Vũ thọc sâu tay vào túi quần hơn, miệng thằng bé huýt sáo khe khẽ khi
đặt những bước chân hồn nhiên lên mấy tấm ván quen thuộc bắc chênh
vênh, nối liền hai bờ con lạch nhỏ, nước chảy xiết rộn rã. Ý chừng đó là
tiếng lũ cò giấy lao nhao trong chiếc cặp cạc-tông hay tiếng cười nói
thán phục của lũ bạn khi Vũ chúm môi thổi cho bụng cò phồng lên, cổ nó
sẽ nghển lên thế này, hai cánh sẽ xập xòe thế nầy mà Vũ hồi hộp quá đi
mất, cứ như mỗi lẩn nghĩ ra một bài toán mà cậu bé biết không tên nào
làm ra vậy.
Cổng trường kín mít nhưng Vũ thoáng thấy bóng thằng Trung, thằng Tiến lố nhố trong đám đông trước dãy lớp Tiểu học, xe máy lăn kềnh ngổn ngang. Cậu bé phân vân giây lâu rồi bước vòng ra bờ rào phía sau dãy lớp Nhì, lớp Ba, dây tóc tiên mảnh mai xoắn xuýt trên một mảnh rào kẽm, lấm tấm những bông chuông đỏ thắm xô đẩy nhau mọc tránh khoảng rào bẻ cong queo, vừa đủ lối vào cho một tên Tiểu học. Dường như lỗ trống đó còn biểu lộ sự khoan dung của ông Hiệu Trưởng trường làng, ông đã cho sửa từng nền gạch lõm, thay từng mảnh ngói vỡ nhưng không rào lại lỗ hổng đó. Chính một tên trong bọn Vũ có hôm mới vừa chui qua đã gặp ngay ông đang đứng xem xét, sợ điếng người nhưng thật lém lỉnh nên khi nhìn thấy nụ cười nửa hiền từ, nửa chế giễu trên môi ông, thằng bé gập người chào thật sát rồi phóng đi một mạch. Thế nên từ đó, nó nghiễm nhiên thành một lối vào thông dụng nhất và cũng mang một cái tên thật xứng hợp: lỗ Tiểu Học.
Cổng trường kín mít nhưng Vũ thoáng thấy bóng thằng Trung, thằng Tiến lố nhố trong đám đông trước dãy lớp Tiểu học, xe máy lăn kềnh ngổn ngang. Cậu bé phân vân giây lâu rồi bước vòng ra bờ rào phía sau dãy lớp Nhì, lớp Ba, dây tóc tiên mảnh mai xoắn xuýt trên một mảnh rào kẽm, lấm tấm những bông chuông đỏ thắm xô đẩy nhau mọc tránh khoảng rào bẻ cong queo, vừa đủ lối vào cho một tên Tiểu học. Dường như lỗ trống đó còn biểu lộ sự khoan dung của ông Hiệu Trưởng trường làng, ông đã cho sửa từng nền gạch lõm, thay từng mảnh ngói vỡ nhưng không rào lại lỗ hổng đó. Chính một tên trong bọn Vũ có hôm mới vừa chui qua đã gặp ngay ông đang đứng xem xét, sợ điếng người nhưng thật lém lỉnh nên khi nhìn thấy nụ cười nửa hiền từ, nửa chế giễu trên môi ông, thằng bé gập người chào thật sát rồi phóng đi một mạch. Thế nên từ đó, nó nghiễm nhiên thành một lối vào thông dụng nhất và cũng mang một cái tên thật xứng hợp: lỗ Tiểu Học.
Thường thì cách tiện nhất để chui qua lỗ là thảy cặp vào trước rồi mình sẽ “đến” sau, nhưng những con cò quý của Vũ hiện diện với bộ mặt nhăn nhíu trong óc cậu bé làm Vũ suy tính cẩn thận hơn. Chiếc cặp được đẩy vào bên trong nhẹ nhàng rồi thì đến cái dáng bốn chân của Vũ. Hẳn là buồn cười kinh khủng lắm nên vừa làm xong bổn phận, phủi quần, ôm cặp đứng dậy, thằng bé không ngạc nhiên mấy khi chạm phải bộ mặt toét miệng cười của thằng Trung. Nụ cười thật tươi làm Vũ quên béng đi những vất vả, cực nhọc ban nãy. Thằng bé lôi ngay từ trong cặp ra một quyển vở ngăn đầy những con cò giấy được xếp gãy gọn, nhìn Trung như khoe khoang:
– Mẹ tao mới dạy tao làm trưa nầy đó mầy!
Rồi thằng bé tíu tít khoe tài của Mẹ nó. Vừa đảm đương trọn vẹn vai trò người mẹ, vừa cố gắng thay bổn phận người cha, dạy dỗ, khuyến khích để chỉ dẫn, dìu dắt năng khiếu thằng bé, chiếc tàu hai ống khói Vũ đem khoe tuần trước đã chẳng chứng minh điều đó hay sao?
Thằng Trung im lặng nghe nhưng cố lộ vẻ không thèm thán phục chút nào khi mở lời:
– Dễ ợt mà… chắc Ba tao biết…
Vũ càng đắc chí hơn, nó bắt đầu chúm miệng thổi phồng bụng cò rồi đặt lên một cành nhãn cao nhất, lao xao bóng nắng. Cò trắng không biết bay, cò ta đậu một chỗ, nhưng sao dưới mắt Vũ, cò trắng hay quá, đẹp quá, cứ như cò thật vậy: cái cổ thẳng, thẳng tắp, cái bụng no đầy, hai cánh chừng như quạt làm dáng trong mầu nắng nhuộm hồng, mấy lá nhãn cứ cọ vào nhau như xuýt xoa khen ngợi chú cò oai vệ mà chừng như hàm ý tâng bốc cả cái tài khéo léo của thằng bé lớp Ba.
Gió thổi mát rười rượi một khoảnh trán lấm tấm mồ hôi của Vũ mà thằng bé cũng không buồn để ý dùng tay áo quệt cho khô. Nó chỉ nghe có mỗi một luồng gió quấn quýt làm mát dịu trong hồn khi thằng Trung bỏ quên cả vua tự ái của nó để nhón một chú cò trong tay, vụng về kề miệng thổi…
– Ối! Ối! Cò mà đậu cành nhãn tụi bây, lại mà xem nầy, cò thằng Vũ…
Tiếng oang oang muốn vỡ tai của thằng Phục, con ông Hiệu trưởng vang lên lẫn trong tiếng cười ầm ĩ của bọn nhóc lớp Ba làm Vũ đỏ mặt tía tai, gườm gườm quay lại. Tay Vũ nắm chặt lại cọ quậy khó chịu trong túi quần. Phục vẫn nổi tiếng hỗn hào, du côn nhất trường, dãy lớp Ba không ai không biết tên nó, nhưng sở dĩ nó còn được học ở đây là nhờ những vụ can thiệp vừa khéo léo, vừa đầy uy quyền của ông Hiệu Trưởng ; con Hiệu Trưởng mà! Bọn Vũ vẫn bảo nhau vậy. Bản tính Vũ vốn không muốn gây chuyện, không muốn chứ không phải nhu nhược, Mẹ đã chẳng dặn Vũ nhiều lần ngay khi còn học lớp Năm, còn là nai con: “Nhớ nghe Vũ, Mẹ con mình lo nhau thôi, chả có ai”… đó sao. Nhưng sao mặt thằng Phục vênh váo quá, dễ ghét quá, hai cánh mũi a dua nở lên, bóng đầy mồ hôi, đôi môi dầy trề xuống thỉnh thoảng nhe ra những tiếng cười khành khạch thách đố. Máu nóng như dồn cả lên đầu, trĩu đầy từng hơi thở uất ức nặng nề. Vũ quên mất lời Mẹ, quên phăng cả thân hình to con của thằng Phục, quên cả chức vị con ông Hiệu Trưởng, thằng bé lừ lừ tiến tới, gạt phắt cánh tay thằng Trung, thằng Tiến ngăn lại cản trở, tay Vũ cung lại giữ lấy thế thủ. Trước mắt thằng bé, vạn vật đều nhòe nhoẹt hết, chỉ trừ có khuôn mặt bóng đầy mồ hôi của thằng Phục du côn, thằng Phục xiên xỏ. Phải đấm, phải đấm cho vỡ mặt nó ra, Vũ lao cả người tới giữa tiếng hò “Nhào vô! Nhào vô” khoái trá của lũ trẻ vây quanh. Phục ra vẻ kẻ cả đứng ưỡn người chờ đợi nhưng ngay khi Vũ đấm tới, nó gò người xuống, đấm dứ một quả vào bụng Vũ. Lợi dụng lúc thằng bé di chuyển cánh tay để thủ phía bụng Phục nhồi tiếp một quả vào bả vai Vũ. Có tiếng thán phục trong bọn nhỏ: “Judo đó mầy”, có tiếng hỏi vặn “sao mầy biết” trong lúc Vũ loạng choạng giữ lấy thăng bằng. Mặt thằng bé đỏ rực hung dữ như con thú háu mồi, môi dưới hút trong hàm răng cắn chặt. Phục cũng say đánh, giữ thế thủ đàng hoàng hơn. Vũ co tay nhào tới ra vẻ như đấm vào mặt Phục như ban nãy, nhưng khi Phục mới gạt tay lên đỡ thì thật bất ngờ, Vũ tung chân phải hất cằm Phục bật lên giữa khuôn mặt nhăn nhó đau đớn của thằng bé…
– Thưa thầy Hiệu Trưởng, ở đây có đánh lộn đó ạ.
– Thằng Vũ lớp Ba với…
Bọn trẻ vẹt ra nhường lối đi cho thầy Hiệu Trưởng. Những tiếng nói loáng thoáng vẻ nể nang của bọn nhóc làm Phục và Vũ dừng tay lại. Với vẻ uy nghiêm, thầy liếc mắt nhìn Phục, sau đến Vũ rồi gọi cả hai theo sau. Vũ không phải phập phồng đoán những hình phạt đến với mình lâu, vì khi đến cửa văn phòng, đối diện với phòng giáo sư, thầy Hiệu Trưởng đã từ tốn:
– Vũ, quỳ xuống đây.
Rồi gọi Phục đi theo, ông tiến vào trong văn phòng như đã quên thằng bé vừa quỳ xuống với chua xót dâng lên, với bao hình ảnh ngập đầy trong hồn. Vũ mang máng nhớ con cò trắng đậu trên cành nhãn, Mẹ hiền với bếp lửa khói um, thằng Trung với cánh môi chúm lại, đôi má căng tròn quả na, thầy Hiệu Trưởng khả kính. Dường như có một lúc nó thoáng cay đắng so sánh tình cha con vượt hơn cả tình thầy trò khi lẩn thẩn định tội của hai đứa, tội của Phục chỉ hơn hoặc bằng tội Vũ chứ không kém. Cũng có một lúc Vũ chới với khi thấy một trống vắng nào đó: Vũ không có Ba, sao thế nhỉ? Mẹ không hề nhắc nguyên do đó với Vũ. Vũ chỉ biết có một hôm người ta bỏ Ba vào khúc gỗ thật đẹp, hàn lại. Cũng từ đó, Ba dễ dãi hơn, mỗi lần Vũ nói, Vũ hỏi, Vũ tại sao, Ba chỉ ở trên bàn thờ, nhìn Vũ cười nhẹ, cười hoài. Vũ hỏi Mẹ, Mẹ khóc mà không nói. Vũ không dám hỏi, Vũ đoán chắc có chuyện gì trọng đại nên từ đó Vũ ít thỏ thẻ với Ba nữa. Vũ nghi đó là Ba giả, Ba thật của Vũ trốn ở đâu đấy, cứ như thằng Tiến vẫn hay làm “ma Tiến” nhát Vũ khi đến lớp học sớm vậy.
Vậy mà thằng Phục du côn có Ba. Không biết nó có thấy sướng không nhỉ, nhất là Ba thật nữa. Chắc là phải sướng rồi, như hồi Vũ chưa có Ba giả vậy. Ba giỏi Pháp văn kinh, cứ cắt nghĩa truyện Pháp cho Vũ nghe hoài. Mỗi lần dạy học về, Ba mặc áo sơ mi trắng, ngắn tay, đeo kính trắng. Hai cha con rủ nhau ra bờ sông sau nhà để hóng gió hoặc nhảy lò cò với Vũ, Ba cứ gạch ô to làm Vũ nhảy không nổi, bắt Ba vẽ lại. Có hôm Ba còn đem cả sách Pháp văn dạy Vũ học… Thế mà… Vũ nghi chỉ có mình Mẹ biết được sự bí mật đó, thế nào Vũ cũng hỏi.
– Vũ, sao đấy? Lại nghịch phải không?
Giọng thầy Pháp văn thật hiền từ. Vũ ngước lên, muốn khóc ghê vậy đó. Vũ lắp bắp:
– Dạ… tại thằng Phục… nó chọc con trước…
Nghe đến tên Phục, thầy à một tiếng như hiểu ra rồi bước vào văn phòng. Tiếng nói chuyện xào xạc vẳng ra như lẫn trong tiếng nhánh cây khô chuyển mình trên cây trứng cá ngay lối Vũ quỳ bước ra sân. Đầu gối Vũ bắt đầu tê cứng lại như chằng chịt những sợi gân máu đông đặc. Cánh cửa phòng vang lên ken két khi mở ra cho một người tiến ra làm Vũ thấp thỏm quá.
– Thầy xin tha rồi đó, Vũ ạ, về lớp đi…
Vũ lót tót theo sau thầy khi chuông trường vừa rền đổ. Thằng bé hớn hở giành ôm lấy xấp giấy Pháp văn bài thi trong tay thầy. Tuổi thơ là thế đó: giận, hờn, là mây, là khói, niềm vui là gió, gió lốc lướt trên những cọng cỏ ưu phiền, gió cũng cắt vụn vầng mây, sợi khói thành những mảnh nhỏ, kìm giữ trong đáy trời tâm tư.
Bọn trẻ trong lớp định nhào lại Vũ thăm hỏi nguyên do vẻ mặt vui tươi của thằng bé nhưng thầy đã bước vào lớp, xấp giấy Pháp văn xếp trên góc bàn như gói trong những tia nhìn lo lắng, hồi hộp của bọn nhỏ lớp Ba. Chúng thôi không hỏi han Vũ mà tất cả khoanh tròn tay chờ đợi khi tờ giấy đầu tiên được bốc lên.
Vài cái nhìn thăm dò ném về Tiến ngồi cạnh Vũ rồi có đứa xuýt xoa:
– Đúng là bài thằng Tiến rồi… lần nào cũng nhất!…
Tim Vũ se thắt, trên kia giọng thầy sang sảng:
– Tiến 18, nhất, khá. Chánh, Tâm 16 – cố gắng hơn…
Mặt Vũ muốn nhòa đi, thằng Tiến bên cạnh cố gắng giấu nỗi vui mừng trong dáng ngồi im lặng như pho tượng nhưng nhìn đôi má đỏ bừng, mắt sáng ngời của nó, hai chân lúc la lúc lắc không ngừng, người ta cũng đoán ngay được giòng thác hân hoan đang reo đổ trong hồn thằng bé. Trên bục gỗ, thầy vẫn tiếp tục:
– Phước 14, Vũ 12… phải cố gắng nhiều hơn để bằng các môn kia, Vũ ạ.
Vũ nhìn thấy được giọt mồ hôi lăn từ trán rơi xuống tay, hơi thở nãy giờ bị phong tỏa được thả ra từng hơi dài, nặng nề. Tiếng thằng Chánh từ bàn trên quay xuống:
– Mày có “học” ai thêm Pháp văn hông mà lần nào cũng nhất vậy Tiến?
Thằng Tiến trả lời rụt rè:
– Đôi khi… Ba tao rảnh… Ba tao dạy…
Chao ôi! Lại Ba, Ba! Ba là gì mà ai cũng nương tựa được cả vậy? Ba che chở cho con khỏi bị đòn, bị phạt, Ba dạy con giỏi Pháp văn. Nếu Ba thật còn chắc con sẽ giỏi Pháp văn nhất lớp. Ba học giỏi, Mẹ vẫn nói thế để con Ba rán học bằng Ba. Ba đi đâu mất để chỉ còn Ba giả, ngày ngày nhìn con mà chẳng nói năng chi, con thưa Mẹ rồi rồi thưa Ba đi học cũng chẳng được xoa đầu khen ngoan như xưa. Và Mẹ, Mẹ lại nhìn con bằng đôi mắt rưng rưng, con không dám hỏi, cũng không dám nhìn, chỉ cắm đầu chạy một mạch tới lớp để thờ thẫn nhìn Ba qua dáng dấp thầy lớp Ba. Thầy cũng mang kính hay mặc áo sơ mi ngắn tay, mỗi lần thầy cười, thầy che chở cho con, con muốn khóc vì nhớ Ba thật quá. Thầy, thầy giống Ba thật của con ghê vậy đó. Con mến thầy là vì thế, mà… mà có bao giờ con giỏi được Pháp văn đâu. Như bây giờ chả hạn, con muốn bỏ học để đi kiếm Ba, bao giờ tìm được, con sẽ bắt Ba hứa không làm Ba giả nữa rồi xin lỗi thầy để vào buổi học, nha Ba!…
Vũ gục đầu xuống bàn, nghe con tim bé nhỏ của mình nức nở liên hồi từng cung bậc xót xa.
*
Bà mẹ dừng ngay mũi kim đầu khi nghe được câu hỏi của con. Dưới ánh
đèn điện lờ mờ, bà nhìn rõ cặp môi mím chặt rung rung nhưng đôi mắt sáng
quắc lạ thường của thằng bé. Hồn nó đã bắt đầu có những tại sao khó trả
lời. Khó trả lời chứ không phải không trả lời được. Để giữ vẻ điềm
tĩnh, bà bắt đầu luồn những mũi kim trên ngực áo đang thêu, dưới ánh đèn
lấp lóe, chiếc kim vùng vẫy trên nền vải trắng như một con rồng bạc, bé
xíu lẫn trong những cụm mây trắng. Bà thoáng nhớ đến mầu mây thật
trắng, thật trắng ở bên kia sông sau nhà, một khoảnh đất, một vùng trời
xa lạ đối với người bờ bên nầy vì lòng sông rộng ngút mắt. Nếu không có
nước, nó sẽ là một dải đất bát ngát chen giữa hai khoảng đất. Chính vì
sự bao la của con sông mà bao nhiêu chuyện hoang đường đã được dựng lên ở
bên kia, những chiếc thuyền con ra đi không về, những thần, những
thánh. Bà cũng nghĩ đến một nguyên do thần thoại để giữ sự tồn tại vững
chắc của người cha trong hồn cậu bé, khi chưa đủ tuổi lớn, khi còn phải
tự hào về sự hiện diện của mẹ cha. Sau cùng, bà thong thả hỏi:
– Thế con có nghĩ rằng Ba thật đi đâu không?
Vũ bối rối kiểm điểm lại ý tưởng, quả tình nó chỉ phân biệt Ba thật với Ba giả, chứ không hề cho là Ba nó đi đâu. Vả lại nó cũng biết ý nghĩ mình quá non nớt, ngay khi trình bày sự so sánh về Ba thật và Ba giả, nó đã thấy không vững vì nụ cười của Mẹ lúc ấy mang nhiều vẻ thương hại hơn gượng gạo bằng đôi mắt nhương nhướng ngạc nhiên mà miệng lại nở nụ cười. Vũ đáp trong băn khoăn:
– Con chỉ nghĩ Ba thật đã đi xa thôi…
Nụ cười người mẹ mang đầy nét tin tưởng:
– À! Con sai rồi nhé… ra đây theo Mẹ…
Bà mở toang cánh cửa sổ sau nhà trong lúc thằng bé rụt rè đi theo rồi một tay đặt chiếc áo thêu lên bàn, một tay bế xốc thằng bé lên thành cửa sổ, bà chỉ qua bờ sông loáng thoáng bên kia ; giọng bà chắc chắn:
– Ba con ở bên kia sông đó!…
Vũ sửng sốt giây lâu, thật tình nó không bao giờ nghĩ Ba nó ở bên ấy bao giờ, cậu bé chỉ biết nhìn lấy nhìn để. Trời lúc ấy chưa tối hẳn, hãy còn những áng mây dâng lên từ những tia mặt trời sau cùng như những cánh phượng hồng đẹp tuyệt vời. Với mầu nắng phơn phớt khoanh đất ấy – đối với Vũ – có một cái gì hay không thể tả với những đám sậy, dứa ẻo lả đưa lên như những mũi mác mềm mại, những bàn chông êm ái. Nhưng đặc biệt hơn cả phải kể cây gòn độc nhất trơ những cành thẳng tắp, lủng lẳng những quả gòn khô cứng vỏ, há hoác miệng để những mảnh gòn phấp phới bay trông thật buồn. Mãi đến lúc đó, Vũ mới thấy có quá nhiều câu hỏi để chất vấn Mẹ, thằng bé bộp chộp:
– Nhưng sao Ba không nói với con gì cả vậy? Sao Ba phải vào nằm trong đó mới qua bên ấy được hở Mẹ?
Dĩ nhiên bà mẹ giải đáp thật hữu lý:
– Tại lúc đó con còn nhỏ nữa kìa, Ba sợ con không hiểu… Ba năm rồi, con nhớ không…
Lặng im giây lâu, tiếng bà bùi ngùi:
– Tại Ba sợ mệt khi qua sông lớn nên phải nhờ người ta đặt nằm trong đấy đấy con ạ.
Vũ cũng không dừng thắc mắc:
– Rồi qua bển có mình Ba, làm sao Ba sống?
Người mẹ vẫn giữ thái độ vững chắc:
– Ấy! Có người ở chứ, Ba qua bên ấy sướng lắm, như ông vua vậy…
Vũ chợt nhớ đến những lâu đài, cung điện trong cổ tích, cậu bé reo lên:
– À con biết rồi, thế thì Ba sướng lắm…
Bà mẹ như chặn trước ý nghĩ của con:
– Chừng nào Ba bớt công việc, Ba sẽ về rước Mẹ con mình qua ở đó hoài…
Hình như giọng của Mẹ có ướt nước mắt. Vũ quay nhìn Mẹ, mắt Mẹ như có một vũ trụ bao la, bí mật nấp bên trong, mắt Mẹ ảo não như những mảnh bông gòn ưu phiền từ bên kia sông đã bay qua phủ lên mặt Mẹ màn sương ấy. Ray rứt bởi ý nghĩ đã hỏi một việc mà Mẹ không muốn trả lời, Vũ ôm choàng lấy Mẹ, vòng tay Mẹ thật bao dung để bao giờ Vũ cũng có cảm giác bé bỏng trong Mẹ. Má Vũ áp vào má người mẹ, cậu nghe được những nếp nhăn trên mắt Mẹ đang rạn lại dưới má mà dường như có ươn ướt lệ. Giọng Vũ miên man:
– Mẹ à, qua bên ấy có Ba, không ai dám bắt nạt Vũ, không ai giỏi Pháp văn hơn Vũ, Vũ học thật giỏi để nuôi Ba, Mẹ. Ba khỏi phải làm việc mệt, Mẹ khỏi phải lãnh áo thêu kiếm tiền, ai cũng biết Vũ có Ba, ba thật của Vũ…
*
– Đố Mẹ, con muốn nắn con gì nè?
Nheo mắt nhìn mảnh đất sét loay hoay trong tay Vũ, Mẹ Vũ làm như muốn bật cười thành tiếng:
– Giời ơi, làm sao Mẹ biết được?
Thằng bé thích thú:
– Con sẽ nắn con chiên con Mẹ ạ, con mới học được tiếng Pháp con đó, con sẽ viết chữ l’agneau dưới bụng chiên rồi đố thằng Tiến, khi nào nó không biết, con lật bụng chiên lên cho nó coi… chắc nó chẳng biết đâu…
Trong khi Vũ thực hiện ý định của nó bằng cách ngắt những mẩu đất sét nhỏ xíu vo tròn làm chân chiên thì người mẹ ngấm ngầm thở dài. Thằng bé say mê học tập đến nỗi ý nghĩ ganh đua biểu lộ ngay cả trong hành động. Thế mà bà không biết, đúng hơn là không dám nghĩ rằng tương lai thằng bé sẽ được đảm bảo chắc chắn dù bà đã cố gắng hết khả năng mình. Chiếc hộp tiền còn những mảnh bạc lẻ, những lon gạo đong từng bữa một đó là hình ảnh sợi chỉ mà mũi kim là hình ảnh ngày tháng. Thoăn qua thoắt lại bao nhiêu nữa cũng phải dừng kim khi khoảng thời gian chỉ còn quá ngắn trong tay. Ôi! Biết bà có đủ sức nối thêm sợi chỉ khác hay chăng?
– Mẹ ạ, con xuống chợ bây giờ được chưa?
Dù đang buồn, bà cũng xuýt bật cười khi nhìn giọt mồ hôi lấm tấm trên trán Vũ và mẩu đất sét hình thù quá ư kỳ cục kia; bà giả vờ không hiểu:
– Con làm con chiên xong chưa?
Thằng bé uốn mình mệt mỏi:
– Khó quá Mẹ à, thôi để con đố miệng thằng Tiến vậy… còn phải đi chợ…
Người mẹ như chợt nhớ đến công việc ; bà sắp xếp những chiếc áo vừa thêu xong vung vãi trên ván. Lời bà trĩu nặng ân cần:
– Con ghé bác Tư đem lố áo nầy dùm Mẹ…
Mắt thằng bé lóe lên những tia nghịch ngợm khi nhìn gói giấy trao từ tay Mẹ:
– Nếu bác Tư “tính sổ” thì khỏi mua hột vịt với rau nha Mẹ, mình mua hột gà với thịt về nấu cháo…
Bà mẹ trừng mắt định mắng yêu con nhưng thằng bé đã vừa bước ra cửa vừa làm như thèm thuồng:
– Trời ơi! Mẹ nấu cháo mà, khỏi chê!…
Bà có một nụ cười dễ dãi:
– Ừ, lẹ lên cậu, nhớ coi chừng xe, đừng qua đường ẩu, Mẹ không hối…
Thằng bé cười cười rồi cắm đầu, rảo bước. Chiếc bóng bé xíu mà cố làm ra vẻ chững chạc đã như bao lần, lần nầy cũng làm người mẹ nhìn theo và thoáng thấy se lòng.
Riêng Vũ thì thằng bé đã nuốt nước miếng ứ đầy miệng ngay khi mới nhắc tới nồi cháo thịt của buổi cơm chiều. Ngon phải biết nhé: ngò thơm nầy, thịt heo bầm ngọt lịm này, tiêu vừa đủ cay này, nhất là lòng đỏ hột gà phải độc quyền Vũ đấy nhé. Chao ôi! Cứ nghĩ đến lúc Mẹ múc từng thìa cháo cho vào bát từ chiếc nồi bốc khói, thơm nghi ngút cho đến lúc Vũ kề chiếc thìa lên môi mà Vũ muốn… chết quá đi mất, chết từ đây đến chợ thôi, trừ lúc về nhà.
– Ê! Vũ! Mầy đi đâu vậy?
Tiếng xe máy lăn rào rạo trên mặt đường dừng lại bên Vũ, nụ cười rạng rỡ nở tươi trên khuôn mặt đen sậm như cháy khét vì nắng của thằng bé ; Vũ hơi bỡ ngỡ nhận diện rồi cũng cười theo:
– Đi “tính sổ” mầy!
Trong lúc Vũ như đã quen thuộc thót lên chễm chệ ở yên sau thì thằng Tiến đã vỗ tay vào túi áo – thói quen của thằng bé – nói với vẻ vừa trịnh trọng vừa chia vui:
– Thế thì chiều nay tha hồ ăn ngon nhé, mầy dặn món gì rồi?
Vũ như được khơi trúng chỗ khoái, thằng bé ba hoa, mời mọc:
– Ừ, món cháo thịt đó mầy… chiều nay lại ăn nhé? Phải lại à nha…
Chiếc xe nặng nề lăn đi gập ghềnh trên khoảng đường cao vút lau sậy, bác nắng dịu bớt và gió thổi phần phật như pha thêm ý nhị vào câu chuyện ròn tan giữa hai đứa bé.
Như trạm dừng của một chuyến xe lửa lý tưởng khởi hành theo một lộ trình quá ngắn, để những người xuống trạm phải luyến tiếc nhìn theo chuyến xe, thì Vũ phải là một trong những người đó. Dù chiếc xe đạp của Tiến không lý tưởng, lộ trình là một lối đi đầy ổ gà giăng bẫy nhưng thằng bé vẫn thấy luyến tiếc rất nhiều, rất nhiều khi ôm gói đồ kềnh càng xuống xe, lủi thủi vào hẻm chợ giữa khoảng đèn sáng tối rình rập lối đi. Thằng bé chợt nghe lòng dậy lên âm thầm một nỗi niềm nhớ nhớ thương thương. Chắc chả bao giờ nó quên được thằng Tiến thật thà, dễ thương, thằng Trung có nụ cười thật tươi mà cũng thật lém lỉnh và một lũ bạn liến khỉ vây tròn quá khứ ấu thơ mà từng tiếng reo, từng cử chỉ như nấp trong mỗi ngăn tim của Vũ. Mắt thằng bé hướng lên những sạp bán đang vội vã kéo sập khung cửa sắt sửa soạn về và nỗi lo đã thật sự thành hình khi Vũ chạm phải khung cửa sắt im ỉm kín nơi gần cuối dãy chợ, bên phải.
Chắc chẳng ai biết những bước chân như đã được nẹp vào móng sắt của Vũ nặng nề đến đâu, nó kéo lê thê những tư tưởng bất định trong óc Vũ như chặng đường vất vả về nhà. Sậy lau bỗng reo buồn hơn, gió như có tiếng thở dài của Vũ và bác nắng quái ác đã muốn khép nét môi cười từ dưới chân trời. Thằng bé càng ủ rũ bởi nồi cháo ngậy mùi thơm vừa dậy lên bên bếp hồng tưởng tượng không còn trong ý tưởng trong suốt pha lê cậu bé, đã có những mũi gai chơm chởm vô hình xoi buốt dạ dày mọc từ đáy hồn thủy tinh.
Quả thật Vũ không muốn về ngay nhà, cậu bé đã dừng thật lâu ở ngã rẽ bên tường nhà ông Hiệu Trưởng cao nghều nghệu. Thoắt nhớ đến Phục, Vũ định bước đi nhưng đã có tiếng sùy sùy bên trong và tiếng cười khanh khách, đúng là của Phục nơi cổng rào vừa hé ra.
– Tô Tô ra đi, gặp đứa nào ngoạm đứa nấy, bữa nay tao cho phép.
Con chó bẹc-giê chồm lên gừ gầm những tiếng trong cổ họng, những chiếc răng trắng nhởn nhe ra chơm chởm như muốn cắn phập lên chiếc lưỡi hổn hển. Vũ cau mày đứng thủ thế nhưng tiếng mắc xích mở ra làm cậu bé biết không ổn. Vũ chỉ kịp nhìn thấy con chó chồm lên là quay mình bỏ chạy.
Vũ chạy mãi, chạy mãi, nỗi uất ức như thắt lại từng hơi thở. Có một lúc cậu bé muốn dừng lại khóc mặc ai nhìn thì nhìn, nhưng Vũ lại nhớ đến Mẹ, đến câu trả lời sắp sẵn: “Mẹ ạ, sạp bác Tư đóng cửa, con chỉ mua rau và trứng thôi”, chắc Mẹ sẽ buồn hơn trăm lần, Mẹ sẽ… Vũ không dám nghĩ, cậu bé muốn nuốt cả nước mắt xuống cổ. Cứ điểm yêu thương đây rồi. Vũ áp má vào cửa, muốn nín khóc nhưng nước mắt bắt đầu ràn rụa, Vũ đưa tay quệt ngang. Có tiếng loáng thoáng bên trong, nghẹn ngào – của Mẹ Vũ:
– … Vâng, bà để áo lại đây, tôi sẽ sửa lại ạ…
Tiếng khách lạ vừa ngọt, vừa mai mỉa:
– … Thật ra tại ở đây may áo cô quen nên tôi mới nhờ cô sửa lại cho vừa ý, chứ mấy nơi khác…
Mẹ vẫn mềm mỏng:
– Vâng, tôi sẽ sửa vừa ý bà, bà yên tâm…
Bà khách còn thêm mấy câu rồi bước ra cửa. Vũ lùi lại chờ người khách bước ra để khi chỉ còn hai mẹ con, đôi mắt có nghìn nốt sao vỡ của Vũ chạm phải ánh nhìn êm ái mà muộn phiền của Mẹ, Vũ muốn mình được mềm đi, được rã ra trong ánh mắt ấy, để đừng phải nói những chuyện buồn vừa qua, để đừng bắt phải biết Mẹ đang nghĩ gì, để đừng nhớ, đừng nhớ dù một trong trăm mũi kim châm cắm khít khao trong tim.
Bàn tay Mẹ chợt đặt trên vai Vũ ; giọng bà âm thầm:
– Vũ, con có thương Mẹ không?
Biết nói làm sao để diễn tả đây, cậu bé loay hoay tìm cách diễn tả, có lúc cậu bé định nói: “Con ghét Phục bao nhiêu là con thương Mẹ bấy nhiêu”, nhưng so sánh với sự ghét như thế tình thương còn có vẻ tương đối quá. Sau cùng cậu bé im lặng, có lẽ đó là cách trả lời hay nhất. Mẹ thiết tha:
– Mẹ biết cả, Mẹ hiểu cả, con không phải nói Mẹ cũng đoán được những gì xảy ra như con cũng đã đoán được những gì xảy ra cho Mẹ, Mẹ đủ sức chịu đựng. Thế thì từ nay con đừng làm Mẹ buồn vì phải thấy con buồn nữa nghe không Vũ?
Vũ muốn ôm Mẹ nói: “Mẹ ơi, con xin hứa với Mẹ, không phải như những lần hứa dối thuở nhỏ mà sẽ thành thật nhất trong một lần nầy… Nhưng giọng Vũ muốn tắt hẳn đi, mắt lệ hoen mờ. Bàn tay cậu bé vuốt ve những đốt khẳng khiu trên tay Mẹ như để thay thế cho một phân trần nào đó rồi lũ lượt sau nữa là những hoài niệm quá khứ. Vòng tay Mẹ chợt nới lỏng như khuyến khích và Vũ lao ra sân như một thúc đẩy vô hình.
Vũ đi, đi mãi, những giồng cỏ gai cày sướt bàn chân, những đám dứa san sát bên mình, gió thoái thốc, lồng lộng, mảnh đất quê chìa ra từng vuông nhỏ dưới mầu trời đen sẫm bao la. Vũ, Vũ đứng một mình ở đây, Mẹ sẽ nghĩ Vũ đi để quên. Rồi tất cả sẽ nhạt nhòa khi Vũ trở về hay lắm nữa là quên cả ở sáng hôm sau, sau giấc ngủ dài nhưng Vũ không quên gì cả. Không quên được một lần quỳ thấm thía ở phòng Hiệu Trưởng, không quên được nồi cháo ngon của tưởng tượng, lời mời tội nghiệp với thằng Tiến, không quên được khu chợ với ô đèn nhấp nhô như những lỗ châu mai, không quên con Tô Tô thằng Phục chồm lên nhe răng chơm chởm, không quên cánh cửa sắt đóng im ỉm như lời từ chối vụng về, không quên được những lời the thé của người khách lạ, như không quên được thân phận của Mẹ với Vũ.
Bầu trời như phẳng và rộng hơn, tiếng Ba trong Vũ vừa nức lên chợt nhẩy múa reo hò trong tiếng reo của lau sậy. Nó nhấp nháy thành hình bởi sự ráp nối các vì sao trên trời rồi run rẩy nhưng vẫn còn nguyên vẹn hình dáng ở vực nước dưới kia. Ba ơi Ba, Ba ở bên kia sông, Ba giàu, sao Ba không gọi Vũ, không gọi Mẹ qua ở. Nãy giờ Vũ nói, Vũ thì thầm những gì Ba có hay không. Ba ơi Ba, Ba là gì mà ai có Ba cũng đều sướng như thằng Phục thằng Tiến. Vũ muốn nhắc tới sự hiện diện của Ba, của Ba thật như nhắc đến một ân huệ lớn lao của đời sống mà không còn Ba, làm sao nhắc, làm sao nói. Nầy dứa, nầy sậy bên kia sông, có nghe Vũ nói không? Dứa sậy có mất Ba không, dứa sậy buồn thế nào thì Vũ buồn thế ấy, hãy nói lại Ba Vũ, có Vũ đứng chờ bên nầy sông, sắp tìm sang Ba, Ba nhớ đón. Không hiểu Ba Vũ có biết Vũ đang đứng bên đây và gào ba không?
Linh Hương
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 132, ra ngày 1-7-1970)
Bìa của Vi Vi : Mầm sống |
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.