôi lận đận suốt từ thuở lấy chồng đến giờ. Gia đình tôi tuy hết lòng thương cô mà cũng chỉ giúp đỡ được chút ít. Hằng ngày cô gánh rau muống ra chợ bán, đi từ sáng sớm đến sẫm tối mới về. Ba tôi chỉ là một viên tùy phái, mẹ tôi bán tạp hóa, cũng phải nuôi cả một đàn con, lấy đâu giúp đỡ cô tôi. Chỉ có tình thương thì rất nhiều. Hai gia đình vẫn đi lại luôn.

Na ôm cổ tôi, cái miệng xinh xinh mấp máy:

– Chị Nguyện đi đâu đó?

– Chị qua chơi với Na. Na cho chị chơi với đi. Na đang làm gì thế?

Na tuột xuống đất, buồn buồn đáp:

– Em chơi… búp bê với chơi bán hàng.

– Búp bê của Na đâu?

Na đỏ bừng mặt, ngượng nghịu nhìn tôi, không nói. Tôi kinh ngạc thấy em như chực khóc. Em muốn giấu tôi điều gì? Có bao giờ em giấu tôi điều gì đâu? Tôi đưa mắt nhìn vào góc nhà. Na hoảng hốt cúi nhanh xuống, chụp vội cái gì đó không biết, rồi giấu vào trong áo, mắt len lén nhìn tôi.

– Na! Em làm sao thế? Nào, đưa chị xem cái gì nào.

Tôi túm lấy tay Na, định kéo, nhưng Na kêu thét lên:

– Em không biết đâu! Buông em ra, chị Nguyện!

Tôi chùn lại nhưng làm mặt giận:

– Ờ há, Na không thương chị há. Thôi chị đi về đây. Na ghét chị rồi mà. Ờ há, Na vậy đó há.

Na mếu máo làm tôi thương quá.

– Không phải mà.

– Không? Chứ sao Na chả chịu cho chị coi cái… gì giấu giấu đó.

Na rơm rớm nước mắt:

– Mà chị không được “phít” em ra kia đấy.

Tôi mỉm cười, giơ ngón tay út ra. Em cũng bắt chước và chúng tôi ngoéo tay. Xong Na lôi trong áo ra một ve dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín đã cạn khô bên ngoài bọc bằng tấm giấy màu xanh lơ được cắt theo hình dáng cái áo dài.

– Đây này.

– Cái gì vậy?

Na òa lên khóc nức nở. Tôi thêm ngạc nhiên. Tôi bế em, dỗ em mãi em mới chịu nín rồi thổn thức nói:

– Chị Nguyện biết không? Em lấy chai dầu này, em “lụm” ngoài ngõ, làm búp bê. Tụi con Hồng, con Dung cứ chế nhạo em mãi. Chúng nó vất búp bê của em xuống đất rồi còn lêu lêu con búp bê què, búp bê gì mà không có tay chân. Em sợ chị Nguyện cũng nhạo em, em… giấu.

Na nói đứt quãng vì nghẹn ngào. Tôi xót xa cầm “con búp bê” của em lên, nâng niu, âu yếm. Tôi vuốt tóc em, thì thầm:

– Na đừng buồn nữa nhé. Chị yêu Na, chị không chế nhạo Na đâu. Cho chị chơi búp bê với nhé.
Na lùi xa tôi, mở to đôi mắt ngây thơ, ướt đẫm:

– Chị Nguyện thích con búp bê này hở? Nó đâu có đẹp gì. Con Hồng có con búp bê kêu oe oe. Chị Nguyện biết không, chỉ phải ấn vào bụng nó là nó kêu liền hè. Tóc nó vàng như râu ngô ấy, dễ thương ghê lắm cơ. Còn con Dung nó có con búp bê biết bò. Có cái chốt ở bụng á, xoay xoay độ chục vòng là bò được. Mà lạ ghê chứ, khi nào xuống bực cấp là nó quay lại, không ngã đâu chị Nguyện ơi. Ba nó mới mua.

Na nói “ba nó mới mua” và hạ thấp giọng xuống. Tôi thầm đoán em đang nhớ tới ba. Tội nghiệp cho Na quá. Tôi hỏi em thật thương yêu:

– Na có thích được con búp bê như thế không?

Hỏi xong tôi ân hận ngay. Tôi kiếm đâu ra tiền để mua cho em tôi. Giá sáng sáng mẹ tôi cho tiền quà thì còn để dành được. Cứ năm giờ rưỡi, chị Lăng tôi thức dậy nấu một nồi cơm to cho cả nhà. Đứa nào không ăn cứ việc vác cái bụng lép kẹp đi học.

Tôi càng ân hận hơn khi Na yêu quí của tôi sáng rỡ đôi mắt:

– Thích chứ chị Nguyện. Mà con búp bê có chân, có tay, nhắm mắt mở mắt ấy. Nhưng em thương con búp bê này ghê đi thôi. Nó cũng nghèo như em, chị Nguyện nhỉ? Nếu em giàu, em may áo vải cho nó, mặc áo giấy chóng rách lắm cơ chị Nguyện.

Tôi ậm ừ, tâm trí còn bận len lỏi vào các tiệm đồ chơi. Bên tai tôi vẫn thoang thoảng tiếng Na thủ thỉ kể chuyện búp bê.


Tôi vẫn chưa có tiền để mua búp bê cho Na. Hai chị em vẫn chơi con búp bê ve chai. Tôi kiếm ít vải vụn may áo cho nó. Na thích làm cô giáo, bắt búp bê làm học trò. Na dạy cho búp bê học:

“Em còn bé
Học lớp năm
Em học chăm
Thầy khen thưởng”

Rồi Na nhắm mắt, bốc một trong mười mẩu giấy nhỏ có đánh số để cho điểm. Cứ được mười cột điểm thì cộng sổ một lần. Được trung bình là 8 phẩy thì đứng nhất, trên 7, 50 đứng nhì… Với trí tưởng tượng, em cho búp bê vui buồn như một người thật. Em cũng hờn giận búp bê nếu rủi kỳ cộng sổ búp bê “học kém”.

Đối với tôi, tuổi hồn nhiên, thơ dại không còn tuyệt đối nên búp bê của Na chỉ là một cái vỏ ve dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, không hơn, không kém. Nhưng Na nhìn nó với đôi mắt dịu dàng, âu yếm khôn cùng.

Hôm nào tôi đến chơi, Na cũng đem khoe:

– Chị Nguyện biết không, búp bê của em hôm nay học bài được… cô giáo cho tới 10 điểm. Ghê chưa.

– Chị Nguyện biết không, hôm nay em đi học về muộn, chưa kịp “nấu cơm” cho búp bê, nó đói meo, nó dỗi, nó khóc, nó đòi “phít” em ra đó. Chị Nguyện vào mà coi, cái mặt nó xệ xuống thấy ghét chưa nào.

Trò chơi hồn nhiên của Na làm tôi vui lây. Em tôi dễ yêu quá. Tôi yêu Na hơn cả yêu các em ruột của tôi nữa. Tôi nhìn Na săn sóc búp bê của em, lòng vô cùng cảm động. Đôi mắt Na nhìn búp bê như đôi mắt mẹ tôi vẫn nhìn chúng tôi, bàn tay Na vuốt ve búp bê cứ in hệt bàn tay chị Lăng tôi xoa tóc em bé tôi ở nhà.

Cho mãi đến sau Tết, tôi mới có tiền để mua quà cho Na. Con búp bê tôi mua cũng không được đẹp lắm, loại thường, nhưng tôi biết em sẽ thích thú vô cùng. Tôi tưởng tượng đến đôi mắt sáng rỡ những vui mừng của em mà run lên. Tôi bỏ thêm hai ngày để may cho búp bê ít quần áo. Tôi may vụng về quá nhưng tôi gửi hết yêu thương vào đó.

Tôi đến Na lúc em học chưa về. Ở góc nhà, con búp bê vẫn nằm ngủ chờ chị Na về “nấu cơm” cho ăn. Giường của búp bê là một cái hộp giấy lớn, trên trải khăn tay rộng của tôi cho.

Tôi cầm con búp bê ve chai lên, nhẹ nhàng đặt con búp bê mới mua xuống. Tôi đứng yên nhìn con búp bê xinh xắn nhắm mắt như ngủ, miệng hé cười. Chắc chắn Na sẽ reo lên, sẽ nhảy tung ta, tung tăng, sẽ ôm con búp bê đi khoe má, khoe anh chị, khoe khắp xóm. Em tôi sẽ không còn sợ con Hồng, con Dung chế nhạo nữa. Tôi nghe lòng hân hoan vô bờ. Tôi phải giấu biệt cái ve dầu cũ này đi mới được. Tôi sẽ kể cho em nghe rằng bà Tiên Nhân Ái đã thưởng em chăm học, ngoan ngoãn bằng cách dùng chiếc đũa nhiệm mầu biến hóa cái ve chai lọ lem thành con búp bê mũm mĩm, xinh xắn như một nàng công chúa. Na sẽ không tin tôi kể đâu, nhưng Na sung sướng, thế là đủ.

Tôi xuống bếp giúp em Hà làm cơm chiều. Cái ve dầu khuynh diệp tôi ném qua cửa sổ. Nó rơi trúng hòn gạch, vỡ thành những mảnh nhỏ. Gió thổi bay cái áo giấy.

Chặp sau có tiếng dép vào nhà. Đoán Na đã đi học về, tôi lén nấp sau kẹt cửa, nhìn lên nhà trên. Na đặt chiếc cặp lên bàn, mắc mũ lên tường rồi đi ngay đến chỗ “giường” búp bê. Quả như tôi nghĩ, Na kinh ngạc kêu lên:

– Ủa!

Rồi Na ngây người ngắm con búp bê mặc áo đầm nylon hồng nhạt. Na ôm búp bê vào lòng rồi chạy xuống bếp, gọi ơi ới:

– Chị Hà này, chị Hà ơi! Con búp bê ở đâu thế?

Hà ngừng tay, nhìn Na. Hà cũng ngạc nhiên không kém, nhưng cô bé nghĩ ra ngay:

– Ơ! Chắc của chị Nguyện đó à. Chị Nguyện nấp kia kìa.

Na tìm thấy tôi, níu tay tôi hỏi rối rít, tôi trả lời không kịp. Na ngắm nghía con búp bê với đôi mắt sáng rỡ như tôi đã hình dung. Chợt Na nhớ tới con búp bê ve chai, em hân hoan nói:

– Để em cho con búp bê này làm búp bê chị, nó lớn gấp ba con búp bê nhỏ của em. Chị Nguyện chờ em nhá.

Na tung ta, tung tăng nhẩy lên nhà. Tôi chưa kịp kể chuyện bà Tiên Nhân ái với chiếc đũa nhiệm mầu. Na trở xuống ngay sau đó.

Tôi đang cười với Hà. Na tủm tỉm hỏi:

– Chị Nguyện giấu con búp bê của em đâu. Đưa em chứ.

– Chị… vất rồi.

Na nhăn mặt tức khắc.

– Sao lại vất đi. Của em mà. Chị Nguyện kỳ ghê a, của người ta mà vất đi. Chị Nguyện không biết hở, em thương nó lắm chứ bộ. Em không biết đâu, đi “lụm” lại cho em.

– Chị quăng ra cửa sổ, vỡ rồi!

Tôi e dè nói.

Thế là Na há miệng ra, rồi Na bật khóc ngon lành. Vừa khóc, Na vừa nghẹn ngào kể lể:

– Hu hu… em về mách mẹ, chị Nguyện ác lắm em không chơi với chị Nguyện nữa đâu… hu hu…

Tôi cuống lên, sợ hãi một cách kỳ lạ. Tôi không ngờ em Na tôi lại giàu tình cảm đến thế. Tôi đáng ghét quá đi thôi. Cái mặt tôi lúc ấy chắc trơ trơ ra. Na của tôi thật quí. Tôi ấp úng dỗ:

– Thôi để chị kiếm cái khác, chị đền.

– Không cần đâu, ai thèm!

Na quăng mạnh con búp bê mới xuống đất rồi lăn ra mà khóc. Tôi cầm lên, nhét vào tay Na, nhưng em vẫn đẩy ra và không ngớt kể lể. Na tức tưởi:

– Em không cần con búp bê của chị. Em trả chị đó!

Hà ái ngại nhìn tôi. Na vẫn khóc nức nở, con búp bê nằm lăn quay một xó. Riêng tôi, tôi đứng chết trân ở đó, mặt đỏ bừng rồi tôi cũng khóc theo Na.


Phương Vy    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 94, ra ngày 15-8-1968)


Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

CHƯƠNG VI_THUỞ MƠ LÀM VĂN SĨ



CHƯƠNG CUỐI 


Cũng như sinh hoạt văn nghệ bây giờ, hồi trước hằng năm cứ vào dịp gần Tết là bọn chúng tôi nô nức với bầu không khí sửa soạn viết bài cho các báo Xuân. Đối với các cây bút có tên tuổi thì viết xong bài nào là có chỗ tiêu thụ ngay bài ấy. Đó là chưa kể một số cây bút đã được tòa soạn giành xin bài từ trước, có khi lại đưa trước cả tiền nhuận bút.

Được các tác giả nổi tiếng đóng góp bài vở, tờ báo sẽ thêm uy tín khiến cho số báo có thể bán chạy hơn, đặc biệt là những số báo Xuân. Mà khi nhận được lời mời, nhiều tác giả còn cân nhắc xem uy tín của tờ báo đến đâu, có là loại báo đứng đắn, chuyên nghiệp không, hay chỉ làng nhàng, thậm chí còn bị mang tiếng là báo lá cải. Câu tục ngữ "chọn mặt gửi vàng" xem ra cũng đúng trong những trường hợp này, mặc dù dưới mắt bọn lau nhau chúng tôi thì một sáng tác giá trị của một tác giả đã thành danh xét ra còn quí hơn… vàng !

Bọn chúng tôi thì chưa đạt được tới mức thượng thừa như vậy, nên muốn chen chân tìm được đất đứng trong một tờ báo Xuân sẽ buộc lòng phải viết tưới hột sen, và dòm chừng tờ nào tương đối dễ chen vô là gửi bài về tới tấp. Hoàn cảnh của chúng tôi cũng chẳng khác gì những kẻ đi săn tài tử chỉ xài toàn đạn ghém. Cứ bắn đại đi, khỏi cần nhắm kỹ, chắc chắn trong cả trăm viên chì phóng ra cũng sẽ có viên dính được con mồi.

Được cái ở Hà Nội vào dịp giáp Tết, bầu không khí tuy lạnh lẽo nhưng lại là cái lạnh lẽo dễ tìm chỗ ấm cúng để tụ tập và gây cảm hứng sáng tác. Mỗi buổi tối sau khi cơm nước xong, cả lũ đều bận áo ấm để tìm tới nhà nhau. Hôm nào "suông" (hết tiền) thì ngồi nhà tán chuyện gẫu, còn hôm nào "rích kê" (có tiền) thì kéo nhau đi cà phê Nhân hay cà phê Giảng ở đầu phố Cầu Gỗ gần Bờ Hồ để thưởng thức hương vị cà phê tuyệt hảo với khói thuốc bay thơm lừng trong bầu không khí mùa đông, gió thổi lạnh lẽo trên mặt hồ.

Cà phê, một phin hết bốn đồng. Thuốc lá lẻ cứ hai đồng thì ba điếu. Ngồi trong tiệm, mỗi đứa ngậm một điếu (cho khỏi mất mặt bầu cua), nhưng trên đường về thì chỉ truyền nhau hút chung một điếu cho đỡ hao hụt. Đến lúc chia tay, trong túi mỗi đứa cũng còn được đôi ba điếu để lận lưng chờ đêm đem ra đốt lúc ngồi sáng tác. Sáng tác vào ban đêm hầu như là thói quen của nhiều người, vì đó là lúc yên tĩnh nhất. Công việc thường xuyên trong ngày cũng đã chấm dứt, chỉ còn một mình đối diện với trang giấy trắng muốt sẵn sàng đón chờ nguồn cảm hứng sắp tuôn trào.  

Tôi đã cài kỹ cửa lớn, cửa nhỏ lại cho gió đông khỏi ùa vào phòng. Rồi bật đèn sáng, ngọn đèn đã được bao che bằng một xấp giấy báo để khỏi làm sáng choang cả nhà. Rồi chùm chăn bông lên tận cổ, vừa ngồi xổm trên giường hút thuốc phì phèo vừa kê tờ giấy lên mép bàn đã kê sát để cắm cổ viết. Trời thì mùa đông đấy nhưng ý Xuân lại tuôn ra ào ào ngậu sị cả lên : nào khai bút, nào xuất hành, nào Chúa Xuân, hoa Xuân, bướm Xuân, vườn Xuân… cái gì cũng cố gài tiếng "Xuân" vào cho hợp tình, hợp cảnh. Lại vì lâu lâu mới đi tiệm một lần nên bị cà phê nó hành cho trắng mắt, thức đến bốn, năm giờ sáng mà vẫn còn tỉnh như sáo sậu.

Sau một đêm như thế, tôi có thể đã hoàn tất một bài tùy bút, một bài thơ, hay có khi là một truyện ngắn hay một vở hài kịch. Thật bây giờ nghĩ lại cái khả năng viết mau, viết mạnh của hồi xưa mà bắt thèm.

Mỗi lần viết xong, hôm sau thế nào chúng tôi cũng chạy đi tìm nhau để khoe sáng tác của mình. Nhiều khi móc túi chẳng ai còn đồng cắc nào, đành lại đốt chung một điếu thuốc tới khi "rít" đến tận cùng, mẩu thuốc vứt đi chỉ còn chưa quá nửa phân.

Lại cũng có nhiều hôm "vốn liếng" bết bát quá, mà mua chịu của quầy thuốc lá lẻ cũng không xong vì sổ nợ cũng khá cao rồi (đến nỗi khi đi qua, phải lảng tuốt qua bên kia hè phố để tránh mặt, chờ khi có tiền thanh toán). Những hôm đó bọn tôi chỉ còn cách chui xuống gầm bàn kiếm những đầu thừa vương vãi đâu đó đem đốt lại. Ấy vậy mà cũng có lần có đứa phải phàn nàn:

- Các cậu khai thác kỹ quá, chẳng còn mẩu nào "ra hồn" cả !

Mặt ai nấy đều buồn hiu ! Tuy nhiên, nhớ lại cái thời như thế tôi lại thấy sao mà quý thế. Nó quá tươi đẹp, nó in dấu cả một thời đã sống hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ của cái tuổi hoa niên đã qua đi, không bao giờ còn trở lại.

Chắc tới đây hẳn có bạn đọc thắc mắc là viết bài như thế, báo đăng như thế, thì tiền nhuận bút để đâu, không lấy mà xài ?

Tôi xin thưa ngay rằng trong suốt quãng đời "mơ làm văn sĩ" của tôi¸bài đăng cũng đã nhiều, ra vô các tòa báo cũng đã lắm, giấy bản thảo đã xé từ không biết cơ man nào là tập vở, vậy mà tôi không được tòa báo nào chi trả cho một đồng bạc cắc.

Thật ra, vấn đề này cũng đã được bọn chúng tôi đem ra bàn cãi om sòm. Một phe chủ trương bài đã đăng thì phải là bài có giá trị. Mà có giá trị thì phải trả tiền là đúng đứt đuôi đi rồi. Nhưng phe khác lại chủ trương "văn nghệ là cao quý", xía vô vấn đề tiền bạc nó làm cho mất vẻ thanh tao của con nhà văn nghệ đi. Thật ra đây chỉ là lập luận để che giấu một sự thật phũ phàng mà không ai dám đương đầu, đó là sự nếu cứ nằng nặc đòi tiền nhuận bút, tòa báo sẽ lẳng lặng xếp tác phẩm của mình vào hồ sơ: "Bài Loại".

Bài mà bị loại thì mất cả chì lẫn chài !!

Thế rồi cuộc tranh luận rút cục chẳng đi đến đâu. Phe hăng hái thì cũng chẳng anh nào có gan ghi ở góc bản thảo mấy chữ "Có lấy tiền nhuận bút". Mà thế vẫn còn "oách" hơn cái thời còn phải ghi mấy chữ "Bài gửi đăng không lấy nhuận bút" nữa kìa.

Tình trạng đó kéo dài tới một dịp Tết. Tết năm đó tôi được chọn đăng vở kịch vui một màn trên báo Cải Tạo. Vở kịch nằm trịnh trọng ở ngay trang mười của tờ giai phẩm. Trịnh trọng hơn nữa là bài của tôi lại có cả họa sĩ minh họa kèm theo tiêu đề chạy suốt bề ngang của trang báo nữa. Và mặc dù bài xếp chữ cỡ 8, vở kịch của tôi cũng cũng đã chiếm trọn tới 2 trang. Một bạn xúi tôi:

- Tới đòi nhuận bút đi ! Báo ra ngày thường thì được chớ báo Xuân số đặc biệt mà không có xu nào thì vô lý quá.

Tôi nghĩ đến những điếu thuốc lá, đến những chầu cà phê buổi tối ở cà phê Giảng ở đường Cầu Gỗ, xen vào đó là tự ái cũng nổi lên rầm rầm, nên bùi tai bèn quyết định làm một việc mà tôi cho là khó khăn nặng nề hơn gấp bội việc sáng tác. Đó là đi đòi tiền nhuận bút.

Nhuận bút ! Nhuận bút ! Hai tiếng đó thực tình chưa bao giờ tôi nghĩ tới nó trong suốt mấy năm khởi sự đi vào làng văn nghệ, nhưng sao Tết năm đó nó lại trở thành những tiếng ám ảnh tôi mãi không nguôi.

Một phần là vì những nhu cầu ùa đến trong mấy ngày tết. Một phần khác nữa là vì lòng tự ái bỗng nhiên nổi dậy thôi thúc ầm ĩ. Không có lý do gì một tờ báo do công lao của mình góp phần, khi bán ra là thu được tiền về mà mình lại không được chia sẻ tí ti nào trong đó. Vả lại chẳng thà tất cả mọi bài đã đăng đều chịu chung nhau một số phận. Đằng này tờ báo đã phân chia tác giả ra làm hai loại, một loại phải trả tiền và một loại "viết chùa" muôn năm. Tôi thì chưa phải loại muôn năm nhưng ít ra thì cũng đã hai năm rồi. Hai năm chăm chỉ cộng tác, đều đặn, có lẽ còn hơn là người được giao phó trách nhiệm một cách chính thức có trả lương. Mà bài của tôi cũng đâu có thua kém gì ai. Nó cũng chiếm cả mấy trang báo. Nó cũng được họa sĩ minh họa tức có hình vẽ đi kèm. Nếu có thua thì chỉ thua có mỗi cái khoản là tác giả của nó chưa hề được lãnh một xu nhuận bút nào thôi.

Tự ái của tôi cứ cái đà suy luận đó mà vùng dậy. Bạn bè lại thúc đẩy thêm vào khiến tôi càng hùng dũng hơn lên. Vả lại cái gì mình muốn thì mình phải nói ra, không nói ai biết mình "ngứa" đâu mà gãi ! Vấn đề giản dị có thế mà từ bao lâu nay tôi cứ lúng túng mãi.

Nhưng chuyện chính yếu là tôi sẽ phải nói ra thế nào cho có hiệu quả đây ? Quả thực, tôi đã đưa ra không biết bao nhiêu là câu ướm thử, nhưng câu nào tôi cũng thấy là chưa được trơn tru, ngon trớn:

- Thưa ông chủ nhiệm, tôi đến xin tiền nhuận bút (Không được, nghe chữ xin có vẻ mất tư cách văn nghệ sĩ quá).

- Thưa ông chủ nhiệm, tôi đến đòi tiền nhuận bút (Ối chà, tiếng đòi nghe có vẻ chối tai, không ổn).

- Thưa ông chủ nhiệm, tôi đến lấy tiền nhuận bút (Lấy thì ổn đứt đi rồi, nhưng đã tới lấy thì phải có hẹn trước. Đằng này tôi có được hẹn hò gì đâu. Vậy cũng là không ổn nốt).

Sau cùng tôi nghĩ ra được một câu nghe tạm được. Đó là :

- Hì ..hì…Thưa ông thế còn cái vụ nhuận bút… 

Tôi đã chọn câu này làm câu "tủ" để nhập đề. Còn sau đó đến đâu sẽ hạ hồi phân giải. Tôi tưởng tượng đủ hết mọi chi tiết trong cuộc gặp gỡ sắp xẩy ra. Trước hết là tôi sẽ tới tòa soạn vào buổi sáng. Không sớm quá để ông chủ nhiệm chưa dậy. Cũng không trễ quá để đụng phải đám đông đảo các văn nghệ sĩ đàn anh như Nhị Lang, Văn Bình, Kim Sinh… sẽ khó ăn nói.

Đẹp nhất là vào được lúc tòa soạn không có ai, trước bàn giấy chỉ có mỗi một mình ông chủ nhiệm (ông cư ngụ ngay tại đây, vừa là nhà, vừa là tòa báo). Tôi sẽ hỏi thăm ông trước. Rồi khen đến số Tết năm nay in đẹp, bài vở độc đáo, phong phú. Và tôi sẽ tiếp :

- Hì... hì… Thưa ông thế còn cái vụ nhuận bút… 

Ối chà ! Tính toán công việc mà "suya" (sûr = chắc chắn) như thế thì kết quả không còn chệch đi đâu một ly ông cụ nào. Hẳn ông chủ nhiệm sẽ toe toét cười:

- A ! Nhuận bút của "toa" hả. Có chứ ! Đáng lẽ "moa" phải cho vô phong bì đàng hoàng, nhưng thôi tiện đây cầm giùm "moa" vậy nhé…

Và hẳn là ông sẽ móc bóp phơi lấy ra những tờ giấy bạc mới tinh đem xòe to như đuôi công đang múa. Năm chục ? Một trăm ? Hai trăm ? Ồ, cái đó thì chịu không thể đoán được. Nhưng dù bao nhiêu thì tôi cũng thấy ông ta là một bậc đàn anh văn nghệ rất điệu nghệ và dĩ nhiên là vô cùng hào phóng.

Kịch bản nói trên do tôi đạo diễn đã đem lại cho tôi biết bao hăm hở. Tôi đã thao thức suốt đêm hôm trước, y như sự thao thức ngày nào năm xưa tôi sửa soạn đem gửi cái truyện ngắn đầu tiên tới tòa báo Giang Sơn ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Lần này tôi không tới Hồ Hoàn Kiếm nữa mà phải xuống tận hồ Halais, tức hồ Thuyền Cuông hay còn gọi là Thuyền Quang cách nhà tôi ở khá xa.

Tuần báo Cải Tạo nằm ở giữa phố Mongrand (sau đổi tên là Nguyễn Thượng Hiền), cách bờ hồ Thuyền Quang cũng vài ba trăm thước. Hôm ấy tôi bận một cái quần soóc bằng vải kaki, chiếc áo sơ mi trắng sọc xanh bỏ vào thắt lưng đàng hoàng chứ không lè phè phủ ra ngoài như mọi khi. Chỉ còn thiếu đôi giầy tây đi lộp cộp nữa là tôi ra vẻ một công tử con quan, nhà giầu.

Nhưng cho đến năm đó, dù lớn rồi tôi vẫn không nghĩ đến chuyện xin nhà mua cho đôi giầy tây. Đi giầy tây nom trịnh trọng quá. Tôi lại không ưa cái tiếng lộp cộp váng cả hè phố như mời gọi tất cả bàn dân thiên hạ chú ý tới mình. Thế cho nên tứ thời tôi chỉ kéo một đôi dép da của phụ nữ, mà hình như đã lỗi thời nên bà chị của tôi liệt vào đồ phế thải. Thấy còn tốt chán nên tôi "thầu" lại để đi một cách ngon lành. 

Tôi cũng còn một đôi giầy bata nữa, nhưng chỉ để dành khi đi họp Hướng Đạo vào mỗi sáng chủ nhật. Chẳng phải tôi tiết kiệm gì, nhưng đi giầy bata thường phải kèm theo đôi vớ. Mà vớ thì tôi chỉ có mỗi một đôi. Mỗi lần đi họp, tôi thúc chân vào, khi trở về tháo ra, nhét đại vào trong giầy chờ tuần sau mới lấy ra xài nữa. Có lẽ kể từ ngày mua vớ đến giờ, đã gần 9 tháng, tôi chưa đem giặt nó lần nào. Ngó phần trên thì rất tươm, nhưng ở hai bàn chân thì nó đóng keo lại, cứng như hồ bột (càng cứng càng sinh ra ngại đem giặt). Đi vớ kiểu đó thì chẳng mấy hồi những ngón chân sẽ xuyên qua vớ mà bục ra ngoài, nhất là hai ngón chân cái.

Có một đôi vớ quý hóa như rứa, không đời nào tôi dám chiềng ra ở giá để giầy, bởi nếu bị khám phá ra thì tôi sẽ bị chị tôi la rầy, ngay đến cả chuyện sẽ đem mách với Ba tôi. Cho nên mỗi lần đi họp về là tôi đùn nó sâu tuốt vô tận mé trong gậm giường, để khi nào cần đến thì lấy cây gậy khều ra. Ôi ! Cái thời niên thiếu nhởn nhơ ấy sao mà sướng thế !

Trong những tòa soạn của các báo ở Hà Nội hồi đó mà tôi được biết thì tòa soạn báo Cải Tạo nom có vẻ bề thế nhất. Nó nằm trong một khu yên tĩnh của thành phố với con đường hai bên có những hàng cây cao phủ đầy bóng mát. Căn nhà kiến trúc theo kiểu Tây, có cổng vào rộng rãi, có tường chung quanh cẩn đá, cả tầng dưới chỉ là nhà phụ thuộc như hầm rượu, bể nước… Hẳn là thứ kiến trúc mà trước đây chắc người Pháp ở nên mới có.

Khách khứa tới thăm phải bước lên một cầu thang bề thế, xây bằng gạch, lối lên có bầy chậu cảnh đang nở hoa. Lên hết các bậc gạch thì khách đặt chân vào một khoảnh có lát đá hoa khá rộng, có lan can nhìn xuống đường phố, trên thành lan can cũng xếp đặt những giò hoa đựng trong những chậu sứ tráng men nom rất sang trọng, quý phái.

Tới đây, khách sẽ đối diện với một cánh cửa bằng kính rất lớn mà khi bước vào sẽ gặp ngay một căn phòng rộng mông mênh. Đấy là tòa soạn, có một cái bàn dài chắc là để hội họp nhiều người. Bàn giấy của ông chủ nhiệm kê tuốt ở phía cuối phòng. Trên mặt bàn, ngoài những đống hồ sơ cao nghệu tôi còn thấy cả chồng báo Xuân vừa in xong, chắc là đang chờ phân phối cho nhân viên tòa soạn.

Tôi hơi tiếc là mình đã tới quá sớm vì lúc này căn phòng vắng ngắt chẳng có ai, kể cả nhân vật chính duy nhất mà tôi cần gặp. Nhưng dẫu sao, tới sớm có phải ngồi chờ lâu lắc thì cũng còn hơn là phải trực diện với mấy ông nhà văn, nhà báo vốn đã từng lui tới nơi này hằng ngày như cơm bữa.

Chị người làm sau khi bảo tôi hãy ngồi chờ rồi rút êm vào hậu trường để mặc tôi ngồi lại với cảm giác rụt rè, bỡ ngỡ giữa căn phòng rộng thênh thang, gây gây lạnh. Tôi chợt nhận ra rằng thực tế đã đi ra ngoài mọi điều mà tôi đã từng dự liệu. Câu nói làm như bất chợt : "À… thế còn cái vụ nhuận bút…" xem chừng khó áp dụng ở đây. Vì trước đó phải diễn ra một cuộc chuyện trò rôm rả. Sau khi rôm rả rồi thì mới…"À"… được chứ ? Còn bây giờ, tôi đã phải ngồi chờ ở đây. Chờ đợi tức là cố tình mong gặp. Vậy khi gặp rồi thì biết nói cái gì trước đây ? Ôi chà, nếu lại vồn vã "Thưa ông chủ nhiệm, ông có mạnh khỏe không ? " thì nghe vô lý quá !

Thế là đầu óc của tôi lại phải vận dụng để tìm ra một câu chuyện làm quà nào đó nghe cho xuông xẻ. Nhưng khổ nỗi giữa ông và tôi chẳng có đôi chút giao tế nào trước đó. Kể từ ngày có bài đăng trên tờ Cải Tạo, tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông một câu. Tôi đến tòa soạn, bỏ bài vô thùng thư đặt ở dưới lầu rồi lẳng lặng ra về. Một đôi lần gặp ông Văn Bình, trò chuyện vài câu hay cũng có khi ông kéo tôi lên lầu nhưng ở đó vốn đang đông người ồn ào quá nên tôi chỉ là một cái bóng mờ, một tay mơ loắt choắt đeo dính lấy cái bóng dáng cao lênh khênh của ông.

Rồi thời gian trôi qua được chừng hơn 15 phút thì ông chủ nhiệm xuất hiện ở cánh cửa thông với phòng bên trong. Trái hẳn với điều mà tôi vẫn lo lắng là sợ ông ta không biết tôi là ai, đến làm gì, nhưng ông đã vồn vã khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa cảm kích :

- A ! Nhật Tiến hả ? Vào đây… vào đây…

Tôi líu ríu đi băng qua bề dọc của căn phòng, vốn đã dài mà tôi lại có cảm giác như nó dài hơn ra. Khi đối diện với ông, ông xòe ngay bàn tay ra theo thói quen để bắt tay.

Ô, cái vụ "bắt tay" này hoàn toàn bất ngờ đối với tôi vì tôi chưa bao giờ quen thuộc với cái lề lối xã giao của người lớn này. Bọn trẻ khi gặp nhau thì chỉ là vỗ vai, huých khuỷu, hay thậm chí còn đá nhẹ vào nhau nữa kìa. Vì thế tôi đâm ra lúng túng và cảm thấy ân hận rằng mình đã để bàn tay của ông giơ ra ngỡ ngàng mất đến vài giây. Rồi tôi lại hấp tấp sửa sai ngay bằng cách giơ cả hai bàn tay ra chộp vội lấy bàn tay của ông lắc đấy lắc để. Và mặc dù lúng túng thế nào, tôi vẫn nẩy ra một nhận xét là bàn tay người lớn mang vẻ khô khan và sần sùi. Cảm giác khô khan sần sùi ấy như còn đeo dính ở lòng bàn tay của tôi, ngay cả lúc ông đã buông ra và chỉ lên mặt bàn ngổn ngang những tờ báo mới :

- Bài của cậu khá lắm… mấy người khen rồi… Ờ, bài gì ấy nh ?

Tôi nhắc :

- Dạ… vở kịch vui !

- A ! Phải rồi. Cậu có khiếu lắm về kịch vui đấy nhé. Ráng lên !

Tôi sướng phổng cả mũi, miệng quíu lại, định mở lời cám ơn về sự khen tặng của ông mà không kiếm ra được lời, vì vậy tôi chỉ biết diễn tả bằng mắt. Tôi nhìn ông bằng ánh mắt hoan hỉ, biết ơn và dĩ nhiên đầy cảm tình. Ông lại nói :

- Báo mới đấy. Cậu lấy đi mấy tờ đem về biếu bạn bè…

Vừa nói ông vừa rút ở chồng báo ra… hai tờ dúi vào tay tôi.

Ối chà ! Tôi đã chắc mẩm ở nhà là ít ra thì tôi cũng có được 5 số báo biếu. Năm số này tôi đã chia phần rõ ràng: Tôi giữ riêng một số, tặng chị tôi và anh Trường Giang mỗi người một số, phòng khách trong nhà để một số trưng bầy mấy ngày Xuân, còn một số tôi sẽ xịt nước hoa, đem gói giấy dầu gửi tặng một người quen. Bây giờ số lượng đó rút xuống chỉ còn có hai theo sự diễn dịch tiếng "mấy" của ông. Thành ra bao nhiêu tình cảm nồng hậu vừa mới dâng tràn thốt nhiên nguội băng đi và sự bực tức bắt đầu nhen nhúm trong tôi.

Tôi không còn nghĩ gì đến vụ nhuận bút nữa mà chỉ tranh thủ với chính mình là có nên cầm hai số báo mỏng teo hay là trả lại luôn cho ông ta. Sự suy tính này làm cho phản ứng của tôi bị chậm chạp đi (và sau này, rất nhiều lần khác tôi cũng vẫn bị cái phản ứng chậm chạp này gây ra cho tôi những chuyện áy náy hay bực mình). Hai tờ báo đã dúi vào tay tôi. Tôi đã cầm lấy như một cái máy vô tri cùng với những ý nghĩ đảo lộn lung tung trong đầu. Ngay khi đó, ông chủ nhiệm vẫn với giọng thân mật, ròn rã nói với tôi:

- Thôi ô-voa nhé. Hôm nay moa bận quá… Lo tờ báo Xuân, còn bao nhiêu là việc…

Thế là ông lại giơ tay ra để bắt tay tôi. Tay tôi bận cầm hai tờ báo vả nếu không bận bịu về công việc đó thì tôi cũng chẳng giơ ra. Lần này ông chộp lấy bàn tay kia của tôi rồi lắc lắc (vậy là huề). Sau đó ông khoác vai đưa tôi đi ngược trở lại căn phòng mà tôi vừa đi qua trước đấy không đầy 5 phút. 
Tôi bước xuống cầu thang xây bằng gạch với tất cả sự chua cay của kẻ chiến bại. Bao nhiêu dự tính, bao nhiêu lời cổ vũ thúc giục của bạn bè về cái vụ nhuận bút đã tan đi như bong bóng xà phòng trong một khoảnh khắc.

Tôi kẹp hai tờ bào vào nách và đi lủi thủi về phía bờ hồ Thuyền Quang. Gió trên hồ ùa đến, dù rất lạnh nhưng lại gây cho tôi cảm giác mát mẻ. Chứng đó tôi mới khám phá ra rằng chỉ trong mấy phút ngắn ngủi tiếp xúc vừa qua, mồ hôi của tôi đã mướt ra ướt đẫm cả lưng áo. 

Tôi ngồi xuống một ghế đá ở ven hồ. Tôi nghĩ đến cái tỷ lệ 2/5 về những số báo tôi cần có. Cơn bực tức lại ùa lên làm tôi toan ném luôn 2 số báo xuống mặt hồ. Nhưng suy đi tính lại, hành động đó thật phi lý. Phải chi tôi làm công việc ấy ngay từ lúc còn ở tòa báo. Chứ bây giờ đem vứt xuống hồ thì chỉ có cái ghế xi măng nó biết mà thôi. Thế là phí phạm, thế là quân tử Tầu, là anh hùng rơm. Không chấp nhận được.

Tôi bình tĩnh trở lại và thư thả ngồi mở rộng tờ báo ra, ngắm nghía lại công trình sáng tác của mọi người trong đó. Tờ báo với đầy vẻ quyến rũ đã hiện ra với mùi giấy thơm, mầu mực mới, những nét chữ tươi tắn, những bức họa tài hoa, tất cả đều như cùng toát ra một vẻ mê hoặc, đầy quyến rũ của một thế giới mà bao nhiêu ngày tháng qua tôi đã khổ công tìm cách đặt chân vào. Đó là thế giới của văn nghệ, của báo chí, của những tấm lòng dào dạt tình cảm và những khối óc đầy sáng tạo. Dẫu giận dỗi cách nào thì tôi cũng không thể vì một chuyện cỏn con, nhỏ mọn vừa qua để mà rũ bỏ hết đi một cách phũ phàng.

Tôi mở trang báo có in bài của tôi. Tôi đọc lại từng dòng, đọc một cách thoải mái, tự do chứ không phải theo cái kiểu he hé coi cọp ở sạp bán báo mà người bán cứ đuổi quầy quậy. Tôi sung sướng thấy tên của mình ở đó. Cái tên ấy nằm một cách trịnh trọng, trang nhã và dĩ nhiên hẳn là mang một ý nghĩa vinh dự, niềm vinh dự của một nhà… nghệ sĩ có tài sáng tác và tác phẩm của hắn ta được đăng trên trang báo để gửi tới độc giả bốn phương.

Niềm vui xen lẫn sự hân hoan hãnh diện bỗng xua tan đi mọi nỗi bực dọc vừa qua. Tôi không thấy còn lý do nào có đủ vững chắc để khiến cho tôi bẻ bút, quăng báo xuống hồ, không chơi với văn nghệ nữa. Văn nghệ vẫn là lẽ sống của tôi. Văn nghệ vẫn là niềm vui của tôi. Văn nghệ vẫn là nhu cầu, là lý tưởng mà tôi sẽ còn phải theo đuổi.

Tôi nhìn ra mặt hồ. Mặt nước trong xanh chứa cả một bầu trời có nhiều mây xám ảm đạm. Gió thoảng nhẹ từ xa thổi vào mang theo cái giá lạnh của một ngày cuối đông đang bắt đầu hừng nắng. Tôi bỗng chợt thấy lòng dâng lên những cảm hứng dạt dào. Tôi nẩy ra được một đề tài mới hay ho cho một sáng tác mới. Tôi nghĩ ngay tới ánh đèn vàng úa của ngọn đèn chong suốt đêm khuya chỉ có một mình tôi cặm cụi với trang giấy trắng muốt.

Tôi sẽ viết…viết hoài…viết mãi…

Sài Gòn ngày 18-5-1973
NHẬT TIẾN        

Nguồn : http://khaiphong.org    
    
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>